Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 5 - Phần 7

Không làm người rừng mặc áo complet

Đánh chửi con có thể sẽ giải quyết được một vấn đề nhỏ trước mắt, nhưng lại gây ra tai họa ngầm lớn cho quá trình trưởng thành của trẻ, vết thương sẽ bám theo trẻ suốt đời.

Giáo dục bằng bạo lực có thể khiến con trẻ trở nên phục tùng, nhưng không giúp trẻ trở nên thông minh và hiểu biết hơn; có thể khiến trẻ trở nên nghe lời, nhưng sẽ không khiến chúng trở nên tự giác và có chí tiến thủ - giáo dục bằng bạo lực có thể thu được một số kết quả tạm thời, bề ngoài, nhưng nó phải trả giá bằng sự sa đọa và suy sụp của con trẻ. Trên ti vi có chương trình thảo luận có nên đánh con hay không. Khi hai phe “chủ trương đánh” và “phản đối đánh” tranh luận với nhau, tôi cảm thấy, vấn đề này đưa vào đây để thảo luận, bản thân đã là một chuyện đáng sỉ nhục - giống như một trăm năm trước thảo luận vấn đề có nên áp dụng chế độ một vợ một chồng hay không, phụ nữ có nên bó chân hay không - vì nó đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi, cho thấy xã hội hiện nay vẫn thờ ơ và cho phép bố mẹ “đánh con”.

Văn minh nhân loại phát triển đến ngày hôm nay, nông nghiệp sẽ không quay trở lại thời đốt rừng làm nương, quân sự sẽ không quay trở về thời sử dụng cung tên, búa rìu, y học sẽ không tụt lùi về thời phù thủy làm phép, chỉ có giáo dục gia đình động một tí là quay về thời thô bạo, dã man. Trẻ sống trong cùng một thời đại nhưng ở các gia đình khác nhau, do sự khác biệt trong quan niệm giáo dục của bố mẹ, môi trường sinh thái giáo dục của chúng có sự khác biệt rất lớn từ nguyên thủy đến văn minh.

Đánh con là một hủ tục và một thói xấu. Một người lớn dùng vũ lực để chinh phục trẻ em, cho dù tài sản giàu có, địa vị hiển hách đến đâu, học vấn uyên thâm đến đâu, lý do đánh người đầy đủ đến đâu, đều là những biểu hiện của sự thiếu trí tuệ. Trong giây phút này, bạn tưởng rằng mình mạnh mẽ và chính nghĩa, thực ra là thiếu lý trí, cậy mạnh hiếp yếu; trước mặt con trẻ yếu đuối, bạn hoàn toàn thất thủ về mặt tâm lý, chỉ có thể tìm sự cân bằng cho mình về mặt thể lực - sử dụng bạo lực dưới danh nghĩa của tình yêu, lúc này hành vi của bạn thô lỗ như vậy, chỉ là một người rừng mặc áo complet.

Mọi người đều nói trẻ em hiện nay được nuông chiều từ bé, tưởng rằng con trẻ suốt ngày được ngâm trong đường mật, trên thực tế, hiện tượng bạo lực trong giáo dục trẻ em ở Trung Quốc hết sức nghiêm trọng. Năm 2007, hai giáo sư của trường Đại học Luật Trung Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra “hiện tượng bạo lực trong gia đình”, kết quả cho thấy, gần hai phần ba trẻ em đã từng gánh chịu bạo lực gia đình. Trong số bốn trăm chín mươi tám sinh viên đại học được điều tra, năm mươi tư phần trăm số người thừa nhận mình đã từng bị bố mẹ đánh trong giai đoạn học cấp một, cấp hai, cấp ba.

Trước mặt kẻ yếu, dễ bộc lộ ra tính tình thật của một con người nhất. Rất nhiều người, trong mắt cơ quan, bạn bè, họ đều rất ôn hòa và có giáo dục, chỉ khi đứng trước mặt đứa con thân yêu nhất của mình, họ lại bộc lộ ra sự thô bạo một cách bất tự giác.

