Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương I - Phần 06 - 07

Phần 6: Sự mạo hiểm đúng mức cần được cổ vũ

Không trải qua vô số lần mạo hiểm, nhân loại không thể từ hình thức sống nguyên thủy ăn tươi nuốt sống tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại, ngồi phòng lạnh, thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê như hiện nay.

Mạo hiểm gắn liền với sự trưởng thành của tôi, thử nghĩ xem nếu không có ba lần mạo hiểm bỏ trốn thì một người chỉ đi học sáu năm như tôi làm sao có được ngày hôm nay?

Mạo hiểm thực chất là một trạng thái tâm lí tích cực, là tinh thần can đảm đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống. Trong cuộc sống, những người dám mạo hiểm chắc chắn là những người tự tin, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Một người có tri thức, chưa chắc có thể đi xa; nhưng một người tự tin và có tinh thần mạo hiểm, thì có thể đi khắp chốn.

Giáo dục gia đình với phương châm là bảo vệ, truyền thụ, dạy bảo khuyên răn có từ rất lâu đời. Biểu hiện cụ thể của phương pháp giáo dục này khác nhau, nhưng nói chung đều có xu hướng chung là bao bọc trẻ quá mức. Có một ví dụ tiêu biểu như sau: Trẻ con Mĩ rất thích trò trượt băng, hình ảnh những đứa trẻ trượt băng va vào nhau trên vỉa hè, trên quảng trường, trên các bậc thềm cao khiến người lớn rất lo ngại về sự an toàn của chúng. Điều thú vị là trong số đó, có rất ít những đứa trẻ mang dòng máu Trung Quốc. Tại sao vậy? Trượt băng đâu thể làm khó những đứa trẻ Trung Quốc, nhưng trò chơi này cần lòng dũng cảm, bởi nó có tính nguy hiểm nhất định. Đối với những đứa trẻ Trung Quốc đây là một thử thách. Suy cho cùng là do ý thức truyền thống, rất nhiều người cha người mẹ Trung Quốc cho rằng trò chơi này quá mạo hiểm, rất dễ ngã gãy chân tay, nên không khuyến khích trẻ tham gia. Tuy trò chơi này là một thử thách để rèn luyện tinh thần dũng cảm của trẻ, nhưng người cha người mẹ Trung Quốc cho rằng nó không đáng, vì không an toàn. Cách nghĩ của họ đã ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, khiến trẻ chùn bước, không muốn tham gia.

Bảo vệ thân thể quá mức sẽ dẫn đến sự nhút nhát trong tính cách của trẻ. Sự tổn hại đến nhân cách nghiêm trọng hơn rất nhiều so với những vết thương ngoài da. Vết thương ngoài da sẽ khỏi, nhưng tính cách yếu đuối thì không thể thay đổi trong một sớm một chiều được. Đương nhiên người lớn không thể tùy tiện khuyến khích trẻ mạo hiểm, mà cần có giới hạn. Các bậc phụ huynh hãy khuyến khích con mình tích cực tham gia vào những môn thể thao có tính thử thách, bồi dưỡng lòng dũng cảm, sự tự tin và tinh thần mạo hiểm, điều này rất có ích cho sự phát triển sau này của trẻ.

Thành công và mạo hiểm luôn đi liền với nhau, những gì đạt được là kết quả của sự dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm.

Đại đa số chúng ta đều không dám mạo hiểm, bởi xã hội vẫn chưa có cái nhìn khoan dung đối với sự thất bại. Mạo hiểm thành công khiến người khác ghen tị, mạo hiểm thất bại khiến người khác chê cười, đây là hiện thực tàn khốc.

Không trải qua vô số lần mạo hiểm, nhân loại không thể từ hình thức sống nguyên thủy ăn tươi nuốt sống tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại, ngồi trong phòng lạnh, thưởng thức hương vị đậm đà của cà phê như hiện nay.

Tục ngữ có câu: “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Những người cẩn thận quá sẽ không làm được việc lớn. Trong sự nghiệp, trong kinh doanh buôn bán, nếu không mạo hiểm thì không thể có thành quả lớn.

