Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần II - Chương 1 - Phần 2

2. Tình trạng xáo trộn về gia cư và tài sản

Trong giai đoạn khá dài, dân chúng chịu cảnh ly tán, kẻ lương thiện có thể bị vạ lây. Chỉ cần bị tình nghi là bị tù, bị đày ra Côn Nôn hoặc Đại Hải (đảo Bourbon) hoặc qua tận Mỹ Châu, ở thuộc địa Pháp nổi danh ma thiêng nước độc: xứ Cayenne (gọi là Cai Danh quận). Hoặc qua tận đảo Antilles sát Nam Mỹ Châu, hoặc qua nhà tù ở Toulon.

Ngoài chuyện nhắm mắt cho bọn Việt gian bắt giết, tống tiền và hăm họa, thực dân còn ngang nhiên phán quyết những bản án hành chánh (jugement administratif) theo đó, tham biện chủ tỉnh được quyền đề nghị bỏ tù, đày ra Côn Đảo hoặc các lãnh thổ ngoại thuộc Pháp những người chỉ bị tình nghi, vu cáo là làm loạn nhưng chưa tìm được bằng chứng gì cụ thể. Thống đốc Nam kỳ hoặc Giám đốc Nội vụ (directeur de líIntérieur, lúc đầu dịch ra chữ Nho là Lại Bộ thượng thơ), xét lại rồi chuẩn y (1). Một dịp cho bọn Việt gian địa phương tha hồ báo cáo để giựt ruộng vườn nhà cửa.

(1) Nghị định của Đô đốc Ohier 19-08-1869.

Thoạt tiên, bọn tham biện chủ tỉnh bắt bớ tù đày quá nhiều, đến mức ba tháng sau (23-11-1868), đô đốc Ohier gởi văn thư khiển trách viên tham biện hạt Vĩnh Long đã lạm dụng (2).

(2) SL. 5.048.

Ngày 9-3-1875, Duperré ra lịnh dứt khoát rằng tài sản của những người bị lên án phản loạn đều bị tịch thâu, tiền bán tài sản này dùng trợ cấp cho gia đình bọn lính mã tà tử trận lúc đi ruồng bố. Nhưng năm sau, ngày 25-8-1876 lại có lịnh: tài sản của bọn phiến loạn đem bán ra, thay vì đem thưởng cho kẻ tố giác thì lại thuộc về nhà nước; nhà nước tùy trường hợp mà thưởng riêng. Trong thực tế, ruộng đất do con của Trương Định làm chủ đã bị bán đấu giá từ năm 1869, nhưng không ai ra mua (3).

(3) CP. 8629.

(3) SL. 6.332.

Kinh nghiệm vụ khởi loạn Thủ khoa Huân cho thực dân biết rằng một số không ít hương chức hội tề làm việc cho Pháp đã tán trợ trực tiếp hoặc gián tiếp những người làm loạn. Do đó, đô đốc Nam kỳ ký nghị định số 123 ngày 20-5-1875 quy định từ rày về sau làng nào làm loạn hoặc đồng lõa với loạn quân thì bị xóa tên, giải tán, sáp nhập qua làng lân cận, tài sản của hương chức hội tề bị tịch thâu, hương chức hội tề bị quản thúc ở tỉnh xa (4). Nghị định ngày 25-5-1881 ban hành quy chế thổ-trước (indigénat) theo đó Tham biện chủ tỉnh được quyền xét xử bỏ tù trong vài trường hợp, khỏi cần đưa qua tòa án (gọi nôm na là ở tù bố, tức là ở tù theo lịnh của tòa Bố, lúc Pháp mới qua, có quan Bố chánh như thời đàng cựu, nhưng là quan Bố người Pháp). Bộ Thuộc địa tán thành việc bắt giam một số đông người mà không cần truy tố ra tòa, để đề phòng cuộc khởi loạn mà thực dân được tin là sắp bùng nổ ở Mỹ Tho vào năm 1883, cho đó là áp dụng quy chế thổ trước. Đồng thời, Bộ cũng cho phép thống đốc Nam kỳ được quyền câu lưu trong thời hạn nhứt định những phần tử bị tình nghi, và ân xá họ khi nào thấy thuận lợi (5-9-1884).

(4) SL. 1.755.

