Tâm lý học đám đông - Tập 3 - Chương 1 - Phần 1

Tập 3 - Phân loại và mô tả các dạng khác nhau của đám đông

Chương 1: Phân loại đám đông

Trong bài viết này cho đến nay chúng ta đã xác định được những đặc tính chung mà các đám đông đều có. Tiếp đến chúng ta còn phải nghiên cứu đến những đặc tính riêng biệt được là tiền đề cho những đặc tính chung này tùy theo chủng loại của các tập thể.

Trước hết chúng ta hãy xây dựng một sự phân loại ngắn gọn cho các đám đông.

Xuất phát điểm của chúng ta là tập hợp đơn giản (la simple multitude). Lớp dưới cùng của nó sẽ hình thành nên khi nó được tập hợp bởi các phần tử riêng biệt của nhiều giống nòi khác nhau. Sợi dây ràng buộc chung duy nhất giữa chúng là ý chí của người lãnh đạo, cái ít nhiều được tôn trọng. Có thể lấy các bầy lũ man rợ có xuất xứ khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ đã từng tàn phá đế chế Rôm làm ví dụ cho dạng đám đông này.

Bên trên cái đám đông không có mối liên kết đó là đám đông với những đặc trưng chung tạo bởi ảnh hưởng của một số yếu tố nào đó và cuối cùng làm nên một chủng tộc. Chúng thỉnh thoảng cũng tiếp nhận một vài đặc điểm đặc biệt của đám đông nhưng thường thì sự tiếp nhận đó luôn bị các đặc tính riêng của giống nòi cản trở.

Các loại đám đông khác nhau quan sát thấy ở các dân tộc được phân thành các nhóm sau:

A. Đám đông không đồng nhất (foules hétérogènes):

1. Không danh tính (ví dụ: Sự tụ tập trên đường phố)

2. Không có danh tính (ví dụ: đoàn bồi thẩm, nghị viện)

B. Đám đông đồng nhất (foules homogènes):

1. Các nhóm, hội kín (chính trị, tôn giáo và các loại hội nhóm khác)

2. Đẳng cấp (quân đội, cha đạo, công nhân...

3. Giai cấp (tư sản, nông dân...)

Chúng tôi chỉ trình bày ngắn gọn các tính chất khác biệt của các dạng khác nhau này của đám đông. Về chi tiết có thể tìm hiểu thêm trong các bài viết mới đây của tôi.

§1. Đám đông không đồng nhất

Những nét cơ bản của tập thể này chúng ta đã nghiên cứu đến. Chúng được tạo thành từ những phần tử riêng biệt bất kỳ nào đó, nghề nghiệp hoặc trình độ hiểu biết không là vấn đề quan trọng.

Chúng ta đã chỉ ra ở đây, rằng trạng thái tâm hồn của những con người trong đám đông không giống với trạng thái lúc họ còn là một con người riêng lẻ, và cho đến trước khi xảy ra sự khác biệt này trình độ nhận thức cũng không cứu vãn được tình hình. Chúng ta cũng đã nhận thấy, trình độ hiểu biết không đóng một vai trò nào trong đám đông. Chỉ có những tình cảm vô thức là có thể có tác động trong chúng.

Một yếu tố cơ bản, đó là giống nòi, đã giúp cho chúng ta có thể phân loại một cách tương đối rõ ràng các đám đông không đồng nhất khác nhau. Chúng ta lại một lần nữa đã quay trở lại với vấn đề giống nòi và đã chỉ ra, rằng nó là yếu tố mạnh mẽ nhất có được cái quyền lực quyết định hành động của con người. Tác động của nó cũng thể hiện trong các tính chất của đám đông. Một tập hợp được tạo thành từ các cá nhân khác nhau riêng biệt bất kỳ nào đó, có thể là người Anh hoặc là người Trung quốc, sẽ rất khác biệt so với một đám đông khác được tạo thành từ người Nga hoặc người Pháp hoặc người Tây Ban Nha.