Một loạt các phát kiến của nhân loại như: Sự chuyển động quay của các thiên thể của Copernicus(*), mô hình kết cấu nguyên tử của Rutherford(**), sự phát hiện và khai hoang lục địa mới... đều bắt nguồn từ sự mạo hiểm.

(*) Nicolaus Copernicus (1473-1543) là một nhà thiên văn học người Ba Lan. Ông nổi tiếng với sự phát triển thuyết nhật tâm (mặt trời nằm ở trung tâm của vũ trụ) của mình, đây được coi là giả thuyết khoa học quan trọng nhất trong lịch sử. Nó đã đánh dấu bước chuyển sang thiên văn học hiện đại và từ đó là khoa học hiện đại, khuyến khích các nhà thiên văn trẻ, các nhà khoa học và các học giả có thái độ hoài nghi với những giáo điều đã tồn tại từ trước.

(**) Ernest Rutherford (1871-1937) là một nhà vật lí người New Zealand hoạt động trong lĩnh vực phóng xạ và cấu tạo nguyên tử. Ông được coi là “cha đẻ” của ngành vật lí hạt nhân.

Con tôm hùm lột xác là để có một chiếc vỏ bảo vệ vững chắc hơn. Một người cả ngày sống dưới bóng của người khác sẽ bị hạn chế sự phát triển của bản thân mình. Không muốn mạo hiểm và tốn thời gian vào việc đi tìm nơi ẩn náu, thì vĩnh viễn chỉ có thể là một con cua kí sinh mà thôi.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Động viên để trẻ tự tin

Chúng ta nên thường xuyên động viên trẻ: “Con thật cừ; con rất khỏe; con có thể làm được một số việc đấy”. Đặc biệt là khi trẻ thử những thứ mới, dù biết con sẽ không thành công nhưng những người cha cũng đừng quên cổ vũ trẻ.

Cổ vũ trẻ mạo hiểm không đồng nghĩa với việc để trẻ làm liều. Với những người thành công, tiền đề của sự mạo hiểm chính là hiểu rõ khả năng thành công. Trước khi quyết định mạo hiểm, họ không hỏi tỉ lệ thành công, mà luôn hỏi tỉ lệ thất bại. Với họ, không có thứ gọi là mạo hiểm mù quáng, bởi đặt cược càng nhiều, tổn thất càng lớn, khoảng cách đến thành công càng xa.

Trước khi trẻ bước những bước đi đầu tiên, hãy giúp trẻ suy xét kĩ tình hình. Lòng tin là quan trọng, nhưng thành công lại dựa vào kế hoạch. Khi trẻ có kế hoạch mạo hiểm, bạn nên hỏi trẻ: “Tình huống nào sẽ xảy ra sai sót? Cần chuẩn bị những gì để tránh những sai sót? Khi kế hoạch thất bại, tình huống xấu nhất có thể xảy ra là gì?”. Nếu bạn cho trẻ cơ hội nói với bạn quyết định thực hiện bước đầu tiên của trẻ, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Chờ đợi mù quáng đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội thành công, chỉ cần bạn học được cách mạo hiểm đúng lúc và chịu khó suy nghĩ, thành công sẽ đến với bạn!

2. Để trẻ tự làm

Nửa thế kỉ trước, Đào Hành Tri(*) đã chỉ ra rằng: Sự kì diệu trong giáo dục trẻ nằm ở chỗ tin tưởng và giải phóng trẻ. Chúng ta cũng có thể khái quát câu này thành “tán thưởng và tin tưởng trẻ”. Người làm cha không nên hỏi: “Con làm được không?”, hoặc nói: “Việc này con không làm được, đợi khi nào con lớn đã”. Bởi những câu nói như vậy rất dễ hủy hoại sự tự tin của trẻ, khiến trẻ nghi ngờ về khả năng của mình. Khi trẻ hào hứng làm một việc gì đó, ngoài đảm bảo an toàn, các ông bố bà mẹ hãy cho trẻ một không gian tự do thoải mái để trẻ tự do phát huy, dũng cảm làm những việc mà trẻ muốn.

(*) Đào Hành Tri (1891-1946), người huyện Thiệp tỉnh An Huy. Ông là một chiến sĩ yêu nước vĩ đại, đồng thời là nhà tư tưởng, nhà giáo dục lớn của Trung Quốc.

