Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 7 - Phần 5

“Bệnh tăng động ở trẻ em” là một lời dối trá

“Bảng điểm chẩn đoán bệnh tăng động”, cái liên quan đến số phận và sức khỏe của hàng triệu trẻ em này đã ra đời như thế nào, ai đã lập ra nó, nó đã được kiểm nghiệm và luận chứng như thế nào? Cái thứ thô thiển, ngu xuẩn này lại được coi là công cụ kiểm tra chủ yếu để sử dụng cho trẻ em. Nó đâu chỉ là một bảng điểm, mà thực sự là cái bẫy chẩn đoán.

Chính vì vậy “nguyên nhân gây bệnh” thực sự của “bệnh tăng động” là hai sai lầm mà người lớn mắc phải: quan niệm sai lầm về trẻ em và phương pháp giáo dục sai lầm.

Vài năm gần đây, “bệnh tăng động ở trẻ em” dường như đã trở thành một căn bệnh phổ biến. Chỉ riêng ở xung quanh tôi, đã có không ít trẻ tự nhiên lại mắc căn bệnh này, trong đó có một số em bắt đầu uống thuốc để chữa bệnh.

Tuy nhiên, rõ ràng là tôi đã được nhìn thấy xuất xứ của các “triệu chứng” ở những đứa trẻ này - bố mẹ chúng hoặc là quá nghiêm khắc hoặc là quá nuông chiều, phương pháp giáo dục bộc lộ rõ những sai lầm. Chính vì những sai lầm này, đã gây sức ép tâm lý cực lớn cho trẻ. Các “triệu chứng” ở con trẻ gần như đều là những biểu hiện của sự phản kháng phương pháp giáo dục không đúng cách. Đồng thời, tôi không nhìn thấy đứa trẻ nào chỉ dựa vào việc uống thuốc mà chữa khỏi “bệnh tăng động”, ngược lại, có không ít trẻ sau khi uống thuốc càng ngày càng giống bệnh nhân, “bệnh tình” ngày càng nặng hơn.

Cụm từ “bệnh tăng động ở trẻ em” ngày càng giống như một cái gai đâm vào tôi, thôi thúc tôi phải quan tâm đến vấn đề này.

Mấy năm trước tôi được tiếp xúc với một em học sinh nam ở một trường tiểu học. Lúc đó cậu bé này đang học lớp hai, bị coi là mắc chứng “bệnh tăng động” nặng.

Trước đây cậu bé này học ở một trường tiểu học khác, ngay từ khi học lớp một đã bắt đầu tỏ ra không yên phận. Ở lớp thì chạy lung tung khắp lớp, không ai quản được cậu, lớp học thường xuyên bị cậu làm cho náo loạn, khiến giáo viên không thể giảng bài. Cậu luôn tấn công bạn bè một cách vô cớ, tệ đến mức ấn đầu bạn vào bồn cầu, châm hương muỗi vào bạn. Còn những chuyện cào cấu bạn bị trầy da xước thịt là chuyện thường ngày. Sự việc này đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều phụ huynh, trường tiểu học đầu tiên thực sự không có cách nào khác, yêu cầu cậu phải chuyển trường. Lên lớp hai cậu liền bị chuyển đến trường tiểu học hiện nay.

Nhưng sau khi chuyển trường tình hình vẫn không có gì thay đổi, trường học mới cũng không có biện pháp nào, đành phải để cho người nhà cậu bé đi học cùng cậu. Hàng ngày bà nội cậu bé theo sát cậu như hình với bóng, không rời nửa bước. Trên lớp ngồi cùng bàn với cậu, ấn chặt không cho cậu đứng dậy gây mất trật tự; hết giờ túm chặt tay cậu đứng ở hành lang, không cho cậu chơi với bạn bè cùng lớp, sợ cậu gây chuyện với bạn. Ở trường cậu bé này rất nổi tiếng, ngay cả hiệu trưởng cũng rất rầu rĩ, không biết phải làm gì với cậu.

