Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương I - Phần 08 - 09

Phần 8: Giáo dục thử thách là điều không thể thiếu

Rất nhiều trẻ suốt ngày ủ rũ, không thấy thoải mái vì cha mẹ không mua cho một loại đồ chơi nào đó, ngược lại cũng có những trẻ có thể tìm thấy niềm vui trong một loại đồ chơi khác. Những trẻ lạc quan không phải không biết buồn, mà chúng nhanh chóng tìm thấy lối thoát từ trong nỗi buồn đó.

Hiện nay, sự nuông chiều quá mức của người lớn khiến rất nhiều trẻ có những nhược điểm như dựa dẫm, ỷ lại, yếu ớt, ích kỉ. Nếu cha mẹ không kịp thời tiến hành giáo dục để khắc phục những nhược điểm trên cho trẻ, thì tương lai trẻ khó có thể đứng vững trong xã hội.

Giáo dục thử thách nghĩa là dưới sự chỉ đạo của tư tưởng giáo dục đúng đắn, căn cứ vào sự phát triển tâm sinh lí của trẻ và yêu cầu của giáo dục, tạo ra hoặc tận dụng một tình huống nào đó để đặt những câu hỏi khó bắt trẻ phải tự giải quyết; từ đó giúp trẻ dần hình thành khả năng chịu đựng gian khổ, khả năng thích ứng với môi trường, bồi dưỡng ý chí kiên cường vươn lên trong khó khăn. Đây chính là những phẩm chất tính cách và tố chất tốt đẹp, giúp trẻ thích nghi tốt hơn với môi trường xã hội.

Muốn đạt được những mục đích như trên, người cha nên dựa vào đặc điểm lứa tuổi của con, kết hợp với đặc điểm môi trường sống hàng ngày, kiên trì bền bỉ dẫn dắt từng bước trong quá trình tiến hành giáo dục thử thách đối với trẻ. Trong quá trình “giáo dục thử thách”, bạn nên bồi dưỡng cho trẻ khả năng đạt được hạnh phúc từ nhiều phương diện. Rất nhiều trẻ cả ngày ủ rũ, không vui vì cha mẹ không mua cho một loại đồ chơi nào đó, ngược lại cũng có vô số trẻ dễ dàng tìm thấy niềm vui trong một loại đồ chơi khác. Những trẻ lạc quan không phải là không có nỗi buồn, mà chúng nhanh chóng tìm thấy lối thoát từ trong nỗi buồn đó.

“Giáo dục thử thách” cho trẻ năng lực tìm thấy hạnh phúc từ chính nội tâm của trẻ. Như vậy, dù phải đối mặt với bất kì thử thách nào trẻ đều có thể lạc quan, bình tĩnh giải quyết.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Buông tay để trẻ làm những việc trẻ có thể làm

Khi trẻ ngã, nếu không nghiêm trọng, thì chúng ta hãy cổ vũ để trẻ tự đứng dậy, chứ không nên vội vàng chạy đến nâng trẻ dậy; nếu trẻ muốn chơi đồ chơi, bạn nên khuyến khích trẻ tự mình đi lấy, và cũng nên động viên trẻ tự mặc quần áo. Tuyệt đối không để trẻ có cuộc sống cơm bưng nước rót, mà phải để trẻ học cách tự mình đối mặt với tất cả những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

2. Tôi luyện ý chí của trẻ trong giới hạn cho phép

Có thể tôi luyện ý chí của trẻ bằng những cách như sau: động viên trẻ dậy sớm tập thể dục vào mùa đông, để rèn luyện ý chí và nghị lực chống lại cái rét; khuyến khích trẻ làm một số việc nhà trong khả năng của trẻ; tận dụng kì nghỉ đưa trẻ đi dã ngoại, leo núi, đi dạo trong công viên... để trẻ cảm nhận được sự mệt mỏi, sự gian khổ, những đắng cay ngọt bùi của cuộc sống; từ đó giúp trẻ rèn luyện thử thách trong mọi hoàn cảnh.

