Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương III - Phần 07 - 08

Phần 7: Vui chơi cũng là bài tập của trẻ

Vui chơi, cũng giống như một loại vitamin không thể thiếu được trong quá trình trưởng thành của trẻ, nó là hoạt động trẻ thích nhất trong rất nhiều hoạt động, là hoạt động phù hợp giúp nhân cách của trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện.

Nhà giáo dục người Liên Xô Anton Makarenko (1888-1939) đã từng nói: “Vui chơi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của nhi đồng, có ý nghĩa quan trọng giống như mọi hoạt động, công việc và lao động của người lớn”.

Sau khi được sinh ra, ngay từ khi chưa biết nói chuyện và biết đi thì trẻ đã biết chơi rồi. Trẻ lớn lên cùng việc vui chơi, vui chơi giúp trẻ học được rất nhiều kĩ năng, làm tư duy của trẻ phát triển, rèn luyện khả năng hoạt động và khả năng hợp tác của trẻ. Trong quá trình trẻ không ngừng chơi những món đồ chơi, những trò chơi mới mẻ, trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức, hình thành và phát huy khả năng sáng tạo.

Vui chơi có tác dụng cực kì quan trọng đối với quá trình trưởng thành của trẻ. Chơi không chỉ giúp phát triển thể chất, tâm lí, mà còn có lợi cho việc học tập của trẻ. Những trẻ ở độ tuổi này có thể đạt được tri thức, bồi dưỡng tài năng nhờ hoạt động vui chơi.

Vui chơi giống như một loại vitamin không thể thiếu được trong quá trình trưởng thành của trẻ, nó là hoạt động mà trẻ thích nhất trong rất nhiều hoạt động, là hoạt động giúp nhân cách của trẻ được phát triển khỏe mạnh và toàn diện. Ở đâu chúng ta cũng có thể nhận ra rằng khi chơi trẻ rất tập trung, rất vui vẻ. Tuy là trẻ đang chơi, nhưng giống như trẻ đang chăm chỉ làm một việc gì đó. Đối với trẻ, vui chơi không phải là một việc tùy tiện như trong mắt người lớn, mà nó là một hình thức “làm việc nghiêm túc”.

Khi con gái Y Y của tôi 3, 4 tuổi, con thường thích lấy gạo từ trong bao gạo ra cho vào một cái bát, mùa hè thích nghịch nước cho ướt cả người, trong bếp thì thường xuyên thích gõ vào nồi, hứng thú với việc đóng mở cánh tủ, lấy đồ trong ngăn kéo ra rồi lại để vào, tháo dỡ những đồ chơi vừa mua...

Tôi không hề ngăn cấm những hành vi “phá hoại” này của con, bởi vì sự trưởng thành của con cần sự vui chơi ấy.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Vui chơi có thể thúc đẩy sự phát triển cơ thể của trẻ

Trong xã hội hiện đại ngày nay, các phụ huynh thường không tiếc tiền mua cho trẻ các loại đồ chơi cao cấp như: những loại đồ chơi kĩ thuật điều khiển bằng âm thanh, điều khiển bằng điện, đồ chơi điện tử. Các loại đồ chơi điện tử này tuy cung cấp cho trẻ nguồn thông tin lớn nhưng cũng lại đem đến cho trẻ rất nhiều hiệu ứng không tốt, đó là sự phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo của trẻ bị hạn chế; tính chủ động tích cực của trẻ không được phát huy hết; thiếu đi môi trường trưởng thành trong mối quan hệ giao tiếp với mọi người; thiếu rèn luyện, tố chất cơ thể càng ngày càng kém.

Mà trẻ cần có một thân thể khỏe mạnh bởi vì sau này khi lớn lên trẻ phải đối diện với một xã hội đầy tính cạnh tranh quyết liệt; áp lực công việc học tập, tinh thần cũng rất lớn; không có một sức khỏe và tinh thần khỏe mạnh thì làm sao có thể bước vào xã hội tham gia cạnh tranh?

Đưa trẻ ra ngoài vui chơi có tác dụng tăng cường tố chất cơ thể của trẻ. Ánh sáng mặt trời, không khí là những nhân tố không thể thiếu trong môi trường tự nhiên, trong không khí trong lành có đủ oxy, có thể thúc đẩy sự trao đổi chất, làm cho công năng của hệ hô hấp và tim mạch của trẻ được nâng cao, trẻ ít khi bị ho, cảm cúm, khả năng miễn dịch mạnh lên. Do trẻ có những hạn chế về lứa tuổi, giới tính, sở thích hứng thú không giống nhau, những trò chơi trẻ thích cũng không giống nhau. Chúng ta có thể tận dụng những bãi cỏ xanh, những sân chơi bằng phẳng, những nơi có môi trường không khí trong lành, đầy đủ ánh sáng để cho trẻ vui chơi.

2. Vui chơi có thể thúc đẩy sự phát triển trí năng của trẻ

2.1. Thông qua hoạt động vui chơi để phát triển khả năng cảm nhận và nhận biết của trẻ. Từ ngày được sinh ra, trẻ đã bắt đầu cảm nhận, nhận biết thế giới trong khi vui chơi, có thể nói vui chơi là hoạt động đầu tiên giúp trẻ hiểu cuộc đời.

Khả năng cảm nhận bao gồm khả năng nhìn, nghe, ngửi, nếm và sờ. Khả năng cảm nhận là năng lực nhận biết sự vật nhất định phải có, trẻ có thể phân biệt sự giống và khác nhau giữa các vật thể thông qua việc vận dụng thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, ví dụ như phân biệt hình dạng màu sắc, sự to nhỏ giữa các vật thể.

Nhận thức của trẻ về các sự vật bắt đầu từ cảm nhận, không có bất kì hoạt động nào có thể giúp trẻ cảm nhận sâu sắc hơn hoạt động vui chơi. Trong quá trình vui chơi, trẻ có thể hiểu được tính chất của các sự vật thông qua sự tham gia của các loại giác quan như mắt nhìn, tai nghe, miệng nếm, tay sờ, những hoạt động thực tiễn này giúp ấn tượng của trẻ về các sự vật sâu sắc hơn, nhớ cũng lâu hơn.

2.2. Thông qua việc vui chơi có thể phát huy khả năng tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Tưởng tượng là một năng lực quan trọng của nhân tài trong lĩnh vực phát minh khai phá cái mới. Vui chơi, đặc biệt là hình thức vui chơi phân vai là phương thức vô cùng tốt để phát huy khả năng tưởng tượng, ví dụ như: Khi chơi đồ hàng, các bé trai thường thích làm cha hoặc làm con, bé gái lại thích làm mẹ, cho búp bê ăn cơm, thay tã cho búp bê... Trong khi chơi những trò chơi này, nếu như trẻ xuất hiện một số hành vi không đúng, phụ huynh không được cười nhạo hoặc nghiêm cấm, bởi như vậy sẽ hạn chế sự phát triển khả năng tưởng tượng của trẻ. Cha mẹ nên cung cấp điều kiện vật chất và an toàn để trẻ phát huy khả năng tưởng tượng, làm hết khả năng để kích thích trẻ mô phỏng, tưởng tượng, sáng tạo.

Hơn nữa, việc vui chơi có thể nâng cao khả năng thực hành, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng tư duy, thậm chí còn có thể thúc đẩy não phát triển, nâng cao năng lực chú ý, năng lực quan sát, năng lực tưởng tượng, năng lực điều hòa của trẻ...

3. Vui chơi có thể thúc đẩy khả năng giao tiếp xã hội của trẻ

Trong khi vui chơi, có rất nhiều trò chơi cần sự phối hợp của người khác mới có thể giành được thắng lợi, trong quá trình chơi các trò chơi, trẻ sẽ hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, học được cách hợp tác với người khác; các trò chơi đều có quy tắc riêng của nó, nếu không tuân thủ quy tắc thì khó có thể tiến hành chơi một cách thuận lợi. Trong quá trình chơi, trẻ hình thành thói quen tuân thủ quy tắc, sau này trong cuộc sống sẽ có ý thức tuân thủ những quy tắc của xã hội.