Tôi luôn có ý thức cho con tôi cơ hội tự lập, nhiều khi còn bị bạn bè cho là “mạo hiểm”. Trong bài văn Chuyến đi bằng tàu hỏa trong tác phẩm Niềm vui của Phạm Khương Quốc Nhất, con tôi đã viết:

Để rèn cho tôi khả năng tự lập, khi tôi 7 tuổi, 8 tuổi và 10 tuổi, cha đã cho tôi cơ hội tự đi xe buýt, xe ô tô đường dài và đi máy bay. Sau 10 tuổi, tôi có thể đi chơi bằng tàu hỏa.

Tiết Thanh minh năm 2009, vì bận việc nên cha không thể về quê cúng tổ, thế là nhiệm vụ vinh quang và khó khăn này được giao cho tôi. Tôi cũng bắt đầu một sự thử nghiệm mới với chuyến đi này.

Buổi sáng ngày 2 tháng 4, tôi bắt xe buýt số 275 đến ga Trường Xuân, rồi cùng đoàn người đi vào nơi soát vé. Sau khi người soát vé cắt cuống vé, cuộc hành trình của tôi bắt đầu.

Kế hoạch ban đầu là tôi tự về nhưng giữa đường tôi lại gặp ông Bảy cũng về quê cúng tổ. Vậy là kế hoạch tự đi tàu hỏa về nội của tôi đã tan vỡ, không còn cách nào khác, đành phải chờ chuyến quay lại.

Sau khi hoàn thành mọi công việc cúng tổ, theo kế hoạch ngày 4 tháng 4 tôi sẽ trở lại Trường Xuân.

Sáng sớm hôm đó, khi tôi vẫn đang chập chờn trong những giấc mơ, thì láng máng nghe thấy bà nội nói với ông Bảy: “Cảnh Tài (tên của ông Bảy), tôi thật sự không yên tâm, ga tàu đông đúc như vậy, loại người nào cũng có, nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Hay là ông đưa cháu ra ga”. Nghe thấy câu này tôi lập tức hiểu ra nội đang nói đến tôi.

“Không cần đưa con ra ga đâu ạ!”. Tôi lơ mơ thét lên. “Cháu còn nhỏ, liệu có đi được không?”, ông Bảy hỏi tôi. Tôi có chút không đồng tình, nói: “Còn nhỏ thì làm sao ạ? Hơn nữa cháu cũng không còn nhỏ nữa!”. “Được! Đứa trẻ này có chí khí”, ông Bảy khen ngợi tôi. Tôi biết nội không vui, không muốn để tôi tự về vì nội sợ tôi gặp nguy hiểm. Nhưng tôi vẫn giữ vững quan điểm của mình.

Sau bữa sáng, khi biết tôi tự về Trường Xuân, mọi người đều không yên tâm, muốn đưa tôi ra ga. Tôi thuyết phục mãi, cuối cùng nội và mọi người cũng đồng ý để tôi tự về.

Từ nhà nội ra phố huyện khoảng 20km, phải đi qua một đoạn đường đất, đường đá và một đoạn đường nhựa; nếu trời không mưa thì hàng ngày đều có xe đi lại. Đến trưa tôi bắt đầu xuất phát dưới sự dặn dò của nội và mọi người.

Hỏi thăm đường từ bến xe ô tô, cuối cùng tôi cũng đến được ga tàu. Ga nhỏ nhưng đông đúc, tôi xếp hàng mua vé, rất nhanh trong tay tôi đã có tấm vé tự mua - chuyến K704, xuất phát từ Cáp Nhĩ Tân đến Thanh Đảo, 13:02 sẽ về đến ga Phù Dư, ba phút sau thì khởi hành.

Vừa đọc tấm vé, thì bên tai vang lên câu nói: “Chuyến tàu 704 đi Thanh Đảo chuẩn bị soát vé”.

Qua cửa soát vé đến trạm đầu tiên. Đoàn tàu ầm ầm tiến lại, tôi bước lên toa số 12. Bởi ga Phù Dư là một ga nhỏ, rất ít hành khách xuất phát từ ga này, nên vé mà tôi mua là vé đứng. Vì không muốn bị mệt nên sau khi lên tàu, tôi lập tức đi tìm chỗ ngồi. May mà đồ đạc mang theo cũng không nhiều, nên tôi có thể dễ dàng di chuyển từ toa 12 lên toa 17, cuối cùng cũng tìm được chỗ.

Tàu chuyển bánh, tôi mở cuốn “Người đọc” mang theo, say mê đọc. Đọc sách trên tàu thật là mệt, đọc được một lát mắt tôi đã cay xè. Tôi cất sách đi, nghe mọi người nói chuyện. Ngồi gần tôi là một chị ngoài 20 tuổi, nghe chị ấy nói hình như chị ấy vừa tốt nghiệp đại học đang tìm việc. Chị ấy kêu ca công việc bây giờ thật khó tìm, mãi mà vẫn chưa tìm được công việc phù hợp, ngày trước chỉ nghe tivi nói tìm việc rất khó, bây giờ tôi mới thật sự cảm nhận được.

Thời gian trôi qua thật nhanh. Khi giọng nói ngọt ngào của chị nhân viên vang lên: “Đoàn tàu chuẩn bị đến ga Trường Xuân, quý khách vui lòng kiểm tra lại tư trang hành lí mang theo, tránh để quên trên tàu”, tôi mới nghĩ ra: Tôi đã về đến nhà.

Hành khách xuống ở ga Trường Xuân rất đông, nhưng đại đa số đều ra ở cửa Nam, chỉ có tôi và một số ít người ra ở cửa Bắc. Sau đó tôi bắt xe buýt 243 về nhà.

Khi về đến nhà, mở cửa ra, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Chuyến đi này đã cho tôi biết rất nhiều thứ mang tên “lần đầu tiên” và nó khiến tôi trưởng thành lên rất nhiều.

Trẻ từ lúc cần bao bọc, chở che, chăm sóc cho đến khi có thể sống tự lập là một quá trình rất dài. Trong quá trình này, người làm cha nhất định không được bao bọc và chăm sóc con quá mức, mà phải có ý thức cho con cơ hội độc lập tự chủ. Chỉ có để trẻ tự làm, tự nghĩ, tự nỗ lực thì trẻ mới có thể dần hình thành quan điểm tự lập; có thể dùng kinh nghiệm phong phú và ý chí kiên cường của mình để đối mặt với mọi thử thách trong tương lai.

Cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, khó khăn, thử thách chính là sự kích thích giúp trẻ trưởng thành. Để trẻ “mạo hiểm rèn luyện” sẽ giúp trẻ hình thành tính kiên trì, độ nhanh nhạy, tính linh hoạt, sự hài hòa, sự dẻo dai và năng lực thích nghi với xã hội; giúp trẻ hình thành thói quen khi gặp khó khăn thì phải bình tĩnh nghĩ cách giải quyết. Chính vì vậy, những người cha nên có ý thức để trẻ “mạo hiểm rèn luyện”.

Phần 7: Học cách tự cứu mình trong tình huống nguy hiểm

Đồng thời với việc buông tay để trẻ tự mạo hiểm khám phá cuộc sống, chúng ta hãy nhắc trẻ chú ý đến những nguy hiểm đang rình rập xung quanh, dạy chúng phải có ý thức tự cứu mình trong những tình huống nguy hiểm, có như vậy trẻ mới có thể trưởng thành khỏe mạnh.

Dạy trẻ đối phó, biết tự cứu mình khi gặp nguy hiểm là bài học không thể thiếu trong giáo dục gia đình. Nó không chỉ bồi dưỡng cho trẻ khả năng tự cứu sống bản thân, mà nó còn bồi dưỡng ý thức phòng bị và tinh thần trách nhiệm với xã hội. Bài học này phải được dạy từ khi trẻ còn nhỏ. Ví dụ như chúng ta dạy trẻ rằng khi gặp hỏa hoạn, trẻ phải hô to để báo cảnh sát, khi đã thoát ra ngoài thì phải kêu to để người khác thoát ra theo. Nghĩa là chúng ta chỉ dạy cho trẻ kĩ năng thoát thân, mà không được để trẻ tham gia hoạt động cứu hỏa, không cổ vũ trẻ làm anh hùng cứu hỏa. Dạy trẻ những kiến thức phòng tránh tai nạn, tự cứu bản thân khi gặp nguy hiểm. Ví dụ khi đi trên các phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách phải chú ý quan sát vị trí “cửa thoát hiểm”; khi đi trong thang máy, phải chú ý nút bấm báo xảy ra sự cố. Những kiến thức này được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dạy cho trẻ những điều này có thể nâng cao ý thức phòng chống tai nạn của trẻ.

Mấy hôm trước, một người bạn của tôi đến nhà họ hàng chơi, bất chợt nghe thấy tiếng trẻ con kêu cứu ầm ĩ bên ngoài, liền vội chạy ra xem. Thì ra nhà hàng xóm vì có việc gấp vội đi ra ngoài nên quên tắt bếp gas, lúc đó chỉ có một bé gái khoảng 12, 13 tuổi ở nhà. Khi bếp gas bùng lên, bé gái đó sợ đến nỗi chẳng biết làm thế nào, chỉ biết quỳ xuống đất kêu khóc. May có anh bạn đến chơi phát hiện ra liền gọi người đến dập lửa. Báo Đô thị Giang Nam ra ngày 4 tháng 4 năm 2008 đã đưa tin: Một buổi chiều sau khi tan học, hai cậu bé khoảng 8 tuổi ở Nam Cương gặp một người phụ nữ lạ mặt ở cổng trường. Người này nói cho mỗi em 50 tệ, rồi còn mua rất nhiều đồ ăn vặt cho hai em và đưa hai em đi chơi. Hai cậu bé này đi theo người phụ nữ lạ mặt đến gần An Xưởng, Giang Tây. Tình cờ một người bạn của cha mẹ hai đứa trẻ bắt gặp, người này liền báo ngay cho cha mẹ chúng. Khi cảnh sát được báo tin, người phụ nữ buôn bán trẻ em này ngay lập tức bị bắt.

Số liệu thống kê cho thấy, ở Trung Quốc, những tai họa ngoài ý muốn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thương vong của trẻ dưới 14 tuổi. Các nhà chức trách cho biết, có thể tránh được khoảng 80% những trường hợp tử vong ngoài ý muốn nhờ những biện pháp dự phòng và xử lí kịp thời trong nguy cấp.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Dạy trẻ học cách phân biệt lời dụ dỗ

Thường ngày các bậc cha mẹ nên dạy trẻ cảnh giác với những người lạ hỏi đường hoặc nhờ tìm đồ bị mất, bởi đây là hai cách chủ yếu mà các phần tử dụ dỗ lừa gạt trẻ em thường sử dụng. Có trường hợp kẻ xấu vờ quen trẻ, gọi được tên của trẻ (thực ra hắn có thể nhìn thấy tên của trẻ thêu trên đồng phục hoặc khi theo dõi nghe thấy người khác gọi tên trẻ như vậy); cũng có kẻ gian tự xưng là nhân viên phòng cháy chữa cháy để lừa trẻ. Vì vậy, ta nên nói với con rằng bất kì ai, kể cả cảnh sát hay nhân viên cứu hỏa, khi chưa được người giám hộ của trẻ cho phép thì không thể đưa chúng đi.

2. Dạy trẻ không chỉ đề phòng người lạ

Các bậc cha mẹ thường dặn con: “Không được nói chuyện với người lạ”. Trẻ chưa chắc đã hiểu được chính xác thế nào là người lạ. Nếu cho trẻ vẽ khuôn mặt của người lạ, trẻ sẽ vẽ ra một khuôn mặt rất đáng sợ. Thực ra những kẻ muốn xâm hại trẻ thường có khuôn mặt rất hòa nhã thân thiện. Theo điều tra, trong số những kẻ tình nghi có liên quan đến tội xâm phạm tình dục trẻ em thì có đến 90% là người mà trẻ quen. Các phụ huynh nên nhắc con gái không được một mình đi ra ngoài hoặc đi với người khác giới ra bất cứ chỗ nào.

3. Dạy trẻ biết cách hô to kêu cứu

Trẻ nhỏ yếu ớt cho nên không thể chống cự được với những kẻ xâm hại, vì thế không cần dạy trẻ dùng chân tay để phản kháng, mà phải dạy trẻ cách thu hút sự chú ý của những người xung quanh để nhận được sự cứu giúp. Ví dụ như hô hoán: “Cứu tôi với! Ông ấy không phải là cha của tôi”, hoặc nếu đi xe đạp thì có thể dùng xe đạp làm vật bảo vệ, đồng thời phải hô to kêu cứu.

4. Nói với trẻ những người có thể giúp đỡ trẻ rất nhiều

Gặp phiền phức phải báo cảnh sát là kiến thức cơ bản nhất, nhưng chỉ như vậy thôi thì chưa đủ, bởi có thể cảnh sát không ở gần đó. Vì vậy, bạn nên cho trẻ biết trẻ có thể cầu cứu những nhân viên làm việc ở những địa điểm gần đó như công viên, nơi mua sắm, rạp chiếu phim... thêm một cơ hội là thêm một hi vọng.

Khi Y Y 4, 5 tuổi, có một chuyện đã xảy ra như sau:

Hôm đó, tôi đưa Y Y đến Trùng Khánh - con phố tấp nập nhất của thành phố Trường Xuân - dạo chơi. Đi được vài bước, tôi thấy con dừng lại trước một hàng kem, nhìn ánh mắt của con là tôi biết, con muốn mua kem. Vốn định mua cho con, nhưng quan sát thấy cửa hàng này không được vệ sinh, nên tôi nói: “Mình đến cửa hàng phía trước mua nhé!”. Tôi kéo tay con đi. Con hất tay tôi ra, bĩu môi có vẻ không vui. Lúc này người bán hàng không ngớt mời chào, nên con càng không chịu rời bước.

Bình thường Y Y rất thích nghe tôi giảng giải, nên tôi nói nhỏ với con: “Kem ở đây không sạch, chúng ta đi chỗ khác mua”. Không ngờ con không nghe, đòi mua kem ở cửa hàng này bằng được. Tôi đành phải nói với con thông điệp cuối cùng: “Con không đi thì cha đi đây”. Một là, theo phương châm giáo dục của tôi, trong những tình huống như thế này nhất quyết không được thỏa hiệp với con; hai là, tôi cũng muốn thử khả năng phản ứng và năng lực giải quyết sự việc của con. Cho nên tôi giả vờ rất tức giận, bước đi thật nhanh.

Đi được vài bước, tôi ngoảnh đầu nhìn lại, con vẫn ấm ức đứng ở chỗ cũ không chịu đi. Đi thêm vài bước vẫn thấy con như vậy. Xem ra con đang muốn thi gan với tôi, thế là tôi tiếp tục đi về phía trước, bởi vì tôi biết ánh mắt con vẫn dõi theo tôi.

Đi được khoảng 100m, tôi dừng lại, cho con thời gian, để con nghĩ ra vấn đề rồi con sẽ tự đi theo. Nhưng trong một phút lơ là, nhìn lại thì đã không thấy con đâu nữa. Tôi hoảng hốt vội quay lại tìm con.

Cách cửa hàng kem 20m, tôi nghe thấy tiếng con khóc. Theo tiếng khóc, tôi nhìn thấy mấy nhân viên tại cửa hàng thuốc bên cạnh hàng kem đang vây quanh con tôi, vừa dỗ dành vừa hỏi: “Cháu sao vậy?”. Con tôi khóc to trả lời: “Cháu lạc mất cha của cháu rồi”. Có hai nhân viên không nhịn được cười, một nhân viên lấy giấy lau nước mắt cho con, rồi hỏi: “Cha cháu tên gì? Nhà cháu ở đâu?”. Con chỉ biết khóc, không nói thêm được gì. “Số điện thoại nhà cháu là bao nhiêu? Số điện thoại của cha mẹ cháu thế nào?”. Cuối cùng con cũng đọc ra được một số điện thoại. Một nhân viên ngay lập tức đến quầy, vừa bấm số thì tôi vội bước vào, ngay lập tức Y Y lao vào lòng tôi...

