Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Lời kết

Lời kết

Một vị phụ huynh thường xin tài liệu mới của tôi, khi cuốn sách này chưa được xuất bản, chị đã đọc hết mọi bài viết trong đó.

Chị nói: “Trước đó tôi cũng đã đọc một số cuốn sách về giáo dục gia đình, nhưng thường xuyên cảm thấy thất vọng. Lúc đọc thấy câu nào cũng có lý, sau khi đặt sách xuống lại cảm thấy không biết làm gì cả. Có cuốn sách thậm chí chỉ “khoe khoang” sự thành công, khiến người ta càng đọc càng cảm thấy tự ti, càng đọc càng không biết nên làm bố mẹ như thế nào. Đọc những bài viết này của chị, tôi mới thực sự biết khi phải đối mặt với con trẻ thì nên suy nghĩ gì và làm thế nào. Hiện giờ con tôi đã lên cấp hai, tôi chỉ tiếc rằng không được đọc những bài viết này sớm hơn, tại sao chị lại không cho chúng ra đời sớm hơn!”.

Tôi viết tương đối nhanh, bỏ ra gần một năm để viết được cuốn sách dài hai trăm nghìn chữ này, nhưng quả thực là tôi đã chuẩn bị trong một thời gian rất dài, ít nhất phải mười mấy năm, từ công tác đến nghiên cứu, và cuối cùng là đích thân nuôi con từng ngày. Tôi biết, có rất nhiều bậc phụ huynh khát khao được học hỏi. Những năm qua trên thị thường không thiếu sách về giáo dục gia đình, điều này cũng phản ánh được nhu cầu của mọi người trong vấn đề này. Kể từ khi có con, bản thân tôi cũng đã đọc không ít sách về giáo dục gia đình. Có cuốn do chuyên gia viết, có cuốn do những bậc phụ huynh thành công trong vấn đề nuôi dạy con viết, cũng có cuốn dịch từ sách nước ngoài ra, thậm chí có cả “bịa” mà ra. Những cuốn sách này, có cuốn khiến người ta thu hoạch được khá nhiều điều, nhưng phần lớn lại làm cho người ta thất vọng, thậm chí còn có những cuốn rất sơ sài, đọc mà thấy tức. Mỗi lần đứng trong cửa hàng sách, nhìn thấy bao nhiêu sách về giáo dục gia đình, hoa hết cả mắt, tôi luôn than thầm rằng: Giáo dục gia đình quan trọng biết bao, đúng là bố mẹ thực sự rất cần một số cuốn sách hay để định hướng cho hoạt động giáo dục con của mình, nhưng muốn chọn được một cuốn không dọa dẫm tinh thần người khác, không lừa dối người khác, không nói những lời sáo sỗng, không gây hiểu nhầm, vừa khoa học lại vừa thực dụng, thông tục dễ hiểu, lại mang tính khả thi thật không dễ chút nào!

Là một bậc phụ huynh, tôi biết cuốn sách nào cần thiết với mình. Chính vì thế, sau một thời gian thai nghén và chuẩn bị rất dài, khi tôi bắt đầu viết cuốn sách này, trong lòng vô cùng thành khẩn. Tôi buộc phải làm thế nào để khi các bậc phụ huynh mua sách của tôi, họ cảm thấy rằng cuốn sách này cần thiết, có tác dụng với họ, nếu không, thà không viết còn hơn.

Một số bạn bè họ hàng xung quanh tôi, và nhiều hơn là “họ hàng của họ hàng”, “bạn của bạn”, sau khi đọc được những bài viết này, đã có những phản hồi rất tích cực. Điều này càng khích lệ tôi chuyên tâm viết cho tốt từng bài viết.

Cảm ơn Nhà xuất bản Nhà văn đã tạo điều kiện để cuốn sách này được chính thức xuất bản, để cho càng nhiều bậc phụ huynh biết đến nó hơn nữa. Nếu cuốn sách này khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy rất “thực dụng”, thì đó là điều mà tôi vui nhất.

Cái tên Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt, không hề có ý định so sánh “người mẹ” với “người thầy”, càng không có ý đồ coi nhẹ chức năng giáo dục con người của người thầy. Ở đây chỉ muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục gia đình - mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ, cũng là môi trường giáo dục quan trọng nhất, bố mẹ chính là người thầy, người cô đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc nhất đến trẻ. Một người nếu không có được nền tảng giáo dục gia đình tốt, giáo dục nhà trường phần lớn rất khó có thể thực hiện một cách bình thường ở họ - Xét trên ý nghĩa này, tầm quan trọng của “người mẹ” sẽ lớn hơn cả “người thầy”.

Trong cuốn sách này nói rất nhiều đến con gái Viên Viên của tôi, thể hiện nhiều ưu điểm của cô bé. Tôi không có ý xây dựng một “tấm gương điển hình”, mà chỉ muốn thông qua trường hợp giáo dục con gái tôi, để trình bày một số phương châm giáo dục đúng đắn, để chia sẻ với các bậc phụ huynh một số kinh nghiệm giáo dục có hiệu quả. Con gái tôi là một đứa trẻ bình thường, bản thân cô bé cũng có rất nhiều khuyết điểm và thói xấu. Do cuốn sách này không phải tập trung viết về cô bé, chính vì thế những nội dung không có liên quan sẽ được “bỏ qua”. Đồng thời, cũng xuất phát từ suy nghĩ con gái tôi không phải là một “tấm gương”, mà chỉ là nhân vật chính trong trường hợp này, cuốn sách này chỉ gọi cô bé bằng tên gọi ở nhà, một số thông tin không có liên quan đã bị lược đi - đây cũng là vì muốn tôn trọng ý kiến của con, tôi tin rằng mọi người có thể thông cảm. Ở đây tôi muốn cảm ơn con gái mình, chính cô bé đã giúp tôi có được rất nhiều “kinh nghiệm” có liên quan.

Đồng thời, tôi cũng rất cảm ơn lời giới thiệu của giáo sư Tiền Lý Quần trường Đại học Bắc Kinh và giáo sư Chu Thăng Đông trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, có được sự khẳng định và ủng hộ từ phía họ, tôi cảm thấy vô cùng vinh hạnh. Đặc biệt là giáo sư Tiền Lý Quần, mặc dù ông không quen biết tôi, cũng không có ai giới thiệu, nhưng giáo sư vẫn tranh thủ thời gian đọc bản thảo mà tôi gửi đi. Giáo sư không những góp ý để tôi chỉnh sửa một vài chỗ bất hợp lý, mà còn vui vẻ đồng ý giới thiệu cuốn sách này, tiêu chuẩn duy nhất để ông đưa ra sự lựa chọn của mình là chất lượng của bản thảo. Sau khi về hưu, giáo sư vẫn dành rất nhiều thời gian cho sự nghiệp công ích giáo dục, lúc này, tôi đã trở thành người được trực tiếp hưởng lợi; tôi biết, giáo sư nhiệt tình và giới thiệu cuốn sách này một cách rất vô tư, thực sự là vì trong lòng ông luôn chứa đựng những vấn đề về giáo dục ở Trung Quốc, mục tiêu phục vụ của ông là nhằm vào đông đảo các bậc phụ huynh và giáo viên. Tại đây tôi muốn tỏ lòng kính trọng và cảm ơn ông một lần nữa!

Nếu các bạn độc giả cảm thấy nghi ngờ hoặc có quan điểm trái ngược với những quan điểm của tôi trong cuốn sách này, hoặc có điều gì cần tư vấn, phản hồi, rất mong các bạn hãy liên lạc với tôi qua địa chỉ email và blog của tôi in trong lời giới thiệu về tác giả. Tôi rất muốn trao đổi, giao lưu, học hỏi với các bạn trong khả năng cho phép.

Chúc tất cả trẻ em trong xã hội đều được hưởng một nền giáo dục tốt, chúc tất cả các bậc phụ huynh đều cảm nhận nhận được cái đẹp và niềm hạnh phúc trong quá trình giáo dục con.

Chúc cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn, ngày mai sẽ tươi đẹp hơn!

Bắc Kinh, tháng 10 năm 2008

Những vấn đề liên quan

(Đây là những vấn đề theo từng chủ đề liên quan, mục đích là để giúp độc giả dựa vào nhu cầu của mình, dễ dàng tìm được bài viết tương ứng để tham khảo, nhận thức và lý giải một cách tổng hợp một vấn đề. Con số phía sau mỗi câu hỏi chính là số trang tương ứng với mỗi bài viết)

Bồi dưỡng tư tưởng và phẩm chất đạo đức

Về vấn đề đối nhân xử thế

1. Từ nhỏ nên bồi dưỡng cho trẻ khả năng xử lý các mối quan hệ với mọi người như thế nào? 38, 365, 388

2. Tại sao có những đứa trẻ không biết thông cảm, đồng tình với cảnh ngộ của người khác? 38, 388

3. Làm thế nào để bồi dưỡng cho trẻ tinh thần hợp tác ngay từ nhỏ? 38

4. Tại sao con trẻ lại nói dối? 31, 178, 200, 212

5. Làm thế nào để trị tận gốc tật nói dối của trẻ? 67, 200, 231, 344

6. Trong trường có bạn bắt nạt con bạn thì làm thế nào? 224

7. Nhà trường hoặc cô giáo làm không đúng thì làm thế nào? 178, 212, 268, 469

8. Làm thế nào để bồi dưỡng ý thức phán đoán cho trẻ? 178, 212, 376, 469

9. Làm thế nào đề bồi dưỡng cho trẻ sự chín chắn khi làm việc? 231, 178, 281, 302

10. Sĩ diện hão có hại biết bao, làm thế nào để ngăn ngừa trẻ nảy sinh tâm lý thích sĩ diện hão? 231, 302

11. Làm thế nào để bồi dưỡng cho trẻ khả năng và sự tự tin khi làm việc một mình? 451, 246, 344

12. Làm thế nào để giáo dục cho trẻ khỏi bị “mắc lừa”? 461

13. Khi giáo viên phản ánh con bạn có vấn đề, phụ huynh nên làm như thế nào? 376

Về vấn đề sức khỏe tâm lý

1. Làm thế nào để giúp con vui vẻ, tự tin? 38, 48, 67, 376, 365

2. Nên phê bình trẻ như thế nào để không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ? 67, 344

3. Phương pháp giáo dục của bố mẹ ảnh hưởng gì đến sức khỏe tâm lý của trẻ? 21, 56, 231, 322, 335, 388

4. Chuyện nhỏ hàng ngày ảnh hưởng gì đến sức khỏe tâm lý của trẻ? 31, 38, 212, 411, 423

5. Khi trẻ cần phải đối mặt với một khó khăn, cần làm công tác tư tưởng như thế nào? 21, 281, 451

6. Làm thế nào để giúp trẻ khắc phục sự sợ hãi một loài động vật nào đó? 435

7. Những trở ngại về mặt tâm lý ở trẻ em nảy sinh như thế nào? Hậu quả là gì? 246, 231, 335, 388, 512

8. Tại sao nói “bệnh tăng động ở trẻ em” là một lời dối trá? 512

9. Tại sao nói đầu tư sự “tận tâm” vào con trẻ là sự đầu tư có lời nhất? 322

10. Làm thế nào để xóa bỏ hiện tượng “trẻ em bị gửi nuôi” từ gia đình? 322

11. Tại sao bố mẹ bỏ ra rất nhiều tâm huyết nhưng lại đào tạo ra đứa con “vô tích sự”? 354, 365, 388

12. Hậu quả của việc đánh chửi con trẻ là gì? 376, 388, 512

13. Bố mẹ thường xuyên nổi cáu với con, rốt cục vấn đề nằm ở đâu? 388, 365

14. Nguồn tài sản có giá trị nhất mà bố mẹ để lại cho con là gì? 231, 335, 388

Về vấn đề giáo dục giới tính

1. Làm thế nào để nói chuyện về mối quan hệ với bạn khác giới với con trẻ? 56

2. Có được những kiến thức về giới tính sẽ không phạm những sai lầm về giới tính ư? 190

3. Nên giáo dục giới tính cho con trẻ như thế nào? 190

Phát triển trí tuệ và bồi dưỡng năng lực học tập

Về vấn đề giáo dục vỡ lòng

1. Dạy con biết chữ nên bắt đầu từ thời điểm nào? 91

2. Làm thế nào để dạy con biết chữ một cách có hiệu quả nhất? 91, 475

3. Cách “giáo dục vỡ lòng” nào là không tốt? 91, 100, 475

4. Tại sao không tán thành việc cho trẻ đi học “lớp tiền tiểu học”? 475

5. Bắt trẻ học sớm kiến thức trong bài học là giáo dục vỡ lòng ư? 475

6. Làm thế nào để thực hiện giáo dục vỡ lòng toán học cho trẻ? 100

Về vấn đề lực học và niềm say mê học tập

1. Làm thế nào để trẻ đạt được thành tích cao một cách nhẹ nhàng, thoải mái? 91, 100, 112, 165, 291, 302,489

2. Lợi ích của việc để trẻ “giảng bài” cho bố mẹ là gì? Tại sao nó có thể thôi thúc trẻ học tập? 100

3. Tại sao có những đứa trẻ học rất cố gắng, nhưng thành tích lại không cao? 112, 489

4. Tại sao có những đứa trẻ khi còn nhỏ thành tích học tập rất tốt, sau khi vào cấp hai càng ngày càng đi xuống? 112, 125, 475, 67, 165

5. “Học lệch” đồng nghĩa với điều gì? 12

6. Tại sao nói học một cách máy móc sẽ làm tổn hại đến trí tuệ? 91, 165, 281, 475

7. Trong chuyện học hành nên khen ngợi và khích lệ con trẻ như thế nào? 302, 312, 344, 376

8. Học thuộc lòng thơ cổ có lợi gì cho con trẻ, trẻ nên học thuộc lòng thơ cổ từ khi nào? 77

9. Trong quá trình dạy trẻ học thơ cổ nên chú ý vấn đề gì? 77

Về vấn đề đọc sách ngoài giờ học

1. Đọc sách ngoài giờ học sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập ư? 112, 125, 165

2. Tại sao những đứa trẻ đọc nhiều sách lại có lực học tốt? 112, 137, 165

3. Làm thế nào để bồi dưỡng niềm say mê đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ? 91, 137, 147

4. Tại sao có những đứa trẻ không thích đọc sách? 112, 125, 137, 147

5. Tác hại của việc ít đọc sách là gì? 112, 125, 165, 439

6. Lượng sách mà học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba nên đọc là bao nhiêu? 125

7. Tại sao khi kể chuyện cho trẻ không nên dùng lối văn nói mà nên dùng lối văn viết? 137

8. Khi định hướng cho trẻ đọc sách cần chú ý những vấn đề gì? 137, 154

9. Làm thế nào để giúp con trẻ lựa chọn sách? 137, 147, 154

10. Những yêu cầu nào của phụ huynh sẽ phá hoại niềm say mê đọc sách của trẻ? 137, 147, 154

Về vấn đề học ngữ văn

1. Trình độ ngữ văn có vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của con người? 77, 165

2. Tại sao nói học “ngữ văn” chứ không phải là học “sách giáo khoa ngữ văn”? 165

3. Làm thế nào để học tốt môn ngữ văn? 125, 154, 165

4. Làm thế nào để bồi dưỡng khả năng viết văn của trẻ? Làm thế nào để nâng cao kỹ xảo làm văn? 125, 154, 178

5. “Lớp làm văn siêu tốc” có nâng cao được trình độ viết văn cho trẻ hay không? 125

6. Làm thế nào để bài văn của trẻ thể hiện được tình cảm chân thực, có chiều sâu? 125, 178

7. Tại sao nói khuyến khích trẻ đọc sách là một trong những biện pháp thực dụng nhất của giáo dục tố chất? 224, 112, 125, 499

8. Kỹ xảo lớn nhất trong khi viết văn là gì? 154, 178

9. Con đường ắt phải kinh qua để nâng cao trình độ viết văn cho trẻ là gì? 125, 154, 178

Về vấn đề bồi dưỡng thói quen

Thói quen trong học tập

1. Làm thế nào để bồi dưỡng cho trẻ thói quen tĩnh tâm học bài trong sự ồn ào? 423

2. Làm thế nào để bồi dưỡng cho trẻ thói quen tốt tự giác học bài? 246, 258, 291, 302, 354, 439

3. Làm thế nào để trẻ thích học? 100, 258, 291, 302, 475, 489

4. Tại sao có những đứa trẻ không thích học? 91, 258, 268, 281, 291, 302, 312

5. Đâu là “thói quen tốt” trong học tập? 246, 291, 302

6. Thói quen xấu trong học tập của trẻ được hình thành như thế nào? 246, 268, 302, 489

7. Hậu quả của việc trừng phạt trẻ làm bài tập là gì? 258, 268, 489

8. Làm thế nào khi con trẻ không chịu làm bài tập nghiêm túc? 258, 268, 281, 489

9. Nên vận dụng lối tư duy ngược chiều để kích thích tính chủ động của trẻ trong học tập như thế nào? 258, 268, 291

10. Làm thế nào để trẻ giữ được tình cảm đối với việc học, tránh tình trạng chán học? 258, 268, 281, 291, 376, 475

11. Làm thế nào để bồi dưỡng tinh thần chịu khó và tâm lý chín chắn cho trẻ trong học tập? 291, 302, 312, 344

Về thói quen hành vi

1. Làm thế nào để nhìn nhận về những “tật xấu nhỏ” ở trẻ? 67, 365

2. Làm thế nào để giúp trẻ sửa được thói quen xấu bạ đâu vứt đó? 67, 246, 354

3. Tác hại của việc trẻ em xem ti vi từ nhỏ là gì, làm thế nào để trẻ bớt xem ti vi một cách tự giác? 137, 147, 439

4. Khi việc làm bài tập và xem ti vi của trẻ có xung đột thì làm thế nào? 439

5. Bồi dưỡng thói quen đọc sách tại sao có thể ngăn ngừa bệnh nghiện xem ti vi? 147, 439

6. Ham thích chơi game gọi là “nghiện Internet” ư? 499

7. Biện pháp căn bản để cai “nghiện Internet” là gì? 312, 499

8. Tại sao con trẻ không chịu nghe lời? Bố mẹ nên làm thế nào? 354, 365, 499

Về thói quen sinh hoạt

1. Làm thế nào để trẻ không sợ tiêm? 21

2. Nguyên nhân khiến trẻ lười ăn là gì? 411

3. Có nên bón cơm cho trẻ? Làm thế nào để trị chứng kén ăn? 411

4. Tại sao nói thói quen tốt khi đi ngủ phải bắt đầu thực hiện từ khi còn ở trong thời kỳ sơ sinh? 423

5. Làm thế nào để bồi dưỡng cho trẻ thói quen tốt ngủ không sợ ồn ào? 423

6. Khi bồi dưỡng cho trẻ một thói quen nào đó làm thế nào để tránh những “lời nhắc nhở tiêu cực”? 411, 423

Tài liệu tham khảo

1. Đào Hành Tri, Văn tập giáo dục Đào Hành Tri, NXB Giáo dục Tứ Xuyên, tháng 5-2005.

2. Tiền Lý Quần, Ngoại đàm giáo dục ngữ văn, NXB Đại học Sư phạm Quảng Tây, tháng 7-2003.

3. Trần Hạc Cầm, Giáo dục gia đình, NXB Đại học Sư phạm Hoa Đông, tháng 5-2006.

4. Trần Kỳ, Lưu Nho Đức chủ biên, Tâm lý học giáo dục đương đại, NXB Sư phạm Bắc Kinh, tháng 4-1997.

5. Phụ Bội Vinh, Dùng cái gì để tưới mát cho tâm hồn, NXB Văn hóa quốc tế, tháng 9-2006.

6. Lý Khai Phục, Làm chính mình tốt nhất, NXB Nhân dân, tháng 9-2005.

7. Lý Trấn Tây, Dân chủ và giáo dục, NXB Thiếu niên nhi đồng Tứ Xuyên, tháng 3-2004.

8. Vương Lệ chủ biên, Chúng ta nên học môn ngữ văn như thế nào, NXB Nhà văn, tháng 10-2002.

9. Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Sự chào đời của công dân, Hoàng Chi Thụy, Trương Bội Trâm dịch, NXB Khoa học giáo dục, tháng 4-2002.

10. Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tháng 6-1984.

11. Makarenko, Tuyển tập giáo dục của Makarenko, Ngô Thức Dĩnh biên soạn, NXB Giáo dục nhân dân, tháng 1-2005.

12. John Dewey, Chủ nghĩa dân chủ và giáo dục, Vương Thừa Tự dịch, NXB Giáo dục Nhân dân, tháng 5-2001.

13. John Dewey, Chúng ta nên tư duy như thế nào - Kinh nghiệm và giáo dục, Khương Văn Mẫn dịch, NXB Giáo dục Nhân dân, tháng 1-2005.

14. Erich Fromm, Người vì mình, Tôn Y Y dịch, Tam Liên thư điếm, tháng 11-1988.

15. Erich Fromm, Nghệ thuật của tình yêu, Lý Kiện Minh dịch, NXB Văn dịch Thượng Hải, tháng 4.2008.

16. Jean-Jacques Rousseau, Emile, Lý Bình Âu dịch, NXB giáo dục Nhân dân, tháng 5-2001.

17. Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989.

18. Maria Montessori, Phương pháp giáo dục trẻ em của Montessori, Nhậm Đại Văn dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tháng 5-2001.

19. Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006.

20. Kuroyanagi Tetsuko, Tottochan - cô bé bên cửa sổ, Triệu Ngọc Kiểu dịch, Công ty xuất bản Hải Nam, tháng 1-2003.

21. Randall Fitzgerald, Thực phẩm và dược phẩm gây hại đến sức khỏe của bạn như thế nào, Mộ Dịch dịch, NXB Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tháng 6-2007.

Phụ lục

Một số thông tin về hệ thống giáo dục của Trung Quốc

1. Các thông tin chung

Trung Quốc thực hiện chế độ giáo dục gồm bốn giai đoạn: Giáo dục trước tuổi đi học, giáo dục sơ cấp, giáo dục trung cấp và giáo dục cao cấp.

Giáo dục trước tuổi đi học hay còn gọi là giáo dục mầm non dành cho trẻ em từ ba đến sáu tuổi.

Giáo dục sơ cấp hay còn gọi là giáo dục tiểu học (cấp một) dành cho trẻ em từ sáu đến mười hai tuổi.

Giáo dục trung cấp lấy nền tảng là giáo dục sơ cấp, gồm có hai bộ phận: giáo dục trung cấp phổ thông và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó giáo dục trung cấp phổ thông là bộ phận chủ yếu. Giáo dục trung cấp phổ thông hay còn gọi là giáo dục trung học chia làm hai giai đoạn là sơ trung và cao trung (tương đương với trung học cơ sở và trung học phổ thông của Việt Nam). Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp nhận học sinh tốt nghiệp sơ trung vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, thời gian học là ba năm (hai năm học và một năm thực tập). Hiện nay các trường trung cấp chuyên nghiệp thông thường bao gồm trường kĩ thuật, trường sư phạm và các trường về nghệ thuật, y dược, thể dục, tài vụ.