Chúng ta thường gặp một số trẻ có tính cách hướng nội, tính tình cô độc, gặp người lạ cảm thấy rất thẹn thùng, khó có thể vui chơi và tiếp xúc với những bạn bè không quen biết. Vui chơi chính là nhịp cầu giúp trẻ nhìn ra thế giới chân thực. Các phụ huynh có thể thay đổi trạng thái trên của trẻ bằng cách động viên trẻ vui chơi với các bạn khác, trong quá trình vui chơi cho trẻ cùng bàn bạc lựa chọn chủ đề, đề ra những quy tắc, ảnh hưởng lẫn nhau, giám sát lẫn nhau, như vậy, không chỉ tăng cường sự giao lưu của trẻ với bạn bè, mà còn giúp ích cho việc hình thành tinh thần hợp tác, bồi dưỡng khả năng giao tiếp xã hội của trẻ.

Tôi vẫn còn nhớ khi con gái tôi 3 tuổi, vợ tôi đưa con đến sân vận động của trường học chơi. Có một cô bé thường xuyên chơi với Y Y đi một chiếc xe đạp nhỏ đạp vút qua mặt Y Y. Y Y xin mẹ: “Con cũng muốn đi”. Nhưng lúc đó, chiếc xe đạp của con không ở đó, không có xe cho con đi. Y Y chỉ theo cô bé kia và nói: “Con muốn đi chiếc xe kia!”. Vợ tôi cười và nói: “Vậy con đến hỏi chị xem chị có cho con mượn một lát được không”. Y Y liền đi đến chỗ cô bé và nói: “Chị ơi, cho em chơi một lát được không? Đợi xe của em được mang đến, em cũng cho chị mượn xe của em chơi!”. Cô bé quả nhiên đồng ý liền, Y Y vui vẻ đi trên chiếc xe vừa mượn được.

Nhưng đi chưa được bao xa, cô bé liền thay đổi quyết định. Cô bé đuổi theo kéo chiếc xe lại. Sau khi giữ được chiếc xe, cô bé nhất quyết bắt Y Y phải nhảy xuống. Y Y không vui: “Chị đồng ý với em rồi, em vẫn chưa đi!”. Y Y cứ ngồi trên xe nhất định không xuống. Hai người không ai chịu nhường ai. Một lúc sau, Y Y nhảy xuống, nhưng hai tay vẫn nắm chặt ghi-đông xe, nở nụ cười và nói: “Chị cho em đi một vòng được không, em cảm ơn chị!”. Cô bé không hề lay động, Y Y tiếp tục: “Đồ chơi của em sẽ cho chị chơi, được không?”.

Sau một hồi thương lượng, cô bé cuối cùng cũng buông tay khỏi xe, Y Y nhanh chóng nhảy lên xe, đi một vòng quanh sân. Cô bé đó cũng vui vẻ lấy đồ chơi của Y Y chơi. Sau này, hai cô bé trở thành bạn tốt của nhau.

Cùng với sự trưởng thành của trẻ, phương diện cuộc sống và phương diện tri thức mà trẻ tiếp xúc ngày càng rộng, tính hiếu kì ngày càng lớn, theo đó trẻ sẽ đặt ra một loạt câu hỏi, nảy sinh một loạt tưởng tượng, tưởng tượng một thế giới khác như thế nào, mình sẽ ở đó làm gì... Đây chính là thế giới của những hoạt động vui chơi. Vì thế các phụ huynh phải căn cứ vào đặc điểm lứa tuổi khác nhau của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, để có thể phát huy tác dụng tích cực của việc vui chơi, thúc đẩy sự nâng cao về năng lực trên mọi phương diện của trẻ, làm cho tinh thần và thể chất của trẻ được phát triển khỏe mạnh.

Vui chơi có thể đem lại cho trẻ niềm vui, kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, sức khỏe...

Phần 8: Những trẻ biết chơi sẽ càng thông minh hơn

Biết chơi đem lại hiệu quả học tập tốt nhất cho trẻ em, nó bắt đầu bằng niềm vui và kết thúc bằng trí tuệ. Vui chơi hàm chứa trong nó nhu cầu phát triển và thời cơ giáo dục đối với trẻ em.