3. Thực hiện giáo dục thử thách thông qua các phương thức như phê bình, mắng mỏ…

Hiện nay có một số trẻ thông minh lanh lợi, do cha mẹ thường nhường trẻ thắng trong các loại trò chơi, trẻ làm gì cũng khen ngợi trẻ giỏi nhất, dẫn đến trẻ mắc chứng kiêu ngạo hiếu thắng, tự cao tự đại; nếu bị phê bình liền cảm thấy buồn tủi, phiền não hoặc mất đi niềm tin. Vì thế biết cách phê bình, chỉ ra nhược điểm và thiếu sót của trẻ là việc làm cần thiết. Ví dụ, trong các hoạt động, trò chơi không nhất định lần nào cũng để trẻ làm chủ trò; trong các cuộc thi cũng không nhất định phải nghĩ mọi cách để trẻ thắng. Khi trẻ mắc lỗi phải kịp thời có biện pháp trừng phạt hợp lí, giúp trẻ có cảm giác tiếp nhận thử thách, học cách tự điều tiết bản thân.

4. Tận dụng đời sống hiện thực, nâng cao khả năng sống tự lập của trẻ

Chuyên gia giáo dục người Mĩ cho rằng cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bồi dưỡng khả năng độc lập giải quyết sự việc và khả năng đối mặt với thử thách của trẻ. Cách giáo dục trẻ của người Mĩ rất đáng để chúng ta học tập. Ngay từ nhỏ trẻ em Mĩ đã phải ở phòng riêng, tự mình hoạt động, rèn luyện năng lực sống tự lập. Tóm lại, chúng ta nên giao cho trẻ làm những công việc nhà như quét dọn nhà cửa, mua đồ giúp cha mẹ... từ khi trẻ còn nhỏ. Nếu trẻ gặp khó khăn trở ngại, cha mẹ nên yêu cầu trẻ tự giải quyết, nhờ đó trẻ sẽ trưởng thành hơn, năng lực tự làm mọi việc cũng được nâng cao hơn.

5. Có ý thức tạo ra khó khăn giúp trẻ bồi dưỡng khả năng đối mặt

Trên con đường trưởng thành, trẻ khó có thể tránh được những khó khăn. Nếu bình thường mọi việc đối với trẻ đều thuận lợi, thì khi gặp khó khăn, trẻ sẽ lúng túng, lo lắng, không biết phải giải quyết thế nào, dễ dẫn đến thất bại. Chính vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong công việc học tập, các bậc cha mẹ hãy có ý thức tạo ra một số trở ngại để trẻ đối mặt, nhằm bồi dưỡng khả năng phân tích, giải quyết vấn đề cho trẻ.

Khi tạo ra trở ngại, chúng ta phải chú ý tính dự phòng và tính trọng điểm trong giáo dục thử thách, có thể tổ chức các hoạt động mang tính trở ngại một cách có mục đích. Đồng thời các bậc cha mẹ phải chú ý tới đặc điểm lứa tuổi của trẻ, chú ý tạo ra mức khó khăn để yêu cầu trẻ phải thực sự nỗ lực mới có thể khắc phục được. Ví dụ những vật trẻ muốn nhưng không thể lấy được, thì người lớn không được lấy ngay cho trẻ, mà phải để trẻ động não nghĩ cách trước. Người cha nên có ý thức tạo ra những khó khăn trở ngại trong cuộc sống hàng ngày, trong các trò chơi của trẻ; không nên tìm mọi cách thỏa mãn yêu cầu của trẻ, mà nên học tập phương pháp giáo dục của Nhật Bản, Pháp, nghĩ ra mọi cách như: đưa trẻ đi leo núi dã ngoại, cho trẻ tự mình đi nhặt củi, định kì để trẻ sống ở những nơi khó khăn gian khổ… để rèn luyện bản lĩnh tự lo liệu cuộc sống của trẻ, bồi dưỡng ý thức kiên cường và khả năng khắc phục khó khăn của trẻ.