Đối với người Tàu, Bộ Thuộc địa tán thành biện pháp mà Thống đốc Nam kỳ áp dụng để trừng phạt những người theo Thiên Địa Hội ở Sóc Trăng (1-9-1882) theo đó nạn nhân bị trục xuất về Tàu, tịch thâu tài sản. Bang Triều Châu ở Sóc Trăng phải xuất tiền trả lương cho bọn lính mã tà do nhà nước tuyển thêm để giữ an ninh trong tỉnh, đồng thời Bang này phải chịu phạt nếu trong hàng ngũ Thiên Địa Hội lại có người trong Bang gia nhập.

Việc kháng Pháp ở Nam kỳ Lục tỉnh khá rầm rộ, thực dân và tay sai đã dẫm nát những vùng gần tỉnh lỵ đến tận thôn xóm hẻo lánh. Dân chúng hăng hái vì bấy giờ triều đình Huế hãy còn. Họ đặt hy vọng vào sự can thiệp của triều đình. Đi theo Pháp thì sợ về sau sẽ bị trừng trị. Việc Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông với hiệp ước 1862 không làm cho dân chúng tuyệt vọng. Họ sẵn sàng tản cư qua ba tỉnh miền Tây. Ngay sau hiệp ước 1862, trong bức thư trả lời cho nguyên soái Bonard đề mùng 6 tháng 8 âm lịch năm Tự Đức thứ 15, ông Phan Thanh Giản tỏ thái độ đứng đắn về việc giải giới những người còn cầm khí giới ở ba tỉnh miền Đông. Những người này được ông Phan gọi là dân mộ nghĩa (mộ nghĩa nhân); ông viện cớ là “già nua và bất tài”nên chưa thể nào thực thi chuyện tước khí giới đám dân mộ nghĩa ấy được. Việc ấy, nhà cầm quyền Pháp ở ba tỉnh miền Đông cứ ra lịnh kêu gọi những người quản suất quân nghĩa dõng.

Sau khi mất ba tỉnh miền Tây, dân chúng vẫn tiếp tục chiến đấu. Dân ở nông thôn dời chỗ nhiều lần, xa sanh quán, họ hàng thất lạc, thay tên đổi họ để khỏi bị tập nã. So với cõi Bắc kỳ và Trung kỳ, làng mạc miền Nam bị phá tán nhiều hơn, ngoài mục đích bình định, thực dân còn nhằm hủy hoại văn hóa; thành lũy bị san bằng trăm phần trăm tại Sài Gòn cũng như ở các tỉnh, gia phả không còn, người có căn cư trở thành lưu dân, đất ruộng đổi chủ. Sau khi hạ thành Chí Hòa, thực dân muốn giữ các tổ chức đồn điền như cũ để việc sản xuất lúa gạo không bị đình trệ và việc cai trị ít bị xáo trộn. Nhưng đến ngày 22-8-1861, lại giải tán vì đồn điền là cơ sở chống đối mạnh mẽ.

3. Vài thí dụ điển hình

Vào cuối năm 1868, đô đốc Ohier ba hành quyết định số 473 ra giải thưởng cho những ai bắt nộp những lãnh tụ kháng Pháp gồm 11 người với giá 1000 quan mỗi người: cậu Hai Quyền (con Trương Định) bấy giờ cỡ 25 tuổi; Hàn Lâm Phu; Tổng binh Thành; ấp Quyền (phó của Trương Định); Tổng binh Hinh; Tổng binh Cách; cậu Tư, cậu Năm (hai con của Phan Thanh Giản), Tổng binh Thành (gốc ở Thất Sơn, trước đấy có ở Rạch Giá); Nguyên soái Thân (người đã đánh đồn Mỹ Tho); phó Nguyên soái Dương (vượt ngục Mỹ Tho năm 1867, hiện đang ở Ba Động).

Tổng binh Thành mà thực dân hài rõ gốc ở Thất Sơn chính là nhân vật quan trọng thuộc giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương (đức Cố Quản).

Hàn lâm Phu, không rõ là ai (trong nguyên văn không bỏ dấu) và 2 người với giá 500 quan: Đốc binh Sắc, Đề đốc Đạo (trước đấy, Đạo ở Mỹ Tho) (1).

