Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương II - Phần 06

Phần 6: Đơn giản hóa những triết lí

Khả năng mô phỏng của trẻ rất mạnh, hành vi nói năng và cử chỉ của phụ huynh đều có tác dụng làm gương rất lớn cho trẻ.

Chúng ta lớn lên bằng cách nghe những triết lí, sau khi trưởng thành chúng ta có bản năng là truyền đạt những triết lí này cho trẻ. Sự trưởng thành của trẻ không thể tách rời sự dạy bảo, làm gương của cha mẹ. Trước hết, nói riêng về việc dạy dỗ bằng lời nói, chúng ta phải giảng cho trẻ đạo lí làm người, đúng sai phải trái. Đạo lí nhất thiết phải giảng nhưng phải có phương pháp và kĩ năng. Nếu nắm vững được điều này thì việc giảng đạo lí cho trẻ sẽ có hiệu quả lớn, nếu không thì sẽ mất công vô ích.

Vì vậy, người lớn phải giảng giải những đạo lí đao to búa lớn một cách gần gũi, khéo léo cho trẻ.

Hiện nay phần lớn trẻ em đều có thói quen có vấn đề gì thì hỏi thầy cô hoặc cha mẹ bởi vì thầy cô và cha mẹ đều là người lớn, những gì người lớn nói nhất định là đúng. Tuy có lúc những đạo lí mà cha mẹ giảng giải, trẻ không hiểu lắm nhưng vẫn nghe. Cha mẹ cũng quen với việc gặp chuyện gì liền phân tích cho trẻ những đạo lí trong đó, có lúc thường cảm thấy trẻ không thể hiểu hoặc không thể tiếp nhận quan điểm của họ. Có phải những đạo lí này không đúng? Không phải. Có phải trẻ quá ngang bướng? Cũng không phải. Thế vấn đề là ở đâu?

Câu trả lời của tôi là: Ở cách bạn nói.

Hiện nay có rất nhiều phụ huynh không biết làm thế nào để có thể giảng giải đạo lí với trẻ, họ cho rằng việc giảng đạo lí với trẻ là việc cực kì khó. Cha mẹ nói một cách đao to búa lớn, trẻ vào tai này ra tai kia, không cẩn thận trẻ sẽ bắt lỗi và phản bác lại cha mẹ. Có cha mẹ thì có thể trò chuyện rất sôi nổi với con cái, có cha mẹ lại rất ít thảo luận với trẻ bất cứ điều gì. Họ nói chuyện với trẻ được vài ba câu, trẻ không kiên nhẫn nghe, họ cũng chẳng còn gì để nói. Việc trẻ nghe lời hay không phụ thuộc lớn vào cách nói, kĩ năng nói của các vị phụ huynh khi giảng giải đạo lí cho trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Thái độ đề xuất ý kiến

Nhiều lúc trẻ không chịu nghe lời cha là bởi khi giảng giải đạo lí, người cha không diễn tốt vai trò của mình, thường là quá cứng nhắc và nghiêm khắc, vô tình đặt mình vào vị trị đối lập với trẻ. Khi chúng ta giảng giải đạo lí với trẻ phải có thái độ khoan dung, dùng phương thức đóng góp ý kiến để bàn bạc với trẻ, làm cho trẻ cảm thấy cha mẹ không hề ép buộc hay hạn chế mình, từ đó có thể xóa bỏ tâm lí phòng bị, chống đối của trẻ.

Ví dụ khi mua đồ cho trẻ, bạn nhất định phải trưng cầu ý kiến của trẻ, hãy để trẻ lựa chọn về kiểu dáng, màu sắc, nhưng về giá cả thì phụ huynh phải quyết định. Có một lần tôi và vợ đưa Y Y đi mua giày. Trước khi đi chúng tôi đã nói với Y Y rằng nếu mua sandal thì mua dưới 100 tệ, còn giày thể thao thì khoảng 150 tệ. Khi đến trung tâm mua sắm, nhìn các thể loại giày hoa hết cả mắt, Y Y rất sung sướng nhưng sau khi nhìn thấy giá tiền liền xị mặt, bởi vì căn cứ vào giá tiền mà chúng tôi quy định cho con thì chỉ có thể mua những đôi giày mà con không thích lắm. Sau khi phát hiện ra vấn đề này, tôi thương lượng với vợ một lát, sau đó vẫn quyết định nói với con chúng tôi không thể mua cho con những đôi giày quá cao cấp. Bởi vì con còn nhỏ đang trong tuổi lớn, nếu như mua giày đắt, sang năm không đi được thì quá lãng phí. Hơn nữa giày của tôi và vợ tôi cũng chỉ có giá khoảng hai trăm tệ. Sau khi được tôi và vợ tôi làm công tác tư tưởng, cuối cùng Y Y cũng vui vẻ chọn một đôi sandal 80 tệ và một đôi giày thể thao 154 tệ.