6. Động viên trẻ khắc phục khó khăn, bồi dưỡng lòng dũng cảm vượt qua mọi thử thách của trẻ

Một số trẻ khi gặp khó khăn thường có những phản ứng rất tiêu cực như chán nản, trốn tránh, rút lui. Muốn thay đổi điều này thì nhất định phải dạy trẻ biết dũng cảm đối mặt với khó khăn. Ví dụ, khi leo núi, trẻ sợ độ cao, sợ trượt ngã thì bạn có thể động viên trẻ: “Đừng sợ! Con có thể leo được! Ngã cũng không sao cả! Con rất dũng cảm cơ mà!”. Rất nhiều bé gái sợ đi thăng bằng trên miếng gỗ, sợ bơi; lúc này bạn nên nói với bé rằng: “Đừng sợ! Nhất định con sẽ làm được”. Mỗi khi vượt qua trở ngại, trẻ sẽ được tăng thêm dũng khí, kích thích nguyện vọng chiến thắng khó khăn của trẻ, tâm lí sợ hãi sẽ biến mất, lòng tự tin được nhân lên, trẻ sẽ nói với bản thân rằng: “Mình có thể làm được”, “Mình có thể”.

Người giỏi dạy con chính là người có phương pháp giáo dục con đúng đắn ngay từ khi con còn nhỏ. Ngay từ khi Y Y bi bô học nói, tôi đã không nuông chiều, không dung túng con. Dù rất thương yêu con, nhưng khi đáng “giận”, tôi quyết không mềm lòng, nhất là trên phương diện bồi dưỡng ý thức tự lập và khả năng ứng phó với khó khăn của con, tôi càng kiên quyết đến cùng.

Khi Y Y chập chững biết đi, không ít lần con bị ngã. Lần nào ngã, con cũng khóc rất to. Tôi hiểu con khóc là vì đau, đồng thời cũng là để thu hút sự chú ý, muốn có người đến nâng dậy. Chính vì vậy, nếu biết con không gặp trở ngại gì lớn, thì tôi thường sẽ không đến đỡ con. Tôi nói với con rằng, những việc mình có thể làm thì phải tự làm, không được hơi một tí là nhờ người khác giúp. Thực ra, khi thấy con nằm sấp trên mặt đất khóc, tôi cũng rất đau lòng, cũng muốn bế con dậy, ôm con vào lòng dỗ dành. Nhưng tôi thường kiềm chế bản thân, khi con khóc, tôi vờ như không nghe thấy. Thấy cha không có ý định đến nâng mình dậy, con cũng chỉ khóc vài tiếng rồi tự mình đứng lên.

Tôi nhớ có lần, Y Y chạy vấp phải một hòn đá, bị ngã rất đau. Tôi định nâng con dậy, nhưng nghĩ lại, tôi kiềm chế cảm xúc của mình, đến bên nhẹ nhàng động viên con: “Công chúa của cha, con tự đứng dậy được mà!”. Cuối cùng con cũng tự đứng lên. Nhìn kĩ thì thấy đầu gối của con bị trầy xước, chảy máu. Lúc đó, tôi rất xót con. Nhưng thấy vẻ mặt đầy nghị lực của con, tôi cảm thấy “sự nhẫn tâm” của tôi cũng đáng. Tôi tin rằng qua việc này, sức chịu đựng thử thách của con sẽ được tăng lên.

Bạn tôi nói tôi quá nhẫn tâm, mọi người nói tôi lập dị. Bởi trong khi các bậc cha mẹ khác luôn nghĩ cách để con mình đi trên con đường bằng phẳng, tránh chông gai; thì tôi lại “đào hố” dưới chân con, nghĩ cách tạo ra trở ngại cho con. Nhưng nhìn thấy Y Y ngày một kiên cường, tự lập và rộng lượng, tôi cảm thấy mình “đào hố” cũng đáng.

