Người cha tốt hơn là người thầy tốt - Chương IV - Phần 07 - 08

Phần 7: Người cha tốt phải không ngừng phấn đấu

Một phụ huynh thiếu lí tưởng, hoài bão, không có tinh thần trách nhiệm và chí tiến thủ, thì không thể là tấm gương cho trẻ.

Trong cuộc đời của mình, mỗi con người luôn tiếp nhận sự giáo dục trên ba phương diện: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Giáo dục gia đình là hình thức giáo dục sớm nhất và có ảnh hưởng lâu dài nhất với mỗi người. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, giáo dục gia đình có tác dụng vô cùng quan trọng.

Dạy dỗ trẻ thực tế là dạy trẻ sống thế nào, làm người thế nào. Khi chúng ta giáo dục trẻ nên làm thế nào, thì phải chú ý xem bản thân chúng ta có thực hiện được những đạo lí chúng ta nói với trẻ không. Trẻ cũng biết quan sát, chúng sẽ học cách sống từ chúng ta. Có lúc trẻ làm bài tập mệt, ngẩng đầu lên thấy chúng ta đang chơi bài, đang uống rượu, đang tán gẫu, thì ý chí học tập của trẻ sẽ bị giảm sút; nếu như trẻ nhìn thấy cha mẹ vẫn đang bận rộn với công việc, bận rộn để học tập nâng cao bản thân, bận rộn lao động; trẻ cũng sẽ biết trân trọng thời gian học tập của mình.

Có phụ huynh bỏ việc để thúc trẻ học tập tốt hơn. Nhưng kết quả là, trẻ càng tỏ ra tiêu cực, lười biếng, bởi việc phụ huynh bỏ việc đã nêu ra một tấm gương sống không tích cực cho trẻ. Nếu như phụ huynh cho trẻ nhìn thấy cha mẹ cho dù lớn tuổi, trách nhiệm cuộc sống và công việc vẫn vô cùng nặng nề, nhưng cha mẹ vẫn luôn có tinh thần tiến thủ, thì trẻ cũng có được sự gợi ý từ trong đó.

Người làm cha mẹ nên có lí tưởng, trách nhiệm, chí tiến thủ. Lí tưởng, hoài bão chính là hi vọng về một tương lai tốt đẹp, là phương hướng tiến lên, là mục tiêu phấn đấu của một con người, cũng là động lực giúp con người vươn lên. Một phụ huynh thiếu lí tưởng, hoài bão, không có tinh thần trách nhiệm và chí tiến thủ, sẽ không thể là một tấm gương tốt cho trẻ. Con cái họ và bản thân họ luôn cảm thấy mơ hồ vì không tìm thấy giá trị nhân sinh của bản thân, cũng dễ dàng hài lòng với cuộc sống hiện tại, vì thế mà mất đi động lực sáng tạo, không có chí tiến thủ.

Thực ra từ xưa đến nay tất cả những vĩ nhân có cống hiến cho nhân loại, có ai mà không có những hoài bão cao xa ngay từ nhỏ? Thông thường, người có hoài bão lớn lao đều là người có tinh thần trách nhiệm và có chí tiến thủ. Nếu như một đứa trẻ ngay từ nhỏ đã nhìn thấu hồng trần, điều đó nói lên sự thất bại của giáo dục và sự bi ai của cả xã hội. Trường Giang sóng sau xô sóng trước, thế hệ sau sẽ giỏi hơn thế hệ trước. Tuy sự phát triển của xã hội không phải là một đường thẳng, nhưng xu thế chung nên là như thế.

Tinh thần tiến thủ là linh hồn của một dân tộc, là động lực vô biên để một quốc gia phát triển thịnh vượng. Xã hội phát triển, đất nước giàu mạnh, dân tộc tiến bộ, cần mọi người phải có tinh thần tiến thủ. Cha mẹ phải có tinh thần tiến thủ mới có thể dạy trẻ ham học vươn lên.

Nhà giáo dục người Liên Xô (cũ) Vasyl Sukhomlynsky cho rằng, học tập là một hình thức lao động trí óc, và đặc điểm của việc lao động trí óc là người lao động bắt buộc phải ở trạng thái chủ động mới có thể học tập tốt. Nếu không có tinh thần chủ động tiến thủ, trẻ sẽ không thể học tập tốt được. Trong điều kiện kinh tế thị trường, nếu chúng ta không bồi dưỡng trẻ có tinh thần chủ động tiến thủ, thì tương lai trẻ không thể thành công trong cuộc sống. Không có tinh thần chủ động sáng tạo, đồng nghĩa với việc trẻ không có hứng thú với cuộc sống, không có hứng thú với cuộc đời, không có hứng thú với bản thân, không có hứng thú với tất cả, tinh thần luôn ủ rũ, như vậy thế giới tinh thần của trẻ không thể trưởng thành được.