Lần đầu tiên tôi gặp cậu bé này là ở ngoài hành lang lớp học, sau khi đến giờ giải lao, các bạn đều túm năm tụm ba tung tăng vui đùa. Chỉ có cậu, hai tay bị bà nội kìm chặt, không được làm gì cả. Nhìn cậu lúc nào như cũng muốn giãy ra, nhưng lại không giãy được; ánh mắt nhìn bạn bè vừa tỏ ra thèm muốn lại vừa tỏ ra bất lực, kèm cả sự đối địch, giống như một tù nhân nhỏ.

Cô giáo chủ nhiệm lớp cậu bé nói một cách quả quyết rằng học sinh này mắc bệnh tăng động, cô nói với tôi rằng, người nhà cậu bé đã đưa cậu đến khoa tâm thần của bệnh viện để khám bệnh và được bác sĩ chẩn đoán như vậy. Bác sĩ yêu cầu cậu phải uống thuốc, đồng thời nói ít nhất phải uống ba năm. Cậu uống được ba tháng, không có kết quả gì, và thuốc lại rất đắt, có lẽ ông bà nội cậu suy nghĩ đến vấn đề kinh tế nên đã cho cậu ngừng uống thuốc. Hai ông bà chỉ có một người có lương hưu.

Sau khi nói chuyện vài câu đơn giản với bà nội của cậu bé, không hiểu sao, trực giác mách bảo tôi rằng cậu bé này hoàn toàn là một đứa trẻ bình thường. Sau khi tìm hiểu một chút về hoàn cảnh gia đình cậu, về cơ bản tôi có thể khẳng định được rằng, “nguyên nhân gây bệnh” chính là vấn đề giáo dục gia đình của cậu.

Bố mẹ cậu bé sống chung với nhau khi chưa kết hôn, sau khi cậu chào đời họ liền chia tay. Mẹ cậu bé là một cô gái người miền Nam đi làm thuê, sau khi quay lại miền Nam thì không có tin tức gì nữa; bố cậu không biết lang thang ở đâu, không cho gia đình biết địa chỉ, nửa năm hoặc một năm mới về nhà một lần, không hề quan tâm đến con. Ông nội cậu bé là người tính tình nóng nảy, năm xưa thường xuyên đánh chửi con trai, hiện giờ lại áp dụng phương pháp dạy dỗ con trai vào “giáo dục” cháu, đặc biệt là thường xuyên trút lên đầu cháu sự bất mãn của mình đối với con trai. Bà nội cậu thì suốt ngày làm thay cho cháu tất cả mọi việc, đồng thời lại muốn sớm gặt hái được thành quả, chỉ muốn nuôi dạy cháu nên người, để bù đắp lại những nỗi xấu hổ mà con trai đem lại cho gia đình, chính vì thế suốt ngày yêu cầu cậu bé phải như thế này như thế kia, còn thường xuyên quở trách cậu.

Đứa trẻ lớn lên trong “môi trường hoang dại” này, làm sao có thể không là một người rừng? Nhìn thấy cậu bé nhỏ như vậy mà đã phải sống như một kẻ xấu và tội phạm, tôi rất lo, cảm thấy nếu không nghĩ cách cải thiện, tương lai cậu chỉ có thể có hai nơi để đi, nhà tù hoặc bệnh viện tâm thần. Và thế là tôi liền tiến hành công tác trị liệu tâm lý kéo dài gần một năm cho cậu.

Nhưng tôi không làm “công tác tư tưởng” trực tiếp cho cậu bé, mà bắt đầu từ việc xóa bỏ “nguồn gốc căn bệnh”, tập trung công sức vào việc cải thiện môi trường sống cho cậu bé. Người giám hộ và nuôi dưỡng cậu bé là ông bà nội cậu, chính vì thế đối tượng công tác chủ yếu của tôi cũng là hai cụ già này. Thời gian đầu, tôi thường xuyên nói chuyện với hai cụ, sau đó định kỳ tiếp xúc với hai cụ. Thực ra mục đích của tôi rất đơn giản, là yêu cầu họ không đánh chửi cháu, tôn trọng cháu, không gây sức ép cho cháu. Yêu cầu nhìn thì rất đơn giản, nhưng thực tế là hai cụ già này rất khó thực hiện được, họ đã quen với phương pháp giáo dục trước đây. Tôi nói đi nói lại rất nhiều lần với họ, để họ hiểu rằng phương pháp giáo dục thô bạo có mối liên hệ nhân quả với hành vi giáo dục trẻ, đồng thời bằng hình thức quy tắc đưa ra một số nguyên tắc hành vi cơ bản. Đồng thời hướng dẫn tỉ mỉ cho họ cách gần gũi với con trẻ, nói chuyện với con trẻ như thế nào.

