Tâm lý học đám đông - Tập 2 - Chương 4

Chương 4: Ranh giới của sự thay đổi của các quan điểm nền tảng và các nhận xét của đám đông

§1. Các quan điểm nền tảng không thay đổi (croyances fixes)

Có một sự tương đồng khăng khít giữa các đặc điểm hình thái học và các đặc điểm tâm lý học của các loại sinh vật. Trong cách đặc tính hình thái học ta thấy có những yếu tố nhất định bất biến hoặc nếu không cũng chỉ biến đổi rất ít, có khi phải cần đến cả một niên đại địa chất để chúng có thể biến đổi. Bên cạnh những yếu tố bất biến, không lặp lại này còn có những yếu tố rất linh động dễ có thể bị môi trường, nghệ thuật nuôi dưỡng trồng trọt làm cho thay đổi, sự thay đổi này đã che đậy những đặc tính cơ bản của nó trước những người quan sát hời hợt.

Hiện tượng như vậy ta cũng gặp ở trong thế giới đạo đức. Bên cạnh những thành phần tâm hồn không thay đổi của một giống nòi, tồn tại những yếu tố chuyển động và thay đổi. Chính vì thế trong khi nghiên cứu các quan điểm và ý niệm của một dân tộc chúng ta đã nhận ra có một nền tảng vững chắc, trên nó là nhiều quan điểm khác cư ngụ, chúng giống như một lớp bụi cát dễ bị thổi bay phủ lên trên một tảng đá.

Như thế các quan điểm nền tảng và các ý niệm của đám đông sẽ tạo nên hai nhóm tách biệt nhau rất rõ ràng. Có một nhóm gồm những ý nghĩ nền tảng lâu bền, tồn tại nhiều thế kỷ và trên chúng đã nảy sinh ra cả một nền văn hóa. Ví dụ như những tư tưởng phong kiến, những ý tưởng của thiên chúa giáo, của phong trào cải cách và ngày nay là các tư tưởng dân tộc cơ bản, các ý tưởng dân chủ và xã hội. Một nhóm khác bao gồm những quan điểm luôn biến đổi nhanh chóng, chúng phần lớn được suy dẫn ra từ các ý tưởng chung, chúng là những quan điểm sinh ra và mất đi trong mỗi một thời đại: Ví dụ như, các học thuyết, nghệ thuật và văn học tiêu biểu cho một thời đại và chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên sinh ra ở đó... Thay đổi như mốt quần áo, chúng biến động giống như những con sóng nhỏ liên tục sinh ra rồi mất đi trên bề mặt một hồ nước.

Số lượng các ý tưởng nền tảng không lớn. Sự sinh ra và mất đi của chúng tạo nên những đỉnh cao trong lịch sử mỗi một chủng tộc. Chúng là bộ khung thực sự của nền văn hóa.

Các quan điểm thoảng qua dễ dàng bám vào tâm hồn đám đông, nhưng để chúng có thể trở thành một niềm tin vững chắc trong đó là một điều rất khó, và việc xóa bỏ chúng ra khỏi đó cũng khó ở mức độ tương tự, nếu như chúng đã một lần ăn sâu bám chặt. Chắc chắn người ta có thể thay đổi chúng với giá của một cuộc cách mạng bạo lực, và cũng chỉ khi nếu như niềm tin ngự trị tâm hồn đám đông đã gần như tàn lụi hoàn toàn. Cách mạng sau đó giúp cho việc vứt bỏ hoàn toàn quan điểm nền tảng, điều mà người ta gần như sắp phải từ bỏ, bởi liên tục bị quyền lực của thói quen ngăn cản. Khởi đầu của các cuộc cách mạng cũng là sự kết thúc của các quan điểm nền tảng.

Một quan điểm lớn sẽ bị kết án tử hình đúng vào cái ngày mà hôm đó người ta bắt đầu tiến hành tranh cãi về giá trị của nó. Do bởi mỗi một quan điểm nền tảng chỉ là một ảo tưởng, cho nên nó chỉ có thể tồn tại cho đến chừng nào nó bắt đầu bị kiểm chứng.

Nhưng dù một quan điểm nền tảng có bị lung lay mạnh, những thể chế xây dựng trên cơ sở của nó vẫn bảo toàn quyền lực và quyền lực đó chỉ biến mất đi một cách từ từ. Đến chừng nào nó không còn quyền lực nữa, tất cả những gì được nó chống đỡ sẽ sụp đổ hoàn toàn. Chưa từng có một dân tộc nào được phép thay đổi các quan điểm nền tảng của nó mà đồng thời không phải chịu sự kết án rằng đã làm đảo lộn tất cả mọi thành phần của nền văn hóa của nó.

Nền văn hóa sẽ được cải tạo lại cho đến chừng nào nó tiếp nhận một quan điểm nền tảng chung mới và cho đến lúc đó bất quá là phải chịu sống chung trong sự hỗn loạn. Các quan điểm nền tảng chung là những trụ cột cần thiết của các nền văn hóa. Chúng cung cấp cho các ý tưởng phương hướng và một mình chúng khêu gợi lên lương tâm trong sạch và tạo dựng nên tinh thần trách nhiệm.

Các dân tộc luôn cảm thấy ích lợi trong việc tạo nên những quan điểm nền tảng chung và hiểu một cách bản năng, rằng sự mất đi của chúng là dấu hiệu của thời điểm sụp đổ. Sự tôn sùng cuồng nhiệt đối với Roma của những người dân thành Roma là niềm tin đã giúp cho họ trở nên ông chủ của thế giới. Khi niềm tin đó chết đi, cũng là lúc Roma lụi tàn. Chỉ đến khi những kẻ tàn bạo, những kẻ phá hủy văn hóa Roma đạt được một vài quan điểm nền tảng thống nhất chung, lúc đó họ mới có được một sự đồng thuận nào đó và mới có thể vượt qua được sự hỗn loạn.

Cũng có lý khi mà các dân tộc luôn hấp tấp trong việc bảo vệ các niềm tin của họ. Sự hấp tấp này càng đáng trách theo quan điểm triết học, nhưng trong cuộc sống của các dân tộc nó lại được coi là một phẩm chất tốt. Để thiết lập nền tảng cho các niềm tin chung hoặc để bảo tồn chúng, ở thời trung cổ người ta đã dựng lên nhiều dàn hỏa thiêu, và nhiều nhà phát minh, nhiều nhà cải cách tưởng tránh được đàn áp thì lại phải chết trong sự tuyệt vọng. Để bảo vệ những niềm tin đó, thế giới liên tục lại bị đảo lộn, hàng triệu nhân mạng bị phơi thây nơi chiến trận và nó sẽ còn tiếp tục như thế.

Chúng tôi đã nói, rằng việc đưa vào một quan điểm nền tảng chung sẽ gặp những trở ngại lớn; nhưng nếu như nó một khi đã bắt rễ thì quyền lực của nó còn lâu mới có thể bị phế truất, và cho dù về mặt triết học nó có thể sai, tuy nhiên nó vẫn cứ lấn át được những cái đầu thông thái nhất. Chẳng phải rằng các dân tộc châu Âu từ thế kỷ 15 đã từng coi các huyền thoại tôn giáo là sự thật, những huyền thoại mà khi quan sát kỹ cũng tàn bạo[22] chẳng khác gì chuyện hoang tưởng về Moloch? Sự vô nghĩa ghê rợn của câu chuyện hoang tưởng về một vị Chúa, do bởi một tạo vật của ông ta tạo ra đã không tuân phục mình nên ông ta đã trả thù bằng cách hành hạ con của chính mình một cách khủng khiếp, thế mà nhiều thế kỷ trôi qua vẫn chẳng có ai phát hiện ra điều đó. Những cái đầu vĩ đại như Galilei, Newton, Leibnitz, không hề có một giây phút nào nghĩ lại, rằng cần phải nghi ngờ về sự thật của những loại huyền thoại như vậy. Chẳng bằng chứng nào thuyết phục hơn là sự mê hoặc, được gây nên bởi những tư tưởng nền tảng chung, nhưng cũng không có gì xấu hơn là những giới hạn đáng xấu hổ của trí tuệ của chúng ta.

[22] Tính tàn bạo theo nghĩa triết học, dĩ nhiên là phải hiểu như thế. Trong thực tế chúng đã tạo nên một nền văn hóa hoàn toàn mới và đã làm cho con người thấy được thiên đường của mộng mơ, của hy vọng đầy quyến rũ mà nó chưa hề bao giờ được biết tới.

Chừng nào tâm hồn đám đông được cấy vào đó một học thuyết mới, nó sẽ tác động vào các thể chế, vào các loại hình nghệ thuật và đạo đức. Sự thống trị của nó đối với tâm hồn không hề có giới hạn. Những con người của hành động chỉ nghĩ đến việc hiện thực hóa của chúng, nhà lập pháp thì chỉ nghĩ đến việc ứng dụng chúng, triết gia, nghệ sĩ, nhà văn thì chỉ nghĩ đến việc lo cho nó chuyển hóa thành các hình thức khác nhau.

Qua các quan điểm nền tảng chung, con người đã bao bọc quanh mình một mạng lưới gồm các truyền thuyết, các quan điểm và các thói quen, và họ không thể nào thoát ra khỏi được khỏi nó và con người ngày càng trở nên giống nhau hơn. Ngay cả cái đầu độc lập nhất cũng không hề nghĩ đến chuyện phải thoát ra khỏi cái mạng lưới đó. Kẻ chuyên chế chính hiệu nhất thống trị những tâm hồn một cách vô thức, bởi vì một mình chúng thì chẳng cần phải diệt trừ. Tiberius, Dschingiskhan, Napoleon rõ ràng đều là những kẻ chuyên chế, nhưng Mose, Buddha, Jesus, Mohammed, Luther từ trong mộ của họ họ cũng thực thi một sự thống trị không kém phần sâu rộng đối với những tâm hồn. Một kẻ chuyên chế có thể bị lật đổ bởi một âm mưu cấu kết, nhưng bọn đó có thể làm được gì đối với một niềm tin đã cắm rễ vững chắc?

Trong cuộc chiến khốc liệt chống lại nhà thờ thiên chúa giáo, cuộc cách mạng vĩ đại của chúng ta đã thua cuộc, cho dù có vẻ như nó có sự ủng hộ của đám đông và cho dù nó đã sử dụng các phương tiện hủy diệt một cách tàn bạo như những phương tiện của tòa dị giáo. Kẻ chuyên chế duy nhất thực chất của loài người luôn chính là những cái bóng của những kẻ đã chết hoặc là những ảo tưởng mà chính những kẻ đó tạo nên.

Tôi nhắc lại: sự vô nghĩa về mặt triết lý của một quan điểm nền tảng chung nào đó không bao giờ là vật cản đối với sự chiến thắng của nó. Sự chiến thắng đó thậm chí dường như chỉ có thể có được, nếu như nó chứa đựng trong mình một sự vô nghĩa đầy bí mật nào đó. Sự nghèo nàn trí tuệ một cách rõ ràng của các học thuyết xã hội chủ nghĩa hiện nay cũng không thể ngăn cản được việc nó ăn sâu vào tâm hồn đám đông. Sự bất cập thực sự của nó so với các niềm tin tôn giáo duy nhất là ở chỗ: do vì lý tưởng hạnh phúc, mà các niềm tin tôn giáo đặt ra phía trước, chỉ có thể trở thành hiện thực trong cuộc đời tương lai, chính vì vậy mà không một ai có thể bàn luận về sự hiện thực hóa chúng. Nhưng bởi các lý tưởng hạnh phúc xã hội chủ nghĩa cần phải được thực hiện ngay trên trái đất này, cho nên sự phù phiếm của những lời hứa hẹn đồng thời cũng xuất hiện cùng ngày với cuộc thí nghiệm hiện thực hóa đầu tiên, và niềm tin mới cũng vì thế mà đã mất đi tất cả mọi ảnh hưởng. Quyền lực của nó chỉ lớn mạnh đúng cho đến cái ngày mà mà nó được hiện thực hóa. Và vì vậy cái tôn giáo mới, cũng như mọi tôn giáo khác trước đây, đầu tiên nó tiến hành những hoạt động tàn phá, mà sau này, cũng như các tôn giáo đó, nó không thể đảm nhiệm được tiếp tục cái vai trò sáng tạo.

§2. Những quan niệm không bất biến của đám đông

Bên trên những quan điểm nền tảng, mà chúng ta đã bàn về quyền lực của chúng, là một lớp những phán xét, ý kiến, ý tưởng, suy nghĩ, chúng liên tục sinh ra và biến đi. Chúng ta trước đó cũng đã xác định rằng những sự thay đổi này của các quan niệm thường xảy ra trên bề mặt nhiều hơn là trong bản chất của chúng và luôn mang dấu ấn của các đặc tính giống nòi. Ví dụ như khi chúng ta quan sát các tổ chức nhà nước của chúng ta, chúng ta sẽ nhận thấy các thành phần dường như trái ngược nhau: người theo chủ nghĩa quân chủ, người thuộc trường phái cực đoan, người theo chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa xã hội... đều hoàn toàn có cùng chung những lý tưởng, mà mình chúng và duy nhất chúng dựa trên trạng thái tinh thần của giống nòi chúng ta, bởi vì cũng cùng một tên gọi, ở những giống nòi khác nhau chúng thể hiện một lý tưởng hoàn toàn trái ngược. Không phải cái tên của quan điểm mà cũng chẳng phải những thích nghi giả tạo của nó làm cho bản chất vấn đề thay đổi. Nhân dân trong thời kỳ cách mạng, những người được nói đến đầy rẫy trong văn học La tinh, những người bị nước cộng hòa La mã xua đuổi, đã tiếp nhận luật pháp, hệ thống chính quyền, và các nghi thức của nó nhưng không vì vậy mà họ trở nên những người La mã, bởi vì họ đã bị bao trùm bởi sự thống trị của một ảo giác lịch sử vĩ đại.

Nhiệm vụ của các nhà triết học là phải nghiên cứu xem cái gì nằm bên dưới những cái dường như là biến đổi của các niềm tin cũ và trong dòng xoáy của vô số những quan niệm, ý kiến, phải tìm ra được những chuyển động được quyết định bởi những quan điểm nền tảng và tâm hồn giống nòi. Không có cái thước đo triết học này người ta có thể tin, rằng đám đông thay đổi các niềm tin tôn giáo và triết học một cách thường xuyên và thực sự. Toàn bộ lịch sử chính trị, lịch sử tôn giáo, lịch sử nghệ thuật và văn học có vẻ như chứng minh cho thực tế đó.

Chúng ta hãy xem xét một giai đoạn ngắn trong lịch sử của chính mình, cụ thể từ năm 1790 đến năm 1820, khoảng thời gian cỡ bằng cuộc đời một con người. Chúng ta thấy trong khoảng thời gian này, đám đông khi đầu theo chủ nghĩa quân chủ, sau đó là cách mạng, rồi theo chủ nghĩa đế quốc và cuối cùng lại quay trở lại với chủ nghĩa quân chủ. Đối với tôn giáo cũng trong cùng khoảng thời gian đó, từ thiên chúa giáo sang vô thần, sau sang chủ nghĩa thần thánh và cuối cùng lại quay trở về với thiên chúa giáo với một hình thức khắt khe nhất. Và không chỉ có riêng đám đông, ngay cả những người lãnh đạo cũng có những biến chuyển như vậy. Người ta thấy những nghị viên lớn, vốn là kẻ thù không đội trời chung của chế độ vua chúa, họ không cả muốn biết đến thánh thần và quỷ sứ, thế nhưng họ đã cúc cung phục vụ Napoleon một cách tận tụy và dưới thời Louis XVIII trong các buổi lễ thánh họ là những người đã vác những cây nến một cách ngoan đạo như thế nào.

Đấy, hãy xem các quan niệm của đám đông đã biến đổi ra sao trong vòng 70 năm! “La perfide Albion” (khái niệm chỉ nền ngoại giao xảo trá của nước Anh hay nước Anh xảo trá) hồi đầu thế kỷ này do ảnh hưởng bởi di sản của Napoleon để lại đã trở thành kẻ đồng minh của nước Pháp; Nước Nga, là nước hai lần có chiến tranh với chúng ta và đã rất vui mừng trước số phận không may của chúng ta lần cuối đây, bỗng nhiên lại được coi là bạn hữu.

Trong văn học, nghệ thuật, trong triết học sự thay đổi còn xảy ra nhanh chóng hơn nhiều. Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa thần bí... thay đổi nhau xuất hiện rồi biến mất môt cách nhanh chóng. Những nghệ sĩ và nhà văn ngày hôm qua còn đang được ngưỡng mộ, ngày mai đây sẽ có thể rất bị coi thường.

Vậy chúng ta sẽ nhìn thấy gì, nếu như chúng ta nghiên cứu về những thay đổi có vẻ như sâu sắc đó? Tất cả mọi quan điểm không phù hợp với các quan điểm và các tình cảm nền tảng đều không thể tồn tại lâu dài và những gì lệch dòng cuối cùng cũng sẽ quay trở về với cái dòng chính quen thuộc của chúng. Những quan điểm, không gắn liền với các niềm tin cơ bản, với tình cảm của giống nòi và như vậy sẽ không thể bền vững, sẽ bị tiêu tan bởi các biến cố, nếu không muốn nói rằng, bởi những thay đổi nhỏ nhất của các mối quan hệ. Những quan điểm như vậy được sinh ra với sự trợ giúp của tác động kích họat (suggestion) và truyền nhiễm, chúng luôn rất không bền vững và sự xuất hiện cũng như sự biến đi của chúng xảy ra rất mau chóng giống như những gò cát nhỏ trên bãi biển được gió tạo nên.

Con số những ý niệm không bền vững của đám đông ngày nay nhiều hơn bao giờ hết, và bắt nguồn từ ba nguyên nhân cụ thể sau đây.

Thứ nhất, các giáo lý cũ đã ngày càng bị mất đi ảnh hưởng của chúng và không còn có thể định hướng được cho ý niệm như trước đây. Sự lụi tắt của toàn bộ các niềm tin mở đường cho vố số các quan điểm đặc biệt, không có quá khứ lẫn tương lai.

Thứ hai, quyền lực của đám đông ngày càng lớn mạnh và ngày càng không có đối trọng, nên tính chuyển động cực lớn của các ý tưởng, mà ta đã nhận thấy trong chúng, có thể tự do nảy nở.

Thứ ba, báo chí phát triển rộng rãi như mới đây đã cung cấp cho đám đông một cách liên tục các ý kiến trái ngược nhau. Những tác động, đã có lúc được tạo nên bởi chúng thì chẳng bao lâu lại bị những tác động ngược lại làm cho mất đi. Không có một ý niệm nào được lan tỏa một cách thực sự và tất cả chỉ là tạm thời. Chúng đã chết trước khi được biết đến một cách đầy đủ để có thể trở thành những ý niệm chung.

Dư luận quần chúng và báo chí

Từ vô số những nguyên nhân đó đã xuất hiện một hiện tượng hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử thế giới, rất đặc đặc trưng cho thời đại hiện nay; tôi muốn nói về sự bất lực của chính phủ trong việc định hướng dư luận quần chúng.

Ngày xưa, và cái ngày xưa này cách đây cũng không lấy gì làm lâu lắm, dư luận quần chúng được định hình bởi các hoạt động của chính phủ, bởi các ảnh hưởng của số ít nhà văn và một số hoàn toàn ít ỏi các tờ báo. Ngày nay các nhà văn đã mất đi tất cả các ảnh hưởng của mình, và báo chí chỉ còn phản ánh lại dư luận của quần chúng. Còn phần của các vị lãnh đạo quốc gia, thì bây giờ họ chẳng hề nghĩ đến việc định hướng dư luận nữa mà chỉ lo sao để làm theo dư luận. Sự sợ hãi trước dư luận quần chúng của họ quả là kinh khủng và nó đã cướp đi của họ mọi sự kiên định.

Ý kiến của đám đông tỏ ra ngày càng có xu hướng trở nên người điều hành quan trọng đối với chính trị. Nó đã có thể làm được cả cái việc áp đặt những đòi hỏi, kiểu như mới đây đã xảy ra tại nước Nga, những áp đặt mà chúng ta đã thấy đều sinh ra hầu như chỉ từ một phòng trào quần chúng.

Cũng là một dấu hiệu rất riêng biệt của thời đại chúng ta, khi mà các giáo hoàng, các vua chúa đã phải sử dụng đến việc lấy ý kiến của các đại diện báo chí để có thể trình bày những suy nghĩ của mình về một sự việc nhất định nào đó cho phù hợp với nhận xét của đám đông. Ngày xưa người ta nói, chính trị không phải là công việc của tình cảm. Liệu ngày nay người ta còn có thể nói được như vậy nữa không, nếu như ta nhìn thấy, rằng nó đã để cho các ý nghĩ bất chợt của một đám đông không biết gì đến lý trí và chỉ biết đến duy tình điều khiển?

Báo chí, là người định hướng dư luận trước kia, cũng giống như chính phủ, chúng đã phải mềm yếu đi dưới quyền lực của đám đông. Tất nhiên chúng vẫn còn là một quyền lực quan trọng, nhưng rõ ràng bởi vì nó chỉ thuần túy là sự phản ánh lại dư luận quần chúng và sự biến đổi không ngừng của họ. Nó đã trở thành một phương tiện thông tin đơn giản và đã từ bỏ công việc truyền bá một ý tưởng hoặc một học thuyết nào đó. Nó chạy theo mọi thay đổi của các cái đầu của công chúng, nó tự trao cho mình một trách nhiệm như thế, bởi nếu không như vậy nó sẽ có nguy cơ bị các biện pháp cạnh tranh của đối thủ làm mất đi nguồn độc giả. Những tờ báo xưa có ảnh hưởng mạnh và đáng kính trọng của một thời, mà những câu nói của thế hệ trước đây được viết trong đó đã được người ta nghe một một cách thành kính như những lời sấm truyền, chúng đã biến mất hoặc đã trở thành những mẩu tin được bao bọc xung quanh bởi những sự kiện vặt vãnh, những chuyện xã hội tầm phào hoặc những quảng cáo làm ăn. Có tờ báo nào ngày nay có thể đạt đến giàu có khi mà nó cho phép những nhà văn đăng ý kiến của riêng họ? Và những ý kiến như vậy có chút trọng lượng nào trong số các độc giả, những người chỉ muốn biết những tin tức vặt vãnh và đọc chỉ để tiêu khiển và chỉ để đánh hơi những tính toán sau mỗi một lời khuyến mại? Sự phê bình không còn có cái quyền lực để đem lại sự thắng lợi cho một quyển sách hoặc một vở kịch. Nó chỉ đem lại cái hại nhiều hơn là làm lợi. Các tờ báo đã ý thức được sự vô dụng của bất kỳ các ý kiến riêng biệt nào đến độ chúng hạn chế dần dần các ý kiến phê bình về văn học và chỉ cho đăng mỗi tên của các cuốn sách và bên cạnh đó là một hoặc hai dòng giới thiệu về chúng, và trong vòng hai mươi năm tới đây việc phê bình sân khấu chắc chắn cũng sẽ được đối xử kiểu như vậy.

Sự nghe ngóng dư luận quần chúng là mối quan tâm chính của báo chí và chính phủ hiện nay. Sự kiện nào có ảnh hưởng như thế nào vào quá trình dự thảo một một điều luật, vào mỗi một bài diễn văn là điều rất có giá trị để biết đối với họ. Việc này không hoàn toàn dễ dàng, vì không có gì có thể biến đổi và chuyển động nhiều như suy nghĩ của đám đông. Người ta có thể chứng kiến, họ hôm nay đã nguyền rủa những gì mà hôm qua họ từng tung hô tán thưởng.

Kết quả cuối cùng của sự mất phương hướng hoàn toàn của dư luận và sự đồng thời mất đi của các niềm tin cơ bản là sự tan vỡ đối với tất cả các quan điểm và sự vô cảm ngày càng tăng của đám đông, giống như là một người chống lại tất cả những gì không động chạm đến lợi ích sát nách của anh ta. Các học thuyết khoa học, như học thuyết chủ nghĩa xã hội chẳng hạn, chúng thực ra chỉ có được những kẻ ủng hộ trong tầng lớp thấp, ít học, ví dụ tầng lớp thợ mỏ, tầng lớp công nhân trong công xưởng. Những người tiểu tư sản, những thợ thủ công có học đều đã nghi ngờ và không tin tưởng.

Những diễn biến từ ba mươi năm trở lại đây thật đáng ngạc nhiên. Trước đây cũng chẳng lấy gì làm lâu, các quan niệm còn có một hướng chung. Chúng được rút ra từ việc chấp nhận một vài các quan điểm nền tảng. Chỉ cần mang danh một người quân chủ là trên các lĩnh vực lịch sử và khoa học đã thấy được sự trung thành với những quan điểm nhất định có ranh giới rõ ràng, còn như nếu là người theo trường phái cộng hòa anh sẽ trung thành với những đòi hỏi hoàn toàn ngược lại. Một người theo chủ nghĩa quân chủ biết chính xác rằng con người không hề bắt nguồn từ loài khỉ, và một người theo trường phái cộng hòa cũng biết một cách không kém phần chính xác rằng con người có nguồn gốc từ đó. Trong khi người quân chủ ghê tởm cách mạng thì người theo trường phái cộng hòa lại hân hoan khi nói về cách mạng. Có những cái tên như Robespierre, Marat cần phải được nhắc đến với một thái độ kính trọng, cũng có những cái tên khác như Cäsar, Augustus, Napoleon chỉ có thể nói ra trong sự phỉ báng. Cho đến tầng trên cùng là Sorbonne (đại học danh tiếng ở Pháp) đều bị bao trùm bởi một quan niệm lịch sử kiểu trẻ con như vậy.

Ngày nay bất kỳ quan niệm nào cũng bị sự bàn luận và mổ xẻ làm mất đi cái uy lực của nó, các trụ chống của nó trở nên không vững vàng và vì thế chỉ có một số rất ít các quan niệm còn tồn tại được, đó cũng là một số rất ít còn có thể làm cho ta say sưa tiếp nhận. Con người hiện đại ngày càng bị sa vào tình trạng bàng quan, vô cảm.

Chúng ta không muốn quá thương tiếc cho sự kiệt quệ một cách phổ biến của các quan điểm. Chúng là một hiện tượng méo mó trong đời sống của các dân tộc, điều này chẳng có gì để phải bàn cãi. Chắc chắn rằng một lời nói của những con người viễn kiến, của các thánh tông đồ, của các nhà lãnh đạo đối với những người tin theo có sức mạnh hoàn toàn khác với lời nói của những kẻ chống đối, những nhà phê bình và những kẻ vô cảm, nhưng chúng ta không được phép quên rằng, một quan điểm duy nhất một khi đạt đủ uy lực để trở nên áp đảo, với sự trợ giúp của quyền lực đám đông nó sẽ nhanh chóng có được một sức mạnh tàn bạo, không bao lâu tất cả sẽ phải thần phục nó và sau đó cái thời của tự do ngôn luận có lẽ sẽ ra đi chưa biết đến khi nào trở lại. Thỉnh thoảng đám đông cũng tỏ ra là một ông chủ hiền hòa, kiểu như Heliogabal (thần mặt trời) và Tiberius (vua thứ hai của đế chế Rom) lâu lâu cũng một lần như vậy, nhưng họ cũng có cái tính cách rất thất thường. Nếu một nền văn hóa đã đến độ chín muồi để rơi vào tay họ, nó sẽ trở nên trần trụi trước quá nhiều những biến cố, nhiều hơn cả những gì mà đến đó nó đã trải qua. Nếu có một cái gì đó có thể ngăn cản được cái giờ phút sụp đổ của nó, thì đó chỉ có thể là tính biến đổi một cách đặc biệt mạnh của các quan niệm và sự vô cảm ngày càng tăng của đám đông đối với tất cả các quan điểm nền tảng chung.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay