Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương III - Phần 01 - 02

Chương III

NGƯỜI CHA TỐT LÀ NGƯỜI BẠN CHƠI TỐT CỦA CON

Phần 1: Cùng trẻ chơi trò chơi

Đối với trẻ, vui chơi là điều vui sướng nhất; đối với cha mẹ, vui chơi cũng là một phương thức giáo dục con cái hiệu quả nhất.

Từ trước đến nay, phụ huynh chúng ta đều cho rằng “giáo dục gia đình” chính là sự “khai phá trí tuệ” và “học tập văn hóa”, hễ nhắc đến giáo dục trẻ là nói đến việc làm thế nào để có thể nâng cao thành tích học tập của trẻ, cho trẻ đi học lớp năng khiếu gì... “Chơi” và “giáo dục” là hai việc không liên quan đến nhau. Trong mắt nhiều người, học tập phải tranh thủ từng phút từng giây, còn chơi là lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến học tập.

Xuất phát từ ý thức tư tưởng như vậy, các bậc phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh coi trọng việc giáo dục gia đình, coi trọng sự trưởng thành của trẻ, sẽ không liệt kê việc “vui chơi” vào thời gian biểu của trẻ.

Phụ huynh có cách nghĩ như vậy cũng dễ hiểu, truyền thống văn hóa của chúng ta xưa nay coi trọng hình thức học tập chăm chỉ, những tấm gương không ngại khó ngại khổ, miệt mài học tập luôn được chúng ta ca ngợi và noi gương, còn vui chơi là biểu hiện của việc lười học, của thái độ học tập không đúng đắn. Việc học tập có nhiều áp lực như vậy, làm sao có thể có thời gian cho trẻ chơi?

Một trong những câu mà các bậc phụ huynh thường mắng mỏ con trẻ nhất là: “Cả ngày chỉ biết chơi! Đi làm bài tập ngay!”.

Liệu vui chơi và học tập có phải là hai việc làm đối lập nhau hay không? Thực ra vui chơi và học tập là hai việc làm thống nhất, những trò chơi hữu ích chính là học tập, mà việc học tập một cách khoa học cũng chính là vui chơi; vui chơi có thể thúc đẩy việc học tập, còn biến học tập thành trò chơi có thể khiến việc học tập trở nên thoải mái hơn rất nhiều.

Chơi là chơi, tại sao có thể nói chơi cũng là học? Rất nhiều phụ huynh sẽ nghĩ như vậy. Trong mắt phụ huynh, chơi chỉ có thể là một cách giải trí ngoài lúc học, chỉ làm mất thời gian mà thôi.

Nghĩ như vậy là một sự hiểu lầm lớn về việc vui chơi.

Vui chơi là một hoạt động mang tính chất giải trí, nhưng lại hàm chứa chức năng giáo dục to lớn.

Đầu tiên, nó dạy trẻ biết nhận thức. Từ ngày trẻ chào đời, trẻ đã bắt đầu cảm nhận, nhận thức thế giới thông qua việc vui chơi, đồng thời học cách nói chuyện, giao tiếp với mọi người thông qua việc vui chơi. Có thể nói vui chơi là nguồn gốc giúp trẻ hiểu được cuộc sống.

Tiếp đó, vui chơi còn giúp trẻ làm việc. Ví dụ có rất nhiều trò chơi cần phải có sự phối hợp với người khác mới giành được thắng lợi. Trong quá trình chơi các trò chơi, trẻ hiểu được tầm quan trọng của sự phối hợp, học được cách phối hợp với người khác như thế nào. Hầu hết các trò chơi đều có quy tắc, nếu không tuân thủ những quy tắc đó thì khó có thể chơi một cách thuận lợi, trong quá trình chơi trẻ sẽ hình thành thói quen tuân thủ nguyên tắc kỉ luật, sau này trong cuộc sống trẻ sẽ có ý thức tuân thủ quy tắc kỉ luật của xã hội...

Hơn nữa, trò chơi có thể giúp trẻ nâng cao năng lực thực tiễn, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng mô phỏng, khả năng sáng tạo, năng lực tư duy, thậm chí còn có thể giúp khai phá trí tuệ, thúc đẩy sự phát triển của bán cầu não, nâng cao khả năng tập trung, khả năng quan sát, khả năng tưởng tượng, khả năng điều chỉnh... của trẻ.

