Tam sinh tam thế - Thập lý đào hoa - Chương Ngoại truyện 3

Ngoại truyện: Chinh phục

Khi con trai thứ tư của nhà Bạch Chỉ Đế Quân đầy tuổi, Chiết Nhan của rừng đào mười dặm đến chơi.

Phải biết rằng khi hồ ly ở Thanh Khâu vừa chào đời, tuy là tiên thai nhưng cũng không khác với những hồ ly bình thường là mấy, đều không mang hình người. Đến khi tròn một tuổi, hấp thu đủ linh khí trời đất và sữa mẹ mới có thể hóa thành hình người, hơn nữa còn là dáng dấp của một đứa trẻ sơ sinh.

Đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời, đương nhiên rất nhăn nheo.

Cho dù sau này con trai thứ tư của nhà họ Bạch ở Thanh Khâu đẹp đến kinh thiên động địa, thần sầu quỷ khốc, lúc đó, cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ nhăn nheo, dài chưa đầy hai thước.

Tiên tộc Cửu Vỹ Bạch Hồ này là một tiên tộc được nhiều ưu ái, ai ai cũng đẹp bẩm sinh. Nhưng khi người ta trưởng thành thường rất khó mà chấp nhận một ngày nào đó tướng mạo của mình trở nên xấu xí, hoặc là mình đã từng xấu xí.

Con trai thứ tư nhà họ Bạch chính là một trong số đó.

Thực ra hồ ly chín đuôi luôn sống một cuộc đời đẹp đẽ, tươi sáng, nếu có lúc nào không tươi sáng, chính là lúc mới hóa thành hình người. Nhưng lúc đó vẫn là một hồ ly sơ sinh, đương nhiên họ không biết thế nào là đẹp xấu, cũng không trăn trở gì về ngoại hình của mình. Cho dù sau này trưởng thành rồi, nhớ lại khi còn nhỏ mình là một đứa bé xấu xí thì cũng thường tự an ủi mình rằng trẻ con không thể chia ra đẹp xấu, cũng không bận tâm làm gì.

Nhưng con trai thứ tư nhà họ Bạch lại không giống vậy, có câu nói rằng “kẻ trí hay lo nghĩ”. Khi Lão Tứ còn chưa hóa thành hình người đều do Lão Tam nhà họ Bạch chăm sóc. Khi còn là hồ ly Lão Tứ là một tiểu hồ ly rất đẹp, Lão Tam thường ôm chàng đi khắp nơi khoe: “Tiểu hồ ly này có đẹp không, chưa bao giờ thấy tiểu hồ ly nào đẹp như thế này mà, hi hi hi, đây là đệ đệ của ta, mẹ ta đã sinh thêm đệ đệ cho ta”. Gặp một tiểu hồ ly không đẹp bằng là Lão Tam nhà họ Bạch lại lén dẩu môi, thì thầm vào tai Lão Tứ: “Ầy, con hồ ly đó xấu hoắc, chậc chậc chậc…”.

Thế nên, khi đó con trai thứ tư thông minh mẫn tiệp còn chưa đầy tuổi nhà họ Bạch đã có khái niệm tương đối về xấu đẹp.

Khi con trai thứ tư nhà họ Bạch đầy tuổi, Bạch Chỉ Đế Quân chỉ làm tiệc thôi nôi trong phạm vi gia đình, Chiết Nhan xưa nay có quan hệ rất tốt với nhà họ Bạch, đương nhiên cũng tới dự.

Lão Tam cẩn thận bế đệ đệ của mình tới, Chiết Nhan uống một ngụm rượu, híp mắt ngắm nhìn hồi lâu: “Haizz, Bạch Chỉ, thằng nhóc này sao lại xấu thế?”.

Chiết Nhan nói như vậy đương nhiên vì lão chưa cưới vợ, chưa từng có con, không biết trẻ con trong thiên hạ khi mới sinh đều xấu như vậy. Số trời đã định Lão Tứ sẽ trở thành mỹ nhân, nếu nhìn kỹ một lượt khuôn mặt nhăn nheo của chàng thực ra cũng có thể tìm được những đường nét đáng yêu.

Lão Tứ nhà họ Bạch chưa bao giờ bị gắn với từ “xấu”, vừa nghe thấy Chiết Nhan nói chàng như vậy, thân hình nhỏ bé liền giật nảy một cái.

Chàng rất bi phẫn, rất ấm ức, mắt lập tức ngân ngấn lệ.

Nhưng chàng cảm thấy tuy mình còn nhỏ, cũng là một nam tử hán, khi chàng còn làm thân hồ ly, các ca ca của chàng từng dạy nam tử hán có thể đổ máu nóng chứ quyết không rơi lệ, chàng vẫn còn nhớ kỹ, nên cắn môi nuốt lệ vào trong, nhưng chàng chưa có răng nên không cắn được. Thế nên dáng vẻ kiên cường của chàng trong con mắt của người ngoài lại là nhệch miệng, muốn khóc mà không khóc được, trông lại càng xấu hơn.

Chiết Nhan vỗ nhẹ lên ngực chàng, cười nói: “Có lẽ lớn lên sẽ không xấu như thế này nữa”.

Lão Tứ nhà họ Bạch cuối cùng cũng òa khóc.

Cửu Vỹ Hồ Ly vốn rất chuộng lễ đặt tên trong tiệc thôi nôi, mà đến giờ Lão Tứ nhà họ Bạch vẫn còn khóc lóc bù lu bù loa nên việc này đành tạm gác lại. Vì xưa nay Thanh Khâu có một quy định, đặt tên cho trẻ nhỏ là một việc cần thận trọng, tên đặt xong rồi thì trước tiên vừa đọc lên cho trẻ nghe, mà nó liền bật cười mới được coi là chắc chắn, tuy trẻ không thực sự lắng nghe cái tên đó, nhưng nó cảm thấy hợp ý mình thì mới cười. Khi đọc tên cho trẻ nghe, cần một người ngồi bên cạnh, để trêu đùa đứa trẻ này. Nhưng tình hình bấy giờ, con trai thứ tư nhà họ Bạch đau lòng vô hạn, đương nhiên cười không nổi.

Nghi thức đặt tên bị lui đến sinh nhật lần thứ hai của Lão Tứ.

Năm nay, Lão Tứ đã lớn hơn, trắng trẻo mũm mĩm, vô cùng đáng yêu. Chiết Nhan ở rừng đào rất rảnh rỗi nên cũng đến.

Ngày sinh nhật, Lão Tứ chạy đi hỏi cha mình, thúc thúc năm ngoái có tới không. Bạch Chỉ Đế Quân kinh ngạc hỏi: “Thúc thúc nào?”. Lão Tứ xấu hổ xoắn vạt áo nói: “Thúc thúc đẹp trai nói con xấu xí ấy”.

Bạch Chỉ Đế Quân càng bất ngờ trước trí nhớ của con trai mình, gật đầu nói: “Đương nhiên có đến”.

Thế là, Lão Tứ vui vẻ chạy đến bên hồ nước cạnh động Hồ Ly, ngồi bên hồ luyện tập cả nửa ngày các vẻ mặt đáng yêu, vẻ mặt mê hồn, vẻ mặt ấm ức, vẻ mặt ngây thơ…

Ngày hôm sau, gió mát phe phẩy, trời trong mây tạnh. Con trai thứ tư nhà họ Bạch dậy thật sớm, bê chiếc ghế dựa nhỏ ra trước động Hồ Ly, nôn nóng ngóng chờ Chiết Nhan.

Chàng chờ mãi chờ mãi, chờ mãi chờ mãi, chốc chốc lại đến bên hồ soi xuống mặt nước chỉnh lại áo quần, thiếu điều là rũ tóc xuống hồ gội đầu, sau đó quay về ngồi trên ghế tiếp tục đợi.

Gần trưa, Chiết Nhan mới cưỡi một đám mây lành đến động Hồ Ly, nhìn thấy Lão Tứ đang ngồi ngay ngắn trên ghế, mắt sáng lên, kéo chàng một cái ôm vào lòng, cười nói: “Nhóc con xinh đẹp ở đâu chui ra thế này?”.

Nhóc con xinh đẹp Lão Tứ nhà họ Bạch đang nép trong lòng Chiết Nhan cảm thấy hơi hoa mắt chóng mặt, nhưng vẻ mặt vẫn giả đò bình tĩnh. Thúc thúc này nói chàng đẹp rồi, cuối cùng người ấy cũng thừa nhận chàng đẹp rồi…

Lão Tứ nhà họ Bạch nép trong lòng Chiết Nhan rụt rè nhếch môi, thơm Chiết Nhan “chụt” một cái.

Ngoại truyện: Đại danh của cục bột

Gần đây cục bột hơi buồn bực.

Trong bụng mẫu thân cục bột có thêm một em bé, khi mẫu thân một lòng một dạ dưỡng thai, nó đi tới tẩm điện của mẫu thân, mẫu thân nó đang ngủ. Phụ quân nó gần đây không chiều chuộng nó như bình thường, luôn ép nó học hành, dạy nó rằng sắp làm huynh trưởng, sau này phải làm gương cho đệ đệ, muội muội. Đến một người khéo hiểu lòng người như Thành Ngọc, cũng bị Tam gia gia của nó kéo xuống núi Phương Hồ Tiên giảng đạo cho đám địa tiên, khiến nó muốn dốc bầu tâm sự mà không có đối tượng.

Cục bột cảm thấy làm tiểu thiên tôn thật vô vị. Nó đắn đo suy nghĩ hồi lâu, quyết định bỏ nhà ra đi. Thế nên nó đã gói ghém tay nải, bỏ vào trong tay nải hai bộ quần áo lót cho đúng kiểu bỏ nhà, còn bỏ vào ba trái đào tiên mới vừa hái từ vườn Bàn Đào về để làm lương khô ăn dọc đường. Nó xách tay nải nhỏ, đã đi tới Nam Thiên Môn, bỗng cảm thấy, chuyến bỏ nhà ra đi này không biết khi nào mới quay trở lại, trước lúc đi vẫn nên thăm mẫu thân một chuyến.

Nó rón rén chầm chậm đi đến bên ngoài tẩm điện của mẫu thân, không may lại bị mấy tiên nga giữ lại ở cổng chính. Chuyện bỏ nhà ra đi của nó đáng nhẽ là chuyện cơ mật, không nên làm ầm ĩ, nó vò đầu trầm tư một lát, quay đầu lại đi về phía bên cửa sổ, quyết định trèo cửa sổ lén vào nhìn mẫu thân nó một cái.

Nó vừa áp sát cửa sổ, đôi tai nhỏ đã dỏng lên, nghe thấy trong phòng có tiếng người đang trò chuyện. Giọng trầm thấp là của phụ quân nó, giọng lười biếng là của mẫu thân nó.

Mẫu thân nó nói: “Ai da, vừa nãy nhóc con đạp một cái, chàng có muốn sờ thử không?”.

Phụ quân nó “ừm” một tiếng rồi nói: “Mới có bảy tháng, theo lý mà nói thì vẫn chưa phát triển đầy đủ, sao có thể lăn qua lăn lại như thế, trước đây A Ly cũng như thế trong bụng nàng sao?”.

Cục bột nghe thấy tên mình, lập tức tai dỏng lên.

Mẫu thân nó nói: “Cục bột rất ngoan, đâu có giống đứa nhỏ này, thiếp còn nhớ mang thai cục bột phải ba năm mới có động tĩnh, hai năm đầu còn giống như quả trứng ngủ vùi trong bụng, thiếp rất thoải mái. Mấy hôm nay không gặp cục bột, thiếp đang định nói với nó một chuyện hay, nó mà nghe chắc chắn sẽ rất vui”.

Trong lòng cục bột trở nên phơi phới, cơ hồ sẵn sàng nhảy từ cửa sổ vào trong phòng, nhưng nó kiềm chế được.

Phụ quân nó ngạc nhiên hỏi: “Chuyện hay gì?”.

Mẫu thân nó tức thì đáp: “Chuyện hay, một chuyện vô cùng hay. Nhũ danh A Ly của cục bột, bây giờ nó còn nhỏ như vậy, gọi lên cũng không cảm thấy kỳ quái, nhưng sau này nó lớn lên, gọi như vậy sẽ chẳng ra sao cả, thiếp giở Thi Thư suốt mấy ngày, cuối cùng đã tìm được cho con một cái tên”.

Trong lòng cục bột cực kỳ xúc động, suýt nữa thì để lộ hành tung, nhưng nó vẫn kiềm chế được.

Mẫu thân nó nói: “Có một người phàm tên là Lý Hạ viết hai câu thơ hay, rất có khí thế, thiếp rất tâm đắc, đó là “Hắc vân áp thành thành dục thôi; Giáp quang hướng nhật kim lân khai(*)”. Hai câu thơ này, dùng chữ “hắc” rất “đắt”. Ngoài ra, đám người phàm thích thêm hậu tố “Tử” để biểu thị sự kính trọng, thiếp cảm thấy thói quen này cũng rất hay”.

Phụ quân nó nói: “Thế là?”.

Mẫu thân nó đáp: “Thế là thiếp đặt đại danh cho cục bột là Hắc Tử”.

Hắc Tử ngã rầm một cái ra đất.

Phụ quân nó trầm ngâm nói: “Cái tên này…”.

Mẫu thân nó thấp thỏm: “Thiếp nghĩ suốt hai này, chàng cảm thấy, cảm thấy không hay ư?”.

Hắc Tử gào thét trong lòng: “Nói không hay đi, mau nói không hay đi, nếu không con bỏ nhà ra đi thật đấy, con bỏ nhà ra đi thật đấy”.

Phụ quân nó trầm ngâm một lúc mới nói: “Sau này nếu như A Ly lên ngôi, tôn hiệu sẽ là Hắc Tử Quân?”.

Mẫu thân nó cũng trầm ngâm một lúc: “Hắc Tử Quân…”.

Phụ quân nó rất bình thản nói: “Cái tên này… rất hay”.

Hắc Tử ngã không dậy được.

Ngày hôm sau, Cửu Trùng Thiên đại loạn, tiên đồng tiên nga chạy đến bẩm báo: “Không thấy tiểu thiên tôn đâu, nghe nói đã bỏ nhà ra đi rồi”.

Hắc Tử bỏ nhà ra đi đang ngồi trong động Hồ Ly ở Thanh Khâu, tứ cữu Bạch Chân của nó ngậm một cọng cỏ đuôi chó, hỏi: “Nói thật đi, sao bỗng nhiên con lại chạy tới Thanh Khâu, cha mẹ ngược đãi con à?”.

Hắc Tử nước mắt vòng quanh, đau xót nói: “Vì mẫu thân đặt tên cho con là Hắc Tử, hu hu hu”.

Ngoại truyện: Năm năm tháng tháng

Tin tức nguyên thần Kình Thương bị diệt bay tới, hắn đang luyện công buổi tối trong rừng đào sau núi Côn Luân. Giờ đã là tháng chín, cây đào đã không còn rậm lá như trước đây, ngước mắt nhìn lên, có thể thấy mây khói ẩn hiện phía xa.

Tiểu đồng bên cạnh kinh sợ nói: “Nghe một con tiên hạc già đưa tin nói, thượng thần Bạch Thiển hình như đã bị mất trí, ôm Dạ Hoa Quân đã tắt thở từ lâu ngồi dưới chuông Đông Hoàng, dựng một luồng tiên chướng cực dày trùm thân, ai nói cũng không nghe. Chúng tiên đã tề tựu bên bến Nhược Thủy, nhưng khiếp sợ tiên chướng đó, không ai có thể lại gần hai người họ. Đến thượng thần Chiết Nhan của rừng đào mười dặm cũng bó tay, chỉ nói thượng thần Bạch Thiển là một kẻ can trường, đợi đến khi thần trí của người tỉnh táo, không chừng sẽ hủy thiên diệt địa để tuẫn táng cùng Dạ Hoa Quân, mới gọi con hạc tiên già đó mau mau đến núi Côn Luân mời sư tôn, để lâu sợ thành đại họa. Nhưng sư tôn khi nhập quan đã có ý chỉ, không được tùy tiện quấy nhiễu người, Kinh Sinh tính đã nửa ngày, chuyện này xin thượng thần Lệnh Vũ người định đoạt…”.

Khói mây dần dần tản mát, để lộ ra từng đỉnh núi xanh thẫm, hắn cuộn tròn cuốn đạo kinh trong tay, hồi lâu, nói: “Tên Quỷ Quân Kình Thương đó, trước lúc chết có để lại lời nào không?”.

Tiểu đồng tên Kinh Sinh ngẩn ra: “Tiên hạc không nhắc đến, nhưng nghe nói Kình Thương chết rất thảm, toàn thân đẫm máu, cơ hồ bị kiếm Thanh Minh của Dạ Hoa Quân chọc thủng như cái đài sen”.

Cuốn đạo kinh trong tay hắn rơi xuống đất “bộp” một tiếng, bỗng nhớ đến buổi đầu gặp Kình Thương.

Ngày đó, gió mát phe phẩy, trời trong tiết mát, hắn bị Thập Thất sư đệ quấn lấy, không dứt ra được, đành phải đưa hắn đến núi Phát Cưu bắt chim Tinh Vệ.

Sư huynh đệ bọn hắn đương men theo bờ sông Chương lén la lén lút đuổi theo một con chim non, đang định đưa tay bắt thì một con tuấn mã màu đỏ thẫm từ trong rừng phi ra. Con chim Tinh Vệ nhỏ bé cả kinh, kêu lảnh lót một tiếng rồi bay vọt lên cao, không còn thấy tăm hơi đâu.

Thập Thất sư đệ xắn tay áo định đánh nhau với thanh niên ngồi trên lưng ngựa, hắn vội chạy tới can ngăn, nào ngờ thanh niên mắt to mày rậm đó chỉ cười nhạt một tiếng, trong tay hiện ra một cuộn Khốn Tiên tác (thừng trói tiên), sấm sét chói lòa, đã trói hai sư huynh đệ hắn thành một cặp. Hai sư huynh đệ hắn, kẻ nhỏ thì bị quăng sau lưng, kẻ lớn thì bị ôm trước ngực. Từ khi hắn bái Mặc Uyên làm thầy, lần đầu tiên xuất trận chưa ra chiêu đã bị khắc chế, không khỏi càng hổ thẹn, phẫn nộ. Thanh niên lại cười khẽ bên tai hắn, nói: “Ngươi tên là gì? Ta cưới ngươi về làm phu nhân được chứ?”.

Lần đầu hắn gặp Kình Thương, trời xanh nước biếc, toàn thân Kình Thương mặc nhung trang màu xanh nhạt, sau lưng là rừng xanh thăm thẳm.

Hơn hai trăm năm trước, thổ địa của Nhược Thủy có cơ duyên cùng hắn uống rượu, bữa tiệc uống được hai chén, thổ địa cúi xuống nói bên tai hắn: “Câu này tiểu thần không nên truyền đạt thay hắn, nhưng tiểu thần đã nhẫn nhịn bao năm, nhìn hắn bị giam lâu như vậy, mà vẫn còn nhớ đến thượng thần, lại cảm thấy hắn có phần đáng thương”.

Chén của hắn chao nghiêng, rượu sánh ra hai giọt.

Thổ địa Nhược Thủy lại tiếp tục: “Kình Thương đó hai trăm năm trước kỳ thực đã phá chuông ra ngoài một lần, cũng là cơ duyên xảo hợp, may mà thượng thần Bạch Thiển của Thanh Khâu ngang qua Nhược Thủy, nên đã kịp thời nhốt hắn trở lại, mới không bị ầm ĩ, nếu không tiểu thần sẽ mất chức…”.

Hắn không biến sắc, uống rượu trong chén.

Thổ địa Nhược Thủy lại lau lau mồ hôi trước trán, nói với vẻ khó khăn: “Xin hỏi, xin hỏi hai trăm sáu mươi hai năm trước, có phải là sinh nhật mười ba vạn tuổi của thượng thần không?”.

Chén rượu rơi xuống đất, vỡ “choang” một tiếng.

Thổ địa Nhược Thủy lại lau mồ hồ trước trán, giọng lí nhí: “Trước khi Quỷ Quân bị thượng thần Bạch Thiển nhốt vào chuông Đông Hoàng, luôn gọi tên thượng thần, một mực nói, một mực nói, muốn gặp lại ngài một lần, muốn trước mặt ngài chúc mừng sinh nhật ngài mười ba vạn tuổi, muốn hỏi ngài một câu, ngài còn nhớ Kình Thương của cung Đại Tử Minh bảy vạn năm về trước không?...”.

Trí nhớ của hắn vốn không được tốt lắm, nhưng những chuyện này lại khắc ghi sâu đậm.

Kinh Sinh đỡ hắn đứng dậy, hắn chỉnh trang y phục, nói: “Ngươi cứ quay về trước, ta đến thông báo cho sư phụ”.

Một giọt lệ trào ra từ khóe mắt hắn. Hắn đưa tay lau khô, chậm rãi thả bước đi tới chỗ Mặc Uyên bế quan, để lại sau lưng rừng đào khô úa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3