Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 7 - Phần 6

2. Sự thiếu suy nghĩ và giản đơn trong chẩn đoán

Qua các tài liệu có thể thấy, việc kiểm tra “bệnh tăng động” về cơ bản đều là những phán đoán về mặt chủ quan, có rất ít căn cứ khách quan. Có bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thần kinh não và xét nghiệm chỉ số sinh hóa, nhưng những điều này không có ý nghĩa gì nhiều đối với hầu hết những trẻ em không có biểu hiện gì rõ nét về mặt sức khỏe, hơn nữa mối quan hệ giữa các chỉ số sinh hóa và sự hình thành bệnh tật cũng chỉ là dự đoán, không có ý nghĩa chẩn đoán lâm sàng thiết thực.

Tôi đã hỏi phụ huynh của một số em bị chẩn đoán là mắc bệnh tăng động, có cả người Trung Quốc và người nước ngoài. Phương pháp chẩn đoán gần giống nhau, chủ yếu là bác sĩ hỏi phụ huynh các vấn đề, nói chuyện với trẻ, đồng thời quan sát hành vi của trẻ; ngoài ra còn sử dụng “bảng điểm chẩn đoán”, căn cứ vào số điểm có được, phán đoán trẻ có mắc chứng tăng động hay không.

Ba bảng điểm dưới đây được nhiều bệnh viện trong nước và các website y tế như website Sức khỏe trẻ em Trung Quốc, website Nuôi con Trung Hoa… sử dụng. Để nói rõ vấn đề, xin hãy tha lỗi cho tôi đã liệt kê dài dòng ra ở đây.

Bảng điểm hành vi của trẻ mắc bệnh tăng động của trường đại học Cornell ở Mỹ (mỗi câu dựa vào mức độ khác nhau và cho điểm từ 0 đến 10, bảng dưới cũng giống như vậy).

1. Hoạt động quá nhiều, không nghỉ phút nào ( )

2. Hoạt động hưng phấn, dễ phấn khích ( )

3. Gây sự với các trẻ khác ( )

4. Làm việc không thể có đầu có cuối ( )

5. Đứng ngồi không yên ( )

6. Không tập trung chú ý, dễ phân tâm ( )

7. Đòi lập tức được thoả mãn yêu cầu, dễ chán nản ( )

8. Hay khóc, dễ khóc ( )

9. Tâm trạng thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ ( )

10. Dễ có những hành vi nổi khùng hoặc không thể lường trước

Chẩn đoán: Cách tính điểm: Không có - không điểm; có một chút - một điểm; khá nhiều - hai điểm; rất nhiều - ba điểm; tổng số điểm trên mười điểm là dương tính, tức mắc bệnh tăng động.

Bảng điểm hành vi của trẻ mắc bệnh tăng động do nhóm nghiên cứu bệnh tăng động ở thành phố Thượng Hải xây dựng

1. Trong giờ học đứng ngồi không yên ( )

2. Trong giờ học thường xuyên nói chuyện ( )

3. Trong giờ học thường làm việc riêng ( )

4. Phát biểu không giơ tay ( )

5. Không tập trung, nhìn ngó xung quanh, dễ bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài ( )

6. Tâm trạng nhanh thay đổi, dễ tranh cãi với người khác ( )

7. Thường làm ảnh hưởng đến người khác ( )

8. Không thể tĩnh tâm để chơi đùa ( )

9. Thường làm việc theo cảm hứng, muốn làm gì thì làm, thường không có đầu có cuối ( )

10. Khi làm việc không tính đến hậu quả ( )

11. Tùy tiện lấy tiền của bố mẹ hoặc ăn cắp ở ngoài ( )

12. Đãng trí, hay quên ( )

13. Thành tích học tập kém ( )

14. Nói dối, đánh chửi người khác ( )

Chẩn đoán: Cách tính điểm: Không có - không điểm; có một chút - một điểm; khá nhiều - hai điểm; rất nhiều - ba điểm; tổng số điểm trên mười điểm là dương tính, tức mắc bệnh tăng động.