2. Chiến thuật vu hồi

Có thể nói vu hồi là một chiến thuật cần thiết khi giảng giải đạo lí với trẻ. Sau đây tôi xin giới thiệu vài phương pháp thường dùng.

Phương pháp câu chuyện: Trẻ 3, 4 tuổi là ở lứa tuổi thích nghe kể chuyện, người cha có thể làm một nhà văn viết truyện cổ tích, ngụ ngôn, dệt nên một câu chuyện để khuyên răn trẻ. Như vậy vừa có thể phân tán sự tập trung của trẻ, tránh để không khí giữa hai cha con trở nên căng thẳng, lại có thể phát huy tác dụng giáo dục. Khi trẻ tập trung nghe kể chuyện và đặt câu hỏi, bạn còn có thể giúp trẻ hoàn thành một số việc mà vốn dĩ trẻ không muốn làm (như là ăn cơm, mặc quần áo).

Phương pháp ngược hướng: Thuận theo ý muốn của trẻ để làm một việc gì đó đồng thời làm quá việc đó lên một chút, để trẻ thấy được tác hại của nó. Ví dụ, vào mùa đông sau khi tắm xong, trẻ chỉ mặc một bộ quần áo mỏng chơi đùa, dù bạn đã nói với trẻ mặc như vậy sẽ bị cảm lạnh, trẻ vẫn không nghe. Thế là cho trẻ cởi quần áo ra luôn. Trẻ lạnh không chịu được sẽ muốn mặc quần áo.

Phương pháp tạo tình huống: Khi cùng trẻ xem các chương trình thiếu nhi, bạn có thể chỉ ra cho trẻ những hành vi không đúng của bạn nhỏ trong chương trình, và khen ngợi những bạn nhỏ có hành vi đúng đắn. Bạn sẽ phát hiện ra tiêu chuẩn đúng sai của trẻ thực ra rất rõ ràng, việc phân biệt tốt xấu cơ bản không thành vấn đề. Ví dụ bạn đã nhiều lần nói với trẻ rằng nếu trẻ con không giữ vệ sinh, vi khuẩn sẽ chui vào bụng đánh nhau với tế bào, làm cho trẻ con bị ốm, sốt. Nhưng trẻ không bận tâm, sau này khi xem một bộ phim khoa học nói về hệ thống miễn dịch của con người đối kháng virus cảm cúm, tôi gọi con đến xem. Sau khi xem xong bộ phim này, con có tiến bộ rõ rệt trong việc rửa mặt mũi chân tay.

Phương pháp đổi vị trí: Khi cùng trẻ chơi trò chơi, người cha có thể đổi vai cho trẻ. Ví dụ cho trẻ làm bác sĩ để châm cứu cho cha, cha có thể khóc ầm lên, chân tay múa máy loạn xạ và yêu cầu cha mẹ (lúc này là trẻ) đủ thứ giống như những đứa trẻ khi đến bệnh viện. Kết quả trẻ sẽ làm giống như các bậc cha mẹ vẫn thường làm, đó là nghiêm khắc phê bình người cha không được khóc ầm lên, chân tay không được cử động lung tung như vậy.

3. Kích thích lòng tự trọng

Lòng tự trọng và danh dự của trẻ rất lớn. Nếu người cha có thể tinh tế phát hiện những ưu điểm của trẻ, kịp thời khẳng định thì sẽ kích thích lòng tự hào và danh dự của trẻ, đồng thời làm cho những hành vi tốt được củng cố và được tự giác hóa. Ví dụ trẻ thích được nghe chuyện hồi nhỏ của mình, thì cha mẹ có thể hư cấu ra một số ưu điểm lúc nhỏ của trẻ, thường xuyên nói với con: “Hồi nhỏ con rất ngoan, rất sạch sẽ, ăn cơm cũng rất giỏi...”. Như vậy, trẻ sẽ rất tự hào. Lúc này, cha mẹ yêu cầu trẻ làm như hồi nhỏ, trẻ thường rất vui vẻ làm theo.

4. Kết hợp dạy trẻ bằng lời nói và bằng hành động

Muốn làm cho việc giáo dục thực sự có hiệu quả sâu sắc, nhất định cha mẹ phải dùng những hành động cụ thể và sự hấp dẫn về nhân cách để ảnh hưởng đến trẻ. Khả năng mô phỏng của trẻ là rất mạnh, cử chỉ, lời nói, phương thức, hành vi của người lớn đều có tác dụng làm gương lớn đối với trẻ. Vì thế người cha muốn bồi dưỡng cho trẻ những thói quen tốt thì đầu tiên phải tu dưỡng chính bản thân mình.

Trong việc giáo dục Y Y, tôi thường cố gắng dùng những câu chuyện nhỏ để giảng giải rõ ràng đạo lí lớn, làm cho con lí giải được điều sâu xa trong đó bằng những ngôn ngữ hết sức đơn giản rõ ràng.

Có một người cha kể về con trai của ông ta với tôi rằng “Con tôi thích mở vòi nước thật to để nghịch. Hôm qua, nó lại làm như vậy. Tôi liền nói với con: Con biết không? Con mở nước to như vậy, nhưng trên thế giới có biết bao nhiêu bạn nhỏ khác không có nước để uống, ví dụ như ở châu Phi. Hơn nữa, nước này là ông bà phải vất vả kiếm tiền để mua”. Kết quả là ngay lập tức đứa trẻ đóng vòi nước lại. Đến khi người cha rửa tay, nó liền nói to: “Cha mở nước nhỏ thôi, ông bà phải kiếm tiền để mua nước đấy”. Trong cuộc sống của trẻ, đương nhiên ông bà quan trọng hơn những bạn nhỏ ở châu Phi, nhưng đứa trẻ tối thiểu cũng biết được một lí do vì sao nên vặn nước nhỏ. Và khi nó lớn hơn, nó sẽ hiểu ra lí do còn lại.

Tóm lại, bạn hãy nhớ rằng giảng giải đạo lí cho trẻ phải kiên trì, phải đơn giản hóa các đạo lí lớn lao.

Phần 6: Bảo vệ lòng tự trọng của trẻ

Trẻ càng nhỏ, tâm hồn càng mỏng manh, dễ bị tổn thương. Như vậy chúng ta càng phải bảo vệ cẩn thận.

Thông qua việc quan sát, Đông Tử thấy rất nhiều phụ huynh đối xử với trẻ như trong một câu đối: “Tôi nói anh được là được, không được cũng phải được; tôi nói anh không được là không được, được cũng không được”. Thế là: “Mẹ nói không cho phép là không cho phép!”, “Cha bảo con như thế nào thì con làm như thế ấy!”.

Khi gặp tình huống này trẻ liền không dám nói ra ý kiến của mình nữa. Đương nhiên những việc cha mẹ không cho phép trẻ làm, hầu như đều có lí do, nhưng cha mẹ dùng lời lẽ, thái độ thô bạo thì chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Nếu cha mẹ có thể bảo vệ, bồi dưỡng lòng tự trọng của trẻ ngay từ nhỏ, sẽ có lợi ích trong suốt cuộc đời trẻ. Một người có lòng tự trọng sẽ tôn trọng người khác, sẽ yêu thương bảo vệ bản thân mình, một người có lòng tự trọng sẽ có ích với xã hội, sẽ có tình thương yêu với người khác.

Rất nhiều người cha cho rằng, trẻ không biết gì, giảng giải như thế nào cũng vô ích, thà rằng cứ ra lệnh dứt khoát, rõ ràng. Trẻ dưới 3 tuổi quả thực rất khó có thể hiểu chuyện, nhưng các phụ huynh hoàn toàn có thể thông qua biểu hiện, hành động, giọng điệu làm cho trẻ nhận biết được làm thế nào là đúng, làm thế nào là sai. Trẻ trên 3 tuổi dễ dàng nhận thức được phải trái đúng sai, đến lúc đó thì chỉ cần giảng giải cho trẻ rõ ràng là được. Cũng có một số người cha cho rằng suy nghĩ tâm tư của trẻ đơn giản, cho dù bị mắng mỏ một lúc là sẽ quên, cũng giống như việc trẻ giận dỗi nhau.

Thực ra không phải như vậy, suy nghĩ tâm tư của trẻ rất nhạy cảm, cũng rất mỏng manh, rất dễ bị tổn thương. Bạn bè chơi với nhau thông thường trẻ không so đo, tính toán, nhưng lại rất để ý các hành vi lời nói của cha mẹ. Nếu cha mẹ không hề tôn trọng trẻ, động tí lại mắng mỏ chỉ trích, mà không giải thích rõ ràng cho trẻ, hoặc rõ ràng biết mình hoàn toàn vô lí, trẻ có lí, cũng kiên quyết không cúi đầu xin lỗi trẻ, mà còn cố tình bắt trẻ làm theo ý của mình; thì sẽ khiến trẻ khẩu phục nhưng tâm không phục, lâu dần sẽ nảy sinh tâm lí chống đối mạnh mẽ, bạn nói gì trẻ cũng không thích nghe, không muốn làm, có thái độ ngang bướng; hoặc sẽ trở thành đứa trẻ sợ hãi, phục tùng, không hề có chính kiến của bản thân, cha mẹ chỉ đâu con đánh đấy, những đứa trẻ như vậy không có cá tính, không có tiền đồ.

Những trẻ khác nhau có rất nhiều điểm khác nhau, có trẻ xinh có trẻ xấu, có trẻ cao có trẻ thấp, có trẻ thông minh nhanh nhẹn, có trẻ lại rất chậm chạp... Trẻ rất dễ cảm nhận được những lời bình phẩm từ bên ngoài đối với trẻ, cho nên một trong những công việc giáo dục trẻ của cha mẹ là bảo vệ và bồi dưỡng lòng tự trọng của trẻ.

Bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, phải chú tâm từ những việc nhỏ nhất, đặc biệt là ở nơi công cộng, càng phải giữ thể diện cho trẻ. Tâm hồn của trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm, nếu coi trẻ là một đứa trẻ không hiểu biết mà phê bình, mắng mỏ, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, sẽ khiến trẻ dễ nảy sinh cảm giác tự ti, nhút nhát, lo âu thậm chí căm ghét và thù hận, chống đối. Trẻ càng nhỏ, tâm hồn càng mỏng manh, càng dễ bị tổn thương. Chúng ta càng phải bảo vệ cẩn thận. Chúng ta có thể quan tâm nhiều hơn đến nội tâm của trẻ, cho trẻ những nụ cười và ánh mắt quan tâm, cho trẻ sự ủng hộ và sự thông cảm, quan tâm đến trẻ bằng những hành động cụ thể (xoa đầu, vỗ vai...). Hãy giữ thể diện cho trẻ, không được mắng mỏ trẻ, không được than phiền về những lời trẻ nói hay những việc trẻ làm trước mặt người khác. Làm trẻ mất đi lòng tự trọng rất dễ, nhưng xây dựng lại lòng tự trọng ấy lại là một quá trình lâu dài và rất khó khăn.