Thay đổi người lớn khó khăn hơn nhiều so với việc thay đổi trẻ em, nhưng nếu không thay đổi người lớn, con trẻ sẽ không thể thay đổi. Trong cả quá trình, tôi đặc biệt chú ý đến việc nắm bắt tinh thần của họ, trước hết là để họ chấp nhận tôi, không có thành kiến với tôi, tiếp đó là chấp nhận quan điểm của tôi. Dần dần hai cụ bắt đầu tin tưởng tôi, cộng với công việc mà tôi đã làm, cuối cùng đã khiến họ tin rằng phương pháp giáo dục của mình có mối quan hệ nhân quả tất yếu với vấn đề của con trẻ, dần dần thay đổi quan niệm giáo dục, từ bỏ phương pháp thô bạo ban đầu, không còn chửi đánh cháu nữa, sau đó cậu bé đã có sự thay đổi rất lớn.

Đồng thời, tôi cũng thường xuyên tìm đến cô giáo chủ nhiệm của cậu bé, cố gắng làm thay đổi cách nhìn của cô giáo chủ nhiệm đối với cậu bé, để cô chủ nhiệm tin rằng cậu không có bệnh mà là một đứa trẻ bình thường. Tôi và cô giáo chủ nhiệm đã cùng nhau nghĩ cách, để cậu bé được làm một số việc cho lớp, giúp cậu cảm thấy mình là một người có ích, gặt hái được nhiều thành công, tạo nên sự khích lệ và khẳng định đối với cậu. Khi cô giáo chủ nhiệm không nhìn cậu với ánh mắt khác lạ nữa, các bạn cùng lớp cậu bé cũng bắt đầu thay đổi thái độ.

Tôi cũng đã có mấy lần nói chuyện với cậu bé này, nội dung của các cuộc nói chuyện giữa tôi và cậu bé chủ yếu là phim hoạt hình và vẽ tranh, bởi cậu thích hai thứ này; ngoài ra còn kể chuyện. Tôi còn mời cậu và bà nội cậu đến nhà tôi chơi, đồng thời dán tranh mà cậu vẽ lên tường nhà tôi. Chỉ cần đến nhà tôi, tôi liền để cậu bé cảm thấy mình là một đứa trẻ hết sức bình thường, để tinh thần cậu vui vẻ và thoải mái. Cứ như thế, sau vài lần nói chuyện, gần gũi với tôi, cậu bé không những không còn tỏ vẻ đối địch, mà thậm chí còn tỏ ra dựa dẫm về mặt tình cảm. Khi tôi tin rằng giữa tôi và cậu bé đã xây dựng được mối quan hệ thân thiện, tin tưởng, tôi liền lựa chọn thời điểm thích hợp và đưa ra yêu cầu không được đánh bạn, trong giờ học không được rời khỏi chỗ ngồi. Khi chấp nhận ý kiến của tôi, cậu bé không hề tỏ ra miễn cưỡng, ánh mắt cậu lộ rõ vẻ vui vẻ và hạnh phúc.

Công tác của tôi đã đạt được hiệu quả rất rõ rệt. Bốn tháng sau, cậu bé không còn cần người đi học cùng nữa, cậu bắt đầu làm chủ được mình, không chủ động tấn công người khác nữa. Một năm sau, cậu bé không còn đánh nhau nữa. Mặc dù cậu bé khỏe hơn người khác, nhưng dường như cậu có ý thức né tránh xung đột hơn các em học sinh khác. Có hai lần có học sinh khác đánh cậu, cậu lại có thể ngồi thụp xuống đất ôm chặt đầu.

