Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt - Chương 7 - Phần 7

6. Tác dụng phụ đáng sợ của thuốc chữa bệnh tăng động

Những loại thuốc này có thật là không có tác dụng phụ giống như quảng cáo nói hay không?

Về tác dụng phụ của các loại thuốc kích thích trung khu thần kinh dành cho trẻ em như Methylphenidate và các loại thuốc khác, thường bao gồm: Giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, đau đầu chóng mặt, giảm trọng lượng, ngoài ra còn có thể xuất hiện các triệu chứng như dị ứng, thần kinh hưng phấn mang tính vận động, ảo giác sợ hãi và bị theo dõi, đôi khi đau bụng. Những tác dụng phụ này thường chỉ được viết trong tờ đơn giới thiệu thuốc, đây chưa phải là những tác dụng phụ xấu nhất, nghiêm trọng hơn cả là những tác dụng không được ghi trên đơn giới thiệu:

Thuốc kích thích trung khu thần kinh ức chế sự tăng trưởng về thể trọng và chiều cao, những đứa trẻ uống liên tục hai năm loại thuốc thần kinh này, chiều cao trung bình thấp hơn so với trẻ cùng tuổi một phẩy năm centimet(8), uống thuốc trong thời gian dài có thể khiến cơ thể thấp bé.

(8) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.99.

Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm lý quốc gia của Mỹ đã công bố một kết quả nghiên cứu về thần kinh học, những trẻ không uống thuốc điều trị bệnh tăng động thiếu chú ý, đến năm bảy tuổi rưỡi, lớp vỏ đại não ở não phải đạt tới mức dày nhất, trong khi đó, ở những trẻ uống thuốc, thời gian để lớp vỏ đại não ở não phải đạt tới mức dày nhất muộn hơn trẻ không uống thuốc ba năm. Cũng có nghĩa là, uống thuốc Methylphenidate sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ.

Trọng lượng của trẻ em tương đối nhẹ, chúng đang ở trong giai đoạn phát triển, các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa hoàn thiện, sức đề kháng của chúng đối với các chất hóa học rất yếu, sử dụng lâu dài loại thuốc này sẽ có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các cơ quan, thậm chí để lại hậu họa.

Ngày 22-2-2007, diễn đàn Sohu đã trích tin từ tờ Luật pháp buổi tối và viết rằng, Cơ quan Quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo, từ năm 1999 đến năm 2003, trong số các bệnh nhân sử dụng thuốc chữa bệnh ADHD, có hai mươi lăm người tử vong, trong đó có mười chín trẻ em; đồng thời, một bản báo cáo của FDA cho thấy, xác suất nguy hiểm đối với những người sử dụng thuốc chữa bệnh ADHD xuất hiện các triệu chứng về bệnh tâm thần lên tới một phần nghìn, ví dụ những người sử dụng thuốc sẽ xuất hiện các vấn đề về bệnh tâm thần như ảo giác thính giác, nghi ngờ vô cớ, nôn nóng bất an. FDA kiến nghị, Methylphenidate cần bổ sung thêm những lời cảnh cáo đen trong tờ đơn giới thiệu thuốc, nhắc nhở mọi người loại thuốc này có thể gia tăng nguy hiểm cho người sử dụng như gây thiệt mạng hoặc gây ra các tổn thương về mặt tinh thần.

Ngoài những tác dụng phụ đáng sợ nói trên, tôi cho rằng, tác hại lớn nhất của loại thuốc này đối với trẻ em là về tâm lý. Ngày nào cũng uống một viên thuốc tức là ngày nào cũng nhắc nhở rằng: Em là người mang bệnh, em phải uống thuốc.

Tuổi thơ trôi qua sẽ không bao giờ trở lại, những thuốc đã từng uống cũng sẽ để lại vết tích trong cơ thể; bị gắn cái mác “bệnh tăng động” cũng sẽ để lại dấu vết trong tâm hồn. Tôi đã từng gặp một số em, sau khi uống thuốc một giai đoạn, các em không chịu dừng thuốc, sợ rằng nếu dừng thuốc mình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. Thuốc không những gây hại cho sức khỏe của trẻ, mà còn hủy hoại lòng tự tin của em - lẽ nào tác dụng phụ này không phải là đáng sợ nhất hay sao?

7. Phụ huynh và giáo viên trở thành “tay sai” gây rắc rối

Những thông tin về “bệnh tăng động ở trẻ em” càng ngày càng nhiều, nó khiến cho rất nhiều người tin rằng, đúng là có một loại bệnh đang đe dọa đến sức khỏe của trẻ em, và hơn nữa đang có chiều hướng lây lan rộng, ngay cả trẻ trong trường mầm non “không giữ kỷ luật, không ngủ trưa” cũng bị nói là triệu chứng của bệnh tăng động. Tôi đã từng gặp không ít phụ huynh, nói đến chuyện con họ không chịu nghe lời, liền lo lắng và nói rằng có thể con mình mắc bệnh tăng động. Bởi những “triệu chứng” của bệnh tăng động rất dễ khiến phụ huynh gắn con mình với căn bệnh này.

Hầu hết những vị phụ huynh tin vào “bệnh tăng động” lại không hiểu nhiều về căn bệnh này, thậm chí chưa từng tìm hiểu qua các tài liệu, thông tin của họ chủ yếu bắt nguồn từ bác sĩ, báo chí hoặc nghe người nọ người kia nói. Rất nhiều phụ huynh đưa con đi khám bệnh tăng động sau khi được giáo viên gợi ý hoặc đề nghị. Bởi hành vi của trẻ ở trường hoặc trường mầm non không phù hợp với yêu cầu, gây phiền hà cho giáo viên. Giáo viên không muốn bị một số học sinh gây phiền hà quá nhiều, không muốn hoặc không đủ khả năng tìm kiếm mấu chốt của vấn đề trong giáo dục, và thế là liền tìm biện pháp giải quyết đơn giản nhất là để cho phụ huynh đưa con đi khám bác sĩ. Chỉ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra, rất nhiều trẻ liền trở thành “bệnh nhân”, chúng phải uống thuốc hàng ngày. Như thế giáo viên liền có thể được giải thoát một cách nhẹ nhàng trước sự quấy rối của một số học sinh.

Không ít phụ huynh cũng muốn quy kết một số “vấn đề” của con trẻ cho nguyên nhân khách quan, lối suy nghĩ này không đòi hỏi bố mẹ phải tự trách mình, thực hiện cũng giản tiện nhất. Thậm chí tôi còn gặp phụ huynh của một em học sinh cấp ba, con chị không chịu học hành chăm chỉ, không thích ngồi trước bàn học, chỉ muốn đi đá bóng hoặc xem ti vi, chị cho rằng con mình mắc bệnh tăng động, liền bắt con đi khám bác sĩ khoa tâm thần, ngày ngày bắt con uống thuốc. Và với tư cách là phụ huynh, chị không hề muốn kiểm điểm lại những sai lầm trong phương pháp giáo dục của mình bao nhiêu năm qua, càng không muốn thay đổi phương pháp giáo dục của chính bản thân mình.

Những phụ huynh hoặc giáo viên có con hoặc học sinh mắc “bệnh tăng động”, nếu biết quan tâm và thấu hiểu con trẻ, chăm chú lắng nghe “ngôn ngữ hành vi” của trẻ, mọi thứ của trẻ đều trở nên bình thường. Trên lớp trẻ không chú ý nghe giảng là vì không thích cách giảng bài của giáo viên hoặc không có hứng thú với nội dung bài giảng; thành tích học tập kém, là vì trẻ không học các nội dung trong bài thi; tấn công bạn bè, là vì trẻ muốn bảo vệ mình hoặc cảm nhận được niềm vui ở trong đó; có những hành động nguy hiểm, là vì chúng muốn thể hiện mình hoặc không biết nguy hiểm là gì - hàng triệu trẻ em khác nhau sẽ có hàng triệu ý thức về mình khác nhau, hành vi của chúng cũng có những biểu hiện khác nhau. Chúng vẫn chưa có được quan niệm đạo đức, quan niệm giá trị, khả năng chịu đựng và khả năng dự đoán được hậu quả như người lớn, chính vì thế chúng rất khó dùng những cái này để kiểm soát mình.

Người lớn tiếp nhận một đứa trẻ ở mức độ như thế nào, được quyết định bởi anh ta hiểu được “lời tâm sự” của đứa trẻ ra sao.

Phụ huynh và giáo viên đều yêu trẻ, nhưng chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ. Sự khác biệt trong phương châm giáo dục, cách xử lý vấn đề sẽ dẫn đến sự khác biệt lớn của chất lượng của tình yêu. Chỉ khi hiểu con trẻ, mới có thể giáo dục tốt trẻ, mới có thể yêu trẻ một cách có chất lượng.

8. Rốt cục trẻ mang “bệnh tăng động” đã mắc chứng bệnh gì?

Nếu nói quả thật con trẻ biểu hiện ra một số vấn đề trong hành vi hoặc phẩm chất nhân cách, về cơ bản những vấn đề này đều có thể dùng giáo dục học để giải thích.

Một phần do phụ huynh hoặc giáo viên coi sự hiếu động, hoạt bát bình thường của trẻ là có vấn đề, không có chuyện gì mà gây chuyện. Phần lớn do trong cuộc sống gia đình trẻ phải chịu sức ép tâm lý lớn, khi chống lại sức ép, trẻ đã để nảy sinh và phát triển ra nhiều hành vi dị dạng. Đương nhiên những hành vi dị dạng này sẽ khiến người ta cảm thấy khó chịu, muốn tìm nguyên nhân gây ra nó, buộc phải quay trở về với môi trường trưởng thành trong gia đình.

Ngày càng có nhiều trẻ mắc “bệnh tăng động” chỉ có thể chứng minh một điều rằng, ngày càng có nhiều vấn đề tồn tại trong giáo dục gia đình hiện nay.

Sự theo đuổi đối với sự tiêu chuẩn hóa của xã hội hiện đại khiến xã hội nảy sinh tâm lý a dua trong mọi phương diện. Bố mẹ luôn mong con mình phát triển theo hướng “tấm gương”, chứ không phát triển theo hướng mà trẻ muốn. Người lớn đã đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn cho con trẻ, cho rằng đào tạo trẻ trong khuôn mẫu tiêu chuẩn, tương lai mới có thể thành công. Ví dụ “ham học”, “lễ phép”, “giữ kỷ luật”, “đa tài đa nghệ”… Trẻ tỏ ra “nghe lời” trong những phương diện này, làm theo yêu cầu của phụ huynh, tức là tốt, nếu chúng không nghe lời, không đạt theo yêu cầu của người lớn, liền bị trách mắng, nghiêm trọng hơn là chửi đánh. Có bậc phụ huynh gặp phải những cảnh ngộ không được như mong muốn hoặc có khiếm khuyết về mặt nhân cách, thường đổ sự không như ý của mình vào con trẻ, giao “lý tưởng” của mình cho con trẻ thực hiện.

Thái độ của những người lớn này đối với trẻ đã thể hiện cảm giác lo lắng và không an toàn của người lớn. Nó ắt sẽ phát triển thành mối xung đột xảy ra liên tục giữa người lớn và trẻ em. Bố mẹ của những em mắc “bệnh tăng động” thường có nhân cách quá khích, một mặt họ đã dùng mô hình tư duy của mình để can thiệp một cách lâu dài, không tốt vào đặc tính tự nhiên của trẻ, lấy danh nghĩa “tình yêu” để không ngừng đảo lộn nhịp điệu sinh trưởng vốn có ở trẻ, khiến chúng sa vào nỗi buồn khổ và sợ hãi; mặt khác ý thức bảo vệ cái tôi của họ rất mạnh, người lớn muốn vừa vấp phải thử thách, liền đưa ra phản ứng ngay, thường đối xử với trẻ một cách hà khắc. Phương pháp giáo dục này có lợi cho việc giúp người lớn trút bỏ tâm trạng, nhưng không có lợi cho sự phát triển của trẻ, gây tổn thương về mặt tâm lý cho trẻ.

Phân tích mọi “triệu chứng” trong bảng điểm chẩn đoán, đều phản ánh sự điều chỉnh của trẻ em đối với mối quan hệ giữa bản thân chúng và thế giới. Chúng dùng các “triệu chứng” khác nhau để trút bày những trải nghiệm tự ti, bất an, chán ghét, thất vọng, thờ ơ, căm hận, nghi ngờ… sau khi không ngừng bị tổn thương về mặt tâm lý. Vết thương tâm lý sẽ khiến trẻ chịu sức ép lớn về mặt tinh thần, hành vi trở nên biến thái, hoặc là trở thành một đứa trẻ ngang ngạnh, khó bảo; hoặc là trở thành một kẻ bù nhìn hoàn toàn đánh mất chính mình; hoặc sẽ trở thành một con người cô độc, quá khích, không thể sống chung với người khác - đằng sau tất cả những điều này đều là do trẻ mất cảm giác an toàn, mất tự tin.

Con người là sinh vật nhạy cảm biết bao, ngay từ khi còn rất nhỏ trẻ em đã có cảm nhận mạnh mẽ về tình yêu và sự tôn trọng. Bất kỳ cảnh ngộ nào trong cuộc sống đều có thể tạo nên những thay đổi trong các chỉ tiêu sinh hóa trên cơ thể trẻ, kể cả trong đại não của những trẻ được gọi là mắc “bệnh tăng động” có thiếu Dopamine làm cho trẻ yên tĩnh, ai có thể nói rõ đây là nguyên nhân hay kết quả? Chính vì vậy “nguyên nhân gây bệnh” thực sự của “bệnh tăng động” là hai sai lầm mà người lớn mắc phải: Quan niệm sai lầm về trẻ em và phương pháp giáo dục sai lầm.

Nói như thế này khiến rất nhiều phụ huynh và giáo viên cảm thấy không vui, thậm chí phản cảm. Họ đã quen quy kết vấn đề cho một nguyên nhân khách quan, đồng thời đi tìm phương án giải quyết khách quan. Lời chẩn đoán của bác sĩ đã giảm nhẹ cảm giác có tội đối với sự thất bại trong giáo dục của phụ huynh và giáo viên, giữ thể diện cho họ. Đồng thời, so với việc lưu tâm quan sát, hạ quyết tâm tự thay đổi mình, uống thuốc là biện pháp đơn giản nhất, ít đòi hỏi bố mẹ và giáo viên phải mất công sức nhất - nó rất phù hợp với hành vi của những phụ huynh vốn thiếu quan tâm, thấu hiểu con trẻ, coi mình là nhất. Những phụ huynh và giáo viên tự coi mình là nhất tin vào thuốc hơn là tin vào giáo dục. Sai lầm mà người lớn mắc phải, lại trút toàn bộ lên đầu trẻ, bắt trẻ phải gánh chịu. Bị chẩn đoán là “có bệnh” đã gỡ tội cho bố mẹ và giáo viên, nhưng nó lại vĩnh viễn làm tổn thương con trẻ.

Hiện nay những căn bệnh phổ biến trong trẻ em còn có bệnh hội chứng Tourette(9), Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan(10) triệu chứng của chúng khá giống với bệnh tăng động. Có người đã đưa hai loại bệnh này vào nội hàm của bệnh tăng động, có người thì xếp chúng ngang hàng với bệnh tăng động. Sử dụng thuốc cũng đều là những loại thuốc kiểm soát trung khu thần kinh.

(9) Hội chứng Tourette là chứng rối loạn hệ thần kinh có những biểu hiện như có những động tác co giật không tự chủ, cứng nhắc, gặp trở ngại trong ngôn ngữ, hành vi, như liên tục chớp mắt, làm trò hề, lắc đầu, nhún vai, hắng giọng, phát tiếng ho…

(10) Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan (Sensory integration dy sfunction) là chỉ tín hiệu kích thích cảm giác bên ngoài không thể được tổ hợp một cách có hiệu quả trong hệ thống thần kinh đại não ở trẻ em, khiến cho cơ thể không thể vận động một cách hài hòa, dần dần hình thành nên các bệnh về tâm lý. Trẻ có những đặc điểm như không chịu tập trung, trí nhớ kém, hay quên, thành tích học tập kém, làm bài tập lề mề, xốc nổi, mạo hiểm, gặp khó khăn trong những công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, nói lắp, không diễn đạt được ý của mình; có trẻ lại dễ căng thẳng, nhút nhát, hay khóc, không hòa đồng, kén ăn hoặc ăn uống vô độ…, (ND).

Thực ra, điều bất hạnh thực sự của những em mắc “bệnh tăng động”, “Hội chứng Tourette” hoặc “Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan” đều là sau khi chào đời, mọi bản tính bình thường của trẻ đều bị tước đoạt. Có một vị phụ huynh khi con học đi, sợ con làm bẩn quần áo, sợ con bị ngã nên bế trên tay suốt ngày, không cho con xuống đất. Còn rất nhiều sự hạn chế tương tự như thế, không cho phép trẻ làm việc này hay việc khác. So với những trẻ cùng trang lứa, động tác của con chị không hài hòa, năm mười tuổi buộc phải vào “lớp trị liệu Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan”. Cũng giống như vậy, rất nhiều tài liệu và kinh nghiệm có thể chứng minh được rằng, những đứa trẻ thường xuyên bị đánh mắng, do sức ép quá lớn, cũng sẽ xuất hiện hiện tượng co giật ở tứ chi hoặc ngũ quan, tức cái gọi là “hội chứng Tourette”.

Những đứa trẻ này đã “ốm” rồi, nhưng uống thuốc có giải quyết được vấn đề gì không? “Lớp trị liệu” có trị liệu được không? Tôi đã từng gặp một số em tham gia “lớp trị liệu Rối loạn khả năng điều hòa ngũ quan”, bố mẹ của các em đã bỏ ra rất nhiều tiền, nhưng tình trạng của các em không có gì cải thiện.

9. Các bác sĩ đại diện cho khoa học và sự quyền uy

Đứng trên góc độ của bác sĩ để xem xét vấn đề. Từ trước đến nay, giới y học luôn tranh cãi về căn bệnh này, có rất nhiều bác sĩ cho rằng đây là căn bệnh do người ta phát minh ra, là bệnh giả. Tuy nhiên nhiều bác sĩ tâm thần không phản đối việc kê thuốc cho trẻ.

Một mặt bác sĩ không đứng trên góc độ giáo dục để suy nghĩ vấn đề, mặt khác thông thường bác sĩ không muốn nói với người đến khám bệnh rằng anh không có bệnh, không kê thuốc mà cho bệnh nhân về. Người bệnh có bệnh, không chẩn đoán ra được bệnh, bác sĩ sẽ phải gánh trách nhiệm; nhưng người bệnh không có bệnh, bị nghi ngờ là có bệnh và tiến hành điều trị, kể cả cuối cùng được chẩn đoán chính xác là không có bệnh, bác sĩ cũng sẽ không gặp rắc rối gì. Những bác sĩ có thể tóm bắt được những triệu chứng mơ hồ và đưa ra lời chẩn đoán, mới được người ta tôn trọng hơn. Đây là nguyên nhân đầu tiên. Nguyên nhân thứ hai là, xét về nghiên cứu y học, bác sĩ phải không ngừng đưa ra thành quả nghiên cứu học thuật của mình, nhưng không phải mọi thành quả đều từ nghiên cứu mà ra. Trong cuốn Người phát minh bệnh tật có một đoạn rất hay, xin trích ra như sau: “Sự ra đời của một căn bệnh thường bắt nguồn từ việc một bác sĩ nào đó tuyên bố đã quan sát được một tình trạng bất thường. Lúc đầu chỉ có một số ít bác sĩ tin vào triệu chứng của bệnh mới, tiếp theo đó những người này tham gia một hội nghị nào đó, trong cuộc hội nghị giao cho một nhóm chuyên gia phụ trách công tác xuất bản kỷ yếu, dựa vào các bài viết trong kỷ yếu để mở rộng độ ảnh hưởng của căn bệnh mới đồng thời gây hứng thú cho người khác. Đến đây, các bác sĩ khác cũng chú ý tới hiện tượng mới, sau đó cố gắng tìm kiếm những bệnh nhân có triệu chứng tương tự. Trong quá trình khám bệnh mang tính lựa chọn này, đã có thể xuất hiện một dịch bệnh mới. Tiếp sau đó rất nhiều bài viết và báo cáo nghiên cứu bắt đầu khiến người ta nảy sinh một ấn tượng: Bác sĩ đã phát hiện ra căn bệnh mới thật. Nhóm bác sĩ này tự xuất bản chuyên san phát biểu kết quả nghiên cứu của mình - trong đó cam đoan là không có những báo cáo mang tính phê bình”(11).

(11) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.55.

Nguyên nhân quan trọng thứ ba là mối quan hệ tế nhị giữa bác sĩ và nhà sản xuất thuốc. Rất nhiều quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ, Anh, Đức, hiện tượng các nhà sản xuất thuốc tài trợ cho các tạp chí y học thanh thiếu niên, các cuộc hội thảo khoa học là rất phổ biến. Nhà sản xuất thuốc tài trợ cho hội thảo y học, sau khi các cuộc hội thảo kết thúc liền tổ chức tiệc chiêu đãi mời các bác sĩ tham gia, tổ chức các buổi du lịch. Hiện nay công tác tu nghiệp của bác sĩ theo luật định ở Đức, phần lớn là do các nhà sản xuất thuốc sắp xếp. Sau khi kiếm được một khoản tiền lớn từ nhà sản xuất thuốc, giáo sư y học và bác sĩ tư nhân liền phát biểu trong cuộc họp báo. Biện pháp hiệu quả nhất, ghê gớm nhất của các nhà sản xuất thuốc là tài trợ cho các tạp chí y học, phát biểu công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí, những báo cáo này rất chặt chẽ, không thể phản bác, không những thường xuyên đối chiếu xem thuốc mới có phát huy được tác dụng quan trọng hay không, mà còn ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc và phạm vi sử dụng thuốc của các bác sĩ sau này(12).

(12) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.26-34.

Vài năm gần đây, không ít nhà sản xuất thuốc nổi tiếng quốc tế đã tiến quân mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc, ngành sản xuất thuốc trong nước cũng phát triển nhanh chóng. Cùng với đó, mô hình marketing y dược phổ biến trên thế giới không những bén rễ ở Trung Quốc, mà còn phát triển rất mạnh. Đội ngũ dược sĩ khổng lồ mới nổi, giống như những nút thắt dày đặc, gắn kết doanh nghiệp sản xuất với bác sĩ. Một số nhà sản xuất thuốc có thực lực đã mời bác sĩ thông qua việc kê đơn hoặc tuyên truyền để tiếp thị sản phẩm của mình, đây là chuyện không hề khó khăn.

Từ lâu nay, lời nói của ai cũng có thể nghi ngờ, nhưng chúng ta không nghi ngờ lời của bác sĩ. Vì họ là những người đại diện cho khoa học, là bậc quyền uy quan tâm đến sức khỏe và số phận của con người. Nhưng sự thôi thúc của lợi ích giống như dòng nước lũ có thể thay đổi và hủy hoại rất nhiều thứ.

Giới y học Australia đã tổng kết ra năm phương thức bán triệu chứng bệnh trên lâm sàng:

Coi quá trình sinh mệnh bình thường là vấn đề y tế;

Coi vấn đề cá nhân và vấn đề xã giao là vấn đề y tế;

Coi rủi ro gây bệnh là triệu chứng của bệnh;

Coi những triệu chứng hiếm gặp là bệnh dịch lây lan khắp nơi;

Coi những triệu chứng nhẹ là điềm báo của căn bệnh nặng(13).

(13) Jorg Blech, Người phát minh bệnh tật, Trương Chí Thành dịch, NXB Hải Nam, tháng 6-2006, tr.3.

10. Vứt thuốc vào thùng rác là khởi đầu để chữa khỏi bệnh

Nhà giáo dục học nổi tiếng người Italia Maria Montessori là một tiến sĩ y học, bà từng là bác sĩ thần kinh trẻ em. Trong quá trình tiếp xúc với các bệnh nhân khác nhau, càng ngày bà càng cảm thấy rằng, thuốc không thể giải quyết được vấn đề, vấn đề nằm ở giáo dục, giáo dục mới là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề tinh thần và hành vi của trẻ. Sau nhiều năm nghiên cứu thực tiễn, bà đã rút ra được kết luận sau: “Những khiếm khuyết về mặt tâm lý và bệnh tinh thần ở trẻ chủ yếu là vấn đề giáo dục chứ không phải là vấn đề y học, huấn luyện giáo dục sẽ có hiệu quả hơn là huấn luyện y tế”(14). Kết luận này đã làm thay đổi số phận của vô số trẻ em.

(14) Montessori, Phương pháp giáo dục trẻ em khoa học của Montessori, Nhậm Đại Văn dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.4.

Bà đã thành lập “ngôi nhà tuổi thơ” chuyên chữa trị vết thương tâm lý cho trẻ em, chủ yếu chữa trị cho những em có vấn đề về mặt tinh thần, trí tuệ và trẻ em lang thang cơ nhỡ. Bà đã phát minh ra rất nhiều phương pháp dạy học và đồ dùng dạy học để cải thiện trí tuệ và tinh thần của trẻ, huấn luyện một cách có hiệu quả đối với học sinh. Bà đã coi những đứa trẻ này như những đứa trẻ bình thường và gần gũi với chúng, dành cho chúng sự quan tâm và phương pháp giáo dục phù hợp với bản tính tự nhiên của con người. Montessori đã rất thành công khi giúp được những em bước vào “ngôi nhà tuổi thơ” thoát khỏi những khó khăn và tương lai đen tối, các phương diện như phát triển ngôn ngữ, động tác hài hòa, quan hệ với mọi người, học hành đều như trẻ bình thường, dưới sự giám sát của chính phủ, vượt qua được các kỳ thi về đọc, viết, tính toán cùng trình độ với các em cùng trang lứa trong trường công lập. Thành quả giáo dục của bà đã gây chấn động trong giới giáo dục toàn cầu.

Nguyên tắc cơ bản của lý luận và phương pháp giáo dục của Montessori là “cố gắng giảm thiểu sự can thiệp vào tính chủ động của trẻ”(15), tức là tạo cho trẻ sự tự do lớn nhất, tôn trọng trẻ, phát triển tiềm năng của trẻ, để trẻ học được cách làm việc, phán đoán một cách độc lập. Giáo sư trường đại học Havard, nhà giáo dục E.G.Holmes nói: “Cái tinh hoa trong hệ thống lý luận của Montessori là có sự nhận định đúng đắn về chân lý dưới đây: Trừ phi trong bầu không khí tự do, trẻ em vừa không thể phát triển được mình, cũng không nhận được sự nghiên cứu có ích!”.

(15) Montessori, Phương pháp giáo dục trẻ em khoa học của Montessori, Nhậm Đại Văn dịch, NXB Giáo dục nhân dân, tái bản lần thứ nhất tháng 5-2001, tr.12.

“Giảm thiểu can thiệp”, tạo cho trẻ “bầu không khí tự do” mới có thể bồi dưỡng ra những đứa trẻ khỏe mạnh về mặt thể xác và tâm hồn, hài hòa, điều này về logic là trùng khớp với vấn đề hầu hết trẻ em mắc “bệnh tăng động” đều sinh ra trong một gia đình có sự quản giáo nghiêm khắc nói đến ở trên. Nếu nói thật sự có một loại thuốc có thể chữa được bệnh cho trẻ, thì có lẽ “giảm thiểu can thiệp” và “bầu không khí tự do” là hai loại thuốc tốt nhất.

Trong cuốn Tâm hồn mang tính hấp thu, Montessori nói: Con người là một loài động vật có trí tuệ, vì thế nhu cầu đối với nguồn lương thực tâm lý gần như lớn hơn nhu cầu đối với nguồn lương thực vật chất. Không cần phải dọa nạt hoặc dỗ dành, chỉ cần làm cho điều kiện sinh hoạt của trẻ được “bình thường hóa”, bệnh tật của chúng sẽ tiêu tan, cơn ác mộng của chúng sẽ tuyệt tích, chức năng tiêu hóa của chúng sẽ trở lại bình thường, tính tham lam của chúng sẽ giảm đi. Sức khỏe của chúng được bình phục, bởi tâm lý của chúng đã trở lại bình thường.

Cuộc sống xã hội trở nên tinh tế như vậy, biết sinh con không đồng nghĩa với việc biết làm bố mẹ, phụ huynh thời hiện đại cần phải học một cách ngoan đạo cách làm bố mẹ. Nếu trong gia đình bạn có một đứa trẻ mắc “bệnh tăng động”, muốn thay đổi con trẻ, trước hết và quan trọng nhất là phải thay đổi bố mẹ. Bước thứ nhất là kiên quyết vứt ngay thuốc vào thùng rác, dũng cảm thừa nhận với con trẻ rằng, bố mẹ đã sai. Ngày này chính là khởi đầu mới cho cuộc sống của bố mẹ, cũng là khởi đầu mới cho cuộc sống của con trẻ!

Lưu ý đặc biệt

Tuổi thơ trôi qua sẽ không bao giờ trở lại, những thuốc đã từng uống cũng sẽ để lại vết tích trong cơ thể; bị gắn cái mác “bệnh tăng động” cũng sẽ để lại dấu vết trong tâm hồn trẻ.

Những khiếm khuyết về mặt tâm lý và bệnh tinh thần ở trẻ chủ yếu là vấn đề giáo dục chứ không phải là vấn đề y học, huấn luyện giáo dục sẽ có hiệu quả hơn là huấn luyện y tế.

Vết thương tâm lý sẽ khiến trẻ chịu sức ép lớn về mặt tinh thần, hành vi trở nên biến thái, hoặc là trở thành một đứa trẻ ngang ngạnh, khó bảo; hoặc là trở thành một kẻ bù nhìn hoàn toàn đánh mất chính mình; hoặc sẽ trở thành một con người cô độc, quá khích không thể sống chung với người khác - đằng sau tất cả những điều này đều là do trẻ mất cảm giác an toàn, mất tự tin.

Nếu nói thật sự có một loại thuốc có thể chữa được bệnh cho trẻ, thì có lẽ “giảm thiểu can thiệp” và “bầu không khí tự do” là hai loại thuốc tốt nhất.