Sự khác biệt sâu sắc, hình thành nên bởi cấu trúc tinh thần được thừa kế trong cách cảm nhận và suy nghĩ của con người, sẽ thể hiện ra một cách rõ ràng, nếu trong một điều kiện nhất định, tuy nhiên là rất ít khi xảy ra, các dân tộc riêng biệt khác nhau tạo thành một đám đông, cho dù dường như các mối quan tâm của họ rất giống nhau. Sự cố gắng của những người xã hội chủ nghĩa trong việc liên kết rộng rãi các đại diện của giới công nhân của tất cả các nước lại với nhau, luôn kết thúc với một sự bất hòa kịch liệt. Một đám đông Latinh, bất kể thuộc loại bảo thủ hay cách mạng, bao giờ cũng tìm đến nhà nước để thỏa mãn những yêu cầu của họ. Họ luôn ngả theo hướng tập trung hơn là hướng quân chủ. Một đám đông người Anh hoặc người Mỹ ngược lại không biết đến nhà nước và chỉ dựa vào sức lực của chính mình.

Một đám đông người Pháp coi trọng trước hết là sự bình đẳng, còn đám đông người Anh thì lại coi trọng trước hết là sự tự do. Sự khác biệt về giống nòi này đã tạo nên nhiều dạng đám đông có số lượng gần như số lượng các dân tộc.

Tâm hồn giống nòi như vậy nó quyết định hoàn toàn tâm hồn đám đông. Nó là một nguyên tố cơ bản mạnh mẽ, quyết định sự giao động của tâm hồn đám đông. Những tính chất thấp hèn của đám đông càng ít thể hiện rõ khi tâm hồn đám đông trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là quy luật cơ bản. Nhà nước của đám đông hay sự thống trị của đám đông đồng nghĩa với việc quay trở lại thời đại dã man. Qua việc tiếp nhận một tâm hồn vững chắc, giống nòi tự bảo vệ mình trước những bạo lực thiếu suy nghĩ và vượt qua được tình trạng dã man.

Việc phân loại duy nhất đối với đám đông không đồng nhất mà không sử dụng đến yếu tố giống nòi của nó là sự phân loại theo đám đông không danh tính, như đám đông của đường phố, và theo đám đông có danh tính, ví dụ như các hội đồng cố vấn và tòa bồi thẩm. Sự thiếu vắng cảm giác về tinh thần trách nhiệm trong nhóm thứ nhất và sự có mặt của nó trong nhóm thứ hai đã khiến cho hành động của hai nhóm này thường đi theo những hướng khác nhau.

§2. Đám đông đồng nhất

Đám đông đồng nhất trước tiên bao gồm các hội đoàn, các tầng lớp đặc quyền và các giai cấp.

Các hội đoàn được coi là mức độ ban đầu trong sự tổ chức của các đám đông đồng nhất. Nó bao gồm những thành phần riêng lẻ mà giáo dục, nghề nghiệp, môi trường sống của họ thường rất khác nhau và niềm tin là sự liên kết giữa họ với nhau, ví dụ như các hội nhóm tôn giáo hoặc chính trị.

Tầng lớp đặc quyền đuợc coi là mức độ tổ chức cao nhất mà đám đông có thể tạo ra. Trong khi các hội đoàn gồm những người rất khác nhau về nghề nghiệp, trình độ và môi trường sống và họ liên kết lại với nhau chỉ bởi niềm tin, thì tầng lớp đặc quyền bao gồm chỉ những cá nhân có cùng một nghề nghiệp và do đó cũng có một sự giáo dục, đào tạo tương đối giống nhau và gần như có cùng một kiểu hành xử trong cuộc sống. Ví dụ như tầng lớp quân sự hoặc tầng lớp các thầy tu.

