Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương II - Phần 03 - 04

Phần 3: Giao lưu bình đẳng với trẻ

Nếu như người cha trò chuyện với trẻ một cách bình đẳng như một người bạn, mà không phải là giáo huấn chúng, thì trường hợp người cha có thể thuận lợi giao lưu tư tưởng với con mình chiếm phần lớn.

Thường có một số người cha trong chương trình Tư vấn giáo dục gia đình hỏi: “Tại sao chúng tôi không thể trò chuyện và hiểu được con?”, “Tại sao con càng ngày càng hư đốn vậy?”, “Tại sao sau khi con lên trung học, tôi nói gì nó cũng không nghe?”.

Ngôn ngữ chính là dây nối và nhịp cầu để phụ huynh giao lưu với trẻ, là cầu nối để phụ huynh khống chế và điều chỉnh hành vi của trẻ. Chẳng trách một số cha mẹ buồn phiền, lo lắng, bởi nếu như lời nói của cha mẹ trẻ không nghe, chúng ta làm sao có thể giáo dục trẻ?

Cùng với sự trưởng thành của trẻ, nội dung và hình thức giao lưu của cha mẹ với trẻ cũng có sự thay đổi, từ đó có thể nhìn thấy sự thay đổi về khoảng cách tâm lí giữa hai thế hệ.

Những người cha thường rất ít bộc lộ tâm sự của mình với trẻ, mà chỉ quen giáo huấn một cách nghiêm khắc, nhưng lại yêu cầu trẻ phải tâm sự mọi thứ với mình. Yêu cầu không bình đẳng này đương nhiên không thể đạt được hiệu quả tốt.

Bạn có chú ý đến giọng điệu của mình khi nói chuyện với trẻ? Có lúc trẻ sẽ hỏi: “Có phải cha đang tức giận không ạ?”, bạn nghiêm mặt nói: “Không”, nhưng biểu hiện trên mặt bạn và ngữ điệu của bạn thể hiện bạn đang tức giận. Trẻ rất nhạy cảm, trẻ có thể nhanh chóng nhận ra thái độ và ý tứ thực sự mà bạn muốn truyền đạt. Còn người lớn chúng ta thường không nhạy cảm, không ý thức được rằng chúng ta sử dụng các giọng điệu khác nhau khi nói chuyện với trẻ, càng không hề suy xét đến tác dụng đặc biệt của loại giọng điệu này đối với hành vi của trẻ.

Người làm cha phải tôn trọng trẻ, giao lưu với trẻ chứ không phải là giáo huấn trẻ. Nếu trò chuyện với trẻ một cách bình đẳng như một người bạn, mà không phải là giáo huấn chúng, thì trường hợp người cha có thể thuận lợi giao lưu tư tưởng với con mình chiếm phần lớn.

Người cha thường hi vọng có thể tận dụng mọi cơ hội để truyền đạt đạo lí cho trẻ, có lúc thái độ của người cha rất thân thiện, nhưng vì nội dung được truyền đạt cách xa tư tưởng của trẻ, nên trẻ không thể tiếp thu được. Nếu như khi trẻ còn nhỏ, người cha đã có ý thức bồi dưỡng mối quan hệ giao lưu hài hòa với trẻ, thì cánh cửa giao lưu giữa hai cha con rất rộng mở. Nếu từ khi còn nhỏ trẻ không được ở bên cạnh cha mẹ, hoặc là không có thói quen thường xuyên giao lưu với cha mẹ, thì cánh cửa này sau này có thể sẽ mãi mãi bị đóng kín. Sự giao lưu giữa cha và con trẻ được quyết định bởi việc người cha có tôn trọng trẻ hay không, nhất là khi những khi ý kiến của trẻ không thống nhất với mình.

Nghiên cứu y học chứng minh sự thông minh của con người chủ yếu quyết định bởi trình độ phát triển của mạng lưới thần kinh não bộ. Sau khi con người sinh ra, những cảnh vật, âm thanh, mùi vị và điều quan trọng nhất là sự giao lưu ngôn ngữ đến từ môi trường gia đình có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển của não. Có một thí nghiệm như sau, đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh văn hóa gia đình không giống nhau, từ khi sinh ra đến khi 2,5 tuổi, mỗi tháng dùng một giờ để ghi lại những từ vựng mà trẻ nghe thấy và sự giao lưu với cha mẹ, kết quả cho thấy trung bình những trẻ nghe thấy nhiều từ nhất thì đạt điểm số cao nhất.

Từ đó có thể thấy, người cha không chỉ phải bảo vệ chu đáo cuộc sống cho trẻ, còn phải tạo cho trẻ môi trường giao lưu ngôn ngữ tốt đẹp trong gia đình. Trẻ tuy không hiểu được toàn bộ hàm ý của những ngôn từ phong phú đa dạng này, nhưng nó sẽ khiến sự phát triển tế bào thần kinh trong não ngày càng mạnh mẽ. Bạn và trẻ có thể giao lưu tư tưởng tình cảm với nhau hay không quyết định bởi thái độ của bạn. Có một số người cha không thể giao lưu bình đẳng với trẻ, động một chút là giáo huấn trẻ, làm cho trẻ có cảm giác sợ hãi. Lúc đầu nói chuyện với trẻ, có thể hỏi trẻ một số vấn đề không liên quan đến hai cha con, làm cho trẻ cảm thấy thoải mái và vui vẻ tham gia. Cấm kị hỏi những câu hỏi trừu tượng, khó hiểu, hoặc là những vấn đề nhạy cảm đối với trẻ hoặc những vấn đề mà trẻ không muốn lập tức đối mặt, khiến trẻ cảm thấy hồi hộp lo lắng ngay khi bắt đầu trò chuyện, dẫn đến nảy sinh tư tưởng chống đối. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc trò chuyện, mà còn làm cho trẻ sau này không muốn thảo luận vấn đề với bạn.

Người cha phải là người bạn tâm tình tốt nhất của trẻ. Bởi vì trò chuyện là quá trình hai bên nghe và nói, có thể nói trao đổi qua lại giữa hai bên là một đặc trưng quan trọng trong giao tiếp. Cho nên, đồng thời với việc lắng nghe trẻ nói, người cha phải tham gia giao lưu trò chuyện với trẻ.

Tại sao lại nhấn mạnh phải “bình đẳng” trò chuyện với trẻ? Bởi vì sự giao lưu không bình đẳng sẽ làm trẻ sợ hãi, làm trẻ tự ti, ngỗ nghịch, làm trẻ thấy cô độc... Bạn đang đối diện với một tâm hồn ngây thơ non nớt, một mảnh đất bạn phải cất công khai phá và vun trồng, chỉ một chút lệch lạc, thì không chỉ làm cho khả năng biểu đạt ngôn ngữ của trẻ bị cản trở, mà còn làm hại đến sự phát triển tâm lí lành mạnh của trẻ.

Kết hợp đặc điểm tâm lí của trẻ em và những cảm nhận sau nhiều năm giao lưu với Y Y, tôi đã tổng kết ra vài điều cần chú ý khi trò chuyện với trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Ngồi xuống nói chuyện với trẻ

Nếu như một người cao 1m60 nói chuyện với một người cao 1m85 thì sẽ có cảm giác như thế nào? Nhiều người có câu trả lời chung là: cảm thấy áp lực. Như vậy thì một người cha cao1m70 nói chuyện với một đứa trẻ cao hơn 1m thì sẽ như thế nào?

Cho nên, như đã nói ở trên, người cha phải biến mình thành một đứa trẻ, đi vào thế giới nội tâm của trẻ, ngồi xuống trò chuyện với trẻ. Trẻ em còn đang trong giai đoạn phát triển, nên sẽ có những hạn chế về trình độ nhận thức và trình độ tâm lí. Con trẻ rất ngây thơ, thậm chí trong mắt người lớn, chúng có những hành vi sai trái hoặc rất buồn cười, nhưng điều này không có nghĩa trẻ không chịu nghiêm túc tìm tòi khám phá cuộc sống. Trong thế giới nội tâm của trẻ, trẻ cũng có những niềm vui hay nỗi buồn riêng, những niềm vui nỗi buồn này cũng sâu sắc, chân thành không kém gì cảm xúc của người lớn, đồng thời trẻ còn có những nỗi lo lắng và sợ hãi mà người lớn không có. Vì vậy, cha mẹ phải ngồi xuống, dùng tấm lòng của mình để cảm nhận trong một tình huống cụ thể nào đó trẻ sẽ suy nghĩ và xử sự như thế nào.

Như vậy, người lớn có thể hiểu được nguyên nhân thực sự sau những hành vi của trẻ, có tiếng nói chung với trẻ. Khi trẻ nói ra những điều mà người lớn chúng ta thấy rất ngây ngô buồn cười, thì bạn cũng không được cười trẻ, chế giễu trẻ, cũng không được dễ dàng phá tan những suy nghĩ khác lạ của trẻ, càng không được dùng quyền của người lớn áp chế ham muốn được nói của trẻ, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ.

2. Phải kiên trì giao lưu với trẻ mỗi ngày

Bạn không được nói mình rất bận, không được nói tâm trạng mình không tốt, cũng không được nói trẻ có người khác chơi cùng rồi thì không cần mình nữa, bởi vì không ai có thể thay thế được bạn - người cha của trẻ. Mỗi ngày dù bạn chỉ bỏ ra 10 phút nói chuyện với trẻ, thì đã đem lại hiệu quả rất tốt với trẻ rồi.

Tôi thường tận dụng triệt để thời gian nói chuyện với Y Y, có thể là bên bàn ăn, ngồi trước tivi hay là trước khi ngủ... Trò chuyện nhiều như vậy giúp tôi có thể kịp thời hiểu được cách nghĩ và nhu cầu nội tâm của con, đồng thời cũng làm cho con có thể diễn đạt những gì mình nghĩ nhiều hơn, tốt hơn.

3. Nói chuyện với trẻ phải chú ý ngôn ngữ biểu đạt

Phải dùng nhiều những ngôn từ mang tính động viên khích lệ và tích cực, tránh những ngôn từ mang tính mệnh lệnh, cấm đoán và chế nhạo. Rất nhiều lúc chúng ta không chú ý ngữ khí và cách nói chuyện với trẻ, ngôn ngữ sử dụng trong quá trình nói chuyện đầy mệnh lệnh và quyền uy, ví dụ luôn luôn có những câu cửa miệng như “Không cho phép”, “Không được”, hoặc là cứng nhắc nói với trẻ “Con nên...”. Trò chuyện như vậy sẽ làm trẻ thấy không thoải mái, lâu dần trẻ sẽ có tâm lí phản kháng khi nói chuyện với cha, tạo thành khoảng cách giữa hai thế hệ, ý muốn giao lưu hòa hợp với trẻ sẽ trở nên ngày càng khó khăn.

Trong quá trình trò chuyện với trẻ, cố gắng không được nói một mình, mà phải chú ý đến phản ứng và thái độ của trẻ, còn phải khiến trẻ có ham muốn được nói, được thể hiện bản thân. Nếu như chỉ một mình bạn thao thao bất tuyệt, nói những điều xa vời, không cho trẻ cơ hội được nói, thì thứ nhất sẽ làm cho khả năng biểu đạt ngôn ngữ của trẻ không được rèn luyện, thứ hai là khiến trẻ nảy sinh cảm giác buồn chán, trong quá trình trò chuyện khó tránh khỏi việc trẻ bị phân tâm hoặc muốn lẩn ra chỗ khác.

4. Phải cho trẻ quyền được bình đẳng tranh luận với mình

Đây là một điều mà nhiều năm nay tôi rất chú trọng, quan tâm. Trẻ càng lớn thì người cha càng phải bình đẳng đối thoại với trẻ. Người cha phải tôn trọng yêu cầu này của trẻ, dùng thái độ bình đẳng, ngữ khí trao đổi bàn bạc để nói chuyện với trẻ. Trong nhà có thể cho trẻ nhiều cơ hội và quyền được “tham chính, nghị chính”, lắng nghe ý kiến của trẻ. Phương thức giao lưu bình đẳng còn có lợi cho việc bồi dưỡng trách nhiệm với gia đình của trẻ. Tôi cổ vũ Y Y tranh luận với tôi, tôn trọng quan điểm và cách nhìn của con. Làm như vậy, con trẻ mới dám nói, dám thể hiện suy nghĩ thật của mình, dám thách thức với uy quyền.

Cha và con bình đẳng, trẻ không phải là vật phụ thuộc vào chúng ta, mà là một cá thể độc lập. Hơn nữa, người cha không phải lúc nào cũng đúng, cách nghĩ và quan điểm của trẻ cũng có những chỗ đáng để chúng ta tiếp thu học hỏi. Cho nên không được lấy cách nghĩ và quan điểm của mình để ép buộc trẻ, chúng ta có thể xóa bỏ sự khác nhau giữa cách nghĩ của chúng ta và cách nghĩ của trẻ bằng cách tranh luận bình đẳng với trẻ. Nếu cách nghĩ của trẻ sai, thì chúng ta cũng phải dùng giọng điệu thương lượng, thái độ ôn hòa để chỉ bảo và dạy dỗ trẻ, chứ không được tỏ vẻ bề trên, giáo huấn chỉ trích trẻ một cách cứng nhắc.

