Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương II - Phần 01 - 02

Chương II

NGƯỜI CHA TỐT LÀ NGƯỜI BẠN TỐT CỦA CON

Phần 1: Người cha phải biến mình thành trẻ

Đồ chơi hỏng, có thể sửa; đồ đạc hỏng, có thể bỏ tiền mua cái khác; nhưng tâm hồn trẻ một khi đã bị tổn thương thì rất khó có thể chữa khỏi được.

Lewensden Laoned, một tác giả người Mĩ, đã từng có một bài viết ngắn có nhan đề Người cha thiếu quan tâm, khiến hàng triệu người Mĩ cảm động. Các tạp chí và các tờ báo lớn của Mĩ đều đăng tải bài viết này, mọi người đọc nó ở các trường học, giáo đường hay bục diễn thuyết, thậm chí nó còn được nói đến trong các chương trình phát thanh truyền hình.

Dưới đây là trích đoạn của bài viết:

Nghe này, con trai của cha, trong khi con ngủ cha muốn nói với con vài lời. Con nằm trên giường, tóc dính lên vầng trán mướt mồ hôi. Cha nhẹ nhàng bước vào phòng con. Mấy phút trước, khi cha đọc báo trong phòng làm việc, cảm giác hối hận đã nhấn chìm cha, làm cha không thể thở nổi. Cha đến bên giường con, mang theo một trái tim áy náy. Cha nghĩ đến quá nhiều chuyện, con trai, cha đã quá hung dữ với con. Khi con mặc quần áo chuẩn bị đi học cha trách mắng con, bởi vì con chỉ dùng khăn mặt lau mặt qua loa. Con không lau sạch giày của mình, cha cũng tức giận với con. Con làm rơi đồ đạc trên sàn nhà, cha lại lớn tiếng quát mắng con. Khi con ăn sáng, cha lại tìm thấy lỗi lầm của con: con làm rớt ra bàn, con ăn uống ngấu nghiến, con chống khuỷu tay lên bàn, con bôi quá nhiều bơ lên bánh mì. Buổi tối, tất cả lại bắt đầu. Trên đường cha nhìn thấy con quỳ dưới đất chơi bắn bi. Đôi tất dài của con bị rách mấy lỗ, cha “xách” con về nhà trước mặt bạn bè con, làm cho con cảm thấy rất xấu hổ.

Con trai, lúc này một nỗi sợ hãi to lớn dâng lên trong tim cha. Thói quen đã hại cha. Bới lông tìm vết đã trở thành thói quen xấu của cha. Không phải vì cha không yêu con, mà bởi vì niềm kì vọng của cha vào con quá lớn, cha đã lấy tiêu chuẩn đối với những người ở lứa tuổi của cha để đánh giá con. Mà bản tính của con thật là lương thiện! Tâm hồn nhỏ bé của con giống như tia nắng ban mai chiếu rọi vạn vật. Con chạy đến hôn cha và chúc cha ngủ ngon, điều này đã thể hiện tất cả. Buổi tối nay, tất cả những thứ khác đều không quan trọng nữa. Con trai, cha đến bên giường con trong bóng tối, ngồi ở đây, trong lòng vô cùng hối hận.

Đó chỉ là lời xin lỗi không có tác dụng lớn lắm. Cha biết nếu như khi con tỉnh, cha nói với con tất cả những điều này, con cũng sẽ không hiểu được, nhưng từ ngày mai, cha phải trở thành một người cha tốt. Cha cũng phải biến mình thành một đứa trẻ, làm người bạn tốt của con, khi con buồn cha cũng buồn, khi con vui cha cũng vui. Cha sẽ không nói ra những lời lẽ khó nghe. Cha sẽ trang trọng tự nói với bản thân như trong một buổi lễ: “Con chỉ là một đứa trẻ, một đứa trẻ nhỏ!”.

Cha nghĩ trước kia cha đã coi con là người lớn, nhưng con trai, lúc này cha nhìn con nằm cuộn tròn ngủ say sưa trên giường, cha thấy con vẫn là một đứa trẻ còn rất nhỏ. Con ngồi trong lòng mẹ, tựa vào vai mẹ, dường như chỉ là chuyện của ngày hôm qua...

Tôi đã khóc khi đọc bài viết này. Nhìn con gái bé nhỏ của tôi, trong tôi trào dâng rất nhiều cảm xúc, suy tư. Còn những người làm cha như bạn sau khi đọc xong bài viết này sẽ có cảm xúc như thế nào? Các bạn có thấy mình suy nghĩ trên góc độ của người lớn quá nhiều, nhưng suy nghĩ từ góc độ của một đứa trẻ thì quá ít không? Trên thực tế, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của trẻ, nếu như bạn là trẻ, đối diện với bao nhiêu yêu cầu, tiêu chuẩn của người lớn, đồng thời phải làm biết bao nhiêu việc, bạn có thể làm được không?

Đồ chơi hỏng, có thể sửa; đồ đạc hỏng, có thể bỏ tiền mua cái khác; nhưng tâm hồn trẻ một khi đã bị tổn thương thì rất khó có thể chữa khỏi được. Những ảnh hưởng về tâm hồn mà trẻ phải chịu trong thời thơ ấu có liên quan đến sự hình thành và trưởng thành tính cách của trẻ sau này, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc đời trẻ. Vì một lỗi lầm nhỏ nhặt của trẻ, mà trách mắng trẻ, thậm chí đánh trẻ, là một việc cực kì ngu ngốc. Quá nhiều cảm giác thất bại có thể hủy hoại khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng đang lớn lên mạnh mẽ của trẻ ngay từ trong trứng nước.

Làm thế nào để cha và con có thể thấu hiểu và đồng cảm với nhau? Làm thế nào để hình thành không khí gia đình tốt đẹp có lợi cho sự trưởng thành của trẻ? Nó dựa vào sự đúng đắn trong tư tưởng giáo dục, sự hợp lí trong phương pháp giáo dục, sự phù hợp trong điều kiện giáo dục của người cha, trong đó có một điều không thể thiếu được chính là người cha cũng phải coi mình là trẻ con.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải có một trái tim trẻ thơ

Một họa sĩ đã từng nói: “Tôi vẽ tranh cho trẻ, vẽ những câu chuyện, vẽ tranh minh họa truyện cổ tích, thì phải nghĩ như trẻ, nhìn như trẻ, làm như trẻ, coi mình là trẻ, đứng trên góc độ của trẻ để nhìn thế giới, như vậy không phải chúng ta cũng sẽ có một trái tim trẻ thơ sao?”.

Khi ở Thẩm Dương, có một lần tôi đưa con gái ra quảng trường Đại Đông trượt patin, khi con đang chơi rất vui, nhớ đến tôi con chợt hỏi: “Cha ơi, sao cha không chơi thử?”. Dưới sự cổ vũ của con, tôi không ngại ngùng gì nữa, đi thuê một đôi giày trượt. Y Y đứng cạnh tôi, vỗ tay cổ vũ rất nhiệt tình. Sự việc này đã khơi dậy trong tôi những niềm vui tuổi thơ chôn sâu trong lòng mà tôi đã lãng quên từ lâu...

Hồi nhỏ tôi trèo cây, đá cầu, cưỡi trâu (trò chơi một người làm trâu), té nước, bắn chim, sự chuyên tâm, sự đam mê, sự nhiệt tình, tinh thần cống hiến ngày đó vẫn làm cho tôi ghen tị. Đã chơi là chơi cả một ngày, không để ý tới thời gian, quên về nhà ăn cơm là chuyện bình thường. Tôi còn chơi đủ trò phá làng phá xóm, không ngày nào là không gây ra một tội lỗi nào đó, khiến cha mẹ đau đầu. Nhưng tôi mặc kệ, tôi chỉ là trẻ con, không hề hiểu suy nghĩ của người lớn. Nhà văn Lỗ Tấn đã nói: “Thế giới của trẻ con và của người lớn là hoàn toàn khác nhau, nếu không tìm hiểu mà cứ thô bạo can thiệp, thì sẽ tạo ra trở ngại rất lớn cho sự trưởng thành và phát triển của trẻ”. Để có thể “hiểu thế giới của trẻ”, người cha phải coi mình như một đứa trẻ, cùng trẻ chơi trò chơi, cùng trẻ dệt nên bức tranh của cuộc sống, cùng trẻ nhìn về tương lai. Dùng chìa khóa ”trái tim trẻ thơ” để mở cánh cửa tâm hồn trẻ.

2. Không hiểu thì không thể giáo dục hiệu quả

Không hiểu trẻ, giáo dục của người cha sẽ trở thành sự ép buộc, thậm chí biến trẻ thành công cụ thực hiện ý chí của mình. Ngược lại, nếu đứng trên lập trường của trẻ dùng ánh mắt của trẻ để suy xét những yêu cầu của chúng ta, đáp ứng yêu cầu chính đáng của trẻ, cùng vui cùng buồn, thấu hiểu và đồng cảm với trẻ thì có thể yêu trẻ một cách đúng đắn. Đương nhiên, hiểu không phải là mục đích, mà là điểm khởi đầu của việc giáo dục. Hiểu không thể thay thế được giáo dục. Nhưng không hiểu thì rất khó có thể giáo dục được. Trường hợp một số trẻ có tình cảm mâu thuẫn với cha, quan hệ giữa hai cha con trở nên căng thẳng thường do người cha không hiểu trẻ, dạy dỗ trẻ một cách thô bạo. Vì vậy, người cha cần hiểu trẻ để tránh hiện tượng này, biến sự thô bạo trở thành sự hướng dẫn ân cần, biến sự cấm đoán trở thành sự dẫn dắt tích cực.

Không hiểu trẻ, sẽ không đạt được hiệu quả giáo dục cao. Ví dụ ngày tuyết rơi, có trẻ muốn cùng bạn bè đi nghịch tuyết, nhưng người cha sợ trẻ bị cảm lạnh, liền nhốt trẻ trong nhà. Trẻ nài nỉ: “Cha cho con đi chơi một lát, con chơi một lát rồi về”. Người cha lại nói: “Ngoài trời lạnh vậy, ra ngoài sẽ bị cảm lạnh. Những đứa trẻ khác lớn hơn con, sẽ bắt nạt con. Con nhiều đồ chơi như vậy, ở nhà chơi cũng được!”. Trẻ khóc, chơi trong nhà sao có thể sánh được với trò đánh trận trên tuyết với các bạn được? Có trẻ thì nhất định phải đổi đồ chơi ô tô tự động của mình để lấy một hình người bằng đất nặn của bạn, có trẻ thì dồn hết tâm sức của mình vào nuôi một con nòng nọc... Những điều này người lớn có thể xem là những việc rất linh tinh nhưng đối với trẻ lại rất quan trọng.

Tuy trẻ còn nhỏ, nhưng trẻ cũng có suy nghĩ riêng. Chúng ta không thể vì mong muốn của bản thân mà yêu cầu trẻ làm những việc trẻ không thích, cũng không thể yêu cầu trẻ tuân thủ theo tiêu chuẩn của người lớn, biến trẻ thành “ông/bà cụ non”. Những hình thức giáo dục xa rời đặc điểm lứa tuổi như thế này rất dễ tạo nên khoảng cách giữa hai thế hệ, khó tránh khỏi sự thất bại trong giáo dục.

Ai cũng có những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ, nhưng đến khi làm cha mẹ, chúng ta thường quên đi những năm tháng tuổi thơ của mình. Nếu như cha mẹ có thể nhớ về tuổi thơ của mình, nhớ lại những trò chơi tuổi thơ từng hấp dẫn bạn thì rất dễ để hiểu được tâm trạng của trẻ, phương pháp giáo dục trẻ tự nhiên cũng thay đổi.