Giai cấp được hình thành nên từ những cá nhân có xuất xứ khác nhau, họ không giống như những thành phần của một hội đoàn là có chung niềm tin, họ cũng không có cùng chung một nghề nghiệp như những thành phần trong tầng lớp đặc quyền, cái chung mà họ có là những quan tâm về các quyền lợi nhất định, họ có một lối sống và được dạy dỗ một cách tương đối giống nhau. Ví dụ cho trường hợp này là các giai cấp như tư sản, nông dân...

Do bởi trong bài này tôi chỉ nghiên cứu về đám đông không đồng nhất, cho nên tôi chỉ đề cập đến một vài dạng của đám đông loại này khi cần phải dẫn ra một số ví dụ.

§3. Cái gọi là đám đông tội phạm

Bởi đám đông sau một khoảng thời gian bị kích thích sẽ rơi vào trạng thái của một người máy đơn giản và vô thức, nó nằm dưới sự tác động của các ảnh hưởng, vì vậy có vẻ như rất khó có thể gọi tên nó là đám đông tội phạm trong bất kỳ một trường hợp nào. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên cái tên không rõ ràng này bởi nó đã thường được sử dụng trong các nghiên cứu về tâm lý học. Chắc chắn có những hành động của đám đông là tội phạm, nhưng cũng chỉ như là những hành động của một con hổ ăn thịt một người theo đạo Hindu, sau khi đã vờn cho lũ con của nó xem chán chê rồi mới xé xác.

Đám đông tội phạm thông thường là hậu quả của sự kích hoạt (suggestion) mạnh và những cá nhân can dự vào sau đó đều tin rằng họ đã thực hiện một nghĩa vụ. Đó cũng là điều không có trong các trường hợp phạm tội thông thường. Lịch sử tội phạm của đám đông sẽ cho ta nhận thấy rõ ràng điều đó.

Một thí dụ tiêu biểu đó là sự giết hại giám đốc ngục Bastille, du Launay. Sau khi chiếm được ngục, đám đông giận dữ đã vây quanh ông giám đốc và đánh ông ta từ đủ mọi phía. Người ta đề nghị treo cổ ông ta, chặt đầu ông ta hoặc buộc vào đằng sau cho ngựa kéo. Trong khi tìm cách vùng thoát khỏi đám đông, ông đã vô tình đá phải một người nào đó trong số đứng vây quanh. Lập tức có người đề nghị kẻ bị đá được phép cắt cổ ông ta và đám đông đã reo hò hưởng ứng.

“Cái ông đầu bếp thất nghiệp nọ, cũng chỉ vì tò mò mà lần đến chỗ ngục Bastille để xem xem ở đấy đang xảy ra chuyện gì, và tại đây ông ta đã tin, rằng đó là một hành động yêu nước, bởi vì tất cả mọi người cũng đều có một ý nghĩ như vậy, và thậm chí ông ta còn tin rằng sẽ được khen thưởng hoặc được nhận huân chương, nếu như ông ta giết một con quái vật. Người ta trao cho ông ta một thanh kiếm, và ông ta đã nhằm vào cái cần cổ trần trụi kia mà chém xuống; nhưng do bởi thanh kiếm quá cùn, chém không thể đứt, ông ta liền rút con dao đeo trong mình và kết thúc thắng lợi cuộc giải phẫu (bởi là đầu bếp nên ông ta rất thạo việc pha thịt).”

Ở đây cái cơ chế, từng được nhắc tới trước đây trong bài viết này, đã thể hiện một cách rất rõ ràng: đó là sự tuân phục một ảnh hưởng, mà tác động của nó càng mạnh mẽ khi nó được sinh ra từ đám đông, nó tạo nên niềm tin cho kẻ giết người về tính cao cả của hành động đó, và kẻ giết người càng trở nên tự nhiên hơn khi được những người đồng chí của nó cổ vũ một cách nhiệt tình. Một hành động kiểu như vậy về mặt luật pháp có thể bị quy là tội phạm nhưng về mặt tâm lý học thì không có thể. Những đặc tính chung của cái gọi là đám đông tội phạm cũng giống hệt như những đặc tính chung của mọi đám đông, là những điều chúng ta đã từng xác định, đó là: tính dễ bị tác động, tính nhẹ dạ, tính dao động quá đáng giữa tình cảm tốt và xấu, sự nổi bật của những tính cách đạo đức nhất định...

