Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương IV - Phần 05 - 06

Phần 5: Coi tiết kiệm là một thói quen

Việc ăn mặc ở đi lại của trẻ không cần phải quá cao cấp, cầu kì; chỉ cần ăn no mặc ấm, sạch sẽ gọn gàng là được.

“Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Rất nhiều người không thực sự hiểu hàm nghĩa của câu ca dao này. Lãng phí một hạt cơm có gì là to tát đâu? Nhưng, cách suy nghĩ này lại có thể hình thành thói quen tiêu tiền lãng phí, không có kế hoạch. Không trân trọng một hạt gạo thì một bát cơm có gì quý báu? Lãng phí một bữa cơm ngon cũng có sao?

Trên thực tế, tiết kiệm thể hiện ở những việc nhỏ nhất. Chúng ta nhất định phải nhận thức được rằng có được một hạt gạo, một giọt nước, một số điện không hề dễ dàng, đều dùng công sức của người lao động đổi lại. Chỉ có thật sự hiểu được sự gian khổ của người lao động, mới thật sự hiểu được hàm nghĩa của từ “tiết kiệm”. Đây mới là hàm nghĩa thực sự của câu ca dao trên. Chỉ có hiểu được điều này, chúng ta mới có thể biết cần cù tiết kiệm.

Rất nhiều phụ huynh cho rằng điều kiện sống ngày nay đã cải thiện rất nhiều, kinh tế xã hội cũng ngày càng tốt hơn, nên trẻ không cần biết tiết kiệm, cho trẻ ăn ngon, mặc đẹp, cha mẹ cũng cảm thấy đẹp mặt.

Thực ra, cách nghĩ này là sai lầm.

Bởi vì cần cù tiết kiệm giúp chúng ta rèn luyện ý chí, rèn luyện phẩm chất chịu khó chịu khổ, không ngừng vươn lên. Đó là điều kiện quan trọng để thành công trong sự nghiệp. Không có tinh thần lao động chăm chỉ, ý chí phấn đấu và không sợ gian lao, nỗ lực vươn lên, thì rất khó có thể thích ứng được với yêu cầu của xã hội đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Cuộc sống giản dị có thể bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp, nâng cao cảnh giới tinh thần của con người, nếu như từ nhỏ trẻ đã hình thành thói quen chán ghét lao động, chỉ biết chơi bời, tiêu tiền không biết tiếc, thì rất nguy hiểm.

Có một đoàn khảo sát của nước ta sang Nhật Bản tham quan một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản - công ty Toyota. Một người quan sát tinh tế khi phát hiện ra trong mỗi bình chứa nước của bồn cầu đều đặt mấy viên gạch, thì tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Người Nhật nhìn thấy nét mặt kinh ngạc của chúng ta, liền cười và giải thích: “Để gạch trong đó là để làm giảm tốc độ nước chảy, tiết kiệm nước”. Tiết kiệm là một nhân tố lớn giúp công ty Toyota thành công, luôn luôn hưng thịnh.

Nguyên thủ tướng Đức Helmut Kohl, một lần mở tiệc mời bạn bè, khi sắp kết thúc bữa tiệc, phát hiện trong đĩa vẫn còn một ít nước canh, liền không do dự cầm đĩa lên, dùng lưỡi liếm sạch. Nước Đức sở dĩ có thể phục hồi kinh tế rất nhanh sau chiến tranh thế giới thứ hai để trở thành một cường quốc, là bởi vì hàng nghìn hàng vạn người dân Đức đều có tinh thần tiết kiệm giống như thủ tướng Kohl. Nước Đức hiện nay đã giàu có, nhưng họ không bao giờ quên đi quá khứ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Cha mẹ phải nhận thức đúng đắn

Cuộc sống hiện nay của nhân dân không ngừng được nâng cao, đương nhiên mọi yêu cầu của trẻ thường được đáp ứng đầy đủ. Nhưng nếu việc ăn, mặc, dùng của trẻ lại được đem ra so sánh một cách mù quáng, thì dễ làm cho trẻ hình thành những phẩm chất không tốt như chỉ biết hưởng thụ, thích hư vinh... Vì thế cha mẹ phải thường xuyên giảng cho trẻ đạo lí cần cù tiết kiệm.