Đương nhiên, tiến hành giáo dục thử thách đối với trẻ cũng phải có mức độ, nếu không sẽ rất phản khoa học.

Để trẻ chiến thắng khó khăn không phải chuyện một sớm một chiều có thể làm được, cũng không phải cứ dồn hết tâm sức thì sẽ thành, vấn đề mấu chốt là thuận theo tự nhiên, thuận theo quy luật phát triển của trẻ

Tóm lại: “Anh hùng xưa nay đều trưởng thành trong gian khổ”. Trẻ buộc phải trải qua khó khăn để khôn lớn. Trong cuộc sống, trở ngại khó khăn nào cũng đều có ý nghĩa của nó. “Nghịch cảnh là trường đại học tốt nhất”. Câu nói này đã trở thành sự tổng kết kinh nghiệm chung của những người thành công. Không qua mưa gió thì làm sao thấy được cầu vồng? Nếu muốn trẻ nhìn thấy cầu vồng, thì hãy cho trẻ trải qua mưa gió.

Phần 9: Phương pháp học tập quan trọng hơn điều kiện học tập

Do tuổi còn nhỏ, khả năng tự điều khiển bản thân, tự cân đối kế hoạch của trẻ rất kém, vì thế việc cha cùng con bàn bạc đưa ra kế hoạch học tập trong từng giai đoạn là vô cùng cần thiết.

Học tập là một loại hoạt động nhận thức phức tạp chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố.

Tự lựa chọn cho mình một phương pháp học tập hiệu quả nhất là một việc không hề dễ dàng với trẻ; điều này không chỉ phụ thuộc vào sự tìm tòi của chính bản thân trẻ, sự hướng dẫn của thầy cô giáo, mà còn cần sự tham gia của các bậc phụ huynh. Bởi cha mẹ là người hiểu sở thích và cá tính của con mình hơn bất kì ai, đồng thời cha mẹ có thể tham gia vào quá trình học tập của trẻ. Việc bồi dưỡng những thói quen học tập tốt để nâng cao thành tích học tập của trẻ phải trở thành một mắt xích quan trọng trong giáo dục gia đình. Nhà sinh lí học nổi tiếng người Pháp, Claude Bernard (1813-1878) đã từng nói: “Phương pháp tốt có thể giúp chúng ta phát huy tài năng và tư chất vốn có, còn phương pháp ngu ngốc có thể ngăn cản sự phát huy của tài năng”.

Đã từng có một người cha đến trung tâm tâm lí tâm sự với tôi rằng: “Từ khi con còn nhỏ cho đến lúc con học hết lớp 4, chúng tôi đều trang bị cho con những điều kiện học tập tốt nhất, từ máy tập đọc cho đến máy vi tính, thậm chí còn thuê cả gia sư kèm con học, con tôi cũng rất cố gắng, thức khuya học bài; nhưng thành tích của cháu lại không hề tiến bộ. Thật sự không biết vì sao?”. Sau khi tìm hiểu cụ thể tình hình học tập của cháu bé, tôi trả lời: “Vấn đề là ở phương pháp học tập. Đối với trường hợp của cháu, phương pháp còn quan trọng hơn máy tập đọc, máy tính hay gia sư”.

Học thuộc lòng một cách máy móc có thể giúp trẻ nắm vững một lượng thông tin kiến thức, hình thành một số kĩ năng; nhưng nếu cứ học như vậy thì không ổn. Bởi, một là, phương pháp này quá đơn thuần, không linh hoạt khiến việc học tập trở nên khô khan, nhàm chán, lâu dần trẻ sẽ mất đi hứng thú học tập; hai là, phương pháp này không chỉ làm tăng gánh nặng học tập và áp lực học tập cho trẻ, mà quan trọng nhất là những kiến thức mà trẻ được tiếp thu như vậy sẽ trở thành những kiến thức chết, vì trẻ không thể vận dụng được vào thực tế cuộc sống. Ví dụ một đứa trẻ có thể cộng trừ nhân chia thông thạo, nhưng khi người cha bảo trẻ tính toán sổ ghi chép mua bán trong gia đình thì trẻ tính rất mơ hồ. Vậy, thực chất trẻ đã nắm chắc kiến thức tính toán cộng trừ nhân chia hay chưa?

Chính vì vậy, trong quá trình hướng dẫn trẻ học tập, việc đầu tiên không phải là dạy trẻ nhớ được bao nhiêu điều, mà phải dạy trẻ có phương pháp học tập khoa học, coi trọng việc bồi dưỡng hứng thú học tập, động lực học tập và năng lực học tập cho trẻ. Khi Y Y bắt đầu biết nhận thức, chúng tôi đã phải đi đường vòng. Lúc đầu, vợ tôi rất hăng hái dạy con đọc thuộc hết bài thơ Đường này đến bài Tống từ(*) khác, rồi dạy con nhận biết rất nhiều chữ... Sau đó tôi đã kịp thời thay đổi tư tưởng giáo dục kiểu tích lũy thông tin đơn thuần này, dần dần bồi dưỡng năng lực học tập của con, dạy con phương pháp học tập.

(*) Tống từ (Thể từ đời Tống). Từ là một thể thể loại văn chương gần giống với Thơ mới của Việt Nam và Thơ Bậc thang của Pháp. Từ có nguồn gốc từ rất xa xưa ở Trung Quốc và đến cuối đời Đường thì đã phát triển khá mạnh, sang đến đời Tống thì đã được hoàn thiện về âm luật và phát triển rực rỡ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Giúp trẻ xác định mục tiêu học tập đúng đắn

Phải làm cho trẻ hiểu, mục đích của việc học tập không phải là để ứng phó với thi cử, mà là để có kiến thức phục vụ cho sự phát triển sau này của bản thân. Trên cơ sở này, khi đã có mục tiêu học tập, thì mới tràn đầy động lực để học tập. Có người đã so sánh một con lừa bị buộc vào cái cối xay quay cả ngày với một con ngựa đi vạn dặm thỉnh kinh. Quãng đường mà con lừa và con ngựa đi là bằng nhau bởi mỗi ngày cả hai con đều bước số bước bằng nhau. Trong khi con ngựa xác định mục tiêu rõ ràng, nên hàng ngày cứ thế tiến về phía trước; thì con lừa cả ngày cứ đi quanh cái cối xay, mãi mãi cũng không thể thoát ra khỏi nơi chật hẹp đó. Học vì thi cử, thì cũng giống như con lừa bị bịt mắt quay quanh cái cối xay; học vì muốn có kiến thức để phát triển bản thân, thì sẽ giống như con ngựa lấy được chân kinh.

Hết tiểu học, tôi rời ghế nhà trường, tham gia quân ngũ, cảm nhận được nỗi khổ vì trình độ văn hóa thấp của mình, tôi xác định mục tiêu tự học xóa mù chữ. Ba năm trong quân ngũ, ngày nào tôi cũng học, tự tích lũy trang bị kiến thức cho mình. Trong khi đó đại bộ phận các chiến sĩ đều tiêu tốn thời gian một cách vô ích, hết nghĩa vụ trở về quê hương, trước khi nhập ngũ làm cái gì thì vẫn làm cái đấy, gần như không có sự tiến bộ và thu hoạch nào.

Qua đó, tôi cảm nhận sâu sắc rằng, điều đầu tiên trong học tập là phải xác định mục tiêu rõ ràng và khoa học.

Hiện tại, trong suy nghĩ của Y Y, viết văn không phải là để nhận được lời khen và điểm cao, mà là để diễn đạt tư tưởng của mình một cách tự nhiên; học tiếng Anh là để sau này có thể đọc tiếng Anh trôi chảy và dùng tiếng Anh để giao tiếp; học toán là để nâng cao khả năng tính toán, rèn luyện tính tỉ mỉ trong tư duy và giải quyết những vấn đề liên quan đến toán học thường gặp trong cuộc sống hàng ngày... Trong mắt Y Y, học tập là một việc vô cùng có ích với bản thân, cũng là một việc rất vui, vì thế Y Y luôn hăng say và đam mê học tập.

2. Bồi dưỡng cho trẻ thói quen học tập khoa học

Khi phỏng vấn những người đạt giải thưởng Nobel, người ta thường đặt câu hỏi: “Đạt giải Nobel, người đầu tiên ngài muốn cảm ơn là ai?”. Ai cũng nhắc đến thầy cô mình, đặc biệt là các cô giáo ở trường mầm non và cha mẹ của mình. Bởi vì cha mẹ là “người thầy vỡ lòng” và các cô giáo ở trường mầm non là người đã bồi dưỡng cho họ những thói quen như giữ vệ sinh, lễ phép với mọi người, chân thật dũng cảm, tự giải quyết việc của mình, biết sai phải sửa... Những thói quen này là tài sản vô giá, giúp họ bước đến bục thành công.

Do tuổi còn nhỏ, khả năng tự điều khiển bản thân, tự cân đối kế hoạch của trẻ rất kém, vì thế người cha cùng trẻ bàn bạc đưa ra kế hoạch học tập trong từng giai đoạn là việc làm vô cùng cần thiết. Hàng ngày ôn tập nội dung gì, đi ngủ và thức dậy lúc mấy giờ, làm việc đó khi nào, thời gian nghỉ ra sao, học gì bây giờ… đều phải lên kế hoạch cụ thể. Ngoài ra, người cha có thể kiểm tra kết quả hoàn thành kế hoạch học tập của con, vừa có thể cùng con đánh giá lại, vừa kịp thời định hướng và đề ra kế hoạch học tập mới trong không khí thoải mái vui vẻ. Người cha tuy không phải là chuyên gia giáo dục, nhưng có thể nắm bắt được tình hình học tập của con thông qua việc cùng con đề ra những phương pháp học tập mới.

Thói quen học tập tốt cũng có thể làm cho việc học tập trở nên hiệu quả. Ngày Y Y học tiểu học, tôi nói với con rằng, hàng ngày trước khi đi ngủ con phải soạn sách vở theo thời khóa biểu, để vào cặp sách, cuối cùng kiểm tra lại xem có quên đồ gì thì bỏ vào. Làm xong tất cả những việc này mới được đi ngủ. Hàng ngày Y Y đều kiên trì làm như vậy, dần dần con đã hình thành thói quen.

Có lần Y Y vừa soạn sách vở vừa xúc động nói: “Cha dạy con cách này thật là hay, hôm nào đến lớp, con cũng thấy các bạn than vãn không quên cái này thì quên cái khác; còn nữa, học xong một môn, con chỉ cần thò tay vào vị trí cố định trong cặp sách, lấy sách vở cần dùng của môn học tiếp theo, đặt lên bàn là xong. Trong khi các bạn khác phải lật tung cặp mới có thể tìm được đồ cần tìm”.

Chỉ là một thói quen rất nhỏ, nhưng Y Y lại thu được rất nhiều ích lợi. Tôi còn hình thành cho con thói quen viết nhật kí, thói quen đọc sách trước khi đi ngủ, thói quen phải đề ra kế hoạch học tập và thói quen tự đánh giá tổng kết ghi chép trong học tập.

3. Tạo điều kiện để trẻ có cơ hội học tập trong thực tiễn

Có người vì muốn trở thành nhà diễn thuyết, nên đã mua về rất nhiều sách về lí luận diễn thuyết. Kết quả là anh ta nắm rất rõ lí thuyết, nhưng lại chưa hề thuyết trình một lần nào, cho nên anh ta mãi mãi không thể trở thành một nhà diễn thuyết.

Đối với việc học tập, trẻ phải tìm tòi để đạt được những kinh nghiệm và kĩ năng trong cuộc sống thực tiễn, từ đó có thể biến nó thành kinh nghiệm và kĩ năng của chính bản thân mình. Chỉ biết và ghi nhớ kiến thức là chưa đủ, quan trọng là vận dụng, biến nó trở thành sức mạnh sản xuất.

Xét về văn bằng và học vị, thì nhà phát minh Edison(*) không phải là “phần tử tri thức cao cấp”, nhưng những kiến thức mà ông nắm vững là những kiến thức có hiệu quả, có thể linh hoạt áp dụng vào thực tế.

(*) Thomas Alva Edison (1847-1931) là một nhà phát minh và thương nhân đã phát triển rất nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống trong thế kỷ XX. Ông là một trong những nhà phát minh đầu tiên ứng dụng các nguyên tắc sản xuất hàng loạt vào quy trình sáng tạo, ông cũng được coi là một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử. Ông sở hữu 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kì, cũng như các bằng sáng chế ở Anh, Pháp, Đức.

Một lần, Edison đưa vỏ thủy tinh của một chiếc bóng đèn cho trợ lí của ông, yêu cầu người trợ lí này tính thể tích của chiếc bóng đèn đó. Vì chiếc bóng đèn không phải là hình tròn, nên người trợ lí này tính cả buổi chiều cũng không ra. Khi Edison trở về, người trợ lí vẫn loay hoay mãi với các công thức dày đặc. Anh ta nhìn Edison với vẻ mặt có lỗi, đồng thời giải thích lí do chưa hoàn thành nhiệm vụ. Ông cười, không nói gì rồi mang chiếc bóng ra vòi, hứng đầy nước rồi đổ vào cốc thủy tinh có hình dạng theo quy tắc, xem thể tích cốc là bao nhiêu thì đó là thể tích của bóng đèn, người trợ lí lúc này mới hiểu ra.

Như vậy, kiến thức không phải chỉ là công thức, định lí và những thứ có trong sách vở; kiến thức chính là năng lực vận dụng nó vào trong thực tế của chúng ta.

Do đó, hãy để trẻ vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề, đồng thời học tập các kiến thức từ trong thực tiễn.

4. Căn cứ vào đặc điểm của từng trẻ để tiến hành giáo dục, dạy trẻ biết học theo cá tính sở trường của mình

Mỗi trẻ là một cá thể độc lập, có những đặc điểm không giống nhau. Cho nên phải tôn trọng cá tính của trẻ, hướng dẫn trẻ học tập theo sở thích cá nhân.

Công việc này chỉ có các bậc làm cha làm mẹ mới có thể đảm đương được, bởi đừng bao giờ hi vọng trường học sẽ căn cứ vào đặc điểm của từng trẻ để tiến hành dạy học. Ngày nay cùng với sự phát triển tố chất giáo dục, khẩu hiệu “Lấy học sinh làm trung tâm” ngày càng được kêu gọi mạnh mẽ, nhưng thực ra không một trường học nào ở Trung Quốc có thể thực hiện tốt điều này. Đơn giản là vì một lớp đông thì có đến 60-70 học sinh, ít cũng phải 20-30 học sinh, mà một giáo viên phải dạy từ hai đến ba lớp, thậm chí một ngày phải tiếp xúc với hơn 100 học sinh. Cho dù giáo viên có cố gắng đến mấy thì cũng không thể áp dụng từng phương pháp với từng học sinh. Vì vậy, ở trường trẻ tiếp nhận các nội dung giáo dục nhất quán theo những phương pháp giáo dục như nhau, giống như những sản phẩm được sản xuất hàng loạt trên cùng một dây chuyền của nhà máy.

Trên thực tế, mỗi trẻ đều có những sở thích và cá tính riêng, nên hứng thú, sở thích, cá tính trong học tập của từng trẻ cũng khác nhau. Do sự khác biệt này, phương thức học tập của mỗi trẻ cũng không giống nhau. Nhìn chung, hiện nay hầu hết các trường ở Trung Quốc vẫn dạy học theo phương thức truyền thụ kiến thức, trên lớp cô giảng, học sinh tập trung nghe, về nhà chăm chỉ làm bài tập (chủ yếu là các bài tập trong sách vở), ôn tập để thi giữa kì và cuối kì đạt kết quả tốt. Có thể nói đây là phương thức học tập nhận được sự hưởng ứng rộng lớn của các thầy cô giáo, các học sinh và các bậc phụ huynh. Nhưng phương thức này không phù hợp với tất cả học sinh, bởi thế cùng một giáo viên dạy, cùng một phương thức giáo dục, cùng một tiến độ nhưng tình hình học tập của mỗi học sinh trong cùng một lớp lại khác nhau.

Trong lịch sử có rất nhiều nhân vật nổi tiếng, do có sự khác nhau giữa phương thức học tập cá nhân và phương thức giáo dục đồng nhất của nhà trường, cho nên đã gặp phải khó khăn nghiêm trọng trong quá trình học tập. Như cựu thủ tướng Anh Winston Churchill(*) vì nói lắp mà gặp phải khó khăn khi đọc, đã vậy ông còn rất hiếu động cho nên thường bị xếp vào danh sách những học sinh học kém nhất, thậm chí còn bị ép học các lớp chuyên bổ trợ tiếng Anh cho các học sinh yếu kém do trường tổ chức; nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein(**) đã từng bảy lần thi không đạt yêu cầu, giáo viên nói ông chỉ biết nằm mơ giữa ban ngày, không biết học, ở trường, ông là một học sinh không nhận được sự chào đón, bởi thành tích học của ông luôn kém nhất lớp…

(*) Winston Churchill (1874-1965) là một nhà chính trị người Anh, nổi tiếng nhất với cương vị thủ tướng Anh trong thế chiến thứ hai. Ông từng là một người lính, nhà báo, nhà văn, họa sĩ và chính trị gia. Ông được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh và lịch sử thế giới. Ông là thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học và là người đầu tiên được công nhận là Công dân danh dự Hoa Kì.

(**) Albert Einstein (1879-1955) được coi là cha đẻ của ngành vật lí hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỉ XX. Ông nhận được giải Nobel Vật lí năm 1921.

Những học sinh bị đánh giá là kém nhất đó sau này lại trở thành những người thành công có thành tích vượt trội, điều này chứng tỏ họ không hề ngốc nghếch đần độn, mà là do mô hình giáo dục của nhà trường không phù hợp với họ. Nhưng khi họ dùng chính phương thức của mình để học tập thì có thể phát huy sở trường của mình, nhanh chóng lập nên thành tích.

Sự trưởng thành và thành công của Y Y cũng là kết quả của phương pháp giáo dục này. Ngay từ nhỏ con đã biểu hiện tài năng thiên phú về phương diện ngôn ngữ và hứng thú đối với chữ viết, cho nên trong quá trình giáo dục chúng tôi đều có ý thức bồi dưỡng năng lực cho con ở hai phương diện này. Còn các môn học khác, chúng tôi cũng quan sát và tìm hiểu kĩ rồi hướng dẫn con học tập với phương pháp thích hợp, vì vậy hiệu quả học tập của con rất tốt.

“Trong tương lai, những người mù chữ sẽ không phải là những người không biết chữ, mà là những người không biết phải học như thế nào”. Tóm lại, người cha phải giúp đỡ trẻ tìm ra phương pháp học tập, trẻ biết cách học, rồi sau đó căn cứ vào đặc điểm sở trường của trẻ để hướng dẫn trẻ một cách khoa học.