Tiêu chuẩn chẩn đoán do Hiệp hội bệnh tâm thần của Mỹ đưa ra

1. Tay chân thường xuyên hoạt động không ngừng hoặc liên tục ngọ ngoạy trên ghế ngồi (thiếu niên có thể chỉ biểu hiện ở sự đứng ngồi không yên về mặt chủ quan) ( )

2. Dễ bị yếu tố bên ngoài kích thích và phân tán tư tưởng ( )

3. Khi bị yêu cầu phải ngồi yên thì rất khó ngồi yên ( )

4. Trong trò chơi hoặc các hoạt động tập thể không thể kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình ( )

5. Thường xuyên người khác chưa hỏi xong câu hỏi đã tranh trả lời ( )

6. Rất khó làm theo chỉ thị của người khác, không phải do chống đối hoặc không hiểu, như không làm việc nhà ( )

7. Khi làm bài tập hoặc chơi trò chơi rất khó tập trung chú ý ( )

8. Thường xuyên một việc chưa làm xong lại đòi làm việc khác ( )

9. Rất khó chơi đùa một cách yên tĩnh ( )

10. Nói nhiều ( )

11. Thường xuyên ngắt lời hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của người khác, ví dụ phá rối trò chơi của các em nhỏ khác ( )

12. Khi người khác nói chuyện với em, em tỏ ra rất lơ là ( )

13. Thường xuyên để mất đồ dùng học tập hoặc các vật dụng khác, như đồ chơi, sách, vở bài tập… ( )

14. Thường xuyên tham gia vào các trò chơi nguy hiểm và không nghĩ đến hậu quả, ví dụ chạy lung tung trên đường mà không nhìn xung quanh ( )

Chẩn đoán: Mắc bệnh trước năm bảy tuổi, bệnh sử từ nửa năm trở lên, đồng thời có tám triệu chứng nói trên trở lên là dương tính, tức mắc bệnh tăng động.

Gần như tất cả mọi hành vi bình thường của trẻ em đều trở thành “biểu hiện lâm sàng”!

Theo kết luận của những tấm bảng này, “bệnh tăng động ở trẻ em” đâu chỉ có tỉ lệ mắc bệnh đề cập ở trên, gần như tất cả các trẻ em đều trở thành “bệnh nhân”, trong đó đương nhiên cũng bao gồm cả con gái tôi - Nếu dùng mấy tấm bảng này để chấm điểm cho cô bé thời còn nhỏ, mỗi nội dung đều không nghiêm trọng, nhưng đều có một chút, trung bình mỗi nội dung được “một” điểm, vậy thì cũng được chẩn đoán là “dương tính” rồi.

Vậy thì, có trẻ em nào không là “bệnh nhân” đâu?

Tác giả của cuốn Người phát minh bệnh tật đã vạch trần và chỉ trích hiện tượng chẩn đoán quá độ, lạm dụng thuốc men của giới y học hiện nay, gọi hiện tượng này là “phát minh bệnh tật”. Trong đó, “bệnh tăng động” là một “căn bệnh bị phát minh” điển hình. Ông nói: “Bác sĩ thường xuyên không hiểu rõ, vì thế thường xuyên sử dụng những công cụ hỗ trợ chẩn đoán gây tranh cãi một cách sai lầm. Ngay cả những người ủng hộ bệnh tăng động đều dự đoán, một phần ba số trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh tăng động là vật hy sinh của mô hình chẩn đoán. So sánh các nước cũng có thể phát hiện ra rằng, việc gắn mác bệnh tăng động cho trẻ thật là chuyện tùy ý biết bao. Theo nghiên cứu, Brazil có 5,8% trẻ em mắc bệnh tăng động, Phần Lan 7,1%, Ả rập Xê-út 14,9%. Tại sao lại có sự khác biệt lớn như vậy? Ai biết? Hàng ngày trẻ em phải uống thuốc một cách mù quáng như vậy, nhưng người ta tỏ ra rất mơ hồ, không biết mình đang chống chọi với căn bệnh nào. Cái mác “bệnh tăng động” nặng nề thường căn cứ vào ấn tượng chủ quan của bác sĩ; một số nguyên tắc chẩn đoán hành vi tăng động cũng có thể được tìm thấy ở đa số những trẻ em khỏe mạnh, ví dụ thường không thể tập trung lắng nghe người khác nói, làm bài tập và tổ chức hoạt động thường xuyên gặp khó khăn, trả lời câu hỏi thường không suy nghĩ. Đây là những triệu chứng ư? Hoặc chỉ là hành vi khiến (một số) người lớn khó chịu?”(3).

