Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 7 - Phần 1

Chương 7: Hãy thoát ra khỏi những ngộ nhận trong giáo dục

Dòng sông có thể vẽ màu hồng

Viên Viên hiếu kỳ đặt một ngón tay xuống hứng, để nước chảy qua ngón tay. Nước chảy xuống hết rồi, cô bé ngẩng đầu lên trầm trồ: “Nước không có màu gì cả!”.

Khi Viên Viên còn học mẫu giáo, có một học kỳ nhà trường mở một số lớp bồi dưỡng năng khiếu, mỗi tuần học hai buổi, mỗi học kỳ nộp ba trăm tệ, ai thích học thì học. Các bạn nhỏ trong lớp đều thi nhau đăng ký, người này đăng ký lớp múa, người kia thích học hát. Từ nhỏ Viên Viên đã thích học vẽ, cô bé nói muốn học lớp vẽ, chúng tôi liền đăng ký cho con.

Sau khi lớp năng khiếu được mở ra, mỗi tuần Viên Viên mang từ trường về hai bức tranh do cô bé vẽ, đều là những bức tranh vẽ các con vật nhỏ bằng bút chì. Những bức tranh này đều dựa vào những hình cô giáo đã vẽ mẫu để bắt chước, cô giáo chấm điểm ngay trên đó. Qua những bức vẽ của cô bé tôi biết, tiêu chí cho điểm của cô giáo là vẽ giống hay không, vẽ càng giống, điểm sẽ càng cao.

Từ đó trở đi, khi vẽ tranh, Viên Viên bắt đầu cố gắng theo đuổi cái gọi là “giống”. Cô bé rất thông minh, trước yêu cầu của cô giáo, tranh do cô bé vẽ càng ngày càng giống, điểm cũng càng ngày càng cao. Nhưng tôi cũng hơi tiếc khi phát hiện ra rằng, đường nét trong bức tranh cô bé vẽ càng ngày càng rụt rè. Để vẽ cho giống, Viên Viên phải liên tục dùng tẩy để xóa, chỉnh sửa hết lần này đến lần khác. So với những bức tranh phóng khoáng, tự nhiên mà cô bé vẽ ngày trước, có cảm giác câu nệ và thiếu phóng khoáng.

Một thời gian sau, lớp lại bắt đầu học vẽ bút màu, Viên Viên vô cùng phấn khởi. Cô bé thích vẽ tranh màu. Một hôm, cô giáo giao một bài tập về nhà cho trẻ, yêu cầu mỗi người vẽ một bức tranh một buổi đi chơi dã ngoại, nói sẽ chọn một số bức treo ở phòng triển lãm tranh của trường mầm non.

Vừa từ trường về, Viên Viên liền sốt sắng lấy ngay bút màu ra, tìm một trang giấy to để vẽ. Cô bé vẽ rất say sưa, cầm cây bút này lên rồi lại đặt cây bút kia xuống, đến khi chúng tôi gọi ra ăn cơm, cô bé còn không muốn ra. Cô bé chỉ ăn qua loa vài miếng, rồi lại quay ra vẽ. Đợi đến khi tôi rửa bát xong, Viên Viên mới vẽ xong, đắc ý mang ra cho tôi xem. Cảm giác đầu tiên của tôi là cô bé vẽ rất chuyên tâm, phối màu cũng rất đẹp. Ông mặt trời màu đỏ tỏa ánh nắng rực rỡ, giống như một đóa hoa. Lấy nền trắng của giấy làm bầu trời, bên trên có mấy áng mây màu xanh nhạt; phía dưới là thảm cỏ xanh, trên thảm cỏ có mấy cô bé đang nắm tay nhau. Bên cạnh các cô bé có một dòng sông màu hồng, đây là màu mà con gái tôi thích. Để cho mọi người biết đây là dòng sông, cô bé còn vẽ cả làn sóng và mấy chú cá nhỏ.

Nhìn bức tranh của cô bé năm tuổi này, các nét lóng ngóng, non nớt, dùng màu táo bạo, tôi cảm thấy vui vì sự ngây thơ của con gái. Tôi chân thành khen ngợi Viên Viên: “Con vẽ đẹp lắm!”. Được mẹ khen, cô bé tỏ ra rất vui.

