Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 7 - Phần 3

Bài tập bạo lực chính là “tai nạn giáo dục”

Bài tập bạo lực có ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự tin, ý chí, phẩm chất đạo đức của trẻ em. Tác dụng xấu của nó không đơn giản như mặc thừa một chiếc áo thì hơi nóng, ăn thêm một cái bánh thì quá no. Nó có thể làm thay đổi trạng thái của sự việc, khiến con trẻ mắc một căn bệnh mãn tính gọi là “chán học”, làm chúng mất đi chí tiến thủ, nuốt chửng tính sáng tạo, xóa đi cảm giác hạnh phúc của chúng, trong đó “tính bạo lực” thậm chí còn có thể phá hoại đạo đức của trẻ.

Người ta luôn cho rằng, bài tập mà giáo viên bố trí đều là đúng đắn, đều cần thiết cho việc học, học sinh đều phải hoàn thành nghiêm túc. Thực tế là, hiện nay con trẻ phải làm quá nhiều bài tập không hiệu quả. Đâu chỉ mỗi không hiệu quả, mà còn phản tác dụng. Những bài tập này thật sự vô vị, nó làm trẻ mất hứng thú trong việc học, gây trở ngại cho sự phát triển trí tuệ của trẻ, trở thành những thứ phản giáo dục. Tôi gọi loại bài tập này là “bài tập bạo lực”.

Bài tập bạo lực chủ yếu gồm ba loại sau.

Loại thứ nhất là số lượng lớn.

Xin hãy nhìn một lần bài tập ngữ văn rất bình thường của một em học sinh lớp một. Năm chữ mới cộng với phiên âm, mỗi chữ viết hai mươi lần, vở A, B mỗi cuốn viết một lần, tổng cộng phải viết hai trăm phiên âm, hai trăm chữ Hán. Ngoài ra còn đặt ba câu. Nếu ngày đầu tiên trong vở viết chữ mới có chữ viết sai, lại phải viết ba dòng chữ viết sai đó nữa, tức là viết sai một chữ sẽ phải viết thêm ba mươi phiên âm, ba mươi chữ Hán, ngày đầu tiên sai hai chữ, thì phải viết sáu mươi phiên âm, sáu mươi chữ Hán - đây chỉ là bài tập môn ngữ văn. Bài tập môn toán, tiếng Anh cũng không ít, về số lượng không hề kém chút nào. Thử nghĩ xem một buổi tối trẻ phải viết bao nhiêu thời gian trong khi trẻ mới học lớp một.

Loại thứ hai là mang tính trừng phạt.

Tôi đã từng nhìn thấy bài kiểm tra môn ngữ văn của một em học sinh lớp tám, trên đó có một số chỗ sai, bài tập của ngày hôm đó là sửa lại cho đúng tất cả những chỗ sai trong bài kiểm tra, mỗi đáp án đúng phải viết hai mươi lần. Ví dụ một chữ viết không đúng, phải viết lại hai mươi lần chữ này, thế vẫn còn là tốt, nếu giải thích sai một thành ngữ, thì phải viết lại thành ngữ này hai mươi lần. Ví dụ trong một đoạn văn mà giáo viên đọc cho học sinh chép có hai câu trở lên không viết đúng, hoặc viết sai năm chữ trở lên, thì bị coi là sai toàn bộ, phải chép lại đoạn văn này hai mươi lần.

Lượng bài tập của những học sinh có điểm cao và học sinh có điểm thấp cách biệt nhau rất lớn. Rõ ràng, dụng ý của giáo viên là để học sinh biết, làm bài không tốt, sẽ không được yên thân.

Thứ ba là sự đánh giá ác ý.

