Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 7 - Phần 2

Trong quá trình quảng cáo tuyển sinh, gần như tất cả các lớp tiền tiểu học đều nói, nhà trường sẽ bố trí một đội ngũ giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm cho lớp tiền tiểu học. Nhưng trên thực tế, lớp tiền tiểu học “ăn nhờ ở đậu” trong trường tiểu học thường bị gạt ra rìa. Ngoài việc thiết bị dạy học khá đơn giản, điều quan trọng hơn là, nhà trường sẽ không bố trí giáo viên giỏi cho các lớp này. Theo những gì mà tôi đã từng chứng kiến, từng được nghe nói, những giáo viên mà nhà trường cử ra để dạy lớp tiền tiểu học thường là những người dạy không tốt, hoặc quan hệ với lãnh đạo không ra gì. Hiệu trưởng không thể cho họ nghỉ việc, thế là liền giao cho họ dạy lớp tiền tiểu học.

Cũng có trường thiếu giáo viên, liền thuê một số giáo viên đã nghỉ hưu ở ngoài. Thông thường người ta cho rằng, giáo viên nghỉ hưu “giàu kinh nghiệm”. Nhưng trên thực tế, họ không có nghiên cứu gì nhiều về phương pháp giáo dục dành cho trẻ em trước độ tuổi đi học. Cái gọi là “kinh nghiệm” chỉ là một số phương pháp dạy học sinh tiểu học năm xưa. Hơn nữa mấy chục năm qua, do yêu cầu của Bộ giáo dục đối với giáo viên tiểu học không cao, rất nhiều giáo viên có tố chất văn hóa hoặc tố chất giáo dục khá thấp. Tuổi nghề của họ có thể là bốn mươi năm, nhưng không có nghĩa là có “bốn mươi năm kinh nghiệm dạy học”. Những kinh nghiệm đó vốn không thích hợp lắm với học sinh tiểu học, càng không thích hợp với các em trước độ tuổi đi học.

Chính vì thế “lớp tiền tiểu học” hiện nay không phải là “giáo dục tiền tiểu học” theo ý nghĩa của giáo dục học, về cơ bản nó chính là bản thu nhỏ của lớp một. Mặc dù số giờ học của lớp tiền tiểu học ít hơn lớp một một chút, thời gian trẻ chơi đùa chiếm nhiều hơn, thời gian đi học và tan học cũng tự do hơn các em lớp một, nhưng mô hình giáo dục tổng thể và khuynh hướng lựa chọn giá trị lại giống như lớp một.

Xét về hình thức lên lớp, mỗi em học sinh đều có một bàn học cố định của mình, có bài tập; xét về nội dung, chủ yếu là học phiên âm, viết chữ, từ tiếng Anh, phép cộng trừ trong phạm vi một trăm… Giáo viên luôn yêu cầu học sinh phải ngoan ngoãn ngồi đúng vị trí, nghiêm túc nghe giảng, hàng ngày yêu cầu học sinh phải viết chữ mới và phiên âm vào vở, đồng thời chấm điểm cho học sinh, thậm chí còn bố trí bài tập về nhà. Mục tiêu của giáo viên là rèn cho trẻ biết nghe lời, nhận được một số mặt chữ, viết bài tập thẳng hàng. Điều này khiến giáo viên cảm thấy mình đã đạt được một số thành tích, những “thành tích” này thường cũng được lãnh đạo nhà trường và phụ huynh công nhận. Đặc biệt là phụ huynh, cảm thấy trước khi vào lớp một con mình đã nhận được mặt chữ và biết làm bài tập, cho rằng con mình không “thua trên vạch xuất phát”.

Nhưng tất cả những điều này là “thắng” hay sao?

Cách học máy móc, không hề có tính sáng tạo và phát hiện niềm hứng thú của lớp học tiền tiểu học, kể cả áp dụng vào các lớp cao của khối tiểu học, cũng rất cứng nhắc, huống chi là áp dụng vào các em chưa đi học. Lớp học tiền tiểu học có lên lớp, có kỷ luật, có bài tập, nhưng lại không có hoạt động trí tuệ. Hoạt động dạy học của lớp tiền tiểu học chủ yếu bắt học sinh phải lao động trí óc một cách biến dạng, tiêu cực. Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky nói: “Phàm là những nơi không để trẻ em hàng ngày phát hiện ra mối liên hệ nhân quả giữa các hiện tượng trong thế giới xung quanh, tính hiếu kỳ và lòng ham hiểu biết của trẻ sẽ bị dập tắt”(1) - mất đi tính hiếu kỳ và lòng ham hiểu biết là điều cực kỳ nguy hiểm đối với việc học tập của trẻ.

(1) Theo quy định, tuổi đi học lớp một của học sinh Trung Quốc là tròn sáu tuổi (tính đến ngày 1-9 của năm em đó đi học). Cũng có nghĩa là, những em sinh trước 1- 9 mới được vào lớp một của năm đó, những em sinh sau 1-9 phải lùi lại một năm (ND).

Cũng có nghĩa là, xét về tình hình chung của “lớp tiền tiểu học” của Trung Quốc hiện nay, không những không căn cứ vào tình hình phát triển tâm sinh lý của trẻ để chúng tiến thêm một bước về trí tuệ, thói quen, tính sáng tạo, mà còn gây trở ngại cho các vấn đề này. Chính vì vậy, lớp tiền tiểu học phát triển đến ngày hôm nay, sự tồn tại của nó đã biến thành chứng “tăng sinh xương” trong chương trình giáo dục bình thường. Nhưng cái thừa này hiện tại lại được nhiều người cho là đôi cánh trên lưng thiên thần, cho rằng cái “nhiều” này tốt hơn là “ít”, đây thực sự là một sai lầm!

Mong con trẻ thắng trên vạch xuất phát, thực tế là trói chặt đôi chân của trẻ đến mức tê liệt trên vạch xuất phát.

Tôi nói sơ qua với người bà con những điều trên, chị có phần hiểu, nhưng vẫn hơi lo lắng. Chị nói: Chị cũng đã từng đọc một số sách, nói giáo dục trẻ em giai đoạn sớm rất quan trọng, nói là nếu không làm tốt giáo dục vỡ lòng, sau này con trẻ học hành sẽ rất chật vật.

Tôi hiểu ý chị, bèn nói, chị nói đúng, giáo dục trẻ em giai đoạn sớm rất quan trọng, một người được giáo dục vỡ lòng ngay từ sớm hay không, trình độ trí tuệ của anh ta sẽ có sự khác biệt rất lớn. Giáo dục vỡ lòng bắt đầu càng sớm càng tốt, thậm chí có người từng nói rằng, nếu bạn bắt đầu giáo dục trẻ từ ngày thứ ba sau khi trẻ chào đời thì bạn cũng đã chậm hai ngày rồi. Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky nói, “Huấn luyện trí tuệ bắt đầu từ thời điểm càng xa với thời gian chào đời của trẻ, thì đứa trẻ này càng khó giáo dục”(2). “Huấn luyện trí tuệ” mà ông nói tới ở đây đồng nghĩa với “giáo dục vỡ lòng”.

(2) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.323.

Hiện giờ điều mà chúng ta cần phải thảo luận là, học ở lớp tiền tiểu học là “giáo dục vỡ lòng” ư?

Về mặt hình thức, giáo dục vỡ lòng tốt phải mang tính trò chơi, không có gì trói buộc, phong phú, liên quan với cuộc sống. Trong nội hàm cần có hàng loạt chức năng khai sáng trí tuệ như huấn luyện kỹ năng, phát triển ngôn ngữ, gợi mở trí tưởng tượng… Nhưng công tác dạy học ở lớp tiền tiểu học hiện nay nóng vội trong việc muốn trẻ nắm được các kiến thức trong sách vở và kiến thức thi cử. Bàn học đã hạn chế sự tự do của trẻ, nội dung học mang tính khép kín đã trói buộc trí tưởng tượng của trẻ, phương thức dạy học đã đi ngược lại với bản tính của trẻ, những bài tập vô vị đã làm trẻ mất đi lòng nhiệt tình đối với việc học - đó là một cách học mang tính vụ lợi, mang tính nô dịch, nó khiến trẻ cách xa huấn luyện trí tuệ, đi về mặt trái của “giáo dục trí tuệ”, là hành vi phản giáo dục trí tuệ, cùng lắm nó chỉ được gọi là “học trước”, chứ không thể gọi là “giáo dục vỡ lòng”.

Người họ hàng của tôi im lặng ở đầu bên kia điện thoại, có lẽ chị đang suy nghĩ điều gì. Một lát sau, chị nói, lần đầu tiên chị được nghe thấy cách phân tích như thế này, chị cần phải được tiêu hóa từ từ. Chỉ có điều vẫn còn một vấn đề - chị ngập ngừng một lát, sau đó nói: Không chỉ là nghe người khác nói, bản thân chị cũng được tận mắt nhìn thấy một số em đã từng học lớp tiền tiểu học, sau khi vào học, các em vẫn giỏi hơn những em không đi học.

Đúng là có chuyện như vậy, đây chính là điều mà tôi chuẩn bị nói với chị.

Tôi nói, em hiểu cái “giỏi” mà chị nói ở đây là nhận biết mặt chữ, tính toán và thi, nhưng sự phán đoán này rất phiến diện. Hiện nay vấn đề lớn nhất tồn tại trong giáo dục tiểu học là mô hình dạy học và khuynh hướng lựa chọn giá trị. Từ nhà trường đến giáo viên và cuối cùng là phụ huynh, mọi người đều không hiểu rõ phương pháp và mục đích, lý giải một cách bề mặt các vấn đề giáo dục, hình thành nên một số cách phán đoán giá trị dị dạng và nông cạn trong giáo dục trẻ em. Và công tác dạy học ở lớp tiền tiểu học đã hùa theo khuynh hướng lựa chọn giá trị sai lầm này, để trẻ sớm tỏ ra “thành thạo” trong việc làm bài tập, thi cử hoặc giữ kỷ luật. Nhưng đó là “giỏi” ư?

Tạm thời không nói trong sự “thành thạo” này bao hàm bao nhiêu hành vi phản giáo dục, để lại bao nhiêu hậu họa, chỉ riêng những cái gọi là “thế mạnh trong học hành” mà trẻ biểu hiện ra cũng ngắn ngủi, trạng trái không duy trì được bao lâu. Chiến lược bồi dưỡng cả đời một con người cũng như chiến lược chạy dài, người lúc đầu chạy trước không có nghĩa sẽ mãi mãi dẫn đầu. Nếu không tin có thể vào các lớp ba, lớp bốn để điều tra, sự khác biệt về thành tích học tập của các em có mối quan hệ nhân quả với vấn đề có tham gia lớp học tiền tiểu học hay không.

Những lời phân tích của tôi có thể đã làm chị động lòng, chị nói, ừ, hình như đúng là như vậy, tại sao lại như thế nhỉ?

Tôi nói, trong giáo dục đã có phát hiện như thế này từ lâu, nếu trong quá trình học, trẻ em không thông qua sự nỗ lực của mình để giải quyết một số vấn đề, không cảm nhận được niềm vui của việc khắc phục khó khăn, mà chỉ nhai đi nhai lại những cái đã biết, sẽ khiến chúng trở nên lãnh đạm và có thái độ khinh miệt đối với tri thức. Những em đã từng học “lớp tiền tiểu học” sẽ nắm trước được một số kiến thức so với các em khác; vậy thì các em sẽ không có cảm giác mới mẻ, hứng thú phát hiện cái mới, khắc phục khó khăn. Các em rất dễ trở nên nông nổi, không chăm chỉ trong học tập. Người lớn tưởng rằng học lại một lần những cái đã học, cái gốc của con trẻ sẽ chắc hơn, thực tế lại thường không như vậy.

Hơn nữa, do trình độ của đội ngũ giáo viên ở các lớp tiền tiểu học khá kém, hầu hết giáo viên có tố chất không cao, phương pháp dạy học không phù hợp, dễ gây ảnh hưởng tiêu cực cho con trẻ, khiến trẻ chán học, dễ khiến trẻ mất hứng thú đối với chuyện học, thậm chí nảy sinh tâm lý sợ hãi. “Hứng thú chính là thiên tài”, trong học tập có sự “thông minh” hoặc “chạy trước” nào địch được với hai chữ “hứng thú” này? Chính vì vậy, “thái độ học tập” và “hứng thú học tập” mới là những thứ quý giá nhất, mới là “nền móng” quan trọng nhất, tiềm năng và trí tuệ mà trẻ thể hiện trong tương lai cũng bắt nguồn từ hai phương diện này; và cách giáo dục muốn mau chóng thành công lại biến trẻ thành một quả pháo hoa, chỉ có thể rực rỡ trong thời gian rất ngắn.

Xem ra những gì tôi nói đã ảnh hưởng thực sự đến người bà con, chị nói, lúc đầu suy nghĩ của chị cũng rất đơn giản, không có ý định để cho con học được bao nhiêu kiến thức trong lớp tiền tiểu học, chỉ có điều học ở trường mầm non là chơi, ở lớp tiền tiểu học cũng là chơi, lớp tiền tiểu học ít nhiều gì thì cũng còn học được một số thứ, học được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Hiện giờ xem ra, kể cả là nghĩ như vậy, cũng không cần thiết phải cho con theo học ở lớp tiền tiểu học nữa ư?

Suy nghĩ ban đầu này của chị quả thực rất phổ biến. Có lẽ rất nhiều phụ huynh cũng nghĩ như vậy. Cho rằng lớp tiền tiểu học “ít nhiều cũng học được một số thứ”. Suy nghĩ này bao hàm một sự ngộ nhận rất điển hình trong giáo dục hiện nay, đó chính là coi nhẹ quyền chơi đùa của trẻ. Coi chơi đùa là cái vô giá trị, cho rằng chơi đùa có thể ít có thể nhiều, có thể có có thể không, cho rằng “học kiến thức” là có giá trị, học bao giờ cũng tốt hơn là không học. Những bậc phụ huynh có quan điểm này không biết rằng, đối với những đứa trẻ đang còn non nớt, sự trưởng thành về trí tuệ không phải được tiến hành trước bàn học, mà nằm trong quá trình chơi.

Trong cuốn sách Emile của mình, Jean-Jacques Rousseau đã đề ra một nguyên tắc giáo dục “táo bạo nhất, quan trọng nhất và hữu dụng nhất”, tức trong việc học tập của trẻ giai đoạn đầu, “Không những không nên tranh thủ thời gian, mà còn buộc phải để thời gian trôi qua một cách thoải mái”(3). Điều mà ông nhấn mạnh là, cần phải để con trẻ được chơi trò chơi một cách thoải mái, phản đối việc dùng thời gian học để lấp kín thời gian chơi trò chơi của trẻ. Đối với việc dạy học ở lớp tiền tiểu học hiện nay, cho dù bạn có đặt ra yêu cầu học tập đối với trẻ hay không, chỉ cần đưa trẻ vào lớp tiền tiểu học, môi trường này sẽ tước đoạt quyền chơi đùa của trẻ.

(3) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.323.

Trẻ em tuổi càng nhỏ, tính cấp bách của giáo dục vỡ lòng càng lớn, càng cần phải có một môi trường phát triển trí tuệ tốt. Thời gian vàng phát triển trí tuệ của trẻ bị cướp đi một năm, sau này không biết sẽ có bao nhiêu tổn thất. Tâm lý học cho rằng thời kỳ tốt nhất để phát triển trí tuệ của trẻ em là trước sáu tuổi, xét về ý nghĩa này “thời gian thực sự là vàng là bạc”, làm sao chúng ta có thể biến quãng thời gian quý như vàng này thành một thanh sắt rỉ. Cho dù chỉ là chơi đùa thuần túy không phải học gì hết, cũng tốt hơn là việc “học trước” đi ngược lại với bản tính của trẻ.

Trên thực tế, vấn đề tồn tại ở các lớp tiền tiểu học hiện nay đã bắt đầu được mọi người chú ý, vài năm gần đây các địa phương thi nhau xóa bỏ lớp tiền tiểu học. Thành phố Bắc Kinh đã ra công văn, quyết định sẽ từng bước xóa bỏ lớp tiền tiểu học trước năm 2010. Quyết định này rất tốt, nhưng không hiểu sao phải tiến hành chậm như vậy, có lẽ là do có quá nhiều vấn đề lợi ích dính dáng vào chăng.

Đầu năm 2008, một tờ báo ở Bắc Kinh đã phối hợp với một kênh giáo dục Internet nổi tiếng tiến hành một cuộc điều tra, kết qua cho thấy, trong vấn đề có nên học lớp tiền tiểu học hay không, chỉ có mười tám phần trăm phụ huynh cho rằng “không cần thiết phải học”, và trên năm mươi phần trăm phụ huynh cho rằng nên cho con theo học lớp tiền tiểu học - con số này quả là rất lớn, có thể tưởng tượng, đằng sau nó, là một thị trường béo bở biết bao.

Hiện tại không chỉ mỗi trường tiểu học mới mở lớp tiền tiểu học, một số nơi khác như cung thiếu nhi, cơ sở dạy thêm tư thục cũng tổ chức. Tiểu học hóa trường mầm non, đây thậm chí đã trở thành “nét đặc sắc” của rất nhiều trường mầm non, những trường mầm non này, khi nói đến thế mạnh của trường mình, sẽ lấy các nội dung như “dạy học song ngữ”, dạy nhận biết mặt chữ, toán học... làm trọng điểm để tuyên truyền.

Mệnh lệnh hành chính có thể khiến lớp tiền tiểu học hiện nay biến mất, nhưng có thị trường như thế này, chắc chắn nó sẽ xuất hiện những biến chủng mới, diện mạo mới. Trong lúc chính quyền thành phố Bắc Kinh quyết định từng bước xóa bỏ lớp tiền tiểu học, trường dạy thêm nổi tiếng của thành phố “Trường học Vĩ Nhân” lại bắt đầu quảng cáo tuyển sinh “lớp tiền tiểu học bán trú”, qua danh mục các môn học mà họ cung cấp có thể thấy, cũng là lấy việc học văn hóa làm nội dung chính. Kế hoạch PR của trường học này thực hiện rất tốt, họ luôn nắm bắt được trái tim của phụ huynh.

Giáo dục vỡ lòng có thể khiến con trẻ trở thành thiên tài, trong khi việc “học trước” không thích hợp chỉ có thể biến trẻ thành kẻ bất tài. Mục đích của việc phản đối “lớp tiền tiểu học”, là muốn trả lại cho trẻ chương trình giáo dục tốt trước khi đi học.

Sau cuộc nói chuyện dài qua điện thoại với người họ hàng, cuối cùng đã khiến chị tin rằng không nên cho con theo học lớp tiền tiểu học, tôi cảm nhận được sự hài lòng của chị, tâm trạng rất vui, điều này cũng khiến tôi rất vui.

Vừa cúp máy, tôi lại nhận được một cú điện thoại của một người bà con khác.

Người bà con này gọi điện đến để trách tôi.

Hồi đầu tôi cũng tư vấn cho chị vấn đề không nên cho con theo học lớp tiền tiểu học, tôi nói với chị rằng không nên học, đồng thời khuyên chị nên mua nhiều sách, bồi dưỡng cho con niềm say mê đọc sách. Hiện giờ con chị đã lên lớp ba. Nghe chị nói cậu bé này chữ viết không đẹp, làm bài tập cẩu thả; suốt ngày chỉ thích đọc sách. Giọng chị tỏ ý phàn nàn vì không cho con theo học lớp tiền tiểu học, không học viết chữ trước; nói con hàng xóm nhà chị học lớp tiền tiểu học, tạo được nền móng tốt, chữ viết đẹp hơn chữ con chữ, học giỏi hơn con chị.

Tôi hỏi kỹ lưỡng tình hình của con chị và hỏi cả vấn đề chị gần gũi, chuyện trò với con như thế nào, trong lòng về cơ bản đã hiểu ra vấn đề.

Phụ huynh hễ sốt ruột là liền quy kết không đúng, giống như một người không may giẫm chân xuống một rãnh nước, nhưng lại trách tất đi không đúng màu. Tôi rất hiểu sự sốt ruột của chị, cũng muốn giúp chị thật lòng, chính vì thế buộc phải phê bình chị.

Tôi nói, hiện giờ con trẻ không thích học, làm bài tập không cẩn thận, đây không phải là vì không theo học lớp tiền tiểu học, mà vì kể từ khi cháu vào lớp một, chị đã quá coi trọng chuyện làm bài tập, thi cử. Chị quá căng thẳng trong những vấn đề này, luôn nghiêm khắc phê bình con, khiến con cảm thấy gánh nặng về tinh thần quá lớn, nảy sinh tâm lý phản kháng. Điểm này chị cần phải thay đổi.

Người họ hàng này vẫn nói với giọng đầy trách móc rằng, tôi cảm thấy nó không được đặt nền móng tốt, không hào hứng với việc học, từ sáng đến tối chỉ thích đọc sách linh tinh, kiếm được một tờ báo cũng đọc cả nửa ngày. Trước đây chị nói với tôi rằng, những đứa trẻ thích đọc sách sẽ làm văn hay; nhưng nó không thích làm văn, cũng không thích viết nhật ký, nói chung là không thích viết chữ.

Tôi nói, con trẻ có niềm say mê đọc sách và cái gốc như vậy, đáng lẽ phải thích làm văn, biết cách làm văn, hiện giờ chỉ là quá sợ vì những lời chỉ trích thường xuyên của chị. Hơn nữa chị không hiểu được giá trị của việc đọc sách, khi nói đến chuyện con thích đọc sách, giọng chị tỏ ra chán chường và bất lực. Trên thực tế, con trẻ thích đọc sách, sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc học ba lớp tiền tiểu học, đáng lẽ chị phải thấy may mắn vì điều đó mới phải.

Người bà con nói, thành tích học tập của nó không bằng những đứa đã từng theo học lớp tiền tiểu học, đây là thực tế rất rõ ràng.

Tôi hỏi, chị đã bao giờ điều tra chưa, trong lớp cháu có bao nhiêu em đã từng học lớp tiền tiểu học, có bao nhiêu em không học; có phải là tất cả những em đã từng học đều có thành tích tốt hơn những em không học không? Những em đi học lớp tiền tiểu học mà thành tích tụt hậu là vì sao? Những em không đi học mà học vẫn giỏi là vì sao?

Chị không trả lời được.

Tôi nói, thành tích cao hay thấp là một vấn đề khá phức tạp, không thể do một nhân tố đơn lẻ nào đó gây ra. Hiện nay con chị đã học lớp ba, tôi có thể khẳng định, nếu con chị trước đó có đi học lớp tiền tiểu học, trong khi các nhân tố giáo dục khác xung quanh trẻ không thay đổi, thì tình hình của cháu cũng sẽ vẫn như hiện nay thôi. Cũng còn may là cháu thích đọc sách, có được nền móng như vậy, chỉ cần bố mẹ và giáo viên không làm cháu mất tự tin, không ngăn cản việc đọc sách của cháu, thế mạnh của cháu dần dần sẽ bộc lộ ra.

Tôi lại phân tích thêm rằng, vấn đề hiện nay của con trẻ rõ ràng là thiếu hứng thú học tập và thiếu sự tự tin. Chính vì thế, muốn thay đổi tình hình này chỉ có thể bắt tay từ việc tạo cho trẻ niềm hứng thú và sự tự tin, phương pháp quan trọng nhất là, bố mẹ không nên suốt ngày chỉ phê bình, càu nhàu và can thiệp vào việc học của con trẻ, cần khích lệ và khen ngợi trẻ.

Thấy tôi nói như vậy, người bà con này cuối cùng đã nói từ nay sẽ phải chú ý phương pháp giáo dục con, không nên thô bạo như vậy nữa. Nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng chị không tự tin vào mình và con. Nghĩ đến việc muốn cải thiện phương pháp giáo dục, bố mẹ phải bắt đầu từ những việc cụ thể và các chi tiết nhỏ, tôi dặn đi dặn lại người bà con này rằng, gặp vấn đề cụ thể nếu không biết phải làm thế nào, chị cứ gọi điện thoại cho em để bàn bạc. Tôi nghĩ đây là biện pháp trực tiếp nhất mà mình có thể giúp chị.

Tôi rất muốn đưa ra những lời kiến nghị cho các bậc phụ huynh khác, tuy nhiên, có rất nhiều cái, buộc phải để bố mẹ tự mình suy nghĩ, lý giải. Ví dụ chuyện có nên theo học lớp tiền tiểu học hay không.

Lưu ý đặc biệt

Bàn học đã hạn chế sự tự do của trẻ, nội dung học mang tính khép kín đã trói buộc trí tưởng tượng của trẻ, phương thức dạy học đã đi ngược lại với bản tính của trẻ, những bài tập vô vị đã làm trẻ mất đi lòng nhiệt tình đối với việc học - đó là một cách học mang tính vụ lợi, mang tính nô dịch, nó khiến trẻ cách xa huấn luyện trí tuệ, đi về mặt trái của “giáo dục trí tuệ”, là hành vi phản giáo dục trí tuệ, cùng lắm nó chỉ được gọi là “học trước”, chứ không thể gọi là “giáo dục vỡ lòng”.

Cho rằng lớp tiền tiểu học “ít nhiều cũng học được một số thứ”. Suy nghĩ này bao hàm một sự ngộ nhận rất điển hình trong giáo dục hiện nay, đó chính là coi nhẹ quyền chơi đùa của trẻ. Coi chơi đùa là cái vô giá trị, cho rằng chơi đùa có thể ít có thể nhiều, có thể có có thể không, cho rằng “học kiến thức” là có giá trị, học bao giờ cũng tốt hơn là không học. Những bậc phụ huynh có quan điểm này không biết rằng, đối với những đứa trẻ đang còn non nớt, sự trưởng thành về trí tuệ không phải được tiến hành trước bàn học, mà nằm trong quá trình chơi.

Giáo dục vỡ lòng có thể khiến con trẻ trở thành thiên tài, trong khi việc “học trước” không thích hợp chỉ có thể biến trẻ thành kẻ bất tài. Mục đích của việc phản đối “lớp tiền tiểu học” là muốn trả lại cho trẻ chương trình giáo dục tốt trước khi đi học.