Chưa bao giờ Viên Viên lại vẽ chuyên tâm như vậy, tự mình cũng cảm thấy vẽ rất đẹp, cảm thấy khá tin tưởng rằng sẽ được chọn và dán ở phòng triển lãm, liền nói với tôi: “Mẹ ơi, nếu như tranh của con được dán ở phòng tranh thì hàng ngày đến đón con mẹ đều được nhìn thấy”. Tôi nói nhất định ngày nào mẹ cũng phải xem.

Tôi bảo Viên Viên mau cất tranh và đi ngủ, lúc chuẩn bị cho vào ba lô, cô bé sợ có nếp gấp, tôi liền tìm một tờ báo cuộn tranh lại, cô bé cẩn thận đặt vào ba lô.

Chiều hôm sau tôi đi đón Viên Viên, nhìn thấy cô bé vẫn vui vẻ chơi đùa cùng các bạn như mọi bận, nhìn thấy tôi, cô bé liền chạy lại. Lúc tôi dắt tay cô bé ra sảnh lớn, bất chợt cô bé sực nhớ ra điều gì, kéo tay mẹ, ngẩng đầu lên nhìn mẹ, mặt lộ vẻ ấm ức. Tôi hỏi sao vậy, Viên Viên nói, mẹ ơi, tranh của con không được chọn. Nước mắt liền trào ra.

Tôi vội lau nước mắt cho con gái, hỏi tại sao. Cô bé dẩu môi, ngừng một lát, mới lí nhí nói: “Vì con vẽ sông thành màu hồng”. Tôi hỏi: “Vẽ thành màu hồng không được sao?”. “Cô giáo nói sông phải màu xanh cơ, không được vẽ thành màu hồng. Ngoài ra, mây trắng cũng không được vẽ thành màu xanh, con vẽ sai rồi”. Con gái nói với giọng buồn buồn.

Như có một cái gì đó giáng vào lòng tôi, một bức tranh được chọn hay không cũng không quan trọng lắm, nhưng vì lý do này mà không được chọn, và khiến con trẻ phải nói mình “Vẽ sai rồi”, nhận thức này bị rót vào đầu cô bé khiến tôi cảm thấy rất buồn.

Tôi xót xa bế Viên Viên lên, thơm vào má con bé, nói: Không sao đâu con yêu ạ, con đừng để ý, không được chọn cũng không sao. Viên Viên gật đầu với vẻ bất lực.

Tôi đưa Viên Viên về nhà, trên đường đi suy nghĩ xem nên nói gì với con về chuyện này. Tôi hỏi cô bé, con đã nộp tranh cho cô chưa? Cô bé bảo không được chọn thì không phải nộp, con đang để trong ba lô.

Về đến nhà, tôi bảo Viên Viên lấy tranh ra, cô bé rút tranh từ trong ba lô ra, tranh đã bị gấp với rất nhiều nếp gấp.

Tôi bế cô bé lên đùi mình, cùng cô bé ngắm bức tranh này. Tôi hỏi: “Tại sao con lại vẽ sông thành màu hồng?”. Bé nghĩ một lát, lúng búng nói: “Con không biết là tại sao, con chỉ thấy màu hồng đẹp thôi”.

Tôi nói: “Đúng, vẽ tranh là để thấy được vẻ đẹp của tranh, chính vì thế khi nói về một bức tranh, chúng ta thường nói nó đẹp hay không, không thể nói nó sai hay đúng, có đúng không con?”. Nghe vậy, Viên Viên có vẻ tán đồng, gật đầu, đột nhiên lại phủ định nói: “Dòng sông không phải màu hồng, là màu xanh, con vẽ sai rồi”. Tôi hỏi cô bé, sao lại biết dòng sông có màu xanh chứ không phải màu hồng?

Tôi biết trên thực tế cô bé chưa bao giờ nhìn thấy dòng sông cả, kinh nghiệm của cô bé bắt nguồn từ một số bức tranh trong sách vở và quan điểm của cô giáo ngày hôm nay. Viên Viên không trả lời được câu hỏi của tôi, cô bé nghĩ một lát, nói bằng giọng hơi cáu: “Kiểu gì thì cũng là màu xanh mà mẹ”.

Tôi nói, nào, chúng ta sẽ đi xem nước có màu gì, rồi tôi đứng dậy, dắt cô bé vào bếp.

Tôi lấy ra một chiếc bát sứ màu trắng, mở vòi hứng lấy một bát nước, đặt trên bàn, hỏi Viên Viên là màu gì. Cô bé nhìn một lát, có vẻ khó trả lời, rồi lại nhìn tôi, không biết nên nói là màu gì. Tôi hỏi cô bé có phải là màu xanh không, cô bé lắc đầu. Tôi hỏi rốt cục là màu gì, cô bé nghĩ một hồi lâu, ấp úng nói ra hai chữ “màu trắng”.

Tôi lại tìm một chậu nhựa nhỏ màu đỏ, đổ nước vào, hỏi cô bé: “Có phải màu trắng không con?”. Cô bé nhìn chậu nước đỏ, ngượng ngùng, rồi lại nhìn tôi, hỏi với vẻ ranh mãnh “Mẹ bảo là màu gì cơ?”.

Tôi cười, bê chậu nước đỏ lên, đổ nước từ từ vào bình, vừa đổ vừa nói: “Con xem, nước trong suốt, không có màu gì cả, đúng không?”. Nghe tôi nói vậy, Viên Viên hiếu kỳ đặt một ngón tay xuống hứng, để nước chảy qua ngón tay. Nước chảy xuống hết rồi, cô bé ngẩng đầu lên trầm trồ: “Nước không có màu gì cả!”. Vẻ như đã hiểu ra vấn đề. Tôi nói, con nói đúng rồi, và lại quay về với chủ đề chính, đưa cô bé trở lại với bức tranh của mình.

Tôi bế cô bé lên, cầm bức tranh lên, hỏi, thế con bảo, dòng sông nên vẽ màu gì? Viên Viên không nghĩ ngợi gì mà trả lời ngay: “Vẽ không có màu gì cả”. Tôi hỏi: “Thế con nên dùng cây bút nào để vẽ?”. Cô bé đang định nói, nhưng lập tức lại ngắc ngứ, không trả lời được.

Tôi cười, “Không có cây bút nào là không có màu cả, đúng không con?”. Viên Viên gật đầu. Tôi tiếp tục hỏi, “Thế con bảo, rốt cục nên vẽ dòng sông như thế nào?”. Viên Viên chớp chớp mắt, nhìn tôi với vẻ khó hiểu, không biết phải trả lời như thế nào. Đến đây, không thể vẽ dòng sông được nữa. Thấy cô bé ngơ ngác như vậy, tôi bèn thơm lên má con.

Để trả lại cho con màu sắc của dòng sông, tôi buộc phải xóa đi màu của dòng sông trước. Thế là tôi lại chậm rãi nói với Viên Viên rằng: Không ai có thể quy định dòng sông buộc phải vẽ màu xanh, bản thân dòng sông không có màu. Nhưng khi vẽ dòng sông, chúng ta luôn muốn dùng một màu gì đó để vẽ. Nếu vẽ tranh chỉ có thể vẽ màu sắc chân thực, thì chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ tìm được một cây bút có thể vẽ dòng sông, đúng không con? Viên Viên gật đầu.

Tôi tiếp tục nói: Và còn rất nhiều thứ khác nữa, không thể tìm ra được màu sắc của chúng trong hộp bút màu của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn có thể vẽ ra được chúng. Chính vì thế con nên nhớ rằng, một bức tranh chỉ có đẹp hay không đẹp mà thôi, không có đúng hay sai đâu. Con có thể mạnh dạn sử dụng các loại màu sắc - dòng sông có thể vẽ màu hồng, chỉ cần con thích, nó có thể được vẽ bằng bất cứ màu gì.

Giải thích xong vấn đề màu sắc của dòng sông, Viên Viên vui vẻ quay ra chơi. Trong lòng tôi vừa lo lắng vừa cảm thấy bất lực, tôi muốn dùng quan niệm này để gây ảnh hưởng cho con gái, bảo vệ trí tưởng tượng của cô bé. Nhưng tôi đâu dám dẫn một đứa trẻ non nớt đi nghênh chiến với những điều bất cập trong giáo dục. Đơn giản nhất là vấn đề sau này có để cho con tiếp tục theo học lớp học vẽ này nữa hay không.

Nếu tiếp tục học, thì phải nghe lời cô giáo, không thể vẽ dòng sông thành màu hồng. Mỗi lần lên lớp, cô giáo đều ra một cái khung cho con trẻ, trí tưởng tượng của trẻ sẽ bị bóp nghẹt dần dần. Những lớp học vẽ như thế này, chỉ có thể khiến trí tưởng tượng của trẻ ngày càng trở nên nghèo nàn. Nếu không học nữa, khi các bạn nhỏ khác đều được học giờ năng khiếu, con gái ngồi trên ghế thèm thuồng nhìn các bạn đi ra, chắc chắn cô bé sẽ rất tủi thân, làm sao cô bé có thể hiểu được lý do tự nhiên lại bắt cô bé nghỉ học giữa chừng? Làm sao có thể giải thích cho cô bé hiểu sự lo lắng này của tôi?

Tôi than thầm, trong lòng chỉ muốn trường mầm non xóa lớp học vẽ, nếu như thế, dù cho có phải nộp thêm ba trăm tệ nữa tôi cũng sẵn lòng.

Lưu ý đặc biệt

Không ai có thể quy định dòng sông buộc phải vẽ màu xanh, bản thân dòng sông không có màu. Nhưng khi vẽ dòng sông, chúng ta luôn muốn dùng một màu gì đó để vẽ. Nếu vẽ tranh chỉ có thể vẽ màu sắc chân thực, thì chúng ta sẽ mãi mãi không bao giờ tìm được một cây bút có thể vẽ dòng sông.

Một bức tranh chỉ có đẹp hay không đẹp mà thôi, không có đúng hay sai đâu. Con có thể mạnh dạn sử dụng các loại màu sắc - dòng sông có thể vẽ màu hồng, chỉ cần con thích, nó có thể được vẽ bằng bất cứ màu gì.

Không vào lớp tiền tiểu học

Lớp học tiền tiểu học phát triển đến ngày hôm nay, sự tồn tại của nó đã biến thành chứng “tăng sinh xương” trong chương trình giáo dục bình thường. Nhưng cái thừa này hiện tại lại được nhiều người cho là đôi cánh trên lưng thiên thần, cho rằng cái “nhiều” này tốt hơn là “ít”, đây thực sự là một sai lầm!

Một người bà con gọi điện thoại cho tôi, chị đang phải đối mặt với sự lựa chọn có nên cho con học lớp tiền tiểu học hay không.

Con chị chỉ còn thiếu một tháng tuổi nữa là có thể vào lớp một1), nhà trường gợi ý rằng, nếu nộp một khoản tiền thì con chị có thể vào lớp một, nếu không sẽ phải học lớp tiền tiểu học. Mọi người xung quanh chị nói nên học lớp một, có người lại nói nếu phải nộp tiền thì thà đi học lớp tiền tiểu học còn hơn, con trẻ còn được học thêm một năm. Chị không biết quyết định như thế nào. Tôi biết con chị rất thông minh, với trình độ như cháu, học lớp một hoàn toàn không có vấn đề gì. Tôi liền nói với chị, học được lớp một là tốt nhất, nếu không được thì tiếp tục ở lại trường mầm non, đừng đi học lớp tiền tiểu học.

Tôi luôn phản đối cho trẻ đi học lớp tiền tiểu học.

Hầu hết phụ huynh đều không biết được nguồn gốc của lớp tiền tiểu học, thực ra chỉ cần tìm hiểu một chút nguyên nhân ra đời của nó, sẽ phát hiện ra rằng sự tồn tại của nó trong xã hội hiện nay là bất hợp lý.

Lớp tiền tiểu học là một sản phẩm của thời bao cấp ở Trung Quốc.

Nó xuất hiện sớm nhất vào thập niên 1980. Lúc đó tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi đi mẫu giáo ở thành phố đang bùng nổ, nhưng lúc đó trường mầm non tư thục rất ít, nhu cầu đi học mầm non của trẻ không được giải quyết, vì thế đã áp dụng biện pháp để trường tiểu học mở ra một số lớp tiền tiểu học để giải quyết vấn đề giáo dục tiền tiểu học cho một số học sinh - có thể thấy sự xuất hiện của lớp tiền tiểu học chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu giải quyết vấn đề học hành cho học sinh ở độ tuổi mầm non, không phải là sự kế tiếp mang ý nghĩa giáo dục.

Những năm qua kinh tế Trung Quốc đã phát triển khá mạnh, tỉ lệ sinh thấp, hàng loạt trường mầm non tư thục xuất hiện. Vấn đề học sinh đi học trường mầm non không còn gì khó khăn, nhưng lớp tiền tiểu học đã tồn tại hơn hai mươi năm, và từ thành phố lan rộng ra nông thôn, ngày càng danh chính ngôn thuận, dường như là một sự thiết kế hợp lý căn cứ vào nhu cầu học tập của trẻ em. Cá biệt còn có một số địa phương thậm chí là do cơ quan chủ quản giáo dục quy định, tất cả học sinh trước khi vào trường tiểu học đều phải học lớp tiền tiểu học.

Tại sao lại xuất hiện hiện tượng đáng lẽ phải biến mất nhưng lại không biến mất này? Điều này cho thấy nó có nền tảng để tồn tại. Nền tảng này chính là: Nhà trường muốn mở lớp tiền tiểu học, phụ huynh muốn cho con vào học các lớp kiểu này.

Nhà trường mở lớp là do có mục đích rất rõ ràng. Lớp tiền tiểu học không nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc của quốc gia, có thể tự chủ trong việc thu tiền học phí, sinh hoạt phí. Năm 1985, mức giá quy định của thành phố Bắc Kinh là mỗi em ba mươi tệ một tháng, thời kỳ đó mức giá này không hề rẻ. Mấy năm nay giá cả leo thang, đã lên tới vài trăm tệ thậm chí hàng nghìn tệ, cộng với các loại tiền khác, nguồn thu rất khả quan. Cũng có nghĩa là nó là một nguồn thu nhập của trường, là một “miếng thịt béo”. Mặc dù vài năm gần đây một số chính quyền địa phương đã ý thức được sự không cần thiết của lớp tiền tiểu học, ra công văn yêu cầu không được mở mô hình lớp học này, nhưng vì không mạnh tay, các trường tiểu học vẫn được lén lút mở.

Đứng trên góc độ của phụ huynh, phụ huynh muốn cho con vào học lớp tiền tiểu học, phần lớn là do a dua theo phong trào. Một là lầm tưởng rằng lớp tiền tiểu học là bước đệm nối liền trường mầm non và trường tiểu học, như muốn vào lớp ba thì phải học lớp hai vậy; hai là xuất phát từ sự lo lắng về thành tích học tập sau này của con, cho rằng học lớp tiền tiểu học là được “đặt nền móng trước”, là đi trước một bước trong việc học. Điều này giống như việc mà người bà con này của tôi băn khoăn, chị nói, mọi người xung quanh đều cho con học lớp tiền tiểu học, đến khi vào lớp một, đã học hết phiên âm và phép cộng, trừ trong phạm vi một trăm rồi. Nếu con chị không vào lớp tiền tiểu học, nền tảng sẽ không vững bằng các bạn, như thế không phải là tụt hậu một bước so với người ta hay sao.

Suy nghĩ “đặt nền móng” này của người bà con của tôi là khá tiêu biểu, nhưng đây là một sự ngộ nhận của bố mẹ. Một là không hiểu rõ con trẻ cần phải đặt “nền móng” gì, hai là không nắm được tình hình chung về lớp tiền tiểu học.

Tôi nói với chị rằng, nếu bố mẹ bỏ tiền, nhà trường thu tiền, và kết quả là con trẻ tạo được nền móng tốt sau khi học lớp tiền tiểu học, vượt được bạn bè thì cũng rất đáng để làm. Nhưng qua thực tế của mấy năm gần đây thì thấy rằng, kết quả hoàn toàn ngược lại, đúng là giáo dục tiền tiểu học đã tạo được một “nền móng” cho trẻ, nhưng thường là nền móng xấu.

Qua điện thoại tôi có thể cảm nhận được sự kinh ngạc của người bà con, có thể đây là lần đầu tiên chị nghe thấy cách nói “nền móng xấu”. Chị không thể ngờ rằng, cho con theo học lớp tiền tiểu học lại đem lại kết quả xấu. Thực tế những điều mà chị không nghĩ tới cũng là điều mà hầu hết các bậc phụ huynh đều không nghĩ tới, vì thông thường họ không nắm được tình hình sau:

Hiện nay Bộ giáo dục Trung Quốc chỉ đưa ra ý kiến mang tính chỉ đạo đối với lớp tiền tiểu học, không thống nhất khung chương trình và giáo trình giảng dạy đối với các lớp này. Chính vì thế, lớp tiền tiểu học dạy thế nào, hoàn toàn là do trường tiểu học tự quyết định, hoặc là dựa vào cảm nhận của giáo viên. Mặc dù lớp tiền tiểu học đem lại lợi ích kinh tế cho trường tiểu học, nhưng do tính chất không phải là giáo dục bắt buộc của nó, thành tích dạy học của lớp tiền tiểu học không cần phải tính vào thành tích dạy học chung của cả trường, thông thường nhà trường không coi trọng mảng giáo dục này.