(3) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.94-95.

“Bảng điểm chẩn đoán bệnh tăng động”, cái liên quan đến số phận và sức khỏe của hàng triệu trẻ em này đã ra đời như thế nào, ai đã lập ra nó, nó đã được kiểm nghiệm và luận chứng như thế nào? Cái thứ thô thiển, ngu xuẩn này lại được coi là công cụ kiểm tra chủ yếu để sử dụng cho trẻ em. Nó đâu chỉ là một bảng điểm, mà thực sự là cái bẫy chẩn đoán!

3. “Nguyên nhân gây bệnh” khiến người ta hoa mắt

Thực ra đằng sau sự chẩn đoán vô trách nhiệm có ẩn chứa một thực tế khó nói, một căn bệnh chung “phổ biến này”, cơ chế hình thành của nó rốt cục là như thế nào, nguyên nhân nào khiến trẻ mắc bệnh? Sau hơn một trăm năm “nghiên cứu”, ngày càng có nhiều cách giải thích, nhưng cho đến nay không ai có thể nói rõ được.

Từ những tài liệu hiện có, có mấy thuyết nói về nguyên nhân gây bệnh như sau:

Thứ nhất, tổn thương nhẹ ở tổ chức não - điểm này chủ yếu tập trung xung quanh cách chào đời của trẻ để dự đoán. Trước khi sinh mổ phổ biến thì người ta cho rằng do trong quá trình sinh, não bộ của trẻ bị chèn ép; sau khi hình thức sinh mổ phổ biến thì người ta lại nói rằng do sinh mổ gây ra. Ngoài ra còn một cách giải thích nữa là trong quá trình mang bầu, người mẹ bị mắc bệnh truyền nhiễm, cao huyết áp, hoặc quá trình cho bú và các hoạt động khác khiến não bộ bị tổn thương. Tóm lại, mỗi tình huống trong thời kỳ mang bầu, trong quá trình trưởng thành đều bị dự đoán là khả năng gây bệnh, dường như chỉ cần con người đã từng “chào đời”, trải qua thời kỳ thai nhi và thời kỳ sơ sinh, não của trẻ đều bị tổn thương. Một điều rất khéo là, những sự “tổn thương” này về cơ bản đều là không thể dự đoán.

Thứ hai, hiện tượng trúng độc chì do tình trạng ô nhiễm môi trường trong thành phố gây ra - nguyên nhân này nghe thì có vẻ rất có lý. Nhưng trong đó có mấy điểm đáng ngờ: Điểm đáng ngờ thứ nhất là, hơn một trăm sáu mươi năm trước khi vấn đề được đưa ra, vấn đề ô nhiễm môi trường thành phố chắc là chưa tồn tại; điều đáng ngờ thứ hai là, trẻ em ở mỗi thành phố đều hít thở nguồn không khí chung, tại sao chỉ có một số em mắc bệnh; điều đáng ngờ thứ ba là, những em sống ở các làng quê xa xôi không mắc căn bệnh này ư?

Thứ ba, nhân tố sinh lý di truyền - cách nói này dường như là rất chuyên ngành, nhưng sau khi phân tích có thể thấy, dưới tiền đề không có được chứng cứ đầy đủ, lấy một sự khác biệt nhỏ về một chỉ tiêu sinh hóa nào đó của đại não để giải thích một nguyên nhân gây bệnh, đây chẳng qua chỉ là dự đoán mà thôi. Giữa con người với con người vốn có một số điểm khác biệt trong chỉ tiêu sinh lý, điều này rất bình thường; cùng là một người sống trong các điều kiện khí hậu, môi trường, có tâm trạng, độ tuổi, điều kiện ăn uống khác nhau, rất nhiều chỉ tiêu sinh lý sẽ khác nhau. Vì không có được lý do thuyết phục nên đành phải lấy điều này làm lý do.

Thứ tư, thiếu vitamin, dị ứng thực phẩm, thiếu nguyên tố vi lượng, môi trường ô nhiễm, chất bảo quản thực phẩm… gây ra bệnh - có rất nhiều lời dự đoán như thế này, khiến người ta hoa cả mắt. Gần như trong cuộc sống của xã hội đương đại có vấn đề gì, thì đó đều trở thành nguyên nhân gây bệnh. Nếu những nhân tố này đều có thể khiến trẻ mắc bệnh tăng động, thì câu hỏi duy nhất còn sót lại là: Sau này có còn trẻ em khỏe mạnh nữa hay không?

Thứ năm, nhân tố giáo dục trong gia đình hoặc nhà trường, khiến tâm lý trẻ bị tổn thương - đây là nguyên nhân duy nhất thông qua quan sát trực tiếp, dựa trên cơ sở của rất nhiều ví dụ để rút ra, chứ không phải rút ra thông qua dự đoán. Nguyên nhân này có sức thuyết phục nhất, nhưng luôn bị đặt ở vị trí không quan trọng nhất. Tất cả các tài liệu nói về bệnh tăng động trước hết đều muốn nói nguyên nhân gây ra căn bệnh này là do vấn đề của não bộ, là một vấn đề sinh lý, còn vấn đề giáo dục, nguyên nhân tâm lý lại chỉ thỉnh thoảng mới được các tài liệu nhắc đến rất sơ sài.

Nhưng dưới nguyên nhân bị nhắc đến một cách sơ sài này, không ai có thể giải thích, một vấn đề hình thành trên cơ sở giáo dục, tại sao lại bắt trẻ phải uống thuốc chữa bệnh. Vài năm gần đây tỉ lệ ly hôn gia tăng khiến tỉ lệ “trẻ em mắc bệnh tăng động” cũng tăng lên dường như đã trở thành một bằng chứng, người ta phát hiện ra rằng, trẻ sinh ra trong gia đình đơn thân dễ “mắc bệnh” hơn trẻ sinh ra trong một gia đình đầy đủ cả bố lẫn mẹ - nhưng vết thương tâm lý mà vấn đề ly hôn của bố mẹ gây ra cho trẻ, uống thuốc có thể giải quyết được hay không? Các trận cãi vã giữa bố mẹ đã khiến trẻ bị tổn thương trong lòng, sau đó trẻ lại được thông báo rằng chúng mắc bệnh, đây lẽ nào không phải là họa vô đơn chí ư?

Tạp chí Y học nhi khoa của Đức do Tập đoàn y dược Novartis tài trợ đã xuất bản một chuyên san Hội chứng thiếu chú ý và tăng động, trong đó thậm chí còn suy đoán rằng, bệnh tăng động là di sản của thời kỳ đồ đá. Đồng thời nói với mọi người rằng “bệnh tăng động có thể là một công cụ hành vi có ích (do di truyền quyết định) trong thời kỳ đầu của nhân loại, trong xã hội hiện đại lại trở thành khuyết điểm, đe dọa đến sự phát triển và tính thích ứng xã hội của trẻ”(4) - ngay cả đặc điểm di truyền được giữ gìn từ hàng triệu năm nay của nhân loại cũng đã biến thành bệnh.

(4) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.97.

4. Mối quan hệ giữa hậu quả bệnh tật và logic hoang đường

Mặc dù không rõ nguyên nhân gây bệnh, trong khi hậu quả của căn bệnh này luôn được miêu tả rất rõ ràng, nghe rất đáng lo. Các tài liệu khác nhau đều nói rằng, nếu trẻ mắc bệnh tăng động không được điều trị kịp thời, hầu hết sẽ phạm tội trong độ tuổi dậy thì, khả năng tự làm chủ kém, xốc nổi, thích ngồi mát ăn bát vàng, hình thành nên nhân cách phản xã hội, sau khi trưởng thành trở thành người dễ lạm dụng cồn và các chất ma túy, tỉ lệ phạm tội cao. Tóm lại, tương lai của chúng đều rất tối tăm, thậm chí là tội ác.

Một căn bệnh cuối cùng lại phát triển thành một vấn đề đạo đức!

Mối quan hệ nhân quả giữa bệnh tăng động và nhân cách phản xã hội đã hình thành như thế nào, mối quan hệ logic giữa “bệnh tật” và “phạm tội” đã được suy đoán như thế nào, cơ chế chuyển biến giữa chúng là gì, không ai có thể giải thích được. Tuy nhiên, những thông tin y tế có liên quan đều nói như vậy.

Một trạng thái tinh thần của con người có thể sẽ ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu sinh lý, đồng thời một số thay đổi về sinh lý cũng có thể sẽ gây ra những thay đổi trong trạng thái tinh thần. Tuy nhiên bệnh tật sinh lý và đạo đức nhân cách có thể hình thành nên mối quan hệ nhân quả trực tiếp ư, chúng ta có thể nói những người mắc bệnh cao huyết áp và giãn phế nang cuối cùng hầu hết đều biến thành kẻ xấu ư? Thực tế là những bệnh nhân từng mắc bệnh về não như viêm màng não, u não, teo não…, sự phát triển về đạo đức của họ không hề liên quan đến bệnh tật, tại sao chỉ mỗi căn bệnh tăng động lại gây ra sự biến dị trong đạo đức?

Lùi một bước nói, giả dụ những điều này đều là sự thật, một căn bệnh bắt nguồn từ yếu tố di truyền hoặc môi trường xuất hiện ở thời kỳ thơ ấu, cuối cùng lại chuyển hóa thành một diện mạo đạo đức sau khi trưởng thành, vậy thì phải chăng người bệnh không cần phải chịu trách nhiệm về hành vi phản xã hội của anh ta sau khi trưởng thành, vì bản thân anh ta chính là một người bị hại của bệnh tật. Không phải những người mắc bệnh tâm thần nếu giết người đều bị miễn tội chết đó sao? Nếu suy luận như vậy, một tên tội phạm chỉ cần chứng minh được rằng, thời ấu thơ mắc “bệnh tăng động”, phải chăng có thể miễn giảm trách nhiệm hình sự?

5. Tại sao ngày càng có nhiều người được chẩn đoán là mắc bệnh

Cho đến nay, vẫn chưa có cách giải thích nào đáng tin cậy về nguyên nhân gây bệnh tăng động, vậy thì rốt cục là nguyên nhân nào khiến số người mắc bệnh tăng động càng ngày càng nhiều. Lẽ nào chỉ là sự chẩn đoán sai ư?

Thực ra hơn một thế kỷ kể từ khi Heinrich Hoffmann “phát hiện” cho đến nay, “bệnh tăng động” không được mọi người đặc biệt quan tâm, chú ý, mãi cho đến khi Methylphenidate (hay còn gọi là Ritalin) xuất hiện. Sắp xếp lại lịch sử phát triển của Methylphenidate, về cơ bản có thể hiểu được sự thật tại sao “bệnh nhân” càng ngày càng đông.

Năm 1944, công ty Ciba (cũng chính là nhà sản xuất Methylphenidate hiện nay) đã sản xuất ra Methylphenidate. Thời gian đầu, loại thuốc này chỉ kê đơn cho người lớn, chuyên trị các chứng bệnh như mệt mỏi quá độ, tâm trạng ức chế, rối loạn sinh lý ở người cao tuổi. Hơn hai mươi năm đầu, loại thuốc này không nổi tiếng, lượng tiêu thụ cũng không nhiều, vì chứng bệnh thích ứng cụ thể của nó không rõ ràng. Năm 1961, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng Methylphenidate để chữa trị cho những trẻ em có vấn đề trong hành vi. Loại thuốc này đã từng được đưa đến hai ngôi trường của trẻ em da đen ở bang Maryland, sau khi học sinh uống, hiện tượng chen lấn ồn ào trong trường đã giảm đi đôi chút. Điều này đã khuyến khích một nhóm bác sĩ Mỹ sử dụng rộng rãi loại thuốc này cho trẻ em, để phát hiện ra những người nào cần phải uống thuốc. Thời gian đầu sử dụng thuốc là để kiểm tra trẻ có mắc bệnh hay không. Nếu uống vào, hành vi có nhiều thay đổi tức là có bệnh, ngược lại, những em nào không có phản ứng gì với thuốc tức là khỏe mạnh. Sau đó được coi là một loại thuốc trị bệnh được sử dụng trên diện rộng ở trẻ em. Năm 1970 Mỹ có khoảng hai trăm nghìn đến ba trăm nghìn trẻ em uống Methylphenidate(5); đến giữa thập kỷ tám mươi thế kỷ XX, có một triệu trẻ em uống Methylphenidate; đến đầu thế kỷ XXI, số trẻ em Mỹ uống loại thuốc này lên tới sáu phảy sáu triệu em, trong đó có gần một nửa dùng nó để chữa bệnh tăng động thiếu chú ý(6).

(5) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.89.

(6) Randall Fitzgerald, Thực phẩm và dược phẩm gây tổn hại đến sức khỏe của bạn như thế nào, Mộ Dịch dịch, NXB Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tháng 6-2007, tr.151.

Nếu rất nhiều năm về trước vì trẻ không ngoan nên bắt chúng uống thuốc, thì đó chắc chắn là một điều không thể tưởng tượng, Methylphenidate đã biến không ngoan thành một căn bệnh cần phải điều trị bằng thuốc.

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh tăng động, có thể chia thành thuốc kích thích trung khu thần kinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống bệnh tâm thần, thuốc chống động kinh, nhưng Methylphenidate vẫn được sử dụng nhiều nhất. Một điều cần lưu ý là giá bán của các loại thuốc này đều không rẻ.

Tài liệu cho thấy, thị trường dược phẩm và điều trị cho trẻ em mắc bệnh tăng động ở Mỹ lên tới ba tỉ USD mỗi năm. Đến năm 2012, thị trường dược phẩm và điều trị cho trẻ em mắc bệnh tăng động ở Anh cũng sẽ lên tới một trăm lẻ một triệu Euro. Và mỗi năm, các công ty sản xuất thuốc lớn còn đầu tư một lượng kinh phí lớn cho đội ngũ vận động hành lang, yêu cầu chính phủ nới lỏng quản lý đối với thuốc chữa bệnh tăng động ở trẻ em.

Hiện nay thuốc chữa bệnh tăng động ở trẻ em còn được tiêu thụ sang các nước trên thế giới, bệnh ADHD cũng bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc. Một website y tế nọ ở Trung Quốc đã viết như sau: “Methylphenidate điều trị bệnh tăng động ở trẻ em rất có hiệu quả, khuyết điểm duy nhất của Methylphenidate là không thể điều trị tận gốc căn bệnh này, chỉ có thể uống trong thời gian dài”. Trên mạng Internet bán mỗi lọ từ ba trăm bảy mươi tệ đến ba nghìn bốn trăm tệ. Ở nước ngoài, nếu trong nhà có trẻ phải uống thuốc, đây cũng là một khoản chi không nhỏ.