Trong việc giáo dục Y Y, tôi rất chú trọng bảo vệ lòng tự trọng của con, giúp con xây dựng lòng tự trọng, cho dù là một chuyện nhỏ, những điểm có thể khuyến khích tôi nhất định sẽ khen ngợi con, để con có thể trưởng thành một cách vui vẻ, khỏe mạnh. Từ nhỏ con đã thích viết văn, tôi thường mỉm cười đọc to những “tác phẩm” của con, đây là phương thức trực tiếp nhất thể hiện sự khen ngợi của tôi dành cho Y Y. Từ khi Y Y viết câu đầu tiên, tôi đã trở thành người đọc đầu tiên của Y Y, và còn là người đọc “trung thành” nhất. Chỉ cần Y Y cho tôi xem những gì con viết, bất luận là viết cái gì, bất luận là hay dở thế nào, tôi đều đọc to từ đầu đến cuối, gặp câu nào hay, tôi sẽ đọc lại lần nữa, đồng thời không quên khen ngợi: “Ôi, câu này viết thật hay!”. Chỉ cần bắt được điểm sáng nào đó trong câu chữ, tôi cũng ngay lập tức khẳng định và khen ngợi hết lời, để con hưởng thụ niềm vui thành công, niềm vui viết lách.

Một ngày vào tháng 10 năm 2005, khi đó Y Y 9 tuổi, đột nhiên Y Y có nhã hứng làm thơ. Con chưa từng làm thơ, càng không hề biết làm thơ như thế nào, sau khi ăn tối xong con không xem bộ phim hoạt hình mình yêu thích, mà bò ra bàn vắt óc suy nghĩ một hồi và bài thơ đầu tiên - Mặt trời đã ra đời:

Mặt trời, nếu một ngày mất đi bạn

Thì sẽ không có chim bay trên trời, không có loài vật chạy dưới đất;

Mặt trời, bạn có mối quan hệ mật thiết với muôn loài trên trái đất

Nếu như không có bạn, hoa cỏ héo khô, chim ngừng hót, nhân loại cũng không thể tồn tại;

Mặt trời, bạn cống hiến cho nhân loại, nhân loại mãi mãi không quên bạn.

Khi con hào hứng đem bài thơ không có chút vần điệu nào này cho tôi xem, tôi không khen ngợi con vài câu qua loa cho xong chuyện như các phụ huynh khác, mà đọc to một lần, sau đó khen con: “Con gái của cha lần đầu tiên làm thơ đã làm hay như thế, thật là giỏi! Cha tin sau này con sẽ viết ra được những bài thơ còn hay hơn thế này!”.

Ngày hôm sau, tôi đăng nguyên văn bài thơ này lên một trang web mà tôi thiết lập cho Y Y, để những người vào trang mạng của con đều có thể được đọc bài thơ đầu tiên của Y Y. Tôi nói với con: “Đây chính là sự ghi lại mốc trưởng thành của con, không ai sinh ra là đã biết làm thơ ngay, bài thơ đầu tiên trong cuộc đời của những nhà thơ lớn chưa chắc đã hay bằng thơ của con”. Y Y nghe xong rất vui: “Ha ha, cha thích những bài thơ mà con viết, thơ của con có thể được trưng bày ở trên mạng rồi”.

Sau đó, Y Y viết mấy bài thơ nữa, mỗi bài tôi đều đánh giá, đương nhiên khen ngợi nhiều, còn việc hướng dẫn, dẫn dắt con tôi phải làm một cách khéo léo.

Y Y nói, mỗi lần hoàn thành xong một bài văn, nhận được sự khen ngợi của cha, trong lòng rất vui, cảm giác việc viết văn là một việc vui vẻ, giúp mình thư giãn, mình thật là giỏi!

Giả sử khi Y Y đưa bài thơ đầu tiên mà con viết cho tôi xem, tôi lại nhăn mặt nói: “Thơ gì đấy? Đây cũng gọi là thơ sao? Không biết viết thì đừng viết linh tinh”. Như vậy thì Y Y sẽ nghĩ thế nào, con nhất định sẽ nói ra một câu thoại kinh điển trong tiểu phẩm của Tống Châu Châu: “Làm tổn thương lòng tự trọng quá đấy!”. Cứ như vậy, cho dù con có hứng thú viết bài thơ thứ hai, thì con cũng không có hứng cho tôi xem nữa.

Khen ngợi giống như phân bón rải trên mảnh đất tấm hồn trẻ, có khen ngợi thì lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ mới có thể phát triển mạnh mẽ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Không được trêu đùa trẻ

“Con à, con hôi như lợn ấy, mau đi tắm ngay”, có thể các phụ huynh đùa trẻ như vậy là chỉ mong muốn trẻ xấu hổ mà tiến bộ; nhưng trẻ rất dễ tưởng là thật, khiến trẻ thấy ngại, thậm chí cảm thấy tự ti, nghĩ mình là một đứa trẻ “hôi”.