Khi Viên Viên học cấp hai, một cô giáo tiếng Anh của cô bé, mỗi lần kiểm tra từ mới, chỉ cần học sinh viết sai một từ, liền cho “0” điểm. Viên Viên cũng không ít lần bị điểm 0. Có thể cô giáo muốn thông qua cách này để học sinh biết rằng, nếu không muốn ăn điểm 0 thì chỉ có thể giành 100 điểm. Đây lẽ nào không phải là một lối tư duy rất nực cười hay sao? Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky nói: “Chỉ khi mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh được xây dựng trên nền tảng tin tưởng lẫn nhau và có ý tốt, việc cho điểm mới có thể trở thành yếu tố kích thích, thúc đẩy học sinh tích cực lao động trí óc”(1). Kiểu đánh giá ác ý này chỉ khiến cho học sinh càng không nghiêm túc trong bài kiểm tra. Học sinh phát hiện ra rằng, bài kiểm tra kiểu này, viết sai một từ mới và chỉ viết đúng một từ mới có số điểm như nhau, mọi người cũng không còn quan tâm đến việc đúng mấy từ hoặc sai mấy từ nữa.

(1) Jean-Jacques Rousseau, Emile, Lý Bình Âu dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.93 (Bản dịch tiếng Việt Jean-Jacques Rousseau, Emile hay là về giáo dục Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, NXB Tri thức, xuất bản tháng 7 -2008, 692 trang).

Ba kiểu bài tập bạo lực này thường đi liền với nhau, giống như ba thói tham lam, ích kỷ, đố kỵ thường song hành với nhau vậy. Nó không những khiến trẻ đau khổ trong cuộc sống hiện tại, mà còn phá hoại niềm hứng thú và ý chí học tập của trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm, thái độ học tập của trẻ trong suốt cuộc đời.

Mỗi đứa trẻ trong giai đoạn mới đi học đều vô cùng mong đợi cuộc sống nhà trường, đầy sự hiếu kỳ và khát vọng đối với việc học, bạn hãy nhìn xem, giai đoạn đầu, khi mới tiếp xúc với từ “bài tập”, chúng tỏ ra phấn chấn và tự hào biết bao, người lớn không cho chúng viết cũng không được. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, chúng bắt đầu tỏ ra chán ghét - một số chữ đã biết cách viết từ lâu, nhưng vẫn phải viết hết lần này đến lần khác, vừa không có thời gian chơi, cũng không được đi ngủ sớm. Dù viết cẩn thận đến đâu, cũng vẫn phải có chỗ sai, sai rồi thì bị cô giáo phạt viết nhiều hơn, một chữ thậm chí phải viết một trăm lần… Cái gọi là “học tập” dường như lúc nào cũng cố tình gây khó dễ cho chúng. Trái tim nhỏ bé của chúng bắt đầu oán hận học tập, chúng bắt đầu chán ghét học hành.

Chán ghét là kẻ thù hung ác nhất, đáng sợ nhất gặp phải trong quá trình học tập, bài tập bạo lực chính là phương tiện giao thông nhanh nhất đưa kẻ thù này đến với con trẻ. Một thực tế khiến người ta phải đau lòng là, rất nhiều giáo viên đã vận dụng rất thành thạo “phương tiện giao thông” này, họ tưởng rằng mình đang vận chuyển tri thức đến với con trẻ mà không biết trên cỗ xe đó đang chở “kẻ thù”. Và lúc này lại có không ít phụ huynh đứng ở bên để giúp đỡ, bắt ép con trẻ tiếp nhận các loại bài tập bạo lực này, khiến con trẻ càng thêm chán học.

Có hai nguyên nhân trực tiếp khiến một số giáo viên và phụ huynh yêu thích bài tập bạo lực.

Một là trong đầu óc họ có một kiểu logic, ở đây tôi không hề khách khí mà gọi kiểu logic này là “logic ngớ ngẩn” - cho rằng viết nhiều sẽ học được nhiều kiến thức. Họ cho rằng một chữ nếu viết hai mươi lần sẽ tốt hơn là viết hai lần, một câu làm năm lần sẽ tốt hơn là làm một lần. Đây thật sự là coi học tập - một hoạt động trí tuệ phức tạp như việc mài kim vậy. Họ không biết rằng, nhận thức của đại não là một quá trình kỳ diệu, có quy luật riêng của nó, trong đó sự tham gia của tình cảm có một vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì thế làm bài tập không phải càng nhiều càng tốt, mà là phù hợp mới tốt. Chắc chắn chúng ta từng có có trải nghiệm rằng, một chữ viết ba lần vẫn chưa nhớ, viết đến ba mươi lần có thể sẽ cảm thấy càng viết càng không đúng.