5. Dùng ánh mắt tương lai nhìn trẻ

Phải nhìn thấy sự phát triển và trưởng thành của trẻ, dù có một điều trẻ làm người lớn không hài lòng, nhưng người cha phải biết chấp nhận điều này ở trẻ, nên có lòng tin vào tương lai của trẻ; phải dùng tâm thế bình đẳng, ôn hòa trò chuyện với trẻ; phải nâng cao chất lượng mỗi cuộc trò chuyện, đưa ra cho trẻ những ý kiến bổ ích và có thể thực hiện, cho phép trẻ có sự lựa chọn cho bản thân. Phải khẳng định những tiến bộ nhỏ nhất của trẻ, đồng thời không ngừng thể hiện sự kì vọng tích cực, tốt đẹp, hợp lí dành cho trẻ.

Mỗi người đều có mong muốn được người khác yêu quý, được người khác quan tâm, được người khác tin tưởng, trẻ cũng như vậy. Trẻ mong muốn được sống trong một gia đình hạnh phúc, hòa thuận, mong muốn có một người cha hiểu trẻ, tin trẻ, yêu trẻ, một người cha giống như một người bạn. Muốn trẻ cảm nhận được tình yêu của người cha, không chỉ dựa vào những ngôn ngữ, động tác có tiếng có hình, mà hơn cả còn cần sự giao lưu tâm hồn. Đôi mắt của người lớn là một tấm gương của trẻ, trẻ thông qua tấm gương này để quyết định hành động của mình, quyết định có trò chuyện tâm sự với cha mẹ hay không. Cha mẹ nên cố gắng tận dụng tấm gương này, làm cho trẻ vừa nhìn thấy sự quan tâm, động viên, tình yêu thương, đồng thời cũng cho trẻ nhìn thấy sự phê bình, chỉ bảo và giáo dục.

Nếu một người cha có thể giao lưu với trẻ bằng ánh mắt một cách bình đẳng, ôn hòa, kết hợp với lời nói hợp lí, thì sẽ khiến trẻ dần trở nên vui vẻ, tự tin trong mắt cha mẹ, từ đó có thể trưởng thành một cách khỏe mạnh.

Nói thực, tôi là một người tính khí rất nóng nảy, khi giao lưu trò chuyện với người khác, khó tránh khỏi những lúc có lời lẽ cứng nhắc. Đối diện với Y Y, tuy tôi cố gắng khống chế sự nóng nảy của mình, nhưng thỉnh thoảng cũng mất kiểm soát, nói ra những lời lẽ trách mắng con. Nhưng sau khi như vậy tôi lại kịp thời xin lỗi Y Y, nói với con: “Cha không nên nói như vậy, cha xin lỗi con!”, Y Y chỉ cười và nói: “Con biết cha hay nóng tính. Chuyện qua rồi thì cho nó qua đi!”. Cho nên không khí trò chuyện vui vẻ giữa chúng tôi không vì chuyện thỉnh thoảng tôi mất kiểm soát mà bị phá hỏng.

Trò chuyện giao lưu với trẻ là một chuyện rất vui, hơn thế nó còn là một việc chúng ta phải làm bằng tất cả trái tim mình. Chúng ta là những người thân thiết nhất của trẻ trên thế giới này, nếu như có thể trở thành người bạn tâm tình gần gũi nhất của trẻ, thì cả chúng ta và trẻ đều sẽ vô cùng hạnh phúc.

Phần 4: Bận thế nào cũng phải trò chuyện giao lưu với trẻ

Nên tự ám thị bản thân: Ta có một đứa con đáng yêu như vậy, chúng ta phải cùng trưởng thành, chúng ta phải cùng nhau đối mặt với rất nhiều vấn đề, chúng ta phải sống hạnh phúc và vui vẻ.

Tôi đã từng nghe một câu chuyện như sau:

Có một ông chủ của một công ty công việc hàng ngày rất bận, tiếp khách rất nhiều, mọi việc trong nhà tất cả đều giao hết cho vợ, tất cả mọi việc của cô con gái cũng do một mình người vợ lo toan.