2. Coi trọng phép lịch sự khi ở cùng trẻ

Những lời nói trong gia đình dưới hình thức như mệnh lệnh, phẫn nộ, trách mắng, đều làm cho trẻ cảm thấy sự coi thường của người lớn với trẻ. Nếu như người cha thường giữ lịch sự khi giao lưu với trẻ, sử dụng các lời nói lịch sự như “mời”, “xin lỗi”, “cảm ơn”, “không phải khách sáo”, trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ đối với trẻ.

3. Cho phép trẻ thất bại

Trong quá trình trưởng thành, trẻ phải trải qua vô số lần thất bại, các phụ huynh phải cho phép trẻ thất bại, đồng thời an ủi và động viên trẻ. Khi trẻ thất bại người cha cần phải bảo vệ và ủng hộ về mặt tinh thần cho trẻ, làm cho trẻ cảm nhận được sự tin tưởng và thông cảm của cha mẹ dành cho mình.

4. Nhấn mạnh ưu điểm của trẻ có hiệu quả hơn phê bình trẻ

Cho dù là ưu điểm nhỏ nhất của trẻ, cũng phải kịp thời khẳng định và khích lệ. “Cha ơi, ngày mai con phải đến trường sớm, vì ngày mai tổ con trực nhật”. “Được rồi, cha sẽ dậy sớm đưa con đến trường”. “Cha yên tâm, chúng con sẽ quét dọn lớp học gọn gàng sạch sẽ”. “Con thật giỏi”.

Đối với những biểu hiện tốt của trẻ, chúng ta phải kịp thời khen ngợi; đối với những lỗi sai của trẻ, chúng ta phải điều chỉnh, hướng dẫn trẻ. Chúng ta cần tránh những lời nói và biểu hiện phủ định, giễu cợt chê bai trẻ; hãy cho trẻ biết trong lòng bạn trẻ là một đứa trẻ tốt.

5. Dũng cảm nhận lỗi với trẻ

Con người đều sẽ mắc lỗi hoặc có những thiếu sót, nếu như người cha có lỗi, phải kịp thời xin lỗi trẻ. Ví dụ: “Tiểu Cương, cha rất xin lỗi con, cha không thể mua được chiếc bút bi để con dùng khi đi thi, hay là con dùng chiếc bút bên tay con được không”. “Tiểu Mai, cha đến muộn, con đợi cha ở trường chắc sốt ruột lắm phải không? Sau này cha nhất định sẽ đến đón con đúng giờ”.

Về việc xin lỗi trẻ, tôi cũng có trải nghiệm. Con gái được 12 tuổi, trong những năm qua cũng có nhiều lần vì nguyên nhân này hay nguyên nhân kia, tôi trách nhầm, hiểu lầm, mắng oan con gái mấy lần; khi ý thức được là mình sai, tôi đều kịp thời xin lỗi con, và nhận được sự tha thứ của con. Hành động này giúp tôi nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của con gái, từ đó mà quan hệ cha con ngày càng hòa hợp hơn.

Hãy cho trẻ biết cha mẹ cũng là người bình thường, cũng sẽ mắc sai lầm. Trẻ ghét nhất sự giả dối của người lớn, bạn thành thật nói với trẻ một câu “Xin lỗi con, cha sai rồi, tha lỗi cho cha nhé”, trẻ sẽ thu được những điều bổ ích từ đó, học được cách làm người, học được cách rộng lượng tha thứ người khác.

Bảo vệ lòng tự trọng, tôn trọng nhân cách của trẻ là điều rất quan trọng. Nếu như người cha không chú ý đến phương thức giáo dục, thường xuyên làm trẻ mất mặt, sẽ làm cho trẻ trơ lì, vô hình trung sẽ khiến các thói quen xấu càng được củng cố. Chỉ có làm một người cha tôn trọng trẻ, mới có thể bồi dưỡng nên một đứa trẻ có lòng tự trọng, tự tin, vui vẻ, khỏe mạnh.