Từ lâu, chúng ta đã biết thuật ngữ “chỉ số thông minh”, nay người ta còn nói đến “chỉ số cảm xúc”. Thực ra, đối với trẻ còn có cả “chỉ số chơi”, đó cũng chính là sự tham gia và những thu hoạch của trẻ trong hoạt động vui chơi.

Đứa trẻ nào cũng thích đồ chơi, đứa trẻ nào cũng thích chơi. Tuy đã làm cha làm mẹ, nhưng chúng ta nhất định phải nhớ lại khi còn là trẻ con, chúng ta thích vui chơi như thế nào.

Trong hồi ức về tuổi thơ của tôi, lúc hoàng hôn sau khi tan học là thời gian vui chơi phù hợp nhất, về đến nhà đặt cặp sách xuống một cái là vội vàng chạy ra ngoài chơi. Mấy đứa trẻ tụm năm tụm ba thành một nhóm. Mùa xuân thì chơi ném hố, ném vòng, đá cầu; mùa hè thì đi ra sông bắt tôm cá; mùa thu thì đi ra đồng bắt chim, trốn trong những đống rơm chơi trốn tìm; đến mùa đông thì có càng nhiều trò chơi hơn, như trượt tuyết, đắp người tuyết, ném tuyết... Một năm bốn mùa, 365 ngày, hầu như ngày nào tôi cũng chơi đến tối, khi mẹ gọi “Về nhà ăn cơm thôi”, chúng tôi mới vui vẻ trở về nhà.

Cuối tuần hay kì nghỉ, tôi đều phải giúp đỡ gia đình làm đồng. Lúc học tiểu học, việc tôi hay làm nhất là đi đốn củi, nhặt phân trâu bò, cắt rau. Cắt rau về để cho lợn ăn, phân bò bán lấy tiền mua sách bút, củi để nấu cơm. Tuy nói là đi làm, nhưng không thiếu niềm vui của việc đi chơi. Cắp rổ hẹn các bạn cùng đi cắt cỏ cho lợn ăn, vừa làm vừa hát, nhiệm vụ hoàn thành thì tìm chỗ để rổ, rồi chúng tôi cùng nhau hái hoa bắt bướm, chơi cho đến khi vã hết mồ hôi, mới cắp rổ trở về nhà. Do có những trải nghiệm cuộc sống vui chơi phong phú của tuổi thơ, mới có một Đông Tử với lí luận giáo dục luôn phải vui vẻ, thoải mái của ngày hôm nay.

Muốn chơi, thích chơi, biết chơi, theo quan niệm truyền thống không phải là một việc tốt, cách giải thích điển hình nhất cho quan niệm này là mải chơi đến mức mất ý chí làm việc và học tập. Nhưng trong thế giới trẻ thơ, những logic này không hề có tác dụng, muốn chơi, thích chơi là lẽ đương nhiên. Nhưng biết chơi lại không đơn giản như vậy, điều này phải dựa vào trí tuệ của mỗi đứa trẻ.

Biết chơi là hiệu quả học tập tốt nhất của trẻ em, nó bắt đầu bằng niềm vui và kết thúc bằng trí tuệ. Vui chơi hàm chứa trong nó nhu cầu phát triển và thời cơ giáo dục đối với trẻ em. Việc học tập trong quá trình vui chơi là học tập tự phát, tìm tòi tự phát, có thể tiếp nhận nhiều kích thích từ môi trường hơn, giúp cho bộ não phát triển, gợi mở trí tuệ, làm cho chức năng của bộ não được phát triển đầy đủ, vì vậy trẻ càng thông minh hơn.

Nhà tâm lí học nổi tiếng người Thụy Sĩ Jean Piaget (1896-1980) qua nhiều năm nghiên cứu phát hiện ra sự vui chơi của trẻ trải qua ba giai đoạn:

1. Vui chơi mang tính chất luyện tập, xuất hiện trong vòng 2 năm đầu đời, đặc điểm chủ yếu của hoạt động này là sự lặp lại và tái hiện các động tác. Ví dụ: Hết lần này đến lần khác làm đổ đống gỗ vừa xếp lên rồi lại xếp lại, kéo chiếc xe đi đi lại lại, đi mãi không chán. Đối với trẻ, bất kì hoạt động gì, bất kì đồ chơi gì, chỉ cần trẻ vẫn chưa chán lặp lại một hành động, loay hoay mãi một việc, có nghĩa là đối với trẻ những hành động đó vẫn mang tính thử thách.

2. Hoạt động vui chơi mang tính tượng trưng, tức là các trò chơi mang tính chất mô phỏng, xuất hiện trong giai đoạn trẻ khoảng 3 tuổi, khả năng phát triển nhận thức chủ yếu nhất chính là biết cách sử dụng những biểu tượng không giống nhau. Trẻ thường mô phỏng những hoạt động của người lớn, như “chơi đồ hàng”, “đi bệnh viện”, “đến cửa hàng mua hàng”..., đóng vai những nhân vật theo trí tưởng tượng của mình. Giai đoạn vui chơi mang tính tượng trưng chính là giai đoạn quan trọng phát triển khả năng tưởng tượng, khả năng ngôn ngữ, phát triển năng lực xã hội của trẻ.

3. Vui chơi mang tính quy tắc, xuất hiện khi trẻ 4, 5 tuổi, đây cũng là giai đoạn manh nha về ý thức tuân thủ quy tắc. Cùng với sự lớn lên về tuổi của trẻ, trẻ bắt đầu biết lựa chọn bạn chơi, lựa chọn phương thức chơi (chọn thời gian chơi, thay đổi không gian và môi trường chơi, quy ước, thương lượng phương pháp và quy tắc chơi...), chúng không chơi một số trò chơi cố định mà không ngừng mở rộng không gian vui chơi của bản thân.

Xem ra, một chữ “chơi” đơn giản lại có rất nhiều vấn đề, như vậy, làm thế nào mới có thể từng bước giúp trẻ biết chơi, giúp trẻ thông minh hơn?

Đáp án chỉ có bốn chữ: cha con cùng chơi. Người cha phải quan sát trẻ nhiều hơn, tạo không khí vui chơi, cùng tham gia chơi các trò chơi với trẻ, mới có thể giúp trẻ chơi vui hơn, chơi thông minh hơn.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải tạo ra môi trường, động viên để trẻ “muốn chơi”

Hỏi 100 đứa trẻ xem muốn chơi hay không, cả 100 đứa trẻ đó sẽ trả lời rằng “muốn”. Nhưng cái sự “muốn” này, có lúc lại bị sự kì vọng, sự thờ ơ, thiếu kiên nhẫn của bạn dập tắt, cho nên phải thức tỉnh lại. Lúc này, điều mà các bậc phụ huynh phải làm là tạo ra môi trường vui chơi vui vẻ cho trẻ.

Đầu tiên, về việc bố trí không gian, phải xét đến các phương diện màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Hơn nữa, phải tạo cho trẻ môi trường có thể trực tiếp tiếp xúc, một nơi trẻ có thể thỏa sức vui chơi, ví dụ: hố cát, bể nước, dụng cụ leo trèo, đồ chơi mô phỏng... Cuối cùng, một điểm quan trọng nhất là, phải tạo ra môi trường chơi có sự giao tiếp, thường xuyên chơi cùng trẻ, sử dụng phương pháp trẻ dễ tiếp nhận nhất, làm cho trẻ có hứng thú với các trò chơi đó.

2. Phải quan tâm chú ý đến trẻ từ những điều nhỏ nhất, kích thích trẻ “thích chơi”

“Thích chơi” được thiết lập trên cơ sở “muốn chơi”, là sự thể hiện ra bên ngoài hành vi mang tính chủ động. Cho nên, đầu tiên các phụ huynh phải hiểu được trong các giai đoạn phát triển, trẻ thích chơi những trò chơi gì nhất, sau đó phát hiện ra những trò chơi và những sự vật trẻ cảm thấy hứng thú, cũng chính là quan tâm đến nhu cầu hoạt động của trẻ, nắm bắt mọi cơ hội giúp trẻ vui chơi, tạo điều kiện, cung cấp những kinh nghiệm giúp trẻ có thể chơi theo nhu cầu của mình.

Điều đáng chú ý là người cha kiên quyết không được giúp trẻ giải quyết những khó khăn mà trẻ gặp phải trong quá trình chơi, hãy cho trẻ thời gian, không gian và sự tự do, để trẻ tự tìm tòi, như vậy mới có thể làm cho trẻ chơi vui hơn, chơi lâu hơn. Đương nhiên, nếu có thể đi theo những tiến triển của trẻ, khéo léo cung cấp cho trẻ một số đồ chơi, hoặc cố ý tạo cho trẻ sự hồi hộp, sẽ làm cho trẻ tập trung chơi hơn.

3. Hướng dẫn trẻ “biết chơi”

Mày mò tìm hiểu là đoạn dạo đầu của trò chơi, trẻ thích chơi là bởi vì việc chơi và việc mày mò tìm hiểu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi trẻ biết áp dụng những gì trẻ tìm tòi được vào trong các trò chơi, trẻ đã bắt đầu “biết chơi”. Muốn làm được điều này, đầu tiên người cha phải hiểu sâu sắc việc “chơi” của trẻ, liên hệ giữa “chơi” và sự phát triển khỏe mạnh của trẻ, hiểu được nhu cầu chơi trong các giai đoạn lứa tuổi khác nhau, nắm vững đặc điểm ham học, hiếu động, hiếu kì của trẻ, tận dụng mọi cơ hội giáo dục để phát triển cả thể chất và tâm hồn của trẻ, hướng dẫn trẻ trong quá trình chơi có thể học tập, có thể tìm hiểu, có thể phát triển tư duy.

Trong quá trình chơi với trẻ, người cha có thể tìm tòi cùng trẻ, có ý thức chất vấn, gợi mở, hướng dẫn, kích thích khả năng sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ, phải khen ngợi khả năng tưởng tượng, tính hiếu kì và hành động tìm tòi khi trẻ tự tay mày mò nghiên cứu những sự vật mới mẻ trong lúc chơi.

Chơi là con đường giúp trẻ phát triển mối quan hệ giao tiếp có hiệu quả nhất. Vì vậy, nên tích cực động viên trẻ tham gia các trò chơi cùng bạn và các trò chơi tập thể, như vậy có thể tăng thêm chỉ số cảm xúc cho trẻ.

Những trẻ biết chơi thường rất nghịch ngợm và hiếu động. Nghịch ngợm hiếu động là bản tính của trẻ, sự nghịch ngợm hiếu động ban đầu chính là sự thể hiện tự nhiên của tính độc lập tự chủ của trẻ. Trong xã hội hiện đại đầy tính cạnh tranh, những nhân tài giỏi phát minh, khám phá cái mới có khả năng sáng tạo, khả năng tưởng tượng, có chính kiến và gan dạ mới có thể theo kịp thời đại. Những trẻ nghịch ngợm hiếu động sau khi trưởng thành thường thông minh nhanh nhẹn, có chính kiến, giỏi sáng tạo. Vì thế, các vị phụ huynh phải có cách nhìn nhận đúng đắn đối với những trẻ nghịch ngợm hiếu động, không nên quá nghiêm khắc bó buộc trẻ mà hủy hoại bản tính của trẻ.

Thực tiễn khoa học chứng minh, trong số những trẻ từ 2 đến 6 tuổi, bộ não của những trẻ thích vui chơi ít nhất cũng lớn hơn 30% so với những trẻ không thích vui chơi. Vì trong quá trình vui chơi, trẻ phải hoàn thành mấy chục động tác có liên quan đến hoạt động tư duy của bộ não, ví dụ như giữ thăng bằng, điều chỉnh hoạt động tâm lí, giải quyết vấn đề... Thông qua việc vui chơi, trẻ có thể tăng thêm khả năng nhận biết các đồ vật, nâng cao khả năng biểu đạt ngôn ngữ và khả năng sáng tạo tưởng tượng bằng tư duy, còn có thể loại bỏ áp lực tâm lí và cảm giác sợ hãi...

Cho nên, đứa trẻ biết chơi chắc chắn là đứa trẻ thông minh.