Vào một ngày hiếm hoi ông này ở nhà nghỉ ngơi, chuông điện thoại trong nhà reo lên. Bà vợ đã đưa con đi dạo phố nên ông ta đành phải nghe điện thoại. Trong điện thoại là một bé gái tìm con gái của ông ta, khi biết con gái ông ta không có ở nhà, cô bé này liền nhờ ông ta nhắn với con gái ông ta một số việc. Ông ta lấy giấy bút ghi chép cẩn thận những gì cô bé dặn.

Buổi tối bà vợ đưa con gái về nhà. Ông ta lấy tờ giấy ghi chép, truyền đạt nội dung của cuộc điện thoại cho con gái không sót một thứ gì. Lúc đầu cô bé vẫn nghiêm túc lắng nghe, nhưng sau đó thì cười với mẹ một cách kì lạ, cuối cùng cả hai mẹ con cười phá lên, người cha giật mình, không hiểu con gái cười cái gì, thậm chí còn có chút không vui: Cha coi trọng việc của con như vậy, con lại còn cười, ý con là sao?

Kết quả là cô bé gọi cuộc điện thoại đó chính là con gái ông ta, cô bé và mẹ cá cược xem người cha có thể nhận ra giọng con gái mình không.

Kết quả, cô bé đã thắng.

Người cha nghe xong câu chuyện, không nói gì một hồi lâu.

Ông ta là một người cha quá bận rộn đến mức quên mình là một người cha.

Chúng ta có thể phán đoán, người cha này rất ít giao lưu trò chuyện với con gái, tất nhiên rất khó trở thành bạn của con. Cho dù ông ta rất quan tâm đến con gái, rất coi trọng việc của con, nhưng ông ta lại không phải là một người cha tốt. Bởi vì người cha tốt nhất định phải là người bạn tốt của trẻ.

Bạn là gì?

Thực ra rất đơn giản, bạn là người có thể nói chuyện hợp gu với mình.

Như thế nào là nói chuyện hợp gu?

Trò chuyện nhiều hơn, giao lưu nhiều hơn, tạo ra nhiều tiếng nói chung hơn thì tự nhiên sẽ nói chuyện hợp gu.

Trò chuyện chính là sự giao lưu tư tưởng và tình cảm, là sự trao đổi thông tin và ý kiến. Rất nhiều trẻ không muốn nói với cha mẹ những tâm sự trong lòng mình, nói với cha thì sợ câu nào nói không đúng sẽ bị cha nổi nóng mắng cho một trận, còn nói với mẹ thì sợ mẹ nghiêm khắc phê bình cho một bài. Thế là trẻ càng không muốn nói cách nghĩ của mình với cha mẹ, cứ như vậy sẽ tạo nên khoảng cách giữa hai thế hệ.

Trong những tình huống như trên, thường thì những người mẹ rất khó có thể bình tĩnh để phân tích nguyên nhân, mà chỉ một mực đi tìm những sai sót của trẻ. Các bà mẹ thường nghĩ: Bây giờ nhịp điệu cuộc sống hiện đại quá nhanh, trong xã hội cạnh tranh rất quyết liệt, phụ huynh chúng ta vì kế sinh nhai của gia đình và vì tiền đồ sự nghiệp của chính bản thân chúng ta mà hàng ngày phải nỗ lực làm việc, công việc bận rộn vô cùng vất vả, mệt mỏi, khi trở về nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, còn đâu hơi sức để nói chuyện với trẻ nữa, trẻ hiểu chuyện thì nên thông cảm cho cha mẹ, tự mình ra ngoài chơi. Lúc này người cha nên xuất hiện, trong lòng trẻ người cha mãi là một chiếc ô lớn, chỉ cần đứng dưới ô, thì dù có bất kì mưa gió bão bùng gì trẻ cũng không sợ, sự chín chắn của người cha cho trẻ có cảm giác an toàn. Từ đó có thể thấy, trên phương diện này ảnh hưởng của người cha đến trẻ lớn hơn người mẹ.

Làm thế nào để nuôi dạy tốt con của mình, làm thế nào mới có thể giao lưu trò chuyện vui vẻ với trẻ, đều là những vấn đề các vị phụ huynh rất quan tâm, và đây cũng là vấn đề khó giải quyết trong bối cảnh xã hội hiện nay. Khi cha mẹ trò chuyện với trẻ, đầu tiên cần phải điều chỉnh tâm trạng bản thân, tự ám thị: Ta có một đứa con đáng yêu như vậy, chúng ta phải cùng trưởng thành, chúng ta phải cùng nhau đối mặt với rất nhiều vấn đề, chúng ta phải sống hạnh phúc và vui vẻ.

Cho nên, cho dù bạn bận rộn thế nào, làm một người cha, bạn không được quên giao lưu trò chuyện với trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Tôn trọng, tin tưởng trẻ là tiền đề để trò chuyện có hiệu quả với trẻ

Chúng ta nên hiểu rằng yêu trẻ, đầu tiên phải tôn trọng, tin tưởng trẻ. Tôn trọng và tin tưởng là nguyên tắc giáo dục hiện đại đầu tiên. Tôn trọng tin tưởng trẻ là phải tôn trọng sự sắp xếp thời gian học tập của trẻ, không được can thiệp quá nhiều; là phải tôn trọng quyền riêng tư của trẻ, không được xem tùy bút, nhật kí, thư của trẻ nếu chưa được sự đồng ý của trẻ; là phải tôn trọng sở thích hứng thú của trẻ, đồng thời tích cực động viên trẻ phát triển sở trường riêng của bản thân; là phải tôn trọng nhu cầu tự do giao lưu chính đáng của trẻ, bao gồm cả nhu cầu giao lưu với bạn khác giới.

Cha mẹ còn phải đứng đúng vị trí của mình. Giáo dục có thể chia thành ba thời đại: Đầu tiên là thời đại thế hệ trước truyền đạt tri thức cho thế hệ sau; thời đại thứ hai là thời đại thế hệ trước và thế hệ sau học hỏi lẫn nhau; thời đại thứ ba là thời đại thế hệ sau lại truyền thụ kiến thức cho thế hệ đi trước. Giáo dục hiện nay đang trong thời kì tiến hóa từ thời đại thứ hai sang thời đại thứ ba.

2. Làm gương cho trẻ nhiều hơn chỉ dạy bảo bằng lời nói là cơ sở để giao lưu có hiệu quả với trẻ

Lev Tolstoy(*) từng nói: “Trong một gia đình, chỉ khi người cha có thể tự giáo dục mình, đứa con mới có thể tự giáo dục bản thân. Không có tấm gương tiên phong của người cha, thì thật vô ích khi nói đến chuyện trẻ tự giáo dục bản thân”. Cha mẹ hiếu thảo kính trọng người già, trẻ mới có thể hiếu thảo kính trọng bạn, khi bạn nghỉ việc để lựa chọn công việc khác mà tràn đầy tự tin, trẻ mới có thể tự tin đối mặt với thách thức. Tác dụng của việc làm gương vô cùng lớn, sức mạnh nhân cách của cha mẹ là nhân tố giáo dục quan trọng nhất.

(*) Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910), tiểu thuyết gia người Nga, nhà triết học, người theo chủ nghĩa hoà bình, nhà cải cách giáo dục, nhà tư tưởng đạo đức. Tolstoy được yêu mến ở khắp mọi nơi như một tiểu thuyết gia vĩ đại nhất trong tất cả các nhà viết tiểu thuyết, đặc biệt nổi tiếng với kiệt tác Chiến tranh và hoà bình và Anna Karenina.

Bước sang thế kỉ mới, môi trường trưởng thành của trẻ có sự thay đổi to lớn. Sự phát triển về quan niệm, tình cảm và hành vi của những đứa trẻ lớn lên trong môi trường mới có sự khác biệt rõ rệt so với trẻ em thế hệ trước. Điều này làm cho cha mẹ cảm thấy rất khó khăn khi giáo dục trẻ, mà khó khăn đầu tiên là không hiểu được sự thay đổi tâm lí của trẻ em ngày nay. Thế là, trong mắt trẻ, uy tín của cha mẹ ngày càng giảm. Dưới sự giáo dục như vậy, những vấn đề về tâm lí của trẻ ngày càng nhiều hơn, hiện tượng bỏ nhà đi bụi ngày càng phổ biến, tỉ lệ phạm tội của trẻ vị thành niên ngày càng tăng cao, hiện tượng tự sát cũng ngày càng nhiều. Muốn giải quyết những khó khăn, những vấn đề trên, đầu tiên cha mẹ phải có sự giao lưu trò chuyện với trẻ.