(1) Q. 5. 956.

Quyết định nói rõ là lính hoặc viên chức bổn xứ hữu công có thể lên cấp bực, ngoài tiền thưởng. Các viên cai tổng, hương chức hội tề nếu có hành động cản ngăn việc truy tầm, không sốt sắng tập nã sẽ bị trừng phạt theo "luật đàng cựu"(lois annamites). Vào dịp khởi nghĩa Thủ khoa Huân, thực dân Pháp cố ý phá tan cơ sở nông thôn đến tận gốc rễ, khủng bố luôn những ai sống dưới sự cai trị của chúng nhưng còn thái độ úp mở. Cả một vùng rộng lớn từ Tân An, từ vùng Chợ Gạo đến sát chợ Mỹ Tho, dài theo Tiền Giang phía rạch Gầm đều chịu họa lây. Đồng bào nhân sĩ Mỹ Tho - Chợ Gạo đã hết lòng ủng hộ cuộc khởi nghĩa này với sự tán trợ của hương chức hội tề.

Chủ tỉnh Mỹ Tho được quan Thống đốc cho xuất ra 6500 quan để trả những chi phí về cuộc hành quân chống Thủ khoa Huân là 4481 quan, tiền còn lại thì dành trợ cấp cho vợ con bọn lính tử trận (2). Nhưng thực dân không mất gì cả, lại có lời cho ngân sách khi ra lịnh phạt những người đã tham gia khởi nghĩa nhưng không ra đầu thú và trình diện kịp thời (4), phạt bằng tiền theo quyết định của Thống đốc Nam kỳ ngày 5-7-1875. Và Thống đốc Nam kỳ cũng trừng phạt 47 làng trong tỉnh Mỹ Tho đã gián tiếp hoặc trực tiếp ủng hộ Thủ khoa Huân (quyết định ngày 5-7-1875) tổng số là 53700 quan, lẽ dĩ nhiên, hương chức làng gánh chịu và dân làng phải chia sớt để khỏi bị rắc rối (3).

(2) CP. 6. 346.

(3) CP. 6. 357.

(4) CP. 6.358.

Lúc hành quân và truy nã, thực dân còn tịch thâu được 1515 quan (5), Hương chức hội tề ở hai làng Song Thạnh và Bình Dương đã góp cho quân khởi nghĩa 387 đồng (trị giá 2147 quan) là tiền do làng thâu thuế được; nhà nước ra lịnh bồi thường bằng cách tịch thâu và bán tài sản của hai vị hương chức hội tề làng Song Thạnh có tham gia khởi nghĩa (đã bị giết), số tiền còn lại thì một ông hương chức hội tề làng Song Thạnh và 5 ông ở làng Bình Dương phải bồi thường cho đủ, các người này lẽ dĩ nhiên là bị cách chức (6).

(5) CP. 6.364.

(6) CP. 6.414.

Vào tháng 9, cũng năm 1875, Thống đốc Nam kỳ ra quyết định phạt hương chức làng Mỹ Đức, tỉnh Châu Đốc về tội cho phép một người “phản loạn” từ Mỏ Cày (Bến Tre) đến trú ngụ mà không bắt buộc kẻ lạ mặt phải xuất trình giấy của địa phương cũ cho phép thay đổi nơi cư trú (7).

"Hạ Ngươn Giáp Tý đầu năm,

Gẫm trong thiên hạ không an chỗ nào.

Lại thêm Lục tỉnh Tân Trào,

Nhơn điền sổ bộ biết bao nhiêu người.

Thấy vui mà chẳng dám cười,

Bơ vơ tôi chúa, gẫm đời không cha.

Có người ở cù lao Ba,

Phật sai xuống thế mới ra cứu đời..." (8)

(7) CP. 6.440. Có nên giả thuyết người lạ mặt này là Đức Bổn Sư của Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa từ Mỏ Cày đến, trước khi vào vùng Thất Sơn?

(8) "Sấm Người Đời", tương truyền của ông Sư Vãi Bán Khoai ở Châu Đốc, xem thêm "Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa", sách ấn tống, 1971.