Tôi phân tích sức chịu đựng của cậu bé có thể bắt nguồn từ việc cậu rất trân trọng mình “là một đứa trẻ bình thường, chứ không phải là một đứa trẻ bị bệnh”; kể cả thỉnh thoảng bị đánh, cũng còn tốt hơn so với việc bị người khác nhìn mình bằng ánh mắt khác. Hiện nay cậu bé này đã sắp lên lớp năm, thành tích học tập ở mức trung bình, trong các phương diện khác như kỷ luật đều hoàn toàn bình thường. Đôi tay nhỏ của cậu cũng không bị người khác kìm kẹp nữa, cậu đã có được tự do, có được bạn bè thực sự.

Cậu bé mắc “bệnh tăng động” nặng này đã được chữa khỏi như vậy, điều này khiến tôi càng nghi ngờ về “bệnh tăng động”.

Mùa hè năm 2007, một trong những tờ báo lớn của Trung Quốc -báo Thanh niên Trung Quốc đã đăng tải bài báo có tên Mùa hè, số trẻ mắc bệnh tăng động đến khám bệnh đã tăng 30% của nhà báo Triệu Tân Bồi. Bài viết đã trích lời của giáo sư Trịnh Nghị - Chủ nhiệm khoa tâm thần trẻ em bệnh viện An Định Bắc Kinh: “Hiện nay tỉ lệ phát bệnh của trẻ em mắc chứng tăng động ở Bắc Kinh đã lên tới 4%-5%”. Ngày 7-10-2007, cũng trên tờ báo này còn có một bài viết của tác giả Chu Châu nói rằng: “Theo kết quả điều tra đáng tin cậy, hiện nay tỉ lệ mắc bệnh tăng động ở trẻ em Trung Quốc lên tới 4,31%-5,83%”. Theo tỉ lệ này, ước tính cả nước có gần hai triệu trẻ em mắc bệnh. Tôi lại lên mạng Internet tìm một số tài liệu, nói rằng vài năm gần đây các nước trên thế giới đều có số liệu thống kê về số trẻ em mắc bệnh tăng động, chiếm khoảng từ 4%-14%, ví dụ tỉ lệ phát bệnh của Mỹ là 10%-20%, có một số quốc gia thậm chí con số thống kê lên tới 40% - tỉ lệ phát bệnh của bệnh gì mà lại cao như vậy, bệnh truyền nhiễm cũng không đến nỗi như thế. Căn bệnh chung mang tính toàn cầu xảy ra trên diện rộng này rốt cục là một loại bệnh như thế nào?

Lúc này tôi đọc được hai cuốn sách, một cuốn là Người phát minh bệnh tật của Jorg Blech - nhà khoa học tự nhiên, phóng viên nổi tiếng của Đức; một cuốn nữa là Lời nói dối trăm năm của phóng viên nổi tiếng người Mỹ Randall Fitzgerald, hai cuốn sách này đều dùng những tài liệu tường tận, xác thực và cách phân tích triệt để, vạch trần ra những “cái bẫy” và “màn tối” xuất hiện trong y học hiện đại. Họ đều tỏ ra nghi ngờ đối với “bệnh tăng động ở trẻ em”, cho rằng đây là một loại “bệnh” bị thổi phồng một cách vô cớ.

(1) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.88-91.

Sau khi đọc xong hai cuốn sách này, tôi lại lên mạng Internet và tra cứu một số tài liệu, đồng thời đọc lại tác phẩm giáo dục của nhà giáo dục học, tiến sĩ tâm thần học nổi tiếng người Italia Maria Montessori, tổng hợp tất cả các tài liệu lại, về cơ bản đã có thể có được một nhận thức rõ ràng - có lẽ không thể nói một cách tuyệt đối rằng căn bệnh “tăng động” này không tồn tại, bởi cho đến nay nó vẫn là một chuyện vẫn treo ở đó chưa được giải quyết; nhưng với khái niệm chẩn đoán hiện nay, nó không chân thực. Hiện nay những lời chẩn đoán đối với căn bệnh này vô lý như việc kết luận tất cả những người ho vài tiếng đều là bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi - xét về ý nghĩa này, “bệnh tăng động ở trẻ em” là một lời dối trá.