3. Lắng nghe và phát hiện là nhịp cầu để giao lưu có hiệu quả với trẻ

Người lớn chúng ta đều có cảm nhận như sau: Khi có chuyện vui, thì tụ tập bạn bè để chúc mừng sẽ càng cảm thấy vui; nhưng khi không vui, thì lại muốn tìm một người bạn tri kỉ để tâm sự, có thể người bạn này không đưa ra cho chúng ta những ý kiến bổ ích, chỉ lặng lẽ nghe, thỉnh thoảng gật đầu, nhưng khi chúng ta nói xong trong lòng cũng thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Điều này cho thấy: Con người đều có nhu cầu tâm sự. Đạo lí này đương nhiên cũng có thể áp dụng giữa chúng ta và trẻ. Chú ý lắng nghe trẻ nói chuyện, cho dù là những chủ đề chúng ta không hứng thú thì cũng phải kiên trì lắng nghe. Ngược lại, nếu chúng ta không tập trung lắng nghe trẻ nói, trẻ sẽ cảm thấy nói chuyện với bạn là vô ích, lâu dần, cánh cửa tâm lí của trẻ có thể sẽ vĩnh viễn đóng lại với chúng ta.

Khi lắng nghe trẻ, chúng ta không những phải cố gắng nghe, mà còn phải suy nghĩ, tập trung phát hiện những điểm sáng hoặc những khó khăn buồn phiền của trẻ thông qua cuộc trò chuyện. Đối với những điểm sáng thì phải kịp thời khẳng định, phát huy; còn với những khó khăn hoặc những buồn phiền mà trẻ đang phải đối mặt thì chúng ta cần tích cực hướng dẫn, kịp thời hóa giải.

4. Học cách tán thưởng và khích lệ là chất bôi trơn giúp trò chuyện với trẻ hiệu quả

Mỗi người đều có khát vọng thành công, mong muốn đạt được sự thừa nhận và khẳng định của người khác. Không có đứa trẻ nào muốn sống trong một thế giới toàn sự phủ nhận. Chính vì vậy phụ huynh chúng ta phải biết tán thưởng, biết khích lệ. Như một nhà tâm lí người Mĩ từng nói: “Khen ngợi và động viên đối với con người giống như mặt trời, không có nó, chúng ta khó có thể trưởng thành, ra hoa”.

Đối lập với việc khen ngợi là chỉ trích. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không thể nói với trẻ: “Con không bằng con nhà người ta”. Bởi vì điều này sẽ khiến lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương vô cùng lớn. Có thể khái quát thành một câu rằng: Khen ngợi mới có thể thành công, trách mắng sẽ dẫn đến thất bại!

5. Tìm tiếng nói chung là chất xúc tác để trò chuyện có hiệu quả với trẻ

Trước tiên, chúng ta hãy xem một đoạn đối thoại giữa cha và con gái như sau:

Cha: “Cha cảm thấy thế hệ của các con rất khó hiểu”.

Con gái: “Khó hiểu thì không cần phải hiểu, trừ phi cha và chúng con bằng tuổi nhau”.

Đừng xem thường mấy câu đối thoại thông thường này, bởi trong đó hàm chứa một đạo lí rất sâu sắc: Làm cha mẹ muốn hiểu trẻ, bởi không thể nào thay đổi khoảng cách về lứa tuổi, nên hãy cố gắng rút ngắn khoảng cách tâm hồn giữa hai thế hệ. Một trong những con đường để rút ngắn khoảng cách tâm hồn là cùng trẻ học tập, cùng trẻ hoạt động, bồi dưỡng những sở thích hứng thú giống nhau. Nếu ví cha mẹ và con cái là hai “tập hợp”, thì phải cố gắng mở rộng “giao” của hai “tập hợp” này, như vậy hai thế hệ mới có thể có nhiều tiếng nói chung, việc giao lưu trò chuyện sẽ trở nên có hiệu quả.

Như vậy, những người cha phải nâng cao nhận thức về vấn đề giao lưu trò chuyện với trẻ, từ đó sắp xếp hợp lí công việc và cuộc sống, dành nhiều thời gian bên trẻ, cùng trẻ tham gia tập luyện thể dục thể thao, cùng trẻ đi nhà sách, giúp trẻ chọn những cuốn sách có ích, cùng trẻ thưởng thức những bộ phim hay hoặc những chương trình truyền hình thú vị, cùng trẻ học tập... Người cha có thể đưa ra những chủ đề liên quan đến các hoạt động này để cùng trẻ trò chuyện và thảo luận.