Tất cả những đặc tính đó chúng ta đều nhận thấy ở những người đàn ông của những ngày tháng chín, những con người đã để lại trong lịch sử của chúng ta những hồi ức chấn động tâm hồn mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên họ cũng đã thể hiện nhiều nét giống với những kẻ chủ mưu gây ra sự kiện “đêm ở đền Bartholomeus”. Chi tiết của sự kiện này tôi trích dẫn từ tường trình của Taine, được viết theo hồi ức của những người đương thời. Cũng không thể biết được một cách rõ ràng ai là người đã ra lệnh hoặc chỉ thị cho việc thủ tiêu các tù binh, nhằm dọn sạch các nhà tù. Có thể đó là Danton hoặc một ai khác, điều này cũng không quan trọng; chúng ta ở đây chỉ quan tâm đến cái ảnh hưởng cực kỳ lớn mà đám đông đã tiếp nhận để tạo nên một cuộc tắm máu.

Một đoàn đao phủ gồm khoảng ba trăm người, một dạng cơ bản của đám đông không đồng loại. Ngoại trừ một số ít những người ăn mày chuyên nghiệp thì số còn lại trong họ bao gồm các nhà buôn và các thợ thủ công thuộc đủ các ngành nghề, như thợ giày, thợ nguội, thợ làm tóc giả, thợ nề, viên chức, quân nhân... Do ảnh hưởng sau khi tiếp nhận sự kích hoạt, giống như ông đầu bếp đã kể ở trên, toàn bộ những người này đều hoàn toàn tin rằng họ đang thực thi một nghĩa vụ đối với tổ quốc. Họ đóng vai hai chức trách cùng một lúc, một của quan tòa và một của đao phủ, không hề có một chút gì cảm thấy mình là kẻ tội phạm.