Nếu như trẻ đang nhảy dây rất vui, cha mẹ lại bắt trẻ ngay lập tức về nhà, trẻ sẽ không vui. Tại sao? Vì trẻ vừa nhảy dây xong, phải kéo dây cho người khác nhảy, lúc này trẻ đi về, bạn bè có thể sẽ không hài lòng. Nếu như chờ rất lâu mới đến lượt trẻ nhảy, mà cha mẹ lại gọi trẻ về, đương nhiên trẻ cũng không thích. Nếu như người cha có thể hiểu tâm trạng này của trẻ, nói trẻ chơi vài phút nữa rồi về nhà, thì những sự không hài lòng như trên sẽ được giải quyết.

3. Phải hiểu tâm lí của trẻ

Không hiểu tâm lí trẻ thì không thể trở thành bạn của trẻ. Người cha nên hiểu, những tình cảm, cảm xúc, niềm vui hay nỗi buồn của trẻ đều là một thế giới độc lập, nếu như người cha không tìm hiểu thế giới độc lập này của trẻ, thì rất khó hiểu được trẻ, từ đó giáo dục không đúng cách, khiến kết quả đi ngược lại với nguyện vọng của chúng ta. Ví dụ: Trẻ muốn chơi cùng bạn một lúc, nhưng cha lại bắt trẻ ở trong phòng học bài, trẻ rất dễ có thành kiến với cha, tạo nên khoảng cách về tình cảm, đồng thời nảy sinh tinh thần chống đối, gây ra trở ngại cho sự giáo dục về sau này. Cho nên người cha cần đứng trên vị trí của trẻ để hiểu những nhu cầu của trẻ, và đáp ứng những nhu cầu tâm lí của trẻ.

Với những vấn đề mà trẻ có hứng thú, phải chủ động tham gia thảo luận; với những hoạt động mà trẻ yêu thích, cũng phải nhiệt tình tham gia và ủng hộ; như vậy trẻ mới thực sự chia sẻ với bạn, trở thành người bạn tri kỉ của bạn. Thực tế chứng minh, ai hiểu tâm lí của trẻ, người đó sẽ được trẻ yêu quý, sẽ giành được quyền chủ động trong việc giáo dục trẻ; ngược lại, việc không nắm được tâm lí của trẻ sẽ khiến trẻ chống đối bạn, thậm chí trách hận bạn, rất tốn công mà không hiệu quả.

Một số phụ huynh thất bại trong việc giáo dục trẻ là do thiếu sự hiểu biết về trẻ. Trong đầu cha mẹ thường có hình ảnh một “đứa con mô phạm”, nên luôn thúc giục trẻ phải làm như thế. Nhưng trẻ là một con người độc lập, chúng không thể làm mọi việc theo ý nguyện của chúng ta, chúng cũng muốn làm hài lòng cha mẹ, nhưng cũng có lúc lực bất tòng tâm. Có phụ huynh vì điều này mà lo lắng bất an, thậm chí nổi cơn thịnh nộ với trẻ khiến trẻ không biết phải làm thế nào.

Tóm lại, người cha phải xuất phát từ thực tế của trẻ, đặt mình vào vị trí của trẻ để suy nghĩ, từ từ dẫn dắt trẻ tiến tới mục tiêu lí tưởng. Làm được như vậy, trẻ nhất định sẽ càng ngày càng tiến bộ hơn, tình cảm cha con cũng ngày càng hòa hợp.

Phần 2: Tham gia hoạt động cùng trẻ

Việc người cha làm người bạn cùng chơi của trẻ, không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu tình cảm của trẻ, mà còn có thể thúc đẩy sự phát triển tâm lí của trẻ tốt hơn.

Trong quan niệm của rất nhiều người, người cha yêu con tức là người cố gắng kiếm nhiều tiền, mua cho con những đồ dùng tốt. Một người đàn ông cứ suốt ngày ở nhà chơi với con, tham gia các hoạt động trong cuộc sống cùng con thì quá là đàn bà. Vì mang nặng tư tưởng nam quyền, nên những người cha đi làm về thường không muốn bỏ thời gian quan tâm con cái, như thể việc dạy dỗ, ở bên trẻ đương nhiên là trách nhiệm của người mẹ, còn người cha chỉ có trách nhiệm đảm bảo về mặt kinh tế. Vì thế trong các buổi họp phụ huynh và trong các hoạt động ở trường học, hầu như chúng ta chỉ thấy bóng dáng của những người mẹ. Người đưa trẻ đi công viên chơi hoặc tập thể dục ở các quảng trường, người đưa đón trẻ đi tham gia các lớp học thêm phần lớn cũng là người mẹ...

Một số tài liệu giáo dục cũng bỏ qua tác dụng của việc người cha chơi cùng trẻ, và thường chỉ nói chung chung về trách nhiệm của cha mẹ.

Thực ra, cuộc sống của trẻ không thể thiếu người cha, người cha phải tích cực tham gia mọi hoạt động cùng trẻ, bất luận là hoạt động trong gia đình hay hoạt động xã hội.

Việc người cha làm người bạn cùng chơi của trẻ, không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu tình cảm của trẻ, mà còn có thể thúc đẩy sự phát triển tâm lí của trẻ tốt hơn. Không chỉ vậy, trong quá trình cùng chơi với trẻ bạn cũng có thể kịp thời phát hiện những hứng thú và tiềm năng của trẻ, từ đó hướng dẫn trẻ một cách có trọng điểm. Khi tham gia vào hoạt động của trẻ, người cha nên tìm hiểu hứng thú và sở trường của trẻ. Nếu như bạn hi vọng trẻ học được phẩm chất kiên trì bền bỉ, bạn phải dùng hứng thú và sự hướng dẫn độc đáo của bạn, làm gương cho trẻ. Ví dụ, nếu như bạn giúp trẻ học một trò ảo thuật, đầu tiên bạn cũng phải nắm rõ, sau đó mới có thể dạy trẻ, tiếp theo là khuyến khích trẻ luyện tập và biểu diễn. Nếu như trẻ lớn hơn, bạn nên đưa trẻ đi thư viện, tìm những cuốn sách liên quan đến ảo thuật.

Trong quá trình tham gia hoạt động cùng trẻ, người cha phải không ngừng khen ngợi và khích lệ trẻ. Khi trẻ thấy chán nản, mệt mỏi, nản lòng (điều này nhất định sẽ xảy ra), bạn có thể bảo con nghỉ ngơi vài phút, sau đó lại tiếp tục vận động. Không được nói với trẻ “Hôm nay đến đây thôi nhé”, hoặc là cho trẻ làm những việc khác mà trẻ thấy hứng thú. Bạn phải nhớ là, trẻ rất ngoan cường, bền bỉ, khi trẻ mệt mỏi nản chí, mà bạn lại dung túng nuông chiều trẻ, thì đồng nghĩa với việc làm hỏng ưu điểm này của trẻ. Bạn phải điều chỉnh phương pháp, phải có sự thay đổi về mức độ bạn tham gia vào hoạt động đó, đặc biệt khi sự tập trung của trẻ không được lâu dài, thiếu động lực.

Khi con gái Y Y của tôi tham gia một số hoạt động của nhà trường tổ chức, nếu điều kiện cho phép tôi cũng cố gắng đến tham gia, đương nhiên nhiều lúc tôi cũng chỉ là một khán giả bình thường, hoặc là thành viên trong đội cổ vũ cho Y Y. Cho dù như vậy thôi cũng truyền cho con một sức mạnh vô biên, đặc biệt là khi Y Y tham gia thi đấu thể thao, sự cổ vũ và an ủi của cha vừa là “chất kích thích”, vừa là “thuốc an thần” của trẻ.

Ở Mĩ, người cha thường xuyên tham gia hoạt động với trẻ. “ Nếu như bạn đồng ý làm huấn luyện viên trong đội bóng của trẻ, bạn nhất định phải dành thời gian cho trẻ”. Đây là phương pháp của một người cha tên là Jeffery sống tại California, Mĩ. Ông đã làm huấn luyện viên môn bóng chày 8 năm, ông chơi cùng 4 đứa con (từ 3 tuổi đến 15 tuổi). “Nếu như bạn không thể làm huấn luyện viên, thì bạn hãy tham gia vào đội cổ vũ”. Max là một luật sư, anh nói trong quá trình trưởng thành của con, anh muốn ở bên con nhưng anh lại không biết gì về thể thao. “Tôi không thể làm huấn luyện viên, nhưng tôi luôn ngồi xem các trận thi đấu của con, cổ vũ động viên con”. Anh và vợ đã quyết định tham gia các hoạt động ở trường của con từ rất sớm.

Nghiên cứu khoa học và thực tiễn xã hội đều chứng minh việc người cha tham gia hoạt động, vui chơi cùng trẻ, rất có lợi cho sự trưởng thành của trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Tiếp xúc nhiều hơn với trẻ

Trẻ em cần những tình cảm, sự bảo vệ và tình yêu ấm áp của cha mẹ. Là con một, trẻ em hiện nay vốn dĩ rất cô đơn, có mẹ ở bên cạnh là chưa đủ, trẻ cũng hi vọng cha sẽ tham gia hoạt động của trẻ. Nếu như người cha lấy đủ mọi lí do để không chơi cùng trẻ, không tham gia các hoạt động của trẻ, trẻ sẽ càng cảm thấy cô đơn.

Người cha có ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ. Trong giai đoạn sơ sinh, người cha đều thích dùng các hình thức vận động cơ thể để trêu đùa với trẻ, như cưỡi ngựa, cho trẻ ngồi lên cổ... kích thích trẻ bằng những hoạt động thân thể mạnh mẽ, từ đó có thể thúc đẩy sự phát triển cơ thể của trẻ. Khi trẻ bước vào độ tuổi đến trường, người cha có thể đưa trẻ đi tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn, như đánh bóng, leo núi, đi chơi ở những khu vui chơi giải trí, thăm thú thiên nhiên. Đây đều là những việc giúp trẻ rèn luyện sức khỏe.

2. Tình thương của người cha là nguồn sức mạnh quan trọng hình thành phẩm chất cá tính của trẻ

Những đặc tính quan trọng của một người đàn ông như độc lập, tự tin, khoan dung, kiên cường, quả cảm có ảnh hưởng ngầm đến trẻ trong quá trình tiếp xúc với trẻ, từ đó làm cho trẻ cũng có những phẩm chất này. Những phẩm chất này được thể hiện thông qua những việc làm cụ thể, tham gia hoạt động cùng trẻ là cơ hội thể hiện tốt nhất.

Tôi thường xuyên tham gia một số môn thể thao cùng Y Y như lên xà, vòng treo. Chúng tôi thường xuyên nhìn thấy, có người rất cao lớn nhưng chân tay lại vụng về lóng ngóng, kéo hai cái là thở không ra hơi. Lúc này Y Y thường đẩy tôi ra thi với họ, để giữ thể diện cho đối phương, tôi thường đợi họ đi rồi mới bắt đầu thể hiện. Làm xong vài động tác có độ khó cao, Y Y lao tới ôm tôi như một người anh hùng và nói: “Cha thật giỏi!”, sau đó con bé cũng thử tập những động tác khó đối với lứa tuổi của mình. Kết thúc một động tác, chúng tôi đều đập tay và nói “Yeah”. Ở đây nhân tiện cũng nhắc mọi người, khi chơi thể thao nhất định phải chú ý đến sự an toàn, an toàn vẫn là hàng đầu.

3. Những đứa trẻ có nhiều thời gian ở bên cha thì có khả năng giao tiếp tốt

Sự phóng khoáng của cha làm cho trẻ học được cách đối xử khoan dung với mọi người; sự tự tin của cha làm cho trẻ tràn đầy nhiệt huyết, biết cách vui vẻ chấp nhận bản thân.

Khả năng giao tiếp và thích ứng của Y Y thường được mọi người khen ngợi, tuổi còn nhỏ, đã sống ở rất nhiều nơi, đổi rất nhiều trường học, nhưng đi đến đâu con đều có thể nhanh chóng hòa đồng với các bạn. Tháng 8 năm 2006, Y Y từ Yên Đài chuyển trường xuống Đại Liên học trung học cơ sở, ngày đầu tiên đi học đã dẫn bạn học cùng lớp là Y Nham về nhà chơi. Tháng 10 năm 2008, đến Thẩm Dương học lớp 7, chưa đến ba ngày Y Y đã kết bạn với hầu hết các bạn cùng lớp. Tháng 10 năm 2008, sau khi chuyển trường đến Trường Xuân, rất nhanh Y Y trở thành bạn tốt của các bạn trong lớp. Hiện nay, cả nước có rất nhiều nơi có bạn học, bạn tốt của Y Y, bọn trẻ gửi thư, gọi điện thoại, giao lưu với nhau về học tập và về cảm xúc khi trưởng thành.

4. Ở bên cha nhiều có thể thúc đẩy sự phát triển trí tuệ của trẻ

Nghiên cứu khoa học chứng minh rằng việc người cha giao lưu nhiều với trẻ, có thể giúp trẻ ngày càng nâng cao kĩ năng nhận thức, động cơ thành công, và sự tự tin với năng lực bản thân. Những trẻ thường xuyên ở bên cạnh cha, có thể học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm, khả năng tưởng tượng và ý thức sáng tạo từ người cha, có lợi cho việc kích thích sự ham học hỏi, tính hiếu kì, sự tự tin của trẻ. Hơn nữa người cha còn là bạn chơi của trẻ khi trẻ nhàn rỗi, là người điều tiết tâm trạng trẻ khi trẻ thấy buồn bực, điều này có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ.

5. Người cha tham gia hoạt động cùng trẻ sẽ có lợi cho sự phát triển và hoàn thiện vai trò giới tính của trẻ

Gia đình là nơi quan trọng để từ nhỏ trẻ học được quan niệm, hình thành ý thức về vai trò của bản thân, mô phỏng hành vi. Lúc đầu con trẻ sẽ mô phỏng hành vi của cha mẹ ở trong gia đình, sau đó là mô phỏng hành vi của những người khác ở bên ngoài, từ đó hình thành ý thức giới tính của mình. Nếu như thiếu đi nhân vật “người cha”, như vậy bé trai sẽ mất đi sự đồng cảm và đặc trưng nam tính, trở thành người yếu ớt, thiếu tính tự lập, tự chủ và sự bền bỉ, hình thành xu hướng nữ tính hóa, năng lực thích ứng với môi trường kém, không thể thích ứng với cuộc sống tự lập của nam giới; bé gái cũng quá mềm yếu, đồng thời vì xa lạ với nam giới nên khi trưởng thành sẽ có biểu hiện như lo âu, sợ hãi xấu hổ, bối rối khi giao lưu với nam giới.

Sự tồn tại và tình yêu của người cha là nguồn sức mạnh cho sự phát triển tâm lí, cá tính của trẻ, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự đúng đắn về giới tính, phương thức sống, giá trị quan và thái độ của trẻ. Chính vì vậy, người cha là nhân vật không thể thay thế trong quá trình trưởng thành của trẻ.

Tôi rất vui vì tôi không hề từ bỏ vai trò của bản thân trong việc giáo dục con gái. Điều cơ bản nhất mà tôi làm chính là mỗi ngày đều cố gắng dành một khoảng thời gian nhất định chơi cùng con, cùng con đọc sách, xem tivi. Đặc biệt là sau khi xác định tư tưởng “giáo dục tam tam”(*), tôi càng chú trọng việc ngồi cùng con khi con chơi, đọc sách và xem tivi. Sự thân mật này khiến con coi tôi là người bạn tri âm nhất.

Hãy tham gia các hoạt động của trẻ nhiều hơn, điều này cũng giống như người nông dân gieo hạt vào mùa xuân, mùa thu sẽ được thu hoạch.

(*) Giáo dục tam tam nghĩa là ba nhiều, ba tốt, ba mạnh: Ba nhiều là chơi nhiều, xem tivi nhiều, đọc sách nhiều; ba tốt là văn tốt, chữ tốt, học tốt; ba mạnh là khả năng tự chăm sóc mình mạnh, ý thức tự chăm sóc mình mạnh, tố chất tâm lí mạnh. Hạt nhân của “Giáo dục tam tam” là niềm vui.