Cha tôi tuy là một người nông dân nhưng cũng có một số quan niệm giáo dục khoa học, cha mẹ đã giảng giải cho chúng tôi rất nhiều đạo lí mà các vị phụ huynh thời đó không thể giảng giải được. Tôi vẫn còn nhớ một câu mà cha thường xuyên nói với chúng tôi: “Biết làm không bằng biết tính”. Việc ăn mặc không làm chúng ta nghèo đi nhưng không biết tính toán thì sẽ nghèo. Cha dùng câu nói này để giáo dục chúng tôi vừa tiết kiệm vừa phải biết tính toán và lập kế hoạch.

2. Cha mẹ phải lấy mình làm gương cho trẻ

Cha mẹ phải có quan điểm lao động rõ ràng, phải yêu thích lao động, tôn trọng nhân dân lao động, trân trọng thành quả lao động, nghiêm khắc yêu cầu bản thân phải sống tiết kiệm giản dị. Những việc như trân trọng lương thực, dùng nước, dùng điện tiết kiệm... đều có thể phát huy tác dụng làm gương trước mặt trẻ.

Phải khiến trẻ hình thành thói quen tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất. Đầu tiên là trên phương diện sử dụng đồ chơi và các đồ dùng học tập, không được phép vì đồ chơi không tiện dụng mà vứt bỏ, mà phải nghĩ cách xem có sửa được không; đừng vì viết sai một chữ mà xé đi cả một tờ giấy; không được thường xuyên làm gẫy ngòi bút chì; cặp sách, hộp bút còn dùng được thì phải dùng, không được tùy tiện thay cái mới. Trong cuộc sống phải coi trọng sự tiết kiệm, ví dụ ra ngoài phải tắt đèn, dùng một chậu nước vào nhiều việc, giữ gìn quần áo... Việc ăn mặc ở đi lại của trẻ không cần quá cao cấp, cầu kì, chỉ cần ăn no mặc ấm, sạch sẽ gọn gàng là được.

Tôi nhớ đến một chuyện tôi rất hổ thẹn:

Đó là một ngày vào đầu xuân năm 2009, tôi không cẩn thận làm rơi chiếc đồng hồ thạch anh đặt trên bàn xuống đất. Sau khi bị rơi, cho dù tôi có sửa thế nào, nó cũng không chạy, cuối cùng tôi tuyên án tử hình cho nó: Đáp nó lên giường. Không ngờ nó lại hoạt động.

Ba ngày sau, vào buổi tối, tôi muốn chỉnh giờ thống nhất của tất cả các đồng hồ trong nhà như đồng hồ máy tính, đồng hồ điện thoại... lấy thời gian bắt đầu chương trình thời sự 7 giờ tối của Đài truyền hình Trung ương làm chuẩn. Tôi phát hiện ra rằng, có cái thì nhanh 10 phút, có cái thì chậm 8 phút. Sau khi đã chỉnh chuẩn các loại đồng hồ, đột nhiên tôi nghĩ đến chiếc đồng hồ thạch anh mấy ngày trước làm rơi. Tôi thấy nó mới chạy đến hơn 4 giờ, một ngày chạy chậm 1 tiếng đồng hồ, còn dùng nó làm gì? Tôi liền quăng nó vào phòng ngủ.

Con gái Y Y 12 tuổi của tôi nhanh chóng nhặt nó lên, mặt rất nghiêm túc, chất vấn tôi: “Cha, tại sao cha lại đối xử với nó như vậy?”.

“Chiếc đồng hồ hỏng này còn giữ lại làm gì?”.

“Không sửa sao?”.

“Không đáng sửa”.

“Không đáng sửa sao, 25 tệ mới mua được, bỏ ra 2, 3 tệ là sửa được rồi”.

Lúc đó tôi không biết nói gì, trong lòng nghĩ: Con nói cũng có lí, chuyện này để con làm.

Nửa tiếng sau con gái cầm chiếc đồng hồ thạch anh đã được sửa nói với tôi: “Con đã sửa xong rồi, lần sau cha không được như vậy”. Tôi gật đầu lia lịa như một đứa trẻ mắc lỗi. Tôi vừa thấy hổ thẹn vừa thấy vui, hổ thẹn vì những hành vi của bản thân, vui mừng vì con gái tôi biết tiết kiệm và hiểu biết.

3. Cha mẹ cho trẻ tiền tiêu vặt hợp lí

Những trẻ ở độ tuổi khác nhau sẽ có nhận thức khác nhau về tiền bạc và những con số, cho nên khi cho trẻ tiền tiêu vặt, nên suy xét độ chín chắn và nhu cầu của trẻ.

Bình thường nhu cầu dùng tiền và độ tuổi tỉ lệ thuận với nhau, trẻ càng nhỏ, cho trẻ càng ít tiền, thời gian cho cách nhau càng ngắn.. Nhưng những trẻ lớn hơn mỗi lần có thể cho nhiều hơn một ít, đồng thời cách 1 tuần hoặc 2 tuần cho trẻ một lần.

Đối với những trẻ dưới 5 tuổi, có thể mỗi ngày cho trẻ một số tiền tiêu vặt nhỏ. Hãy suy xét đến vấn đề cho trẻ học cách tiêu tiền và hiểu được giá trị của đồng tiền, phải dạy trẻ biết tiết kiệm. Cha mẹ nên xây dựng cho trẻ quan niệm chính xác về tiền bạc.

Cho trẻ tiền tiêu vặt không phải là để trẻ đỡ làm phiền mình, cũng không phải là bồi thường cho trẻ. Khi cho trẻ tiền tiêu vặt nên hướng dẫn trẻ biết cách sử dụng và giữ nó, như vậy mới có thể phát huy tác dụng giáo dục của việc cho trẻ tiền tiêu vặt.

Có thể áp dụng phương pháp cha mẹ là ngân hàng phát tiền tiêu vặt, khi muốn mua đồ trẻ sẽ đề nghị với cha mẹ, cha mẹ cùng trẻ đi mua, chọn hàng. Lúc này cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ ghi lại các khoản chi tiêu, giúp trẻ tiêu tiền có kế hoạch.

Cho trẻ quyền quyết định, sử dụng tiền tiêu vặt, không chỉ bồi dưỡng cho trẻ khái niệm về những con số, bồi dưỡng khả năng độc lập tự chủ của trẻ, mà trong quá trình sử dụng tiền tiêu vặt trẻ có thể xây dựng quan niệm về giá trị quan.

Những trẻ không có kinh nghiệm chi tiêu sẽ không biết tự khống chế bản thân, sẽ có thói quen dựa dẫm khi phát sinh tình huống. Nếu cha mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ, trẻ sẽ dễ có thói quen tiêu xài hoang phí; còn nếu phụ huynh quá nghiêm khắc khống chế việc tiêu tiền của trẻ, thì có thể khiến trẻ trở nên cẩn trọng quá mức, hành vi bảo thủ, thiếu khả năng tự lập. Vì vậy, bất luận trẻ lớn hay nhỏ, bất luận số tiền ấy nhiều hay ít, cha mẹ đều phải nhớ rõ một nguyên tắc: Từ nhỏ phải bồi dưỡng cho trẻ khái niệm chi tiêu tiết kiệm, tiêu pha có kế hoạch và biết tích lũy. Như vậy sẽ giúp trẻ có kế hoạch sử dụng tiền bạc, quản lí tiền một cách hợp lí trong tương lai.

Chúng tôi đề xướng việc giáo dục trẻ tiết kiệm, để trẻ làm những việc nhà trong khả năng của trẻ, không được lãng phí một xu, mục đích không phải là để trẻ lao động làm giàu cho gia đình, mà là cho trẻ hình thành thói quen lao động, thói quen tiết kiệm ngay từ nhỏ, từ đó rèn luyện, hình thành những phẩm chất đạo đức tốt ở trẻ, giúp trẻ sau này phát triển tốt hơn, có tương lai và có tiền đồ sáng lạn.

Phần 6: Tinh thần trách nhiệm là cái gốc của một con người

Thái độ của một con người quyết định sự thành công của con người ấy trong sự nghiệp; tinh thần trách nhiệm của cha mẹ quyết định tương lai đứa con của họ.

Tôi vẫn nhớ bộ phim Cõng cha đi học kể về một câu chuyện có thực:

Thạch Oa là một em bé vùng núi, mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Để Thạch Oa được đi học, chị gái của em phải thôi học, đi lấy chồng, dùng số tiền sính lễ của nhà trai làm tiền học phí cho Thạch Oa. Cô giáo của Thạch Oa rất quý đứa trẻ thông minh chịu khó này, và rất nhiều lần đã ứng tiền đóng học phí cho Thạch Oa. Tất cả những điều này là để thúc đẩy Thạch Oa khắc phục mọi khó khăn, chăm chỉ học tập. Thạch Oa đã giành được giải quán quân trong cuộc thi Olympic hóa học toàn quốc. Khi cậu bé thi vào trường Đại học Sư phạm tỉnh với thành tích xuất sắc, thì người cha bị trúng gió nằm liệt giường. Một Thạch Oa kiên cường đã từ chối sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, đưa ra một quyết định làm mọi người vô cùng ngạc nhiên: cõng cha lên lưng, vào thành phố học…

Tình tiết câu chuyện rất đơn giản, rất nhiều người xem xong đã rơi lệ, tôi cũng vô cùng xúc động. Tôi cảm động trước tình cha con sâu nặng, trước tinh thần kiên quyết quả cảm của cậu thiếu niên, và trước tinh thần trách nhiệm vô cùng lớn lao của cậu bé Thạch Oa. Tôi đã bất giác tự hỏi: Những người trưởng thành như chúng ta, những phụ huynh như chúng ta, có đầy đủ tinh thần trách nhiệm hay không?

Cái gọi là tinh thần trách nhiệm là chỉ ý thức, tình cảm và tâm niệm của bản thân phải có trách nhiệm với bản thân mình và người khác, với gia đình và tập thể, với đất nước và xã hội; và thái độ tự giác tương ứng với nó. Cho nên chỉ cần bạn là con người của xã hội, bạn phải luôn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của bạn đối với mọi người.

Trách nhiệm chính là những việc bạn nên làm, là những nhiệm vụ cần phải đảm nhiệm, hoàn thành sứ mệnh nên hoàn thành, làm tốt công việc cần làm tốt. Trách nhiệm là giá trị quan mà mỗi con người cần phải có, là tố chất cơ bản cần có của mỗi công dân, mỗi vị phụ huynh. Vô số thực tiễn đã chứng minh, một người có tinh thần trách nhiệm cao thì luôn luôn cố gắng làm việc hết mình.

Một phụ huynh có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tràn đầy tình yêu, toàn tâm toàn ý thực hiện việc nuôi dạy con cái. Thái độ của một người quyết định sự thành công của người đó trong sự nghiệp, tinh thần trách nhiệm của cha mẹ quyết định tương lai con cái của họ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Xác định rõ tầm quan trọng của trách nhiệm

Tôi vẫn nhớ một câu nói của nhà tâm lí học người Đức Erich Fromm (1900-1980): “Trách nhiệm không phải là một nghĩa vụ ngoại lực ép buộc chúng ta làm, mà nó là phản ứng của tôi đối với những việc mình quan tâm”. Nếu một con người luôn lấy mình làm trung tâm, không quan tâm đến con người và sự vật xung quanh, như vậy thì anh ta thiếu tinh thần trách nhiệm cơ bản. Mà một con người thiếu đạo đức tình cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, thì sẽ không nhận được sự quan tâm của người khác, cũng không thể hợp tác chân thành với người khác, càng không thể thích ứng với xã hội tương lai. Chỉ khi nào bạn thực sự nhận thức được tầm quan trọng của hai chữ “trách nhiệm”, bạn mới luôn cố gắng để bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của mình.

Làm phụ huynh chúng ta phải đồng thời đảm nhận vai trò gia đình và vai trò xã hội, cũng có nghĩa là vừa có trách nhiệm với công việc, vừa có trách nhiệm với gia đình. Hiện nay có một số người không có trách nhiệm với công việc, chỉ làm qua loa cho xong, đến tháng lĩnh lương là xong việc. Những người này cảm thấy mình rất thông minh. Thực ra họ đang lừa dối chính bản thân mình. Họ tưởng rằng lừa dối giám đốc và ông chủ, có thể kiếm lợi về mình, nhưng thực ra điều mà họ lừa dối chính là tuổi thanh xuân và sinh mệnh của bản thân. Cũng có một số người không có trách nhiệm với gia đình, cả ngày uống rượu, đánh bạc, không phụng dưỡng cha mẹ già, không giáo dục con cái, rồi nghĩ rằng sống như thế là thoải mái, nhưng thực ra đó chỉ là cuộc sống của một cái xác không hồn.

Tinh thần trách nhiệm còn thể hiện trong việc chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân trong quá trình giao tiếp với người khác; khi mắc lỗi có thể chủ động nhận trách nhiệm của bản thân, đồng thời chủ động bù đắp chuộc lỗi của mình…

Có một câu chuyện như sau:

Một buổi tối sau khi trở về nhà, cô giáo Vương lấy ra một tờ tiền giả 100 tệ, đây là tiền sách phụ huynh đóng. Con gái của cô rất tức giận, bảo cô tra xem là của ai. Cô Vương nói với con không tra ra, tiền cô đã đóng bù vào rồi. Cô để tờ tiền này trên bàn. Sáng dậy, con gái cô càng tức giận. Đúng vào hôm đó cũng là hôm trường học thu tiền sách, cô bé liền lợi dụng lúc mẹ không chú ý để tờ tiền giả đó vào trong cặp sách. Đến trường học, lợi dụng lúc cô giáo bận rộn thu tiền sách, cô bé liền đưa tờ tiền giả đó vào tay cô giáo. Lúc đó cô bé vô cùng đắc ý.

Buổi tối, sau khi cô Vương tan làm trở về nhà phát hiện tờ tiền giả không còn nữa, liền hỏi chồng, chồng cô nói không cầm. Cô truy hỏi một hồi lâu, con gái mới nói cho cô biết sự việc, lại còn đắc ý nói: “Con đã giúp mẹ lấy lại 100 tệ”. Lúc đó cô Vương liền nói: “Con ơi, con sai rồi, chúng ta không thể làm những việc không thành thật như vậy. Mẹ mất 100 tệ, nhưng con thì mất chữ tín. Con phải nhớ kĩ, tiền có thể kiếm nhờ lao động, nhưng chữ tín thì tốn bao nhiêu tiền cũng không mua được. Mẹ cho con 100 tệ, ngày mai con trả cho cô giáo và phải dũng cảm nhận lỗi với cô”.

Ngày hôm sau, cô bé trả tiền cho cô giáo, đồng thời thành khẩn nói với cô: “Thưa cô, cô đừng nói chuyện này với các bạn, họ sẽ nghĩ em là đứa trẻ hư”. Cô giáo nói: “Không, nếu như ngày hôm nay em không làm như vậy thì em mới là một đứa trẻ hư, và bây giờ, cô phải nói với các bạn em là một đứa trẻ thành thật”. Như vậy đạo đức tốt đẹp đã cắm rễ vững chắc trong tâm hồn cô con gái bé nhỏ của cô giáo Vương.

Rất nhiều phụ huynh yêu cầu trẻ phải phát triển toàn diện, phải tu chí để trở thành nhà khoa học, nhà nghệ thuật, hay doanh nhân, mà coi thường việc bồi dưỡng những tiêu chuẩn quy tắc cơ bản để trẻ làm người. Khi không thể trở thành các “nhà” này, cha mẹ và con cái đều sẽ cảm thấy lí tưởng bị dập tắt, không có tương lai. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy, thường thiếu lí tưởng, không có hoài bão, chỉ biết tính toán thiệt hơn, thậm chí lòng đầy thù hận, rất khó có thể sống hòa thuận với người khác.

2. Phải coi trọng việc nhỏ

Lời răn dạy của người xưa “Từ nhỏ thấy lớn” vô cùng chính xác trong trường hợp này. Thực ra trong cuộc sống có rất nhiều việc nhỏ có thể thể hiện một con người có tinh thần trách nhiệm hay không. Ví dụ như sang đường bừa bãi, thích hư vinh, nói không giữ lời...

Tinh thần trách nhiệm có thể thể hiện trong công việc hàng ngày, chỉ cần bạn có tinh thần trách nhiệm, bạn sẽ luôn cẩn thận, nghiêm túc, chăm chỉ làm việc. Tinh thần trách nhiệm luôn là nhân tố cơ bản nhất để thành công. Thái độ làm việc thường quan trọng hơn bản thân công việc. Mọi người thường nói say mê là người thầy tốt nhất. Say mê sẽ không dạy bạn điều gì nhưng nó thể hiện rõ thái độ đối với công việc của bạn, thái độ này có thể mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích.

Có một câu chuyện như sau:

Một công ty muốn cắt giảm biên chế, công bố danh sách những người phải thôi việc, trong đó có Tiểu Phương và Tiểu Yến. Theo quy định một tháng sau thì họ phải nghỉ việc. Hôm đó, ánh mắt mọi người nhìn hai cô đều e dè, không dám nói một câu, bởi chuyện này đổ lên đầu ai cũng đều khó có thể chấp nhận được. Ngày hôm sau khi đi làm, Tiểu Phương trong lòng vẫn rất phẫn nộ, tâm trạng vẫn rất kích động, không thể làm được việc gì, lúc thì tìm đồng nghiệp để khóc lóc tâm sự, lúc thì tìm chủ nhiệm để minh oan, những công việc hàng ngày của cô như đặt hộp cơm, gửi văn kiện, nhận văn kiện... cô đều gác sang một bên, người khác đành phải làm thay cô.

Nhưng Tiểu Yến, sau khi khóc một đêm, buồn thì buồn, nhưng còn một tháng nữa mới nghỉ việc, công việc không thể không làm. Thế là cô lặng lẽ mở máy tính, tiếp tục làm việc.

Các đồng nghiệp biết cô sắp nghỉ việc, ngại không dám giao việc cho cô. Cô chủ động chào hỏi mọi người và lấy việc về làm. Cô nói: “Là phúc không phải là họa, là họa không tránh nổi, dù sao cũng như vậy, chi bằng chăm chỉ làm hết tháng này, sau này muốn làm cho mọi người cũng không có cơ hội nữa”. Thế là đồng nghiệp lại giống như trước đây, “Tiểu Yến nhanh đánh cái này!”, “Tiểu Yến nhanh gửi cái này đi!”. Tiểu Yến luôn mồm vâng dạ, chăm chỉ làm việc, ai gọi là đến, làm hết cương vị và trách nhiệm của bản thân.

Một tháng sau, Tiểu Phương phải thôi việc theo quy định, nhưng tên của Tiểu Yến đã không còn có trong danh sách giảm biên chế. Chủ nhiệm tuyên bố lời của sếp tổng trước mặt mọi người: “Vị trí của Tiểu Yến không ai có thể thay thế được, công ty luôn rất coi trọng những nhân viên như Tiểu Yến!”.

Tiểu Phương phải nghỉ việc, tại sao Tiểu Yến lại được giữ lại? Chính ý thức trách nhiệm to lớn với công việc đã cho Tiểu Yến cơ hội.

3. Phải biết cách dùng các tấm gương trách nhiệm

Khi đọc danh ngôn và các câu chuyện về những con người vĩ đại, chúng ta xuýt xoa, vĩ nhân nói thật là đúng. Nhưng chúng ta phải biết, thành công của bất kì vĩ nhân nào đều được xây dựng trên cơ sở một tâm niệm kiên định, một tinh thần trách nhiệm lớn lao.

Có một câu chuyện như thế này:

Trong một vụ đắm tàu trên biển, 8 người may mắn sống sót tập hợp trên một chiếc thuyền cứu sinh, lênh đênh trên biển 8 ngày, và chỉ có nửa chai nước khoáng. Mỗi người đều nhìn chằm chằm vào chai nước khoáng đó, và đều muốn uống nó ngay lập tức. Thuyền trưởng đành phải cầm một cây súng dài canh chừng nửa chai nước này. Ngồi đối diện với thuyền trưởng là một người đàn ông hơn 50 tuổi bị hói, ông ta nhìn chằm chằm vào chai nước, dường như đang chuẩn bị lao vào uống sạch bình nước cứu mạng đó.

Trong giây lát khi thuyền trưởng ngủ gật, người đàn ông hói đột nhiên lao đến, cầm chai nước lên định uống, thuyền trưởng giật mình tỉnh dậy cầm súng lên, chĩa vào mặt người đàn ông và ra lệnh: “Để xuống, nếu không tôi sẽ nổ súng!”. Người đàn ông đành phải để nước xuống. Vị thuyền trưởng lại đặt đầu súng lên nắp chai nước, nhìn chằm chằm vào người đàn ông, nhưng ánh mắt của người đàn ông vẫn không rời khỏi nửa chai nước có thể quyết định vận mệnh của rất nhiều người. Sau đó, thuyền trưởng cũng không gượng nổi. Trong khoảnh khắc sắp hôn mê, thuyền trưởng ném cây súng vào tay người đàn ông hói, đồng thời nói một câu: “Anh trông đi!”.

Khi súng ở trong tay của người đàn ông từng muốn uống hết nửa chai nước đó, ông ta lại cảm thấy mình vô cùng vĩ đại. Trong 4 ngày tiếp theo, ông ta luôn tận tâm trông nửa chai nước còn lại, cách 2 tiếng lại cho mỗi người uống hai giọt nước. Đến ngày thứ 4 sau khi họ được cứu sống, trong chai nước chỉ còn lại một ít nước ở dưới đáy, 8 người bọn họ đặt tên cho số nước còn lại là “Nước thánh”.

Câu chuyện trên được trích ra từ cuốn sách Bồi dưỡng một con người đích thực của tác giả Đổng Tiến Vũ. Đây là một câu chuyện rất hay về tinh thần trách nhiệm. Nó cho thấy rằng khi một người được giao cho trọng trách nặng nề, tâm hồn anh ta sẽ có những thay đổi kì diệu, sẽ thấy bản thân có giá trị, sẽ thấy sự quan trọng của trách nhiệm, sẽ trở thành người có kỉ luật, chủ động và tích cực! Cho nên, nếu như bạn là những người cha người mẹ sáng suốt, từ bây giờ hãy bắt đầu để con bạn gánh vác trách nhiệm.

Trên thế giới này, một người nhỏ bé hay một người vĩ đại đều phải có trách nhiệm như nhau, đây là một chân lí vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Làm người thì phải có trách nhiệm, đây là nguyên tắc làm người cơ bản của chúng ta.

Là một phụ huynh có trách nhiệm, bạn sẽ có một đứa con thành công!