Những giáo viên và phụ huynh mang theo kiểu logic ngớ ngẩn đó đều không hiểu rằng phải dùng các phương pháp khác nhau để kích thích niềm hứng thú học tập của trẻ, chỉ biết dùng một khối lượng bài tập nặng nhọc để cố định cơ thể trẻ vào bàn ghế; họ không biết hậu quả của việc làm này là trong lòng trẻ sẽ xảy ra một phản ứng hóa học, sẽ sinh ra một chất gọi là “chán học”.

Nguyên nhân thứ hai là tâm lý muốn nhanh chóng gặt hái được thành công của giáo viên. Tôi đã từng được tiếp xúc với một số giáo viên dạy ngữ văn ở trường tiểu học nọ. Một cô giáo khi bố trí bài tập viết chữ mới cho học sinh, luôn bắt học sinh phải tách một chữ hoàn chỉnh ra thành mấy phần để viết, ví dụ chữ “语” (ngữ), trước hết là viết một dòng “讠” (ngôn), sau đó là viết một dòng “五” (ngũ), cuối cùng là viết một dòng “口” (khẩu), cuối cùng ghép thành một chữ “语”, viết hai dòng. Phiên âm cũng tách thành ba phần thanh mẫu, vận mẫu, thanh điệu, sau đó lại gộp lại để viết - chỉ một chữ này mà tổng cộng viết thành chín dòng. Cô làm như vậy, thực sự trong thời gian ngắn có thể khiến cho học sinh nhớ được những chữ mà mình viết, trong bài kiểm tra sẽ đạt thành tích tốt, khiến phụ huynh rất phấn khởi. Trong khi một cô giáo khác lại tổ chức hoạt động đọc sách trong lớp, hàng ngày giao rất ít bài tập, để học sinh về nhà đọc sách, trong quá trình đọc, học sinh vừa nâng cao được trình độ ngữ văn, đồng thời lại cảm thấy vui vẻ. Cách làm của cô cho dù là bảo vệ niềm hứng thú của học sinh, hay nâng cao lực học, đều có ảnh hưởng tốt và lâu dài.

Nhưng vì đề thi mà nhà trường ra đều chỉ kiểm tra nội dung trong sách, về cơ bản đều là những kiến thức học thuộc lòng, điểm thi của học sinh lớp “cô giáo chú trọng đọc sách” thường kém hơn “cô giáo tách chữ”. Ngoài sức ép từ phía nhà trường, còn có sức ép từ phía phụ huynh.

Một số phụ huynh đã đóng góp ý kiến với “cô giáo chú trọng đọc sách” là giao bài tập quá ít và để học sinh về nhà đọc nhiều sách lãng phí thời gian. Cô giáo này vẫn cố gắng chịu sức ép và tiếp tục làm như vậy. Học sinh của cô ở giai đoạn đầu của bậc tiểu học không thấy được điểm gì nổi bật, đến những năm trên của tiểu học, đặc biệt là trong các bài kiểm tra kiến thức từ cấp một lên cấp hai, vượt trội hơn hẳn so với những học sinh chỉ chúi đầu vào học sách giáo khoa. Cô nói đã tiến hành cuộc điều tra với một số học sinh của mình, những học sinh mà cô dạy đều có lực học khá tốt trong giai đoạn học trung học cơ sở, gần như không có cái gọi là “học sinh cá biệt”. Trong khi thành tích của các học sinh do “cô giáo tách chữ” dạy lại rất mông lung, sau này gặp rất nhiều vấn đề, không ít học sinh lên đến khối lớp lớn của bậc tiểu học đã tỏ ra chán học, sau khi vào trung học cơ sở, các yếu tố như thành tích học tập, phẩm chất đạo đức, sự phát triển về tâm lý đều xuất hiện không ít vấn đề. Kết quả điều tra càng khiến cô vững tin hơn. Tuy nhiên cô cũng phải than thở rằng, sau khi bước vào trung học cơ sở, thành tích học tập của học sinh cao hay thấp, có hứng thú với việc học hay không, ai quy công cho cô giáo tiểu học? Người ta chỉ nói một đứa trẻ nào đó càng ngày càng hiểu biết hoặc càng ngày càng không hiểu biết. Người ta chỉ có thể nghĩ rằng, sau khi vào trung học cơ sở trẻ gặp được cô giáo tốt, hoặc gặp phải cô giáo kém.

Tôi cũng đã từng nói chuyện với “cô giáo tách chữ”, không phải cô giáo này không biết những mặt xấu khi cô làm như vậy. Cô nói, đằng nào thì tôi cũng chỉ dạy các em mấy năm mà thôi, những năm đó thành tích học tập của các em cao hơn lớp khác là được rồi, sau này thế nào, đó không phải là việc của tôi nữa. Cô giáo bắt học sinh uống thuốc độc giải khát trong quá trình giảng dạy này là “giáo viên giỏi” của trường, phụ huynh luôn thi nhau tìm đủ mọi cách để đưa con vào lớp cô. Cái mà mọi người nhìn thấy là, trong thời gian cô giảng dạy, số học sinh trong lớp đạt 100 điểm môn ngữ văn thường vượt quá nửa lớp.

Hai nguyên nhân gây ra bài tập bạo lực đã phản ánh lên hai vấn đề vĩ mô trong giáo dục hiện nay ở Trung Quốc, một là vấn đề định hướng đánh giá giảng dạy; hai là vấn đề tố chất giáo viên. Tôi cho rằng đây là hai vấn đề then chốt trong công tác cải cách giáo dục hiện nay ở Trung Quốc để giải quyết hàng loạt vấn đề. Nhưng hiện nay mọi trách nhiệm đều đổ cho “thi đại học”, thi đại học đã trở thành tội đồ gây ra mọi vấn đề trong giáo dục; và mọi cái gọi là “cải cách giáo dục” đều chỉ là bình mới rượu cũ, hoặc là đau đâu chữa đó - đây là một chủ đề rất lớn, không thể mang ra bàn luận ở đây.

Nếu con trẻ gặp phải bài tập bạo lực, nhưng lại không nói với phụ huynh, không tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía phụ huynh, thì vẫn cần tìm nguyên nhân từ phía phụ huynh.

Có một học sinh lớp bảy vì nghịch ngợm trong giờ học, bị cô giáo phạt chép bài khóa mười lần, cậu bé này liền chép mười lần bài khóa trong một buổi tối. Con trẻ thà chịu phạt còn hơn là nói với bố mẹ, đây có thể là do trẻ linh cảm trước được thái độ của bố mẹ. Nếu bình thường gặp chuyện gì đó, bố mẹ không tỏ ra thông cảm, thấu hiểu con trẻ, phê bình trẻ một cách tùy ý, tôn sùng một cách mù quáng phương pháp giảng dạy của nhà trường, vậy thì dựa vào trực giác của mình, trẻ sẽ nghĩ rằng, nói với bố mẹ cũng bằng không, không những không giải quyết được vấn đề, mà có thể còn bị ăn mắng, chết trâu lại mẻ thêm rìu. Con trẻ phải chịu đựng bài tập bạo lực, một buổi tối trẻ phải chép xong mười lần bài khóa, ngày hôm sau vẫn đi học bình thường, dường như không có chuyện gì xảy ra, không bị thiếu cái gì cả. Thậm chí có bậc phụ huynh sau khi biết được chuyện này còn thấy mừng, tưởng rằng con mình chép nhiều bài khóa tức là được học nhiều hơn người khác. Họ không nhìn thấy con trẻ đã bị tổn thương ở bên trong, thậm chí suốt đời vết thương không bao giờ lành được.

Bài tập bạo lực có ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự tin, ý chí, phẩm chất đạo đức của trẻ em. Tác dụng xấu của nó không đơn giản như mặc thừa một chiếc áo thì hơi nóng, ăn thêm một cái bánh thì quá no. Nó có thể làm thay đổi cả trạng thái của sự việc, khiến con trẻ mắc một căn bệnh mãn tính gọi là “chán học”, làm chúng mất đi chí tiến thủ, nuốt chửng tính sáng tạo, xóa đi cảm giác hạnh phúc của chúng, trong đó “tính bạo lực” thậm chí còn có thể phá hoại đạo đức của chúng. Chính vì thế nó không phải là chuyện nhỏ, mà là “tai nạn giáo dục”.

Một điều khiến người ta đau lòng là những tai nạn này đang ngày ngày xảy ra trên khắp cả nước. Chỉ cần nói chuyện với các em học sinh cấp bậc phổ thông và phụ huynh của chúng, sẽ phát hiện ra rằng “tai nạn” không những nhiều, mà nguyên nhân để xảy ra tai nạn cũng rất đa dạng, thực sự khiến người ta phải hãi hùng.

Nhiều năm trở lại đây, trẻ em có gặp bài tập bạo lực hay không, hoàn toàn dựa vào sự may mắn, xem trẻ gặp phải những giáo viên như thế nào. Chỉ cần các giáo viên này không thích bài tập bạo lực cũng đã là may mắn lắm rồi.

Hàng năm chính phủ Trung Quốc rót nguồn kinh phí khổng lồ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục. Các trường sư phạm, viện nghiên cứu khoa học giáo dục không ngừng triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, hiện giờ các trường tiểu học và trung học cũng “nghiên cứu khoa học”, dường như giới giáo dục đều đang chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề. Tại sao lại không có ai quan tâm đến sự việc cụ thể, bức xúc như vậy? Một người bạn thời trung học phổ thông của tôi là giáo viên dạy giỏi ở một trường tiểu học, từng đạt danh hiệu nhà giáo ưu tú cấp quốc gia nói rằng, kinh nghiệm công tác bao năm của tôi cho thấy, con trẻ viết chữ mới, mỗi chữ viết ba lần là hiệu quả nhất. Một kinh nghiệm đơn giản và hữu hiệu biết bao - tôi cho rằng đây mới là “thành quả học thuật” - nếu được phổ biến rộng ra, cả nước sẽ có bao nhiêu học sinh được giảm bớt gánh nặng bài tập về nhà, thậm chí từ đó mà trở nên thích học. Dường như nó đơn giản đến mức không có bất kỳ hàm lượng kỹ thuật nào, nhưng trên thực tế lại bao hàm một hệ thống lý luận giáo dục học, tâm lý học và khoa học nhận thức rất hoàn thiện. So với những “thành quả nghiên cứu khoa học” hoàn toàn không có quan hệ gì với cuộc sống nhà trường được in trong những cuốn sách dày, kinh nghiệm của nhà giáo ưu tú này thật đơn giản, bình dị, nhưng lại giá trị biết bao. Chỉ tiếc rằng, thành quả không được phổ biến rộng rãi, người được hưởng lợi quá ít.

Còn cơ quan hành chính giáo dục luôn dùng “tư tưởng hành chính” để quản lý nhà trường, rất ít khi xem xét đến việc dùng “phương châm khoa học giáo dục” để phục vụ nhà trường. Điều này khiến cho một số biện pháp hành chính giáo dục không những không đạt được kết quả gì, mà còn trở thành gánh nặng mới cho giáo viên và học sinh. Năm 2007 tôi đọc trên báo thấy nói rằng một cơ quan hành chính giáo dục nọ đã cho ra đời phương án “giảm bớt gánh nặng” cho học sinh tiểu học, yêu cầu cặp sách, ba lô đi học của học sinh tiểu học không được vượt quá ba kilôgam. Họ đưa thông báo đến nhà trường, đồng thời cử nhân viên xuống các trường để kiểm tra. Điều này khiến học sinh đành phải nghĩ cách đối phó, trước hết là đeo chiếc cặp nặng hai kilôgam vào lớp rồi đặt xuống, sau đó lại ra cổng trường đón lấy một chiếc ba lô nặng hai phảy năm kilôgam vào nữa. Thực ra “giảm bớt trọng lượng cặp sách cho học sinh” là một cách nói mang tính ví von, “cặp sách” ở đây chỉ là một sự tượng trưng cho học tập. Trọng lượng thực tế của cặp sách và gánh nặng bài tập của học sinh có một số mối liên hệ bề ngoài, nhưng không có nghĩa là tương đương. Cần dùng suy nghĩ và phương châm để thực hiện chương trình “giảm bớt gánh nặng”, làm sao có thể dùng cái cân để thực hiện? “Nếu giáo viên chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để bắt ép học sinh dành nhiều thời gian hơn cho việc ngồi gặm sách giáo khoa, làm thế nào để có thể kéo học sinh từ bỏ các hoạt động khác và chúi mũi vào việc học, thì không thể tránh khỏi hiện tượng gánh nặng quá nặng”(2). Câu nói này của Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã cho chúng ta thấy nguồn gốc và phương án giải quyết vấn đề gánh nặng của học sinh quá nặng, tại sao không suy nghĩ vấn đề từ đây.

(2) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.37.

Ngăn ngừa và chấm dứt hiện tượng bài tập bạo lực ở các mức độ khác nhau mới là hành động giảm bớt gánh nặng quan trọng nhất. Coi bài tập bạo lực là “tai nạn”, có thể khiến cho người ta nhìn thấy sức phá hoại của nó, để mọi người đề cao cảnh giác.

Để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tai nạn lao động xảy ra ở các ngành nghề khác nhau, chính phủ Trung Quốc đã không ngừng xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quản lý và thực thi những biện pháp tương ứng như không được phép khai man tai nạn hầm mỏ, đồng thời sẽ truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan. Nhưng hàng ngày cả nước xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn bài tập bạo lực, lại vẫn được tồn tại một cách hợp lý, bình thường.

Ai sẽ là người vạch trần ra sự việc này, có bao nhiêu người nghe thấy tiếng rên rỉ của hàng triệu trẻ em? Nói nhẹ đi một chút, là nó sẽ phá hoại vĩnh viễn lòng nhiệt tình và niềm hứng thú đối với học tập của rất nhiều học sinh; nếu nói nặng hơn, là nó đang ăn mòn và bóp méo tương lai của dân tộc và quốc gia. Bao giờ mới có thể ban hành một bộ “biện pháp” khoa học như thế này, để các em không phải chịu sự bức hại của bài tập bạo lực?

Lưu ý đặc biệt

Dùng một khối lượng bài tập nặng để cố định cơ thể trẻ vào bàn ghế. Hậu quả của việc làm này là trong lòng trẻ sẽ xảy ra một phản ứng hóa học, sẽ sinh ra một chất gọi là “chán học”.

Điều mà người phụ huynh tốt và người giáo viên tốt cần chú ý nhất là tránh không để trẻ gặp kẻ thù “chán ghét” này, chính vì thế điều họ dốc toàn bộ công sức để làm là bảo vệ niềm hứng thú học tập cho con trẻ.

Điều quan trọng nhất là bản thân phụ huynh phải có nhận thức đúng đắn về bài tập bạo lực, nếu bạn thường xuyên có ý thức, dày công bảo vệ niềm say mê học tập của con trẻ, thì đương nhiên sẽ có biện pháp đối phó với loại bài tập này.

Ngăn ngừa và chấm dứt hiện tượng bài tập bạo lực ở các mức độ khác nhau mới là hành động giảm bớt gánh nặng quan trọng nhất.