Nhận thức được một cách sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ được trao, trước hết họ đã tự lập nên cái gọi là tòa án, và điều này lập tức thể hiện cái trí tuệ hạn hẹp, và cũng là cái cảm nhận rất chi hạn chế về luật pháp của đám đông. Do số lượng bị cáo quá lớn cho nên ban đầu một quyết định đã được ban ra: quý tộc, cha đạo, sĩ quan, người hầu của nhà vua, có nghĩa là tất cả những ai, trong con mắt của một người yêu nước chân chính, chỉ với nghề nghiệp của họ đã đủ là bằng chứng chứng minh cho tội lỗi của họ, thì đều cần phải đem đi thủ tiêu tất không có xét xử gì cả. Ngoài ra người ta còn phán quyết dựa trên hình dáng và uy tín nữa. Bằng cách đó cái lương tâm không được chỉ bảo của đám đông đã được thỏa mãn, và họ có thể ung dung thực thi luật pháp, cũng như để cho các bản năng tàn bạo tự do phát triển - những thứ luôn nảy nở một cách mạnh mẽ trong đám đông, mà sự hình thành của chúng tôi đã nói ở một chỗ nào đó trong đây. Bản thân họ cũng không ngăn cản được sự biểu lộ những tình cảm trái ngược nhau - cái này cũng là quy luật - ví dụ như sự đa cảm cũng y như sự tàn bạo của họ đều thể hiện ra ở mức tới hạn. “Họ có một sự đồng cảm nhiệt thành và những thái độ rất cảm động của những người công nhân Paris. Khi một nhân viên liên bang biết được người ta đã để những người tù khát nước đến nay đã hai mươi sáu tiếng, ông ta liền nổi giận và ra lệnh lập tức đem viên cai ngục ra xử tử. Chỉ đến khi những người tù tha thiết van xin, viên cai ngục kia mới không bị mất mạng. Nếu một người tù nào đó được tòa (tòa lưu động) tuyên án vô tội, anh ta sẽ được những lính canh và các đao phủ ôm hôn thắm thiết và nhiệt thành chúc mừng.” Sau đó người ta lại quay trở lại với công việc hành quyết. Trong suốt cuộc tắm máu lúc nào cũng có một bầu không khí vui mừng và phấn khởi. Người ta nhảy múa ca hát xung quanh những xác chết, giành chỗ ngồi cho các “quý bà” đang sung sướng ngắm cảnh những nhà quý tộc bị giết. Các cử chỉ lịch sự đặc biệt khác cũng tiếp tục được phô diễn. Khi một đao phủ than phiền rằng các quý bà đã phải đứng quá xa nên không thể theo dõi tường tận cảnh hành quyết các nhà quý tộc và chỉ có một số ít người có mặt được chiêm ngưỡng cảnh đó, điều này đã được thừa nhận là đúng nên người ta quyết định sau đó các nạn nhân phải đi một vòng giữa hai hàng đồ tể để kéo dài nỗi khổ đau của họ, thay vì chấm dứt nó một cách nhanh chóng bằng một nhát gươm. Trong ngục Bastille toàn bộ các tù nhân phải cởi bỏ hết quần áo, họ bị hành hạ đến tan nát xương thịt, những ai sống sót còn chút lành lặn liền bị giải quyết tiếp bằng cách bị rạch bụng. Những kẻ đồ tể giết người đều là những kẻ rất có lương tâm và thừa nhận mọi lý lẽ đạo đức, sự tồn tại của những điều như vậy trong trái tim đám đông chúng tôi cũng đã từng chỉ ra. Họ nộp lại tất cả tiền bạc và trang sức của các nạn nhân trên bàn của ủy ban.

Tất cả các hành động của họ thể hiện rõ một dạng kém phát triển của tư duy, đó cũng là một đặc điểm của đám đông. Và như vậy một ai đó sau khi làm thịt khoảng một ngàn hai đến ngàn rưởi kẻ thù của nhân dân bỗng nhiên được chú ý - sự hăng hái của người đó lập tức được học theo - và trong các nhà tù khác, ở đó những người ăn mày, những nông dân làm thuê, những tù nhân trẻ, đúng là những kẻ vô dụng và tốt nhất là thủ tiêu hết. Vả lại trong số họ thế nào cũng có ai đó là kẻ thù của nhân dân, ví dụ như bà Delarue, vợ góa của một người pha chế độc dược: “Bà này đã tỏ ra rất tức giận vì bị nhốt tù; nếu làm được bà ta sẽ đốt trụi cả thành phố Paris; chính bà ta đã nói như vậy, tử hình ngay lập tức.” Bằng chứng quả là thuyết phục, và hàng loạt người đã bị hành quyết, có đến khoảng năm mươi trẻ nhỏ ở độ tuổi từ mười hai đến mười bảy, chúng có thể cũng là kẻ thù của nhân dân và do vậy cần phải thủ tiêu hết.

Sau độ một tuần làm việc tất cả các biện pháp đã được thực hiện và đám đồ tể được phép mơ đến sự nghỉ ngơi. Do bởi họ tin chắc rằng họ đã phục vụ tổ quốc một cách tốt đẹp cho nên họ đã đòi hỏi những kẻ cầm quyền phải thưởng công cho họ, ngày đó có người còn đòi cả huân chương.

Lịch sử của công xã Paris năm 1870 cũng cho thấy có những hiện tượng tương tự. Ảnh hưởng ngày càng tăng của đám đông và sự thoái lui của các quyền lực khác trước nó chắc chắn rằng sẽ còn tạo thêm nhiều sự kiện khác kiểu như vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay