Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương III - Phần 05 - 06

Phần 5: Cùng trẻ đọc những cuốn sách hay

Những gì trẻ học được ở trường chủ yếu là những kiến thức trong sách giáo khoa, nếu như chỉ nắm vững được những kiến thức ấy, thì kết cấu tri thức của trẻ quá đơn giản.

Sách vở là nấc thang tiến bộ của nhân loại, đọc sách là con đường tốt nhất và phương pháp quan trọng để tìm hiểu cuộc đời và đạt được tri thức. Những gì trẻ học được ở trường chủ yếu là những kiến thức trong sách giáo khoa, nếu như chỉ nắm vững được những kiến thức ấy, thì kết cấu tri thức của trẻ quá đơn giản.

Đọc những cuốn sách hữu ích ngoài giờ học có tác dụng mở rộng tầm nhìn, bồi dưỡng sở thích hứng thú rộng lớn, học cách đối nhân xử thế..., hơn nữa còn có thể tăng thêm kiến thức. Đồng thời, đọc sách có thể giúp chúng ta chiến thắng mọi thử thách và gian nan, cho chúng ta dũng khí và hi vọng vươn lên, cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng mọi khó khăn. Đọc sách còn có thể giúp chúng ta giải tỏa mọi phiền muộn, bước vào thế giới yên tĩnh của những con chữ, làm cho tâm hồn chúng ta như được tiếp thêm sức sống, dần dần trở nên giàu có hơn trong đại dương tri thức.

Đối với học sinh, đọc sách ngoài giờ học có tác dụng tích lũy từ vựng, nâng cao khả năng viết văn. Đọc sách là một quá trình tích lũy, lâu dần, sẽ có khát vọng muốn viết văn. Đọc nhiều sách, khi viết cũng có cảm giác dễ dàng hơn.

Ở trường học, trẻ chủ yếu dựa dẫm vào giáo viên, tài liệu và bục giảng, như vậy trên một mức độ nào đó sẽ hạn chế tính chủ động và tính sáng tạo của trẻ. Còn khi đọc những cuốn sách yêu thích ngoài giờ học, giúp nâng cao tính tích cực trong việc học tập của trẻ, làm trẻ chủ động nhận thức, chủ động tiếp thu và nắm vững tri thức, đồng thời vận dụng những tri thức này để động não suy nghĩ vấn đề, phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề, từ đó bồi dưỡng và xác lập có hiệu quả ý thức chủ thể, làm cho trẻ chuyển từ ý thức học tập theo kiểu ỷ lại sang kiểu chủ động.

Việc đọc sách có nhiều lợi ích như vậy, nhưng tình hình đọc sách ngoài giờ học của trẻ lại không hề lạc quan.

Tôi đã từng làm một cuộc điều tra với 100 trẻ, số học sinh mỗi tuần dành ra 3 đến 5 tiếng để đọc sách ngoài giờ học chiếm 36%, số học sinh mỗi tuần dành ra dưới 3 tiếng để đọc sách ngoài giờ học chiếm 45%, số học sinh về cơ bản không đọc sách ngoài giờ học chiếm 19%.

Về nguyên nhân của việc không đọc sách, 40% số học sinh cho rằng không có thời gian để đọc sách ngoài giờ học, 10% số học sinh cho rằng không có sách ngoài giờ học nào đáng đọc, 30% số học sinh cho biết không có không khí để đọc sách, 20% số học sinh cho biết cha mẹ và thầy cô không ủng hộ việc trẻ đọc sách ngoài giờ học.

Thực ra, phụ huynh không chỉ phải tạo điều kiện để trẻ thoải mái đọc sách ngoài giờ học, mà còn phải dành thời gian cùng trẻ đọc sách ngoài giờ học.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Không được đóng cánh cửa này

Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Quốc gia - Liễu Bân từng nói: “Một học sinh không coi trọng việc đọc sách là một học sinh không phát triển, một gia đình không coi trọng việc đọc sách là một gia đình tầm thường, một trường học không coi trọng việc đọc sách là một trường học nhàm chán học chỉ để thi, một dân tộc không coi trọng việc đọc sách là một dân tộc không có hi vọng”.

Cho nên, chúng ta không được đóng cánh cửa này của trẻ.

Ngày nay, hình thức giáo dục học để thi giống như một cánh tay vô hình, không chỉ cướp đi cơ hội được bồi đắp tâm hồn bằng những buổi hoạt động ngoài giờ của trẻ, mà còn đóng cánh cửa giao lưu với những cuốn sách của trẻ. Hình thức giáo dục học chỉ để thi diễn ra trong một thời gian dài khiến mọi người luôn cho rằng trẻ đọc sách ngoài giờ học không giúp ích gì cho thành tích thi cử của trẻ, mà đánh giá tố chất chỉnh thể của một học sinh chủ yếu lại dựa vào những bài kiểm tra và những điểm số.

Dưới sự tác động của những điều này, những người cha luôn coi điểm số, thành tích của con là số một. Trong mắt họ, con mình chỉ thi đỗ mới có thể thành tài. Mà thi cử lại dựa vào điểm số, chứ không phụ thuộc vào việc bạn đọc bao nhiêu cuốn sách. Cho nên, rất nhiều phụ huynh không những không ủng hộ trẻ đọc sách, mà còn cướp đi thời gian đọc sách của con, một mực bắt trẻ phải học tập.

Cũng có phụ huynh cho phép trẻ đọc sách, nhưng điều kiện là đọc sách là để nâng cao thành tích học tập, là để thi cử. Cho nên họ chuẩn bị cho trẻ những cuốn sách bài tập làm ở nhà, những cuốn văn mẫu hay những tài liệu hỗ trợ việc dạy học. Tôi đã từng xem trong cặp sách của nhiều đứa trẻ, ngoài sách giáo khoa là các loại sách tham khảo mà cha mẹ mua cho như sách “Bài tập tiếng Anh”, “Bài tập trắc nghiệm”..., không hề có những cuốn sách như truyện cổ tích hay sách thiếu nhi.

Dưới áp lực học tập ngày càng lớn, thời gian nghỉ ngơi thư giãn của trẻ cũng ngày càng ít đi. Thời gian và không gian đọc sách ngoài giờ học đều bị những bài tập, những đề kiểm tra và những cuộc thi chiếm lĩnh hết.

Chúng ta hãy quay trở lại những ngày tháng tuổi thơ, hãy nghĩ lại, khi chúng ta còn là những đứa trẻ, ai chưa từng mơ ước có được chiếc hộp thần bí của Pandora, thả hi vọng ở đáy hộp ra? Ai chưa từng mơ ước được cưỡi chổi của mụ phù thủy, tự do bay lượn trên bầu trời xanh? Ai chưa từng mơ ước có thảm bay, túi thần kì, bút thần... Vậy tại sao chúng ta lại cướp đi quyền được ước mơ của trẻ? Không có những giấc mơ đẹp như vậy, tuổi thơ của trẻ sẽ tối tăm như thế nào?

Cho nên, xin đừng đóng cánh cửa mở ra thế giới thần kì của trẻ!

2. Đọc sách có thể thay đổi cuộc đời

Người xưa nói: “Đọc sách thì sẽ trở nên giàu có, sẽ lấy được vợ đẹp”(*). Đây là câu nói thể hiện việc đọc sách của người xưa được vật chất hóa như thế nào, tôi không tán đồng với quan điểm này. Điều tôi muốn nói là đọc sách có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của cả một con người, có thể thay đổi vận mệnh của một con người.

(*) Câu nói này ý chỉ đi học ra làm quan là con đường tốt nhất để có một cuộc sống vật chất đầy đủ, sung sướng.

Bản thân tôi là một ví dụ. Học hết lớp 6, tôi tạm biệt chiếc ghế nhà trường, sau đó bằng cách chăm chỉ tự học và tự đọc, mới từng bước từng bước đi tới ngày hôm nay. Những năm gần đây, trong nhà tôi dù không hề lắp đặt những đồ dùng cao cấp, nhưng tôi tự hào vì trong phòng sách có năm giá sách, những cuốn sách được sắp xếp ngay ngắn thẳng hàng, chúng là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời của tôi.

Có người đã từng điều tra những em nhỏ được bình chọn là “Mười thiếu niên tiêu biểu toàn quốc”, và phát hiện ra những em nhỏ này có khả năng đọc sách cao hơn những trẻ em bình thường; cũng có người từng phỏng vấn những người thành công, và phát hiện ra khi những người này tổng kết kinh nghiệm thành công của mình đều nói đọc sách đem đến cho họ rất nhiều lợi ích...

Có thể dùng một câu nói để khái quát lợi ích của việc đọc sách: “Đọc sách lịch sử làm cho con người sáng suốt, đọc thơ làm cho con người thông minh, tính toán làm con người tỉ mỉ, triết lí làm con người sâu sắc, đạo đức làm con người cao thượng, logic làm con người giỏi tranh biện”.

Có thể nói, một đứa trẻ bình thường nhờ có thói quen đọc sách sẽ trở thành một con người phi thường; một dân tộc bình thường vì coi trọng việc đọc sách sẽ trở thành một dân tộc vĩ đại. Còn một con người ngay từ nhỏ không có thói quen đọc sách, thì giống như một chiếc máy bay giấy không cánh, bay không cao và không xa.

3. Làm cho việc đọc sách trở thành cách sống

Đọc sách không chỉ trở thành một hoạt động quan trọng trong cuộc đời con người, mà phải trở thành cách sống của con người đó.

Một người muốn thành công, một nhân tố quan trọng là phải biến việc đọc sách trở thành thói quen. Từ nhỏ đã nuôi dưỡng thói quen thích đọc sách, đọc những cuốn sách hay cho trẻ sẽ đem lại lợi ích suốt đời cho trẻ.

Nhưng phải làm thế nào mới có thể khiến trẻ yêu thích đọc sách, nâng cao khả năng đọc sách, biến việc đọc sách trở thành cách sống của trẻ? Vấn đề này thường làm cho rất nhiều phụ huynh đau đầu. Trong cuộc sống, chúng ta thấy rất nhiều trẻ không muốn đọc sách, ghét đọc sách. Đối với chúng, đọc sách là một chuyện hết sức khô khan, có thời gian rảnh rỗi, chúng đều dùng để xem tivi, chơi điện tử. Quả thực chúng không thể tĩnh tâm và ngồi yên để đọc sách được.

Cho nên, muốn hình thành cho trẻ hứng thú đọc sách, không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được, nó cần sự kiên trì và lòng tin. Tổng kết lại những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình hướng dẫn Y Y đọc sách, tôi nghĩ chúng ta phải bắt đầu từ những phương diện sau:

(1) Phải đọc sách từ sớm. Có nghiên cứu của chuyên gia cho thấy, khi trẻ nắm vững được 600 chữ Hán hay dùng nhất, thì có thể hiểu được 80% nội dung của một cuốn sách thông thường; khi nắm vững 1.400 chữ Hán, thì có thể nắm vững được 95% nội dung của một cuốn sách; khi nắm vững 2.400 chữ, trẻ có thể hiểu được 99% nội dung của một cuốn sách. Thế nên phải cho trẻ tiếp xúc với chữ viết ngay từ sớm, không được lo lắng trẻ sẽ không hiểu. Đương nhiên, khi làm những công việc này, nhất định không được ép buộc trẻ, mà phải có phương pháp hợp lí, thú vị, để trẻ có thể vui vẻ thoải mái bước vào thế giới của những cuốn sách.

(2) Đảm bảo thời gian đọc sách. Điều cốt lõi của đọc sách là phải kiên trì, biến việc đọc sách trở thành cách sống là một quá trình lâu dài, không thể đọc một ngày nghỉ một ngày. Nếu như mỗi ngày đều cho trẻ một khoảng thời gian đọc sách, cho dù chỉ là mười phút, lâu dần sẽ là một con số vô cùng đáng kinh ngạc.

(3) Tạo ra không khí đọc sách. Một không gian, không khí tốt mới có thể đảm bảo trẻ có tâm trạng vui vẻ, tập trung trí lực để đọc sách. Nguyên nhân quan trọng khiến các gia đình thư hương có nhiều tài tử là bởi họ có không khí đọc sách tốt. Nếu như cha mẹ là những phần tử trí thức, bản thân cha mẹ cũng có thói quen đọc sách, làm gương cho trẻ, tự nhiên sẽ ảnh hưởng tốt đến trẻ.

Nói tóm lại, khiến trẻ có hứng thú với việc đọc sách, coi việc đọc là cách sống, đồng nghĩa với việc cho trẻ chùm chìa khóa để mở cánh cửa tri thức rộng lớn, chắp cánh cho trẻ bay trên bầu trời bao la...

4. Cùng trẻ đọc sách

Ở Trung Quốc, việc hai cha con đọc sách cùng nhau là một vấn đề giáo dục gia đình không được quan tâm đầy đủ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đầu tiên đương nhiên là do đại bộ phận các gia đình không cho phép trẻ đọc sách, như vậy tất nhiên sẽ không có chuyện cùng trẻ đọc sách; thứ hai, rất nhiều phụ huynh không có thói quen đọc sách, tự nhiên sẽ không có ý thức đọc sách cùng trẻ; thứ ba, đối với những gia đình không phản đối việc trẻ đọc sách, đa số đều nghĩ “Trẻ đọc sách rất ngoan, chứ có nghịch ngợm gì đâu, không cần canh chừng, cứ để nó xem một mình đi”, cho nên không quan tâm chú ý gì đến việc đọc sách của trẻ.

Những biểu hiện trên thể hiện rõ một vấn đề: Các vị phụ huynh nhận thức chưa đủ về tầm quan trọng của việc đọc sách cùng trẻ.

Tivi đương nhiên có nhiều chương trình hay, bản thân chúng ta cũng có nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta nhất định phải đọc sách cùng trẻ. Bởi vì lợi ích của việc đọc sách cùng trẻ là vô cùng to lớn.

Đầu tiên, đây là con đường tốt nhất giúp trẻ hình thành thói quen thích đọc sách. Có vị phụ huynh than phiền, trong nhà mua rất nhiều sách hay, sách kinh điển, nhưng trẻ không hề sờ đến. Thử nghĩ xem, nếu cha mẹ cùng trẻ đọc những cuốn sách này, trẻ có thờ ơ như vậy không? Thứ hai, đây là một cơ hội vô cùng tốt để giao lưu tình cảm với trẻ. Thông qua việc cùng trẻ đọc sách, cùng trẻ giao lưu, xây dựng mối quan hệ cha con tốt đẹp. Thứ ba, có thể kịp thời hiểu và hướng dẫn trẻ đọc sách. Thứ tư, giúp trẻ tiếp nhận những tinh hoa trong những cuốn sách, loại bỏ những điều không có lợi.

Cho nên, cùng trẻ đọc sách là một hoạt động quan trọng trong giáo dục gia đình, vừa giúp trẻ học được những tri thức mới, giúp hình thành hứng thú đọc sách cho trẻ, vừa có thể đi vào thế giới tâm hồn trẻ, tăng cơ hội giao lưu với trẻ, thúc đẩy sự trưởng thành trong tâm hồn trẻ…

Nhưng sau khi ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách cùng con, có một số người cha lại nảy sinh những vấn đề mới: Đọc sách cùng trẻ như thế nào? Có người nói mình vừa đọc một lát đã buồn ngủ, nghĩ đến việc cùng trẻ đọc những cuốn sách mà trẻ thích thật là đau đầu; có người nói sách mà mình giới thiệu cho trẻ, trẻ lại không thích, vì thế không còn tâm trạng đâu để cùng trẻ đọc những cuốn sách mà trẻ tự chọn...

Có rất nhiều vấn đề, nhưng đáp án chỉ có một: Phải bắt đầu từ chính bản thân mình, hình thành thói quen đọc sách cho bản thân. Đầu tiên bản thân chúng ta phải thích việc đọc sách, biết cách đọc sách, trưởng thành hơn trong quá trình đọc sách. Những việc khó hơn cũng phải cố gắng làm, huống hồ việc đặt một cuốn sách hay trên đầu giường, mỗi ngày dành ra một chút thời gian để đọc nó, đó không phải là một chuyện quá khó.

Hai cha con tôi cùng nhau đọc sách, bắt đầu từ việc tôi đọc, Y Y nghe. Trước khi Y Y nhận biết được mặt chữ, hàng ngày tôi đều đọc cho Y Y nghe những câu chuyện hay, nhiều khi trong lúc nghe tôi kể chuyện Y Y chìm vào giấc ngủ. Khi Y Y ở giai đoạn nhận biết mặt chữ, tôi không chỉ đơn thuần dạy con nhận biết mặt chữ, mà vận dụng nó vào quá trình đọc sách. Tôi cho rằng mục đích của việc nhận chữ là để đọc, cho nên cần kết hợp việc nhận chữ và việc đọc lại với nhau.

Tôi ôm con vào lòng, Y Y đặt cuốn sách lên đùi, hai cha con cùng nhau xem cuốn sách trong tay con. Y Y sẽ liên tục hỏi tôi, chữ này đọc như thế nào, chữ đó có ý nghĩa gì. Tôi nắm bắt cơ hội này để dạy Y Y nhận biết mặt chữ. Kết quả là Y Y vừa đọc những cuốn sách hay, vừa học chữ, tốc độ nhận biết mặt chữ rất nhanh, lượng chữ học được tăng lên nhanh chóng.

Những chữ con dần dần nhận biết được ngày càng nhiều, có thể không cần phụ thuộc vào tôi, có thể tự đọc truyện được, nhưng tôi không hề từ bỏ việc đọc sách cùng con. Mỗi cuối tuần, tôi và Y Y cùng nhau tựa lưng lên ghế sofa, cùng nhau cầm một cuốn sách. Chúng tôi phân công nhau, tôi đọc con nghe, con đọc tôi nghe, mỗi người một đoạn; hoặc là phân vai để đọc, xem ai mô phỏng nhân vật đúng hơn.

Sau khi Y Y lên lớp 4, lớp 5, tôi cũng dần dần giảm bớt thời gian đọc sách cùng con, nhưng vẫn thường xuyên dành thời gian nghe con kể gần đây con đọc sách gì, và nghe con nói về cảm nhận, đánh giá của con sau khi đọc những cuốn sách ấy, đồng thời cùng con thảo luận những tình tiết và chủ đề trong cuốn sách... Làm như vậy, một là có thể làm con cảm nhận được tôi vẫn như đang đọc sách cùng con, tôi vẫn quan tâm con đang đọc sách gì, từ đó có thể kích thích niềm đam mê và sở thích của con với việc đọc sách; hai là có thể giúp tôi nắm bắt được tình hình đọc sách và sự phát triển tâm lí của con bất cứ lúc nào.

Cùng trẻ đọc sách, trẻ trưởng thành hơn, chúng ta cũng có thể trưởng thành; trẻ có được niềm vui, chúng ta cũng có được niềm vui.

Phần 6: Cùng trẻ đọc những tờ báo hay

Khi trẻ nói với chúng ta những thu hoạch và niềm vui sau khi đọc, chúng ta nhất định phải tỏ ra vui vẻ như trẻ, chia sẻ những thành quả của việc đọc với trẻ.

Đầu tiên phải nói đến mối nhân duyên của Đông Tử và những tờ báo.

Tuy tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng may mắn được hưởng lợi ích từ việc cha tôi làm kế toán ở nông trường hợp tác xã, hàng ngày nhân viên bưu điện đều đem những tờ báo mà nông trường đặt đến nhà tôi, hôm sau cha tôi lại cầm nó đến nông trường. Thế là tôi có cơ hội tiếp cận với các tờ báo. Từ lúc khoảng 6 tuổi, tôi đã mày mò lật giở những tờ báo đó, cho dù không hiểu nội dung trên tờ báo (bởi 8 tuổi tôi mới đi học), nhưng nhìn những bức ảnh chen giữa các hàng chữ tôi cũng vô cùng vui sướng. Sau này, khi có thể đọc chữ, tôi lại càng thích lật giở những tờ báo, thậm chí còn thường xuyên đọc to nội dung trên tờ báo, tuy thường xuyên đọc sai, đọc lắp bắp, đọc mà không hiểu mình đang đọc gì, nhưng thói quen “đọc báo” cũng được hình thành từ đây.

Nhiều năm sau đó, cho dù đi đến đâu, cho dù môi trường sống như thế nào, hàng ngày mỗi buổi sáng tôi đều mua một tờ báo, đây là một thói quen tôi không bao giờ thay đổi. Đã có những lúc trong túi tôi chỉ còn đủ tiền mua vài cái bánh màn thầu, nhưng tôi vẫn bỏ tiền ra để mua báo. Có thể thấy tình yêu với báo chí của tôi lớn hơn rất nhiều so với những thức ăn vật chất chỉ để thỏa mãn nhu cầu no bụng.

Những tờ báo xem từ khi còn nhỏ có nội dung gì, tôi không còn nhớ nổi nữa. Nhưng nó đã mở ra cánh cửa trí tuệ trong tôi, đã nâng cao khả năng lĩnh hội của tôi với các con chữ, đã dẫn tôi vào thế giới kì diệu của các con chữ, từ đó không thể thoát ra được nữa.

Hễ nhắc đến việc học tập, chúng ta thường nghĩ đến trường học và sách vở. Không thể phủ nhận trường học là một môi trường học tập rất tốt, sách vở cũng là nơi khởi nguồn của tri thức. Nhưng học tập không chỉ thông qua sách vở, không chỉ được tiến hành ở trường học.

Cuộc sống ở mọi nơi đều là môi trường có thể học tập, học tập có thể tiến hành ở mọi nơi.

Đọc báo cũng chính là một phương thức học tập rất tốt, nó có thể mở rộng tầm nhìn của chúng ta, có thể làm phong phú cuộc sống của chúng ta, vun đắp tâm hồn của chúng ta.

Quá trình học tập chính là quá trình trưởng thành. Đặc biệt là những năm tháng tuổi thơ, hình thành cho trẻ thói quen đọc báo, trẻ có thể thu được lợi ích suốt cuộc đời.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Cho trẻ cảm nhận được niềm vui khi đọc báo

Sở dĩ trẻ thích chơi các trò chơi là bởi vì các trò chơi có thể làm trẻ cảm thấy vui. Như vậy, muốn làm trẻ thích đọc báo, cũng phải cho trẻ cảm nhận được niềm vui khi đọc báo.

Đầu tiên, người cha phải cổ vũ động viên trẻ, đặc biệt là khi trẻ nói với chúng ta những cảm nhận khi đọc báo, chúng ta không thể bỏ qua cơ hội động viên trẻ. Tiếp đó, chúng ta phải cho trẻ cơ hội cảm nhận niềm vui của việc đọc báo, ví dụ như cho trẻ tham gia các cuộc thi về hoạt động đọc báo, khi trẻ có một số thu hoạch, phải kịp thời khẳng định trẻ.

Hơn nữa, khi trẻ chăm chỉ đọc báo, chúng ta không được làm phiền trẻ, càng không được đưa ra một số yêu cầu đối với trẻ dựa vào hứng thú của chúng ta. Bởi lúc này trẻ đang say mê tận hưởng niềm vui của việc đọc, điều bạn phải làm là chia sẻ niềm vui này, chứ không phải là phá vỡ môi trường đọc của trẻ. Ngoài ra, khi trẻ nói với chúng ta niềm vui và thu hoạch của trẻ từ việc đọc báo, chúng ta nhất định phải tỏ ra vui mừng như trẻ, chia sẻ thành quả của việc đọc với trẻ, như vậy sẽ làm trẻ có cảm giác thành công, đồng thời sẽ càng có hứng thú với việc đọc báo.

Từ sau khi Y Y lên tiểu học, tôi đã đặt mua cho con báo Ngữ văn, báo Nhi đồng. Có lúc, muốn khuấy động không khí, chúng tôi cùng đọc với nhau như chơi một trò chơi. Ví dụ như có một khoảng thời gian chúng tôi cùng nhau đọc báo Ngữ văn, đầu tiên tôi đề nghị mỗi người đọc một bài, tuy con không phản đối, nhưng yêu cầu tôi đọc bài dài, con đọc bài ngắn, tôi cố tình nói để tôi đọc bài ngắn, con đọc bài dài. Tranh luận không ngớt, con đề nghị chúng tôi oẳn tù tì. Sau đó, ai thắng thì đọc bài ngắn, ai thua thì đọc bài dài.

Thời gian đó, con thường xuyên nói với tôi: “Cha ơi, chúng ta cùng nhau đọc báo nhé”. Có lúc chúng tôi căn cứ vào nội dung của bài báo để thảo luận, đưa ra cách nhìn của mình về bài báo đó. Y Y thường có cách nghĩ riêng, cho dù có lúc nghe rất ngây thơ nhưng tôi luôn giữ nguyên tắc tôn trọng con, luôn khẳng định việc con dám suy nghĩ, dám nói. Trong giai đoạn này khả năng hiểu và phân biệt của Y Y tăng lên rất nhanh, nhiều khi nói ra những câu làm tôi rất ngạc nhiên, cảm thấy không giống như lời của con mình nói ra.

Sau khi vào trung học cơ sở, Y Y không chỉ hài lòng với việc đọc báo, con bắt đầu cắt báo, con cắt những bài viết mà mình thích, dán vào một cuốn sổ tuyển tập những bài viết hay, mỗi bài viết đều kèm theo lời bình luận.

2. Cho trẻ tham gia hoạt động của các tờ báo

Khi kì một của năm lớp 2 kết thúc, báo Văn học tổ chức một hoạt động “Hỏi đáp kiến thức đọc báo”, Y Y liền tích cực tham gia hoạt động này, đồng thời nhận được giải thưởng của báo Văn học. Từ đó, con ngày càng thích đọc báo Văn học, mỗi kì báo ra, đều chăm chỉ đọc hết từng bài. Sau này lại tham gia một cuộc thi lớn về kiến thức đọc báo cũng nhận được giải thưởng. Con ngày càng tích cực đọc báo, đương nhiên tính tích cực này cũng thể hiện trong việc đọc sách.

3. Cho trẻ học cách gửi bài cho báo

Lượng báo mà Y Y xem ngày càng nhiều, con không cam tâm mãi mãi chỉ là một độc giả, dần dần con có ý thức muốn gửi bài. Sau ngày con được học vượt cấp lên lớp 3, con liền nói với tôi: “Cha ơi, con muốn viết về những cảm nhận và quá trình con được học vượt cấp, sau đó nhờ tòa soạn in ra cho mọi người cùng xem”. Nghe xong tôi rất vui. Có ước muốn dùng chữ viết để biểu đạt, sau đó cho mọi người cùng xem, đây quả thực là một việc tốt. Thế là tôi tích cực ủng hộ và động viên Y Y.

Hôm đó Y Y viết rất lâu, đến khi ăn cơm con đưa cho tôi bản thảo đầu tiên, tôi cầm lên xem, bài viết không dài lắm, khoảng 200, 300 chữ, viết rất tỉ mỉ quá trình được vượt cấp của bản thân và tâm trạng trong các giai đoạn, câu cú cũng lưu loát. Tôi gật đầu: “Bài văn này viết thật hay. Đưa cho mẹ đánh vào máy tính, in ra để nộp cho tòa soạn”. Y Y nghe xong rất vui: “Thế thì con có thể giống cha, có thể in bài của mình lên báo”. Tôi nói: “Đúng vậy, tương lai con còn giỏi hơn cha!”, Y Y vui sướng nhảy lên, giục mẹ nhanh chóng đánh máy bài viết.

Vài ngày sau, tôi đem bài viết của mình và bài viết Tôi vượt cấp rồi của Y Y đến tòa soạn của tờ Nhật báo Trường Xuân. Lúc đầu, ngày ngày Y Y đều hỏi tôi có tin gì chưa, sau dần dần quên mất việc đã từng gửi bài cho báo.

Không lâu sau, tôi nhận được tờ báo của tòa soạn gửi đến, giở ra xem liền nhìn thấy bài viết của tôi, chính là bài viết nộp cùng với bài của Y Y. Không có bài của YY sao? Tôi lật đi lật lại những trang khác của tờ báo, sau khi xác nhận là không có, tôi cảm thấy hơi thất vọng. Tôi nghĩ, hay là không nói với Y Y, bài viết của tôi được đăng rồi, bài của con lại không có động tĩnh gì, hay đợi thêm một thời gian nữa.

Y Y tan học trở về nhà, nhìn thấy trên bàn có tờ báo, liền cầm lên xem, khi nhìn thấy bài viết của tôi, Y Y liền ngẩng đầu lên nói với tôi: “Cha ơi, bài viết của cha được đăng rồi!”. Tôi “Ờ” một tiếng, lo lắng tiếp theo con sẽ hỏi bài viết của mình sao lại không được đăng, Y Y lại nói: “Bài của con cũng được đăng rồi”. “Bài của con ư?”, tôi hỏi lại. “Đúng vậy, đó chính là bài Tôi vượt cấp rồi”, các bạn đều đã nhìn thấy”.

Tôi nghe xong vô cùng ngạc nhiên, chuyện gì vậy? Tôi hỏi báo của ngày nào? Y Y bối rối: “Con cũng không biết, hôm nay mấy bạn nói với con, nhìn thấy bài viết của con trên báo, con cũng không hỏi là báo gì...”.

Tôi nghĩ, cũng có thể là mấy hôm trước tờ Nhật báo Trường Xuân đăng, không gửi tờ báo đến cho chúng tôi. Như vậy thì không được, đây là bài viết của Y Y, bất luận thế nào cũng phải tìm được tờ báo này. Thế là tôi nhanh chóng chạy đến quầy báo gần nhất để tìm, điều đáng tiếc là chạy khắp các sạp báo cũng không tìm thấy tờ báo đăng bài viết của Y Y.

Tôi buồn bã trở về nhà, lại cầm tờ báo đăng bài viết của tôi lên, Y Y ngồi đối diện tôi đột nhiên reo lên: “Cha ơi, cha xem này, ở đây!”. Tôi nhanh chóng mở tờ báo mới phát hiện ra bài viết của hai cha con được đăng cùng ngày, chỉ có điều là được đăng trên hai mặt khác nhau, tôi chỉ nhìn thấy bài viết của mình mà không phát hiện ra bài viết ở mặt sau chính là kiệt tác của Y Y.

Tôi tỏ ra vô cùng phấn khởi, Y Y cũng vô cùng vui mừng. Chúng tôi lại chụm đầu vào đọc lại bài viết của Y Y, vừa đọc vừa khen ngợi: “Con xem, con rất giỏi, bài viết đầu tiên đã được đăng rồi, mà con còn rất nhỏ. Khi cha vào bộ đội, cha mới bắt đầu viết, nhưng bài viết đó chỉ có mấy chục chữ, không bằng con bây giờ”.

“Chuyện này có gì đâu, sau này con sẽ viết nhiều bài hơn!”, Y Y tự tin nói. Tôi nói: “Được đấy, chắc chắn là con làm được!”.

Quả nhiên, từ ngày hôm đó, Y Y rất có hứng thú với việc viết lách, động lực cũng tăng cao, không cần tôi nhắc nhở và thúc giục, thường chủ động cầm bút lên, viết lại những cảm nhận của mình về cuộc sống.

Tên con được in lên mặt báo là một động lực vô cùng mạnh mẽ, sau này con có không muốn viết cũng khó. Bạn có thể thử phương pháp này, bỏ công sức hướng dẫn trẻ viết một bài, giúp trẻ gửi bài viết đó đến tòa soạn, nghĩ cách giúp trẻ đăng tải hoặc phát hành tác phẩm, tôi tin chắc rằng những bài viết tiếp theo không cần sự thúc giục của bạn nữa...