Cho nên đối với trẻ, vui chơi là điều vui sướng nhất, còn đối với cha mẹ, chơi là phương thức giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao nhất. Trẻ có thể học được rất nhiều tri thức, tăng thêm rất nhiều khả năng thông qua các trò chơi, điều này không thể cân đo đong đếm được.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Chơi để nâng cao khả năng tự lập

Mỗi đứa trẻ sau khi trưởng thành đều phải tự mình đối diện với xã hội. Vì vậy, việc trẻ có thể hình thành phẩm chất tính cách độc lập hay không là vấn đề quan trọng giúp trẻ có thể tồn tại và phát triển trong xã hội mang tính cạnh tranh quyết liệt ở tương lai. Chúng ta nên bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ ngay từ nhỏ, giúp trẻ hình thành thói quen việc của mình thì mình tự làm, hình thành phẩm chất cá tính dám độc lập giải quyết các vấn đề.

Từ khi con gái Y Y của tôi bắt đầu học nói, tôi đã chú ý bồi dưỡng cho con ý thức tự lập. Khi con có thể tự mình làm một số việc, tôi để con tự làm để bồi dưỡng năng lực tự giải quyết vấn đề của con. Đương nhiên làm những việc này đều tiến hành thông qua hình thức vui chơi. Ví dụ, khi thả diều, tôi để cho con tự thả; khi chúng tôi cùng nhau đi chèo thuyền, tôi động viên con tự chèo, dùng sức mạnh của mình để thuyền đi về phía trước.

Trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ khi mang lại niềm vui cho mọi người thông qua lao động của bản thân mình, từ đó càng tích cực yêu cầu bản thân kiên trì làm mọi việc cho đến cùng; đồ chơi hỏng, cố gắng để trẻ tự mình sửa, gặp vấn đề khó khăn gì trong khi chơi, cũng động viên trẻ tự mình giải quyết... Đồng thời với việc cảm nhận được niềm vui, điều diệu kì trong các trò chơi, thì khả năng tự giải quyết và ý thức tự lập của trẻ cũng dần được nâng cao. Trẻ tự hào, cha mẹ không phải lo lắng, có thể nói là một mũi tên trúng hai đích.

2. Chơi có thể giúp trẻ có tâm lí khỏe mạnh

Tâm lí khỏe mạnh quan trọng như thế nào đối với sự phát triển và trưởng thành của một con người, chúng ta không cần bàn nữa. Chỉ có điều rất nhiều người cha cảm thấy mơ hồ, làm thế nào để giúp trẻ có được tâm lí khỏe mạnh? Làm thế nào để giúp trẻ trưởng thành khỏe mạnh vui vẻ? Phương thức đơn giản nhất chính là đưa trẻ đến với các trò chơi.

Tôi thường xuyên cùng Y Y chơi các trò chơi đọ sức về khả năng phản ứng và tốc độ, ví dụ chất một đống các miếng gỗ với các hình dạng khác nhau, thi xem ai trong thời gian ngắn nhất có thể tìm ra miếng gỗ theo hình dạng như yêu cầu, như vậy có thể bồi dưỡng cho trẻ khả năng tự khống chế tâm lí khi đối mặt với những tình huống cấp bách.

Còn các trò chơi mang tính cạnh tranh đều có sự phân chia thắng bại, kết quả thất bại có thể giúp trẻ nâng cao khả năng đối mặt với thất bại. Tôi và Y Y thường xuyên chơi cờ, từ khi con có hứng thú với trò chơi này, tôi rất ít nhường con, Y Y thua nhiều hơn thắng, rất nhiều khi Y Y thua liền mấy ván, mắt rơm rớm, nhưng tôi quyết không nhẹ tay.

Lúc đầu con bé bực bội đẩy bàn cờ ra hoặc ném bài đi, không vui nói: “Không chơi nữa, sau này không bao giờ chơi nữa”. Tôi liền nói với con: “Phải có tinh thần đối mặt với thất bại, mới có dũng khí đối mặt với những thử thách. Chỉ thua như vậy đã trốn tránh, sau này gặp những thất bại lớn hơn, sẽ bị gục ngã”. Dưới sự động viên của tôi, dần dần Y Y có thể thản nhiên đối mặt với thất bại, dù thua cũng ít khi tức giận hay bỏ cuộc, luôn miệng đòi: “Chơi lại”.

Có rất nhiều trò chơi tập thể, giúp trẻ biết hợp tác và khoan dung, hiểu được cạnh tranh rất quan trọng, hợp tác là đảm bảo cho việc giành được thắng lợi; niềm vui trong các trò chơi giúp trẻ hình thành tính cách lạc quan, yêu đời và tràn đầy hi vọng...

Các trò chơi đọ sức bằng kĩ năng, giúp trẻ hình thành khả năng tự khống chế, không mất bình tĩnh khi đối mặt với nguy hiểm.

Tâm lí cảm xúc trong thời thơ ấu là sắc màu tình cảm nền tảng trong cuộc đời mỗi con người, nếu có được những năm tháng tuổi thơ vui vẻ, đồng nghĩa với việc mua được bảo hiểm tinh thần suốt đời.

3. Các trò chơi có thể giúp trẻ rèn luyện ý chí kiên cường

Cuộc tranh đua trong xã hội tương lai là vô cùng quyết liệt và tàn khốc, nếu như trẻ không có ý chí kiên cường, không có năng lực sống tốt, thì trẻ rất khó theo đuổi công việc mang tính cạnh tranh cao, cũng rất khó kiên cường đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống. Cho nên chúng ta cần chú ý huấn luyện trẻ một số phẩm chất ý chí ngay từ nhỏ, làm cho trẻ hình thành phẩm chất ý chí dám đấu tranh với khó khăn, dũng cảm khắc phục khó khăn. Tôi thường xuyên đưa Y Y đi leo núi, đi bộ xa hoặc chơi một số trò chơi đọ sức về ý chí. Dần dần con có đầy đủ phẩm chất bền bỉ, không chịu thua, và chịu đựng được gian khổ...

Ngày sinh nhật Y Y vừa tròn 8 tuổi, tôi đưa con đi vườn thú chơi. Sau khi ngắm nhìn tất cả các loài động vật, khi đi ra cửa chính, chúng tôi phát hiện đằng trước có một dãy núi. Đối diện với con đường chính của vườn thú, người ta cải tạo lại một con đường sát vách núi, có thể trèo bậc thang lên đến đỉnh núi. Tôi hỏi Y Y có muốn leo lên không, Y Y ngẩng đầu lên nhìn đỉnh núi, kiên định nói: “Lên thôi cha!”.

Tôi hưởng ứng quyết định của Y Y, đi về phía con đường lên núi. Đột nhiên, Y Y gọi tôi: “Cha ơi, con có thể đi đường khác được không ạ?”. “Đường khác nào? Làm gì có con đường nào khác?”. “Ở đằng kia!”. Tôi nhìn theo con đường Y Y chỉ, cách đường lên núi không xa, có một con đường nhỏ quanh co có thể lên núi. Nói là đường nhưng thực ra hầu như không có mặt đường rõ ràng, chỉ là được một số ít người đi qua, cỏ dại không mọc lên nữa, đất vàng lộ ra tạo thành một con đường nhỏ, cách đỉnh núi khoảng 100m. Nhìn từ dưới lên, con đường ngoằn ngoèo, uốn khúc, mà rất nhiều bùn đất, trên đường lại còn có nhiều sỏi đá, hai bên đường là cỏ dại và bụi gai khô héo.

Tôi hơi lo lắng, con đường như vậy thì đi thế nào? Y Y có thể đi nổi không? Hay là đi theo đường kia? Đường này không dễ đi. Tôi khuyên Y Y từ bỏ ý định mạo hiểm. “Đi đường sát vách núi thì có gì hay đâu? Đi theo con đường người khác cũng đi thì không có gì thú vị, không dễ đi mới hay cha à!”, Y Y nói ra lí do của mình, những câu nói mang tính triết lí, không hề giống lời nói của một đứa trẻ 8 tuổi. Thế là tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Y Y.

Y Y leo ở phía trước, tôi luôn cố gắng theo sát con, chú ý quan sát bảo vệ Y Y. Con đường này quả thực quá khó đi, Y Y phải dùng cả chân cả tay để leo lên, tôi cũng phải dùng tay đỡ mới có thể đứng vững được. Khó khăn lắm mới leo lên được độ cao nhất định, không ngờ lại bị trượt dài một cái, làm cho tôi lại quay trở lại vị trí xuất phát. Đôi giày đi dưới chân toàn bùn đất. Ngẩng đầu lên nhìn Y Y, bóng hình nhỏ bé của con vẫn đang nỗ lực leo lên phía trước. Thế là tôi lại xuất phát lại, kết quả là sau khi leo được một đoạn, lại bị trượt về vị trí ban đầu. Như vậy bắt đầu lại ba lần, cuối cùng tôi không bị trượt xuống nữa, đi sát sau lưng Y Y.

Quan sát kĩ Y Y mới phát hiện để không bị trượt xuống, hai tay Y Y bám chặt những cây cỏ bên đường, chân nhẹ nhàng cẩn thận bước lên, đợi khi đứng vững, mới từng bước từng bước một leo lên đỉnh núi.

Sau hơn nửa tiếng leo trèo, khi chúng tôi leo lên được đỉnh núi cùng với những khách du lịch khác, mặt tôi và Y Y đều đầy bùn đất, hai tay của Y Y bị sứt sát, nhưng con không hề tỏ ra một chút đau đớn nào. Đứng ở chỗ cao nhất, mặt Y Y nở nụ cười chiến thắng.

Câu chuyện này thể hiện đầy đủ ý chí không ngại khó khăn gian khổ của Y Y. Sau này trong cuộc sống, con không lúc nào là không thể hiện nghị lực “đi một con đường khác” này.

4. Vui chơi có thể giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo

Có rất nhiều trò chơi cần một số kĩ năng kĩ xảo và trí tưởng tượng nhất định. Cho nên, khi chơi, kĩ năng vận dụng tri thức và khả năng giải quyết vấn đề linh hoạt của trẻ được rèn luyện, hơn nữa còn có thể kích thích khả năng sáng tạo vô biên của trẻ. Ví dụ như những trò chơi làm thủ công mà Y Y yêu thích, không chỉ rèn luyện khả năng cắt dán của con, mà trong quá trình cắt dán ấy, Y Y luôn có những ý nghĩ và sáng kiến mới mẻ, làm cho những đồ vật con tự tay làm ra vô cùng hấp dẫn. Rất nhiều đồ thủ công con làm được bạn bè yêu thích, bọn trẻ con vô cùng thích thú, nhưng lại không làm được, đành đòi Y Y cho.

Trong các tác phẩm thủ công của Y Y, tác phẩm để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc nhất là chiếc máy bay giấy: Hai cánh dang rộng, đầu máy bay rất cao, trông rất hoành tráng. Điều chủ yếu là chiếc máy bay đeo một chiếc dù. Y Y tung chiếc máy bay lên không trung, bay được một đường chiếc dù mở ra, máy bay từ từ hạ cánh xuống mặt đất.

Tôi ngạc nhiên hỏi con, tại sao lại nghĩ đến việc thêm chiếc dù trên máy bay, con nói đây là thành quả mà con phải suy nghĩ cả một ngày. Lúc đầu con chỉ gấp chiếc máy bay bình thường, chơi một lúc, con liền nghĩ làm thế nào để chiếc máy bay vừa có thể bay vững lại vừa có thể bay lâu hơn. Đương nhiên là phải kéo dài thời gian máy bay hạ cánh, nhưng làm thế nào có thể giải quyết được vấn đề này? Thế là con đã nghĩ ra rất nhiều phương án.

Khi con nhìn thấy chiếc túi nilon ở trên bàn, mắt con sáng lên. Nếu như đính vào máy bay một chiếc dù thì sẽ như thế nào? Thế là con cầm kéo, cắt từ túi nilon một miếng nhỏ hình vuông, sau đó mỗi góc đính một sợi dây nhỏ, tiếp theo kết bốn sợi dây này lại, nối vào thân chiếc máy bay. Chiếc máy bay bay lên điểm cao nhất rồi rơi xuống, do lực cản của chiếc dù làm cho máy bay có thể từ từ hạ cánh. Cảnh tượng đó làm Y Y vô cùng phấn khởi, reo hò ầm ĩ.

Dùng giấy bình thường để làm máy bay là một sáng tạo; nhưng trên máy bay gắn thêm một chiếc dù, kéo dài thời gian máy bay hạ cánh thì là một sáng tạo trí tuệ hơn nhiều. Việc vui chơi như vậy còn có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc ngồi học thuộc mấy công thức định lí cứng nhắc trên lớp.

Cho trẻ vui chơi giống như một miếng bọt biển được thả vào biển, có vô vàn những điều thú vị để trẻ học tập. Tất cả mọi sự dạy dỗ được bao hàm trong những trò chơi đơn giản, cho nên hãy để trẻ chơi, hãy dạy trẻ chơi tốt hơn. Cha mẹ phải biết cách động viên trẻ chơi một cách thông minh, linh hoạt và vui vẻ.

Cho nên, người cha tốt nhất định phải chơi trò chơi cùng trẻ.

Phần 2: Cùng trẻ rèn luyện thân thể

Giai đoạn nhi đồng là thời kì quan trọng phát triển thể chất con người. Thời kì này cơ thể trẻ phát triển như thế nào có ảnh hưởng lớn đến thể chất và thể hình cả một đời của trẻ.

Nói đến việc rèn luyện thân thể, điều đầu tiên não chúng ta nghĩ đến là tham gia các cuộc thi đấu, các hội thao, các phòng tập thể hình… hoặc bên đường vào sáng sớm mùa hè, tại các quảng trường, những điệu nhảy thể dục của các ông các bà, hay là những người tập thể dục trong công viên giá lạnh… Còn các hoạt động như các phụ huynh cùng con chạy nhảy trong sân, chơi cầu trượt, ngày nghỉ đưa con đi công viên, đi bộ đường xa, trong mắt mọi người không phải là rèn luyện thân thể.

Điều tôi muốn nói ở đây là việc tập thể dục luôn tồn tại trong cuộc sống của chúng ta. Ví dụ như việc chơi chuyền bóng, leo cầu thang, đá cầu, nhảy dây, chạy bộ, bơi lội, vặn mình tập thể dục… cũng là những hình thức rèn luyện thân thể. Những hình thức rèn luyện này người cha có thể làm cùng trẻ.

Làm cha mẹ chúng ta đều hi vọng con cái có một tương lai tốt đẹp, có một thân thể khỏe mạnh, và cũng hiểu rõ chỉ khi có một thân thể khỏe mạnh, trẻ mới có thể có một tương lai tốt đẹp. Nhưng người làm cha làm mẹ như chúng ta lại chỉ chú trọng đến việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, chỉ chú trọng đến việc phát triển trí tuệ cho trẻ, mà coi thường việc rèn luyện thân thể, coi thường việc tăng cường thể chất cho trẻ. Vì vậy, trong trường mầm non và trường tiểu học mới xuất hiện bé béo phì, bé hạt tiêu, bé cận thị… những bé thường xuyên bị ốm, thể chất yếu kém cũng rất nhiều.

Điều này phụ huynh chúng ta cần tự phản tỉnh. Từ khi trẻ còn nhỏ, chúng ta thấy cái gì có chất dinh dưỡng liền cho trẻ ăn, chất dinh dưỡng tuy đầy đủ, nhưng tại sao trẻ vẫn thường xuyên bị ốm? Nguyên nhân chính là thiếu sự rèn luyện.

Giai đoạn nhi đồng chính là cơ hội tốt để trẻ hình thành thói quen rèn luyện thân thể. Nếu như bỏ qua cơ hội này, khi trẻ lớn lên, do bị ảnh hưởng bởi thói quen cũ, thói quen mới rất khó được hình thành. Giai đoạn nhi đồng là thời kì quan trọng phát triển thể chất con người. Thời kì này cơ thể trẻ phát triển như thế nào, có ảnh hưởng lớn đến thể chất và thể hình cả một đời của trẻ. Vì thế, người cha cho trẻ tập thể dục một cách hợp lí và điều độ sẽ có ý nghĩa to lớn đối với trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải nâng cao nhận thức của trẻ đối với việc rèn luyện thân thể

Hầu hết các gia đình hiện nay chỉ có một con, vì vậy khá nuông chiều. Chưa nói gì đến việc tập thể dục, ở nhiều gia đình đến việc tự mình đi bộ cũng không muốn cho trẻ đi, sợ trẻ mệt. Nếu như chơi ngoài trời trẻ bị ngã, cha mẹ cũng xuýt xoa mãi. Một số phụ huynh cho rằng con mình thể chất yếu ớt, nếu mệt quá sẽ bị ốm. Thậm chí có một số phụ huynh cho rằng những hành động như trèo, lăn, lật là những động tác nguy hiểm, lại còn làm bẩn quần áo. Còn có phụ huynh quan niệm hoạt động thể dục ngoài trời cũng chỉ là vui chơi, không có tác dụng bằng việc viết chữ, xem sách. Nhận thức sai lầm của các bậc phụ huynh về các hoạt động thể dục, đã làm cho trẻ em hiện nay thiếu đi cơ hội rèn luyện thân thể.

Mùa xuân ấm áp trăm hoa đua nở, cha mẹ nên đưa trẻ đi chơi ở ngoài trời, trẻ khoảng 4, 5 tuổi có thể ra ngoại ô đi bộ xa, có thể tiến hành đồng thời đi nhanh và đi chậm, chạy nhanh và chạy chậm và nhảy lên nhảy xuống, vừa rèn luyện cho trẻ những động tác cơ bản, lại vừa rèn luyện một số tố chất cơ bản của cơ thể như tốc độ, sức bền, còn có thể bồi dưỡng cho trẻ tinh thần chịu đựng gian khổ, rèn luyện nghị lực vững chắc dẻo dai, làm trẻ càng hào hứng thưởng thức cảnh vật thế giới tự nhiên, tăng thêm hiểu biết, từ đó kích thích tính tích cực tham gia rèn luyện thân thể của trẻ.

Việc rèn luyện thân thể chính là phương tiện để các phụ huynh tiến hành giáo dục tố chất cho trẻ. Trên thực tế, trẻ rất hiếu động, có rất ít trẻ thực sự không thích vận động. Rèn luyện thân thể chính là hoạt động cha mẹ và con cái có thể cùng nhau tham gia, quá trình rèn luyện thân thể vừa là quá trình bồi dưỡng tinh thần chịu đựng gian khổ, rèn luyện phẩm chất ý chí cho trẻ, cũng là quá trình trẻ nhận thức được sự cạnh tranh công bằng, tinh thần đồng đội, quan hệ giao tiếp giữa mọi người; là quá trình trẻ giải tỏa mọi cảm xúc tiêu cực, tận hưởng niềm vui mà việc tập luyện đem lại; còn là quá trình cha mẹ và trẻ giao lưu tình cảm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

2. Coi trọng tầm quan trọng của trò chơi đối với việc rèn luyện thân thể trẻ

Các trò chơi là bài học thể dục đầu tiên của trẻ, trò chơi có thể giúp trẻ thông minh lanh lợi, thân thể khỏe mạnh. Mục đích của các trò chơi không chỉ ở việc tăng cường thể lực, mà còn làm cho trẻ sử dụng đồng đều cả chân và tay, từ đó giúp kích thích não bộ một cách đồng đều, thúc đẩy não bộ phát triển. Đặc biệt là có tác dụng lớn trong giai đoạn sơ sinh và mầm non, khi cơ thể trẻ đang phát triển mạnh mẽ.

Từ 1-5 tuổi là thời gian hợp lí nhất giúp trẻ phát triển vận động cảm giác, thời điểm này phát triển cảm giác và vận động của trẻ một cách có kế hoạch và mục đích, không chỉ là sự kích thích tốt với não bộ, mà còn có thể nâng cao khả năng chỉ huy của não bộ với các cơ quan trong cơ thể, thúc đẩy sự phát triển của thần kinh vận động.

Những trò chơi có thể lựa chọn cho trẻ từ 1-3 tuổi là: thể dục ngón tay, nặn đất, đá bóng đặt ở điểm cố định, đá bóng đang di chuyển, lăn, đập bóng, hai chân kẹp đồ để đi… Những trò chơi có thể lựa chọn cho trẻ từ 3-5 tuổi là: chạy theo các loại đường cong, các loại trò chơi trốn tìm, nhảy dây, các trò chơi kéo giãn cơ thể, đứng một chân, tập đi xe đạp… Các trò chơi lồng ghép, xếp hình, xâu chuỗi… có tác dụng rèn luyện tính linh hoạt của các ngón tay và cơ bắp của trẻ.

Những trò chơi về bóng là những trò chơi thiếu nhi lâu đời, các trò chơi này không chỉ giúp rèn luyện sức mạnh cổ tay của trẻ, mà còn có thể giúp trẻ rèn luyện khả năng khống chế hoạt động của tay, nâng cao khả năng kết hợp giữa tay và mắt, tăng cường khả năng phản ứng với tốc độ nhanh của trẻ. Đặc tính đàn hồi của bóng làm trẻ phải suy đoán sự thay đổi phương hướng chuyển động của sự vật, nâng cao khả năng dự đoán phương hướng của trẻ.

Sau khi biết đi, trẻ sẽ hình thành và phát triển các kĩ năng vận động cao cấp như nhảy nhót, mô phỏng các động tác thân thể, nhận bóng, nhảy dây… Muốn nâng cao và bồi dưỡng khả năng vận động của trẻ, có thể thông qua các trò chơi. Điều này cần phụ huynh chúng ta phải kết hợp các đặc trưng sinh lí của trẻ để đề ra kế hoạch chơi khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ.

3. Phải căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi để sắp xếp hợp lí lượng vận động cho trẻ

Trẻ đang trong giai đoạn phát triển, không thể chỉ quan tâm đến cường độ luyện tập, mà phải căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi, hứng thú và nhu cầu của trẻ, giúp trẻ lựa chọn những trò chơi hoặc những môn thể thao trẻ thích, trẻ có khả năng và trẻ có thể kiên trì thực hiện. Vấn đề mấu chốt là phải kiên trì rèn luyện, khắc phục mọi điều kiện khó khăn. Nếu như 3 ngày đánh cá, 2 ngày phơi lưới sẽ không có hiệu quả. Khi cha mẹ cùng trẻ tập luyện thể dục, hướng dẫn, khẳng định, động viên trẻ nhiều hơn sẽ tạo nên không khí luyện tập thoải mái.

Trẻ muốn rèn luyện tốt thân thể, nhất định phải nắm vững phương pháp khoa học và nguyên tắc chuẩn xác. Căn cứ vào quy luật cơ bản về sinh lí và tình hình cụ thể như lứa tuổi, giới tính, tình trạng thể chất của trẻ và điều kiện khách quan, lựa chọn những trò chơi và môn vận động hợp lí, đồng thời dưới sự hướng dẫn nhất định, sắp xếp hợp lí lượng vận động, tiến hành luyện tập một cách có kế hoạch. Giai đoạn mầm non trẻ còn nhỏ, tính tự giác kém, các phụ huynh nhất định phải có những hướng dẫn chính xác. Thông thường, cha mẹ mỗi ngày nên cùng trẻ rèn luyện thân thể hoặc chơi các trò chơi ngoài trời ít nhất 1 giờ đồng hồ, đồng thời kiên trì duy trì trong thời gian dài.

4. Luyện tập thể dục thể thao là điều cần thiết để trẻ lớn lên khỏe mạnh

Tập luyện thể dục thể thao cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp trẻ cao lớn. Thường xuyên tập luyện dưới ánh nắng mặt trời, không chỉ có thể hưởng đầy đủ ánh nắng mặt trời, mà còn có thể kích thích các cơ bắp, xương phát triển, giúp trẻ nhanh chóng cao lớn, nhưng phải chú ý không được tập luyện quá sức.

Theo như tài liệu thống kê của tổ chức Y tế thế giới về sự phát triển của trẻ thì mùa xuân là mùa trẻ lớn nhanh nhất. Bởi vì mùa xuân vạn vật như bừng tỉnh, trăm hoa đua nở, mọi vật đều bước vào thời kì tăng trưởng nhanh nhất. Con người, đặc biệt là nhi đồng cũng như vậy, bởi sự phát triển của cơ thể có quan hệ chặt chẽ với thời gian sưởi nắng.

Chúng ta đều biết, mặt trời cho trái đất của chúng ta ánh sáng và nhiệt độ, không có ánh sáng mặt trời chúng ta không thể tồn tại. Tia hồng ngoại của ánh sáng mặt trời có tác dụng thẩm thấu vạn vật và cung cấp nhiệt độ, sự ấm áp có thể thẩm thấu vào các cơ quan trong cơ thể, làm lưu thông các huyết mạch, các tế bào xương cũng được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, sự phát triển của bộ xương cũng nhanh hơn và tốt hơn. Tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể kích thích chức năng tạo máu của cơ thể, làm tăng hồng cầu trong máu. Điều quan trọng hơn là nó có thể thúc đẩy sự tổng hợp vitamin D dưới da, hỗ trợ bộ xương phát triển.

Người cha nên thường xuyên đưa trẻ ra ngoài trời hoạt động hoặc rèn luyện sức khỏe, tận hưởng ánh sáng mặt trời, cho trẻ chạy nhảy, như vậy có lợi cho sự phát triển bộ xương của trẻ. Thường xuyên cùng trẻ rèn luyện thân thể, sẽ làm trẻ lớn nhanh hơn, khỏe mạnh hơn, cường tráng hơn.