1. Từ cách thay đổi tên gọi đánh giá sự bịa đặt căn bệnh

Sự phát triển của y học hiện đại đã khiến người ta rất muốn dùng y học để giải thích tất cả các hiện tượng muốn cải thiện và chữa trị. Từ xưa đến nay sự “không ngoan” của trẻ em đã khiến rất nhiều người đau đầu, và thế là vấn đề này liền lọt vào tầm quan sát của các bác sĩ. Ngay từ năm 1845, bác sĩ tâm thần người Đức Heinrich Hoffmann đã viết tác phẩm Peter tóc rối, miêu tả một đứa trẻ quá mức hiếu động, điều này đã nhắc nhở người ta quan tâm đến hiện tượng hiếu động, bất an ở trẻ em. Một thế kỷ sau, năm 1947, có chuyên gia dự đoán rằng một số trẻ em hoạt động quá độ là do sự tổn thương ở não gây nên, vì thế đã đặt tên cho hiện tượng này là “hội chứng tổn thương não”. Do cách định nghĩa này không đủ để giải thích những biểu hiện hiếu động ở những trẻ mà đại não chưa bao giờ bị tổn thương, thuyết tổn thương não đã không được thành lập, liền có người đưa ra đây là kết quả của việc “não bị tổn thương nhẹ”. Tuy nhiên, thuyết “não bị tổn thương nhẹ” không tìm thấy trong quá trình kiểm tra sinh lý ở rất nhiều trẻ em, trong quá trình trưởng thành cũng không có dấu vết gì, cách đặt tên này cũng không khả thi. Và thế là mọi người liền bỏ đại não và đề ra cách gọi “trở ngại chức năng hành vi” - tên gọi này đã tránh đi sự bất tiện do không tìm được nguyên nhân gây bệnh, dùng chính những “biểu hiện” để đặt tên. Do tên gọi này có khái niệm quá mơ hồ, nên đã bị Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ nghiêm cấm. Nhưng hành vi không ngoan ở trẻ em đã được giới y học nhận định là một căn bệnh cần phải chữa trị. Năm 1962, một hội nghị công tác khoa học thần kinh trẻ em quốc tế đã quyết định trước khi căn bệnh này được làm rõ, tạm thời đặt tên là “rối loạn chức năng não nhẹ” (Minimal Brain Dysfunction, gọi tắt là MBD). Năm 1980, trong cuốn Sổ tay chẩn đoán và thống kê trở ngại tâm thần do Mỹ công bố, đặt tên cho bệnh này là “Trở ngại thiếu chú ý” (Attention Deficit Disorder, gọi tắt là ADD). Cuối cùng, năm 1987, bác sĩ khoa tâm thần của Mỹ đã phát minh ra cách gọi phổ biến nhất hiện nay “Chứng tăng động thiếu chú ý” (Attention Deficit - Hyperactivity Disorder, gọi tắt là ADHD)(2).

(2) Tháng 5-2007, cảnh sát Sơn Tây phá được một vụ án ngược đãi công nhân trong lò gạch đen, giải cứu ba mươi mốt công nhân, trong đó có một số là trẻ em. Sau đó, hàng trăm vị phụ huynh có con bị thất lạc đã lên mạng Internet để thông báo tìm con (ND).

Những diễn biến của tên gọi này đã thực hiện được hai mục đích, thứ nhất là thoát khỏi những trở ngại trong chẩn đoán học; thứ hai là trở thành một căn bệnh phổ biến.

Do bản thân căn bệnh vẫn còn nằm trong dự đoán, làm thế nào để chẩn đoán đã trở thành một vấn đề. Nhưng thực tế là, rất nhiều trẻ em bị chẩn đoán là mắc “bệnh tăng động thiếu chú ý” (ADHD). Vậy thì, chúng ta hãy xem xem căn bệnh này đã được chẩn đoán như thế nào.