5. Lắng nghe con tâm sự

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ thường xuyên chuyện trò tâm sự với con. Nếu trẻ thấy không hài lòng về ai đó, cha mẹ không được chỉ nói đơn giản là: “Con không được nói xấu người khác”, mà phải cùng trẻ phân tích, như vậy trẻ mới cảm thấy thoải mái. Khi trẻ gặp chuyện gì không vừa ý, hoặc có người nào đó quấy rối trẻ, trẻ thường tâm sự với người mà trẻ tin tưởng nhất. Bằng cách này, trẻ có thể giảm bớt áp lực, giảm bớt tâm lí sợ hãi, đồng thời nhờ đó kẻ xấu có thể kịp thời bị trừng trị.

6. Tăng khả năng tự bảo vệ, tự cứu bản thân của trẻ thông qua các trò chơi và các buổi diễn tập

Khi được cha mẹ chỉ dạy những phương pháp tự cứu mình, trẻ có thể ghi nhớ ngay lúc đó, nhưng sau một thời gian trẻ sẽ quên. Cách duy nhất giúp trẻ nắm vững các kĩ năng được dạy là thông qua các trò chơi và các buổi diễn tập. Trong các trò chơi ở nhà, người cha nên tạo ra những tình huống có thể phát sinh, đặt câu hỏi cho trẻ, kiểm tra năng lực phản ứng của trẻ, đồng thời dạy trẻ cách giữ liên lạc giữa cha và con.

Cha mẹ có thể dạy cho trẻ một số phương pháp ứng phó với tình huống nguy cấp như sau:

(1) Nói với trẻ rằng khi bị lạc ở nơi công cộng có ba cách để giải quyết:

Thứ nhất, nếu nơi bị lạc gần nhà, con có thể tự mình về nhà, sau đó đứng đợi cha mẹ ở cửa, không được chạy lung tung.

Thứ hai, không được tùy tiện nói với người lạ là mình bị lạc, con phải tìm nhân viên cảnh sát mặc quân phục để nhờ họ giúp đỡ.

Thứ ba, đứng nguyên ở chỗ bị lạc, cha mẹ nhất định sẽ tìm thấy con.

(2) Nói với trẻ rằng khi ở nhà một mình, không được tùy tiện mở cửa cho người lạ, mà trước hết phải hỏi rõ người gõ cửa là ai. Dù người đó nói là chính cha mẹ nhờ họ đến đón, thì con cũng không được mở cửa. Khi cần thiết có thể gọi điện cho cha mẹ hoặc hàng xóm nói có người lạ bấm chuông và nhờ họ sang giúp.

(3) Dạy trẻ rằng trên đường đi bộ về nhà, nếu có người theo dõi thì phải chạy đến những nơi đông người như cửa hàng, ngã tư đường. Không được tùy tiện chạy vào nhà hoang hay ngõ vắng. Nếu biết lúc này ở nhà không có ai thì có thể tạm thời không về nhà mà sang nhà hàng xóm chơi.

(4) Nếu gặp hỏa hoạn, đầu tiên phải gọi điện cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy, sau đó mở to cửa sổ hô lớn “Có cháy” để thu hút sự chú ý của hàng xóm và người qua đường. Tiếp đó lấy khăn ướt bịt mũi và nằm xuống đất đợi nhân viên cứu hộ đến giải cứu. Nếu thấy cửa phòng nóng lên, có nghĩa là bên ngoài đang cháy lớn, mở cửa ra sẽ nguy hiểm, lúc đó hãy dùng vải ướt che cửa hoặc lấy nước giội vào cửa để ngăn lửa, kéo dài thời gian chờ người đến cứu.

(5) Dạy trẻ nhớ địa chỉ và số điện thoại của nhà, dạy trẻ cách dùng điện thoại và các số điện thoại gọi khi nguy cấp, như cứu hỏa, cấp cứu, cảnh sát…

Nguy hiểm luôn vây quanh cuộc sống của chúng ta. Đồng thời với việc để trẻ khám phá cuộc sống, để trẻ mạo hiểm, hãy nhớ nhắc trẻ để ý đến những nguy hiểm luôn tiềm tàng, dạy trẻ những kiến thức tự cứu mình trong nguy hiểm, giúp trẻ phát triển an toàn, khỏe mạnh.