Nhóm người muốn “tạo lập đời” theo quan niệm tôn giáo tụ họp lần hồi đến Thất Sơn hẻo lánh, có cọp beo nhưng xa khu vực thực dân kiểm soát, lại được ưu thế là gần biên giới Việt-Miên. Tuy nhiên, những làng tân tạo này vẫn bị thực dân đến quấy rối: vùng An Định ở núi Tượng bị phá xóm, đốt chùa về tội lập Hội kín.

Đầu năm 1872, vùng rạch Cái Tàu (ven rừng U Minh Hạ) tuy là thưa thớt, nghèo nàn, làng xóm chưa thành nền nếp nhưng hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự đã khởi nghĩa, giết được lính mã tà. Đỗ Thừa Tự có lần ẩn lánh ngoài khơi vịnh Xiêm La, tận hòn Sơn Rái nơi thảo am của thầy Đước: người tu hành ở cheo leo ngoài biển khơi vẫn nặng lòng vì nước (9). Về sau, hai anh em họ Đỗ bị bắt và xử tử, nghĩa quân thì bị đày. Tham biện Rạch Giá xử họ trong phiên tòa gọi là “tòa án bổn xứ”, chính ông ta làm Chánh án. Tên chủ tỉnh Benoist nổi danh là tàn ác (và thích khảo cứu) đã “nhân danh dân chúng nước Pháp” mà buộc tội và tuyên án đúng “luật An Nam” theo đó “người làm loạn bị xử trảm, kể luôn những bọn đồng lõa, không cần phân biệt tội nặng nhẹ giữa chánh phạm và tòng phạm”. Tuy nhiên, viên chủ tỉnh cho ân giảm đổi án tử hình ra 20 năm lưu đày (trường hợp Phạm Tấn Trì). Một can phạm cũng trong vụ khởi nghĩa này là Võ Văn Trước, người làng Đông Thái bị xử lưu đày chung thân.

(9) SL. 1.840, xem hồ sơ Võ Văn trước, Phạm Tấn Trì.

Nay hãy còn nhiều danh tánh can phạm do thực dân xử theo biện pháp cao hứng, tùy theo sự tố cáo với tang chứng mơ hồ. Họ là chiến sĩ vô danh, đa số bị lưu đày từ thanh niên đến kẻ già nua, từ kẻ thất học đến kẻ đậu tú tài, ngụ ở làng mạc vùng Mỹ Tho, Tây Ninh, Bà Rịa, Cao Lãnh, Tân An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Thủ Dầu Một, Long Xuyên, Vĩnh Long, Châu Đốc, Bến Tre. Thân nhân của họ nhờ các quan địa phương chuyển đơn kêu nài. Trường hợp ông Võ Văn Tòng từng làm đội quản (lãnh bằng cấp để khởi nghĩa) bị bắt vào cuối năm 1864, vừa bị đày ra Côn Nôn một tháng là chết bịnh; ấy thế mà 15 năm sau, vì gia đình chưa hay tin nên con là Võ Văn Toán lại làm đơn xin ân xá vì cha đã thọ án được 15 năm rồi! Trường hợp của ông tú tài Trần Văn Trà bị đày qua Cayenne, vợ làm đơn xin ân xá, xin giảm án quá nhiều lần mà không được chấp thuận, mặc dầu có tri phủ Tôn Thọ Tường đứng ra làm tờ bảo lãnh với quan trên: “Như ông còn hồ nghi sự gì thì xin khi tha nó ra rồi dạy nó phải ở tại Sài Gòn sau nó còn làm sự gì quấy quá thì tôi cũng xin chịu tội chung với nó” (10).

Vụ ông Quản Hớn giết phủ Ca ở Hóc Môn được xử tại Gia Định vào 12-9-1885 gồm 37 người lãnh án, trong đó 14 người bị lên án tử hình. Cũng năm 1885 này, ở Cao Miên phong trào chống Pháp lên cao.

Người Miên ở Hà Tiên và người Việt hợp tác nhau đánh Pháp vài trận, quân khởi nghĩa gom đến trăm người ở vùng Mũi Nai (chợ Hà Tiên) và Rạch Vược, Ba Hòn.

(10) CP. 1.930, xem thêm André Migot, Les Khmers, Ed. Le Livre Contempocain, Paris, 1960, 309-315.