Có một đôi vợ chồng, cả hai đều là đồng hương của tôi, hai người đều công tác ở những công ty nổi tiếng tại Bắc Kinh, là dân văn phòng chính hiệu. Viên Viên nhà tôi và con trai họ tuổi xấp xỉ nhau. Điều từ lâu khiến họ không thể chấp nhận được là, tại sao con trai họ lại vô tích sự như vậy. Khi ngồi nói chuyện với nhau, họ luôn than thở thành tích học tập của con mình kém, ý thức kỷ luật kém, tính tình nóng nảy, ngưỡng mộ tôi có cô con gái ngoan, nói số họ hẩm hiu. Tôi biết họ thường xuyên đánh chửi con, luôn khuyên họ không nên đối xử với con như vậy, đồng thời nói với họ rằng con cái có được như ý hay không, không phải là dựa vào việc bốc xổ số để kiếm vận may, mà phải dựa vào giáo dục mới đào tạo được con trẻ. Họ luôn tỏ ra không đồng tình, cho rằng tôi không ở trong chăn, không biết chăn có rận.

Có một lần chị bạn đồng hương đó kể chuyện hồi con chị còn nhỏ, chị nói từ nhỏ con trai chị đã không chịu nghe lời, vào siêu thị đòi mua hết cái này đến cái khác, không mua sẽ nằm lăn ra đất ăn vạ. Chị rất bất bình nói: “Chỉ vì chuyện này, không biết đã đánh nó bao nhiêu lần!”. Nếu đã là “không biết đã đánh bao nhiêu lần”, chứng tỏ vấn đề này không được giải quyết triệt để. Mặc dù vì vấn đề này con trẻ phải chịu rất nhiều trận đòn, nhưng vẫn không có được một quan niệm đúng đắn, không hình thành nên sự lý trí, đứng giữa sự khuất phục và phản kháng không tìm được lối thoát, càng ngày con trẻ càng không biết phải làm sao.

Những vấn đề không thể giải quyết ở con trẻ, đằng sau chắc chắn phải do phương pháp giáo dục của bố mẹ. Đánh chửi là một phương pháp mà các bậc phụ huynh áp dụng nhiều nhất và áp dụng thành thạo nhất, nhưng nó cũng là cách giải quyết vô hiệu quả nhất, mang tính phá hoại nhất.

Mỗi đứa trẻ đều có những lúc “không chịu nghe lời”. Tôi tin rằng sự “không chịu nghe lời” của mỗi đứa trẻ đều không cần phải sử dụng biện pháp đánh chửi để giải quyết.

Tôi cũng đã từng gặp nhiều em vào siêu thị đòi mua đồ. Còn nhớ khi Viên Viên ba, bốn tuổi, một lần cùng tôi vào siêu thị, cô bé muốn mua một loại đồ uống rất màu mè. Có lẽ là do cô bé nhìn thấy có bạn nhỏ khác uống cái này, trong khi tôi lại kiên quyết phản đối. Tôi nói với cô bé bằng giọng rất quả quyết rằng không thể mua cái này, không vệ sinh, bất cứ lúc nào cũng không được uống cái này. Lúc đó cô bé rất tức mẹ vì chuyện này, không chịu rời khỏi chỗ đó, cuối cùng nằm lăn ra đất ăn vạ.

Tôi không tức giận, coi như chuyện cô bé nghịch cát lúc bình thường, đợi cô bé như không có chuyện gì xảy ra. Trong quá trình này tôi vẫn ngó nghiêng các mặt hàng khác, nói chuyện với người bán hàng. Thấy tôi không tức giận, không để tâm đến hành động của cô bé, Viên Viên càng khóc hăng hơn.

Nền nhà rất lạnh, cũng rất bẩn, quần áo của Viên Viên đã lấm lem hết, mọi người đi qua đều nhìn cô bé. Tôi bình thản đứng đợi, không sốt ruột, đợi đến khi cô bé hết khóc, tôi mới ngồi xuống, hỏi với giọng thương lượng, chúng ta đi chứ? Thấy tôi tỏ ra quan tâm, Viên Viên lại bắt đầu khóc, tôi lại đứng dậy như không có chuyện gì xảy ra, đi lại trước mặt cô bé chờ đợi.

Mấy lần như vậy, cô bé không còn hào hứng nữa, tôi lại ngồi xuống mỉm cười hỏi, xong chưa, đi được chưa con? Ý thức ra được rằng có ăn vạ nữa cũng vẫn thế, Viên Viên liền ngoan ngoãn đứng dậy. Tôi kéo tay con, vui vẻ bước đi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi không phê bình Viên Viên câu nào, cũng không giải thích phân tích gì thêm, vì lý do đã nêu ra rồi. Sau lần ấy Viên Viên không còn đòi mua loại đồ uống đó nữa. Hơn nữa, tất cả những gì tôi trả lời một cách kiên quyết là không mua, cô bé sẽ không đòi hỏi nữa, rất nghe lời.

Đối phó với trẻ thực ra đơn giản biết bao, cần gì phải động đến việc đánh chửi. Mỗi lần xung đột nhỏ đều là một cơ hội học tập của chúng, bố mẹ giải quyết một xung đột nhỏ một cách kiên nhẫn và chân thành, cũng chính là giải quyết được hàng loạt vấn đề về sau. Đánh chửi là biện pháp tồi nhất trong giáo dục, tôi không bao giờ tin rằng những người rêu rao tư tưởng “không đánh không nên người”, “roi vọt cho người con hiếu thảo” lại thực lòng nghĩ như vậy. Phương pháp giáo dục dã man này thực ra hoàn toàn không có “yếu tố” giáo dục nào, nó chỉ giúp bố mẹ trút cơn thịnh nộ mà thôi.

Sau đó lại có một lần, anh bạn đồng hương này của tôi trong lúc vô tình đã nói đến chuyện gần đây lại đánh cho cậu con trai đang học cấp hai một trận, vì cậu con làm mất chiếc xe địa hình nhập khẩu hơn một nghìn tệ vừa mới mua xong, xe mới đi được một tháng.

Haizz, đây cũng là lý do để đánh con ư? Lúc này đây tôi nghĩ đến chuyện, tôi vừa mới bỏ ra bảy nghìn tệ để mua một chiếc máy quay phim, ống kính liền bị Viên Viên làm vỡ, thay một cái ống kính phải mất hai nghìn tệ, nhưng tôi không nói cô bé câu nào. Thậm chí ngay cả câu nhắc nhở như “lần sau phải chú ý” cũng không có. Trong tích tắc làm vỡ, con trẻ đã nhìn thấy tôi buồn biết bao, bản thân cô bé cũng rất buồn, thế là đủ rồi. Lẽ nào vì tôi không nhắc nhở và cảnh cáo cô bé một câu, lần sau cô bé sẽ không biết cẩn thận. Bố mẹ không nên nói những lời thừa, con trẻ mới nghiêm túc tiếp thu những câu nói hữu dụng của bạn.

Con trẻ gây tai họa đều là vô tình, tại sao chúng ta không thể tha thứ cho sự vô tâm hoặc những sai phạm bất đắc dĩ của trẻ? Hơn nữa, sau khi gây ra tai họa trong lòng trẻ đã rất đau khổ, cảm thấy rất xấu hổ rồi. Sự đánh chửi của bố mẹ chỉ khiến chúng mất đi lòng tự trọng, cảm thấy người lớn yêu những đồ vật và số tiền mất đi hơn, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ không thông cảm cho mình, trong lòng xuất hiện tâm lý chống đối, đồng thời cũng mất đi cảm giác áy náy, xấu hổ - thường xuyên “giáo dục” con trẻ như vậy, làm sao chúng có thể không biến thành người càng ngày càng không chịu nghe lời, càng ngày càng bất cần?

Tôi cười hỏi đùa anh bạn đồng hương này, lần trước anh mất điện thoại di động, hình như chiếc điện thoại đó rất đắt thì phải, về nhà vợ anh có đánh anh không? Anh biết tôi đang ám chỉ chuyện anh đánh con trai, cười nói: Làm sao có thể đặt chuyện của tôi và con lại với nhau được, nó là trẻ con, tôi là người lớn. Đánh nó là để nó nhớ, là tốt cho nó - trong giáo dục gia đình tồn tại rất nhiều kiểu logic phi lý như thế, đánh con thì nói là “vì muốn tốt cho con”, trút giận thì nói là “giáo dục con”. Đánh người lại còn nói đây là “yêu nên cho roi cho vọt”, để người bị đánh còn phải cảm kích - thật là phi lý!

Đứng trước một người vị thành niên, văn minh lớn nhất của người lớn chính là đứng trên góc độ của con trẻ, cố gắng hiểu những điều trẻ nghĩ trẻ làm, giáo dục, định hướng cho trẻ bằng phương pháp mà chúng sẵn lòng tiếp nhận. Bạn buộc phải coi trẻ là một “con người” để đối xử bình đẳng, chứ không phải coi là một “con người yếu đuối” để chinh phục.

Đương nhiên phụ huynh không phải là thánh nhân, cũng sẽ có sự bột phát trong suy nghĩ vì những vấn đề liên quan đến con trẻ. Nhưng chúng ta nhất thiết không được thích gì làm nấy, phải học được cách kìm chế trước mặt con trẻ, không thể lúc vui thì chiều con lên tận trời xanh, không vui liền đánh chửi thỏa thích. Bố mẹ phải xác định được rằng: Bất kể con lớn bằng ngần nào, trong bất cứ thời điểm nào, vì bất cứ nguyên nhân nào, đều không được đánh chửi con. Cần nhớ rằng, phàm là những vấn đề có thể giải quyết bằng biện pháp đánh chửi, thì phương pháp giáo dục, thái độ ôn hòa cũng có thể hoàn thành.

Đánh chửi con trẻ cũng có thể trở thành một thói quen, khi đã hình thành, cũng sẽ không dễ sửa.

Một vị phụ huynh của em học sinh đang học cấp một đến gặp tôi để tư vấn. Chị thường xuyên đánh con. Chị nói với tôi rằng, mỗi lần đánh con xong đều vô cùng hối hận, nhưng tính tình nóng nảy, cứ gặp chuyện gì mà con làm chị bực mình, liền không kìm chế được. Sau khi gợi mở ra một số điều có liên quan, tôi đã hỏi một số câu khá kích thích chị, hỏi chị xem có thể thành thật trả lời những câu hỏi sau không: Khi lãnh đạo cơ quan làm chị tức giận, chị có chửi ông ta không? Khi anh chị em hoặc đồng nghiệp của chị khiến chị không vui, chị có ra tay đánh họ không? Thực ra, khi chuẩn bị thực hiện một hành động gì, trong tích tắc con người đã phán đoán ra được kết quả của hành động đó. Nếu phụ huynh nói không kìm chế được tính nóng nảy của mình trước mặt con trẻ, thì đó là vì trong lòng chị đã biết rất rõ rằng, đánh con trẻ một trận, vừa được hả giận, đồng thời trẻ sẽ không làm gì được mình. Trước mặt con trẻ, chị là nhân vật có quyền uy, là người chủ, chị không phải quan tâm đến hậu quả của việc đánh người, chính vì thế chị thường “không kìm chế được”.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là mối quan hệ sâu sắc nhất trong cuộc đời mỗi con người, những điều cảm nhận được trong mối quan hệ này, hoặc tốt hoặc xấu, đều sẽ để lại ấn tượng và ảnh hưởng suốt đời cho con trẻ. Tôi đoán vị phụ huynh trên cũng đã từng gặp không ít hành động bạo lực gia đình khi còn nhỏ.

Nếu một đứa trẻ từ nhỏ đã bị đánh, mặc dù bản thân anh ta chính là người bị hại của giáo dục bạo lực gia đình, nhưng sau khi lớn lên rất có khả năng anh ta sẽ dùng chính phương pháp này để đối xử với con cái mình, cũng sẽ không quan tâm đến cảm nhận của con trẻ. Không phải anh ta không yêu thương con mình, mà là không biết yêu, thiếu khả năng yêu. Chúng ta thường nghe người khác nói rằng: Tính nết tôi nóng nảy, hưởng gene di truyền từ bố mẹ. Dường như cái “tính nết” này mang theo từ khi còn trong bụng mẹ. Trên thực tế “tính nết” không phải được di truyền theo dòng máu, mà là sự truyền tải về tâm lý xuất phát từ những trải nghiệm đối với cuộc sống.

Nhà giáo dục Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky nói, “Lớn tiếng quát mắng là một nét đặc trưng cơ bản rất tệ trong mối quan hệ giữa con người với con người. Tất cả những nơi xuất hiện những hành động lớn tiếng trách mắng, sẽ có những hành vi thô lỗ và hiện tượng thờ ơ trong tình cảm. Những đứa trẻ được giáo dục từ những lời trách mắng (trong gia đình còn có những cú đấm), mất đi khả năng cảm nhận được tình cảm tinh tế nhất của người khác, chúng không nhìn thấy cũng không cảm nhận được cái đẹp ở xung quanh, chúng vô cùng lạnh lùng, lãnh đạm, không hề có lòng thương, trong hành vi của chúng có lúc sẽ xuất hiện biểu hiện đáng sợ nhất ở con người - sự tàn nhẫn”(1).

(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Sự chào đời của công dân, Hoàng Chi Thụy, Trương Bội Trâm dịch, NXB Khoa học giáo dục, tháng 4-2002, tr.338.