Bánh ngon ai cũng muốn cắt một miếng. Công ty dược phẩm nổi tiếng có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc là Yangsen ở Tây An tuyên bố họ đã nghiên cứu và chế tạo ra một loại thuốc có hiệu quả lâu dài trong việc điều trị bệnh tăng động - Methylphenidate Hydrochloride Controlled Release, cách tuyên truyền của họ cũng rất đi vào lòng người. Mùa hè năm 2007, hai tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất ở Bắc Kinh là Bắc Kinh buổi tối và Thanh niên Bắc Kinh đều đưa tin, thuốc kích thích trung khu thần kinh do công ty Eli Lilly của Mỹ sản xuất Atomoxetine Hydrochloride chính thức có mặt ở thị trường Trung Quốc. Các bài báo này tuyên truyền rằng, “Chữa bệnh bằng thuốc là sự lựa chọn hàng đầu” để điều trị bệnh tăng động ở trẻ em. Sang đến mùa đông, lại xuất hiện một bài báo tuyên truyền khác, ngày 30-11, tờ Thanh niên Bắc Kinh lại đăng tải bài viết Bệnh tăng động ở trẻ em nếu không kịp thời điều trị sẽ ảnh hưởng đến suốt đời, nhắc nhở bố mẹ không nên thờ ơ đối với căn bệnh này, nhất thiết phải điều trị, “chữa bệnh bằng thuốc là sự lựa chọn hàng đầu”, sau đó nói với mọi người có một loại thuốc tên là Atomoxetine Hydrochloride, “mỗi ngày uống một viên có thể kiểm soát bệnh tật không gián đoạn trong cả ngày, thích hợp cho việc uống lâu dài nhưng lại không lệ thuộc vào thuốc”.

Ngày 5-7-2008, tờ báo này lại đăng tải bài viết Khả năng tập trung của con trẻ, bố mẹ đã chú ý hay chưa?, nhắc nhở bố mẹ không chịu tập trung chính là mắc bệnh tăng động ADHD, nếu không kịp thời chữa trị, ngoài việc sẽ gặp nhiều khó khăn trong học tập, 50%-65% số người mắc bệnh tương lai sẽ gặp một số vấn đề: Có những biểu hiện không như ý trong công việc, khái niệm thời gian kém, khả năng giao tiếp kém, dễ nổi cáu, tính tình nóng nảy, nghiện rượu hoặc thuốc men, tỉ lệ phạm tội cao… Sau đó cực lực giới thiệu rằng: “Gần đây, Hiệp hội Thần kinh trẻ em Trung Hoa, Hiệp hội Bảo vệ sức khỏe trẻ em Trung Hoa và Hiệp hội Tâm thần trẻ em Trung Hoa đã phối hợp và đưa ra phương án điều trị bệnh ADHD ở Trung Quốc. Trong phương án này, Methylphenidate được coi là loại thuốc điều trị được lựa chọn ở tuyến đầu, có các đặc điểm như hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ, dần dần được các bệnh viện coi là sự lựa chọn hàng đầu trong việc điều trị bệnh tăng động, đã được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế trẻ em của quốc gia”. Những bài tuyên truyền tương tự còn xuất hiện trên các tờ báo như Dương Thành buổi tối, Bắc Kinh buổi sáng... hồi tháng sáu, tháng bảy, các bài báo này đều nhắc đến ba “Hiệp hội” này và loại thuốc này. Nhưng ngoài ba cái tên được nhắc tới trong các bài viết này, trên mạng Internet không tìm thấy website của ba “Hiệp hội” này và các thông tin có liên quan. Tôi đã hỏi mấy người bạn trong ngành y, họ bảo chưa bao giờ nghe thấy tên của những “Hiệp hội” này.

Hiện nay có một loại quảng cáo tên là “quảng cáo mềm”, đây là chuyện mà mọi người trong giới quảng cáo biết rất rõ, tức là nhà sản xuất quảng cáo sản phẩm bằng hình thức đưa tin, đưa bài. Đương nhiên, chỉ cần là quảng cáo, bất luận xuất hiện dưới hình thức nào, đều phải trả tiền cho các phương tiện truyền thông.

Một bác sĩ người Mỹ đã từng nói một câu rất kinh điển rằng: “Biện pháp marketing thuốc men tốt nhất chính là mở rộng độ ảnh hưởng của bệnh tật”, đây thực chất là một bí mật trong ngành sản xuất thuốc. Do mỗi năm chỉ có một lượng ít thuốc mới có thành phần mới được đưa vào thị trường, để các thuốc cũ hoặc thuốc có lượng tiêu thụ kém cũng được bán đi, các nhà sản xuất thuốc buộc phải tạo ra bệnh tật(7).

(7) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.109.

Một căn bệnh có “tiền đồ” lớn như vậy, không phát triển thành phong trào cũng khó.