Vì thế, cha mẹ, phải luôn luôn có tinh thần tiến thủ, luôn luôn thể hiện tinh thần cầu tiến, là một tấm gương tốt cho trẻ. “Cha mẹ cũng đang học tập, đang tiến bộ!” làm cho trẻ hiểu được việc học tập những tri thức mới, không ngừng tiến bộ là việc theo chúng ta suốt đời.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải có tinh thần không sợ thất bại

Điều này gồm hai nội dung, một là cổ vũ trẻ tích cực vươn lên, hai là động viên trẻ không sợ khó khăn. Phải giáo dục trẻ: trong quá trình tích cực vươn lên, phải chuẩn bị đối mặt với thất bại. Con người không thể luôn luôn thành công, nhưng phải biết đi ra từ sự thất bại, chạy trốn sự thất bại đồng nghĩa với việc từ bỏ khả năng thành công. Làm bất cứ việc gì, chỉ cần nỗ lực làm, không sợ thất bại, thì sẽ có hi vọng thành công.

Có một câu chuyện như sau:

Một con lừa bị rơi xuống một chiếc giếng cạn mà mọi người đang chuẩn bị lấp. Giếng rất sâu, con lừa lại rất già, mọi người nghĩ đủ mọi cách cũng không thể kéo con lừa lên được, cho dù con lừa kêu cứu thảm thiết. Bất đắc dĩ, mọi người đành phải chôn sống nó. Khi xẻng đất đầu tiên được hất xuống giếng, con lừa kêu to hơn, rõ ràng nó hiểu được ý đồ của con người. Nhưng khi xẻng đất thứ hai được hất xuống giếng, thì con lừa lại yên lặng một cách kì lạ. Mọi người phát hiện ra, sau mỗi xẻng đất hất xuống giếng, con lừa đều cố gắng làm rớt hết đất trên lưng xuống rồi giẫm lên, và nó ngày càng leo cao hơn một chút. Con người không ngừng đổ đất xuống giếng, con lừa cũng không ngừng cố gắng giũ hết đất xuống rồi giẫm lên đất. Cứ như vậy, con lừa dần dần lên cao hơn, cuối cùng nó đã bước ra khỏi chiếc giếng trong ánh mắt vô cùng kinh ngạc của mọi người.

Nếu như bây giờ, bạn cũng đang ở trong chiếc giếng khô đó, tiếng kêu cứu thảm thiết của bạn có thể chỉ được đáp lại bằng những xẻng đất muốn chôn sống bạn, thì bí quyết để bạn thoát khỏi đường cùng chính là cố gắng giũ hết đất trên người xuống, làm cho đất trở thành bậc thang của mình.

Lại có một câu chuyện khác:

Sau cơn mưa, một con nhện khó khăn bò lên bức tường để về với mạng nhện đã rách nát của mình. Vì mặt tường ướt, khi nó bò đến một độ cao nhất định, nó liền bị rơi xuống, nó lại bò lại hết lần này đến lần khác, và bị rơi xuống hết lần này đến lần khác.

Người đầu tiên nhìn thấy con nhện, anh ta thở dài, tự lẩm bẩm: “Đời tôi chẳng giống con nhện này sao? Suốt ngày bận rộn mà cũng không thu được lợi ích gì”. Thế là, anh ta dần dần mất đi ý chí.

Người thứ hai nhìn thấy liền nói: “Con nhện này thật là ngu xuẩn, tại sao không bò lên những chỗ khô bên cạnh? Sau này nhất định mình sẽ không ngu xuẩn giống con nhện đó”. Thế là, anh ta dần dần trở nên thông minh.

Người thứ ba nhìn thấy, anh ta ngay lập tức cảm động bởi tinh thần không sợ thất bại của con nhện. Thế là anh ta trở nên kiên cường.

Hai câu chuyện trên đã dạy cho chúng ta cách đối mặt với thử thách mà không nản chí, luôn có tinh thần tích cực vươn lên.

2. Dám mạo hiểm

Đối với nhiều việc, thất bại hay thành công chỉ trong gang tấc. Cái chính là bạn có dám vượt qua bước này không. Trốn tránh thất bại chính là kẻ thù của thành công, sự tìm tòi những sự vật mới luôn đòi hỏi phải có can đảm gánh chịu nguy hiểm khi phạm sai lầm. Nhà vật lí học người Đức Marx Planck (1858-1947) là người đầu tiên đưa ra thuyết “lượng tử”, đây là một phát hiện mang tính cách mạng, nhưng do nhút nhát, ông đã không phát triển nó lên thành lí luận lượng tử, mà trong một thời gian dài có thái độ nghi ngờ lí luận của bản thân đồng thời luôn cố gắng điều hòa sự mâu thuẫn giữa thuyết “lượng tử” với vật lí học cổ điển. Ông từng nói với con trai: “Cha đã từng cảm thấy cha đã có những phát hiện quan trọng có thể sánh vai với phát hiện của Newton, nhưng cũng có thể sẽ chứng minh là cha vô cùng sai lầm”. Khi đối mặt với sự lựa chọn này, ông đã lùi bước. Khi phân tích thái độ của chính bản thân mình ông nói: “Việc mà tôi đã làm có thể gọi đơn giản là hành động được ăn cả ngã về không. Bản tính tôi vốn thích sự yên ổn, không muốn tiến hành bất kì sự mạo hiểm nào”.

Điểm yếu nhân cách này của Planck đã làm cho ông từ bỏ thành công lớn hơn rất nhiều. Kark Mark (1818-1883) đã từng chỉ ra rõ ràng: “Lối vào của khoa học cũng giống như lối vào địa ngục, nhất định phải đề ra yêu cầu sau: ‘Ở đây từ chối tất cả sự do dự, bất kì sự nhút nhát sợ hãi nào đều vô ích’. Cho nên, trong quá trình theo đuổi, để đạt được một thành tích nào đó, ý thức dũng cảm đối mặt với khó khăn là điều không thể thiếu được”.

Các bậc cha mẹ nên cố gắng bồi dưỡng cho trẻ tinh thần mạo hiểm, dạy trẻ không sợ khó khăn, chỉ cần nhìn thấy khả năng của thành công thì không được từ bỏ nỗ lực. Nhưng trong nền giáo dục hiện nay, rất nhiều cha mẹ nhấn mạnh “giáo dục không sai lầm”. Quan niệm giáo dục này nhấn mạnh quá mức tính chính xác, không cho phép trẻ sai. Khiến trẻ khi theo đuổi tính chính xác một cách phiến diện, thì cũng mất đi khát vọng tìm tòi. Bởi vì rất nhiều sự tìm tòi đều không có gì chắc chắn, “không làm những việc không chắc chắn” làm trẻ không dám sáng tạo.

Ví dụ, khi trẻ giải một bài toán, trẻ có thể vận dụng cách giải giống như cô giáo giảng, trả lời câu hỏi một cách chính xác. Có thể trẻ sẽ phát hiện ra cách giải khác với cô giáo, nhưng trẻ không chắc chắn về độ chính xác của cách giải này. Nếu như cách giải này sai, trẻ sẽ bị cha mẹ trách mắng. Như vậy, làm cha mẹ không nên dùng mức điểm 100 để đánh giá việc học tập của trẻ, mà phải nhìn vào tinh thần dám tìm tòi của trẻ. Thực ra, khác biệt lớn nhất giữa những người thành công và những người bình thường chính là ở tinh thần dám mạo hiểm.

Phần 8: Là một người cha có lời nói đi đôi với việc làm

Nếu người cha không thể nói được làm được, phá vỡ thương lượng với trẻ, đáp ứng yêu cầu không hợp lí của trẻ, trẻ sẽ nghĩ: Chỉ cần mình khóc, kiên trì yêu cầu của mình, cha sẽ đáp ứng.

Đằng sau những đứa trẻ có tố chất cao, nhất định là những người cha người mẹ có tố chất cao. Những cha mẹ không có tố chất cao, sẽ gặp phải khó khăn và trở ngại khi muốn bồi dưỡng nên những đứa trẻ có tố chất cao. Chúng ta phải nâng cao tố chất của cha mẹ, bởi vì tố chất của cha mẹ quyết định tương lai của trẻ.

Khổng Tử nói: “Cổ giả ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi dã”. Ý nghĩa của câu này là: “Người xưa không dễ dàng nói ra mọi điều, bởi vì họ cho rằng nói ra mà không làm được là một điều sỉ nhục”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng nên giống như người xưa, trước khi nói ra phải suy nghĩ thận trọng, không thể nghĩ cái gì thì nói cái đó. Hơn nữa những điều nói ra bạn phải làm được. Nếu như bạn không thể làm được, thì không nên tùy tiện nói ra.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên thấy một số người thực hiện được những lời hứa của bản thân mình, nhưng lại có một số người nói lời quên lời. Thực ra, lời nói của những người này đều là giả, họ không thể làm được. Đương nhiên chúng ta nên học tập theo những người thuộc nhóm đầu tiên, học tập họ cách nói được làm được, làm một con người làm tròn bổn phận của mình. Đối với người thân và bạn bè thì nói được phải làm được, đặc biệt là đối với những đứa con chưa trưởng thành của chúng ta.

“Cha ơi, con vẫn muốn ăn kem, cha cho con một cái nữa”. Đứa trẻ bắt đầu vòi vĩnh người cha. “Không được! Nói rồi chỉ được ăn một cái”, người cha cau mày nói. “Con vẫn muốn ăn!”, đứa trẻ ngồi bệt xuống đất, lăn ra ăn vạ. Nếu như người cha không thể nói được làm được, lại cho trẻ một cái kem hoặc dùng đồ chơi, đồ ăn ngon khác để thay thế kem: “Thôi, để ngày mai cha đưa con đi mua chiếc ô tô mà con thích được không?”, phá vỡ thương lượng với trẻ, đáp ứng yêu cầu không hợp lí của trẻ, trẻ sẽ nghĩ: Chỉ cần mình khóc, kiên trì yêu cầu của mình, cha sẽ đáp ứng.

Sau này, trẻ sẽ nắm được nhược điểm nói được nhưng không làm được của cha, càng ngày càng tỏ ra bướng bỉnh.

Ví dụ trên trên thực tế cũng chính là thể hiện hành vi nói được không làm được, là biểu hiện nhu nhược, không có nguyên tắc của người cha. Trẻ sẽ phát hiện ra khóc ăn vạ là một phương pháp tốt để người cha thỏa mãn yêu cầu của trẻ. Sau này, trẻ vẫn sẽ dùng phương pháp này để đòi người cha thỏa mãn mọi yêu cầu của mình. Cách làm thông minh nhất của người cha lúc này là nói rõ đạo lí, làm mọi việc như đã giao hẹn từ trước. Người cha như vậy mới thực sự là người “nói được làm được”.

Bình thường khi đối xử với người khác chúng ta cũng phải như vậy, không hứa thì thôi, nhưng khi đã hứa nhất định phải thực hiện. Trường hợp đối phương có yêu cầu quá cao, chúng ta có thể từ chối một cách khéo léo.

Theo như điều tra, trong giáo dục gia đình, hiện tượng nói được làm được này không phổ biến, những lời hứa của cha mẹ thường thường biến thành “chi phiếu khống”. Có ba nguyên nhân cơ bản: Một là, một số phụ huynh chỉ thuận mồm nói ra cho vui, hoàn toàn không định thực hiện; hai là, một số phụ huynh cảm thấy con mình nhanh chóng quên đi những lời hứa của cha mẹ; ba là, một số phụ huynh thực sự rất bận, không thể dành thời gian đi cùng trẻ, hoặc là vì vấn đề tài chính không có khả năng thực hiện lời hứa của mình. Nhưng cha mẹ phải biết rằng, cách làm kí “chi phiếu khống” tùy tiện này của cha mẹ không hề có lợi cho sự trưởng thành của trẻ.

Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha

1. Phải tôn trọng trẻ

“Chỉ cần kết quả thi của con nằm trong tốp 10 của lớp, cha sẽ mua xe mới cho con!”.

“Đợi con thi đỗ vào trường chuyên của thành phố, mẹ sẽ cho con đi du lịch Hàn Quốc!”.

“Con được 100 điểm cha sẽ thưởng con 100 tệ!”.

...

Trẻ tuy nhỏ nhưng trẻ là một cá thể độc lập hoàn chỉnh. Trẻ có tư tưởng riêng của mình, có thể phân biệt một số điều phải trái. Trẻ thường luôn luôn nhớ những sự việc mà cha mẹ hứa với trẻ. Cha mẹ phải tôn trọng trẻ như một người bạn của mình. Những việc hứa với trẻ thì phải làm được, nếu như không thực hiện được, nên kịp thời giải thích cho trẻ, xin lỗi trẻ, làm cho trẻ có cảm giác được tôn trọng, làm cho tâm hồn bé nhỏ của trẻ không bị tổn thương.

Một hôm con gái Y Y 5 tuổi của tôi muốn đi vườn thú. Vợ tôi đang ngồi trước máy tính bận rộn làm việc, không ngẩng đầu lên và nói: “Hôm nay mẹ bận, cuối tuần sau mẹ đưa con đi”. Con gái ngoan của tôi không nói gì nữa. Đến chủ nhật, vợ tôi vẫn bận không dứt ra được, và đã quên lời hứa với con gái từ tuần trước. Con gái tôi lại nhắc đến việc đi vườn thú một lần nữa, nhìn vào thời gian biểu làm việc kín mít, vợ tôi chỉ có thể nói: “Tuần sau vậy”. Kết quả là lùi lại hết lần này đến lần khác, vẫn không thực hiện được.

Cuối cùng, khi con gái tôi nghe thấy lời hứa “Tuần sau mẹ đưa con đi vườn thú”, liền nói một cách bất mãn: “Mẹ chỉ nói dối thôi, mẹ nói mà không thực hiện, mẹ không phải là người thành thật!”. Vợ tôi nghe xong vô cùng ngạc nhiên, vội vàng bỏ hết mọi công việc, đưa con gái đi vườn thú, thực hiện lời hứa cô ấy đã hứa từ rất lâu. Sau sự việc vợ tôi nói với tôi, vốn dĩ cô ấy không thực sự muốn đưa con đi vườn thú chơi, nói tuần sau đưa con đi chỉ là một cách trì hoãn, trong lòng nghĩ con gái sẽ không nhớ việc này. Không ngờ con gái lại nhớ kĩ lời hứa của cô ấy, luôn luôn đợi cô ấy thực hiện lời hứa. Con gái tôi đã dạy cho vợ tôi một bài học: Sự giao lưu giữa người lớn với nhau coi trọng chữ tín, đối với trẻ cũng phải nói là làm, không thể nuốt lời.

2. Phải là tấm gương của trẻ

Cha mẹ nói đi đôi với làm là nhân tố quan trọng xác lập vị trí chủ đạo và uy quyền của cha mẹ trong lòng trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên nói dối trẻ, lâu dần sẽ làm trẻ mất đi sự tín nhiệm đối với cha mẹ. Hai bên không có sự tín nhiệm, thì nói gì đến tính hiệu quả trong việc giáo dục?

Hiện nay những lời hứa “suông” như vậy giữa cha mẹ và con cái không hề hiếm gặp. Khi trẻ đã thực hiện được nguyện vọng của cha mẹ, cha mẹ lại vì nguyên nhân nào đó không thể thực hiện lời hứa trước đây với trẻ, trẻ sẽ nhìn nhận về sự thành thật và chữ tín như thế nào.

Có một đứa trẻ viết trong bài văn của mình rằng trong bài kiểm tra giữa kì, cậu bé đạt được 100 điểm, người cha hứa mua tặng cậu bé một chiếc xe đạp mới, kết quả là do thiếu tiền nên không mua được cho cậu bé. Lại có một lần thi cuối kì, cậu bé đạt được 95 điểm môn ngữ văn, mẹ cậu bé hứa cho cậu bé đi ăn KFC, kết quả lại không thực hiện. “Cha mẹ ơi, cha mẹ thường giáo dục con không được nói dối nhưng tại sao cha mẹ lại thường xuyên không thực hiện lời hứa của mình với con?”. Đây chính là tiếng lòng của trẻ.

Nghĩ kĩ chúng ta sẽ thấy lời của cậu bé trên có một đạo lí nhất định. Hiện nay rất nhiều cha mẹ vì mong muốn trẻ chăm chỉ học tập, quen với việc thường xuyên cho trẻ những lời hứa. Cũng có thể cha mẹ chỉ buột mồm nói ra, nhưng trẻ thì vô cùng nghiêm túc. Kết quả của việc không thực hiện lời hứa chính là dạy trẻ không giữ chữ tín, khiến trẻ nghĩ rằng có thể không cần thực hiện lời hứa với người khác.

Lời hứa của cha mẹ đối với trẻ phải có chừng mực, những việc không làm được thì không được nói khoác; những việc không nên đáp ứng nhất định không đáp ứng. Ví dụ, những việc nhỏ như ăn cơm mặc quần áo, hoặc một số việc nhà trong khả năng của trẻ thì trẻ nên tự làm, không được hứa với trẻ khi trẻ làm xong sẽ thưởng trẻ cái gì.

Cha mẹ không được dễ dàng đưa ra lời hứa với trẻ, nhưng một khi đã nói thì phải làm được. Nếu không thì, sau này trẻ sẽ không nghe lời bạn nữa. Câu chuyện Sói đến rồi có thể kể cho trẻ nghe nhưng không thể làm với trẻ.