Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương II - Phần 07 - 08

Phần 7: Nhất định phải làm trẻ tin cậy bạn

Muốn trở thành người cha tốt, trước tiên bạn cần là một con người trưởng thành, học cách tin cậy người khác, kể cả tin cậy đứa con trông có vẻ yếu ớt, rất cần được bảo vệ của mình.

Một người bạn làm luật sư của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện giữa anh ta và con trai anh ta như sau:

Một lần, mấy bạn cùng lớp của con trai tôi đá bóng làm vỡ cửa kính của lớp học. Cô giáo điều tra nhưng không có kết quả. Cô giáo chỉ vào thằng bé, bắt nó thừa nhận mình làm hoặc khai ra các bạn khác. Thằng bé thành khẩn nói với cô giáo rằng lúc đó nó ở trong lớp làm bài tập nên không hề nhìn thấy. Cô giáo không tin, cho rằng nó nói dối. Con trai tôi vô cùng tức giận, mắng cô giáo một câu: “Đồ khốn!”. Câu nói này đã gây ra một hậu quả nghiêm trọng, cô giáo yêu cầu nhà trường đuổi học thằng bé, nếu không thì sẽ nghỉ dạy. Lí do của cô giáo là bình thường con trai tôi nghịch ngợm phá phách, lần này chắc chắn là do thằng bé làm. Đã không nhận lỗi lại còn chửi giáo viên, kết quả con tôi bị đuổi học. Con trai bị đuổi học, tôi rất mất mặt, không hề hỏi trắng đen phải trái thế nào, liền đánh con một trận. Thằng bé cuối cùng nói một câu: “Cha đánh đi, đánh chết con cũng không nhận!”. Tôi đánh thế nào nó cũng không kêu khóc, không trốn tránh. Tôi càng tức giận, nếu không phải vợ tôi kéo ra, thì đã xảy ra án mạng. Thằng bé bị đánh đến mức không thể dậy nổi, nhưng không hề kêu ca một tiếng, nó tuyệt thực ba ngày. Vợ tôi khóc lóc khuyên răn, nó mới không kiên quyết chống đối nữa. Tôi chuyển trường học cho con.

Hơn một năm sau khi xảy ra sự việc, trong một lần chuyển nhà, tôi tình cờ đọc được cuốn nhật kí của con trai, nó viết: “Tôi hận cô giáo vì đổ oan cho người tốt, hận cha vì không tin tưởng tôi, cha mẹ và thầy cô đều nhìn nhận tôi bằng đôi mắt định kiến. Dường như tôi sinh ra đã là người xấu, cứ có chuyện xấu là do tôi làm, thật là vô lí, mà tôi cũng không có cách nào minh oan cho mình, thà chết đi cho rồi”. Đọc đến đây, tôi run rẩy, lẽ nào tôi đã nghi oan cho con? Lúc đó tại sao không nghĩ đến việc đi điều tra, làm rõ sự tình? Tôi không thể ngồi yên được nữa, ngay lập tức tìm gặp bạn học của con. Kết quả đúng thật đó là một “vụ án oan”: Rất nhiều bạn học của con làm chứng, hôm đó thằng bé đúng là ở trong lớp làm bài tập, làm vỡ kính là một hành động vô ý của một học sinh nào đó. Học sinh này vốn dĩ muốn nhận lỗi, thấy cô giáo tức giận như vậy liền sợ hãi, kết quả là thằng bé phải chịu tội thay. Tôi nghe xong vô cùng đau khổ, trong lòng vô cùng hối hận vì đã đánh con lần đó.

Cuối cùng tôi đã xin lỗi con trai. Dưới sự giúp đỡ của vợ, tôi nói chuyện một cách chân tình với con trai, thằng bé cuối cùng cũng tha lỗi cho tôi. Để bù đắp cho những lỗi lầm của mình, xây dựng lại hình tượng mới, từ sau hôm đó tôi dành nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng tình cảm với con, cải thiện mối quan hệ. Tôi tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, đưa cả nhà ra ngoài chơi, cùng đánh cầu lông, đánh bóng bàn, đánh cờ tướng, ba thành viên trong gia đình lần lượt làm vận động viên, diễn viên, trọng tài, có lúc còn mời bạn bè người thân tham gia. Cả nhà đi chơi rất vui vẻ.

Mối quan hệ giữa hai cha con trở nên hòa thuận, tình cảm ngày càng tốt hơn. Con trai cũng bắt đầu chăm chỉ học tập, ngày càng tiến bộ, được bầu là học sinh “ba tốt”.

Cuối cùng có một ngày, thằng bé đã viết bài văn Người cha trong lòng tôi: “Vẻ mặt nghiêm khắc của cha đã thay đổi, cha đã cười nhiều hơn. Cha đã thay đổi, đã trở thành một người cha thân thiện gần gũi. Khoảng cách giữa tôi và cha đã gần hơn, tình cảm cũng tốt hơn, chúng tôi đã trở thành những người bạn tri kỉ...”. Đọc được những dòng này, tôi cảm động rơi nước mắt, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi nghĩ thầm trong lòng: “Con trai, cha nhất định sẽ không làm con thất vọng, cha mãi mãi là người bạn tin cậy nhất của con”.

Sau khi nghe xong câu chuyện này, tôi rất cảm động, người bạn này của tôi vô cùng hối hận vì hành vi trước đây của mình. Tôi có thể cảm nhận được sự hãnh diện và tự hào về con trai mình trong lời nói của anh ta.

Muốn trở thành người cha tốt, trước tiên bạn cần là một con người trưởng thành, học cách tin cậy người khác, kể cả tin cậy đứa con trông có vẻ yếu ớt, rất cần được bảo vệ của mình. Nhưng làm được điều này không hề đơn giản, thậm chí sau khi trẻ trưởng thành, cha mẹ vẫn không thể thoát khỏi cảm giác thiếu tin cậy này. Nghiêm trọng hơn là, cha mẹ đã hình thành định kiến với trẻ, không học được cách xóa bỏ định kiến này, không tin cậy trẻ. Cha mẹ quen dùng cùng một lời lẽ để trách móc trẻ. Thế là trẻ cũng tưởng rằng mình chính là người như người khác đánh giá, mà không hề muốn thay đổi, tư duy cũng hoàn toàn được định hình. Lâu dần, khi trẻ đau khổ về sự vô dụng của bản thân, trẻ cũng không có động lực để thay đổi.

Có rất nhiều phụ huynh nói với tôi, họ rất muốn làm bạn với trẻ, muốn trò chuyện tâm tình với trẻ, nhưng trẻ thì thường xuyên không muốn nói chuyện với cha mẹ, cha mẹ muốn hiểu trẻ thì phải vô cùng tốn công sức. Trẻ có những chuyện riêng tư, rất nhiều cha mẹ làm mọi cách để điều tra, như mở ngăn kéo để đọc nhật kí, xé thư của con ra đọc, thậm chí trách mắng trẻ thậm tệ. Họ không hề biết những điều này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, tạo cho trẻ một áp lực tinh thần rất lớn, thậm chí nảy sinh lòng căm hận và chống đối, dùng đủ mọi biện pháp phòng bị và che giấu thông tin, làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xấu đi.

Cách làm lí trí là tôn trọng sự riêng tư của trẻ, cũng chính là tôn trọng nhân cách của trẻ, cho trẻ không gian tự do nhưng đương nhiên không được để mặc trẻ muốn làm gì thì làm. Phải quan tâm đến sự riêng tư của trẻ, tích cực hướng dẫn trẻ.

Đầu tiên, hãy trò chuyện với trẻ bằng thái độ bình đẳng, nói về những suy nghĩ, những thành công và thất bại của cha mẹ khi cha mẹ ở trong lứa tuổi của trẻ, thậm chí nói một số chuyện riêng tư, nói cách nhìn nhận và cách nghĩ của mình đối với sự việc, lắng nghe và hỏi ý kiến trẻ, làm cho mình trở thành người bạn đáng tin cậy của trẻ. Sau một thời gian, trẻ sẽ muốn nói những bí mật trong lòng mình với cha mẹ, như vậy mới có thể hiểu và nắm rõ được tâm tư của trẻ, có sự dạy dỗ và chỉ bảo cần thiết.

Sau đó, phải bồi dưỡng cho trẻ khả năng tự giáo dục bản thân. Khi có được những thông tin riêng tư của trẻ, cho dù có một số nhân tố không tốt hoặc vượt mức quy định, cũng không cần cuống lên, rồi đánh mắng trẻ, có thể cùng trẻ thảo luận những vấn đề về lí tưởng, sự nghiệp, đạo đức, nhân sinh quan, giá trị quan...; hướng dẫn trẻ giác ngộ những chân lí đối nhân xử thế, nâng cao khả năng điều chỉnh hành vi của mình theo những yêu cầu chung. Có khả năng tự giáo dục bản thân thì trẻ đều có thể tự giải quyết những khuynh hướng nguy hiểm trong chuyện riêng tư của mình.

Trong giáo dục gia đình, không ít cha mẹ có những thắc mắc là: Cha mẹ cũng chú ý đến phương thức giáo dục, mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ cũng khá thân mật, nhưng tại sao trẻ luôn coi những lời thầy cô nói là “thánh chỉ”, còn đối với những yêu cầu của cha mẹ thì lại không nghe theo hoàn toàn, thậm chí còn trước mặt một đằng sau lưng một nẻo.

Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, giữ sự tôn nghiêm và uy tín của cha mẹ trong lòng trẻ là một việc rất quan trọng nhưng nhiều bậc cha mẹ không nhận thức đúng đắn về điều này.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Giữ lời hứa

Hãy kịp thời thực hiện lời hứa với trẻ. Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà thất hứa với trẻ thì hãy kịp thời giải thích rõ, không thể qua loa cho qua chuyện, sau đó phải cùng trẻ bàn bạc phương án bù đắp.

2. Có tinh thần trách nhiệm

Bạn nên tự hào về công việc của mình. Với những người cha không có công việc gì, thì nên cố gắng tham gia những hoạt động xã hội, bởi những người cha cách biệt với thế giới khó có thể nhận được sự tôn trọng lâu dài của trẻ. Bạn cũng phải nói với trẻ tầm quan trọng của công việc mà trẻ làm.

3. Có lòng khoan dung

Khoan dung đối với những lỗi lầm của trẻ không có nghĩa là không quan tâm đến những lỗi lầm đó, mà là khi trẻ mắc lỗi, nên cho trẻ thời gian và cơ hội để nhận thức, tự kiểm điểm bản thân.

4. Coi trọng những chi tiết trong cuộc sống

Sự tín phục của trẻ với cha mẹ bắt nguồn từ những chi tiết trong cuộc sống, bắt nguồn từ một số thói quen mà bạn không hề ý thức được, như có chủ kiến, sự quyết đoán, sự dũng cảm, dám nói dám làm, thái độ bình tĩnh, kiểm soát được tình cảm của mình, lạc quan, không lải nhải trách móc.

5. Giỏi thỏa hiệp

Thỏa hiệp với trẻ không hề làm giảm uy tín của người cha. Nếu thỏa hiệp với trẻ trong một điều kiện nhất định, trẻ sẽ cảm thấy người cha thật đáng kính và gần gũi. Trước khi thỏa hiệp với trẻ, phải yêu cầu trẻ nói rõ ràng nguyện vọng và lí do; cùng trẻ thảo luận tính hợp lí của những nguyện vọng đó; có sự nhượng bộ nhất định đối với trẻ. Khi trẻ nói lí do một cách rõ ràng đồng thời đưa ra lời hứa, người cha có thể thỏa mãn nguyện vọng của trẻ, nhưng nhất định phải yêu cầu trẻ gánh vác trách nhiệm tương ứng.

Vẻ mặt nghiêm khắc, thường xuyên mắng mỏ giáo huấn trẻ chỉ làm cho trẻ xa cách cha mẹ. Giao lưu bình đẳng với trẻ, cho trẻ sự tôn trọng và đồng cảm cần thiết, mới có thể nhận được sự tin cậy của trẻ.

Phần 8: Lắng nghe tâm sự của trẻ

Trẻ càng nhỏ càng muốn được nói, người cha nên kiên nhẫn và hào hứng lắng nghe, bởi vì đây là thời điểm đẹp nhất để hai thế hệ giao lưu trò chuyện.

Các phụ huynh hiện đại không nên chỉ nỗ lực cho trẻ một cuộc sống vật chất đầy đủ, mà còn phải dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu tính cách, hứng thú của trẻ, làm cho tâm hồn của mình gần gũi và thân thiết hơn với tâm hồn của trẻ.

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, người lắng nghe tốt nhất, người trẻ muốn nói chuyện nhất là cha mẹ. Mỗi ngày cha mẹ nên dành hai tiếng, một tiếng, thậm chí là nửa tiếng để lắng nghe những ý nghĩ tâm sự trong lòng trẻ, như vậy mới có thể thật sự nhìn thấy ưu nhược điểm của trẻ, rồi hướng dẫn trẻ khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm, kích thích trí tuệ và năng lực trên mọi phương diện của trẻ.

Lắng nghe cũng là một cách yêu thương.

Có lúc phải nhìn vào nội tâm của trẻ qua lời trẻ nói. Thực ra người lớn có rất nhiều định kiến, họ cảm thấy trẻ không hề có suy nghĩ gì, trẻ rất đơn giản, ngây thơ, không hiểu biết. Thực ra chưa chắc là như vậy. Không lắng nghe thì khó phát hiện. Có lúc một vài lời nói của trẻ là những thông tin rất chân thực và đáng quý. Chúng ta phải học cách phiên dịch, học cách tiếp tục hỏi trẻ. Bạn có thể trìu mến ôm trẻ vào lòng hỏi trẻ: “Vậy à? Chuyện thế nào?”, để giúp trẻ bình tĩnh tiếp tục nói ra chân tướng sự việc, lúc này bạn mới có được thông tin quan trọng, từ đó đưa ra phán đoán hợp lí. Lắng nghe là một cách yêu thương, nghệ thuật lắng nghe là nghệ thuật giáo dục.

Quan tâm chú ý đến sự thay đổi tâm trạng của trẻ, nghiêm túc lắng nghe từng câu nói của trẻ. Khi chúng ta giáo dục trẻ, người cha thường đóng vai trò chủ động. Người cha rất dễ mắc sai lầm là khi nhìn thấy trẻ có vấn đề gì liền nói thao thao bất tuyệt. Trong mắt người cha, phải phê bình trẻ thật nhiều thì trẻ mới tiến bộ. Thực ra suy nghĩ và cách làm như vậy là không thông minh. Tại sao? Bởi vì bạn quá vội vàng mà bỏ qua phản ứng của trẻ. Có thể trẻ hoàn toàn không hiểu lời nói của bạn, hoặc là vào tai này ra tai kia, như thế sự giáo huấn của bạn không hề phát huy tác dụng, mà còn làm mối quan hệ cha con trở nên xấu đi.

Trẻ càng nhỏ càng muốn được nói, người cha nên kiên nhẫn và hào hứng lắng nghe, bởi vì đây là thời điểm đẹp nhất để hai thế hệ giao lưu trò chuyện. Tại sao rất nhiều cha mẹ phàn nàn trẻ càng lớn càng không thích trò chuyện với họ, một trong những nguyên nhân lớn là khi trẻ còn nhỏ, việc trẻ giãi bày tâm sự không nhận được sự coi trọng thực sự của bạn, vì thế dần dần trẻ không muốn trò chuyện với bạn nữa. Khi có cảm giác an toàn và tin cậy, trẻ mới có thể nói với người lớn những bí mật trong tâm hồn trẻ. Thực ra, trẻ càng nhỏ thì càng dễ trò chuyện giao lưu. Nếu bạn kiên trì thì khi lớn lên trẻ cũng sẽ quen trò chuyện với bạn.

Cha mẹ hãy yêu thương trẻ vô điều kiện, hãy vui buồn cùng trẻ, để có thể thường xuyên lắng nghe được tiếng lòng của trẻ. Đây là tiền đề thành công của việc giáo dục.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Học cách lắng nghe

Tôi từng đọc một câu chuyện như sau:

Có một đứa trẻ thường xuyên đi học muộn, giáo viên đã tìm gặp cha đứa trẻ nói chuyện về việc này. Sau khi biết sự việc, người cha không đánh mắng con. Trước khi đi ngủ, ông ta hỏi con trai: “Hãy nói với cha, tại sao con đi sớm như vậy lại thường xuyên đến muộn?”. Lúc đầu cậu bé yên lặng, sau đó khi thấy cha không hề có ý trách móc, cậu bé liền nói: “Con ngồi xem mặt trời mọc ở bên sông, thật là đẹp! Mải mê ngắm mặt trời, con quên cả thời gian đến lớp”. Người cha nghe xong bật cười. Buổi sáng sớm ngày hôm sau, người cha liền cùng con đi xem mặt trời mọc, nhìn cảnh sắc trước mặt, người cha xuýt xoa: “Thật là đẹp, con trai, con thật là giỏi!”. Ngày hôm đó, cậu bé không đến muộn. Tan học trở về nhà, cậu bé phát hiện trên bàn có một chiếc đồng hồ đeo tay rất đẹp, bên dưới có một tờ giấy viết: “Bởi vì mặt trời mọc rất đẹp, cho nên chúng ta càng phải trân trọng thời gian và cơ hội học tập, con nghĩ có đúng không? Cha rất yêu con!”.

Đây là một người cha tốt hiểu sâu sắc về tình yêu. Yêu thương con trẻ, không thô bạo trách mắng con trẻ, không trừng phạt con trẻ một cách vô tình, mà là lựa chọn cách lắng nghe. Trong khi lắng nghe, người cha đã dùng tình yêu thương, khoan dung, kiên nhẫn, động viên khích lệ trẻ, tạo cho trẻ môi trường trưởng thành hạnh phúc, ấm áp. Thử nghĩ xem, nếu như sau khi người cha nói chuyện với cô giáo xong, không hỏi rõ mọi chuyện mà đánh mắng trẻ một trận, kết quả sẽ như thế nào? Thiết nghĩ chắc chắn tấm lòng yêu cuộc sống, tinh thần phát hiện và thưởng thức cái đẹp của con trẻ sẽ không còn nữa.

Phụ huynh chúng ta rất nhiều người có tài ăn nói, nhưng rất khó tìm thấy người biết lắng nghe. Chúng ta dùng phần lớn thời gian để phê bình và dạy dỗ trẻ, lơ là việc lắng nghe tiếng lòng của trẻ. Có phụ huynh than phiền: “Thật không biết con tôi nghĩ thế nào, nó chẳng bao giờ chịu ngoan ngoãn nghe lời tôi gì cả”. Tôi thường hỏi ngược lại: “Làm cha mẹ, anh đã từng lắng nghe con cái bao giờ chưa?”. Mục tiêu của cha mẹ là nuôi nấng dạy dỗ trẻ nên người, nhưng cha mẹ có thể bước vào thế giới tâm hồn của trẻ hay không, có thể lắng nghe tiếng lòng trẻ hay không, là mấu chốt quyết định sự thành công của việc giáo dục.

2. Không nên lên mặt với trẻ

Quá trình giáo dục là quá trình giao lưu đối thoại bình đẳng giữa người giáo dục và người được giáo dục. Để thực hiện sự đối thoại bình đẳng này, người cha nhất định phải chủ động tiếp xúc với trẻ. Tiếp đó, người cha phải chăm chú lắng nghe trẻ, tạo nên không khí vui vẻ để bình đẳng đối thoại với trẻ. Khi lắng nghe trẻ, người cha phải có một tâm niệm: Cha mẹ và con cái là bình đẳng, mỗi trẻ đều có nhu cầu được tôn trọng và được tin cậy. Chỉ có làm cho trẻ cảm nhận được sự tôn trọng của cha mẹ đối với trẻ, trẻ mới có thể càng tin tưởng cha mẹ, coi cha mẹ là những người bạn tri âm, khoảng cách giữa cha mẹ và trẻ bị xóa bỏ. Như vậy, quá trình bồi dưỡng dạy dỗ trẻ sẽ trở thành một sự hưởng thụ tốt đẹp.

Không ít trẻ có suy nghĩ như sau: “Mỗi khi ý kiến của tôi và cha không thống nhất, cha đều lấy quyền của một người cha để ép tôi, không cho tôi nói, có lúc phê bình một cách rất vô lí”. Việc cha mẹ không cho trẻ phát biểu ý kiến của mình, cũng không hề điều tra, tìm hiểu ngọn ngành của vấn đề, mà một mực tức giận, đã đi ngược lại mục đích của giáo dục.

Thực ra, giữa cha mẹ và con cái nảy sinh mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Chúng ta phải để trẻ được nói ý kiến của mình, kiên trì lắng nghe trẻ. Nếu không đợi trẻ nói xong, cha mẹ đã đưa ra kết luận chủ quan, thì tất nhiên sẽ đem đến một loạt những hậu quả tiêu cực, trong đó tâm lí chống đối của trẻ sẽ biểu hiện mãnh liệt nhất. Mỗi người đều hi vọng người khác tôn trọng mình, trẻ cũng như vậy, cha mẹ tôn trọng trẻ, thì những lời cha mẹ nói mới phát huy tác dụng.

3. Xóa bỏ định kiến

Trong một buổi tụ họp, một vị khách muốn thử đứa con chủ nhà, bèn hỏi: “Nếu như cháu điều khiển một chiếc máy bay chở hành khách đang bay trên bầu trời, đột nhiên phát hiện chiếc máy bay có vấn đề, xảy ra sự cố hết dầu, cháu sẽ làm thế nào?”.

Đứa trẻ thẳng thắn trả lời: “Cháu sẽ nhanh chóng nhảy dù, để họ ở trên máy bay đợi cháu, cháu phải là người nhảy dù đầu tiên!”.

Rất nhiều vị khách sau khi nghe xong liền cười ầm lên, có vị khách cười nghiêng ngả, họ cảm thấy đứa trẻ thật khôn ngoan, khi phát sinh sự cố thì nghĩ đến việc cứu sống bản thân mình trước.

Nhưng lúc này người cha của cậu bé tiếp tục hỏi: “Sau đó thì sao?”.

Cậu bé nói: “Con đi mua dầu, sau đó quay lại cứu họ”.

Nghe đến câu này, tiếng cười của các vị khách đột nhiên ngừng lại. Họ không thể ngờ được một cử chỉ ngây thơ đơn thuần của đứa trẻ lại hàm chứa một tấm lòng bác ái như vậy.

Người cha này có một điểm đáng quý, đó là tiếp tục lắng nghe trẻ nói để hiểu được ý nghĩ thực sự của trẻ. Có lúc vì chúng ta có định kiến với trẻ, cho rằng trẻ không biết nghĩ hoặc cho rằng trẻ ích kỉ, mơ mộng hão huyền mà hiểu lầm thậm chí trách oan trẻ. Thực ra trẻ cũng có tâm hồn phong phú, chúng ta phải đặc biệt chú ý lắng nghe tiếng lòng của trẻ.

Phí Hiếu Thông - nhà xã hội học nổi tiếng - từng nói: “Trẻ con thường không hiểu lời người lớn nói, trẻ hiểu được đạo lí từ việc nhìn chứ không phải việc nghe”. Chúng ta nhất định phải thông cảm cho đặc điểm này của trẻ. Bạn hiểu trẻ càng nhiều, bao dung càng nhiều, sự giáo dục của bạn với trẻ càng có hiệu quả cao.