Giáo dục cao cấp hay còn gọi là giáo dục cao đẳng, đại học và sau đại học là giáo dục chuyên nghiệp dựa trên nền tảng giáo dục trung cấp, gồm hai bộ phận: Giáo dục cao cấp chính quy và giáo dục cao cấp theo chế độ tại chức. Giáo dục cao cấp chính quy tuyển sinh học sinh tốt nghiệp cao trung với phương thức học tập toàn thời gian. Giáo dục cao cấp theo chế độ tại chức dành cho những người đã đi làm theo ba hình thức sau: tạm nghỉ việc đi học, vừa làm vừa học và học hàm thụ.

2. Giáo dục trước tuổi đi học

Giáo dục trước tuổi đi học hay còn gọi là giáo dục mẫu giáo là nền tảng vô cùng quan trọng cho cả quá trình giáo dục sau này. Theo quy định trong Luật giáo dục của Trung Quốc, trẻ em tròn ba tuổi trở lên mới được đi học mẫu giáo. Trường mẫu giáo có ba khối lớp: nhỏ, nhỡ và lớn. Lớp nhỏ dành cho các em từ ba đến bốn tuổi, lớp nhỡ là các em bốn đến năm tuổi, lớp lớn là các em từ năm đến sáu tuổi.

3. Giáo dục phổ thông

Giáo dục phổ thông của Trung Quốc được chia làm hai giai đoạn: tiểu học và trung học. Giai đoạn tiểu học gồm sáu lớp từ 1 đến 6, trẻ em tròn sáu tuổi (tính đến ngày 1/9 năm đó) mới được vào học lớp 1.

Giai đoạn trung học gồm hai cấp học: sơ trung và cao trung tương đương với trung học cơ sở (cấp hai) và trung học phổ thông (cấp ba) ở Việt Nam, sơ trung có ba lớp 7, 8, 9, cao trung có ba lớp 10, 11, 12. Khi học hết lớp 10, học sinh Trung Quốc thường chia lớp theo khối tự nhiên và khối xã hội để chuẩn bị cho kì thi đại học sau đó.

Theo Luật giáo dục (năm 2006) của Trung Quốc, giáo dục tiểu học và giáo dục sơ trung là các cấp học phổ cập. Mọi công dân trong độ tuổi đi học có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

4. Giáo dục đại học chính quy

Các trường đại học chính quy ở Trung Quốc được chia làm hai bộ phận: trường đại học tổng hợp và trường cao đẳng. Một trường đại học tổng hợp có rất nhiều học viện, mỗi học viện có một lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, thời gian học là bốn đến năm năm. Còn trường cao đẳng là từ hai đến ba năm, sinh viên sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng có thể thi chuyển tiếp lên trường đại học tổng hợp, vào các học viện có chuyên ngành đã học ở cao đẳng.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com – gác nhỏ cho người yêu sách.]

Kì thi đầu vào đại học chính quy của Trung Quốc diễn ra vào đầu tháng sáu hàng năm (bắt đầu từ năm 2011). Cũng giống như ở Việt Nam, đây là kì thi chung đề thống nhất toàn quốc.

Các môn thi đại học bao gồm: ba môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, tiếng Anh và một môn thi tổng hợp. Khối tự nhiên thi tổng hợp ba môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, khối xã hội thi tổng hợp ba môn Chính trị, Địa lí, Lịch sử.

Cách tính điểm như sau: ba môn bắt buộc điểm tối đa mỗi môn là 150 điểm, môn tổng hợp tổng điểm là 300. Như vậy điểm thi đại học tối đa của một thí sinh là 750 điểm. Thông thường, các trường đại học hàng đầu Trung Quốc như Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa có điểm đầu vào ở khoảng trên dưới 600 điểm tùy theo từng khoa.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách

Du Ca – Mint

(Duyệt – Đăng)