Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương III - Phần 03 - 04

Phần 3: Cùng trẻ ra ngoài trời

Có người gọi trẻ em hiện đại là “thiếu niên trong nhà kính”, hiện nay càng ngày càng nhiều trẻ bị phát hiện mắc bệnh tự kỉ, ngày càng nhiều trẻ vốn nên ở độ tuổi trong sáng vui tươi không ngớt kêu ca: “Cuộc sống này thật vô vị!”.

Trong thành phố toàn những tòa nhà bê tông cốt thép, sống trong những căn hộ như chiếc lồng chim, con người ngày càng không có hứng thú với các hoạt động ngoài trời, hoạt động ngoài trời của trẻ cũng dần bị coi thường và hạn chế. Trước đây tầm chiều tối, thường nhìn thấy một lũ trẻ nhảy dây, nhảy bao bố, chơi trò bịt mắt bắt dê, đến nay những cảnh tượng như vậy ngày càng khó gặp.

Ngoài nguyên nhân kiến trúc đô thị ngày nay ngày càng chi chít chằng chịt, không gian vui chơi của trẻ ngày càng bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị cướp đi quyền lợi được vui chơi hoạt động ngoài trời chính là tư tưởng của cha mẹ.

Đầu tiên, hiện nay mỗi gia đình chỉ có một đứa con, cha mẹ luôn cố gắng bảo vệ trẻ 24 tiếng một ngày. Muốn trẻ đi ra ngoài vui chơi, nhưng nhỡ bị ngã hoặc gặp tai nạn nguy hiểm hơn thì phải làm thế nào? Không chỉ vậy, đi ra ngoài chơi rất mệt, bên ngoài vừa có gió bụi lại không sạch sẽ... Tóm lại là để trẻ ở trong nhà là an toàn nhất, cha mẹ sẽ an tâm nhất. Thứ hai, trẻ em hiện nay chịu rất nhiều áp lực học tập, tan học về nhà thời gian làm bài tập còn không đủ, lấy đây ra thời gian để ra ngoài chơi? Điều thứ ba, ra ngoài chơi với ai? Trẻ em ở các gia đình khác cũng bị nhốt trong nhà, con mình một mình ở bên ngoài cũng chẳng có gì hay, tốt nhất là không ra khỏi cửa.

Có một người bạn từng than phiền với tôi, con của cô ấy muốn xuống dưới sân chung cư chơi, khổ nỗi không có bạn chơi cùng. Cô ấy liền gợi ý con gọi điện thoại cho bạn bè, rủ bạn bè cùng ra ngoài chơi. Kết quả là đứa trẻ gọi hơn 10 cuộc điện thoại, nhưng không thể rủ được một người bạn nào. Nếu không phải là vì cha mẹ không đồng ý thì là vì bài tập quá nhiều, kết quả là con cô ấy thất vọng hủy bỏ kế hoạch ra ngoài chơi, và không ngớt kêu ca: “Thật là chán!”.

Vì những nguyên nhân trên, cho dù trẻ có một chút thời gian để nghỉ ngơi thư giãn, cũng chỉ ở trong nhà chơi đồ chơi, xem tivi, chơi điện tử...

Trong nhà đã vậy, ở trường trẻ càng không có tự do ra ngoài hoạt động. Trước đây các trường học thường xuyên tổ chức hoạt động du xuân cho trẻ, hiện nay hầu như các trường đều không tổ chức hoạt động này nữa. Tại sao? Nguyên nhân rất đơn giản, một là tổ chức một lần hoạt động như vậy phải tốn rất nhiều thời gian, các trường lại không nỡ bỏ ra nhiều thời gian như vậy; hai là xét đến vấn đề an toàn của trẻ, tốt nhất nên để trẻ ở trong lớp học.

Kết quả là cả ngày trẻ từ nhà đến trường, sống một cuộc sống như trong lồng. Có người gọi trẻ em hiện đại là “thiếu niên trong nhà kính”, hiện nay càng ngày càng nhiều trẻ bị phát hiện mắc bệnh tự kỉ, ngày càng nhiều trẻ vốn nên ở độ tuổi trong sáng vui tươi không ngớt kêu ca: “Cuộc sống này thật vô vị!”.