4. Giỏi “dừng lại, nhìn nhận, lắng nghe”

Đông Tử làm một trắc nghiệm nhỏ với các vị phụ huynh xem tình huống dưới đây bạn sẽ giải quyết thế nào?

Sau khi tan học về nhà trẻ nói với bạn một việc: “Hôm nay ở trường con bị cô giáo xử phạt...”, bạn sẽ có phản ứng nào trong những phản ứng dưới đây:

Phản ứng 1: “Tại sao? Có phải con không nghe lời không?”.

Phản ứng 2: “Bây giờ cha rất bận, lát nữa rồi nói”.

Phản ứng 3: “Được rồi, không phải buồn, lần sau sửa là được”.

Phản ứng 4: “Nhìn con rất buồn, có muốn nói với cha đã xảy ra chuyện gì không?”.

Nếu bạn là cha của đứa trẻ, bạn sẽ chọn phản ứng nào?

Tôi cho rằng đa số những người cha sẽ không chọn phản ứng thứ tư, nhưng điều mà trẻ hi vọng nhất chính là phản ứng thứ tư. Thông thường tâm trạng là cảm giác không nhìn thấy không sờ được, cha mẹ nên vận dụng ba đoạn nhạc “dừng lại, nhìn nhận, lắng nghe” để hoàn thành bản nhạc trò chuyện tốt đẹp giữa hai cha con. “Im lặng” là dừng lại tất cả mọi việc đang làm, tôn trọng đối phương, cho trẻ thời gian và không gian biểu đạt; “nhìn nhận” là quan sát kĩ lưỡng những hành vi phi ngôn ngữ như biểu hiện trên khuôn mặt trẻ, tư thế và những động tác trên cơ thể trẻ...; “lắng nghe” là chú ý lắng nghe trẻ nói gì, để ý tới ngữ khí khi nói chuyện, đồng thời nói với trẻ những câu ngắn gọn như “Con cảm thấy thầy cô không công bằng”, “Con rất tức giận vì bị nghi oan”... để dẫn dắt trẻ nói ra ý nghĩ và cảm nhận của mình.

Có thể những hành vi của trẻ có chỗ không đúng, nhưng cũng không nên vội vàng phê bình và sửa chữa. Sau khi lắng nghe, bạn hãy thử đón nhận trẻ bằng những câu như “Cha hiểu...”, “Cha cảm nhận được...”. Bạn đừng lo lắng trẻ sẽ hiểu lầm ý của bạn, bởi vì gật đầu không có nghĩa là tán thành, đón nhận cũng không có nghĩa là đi ngược lại lập trường của bản thân. Đợi trẻ giãi bày tâm sự xong, tâm trạng ổn định, bạn dùng thái độ dịu dàng, kiên định cùng trẻ thảo luận phương hướng giải quyết, ví dụ “Có cách nào để không bị phạt nữa”, “Sau này sửa đổi như thế nào”... Cách này khuyến khích trẻ suy nghĩ, giúp trẻ học tập trưởng thành từ những lỗi lầm của mình.

Thực ra mỗi đứa trẻ đều hi vọng nhận được sự coi trọng của cha mẹ, trong cuộc sống thực tế các bậc cha mẹ đều vô cùng coi trọng con cái của mình nhưng tại sao trẻ không cảm nhận được? Tại sao lại có rất nhiều trẻ thường xuyên trách cha mẹ không hiểu mình, không để ý đến mình? Trong rất nhiều tình huống đều là cha mẹ làm không đúng cách, không nghiêm túc lắng nghe cách nghĩ của trẻ, vì coi trẻ là trẻ con nên không tôn trọng cảm giác của trẻ. Lâu dần trẻ không muốn trò chuyện với cha mẹ, hố sâu khoảng cách giữa cha mẹ và con trẻ càng ngày càng khó san bằng.