4. Vấn đề lưu dân ở Sài Gòn

Sự khủng bố ở thôn quê khiến nhiều người mất công ăn việc làm, kéo lên Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng ngoại ô nhưng họ chưa thích ứng được với hoàn cảnh sinh sống mới. Do đó, thực dân gặp nhiều khó khăn trước phong trào mà chúng gọi là “lưu manh, du côn” Sài Gòn. Từ năm 1864, Đô đốc Lagrandière ra quyết định bắt buộc những người Việt cư trú ở Sài Gòn phải ghi tên vào bộ vì nhiều vụ cướp bóc (?) xảy ra từ lâu, hạn 8 ngày không đến làng để khai lý lịch và ghi tên vào bộ thì bị phạt từ 5 đến 10 quan và ở tù từ 8 ngày đến hai tháng (1).

(1) Quyết định ngày 13-5-1864, J. Bouchot, Documents pour servir à l'histoire de Saigon, trích lại 411, 412.

Non hai tháng sau có lịnh nghiêm nhặt hơn: xét bắt những người Việt hiện đang cư trú chung quanh thành Sài Gòn cũ và vùng rạch Thị Nghè, luôn cả người Tàu; ai có giấy tờ của làng cũ thì bị đuổi trở về, ai không căn cư, chẳng làng xã nào nhìn nhận thì bị nhốt để chờ ngày đày ra Côn Đảo hoặc đảo Bourbon (2).

(2) Văn thơ số 264 ngày 9-7-1864. J. Bouchot trích lại trang 210. sđd.

Thực dân đề phòng gắt gao vì được tin sắp có khởi nghĩa tại Sài Gòn. Mãi đến năm 1875, vùng ngoại ô Sài Gòn vẫn chưa yên tịnh, một tay sai đắc lực của thực dân từng điềm chỉ những người cầm đầu khởi loạn lại bị giết bỏ xác gần chùa ở ranh giới ba làng Tân Thới, Bình Hưng và Bình Hưng Đông; Thống đốc Nam kỳ ra lịnh phạt hương chức hội tề ba làng nói trên về tội không phát giác kịp thời và giấu nhẹm; tiền phạt cộng chung là 1000 quan, trong đó 500 quan xuất ra trợ cấp cho gia đình nạn nhân (3).

(3) T. 6.415, quyết định số 218 ngày 31-8-1875.

Đến năm 1887, quan Tham biện hạt thứ 20 (20e Arrondissement, sau đổi lại là tỉnh Bình Hòa rồi đổi là tỉnh Gia Định) báo cáo tỉ mỉ hơn, nhận định rằng thành phần bọn bất hảo gồm nào thợ thất nghiệp, lao công Việt và Tàu, bọn đánh xe ngựa, bọn làm bồi cho Tây đang thất nghiệp, đông đảo nhứt là bọn lưu dân từ khắp các tỉnh Nam kỳ tựu về tìm phương kế sinh sống. Bọn này thường tỏ ra ngạo mạn, bất phục tùng luật pháp. Vì có lịnh không cho áp dụng quy chế thổ-trước tại quận Gia Định nên viên chức không còn khả năng trừng trị họ. Họ cứ ung dung làm điều sai quấy, hễ bị bắt là 24 giờ sau họ được thả ra, theo luật định (4).

(4) SL. 2.827 (20e Arrondissement)

Năm 1899, tình hình ở tỉnh Gia Định và ngoại ô Sài Gòn thêm bi đát hơn. Du đãng tụ tập ở Bà Điểm Bà Quẹo để lộng hành, chỉ huy bọn nài ngựa ở trường đua, cầm đầu bọn ăn trộm ở Hòa Hưng; hương chức làng Hòa Hưng không dám hó hé. Ăn cướp đánh tại làng Bình Sơn, trên sông Sài Gòn, có tên cướp xăm mấy chữ “anh hùng nhứt xứ”. Tổng đốc Phương nhận định rằng từ năm 1895 "việc du côn ngày càng thêm, (...) hiệp với bọn Thiên Địa Hội mà hà hiếp dân sự, ai giận ai thì mướn nó đánh phá (...), muốn được cử làm hội đồng, cai tổng thì mướn du côn coi chừng, ai không bỏ thăm cho phe thì chận đánh (...), ở nhà quê, du côn lại nhà giàu mượn tiền 50, 30 đồng, ai thưa với làng thì nó đốt nhà, mượn không bao giờ trả, chẳng ai dám tố cáo". Bọn du côn hăm he hương chức làng rằng nếu bắt chúng, sau khi ở tù về, chúng giết chết."Bắt thì tòa theo luật Lang Sa không cầm tù lâu. Bởi vậy, chẳng ai dám bắt, trở về tụi nó sẽ dữ hơn". Nếu tòa phạt năm bảy ngày, cả bọn góp tiền mướn thày kiện lãnh ra. Tổng đốc Phương yêu cầu đày bọn du côn đi làm xâu vào dịp mở đường xe lửa Lang-Bian, du côn thứ dữ thì phạt một năm tù, thứ vừa thì phạt sáu tháng, làng xã phải kê khai tên tuổi bọn du côn trong làng.

Năm 1901, bọn du côn đánh nhau giữa ban ngày, cách tòa Bố Gia Định có 500 thước, đánh nhau mà không bao giờ thưa gởi tới cò bót. Tại sòng bạc ở Gò Vấp, lính mã tà phải xin lỗi bọn du côn chứa bạc vì đã trót đến xét bắt. Mỗi xứ đều có anh hùng riêng: đường Monceaux, vùng Đất Hộ, Phú Nhuận, vùng Bình Hòa, vùng Gò Vấp. Nổi danh nhứt là bọn Ba Thiên và Sáu Thắm, chúng hẹn nhau đến Lăng Cha Cả hoặc ngã tư Phú Nhuận mà so tài, theo luật giang hồ. Du côn ở Đất Hộ mà quan cầu thì bị du côn Phú Nhuận hành hung. Bên trong vấn đề trừng phạt bọn du côn là cuộc tranh chấp về quyền hành giữa các tham biện chủ tỉnh và các cơ quan tư pháp vào năm 1901 và 1902. Nha Tư pháp Đông Dương muốn áp dụng luật pháp, chống những bản án hành chánh mà Tham biện các tỉnh bấy lâu đã lạm dụng để đày ra Côn Đảo những kẻ mà quan làng không thích, mặc dầu không bằng cớ. Các viên chức hành chánh thì cho là nếu căn cứ vào luật pháp thì làm sao bắt bọn du côn được? Điển hình nhứt là lập luận của tham biện tỉnh Gia Định bảo rằng dân thuộc địa chỉ sợ sức mạnh của người Pháp mà thôi, không nên đối xử bình đẳng vì dân du côn xem việc ở tù sướng hơn là sống ở ngoài đời. Và làm sao trưng được bằng cớ cụ thể để buộc tội, khi bọn du côn ăn thề, kết nghĩa với nhau trong quán rượu chớ không ghi trên giấy trắng mực đen (5).

Phong trào gọi là “du côn Sài Gòn” vào đầu thế kỷ gồm những thành phần như sau:

– Bọn bất lương, đâm thuê chém mướn, không lý tưởng gì cả.

– Một số người theo Thiên Địa Hội muốn tạo khu vực ảnh hưởng riêng để làm ăn, nắm độc quyền về bến xe, chứa cờ bạc.

– Một số nông dân mất cơ sở làm ăn ở thôn quê, lên thành phố nhưng chưa thích ứng được với hoàn cảnh mới, họ vẫn giữ óc tự tôn cho rằng xã hội nông nghiệp đàng cựu đẹp hơn xã hội mà người Tây phương đặt trên đầu dân ta. Họ có tinh thần chống Pháp.

Mãi đến đệ nhứt thế chiến, “anh chị” ở Sài Gòn Chợ Lớn còn là đề tài lưu truyền trong dân gian. Những áng thơ bình dân, những người mù nói thơ đờn độc huyền vẫn ca ngợi Năm Tỵ, Sáu Nhỏ, Sáu Trọng hoặc tiết tháo của thày Thông Chánh, cậu Hai Miên mặc dầu thực dân tìm cách ngăn cấm.

(5) SL. 223, hồ sơ này rất dày, nhiều tài liệu lý thú. Nên nhớ ở Hương Cảng, Tân Gia Ba từ khi tiếp xúc với tây phương cũng phát triển anh hùng "Thiên Địa Hội" như Sài Gòn, Chợ Lớn.