Trong giai đoạn mầm non, nên dành nhiều thời gian đưa trẻ ra ngoài trời hoạt động, như cho trẻ ra ngoài phơi nắng, chơi cầu trượt, cùng bạn bè đi dạo chơi ở những khu vui chơi, như vậy cơ thể trẻ sẽ được rèn luyện tốt; cũng có thể tận dụng kì nghỉ đưa trẻ ra ngoại ô chơi, leo núi, đi chơi công viên, như vậy có thể giúp trẻ trải nghiệm sự mệt mỏi, sự gian khổ, cảm nhận cuộc sống ngoài vị ngọt còn có vị đắng và vị cay, giúp trẻ tôi luyện trong mọi môi trường.

Đông Tử luôn luôn kiên trì một quan điểm: Trong quá trình trưởng thành của trẻ, không thể thiếu được hoạt động ngoài trời. Cho nên không chỉ để trẻ chơi vui vẻ, mà còn để trẻ ra ngoài chơi ở một thế giới rộng lớn hơn.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Hoạt động ngoài trời mỗi ngày là không thể thiếu

Đầu tiên là bởi hoạt động ngoài trời có thể tăng thời gian trẻ tắm nắng, hít thở không khí trong lành, giúp ích cho việc tăng cường thể chất của trẻ. Những đứa trẻ thường xuyên tham gia hoạt động ngoài trời thường có một thân thể rắn chắc, sức đề kháng cao, không dễ bị cảm cúm, cũng rất ít khi mắc các chứng bệnh khác. Còn những đứa trẻ cả ngày bị nhốt trong nhà, mùa hè sợ nóng, mùa đông sợ lạnh, càng được chăm sóc quá kĩ lưỡng, cơ thể càng yếu ớt, giống như bông hoa trong nhà kính, không thể chịu được chút gió mưa.

Thứ hai, đi ra ngoài, trẻ có không gian rộng lớn để tâm hồn được thoải mái tung bay, có được niềm vui, tâm lí và cơ thể đều được thư giãn, có ích cho việc thể hiện cá tính của trẻ, thỏa mãn được bản tính thích tự do, ham hiếu động, thích tìm tòi của trẻ, bồi dưỡng cho trẻ tính cách lạc quan yêu đời.

Thứ ba, vui chơi ở thế giới bên ngoài, có thể giúp trẻ có nhiều cơ hội tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội, giúp trẻ tăng cường hiểu biết, mở rộng tầm nhìn.

Thứ tư, hoạt động ngoài trời có thể giúp trẻ quen biết được nhiều bạn bè, trong quá trình trẻ chơi trò chơi với các bạn, trẻ sẽ học được cách sống với người khác, cách nhường nhịn, cách tuân thủ một số quy tắc khi giao tiếp với người khác...

Thứ năm, ra thế giới bên ngoài vui chơi có thể nâng cao khả năng độc lập giải quyết vấn đề của trẻ, rèn luyện nghị lực khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, và tăng thêm khát vọng học tập khám phá những điều mới mẻ...

Từ ngày có thể đưa Y Y ra ngoài chơi, mỗi ngày tôi đều kiên trì sắp xếp một khoảng thời gian nhất định đưa con ra ngoài chơi. Đợi đến khi con có thể tự mình xuống lầu chơi, hoạt động ngoài trời đã trở thành một nội dung quan trọng không thể thay đổi trong thời gian biểu của con. Sau khi con lên lớp, để đảm bảo thời gian vui chơi của con, tôi thường tìm đến trường, giúp Y Y giành được quyền giảm số lượng bài tập. Thế là mỗi ngày sau khi tan học, con làm xong bài tập được giao với tốc độ nhanh nhất, rồi xuống sân dưới chung cư vui chơi. Có thể là đánh cầu lông, đá cầu, nhảy dây... Cho dù là mùa đông hay mùa hè, con thường chơi đến khi ướt đẫm mồ hôi, sau đó vui vẻ trở về nhà.

2. Mỗi tuần không thể thiếu việc đi chơi ở ngoại ô gần nơi chúng ta sống

Thế giới tự nhiên vô cùng thần kì và tươi đẹp, trong đó bao hàm những kiến thức rộng lớn, có thể nói trên thế giới không có người thầy nào tốt hơn thế giới tự nhiên. Chúng ta không nên để trẻ cách li khỏi thế giới ấy. Cuối tuần, hãy đưa trẻ đi khám phá tự nhiên. Trẻ bước vào thế giới tự nhiên, cảm nhận điều kì diệu của thế giới ấy, khả năng quan sát của trẻ ngày càng nhạy bén, trí tưởng tượng cũng ngày càng phong phú, sự nhận thức về thế giới tự nhiên, sự hiểu biết về các loài sinh vật cũng ngày càng tinh tế, khả năng cảm nhận về cái đẹp cũng ngày càng cao. Đồng thời những chuyến đi này sẽ giúp trẻ lưu lại những kí ức tốt đẹp trong cuộc đời, đây là một tài sản vô giá.

Cuối tuần, chỉ cần thời tiết đẹp, tôi liền đưa Y Y ra khu ngoại ô gần nhà chơi, hoặc là đi xe đạp, hoặc là đi bộ, hoặc là lái ô tô, đến mùa hoa nở, tôi cùng con leo núi, hái hoa, kết những vòng hoa tươi đẹp, cùng con đọc thơ; những ngày hè nóng bức, tôi đưa con đi biển, nghe tiếng sóng biển rì rào, xuống biển tắm, hoặc là đứng trên bãi cát bắt sò, bắt ngao; đến mùa thu mát mẻ, tôi cùng con đến những vườn quả ngắm nhìn những cành cây trĩu quả, cùng nông dân ở đó thu hoạch vụ mùa, cảm nhận niềm vui của một vụ mùa bội thu; đến mùa đông có tuyết rơi, tôi đưa con ra ngoài đắp người tuyết, trượt tuyết... Một năm bốn mùa đều có vô vàn trò chơi, đều có những niềm vui vô tận.

Ngoài việc lên rừng xuống biển, tôi còn đưa Y Y đi công viên, đi vườn thú... Ở những thành phố nơi chúng tôi từng sống, hầu hết tất cả mọi công viên, mọi vườn bách thảo đều lưu lại tiếng cười của Y Y.

3. Mỗi năm đều phải có những chuyến đi du lịch xa

Thế giới bên ngoài rất thú vị, nó có sức hấp dẫn vô cùng lớn đối với trẻ, trẻ luôn luôn muốn biết thế giới bên ngoài như thế nào, cho nên, bất luận người cha bận như thế nào đều phải dành thời gian đưa trẻ đi nhìn ngắm thế giới này. Cho dù chỉ một đến hai lần một năm, bạn hi sinh vài ngày, thu nhập ít đi một chút nhưng những gì mà trẻ có được sẽ lớn hơn rất nhiều so với những tổn thất về vật chất của bạn. Hơn nữa, đây cũng là khoảng thời gian tốt nhất để cha con ở cạnh nhau, tâm sự trò chuyện cùng nhau, cũng là cơ hội để bạn thư giãn, có thể gọi là một công đôi việc.

Muốn đi du lịch xa, kì nghỉ đông chính là cơ hội tốt nhất. Tôi luôn tin rằng đi một ngày đàng học một sàng khôn. Để Y Y biết thế giới bên ngoài rộng lớn, kì diệu như thế nào, trong khi những đứa trẻ khác bận rộn đi học các lớp học thêm, tôi đưa Y Y đi Bắc Kinh ngắm di dung của Mao chủ tịch, đi Đại Liên tham quan công viên hải dương ở bãi biển Lão Hổ, đi Tây An xem tượng binh mã ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đi Thanh Đảo, Hàng Châu, Cáp Nhĩ Tân, Trường Xuân, Tế Nam... Hoặc là đi về quê nội, ngoại, thỏa thích vui chơi.

Trong 10 năm trở lại đây, tôi đã đưa Y Y đi thăm hơn 60 thị trấn làng quê của hơn 11 thành phố: Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Đông, Thiểm Tây, Bắc Kinh, Thiên Tân, trong khi vui chơi vui vẻ, con học được rất nhiều tri thức mà trên sách vở không có. Bởi vì đi nhiều kiến thức sẽ rộng hơn, khi con giao lưu trò chuyện với người khác, con có rất nhiều chủ đề để nói, khi con viết văn, nội dung cũng rất phong phú, mà điều quan trọng hơn cả là suy nghĩ của con khi nhìn nhận vấn đề ngày càng được mở rộng.

Rất nhiều phụ huynh chỉ chăm chú đến việc học của trẻ, thậm chí ngày nghỉ cũng không nỡ dành một chút thời gian cho trẻ chơi, càng không nói đến kì nghỉ đưa trẻ đi khám phá thế giới tự nhiên. Phần lớn thời gian trong kì nghỉ của trẻ đều dành cho các lớp học thêm, các lớp năng khiếu, được ra ngoài chơi chỉ là một giấc mơ.

Những người cha xin hãy rời mắt khỏi sách vở, cho trẻ một kì nghỉ thoải mái, vui vẻ, đồng thời cũng cho trẻ không gian để học tập nhiều tri thức hơn. Ngoài những điều trên sách vở, những thứ trẻ cần học còn rất nhiều, những kiến thức ấy ở trong thế giới tự nhiên, trong thế giới bên ngoài.

Phần 4: Cùng trẻ xem tivi

Muốn việc xem tivi trở thành một việc khoa học và vui vẻ, bạn phải nỗ lực làm tốt nghĩa vụ của một người dẫn đường đối với trẻ.

Xem tivi là lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến thị lực, phân tán sự chú ý của trẻ đối với học tập, các phụ huynh có quá nhiều lí do để bắt trẻ rời khỏi màn hình tivi. Nhưng không biết bạn đã từng nghĩ, tuổi thơ của trẻ sẽ mất đi bao sắc màu nếu thiếu những bộ phim hoạt hình thú vị. Không có chương trình “Thế giới động vật” thần kì, chương trình “Tìm kiếm - khám phá” kì diệu, tầm nhìn của trẻ sẽ bị thu hẹp bao nhiêu.

Trong những năm tháng tuổi thơ của Đông Tử không hề có tivi. Đến khi hơn 20 tuổi, tôi mới xem tivi. Cho nên tôi cảm thấy trẻ em hiện nay rất hạnh phúc, có thể thưởng thức những chương trình tivi từ ngày sinh ra.

Biết việc tôi cho Y Y chơi thoải mái, cho Y Y xem tivi nhiều thời gian trong ngày, nhiều phụ huynh trợn tròn mắt: “Tại sao lại như vậy? Chúng tôi cấm còn không được...”.

Có rất nhiều lí do để các phụ huynh không cho trẻ xem tivi:

Đầu tiên, xem tivi làm lỡ việc học tập. Có đến 67% phụ huynh cho rằng “Vì việc học tập nên không cho phép trẻ xem tivi”; 90% phụ huynh cho rằng “Trẻ xem tivi nhiều ảnh hưởng đến học tập”. Hầu như tất cả mọi người đều quan niệm khi trẻ còn đang đi học nên tận dụng mọi thời gian để trẻ học tập, mà xem tivi mất rất nhiều thời gian, không nỡ dành thời gian để trẻ xem tivi. Theo điều tra, trẻ em hiện nay sau khi tan học không chỉ phải hoàn thành những bài tập cô giáo giao, mà có đến 60% trẻ phải hoàn thành những bài tập bên ngoài do cha mẹ giao. Ngoài việc này ra, còn phải tham gia đủ các lớp học thêm, xem tivi đã trở thành một việc quá xa xỉ. Hơn nữa rất nhiều phụ huynh kiên quyết cho rằng: xem tivi không nhận được điểm cao, xem tivi cũng không thể nhận được giấy báo vào đại học. Ngoài ra, các phụ huynh còn lo lắng, xem tivi làm trẻ quên đi việc học hành, nhiều trẻ hễ xem tivi là cắm đầu vào chiếc tivi đó, ngồi trước màn hình tivi không hề chớp mắt, quên ăn quên ngủ, làm sao mà không ảnh hưởng đến việc học tập?

Thứ hai, hiện nay có rất nhiều chương trình truyền hình không phù hợp với trẻ như phim bạo lực, phim tình cảm có cảnh nóng… ảnh hưởng xấu đến trẻ. Có một người bạn từng than phiền với tôi những cậu con trai 12 tuổi của mình có ước mơ trong tương lai trở thành một sát thủ. Bởi vì sát thủ trên tivi nhìn rất anh hùng. Trẻ xem tivi có ý nghĩ như vậy còn dám cho trẻ xem sao?

Thứ ba, xem tivi nhiều trẻ sẽ hâm mộ một cách mù quáng các nhân vật trong phim hoặc là các minh tinh nổi tiếng, rất nhiều trẻ bỏ nhà ra đi, bỏ bê việc học hành để đi tìm các nhân vật nổi tiếng đó.

Thứ tư, xem tivi liên tục trong thời gian dài sẽ khiến trẻ giảm sút thị lực, thể chất yếu, tinh thần mệt mỏi, thậm chí hình thành tính cách tự kỉ...

Đối mặt với nhiều vấn đề như vậy, điều đầu tiên các bậc phụ huynh làm là coi tivi là mầm mống gây ra những ảnh hưởng xấu, vì thế cách làm đơn giản là khống chế trẻ xem tivi. Theo thống kê, 27% phụ huynh hoàn toàn không cho phép trẻ xem tivi, 69% phụ huynh nhấn mạnh chỉ có thể xem những chương trình có ích, không được làm ảnh hưởng đến việc học, 4% phụ huynh cơ bản không quản lí việc xem tivi của trẻ.

Thực ra, vấn đề phát sinh không phải là lỗi của tivi mà là ở nhận thức sai lầm của cha mẹ. Chúng ta không những không nên tách rời trẻ khỏi tivi, ngược lại, là một người hiện đại, chúng ta càng phải tiếp cận tivi.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Xem tivi cũng là một hình thức học tập

Xã hội hiện nay, tivi đã trở thành nguồn cung cấp thông tin chủ yếu nhất trong cuộc sống của con người. Theo như phân tích của luận văn trong hội thảo quốc tế “Media và thanh thiếu niên trong tương lai” được tổ chức tại Paris, Pháp, trên toàn thế giới tỉ lệ người dân có tivi là 60%, tỉ lệ có tivi trong thành phố đạt 110%. Trong những điều tra của cuộc thảo luận này cũng phát hiện 83,3% phụ huynh dùng tivi như phương tiện truyền thông để cung cấp thông tin. Con số này nói với chúng ta rằng: Tivi ngày càng có mối quan hệ mật thiết với chúng ta.

Xã hội hiện đại là một xã hội thông tin, mà internet và tivi là phương tiện chủ yếu để chúng ta tiếp nhận thông tin. Khi internet vẫn chưa được phổ cập ở khắp nơi, tivi đã trở thành phương tiện cung cấp thông tin chủ yếu nhất.

Ngoài việc giúp chúng ta nắm bắt thông tin, tivi còn có thể là một phương tiện giúp chúng ta giải trí, giúp trẻ quan sát xã hội, mở rộng tầm nhìn, đạt được tri thức bằng trạng thái tinh thần vui vẻ thoải mái. Có thể nói tivi là một con đường học tập rất tốt.

Điều quan trọng hơn, trẻ cần được giải trí. Người lớn sau khi hết giờ làm việc có thể xem tivi, có thể đi hát, đánh cờ, đánh mạt chược, trẻ lẽ nào phải làm bài tập mà không được làm việc gì khác? Dưới áp lực của việc học tập thi cử, hoạt động vui chơi giải trí của trẻ ngày càng ít đi, dường như chỉ còn lại việc xem tivi, chúng ta thật sự không nên cướp đi quyền được xem tivi của trẻ. Vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi chính là quyền lợi của trẻ, “Công ước quốc tế về quyền lợi của trẻ em” đã quy định rõ: “Trẻ em có quyền được vui chơi và thư giãn, tham gia các trò chơi và hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi của mình, và có quyền được tự do tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ”, vậy xem tivi không phải là một hoạt động văn hóa giải trí sao? Đương nhiên là đúng. Cho nên, trẻ em có quyền tham gia hoạt động này, chúng ta làm cha mẹ không có quyền cướp đi quyền được vui chơi giải trí của trẻ.

Xuất phát từ những điều này, việc chúng ta phải làm là làm thế nào để phát huy đầy đủ chức năng giáo dục của tivi, mà không phải chỉ vì có một vấn đề nhỏ xuất hiện, mà cấm trẻ không được xem tivi. Cấm trẻ không xem tivi là việc làm không thực tế, không khoa học. Nếu như không giải quyết vấn đề tận gốc, chỉ một mực cấm đoán trẻ, không chỉ vô ích mà còn dẫn đến những ảnh hưởng không tốt.

Tivi chỉ là công cụ, dùng nó như thế nào, mấu chốt là ở người sử dụng. Nếu có cách xem hợp lí, tivi chính là cánh cửa giúp trẻ học hỏi tri thức, mở rộng tầm nhìn.

2. Phải dạy trẻ phương pháp xem tivi hợp lí

Tivi là phương tiện học tập, có thể đem đến cho trẻ kiến thức, kinh nghiệm phong phú, đem đến niềm vui và sự mở mang tri thức, thế nên chúng ta phải cho trẻ xem tivi. Đương nhiên, điều tôi nhấn mạnh ở đây là, phải chú trọng việc hướng dẫn trẻ. Không phải là ủng hộ trẻ xem tivi là không quan tâm trẻ xem như thế nào, cho trẻ xem gì tùy ý. Bên trên tôi đã nói, sai lầm không phải ở tivi, mà chính là ở sự hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát không đúng cách của cha mẹ.

Thử nghĩ xem, đối với những chương trình trẻ thích xem nhưng chúng ta lại không muốn trẻ xem, chúng ta sẽ phải xử lí như thế nào? Kiên quyết nghiêm cấm, can thiệp thô bạo; khuyên răn không có tác dụng, buông trôi bỏ mặc trẻ; hay là giảng giải cho trẻ, nói với trẻ tại sao mình không muốn trẻ xem... Quan sát kĩ chúng ta có thể thấy, rất ít người chọn cách làm thứ ba.

Một vấn đề khác là khi ba người trong gia đình cùng nhau xem tivi, đến những chương trình không phù hợp với trẻ, chúng ta sẽ phải làm như thế nào? Rất nhiều phụ huynh sẽ không do dự gì ngay lập tức đổi kênh, còn có một bộ phận nhỏ các phụ huynh sẽ nói với trẻ: “Đứng dậy, đi đọc sách!”, cũng có những phụ huynh có thái độ không quan tâm gì đến việc này, để trẻ xem cũng không sao.

Còn một vấn đề nữa, bạn có thường xuyên giúp trẻ lựa chọn những chương trình hay và bổ ích với trẻ không? Bạn có thường xuyên cùng trẻ xem tivi không? Bạn có biết những chương trình nào trẻ thích xem và những chương trình nào trẻ không thích xem không? Bạn có thường xuyên thảo luận với trẻ những chương trình tivi vừa xem xong không?...

Những vấn đề trên, bạn phải tự kiểm tra lại bản thân. Tôi dám nói, có rất nhiều phụ huynh lắc đầu, cảm thấy mình thiếu giám sát và hướng dẫn trong việc trẻ xem tivi.

Trước khi cho Y Y xem tivi theo ý mình, trước hết tôi phải dạy con biết cách xem tivi.

Đầu tiên, giúp trẻ đề ra thời gian biểu xem tivi. Cùng con xem báo truyền hình, căn cứ vào thời gian chiếu những chương trình mà con thích xem, sắp xếp thời gian cho con xem. Sau đó kẻ ra một thời gian biểu, treo trước bàn học của con. Con tự giác tuân thủ thời gian biểu, một thời gian dài sau con liền hình thành thói quen xem tivi đúng giờ, như vậy có thể tránh được việc xem tivi không điều độ, hơn nữa còn có thể tăng thêm tính mục đích của việc xem tivi. Đương nhiên thời gian biểu này có thể linh hoạt, chỉ cần tổng thời gian không thay đổi, thời gian cụ thể có thể căn cứ vào tình hình thực tế để quy định.

Ví dụ, trong một khoảng thời gian trên kênh thiếu nhi phát chương trình Y Y thích xem vào buổi trưa, như vậy thời gian biểu xem tivi của Y Y chuyển sang buổi trưa; nếu như buổi tối có chương trình Y Y thích xem, như vậy thời gian biểu xem tivi của con lại chuyển sang buổi tối. Hơn nữa, không nhất định là chỉ được xem tivi khi làm bài tập xong. Nếu như sau khi tan học về nhà thì có chương trình hay, tôi liền cho con xem. Con hào hứng xem xong chương trình, sẽ càng có hứng thú với việc học tập. Sau khi hình thành thói quen, Y Y rất tự giác, lúc nào xem tivi, lúc nào đọc sách, lúc nào vui chơi, Y Y tự mình có thể sắp xếp hợp lí, rất ít khi chúng tôi phải thúc giục.

Thứ hai, phải bồi dưỡng hứng thú của trẻ đối với những chương trình mang tính khoa học và hữu ích. Trẻ thường rất thích xem phim hoạt hình, điều này không thể phủ nhận được. Nhưng chúng ta không thể để trẻ lún sâu vào thế giới phim hoạt hình, như vậy ý nghĩa giáo dục của tivi sẽ không còn nữa. Ngoài phim hoạt hình, còn có rất nhiều chương trình trẻ có thể xem, như “Thế giới động vật”, “Tìm kiếm - Khám phá”..., chỉ cần hướng dẫn một cách khoa học, trẻ sẽ có hứng thú đối với những chương trình này.

Mỗi người có hứng thú với một chương trình tivi khác nhau, bình thường chúng ta phải chú ý tôn trọng hứng thú của trẻ, không thể đem sở thích của mình để ép buộc trẻ. Càng không thể vì cho rằng trẻ chỉ thích xem những chương trình mang tính chất giải trí, như vậy không phải là một sở thích hay, nên liền ngay lập tức can thiệp. Suy cho cùng, cho trẻ xem tivi, mục đích cơ bản là để trẻ vui vẻ và học tập, sự học tập kiến thức phải được xây dựng trên cơ sở vui vẻ tiếp nhận. Nếu những chương trình trẻ không có hứng thú, cho dù chương trình đó có nhiều kiến thức bổ ích như thế nào, trẻ cũng khó có thể tiếp thu được.

Thứ ba, nâng cao khả năng phán đoán của trẻ. Đài truyền hình cung cấp cho chúng ta rất nhiều chương trình, nhưng chúng ta không thể xem tất cả. Chúng ta phải biết lựa chọn chương trình nào phù hợp nhất với mình để xem. Vì vậy, hãy dạy trẻ cách lựa chọn chương trình, hiểu được chương trình nào phù hợp với mình, chương trình nào không phù hợp. Nhiều khi tôi và Y Y cùng xem tạp chí Truyền hình, khoanh lại những chương trình phù hợp với con hoặc con thích xem, sau đó ghi vào thời gian biểu. Hai là trong quá trình xem những chương trình truyền hình, học cách phán đoán và tiếp thu, những thông tin nào có ích cho bản thân, những thông tin nào là không cần thiết.

Đương nhiên, đối với những trẻ còn nhỏ, làm được như vậy là rất khó. Nhưng chỉ cần hướng dẫn trẻ từng bước từng bước một, khả năng phán đoán của trẻ sẽ ngày càng được nâng cao.

3. Cùng trẻ xem tivi

Cùng trẻ xem tivi là bởi vì, một là xem trẻ có thể trở thành chủ nhân của chiếc tivi hay không, có thể xem tivi một cách khoa học hay không, có thể trưởng thành lành mạnh nhờ màn hình tivi hay không, những điều này không thể tách rời sự hướng dẫn cẩn thận của cha mẹ; hai là, phần lớn các phụ huynh đều coi thường tầm quan trọng của việc cha mẹ cùng trẻ xem tivi, đặc biệt là đối với những phụ huynh có thời gian nghỉ ngơi ít ỏi, thường để con xem tivi một mình, thậm chí hi vọng tivi có thể là người bạn chơi của trẻ, để cho các phụ huynh có thể dồn mọi tâm trí vào công việc và đi kiếm tiền.

Không cho trẻ xem tivi là một sai lầm để mặc trẻ xem tivi cũng là một sai lầm. Muốn việc “xem tivi” trở thành một việc khoa học và có tác dụng giải trí, chúng ta phải cố gắng trở thành “người dẫn đường” của trẻ.

Cùng trẻ xem tivi có thể đạt được những mục đích sau:

Đầu tiên, làm tăng thêm tình cảm với trẻ, đồng thời có thể tận dụng thời gian cùng trẻ xem tivi để bước vào thế giới tâm hồn trẻ, hiểu được cảm giác nội tâm của trẻ, từ đó giúp ích cho sự giao lưu, tâm sự và hướng dẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Thứ hai, có thể kịp thời loại bỏ những ảnh hưởng không tốt của những cảnh gây tác động xấu đến trẻ. Ví dụ như những cảnh bạo lực đánh giết nhau, chúng ta phải cùng trẻ thảo luận, nói với trẻ những gì là thiện, những gì là ác, những gì là điều tốt đẹp đáng được học tập, những gì là xấu xa cần phải phê phán, từ đó loại bỏ được những điều xấu xa có thể bước vào thế giới nội tâm của trẻ. Điều này yêu cầu chúng ta khi xem tivi cùng trẻ, không chỉ tập trung vào màn hình tivi, mà phải chú ý quan sát những biểu hiện của trẻ lúc xem tivi, chúng ta phải chú ý đến những biểu hiện của trẻ như quá sợ hãi hoang mang hay quá phấn khích, tức giận.

Thứ ba, có thể kịp thời giải đáp những vấn đề mà trẻ đưa ra. Một số chương trình tivi có ích, tri thức bao hàm trong đó rất nhiều, trong chốc lát trẻ không thể hiểu và lĩnh hội hết được, lúc đó có cha mẹ ở bên cạnh, trẻ có thể hỏi cha mẹ bất cứ lúc nào, để cha mẹ giảng giải. Lúc này cha mẹ phải kiên nhẫn ân cần giải đáp những câu hỏi của trẻ, như vậy, khát vọng tìm tòi và tinh thần ham học hỏi của trẻ mới được phát huy.

Thứ tư, có thể cùng trẻ thảo luận các chương trình tivi. Nếu như bạn không xem cùng trẻ, làm sao có thể cùng trẻ “bình luận” các chương trình truyền hình. Ngay cả việc trẻ xem chương trình gì bạn cũng không biết, trẻ thích xem chương trình gì bạn càng không biết, như vậy bạn và trẻ còn có thể nói chuyện giao lưu được gì. Cùng trẻ xem tivi có thể thảo luận với trẻ về một tình tiết, một cảnh quay bất cứ lúc nào, không chỉ nâng cao khả năng thưởng thức của trẻ, mà còn có thể nâng cao khả năng tư duy, khả năng biểu đạt...