Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần II - Chương 1 - Phần 3

5. Bến Nghé Sài Gòn trong sinh hoạt mới

Trong khi vùng ngoại ô Sài Gòn chưa bình định xong thì thực dân chánh thức cho phép tàu ngoại quốc vào thương cảng Sài Gòn mua bán (22/2/1860). Năm 1860, có 246 chiếc tàu máy và thuyền buồm của các nước Ñu Châu và của Trung Hoa tổng cộng sức trọng tải là 63299 tonneaux, đã ăn 53939 tonneaux gạo trị giá khoảng 5184000 quan và các sản phẩm linh tinh khác trị giá một triệu quan. Đồng thời hàng hóa nhập cảng vào Sài Gòn trị giá ước lượng một triệu quan, cộng thêm 500000 quan á phiện để tiêu thụ trong xứ.

Đây là năm đầu mà thương cảng mở cửa, xuất cảng hơi nhiều vì gạo từ năm trước còn ứ đọng lại, thành Sài Gòn mất nên ghe bầu từ ngoài Trung không vào ăn gạo như trước được. Năm 1861, mức xuất cảng gạo sụt, năm 1862 lại sụt hơn vì ảnh hưởng cuộc khởi nghĩa của Trương Định ở vựa lúa quan trọng miền Nam lúc bấy giờ là Gò Công. Nhưng năm 1862 lại xuất cảng thêm 1200000 quan cá khô của Cao Miên, qua thương cảng Sài Gòn. (1)

(1) Revue Maritime et Coloniale, Décembre 1861, J. Bouchot trích lại trang 147 và tiếp theo.

Ba loại gạo mà giới xuất cảng chuộng nhứt là gạo Gò Công, rồi đến gạo Vĩnh Long; gạo sản xuất từ Sóc Trăng, vùng Bãi Xào (gạo Ba Thắc) thì được giá trên thị trường Trung Hoa hơn.

Ngày 16-6-1865 đô đốc Roze cho phép thành lập Ủy ban nghiên cứu phát triển Canh Nông và Kỹ nghệ ở Nam kỳ, bốn tháng sau ủy ban ra tạp chí chuyên môn, dành nghiên cứu các loại sản phẩm nông nghiệp và kỹ nghệ mà An Nam có thể phát triển trong tương lai, nhằm giúp đường hướng cho bọn thực dân làm ăn.

Ngoài ra, nhiều tờ Công báo cũng ra đời từ 1862, 1865, đáng chú ý là bọn thực dân ở Sài Gòn chia phe nhóm, ra báo Pháp ngữ công kích lẫn nhau như L’Indépendant de Saigon, Ère Nouvelle (2) và công kích luôn chính sánh của Thống đốc. Tờ Gia Định Báo ra vào tháng 4-1865 bằng chữ quốc ngữ nhằm mục đích phổ biến thông cáo, nghị định đến các làng các tổng.

(2) Khuông Việt. Một đoạn lịch sử báo chí Đông Dương, Đại Việt tạp chí (15-1-1943).

Năm 1865, dân đinh trong bộ ở 3 tỉnh miền Đông là 35778 người, năm 1866 được 39369 người, một phần do sự đăng bộ của đám dân lậu, một phần là những người chạy giặc trở về trình diện để bảo vệ đất đai ruộng vườn cho khỏi mất. Năm 1867, Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, nhờ đó mà dân số Nam kỳ được thêm khoảng 477000 người (kể cả nam phụ lão ấu), diện tích ruộng đất tăng thêm khỏang 123000 mẫu tây và nhiều huê lợi khác chừng ba triệu quan.

Năm 1883, đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho bắt đầu hoạt động, hãng tàu chạy sông (Messageries Fluviales) ra đời vào 1883-1884, gọi nôm na là tàu Mỹ (xuất phát từ Mỹ Tho, rồi từ đó nối về Sài Gòn bằng xe lửa) hoặc tàu Nam Vang vì chạy tới kinh đô chùa Tháp.

Thoạt tiên, để thử phát triển các giống lúa, thảo mộc và gia súc, thực dân cho lập nông trại làm thí điểm do nhà nước tài trợ tại khu đất Ô-Ma ăn lên đồng Tập Trận rộng hơn 50 mẫu, trồng một mẫu lúa giống đem từ Miến Điện nhưng thất bại, còn dư là để cho cỏ mọc, thử nuôi ngựa giống. Cũng năm 1885, Ủy ban thành lập “Viện Bảo tàng thuộc địa”hoạt động lai rai, thu lượm những mảnh tượng đá xưa, sưu tập cây cỏ ngoài Côn Đảo, trồng cây kỹ nghệ và vài trăm loại thảo dược đem về từ Thượng Hải. Riêng về cây cà phê, từ năm 1873, Thống đốc Nam kỳ khuyến khích, trợ cấp cho những người Pháp thử trồng tỉa.

Dưới mắt một số thực dân và sĩ quan hải quân Pháp thì vùng Sài Gòn (không kể vùng Chợ Lớn ngày nay) giống như quê hương của họ ở xứ Normandie, họ khen ngợi vùng Chợ Quán và vùng Gò Vấp - nơi dân Việt định cư lâu đời - có vườn tược, mỗi nhà đều có hàng rào bằng cây tươi, với đường xá quanh co nối liền xóm nhỏ, bên đường là cây cổ thụ che mát.

Thực dân nghĩ đến việc thiết kế thành phố, và trong việc“làm đẹp” thành phố, họ cố ý làm cho đất Sài Gòn mất vẻ cổ kính mà dân Việt đã tạo được từ 170 năm qua. Nhà và đất có bằng khoán, cứ đóng thuế thổ cư rồi đều mặc nhiên bị truất hữu theo quyết định của đô đốc, chỉ huy quân lực khiêm chức Thống đốc ký ngày 20-2-1862. Đất chia từng lô bán bằng bạc con ó (không nhận trả bằng tiền kẽm), tất cả nhà cửa, vườn tược trên lô đất đều bị bán luôn. Nếu chủ đất đấu không kịp giá thì có thể xin bồi thường với người đấu giá được, muốn khiếu nại phải xuất trình toa vé xác nhận sở phí cất nhà trước kia, nếu có.

Luật lệ tàn ác này khiến nhiều gia đình cố cựu ở vùng Sài Gòn phải mất nhà, mất đất vì họ không đủ tiền để đấu giá cho kịp bọn thực dân và bọn cường hào đang có tiền, chưa nói tới một số đông người đã chạy giặc không dám về trình diện. Để cho những người mất đất tạm thỏa mãn, nhà nước ra quyết định ngày 6-5-1862 dành vùng đất giữa kinh Tàu Hũ, rạch Ong Bé và rạch Ong Lớn cho những người bị mất đất phía Sài Gòn và khuyên những người chủ đất ở vùng Rạch Ong nên khiếu nại trong vòng 30 ngày: những người mất đất ở Sài Gòn lại trở thành kẻ thù của người mất đất ở Rạch Ong. Ngày 2-2-1863, để xẻ đường lộ và phóng kinh đào ở vùng Sài Gòn, thực dân ra lịnh ai có mồ mả của thân nhân phải hốt cốt trong vòng 15 ngày.

Phía Chí Hòa, Hòa Hưng, Phú Thọ xưa kia là làng xóm trù mật mà dân đã tản cư từ khi Nguyễn Tri Phương cho đắp thành Chí Hòa (ăn từ Chí Hòa đến tận Bà Quẹo). Phần đất này lại chia ra từng lô từ 20 mẫu đến 35 mẫu, bán hoặc cho mướn dài hạn, chỉ dành riêng cho người Pháp mà thôi.

Vùng bên kia sông, thuộc Khánh Hội và Thủ Thiêm cũng phân lô, bán từ năm 1861. Mấy chợ nhỏ ở mé sông Sài Gòn ngày xưa bị dẹp bỏ, dành cất phố xá và công sở. Quyết định ngày 12-8-1864 cho phép cất một nhà chợ ở đầu cầu Ông Lãnh, công việc không trôi chảy như ý muốn, mãi đến tháng 6-1874 chợ này mới cất xong. Một số đất tốt được cấp vô điều kiện cho thân hào nhân sĩ hữu công vào năm 1873 để cất nhà. Tháng 8-1880, cho đấu giá đất thổ cư Chợ Lớn và Bình Tây, đa số người mua được là Huê kiều và Ấn kiều.

Thể thức mà người Pháp dùng bấy giờ là cho đấu thầu mọi dịch vụ, quan lại tha hồ tham nhũng và thương gia giỏi chạy áp phe thì làm giàu nhanh chóng.

Thương gia Pháp và Đức kiều tha hồ làm mưa làm gió, nào là đấu giá xây cất đồn bót, dinh thự ở Quy Nhơn, ở Bắc kỳ, Hải Phòng, cung cấp mùng mền cho bọn lính sơn đá, đèn thắp ngoài đường, thức ăn cho lính, cho tù, cho bệnh viện, nhứt là cung cấp vôi, xi măng, cây, ván, gạch. Người Trung Hoa nhiều thế lực nhứt là Wang Tai. Lại còn nhiều dịch vụ đấu thầu khác mà người Trung Hoa chiếm ưu thế: khi chiếm ba tỉnh miền Tây vừa xong, công ty Hoa kiều Ban Hop nắm độc quyền về á phiện ở ba tỉnh này (28-8-1867). Và số tiền kẽm thu thuế của dân cũng được Hoa kiều đấu giá mua lại: Công ty Tang Keng Sing và Ban Hop mua 90000 quan tiền kẽm ở kho bạc Sa Đéc (1868), mua luôn 120000 quan ở Mỏ Cày, 25000 quan ở Mỹ Tho. Hoa chi góp chợ, bến đò ở Sài Gòn và các tỉnh thường lọt vào tay người Ấn. (3)

(3) Nha Văn Khố tàng trữ rất nhiều tài liệu về điều kiện sách, đấu thầu lúc bấy giờ, từ số CP. 6.500.

Từ 1861, riêng vùng Chợ Lớn, Pháp cho đấu thầu hoa chi sòng bạc, quy định là mười sòng, cuối năm ấy lại áp dụng cho vùng Sài Gòn, năm sau (1862) cho toàn ba tỉnh miền Đông. Người Trung Hoa rành về tổ chức sòng bạc nên nắm độc quyền khai thác. Người Trung Hoa được ưu đãi, vì đã giúp đắc lực để xuất cảng lúa gạo và phân phối các sản phẩm nhập cảng. Không nên chê trách dân Nam kỳ thuở ấy không biết nắm độc quyền to lớn này, ta nên thấy vấn đề rõ hơn: người Trung Hoa đã tạo lập hệ thống buôn bán từ khi mới khẩn hoang, lập chợ cù lao Phố, chợ Sài Gòn. Dầu cho người Việt muốn tranh thương thì cũng chẳng tài nào làm nổi. Huê kiều ở Chợ Lớn dính líu đến các nhóm tài phiệt ở Tân Gia Ba. Và những Huê kiều chuyên mua lúa gạo ở Tân Gia Ba đến Chợ Lớn lại được phép thành lập một bang riêng, với ít nhiều tánh tự trị (Congrégation des Chinois dits de Sinhgapour lập ngày 4-2-1863). Người Huê kiều có vốn lớn đem từ ngoại quốc sang để tung khắp hang cùng ngõ hẻm. Để cờ bạc, thưởng thức nhan sắc của ca nhi, họ được phép thành lập nhà “xẹc” (cerle) riêng để giải trí, bàn chuyện đầu cơ, chuyện lo hối lộ với bọn Pháp hoặc là buôn lậu. Hàng chục nhà “xẹc” khác trở thành nơi tụ tập riêng của từng tổ hợp: nào của người Phước Kiến, của Nhóm thương gia Huê kiều ở Tân Gia Ba, Thương gia chuyên mua bán lúa gạo, nhóm thương gia chuyên mua lúa gạo Quảng Đông, Thương gia Huê kiều ở Chợ Lớn hoặc Thương gia Huê kiều ở Chợ Lớn thuộc quốc tịch Anh... Họ cất chành trữ lúa, mỗi nhóm giữ quyền lợi riêng, hoặc lập nhà máy xay lúa, mua ghe chài. (4)

(4) Xem G. Durrwell, le Jeu en Conchinchine, Ménard, Saigon, 1901.

6. Luật về công thổ

Danh từ công thổ chỉ những loại đất còn hoang, hoặc có chủ khai khẩn rồi bỏ phế trở thành vô thừa nhận. Ngày trước, đất là của Vua. Người Pháp đến, xác nhận ruộng đất là của Thuộc địa (domaine de la Colonnie), mặc nhiên nhà nước làm chủ tất cả đất đai trong toàn cõi thuộc địa, muốn là sở hữu chủ phải có sự chấp nhận về mặt pháp lý của Thống đốc Nam kỳ, ở tỉnh thì chủ tỉnh là người được ủy quyền của quan Thống đốc trong phạm vi nhỏ.

Nhiều nghị định liên tiếp ra đời rồi điều chỉnh lại vì sự thi hành không trôi chảy như ý (1).

(1) Xem Nouveau recuell de législation cantonale et communale e Cochinchine par E. Outey, Ménard et Re, Saigon, 1905, từ trang 74.

Đại khái, nghị định 30-3-1865 và 29-12-1871 định rằng nhà nước sẽ đo đạc, điều tra về đất đai để lần hồi cho dân khẩn. Những điền chủ cũ có ghi tên trong địa bộ hồi đời Tự Đức phải trình diện để khiếu nại trong vòng 3 tháng để từ ngày dán yết thị tại địa phương và đăng trên Công báo, quá thời hạn trên thì đất ấy thuộc về nhà nước, xem là công thổ. Nhà nước bán theo giá thuận mãi với giá là 10 quan mỗi mẫu tây. Riêng những người hữu công với nhà nước, đất có thể cấp không.

Người dính líu đến việc chống Pháp, trong điều kiện ấy làm sao dám trình diện? Một số đất có chủ lại trở thành công thổ. Những người không dính dấp gì tới quốc sự cũng bị thiệt thòi quyền lợi, họ tiếp tục đệ đơn khiếu nại mặc dầu thời gian ba tháng niêm yết đã trôi qua. Họ không biết chữ, hương chức làng lắm khi giấu giếm bảng yết thị đó để thủ lợi, hoặc người chủ đất tản cư qua vùng khác, khi hay biết thì về quá trễ (châu tri của Giám đốc Nội vụ ngày 7-5-1879). Trong tờ phúc trình lên Hội đồng quản hạt (Conseil Colonial) đề ngày 11-10-1881 của Giám đốc Nội vụ thì cách chức khẩn đất hiện hữu quá rắc rối. Trước kia, thời đàng cựu hễ ghi tên vào bộ điền, đóng thuế là làm chủ đất. Theo luật mới, khi khẩn trưng mười mẫu đất xong, muốn làm chủ thì phải mua với giá mười quan mỗi mẫu và nộp bản đồ (gọi nôm na là bông đồ) đo đạc chính xác theo phương pháp mới và được quan Thống đốc chuẩn phê. Như vậy là bất lợi cho dân và cho nhà nước, nhà nước thiếu nhơn viên chuyên về khám đạc (gọi nôm na là họa đồ, kinh lý) để đi khắp các tỉnh các làng; tiền vốn vẽ bản đồ, tiền in tờ bằng khoán lại cao hơn giá bán 10 quan mỗi mẫu. Nghị định năm 1878 cho phép dân khẩn đất được miễn thuế bốn năm đầu tiên nên người nghèo vào đơn xin trưng khẩn quá nhiều. Nay cứ đặt ra điều kiện dễ dãi, hễ ghi tên vào bộ điền, chịu đóng thuế là coi như đã làm chủ, nhưng người khẩn đất chỉ được miễn thuế trong năm đầu mà thôi, năm sau phải đóng đủ. Tờ phúc trình này cũng khuyến cáo các tham biện chủ tỉnh không nên cấp những lô đất to hơn 20 mẫu, đề phòng nảy sinh ra giai cấp đại điền chủ.

Năm 1885, nhìn chung là ít ai chịu khẩn đất với diện tích rộng hơn 20 mẫu (đa số dân nghèo đều làm đơn xin trưng khẩn dưới 10 mẫu) vì sợ đóng thuế không nỗi. Kẻ nào xin khẩn sở đất to là nhắm vào đất tốt để đầu cơ, bán lại. Từ năm 1882 đến 1885 số đất được dân xin khẩn là 9055 mẫu. (2)

(2) SL. 3.900.

Về công điền, tên tham biện Nicolai đã làm tờ phúc trình dứt khoát để tước đoạt không cho hương chức làng hưởng quyền hạn rộng như xưa. Nicolai trình bày:

– Theo nghị định 29-10-1871 và 22-8-1882 hễ phần đất nào không ghi vào địa bộ với sở hữu chủ rõ rệt thì phải theo quy chế đất công thổ (terre domaniale). Trước khi người Pháp đến, hương chức làng có quyền đối với đất hoang trong địa phận họ cai trị, quan Bố chánh chỉ can thiệp khi đất ấy đã có người canh tác nhưng người ấy không đóng thuế hoặc đóng thuế ít so với diện tích. Hương chức làng ngày xưa được quyền gọi dân tới khẩn, bắt buộc họ làm đơn, vẽ bản đồ sơ sài rồi chịu thuế.

Nicolai nhắc lại những nguyên tắc của nghị định 1871:

– Đất hoang, chưa vô bộ, chỉ có quan Thống đốc Nam kỳ mới được phép cho trưng khẩn, bán hoặc đổi.

– Chỉ có tham biện chủ tỉnh, thừa ủy quyền của Thống đốc Nam kỳ mới được phép quy định ranh giới công thổ.

– Đất nào có chủ thời đàng cựu, nhưng sau ba tháng truyền rao trên Công báo mà chủ không nhìn nhận - hoặc thiếu bằng cớ cần trưng ra khi nhìn nhận - thì sẽ không được tranh chấp nữa và trở thành công thổ. Tóm lại, công thổ (đất hoang, vô chủ trong địa phận mỗi làng) không phải là đất của làng, dẫu là về mặt tinh thần, tượng trưng. Hương chức không có quyền cấp đất hoang, hoặc cho dân tạm khẩn hoặc cày cấy tạm. Quyền ấy là của tham biện chủ tỉnh, thay mặt cho nhà nước. Bấy lâu vì chưa hiểu nguyên tắc ấy, nhiều nơi hương chức còn tự ý cấp đất hoang. Quan Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định 2-1-1892 để ngăn cản tình trạng trên. (3)

Với sự quy định ấy, thôn xóm chỉ còn tự trị về mặt hình thức mà thôi, vì trong thực chất, hương chức làng chẳng còn quyền hạn gì đối với đất đai bỏ hoang cả. Ngay đến sở đất gọi là công điền của làng, phải được nhà nước thừa nhận thì mới là hợp pháp.

(3) SL. 1.716, bản tường trình của Nicolai.

7. Tình hình các tỉnh dưới mắt của người Pháp

Tài liệu vào thời người Pháp mới đến tuy dồi dào nhưng phiến diện, chỉ là sự nhận xét và báo cáo chủ quan của vài viên chức nặng óc thực dân. Xin lược kê đôi ba tài liệu, gọi là chỉ dẫn mà thôi:

1) Báo cáo của Paul Vial, Giám đốc Nội vụ vào tháng 9 năm 1865: “Tỉnh Mỹ Tho ở vào ải địa đầu (Vĩnh Long, bấy giờ thuộc quyền triều đình Huế) chia ra bốn hạt tham biện, mỗi hạt do người Pháp trực tiếp trông coi, dân làng đã tự động chống quân làm loạn. Tháng rồi, 4 lãnh tụ trước kia theo Trương Định bị bắt và giết ở phía Gò Công, do người bổn xứ giết (nên hiểu là bọn theo Pháp như lãnh binh Tấn).

So với năm rồi, diện tích làm ruộng tăng thêm 50 phần trăm. Dân ở Sài Gòn và Biên Hòa tăng thêm, đó là dân hồi cư. Tỉnh Biên Hòa được khả quan từ khi lập đồn Bảo Chánh, một số dân miền Thượng giúp đỡ Pháp để chận loạn quân từ Bình Thuận đột nhập. Người Thượng theo Pháp vì dư đảng của Trương Định đối xử vụng về với họ.

Tỉnh Sài Gòn (Gia Định) không còn loạn quân nhưng bọn cướp còn đánh phá ghe thuyền di chuyển lẻ tẻ. Có chừng 20000 ghe thuyền lớn nhỏ chở chuyên hàng hóa, phân nửa số này di chuyển thường trực”. Vial đề nghị “cho tàu máy đi tuần theo sông rạch, mỗi tàu chỉ cần 2 người Pháp, 6 tên lính mã tà là đủ. Trước kia, chợ quan trọng ở nơi xa, nước cạn, vì vậy bọn giặc Tàu Ô khó khuấy rối, bây giờ cũng vì nước cạn mà tàu máy khó tới (phải chăng muốn ám chỉ vùng Ba Cụm lừng danh). Gần sông Vàm Cỏ (có lẽ Vàm Cỏ Tây) còn một nhóm bảy người Tagal và một số loạn quân ẩn náu, trước sau gì chúng cũng bị dẹp (đây là lính Tagal từ Phi Luật Tân qua đánh ta lúc trước)”. Vial nhận định rằng “quan lại thời đàng cựu hống hách với dân; nạn nhân của chế độ cũ là những điền chủ và thương gia giàu có. Hai hạng này được Pháp chú ý trọng dụng”. Vial khen ngợi “họ hăng hái hoạt động và có óc thực tế, họ sẽ giúp người Pháp thâu phục nhân tâm.”

Á phiện đem cho nhà nước hoa chi 1200000 quan mỗi năm. Vial cho rằng người bổn xứ đã hút trước khi Pháp đến, á phiện không hại gì cả, nếu hút có độ lượng. “Đề nghị nên tiếp tục cho hút vì dân Trung Hoa hút khá nhiều nhưng vẫn giữ được đức tánh cố hữu là hăng hái, siêng năng.

Hoa chi sòng bạc thâu được 400000 quan vào năm rồi nhưng gây xáo trộn ở làng xóm. Hương chức làng vì mê cờ bạc nên ăn cắp công quỹ và ăn hối lộ. Nông phu đánh bài, trẻ con cũng vậy, sanh nạn trộm cắp. Đề nghị dẹp hoa chi cờ bạc, nếu cần thì chỉ cho phép mở sòng bạc tại Sài Gòn mà thôi.

Về thuế bến (droit d’ancrage) thì tàu Pháp và tàu Tây Ban Nha hưởng ưu tiên khỏi đóng. Đề nghị nên bỏ thuế này cho tàu buôn bán các nước khác, để thương cảnh thêm tấp nập.

Gạo tăng giá 5 lần lúc hơn trước, nhờ xuất cảng được.

Ruộng làm nhiều vì lúa bán cao giá. Ruộng canh tác lậu thuế quá nhiều, có đến phân nửa diện tích trốn thuế. Vài năm nữa, nếu đo đạc xong, thuế điền sẽ thâu được gần bằng hai mà khỏi cần tăng giá biểu thuế.” Vial cho rằng “giá biểu thuế điền còn quá thấp.

Số dân công làm xâu trị giá 1 triệu quan mỗi năm. Với số bạc mặt tương đương, chưa chắc mướn được nhân công để đào kinh, đắp lộ như người Pháp đã làm (đây là việc cưỡng bách làm xâu thời đàng cựu mà người Pháp duy trì).

Giá đường, non 1 quan 1 kilô. Dầu phộng, 60 quan 1 tạ dầu, dầu dừa 8 quan 10 lít, cau khô bán qua Trung Hoa (?) từ 60 đến 80 quan mỗi tạ...”

Điền chủ bổn xứ cho tá điền vay ăn lời từ 5 đến 10 phân mỗi tháng, tá điền phải chịu điều kiện là dùng hoa màu thu hoạch được để thế chân. Thông lệ là tháng bảy dương lịch năm tới là trả điền vay, tới tháng 1 dương lịch năm tới là trả gấp đôi. Vial nhận xét thêm về mức sống và trình độ văn minh của dân Nam kỳ: “khá cao, sang trọng, mỗi chợ đều có đủ thứ nghề, nào là dệt chiếu, nào trại mộc, lò đặt rượu, nhà dệt, lò nhuộm. Trại hòm hoạt động mạnh, hòm (quan tài) hạng thường bán 30 quan, mỗi năm sản xuất từ 20 đến 30 ngàn cái tức là trong 3 tỉnh miền đông Nam kỳ xài 1000000 quan về hòm, người Việt chú trọng đến cái hòm của mình từ khi còn sống.”

Về tiền tệ, Vial nêu vài chi tiết đáng chú ý: Một quan tiền kẽm gồm 600 đồng, ăn một quan tiền Pháp.

Một quan tiền kẽm đời các vua sau này cân nặng từ 1 kilô 10 đến 1 kilô 15, trong khi tiền kẽm đời Gia Long cân nặng hơn: từ 1 kilô 20 đến 1 kilô 25. Trong quan tiền kẽm thông dụng, có khoảng 5/7 là tiền đời Gia Long.

Bạc nén, mỗi nén nặng 375 gam (10 lượng) nhà nước nhận khi thâu thuế với giá là 74 quan 61, nhưng bạc nén đem ra chợ đổi được từ 95 đến 100 quan tiền ta, hoặc từ 16 đến 20 đồng bạc con Ó (piastre mexicain).

Một nén vàng - mà Vial cho là ít khi thấy xài - cân nặng khoảng 336g, dân xài với giá từ 1400 đến 1500 quan, kho bạc nhà nước nhận xài với giá chính thức là 1050 quan.

Đồng bạc con Ó lúc đầu khó xài trong dân gian, một đồng con Ó đổi 3 quan mà thôi, phổ biến rất chậm, ở thôn quê chưa thấy xài. Thời ấy vì xài nhiều thứ tiền khác nhau nên có nạn đầu cơ tùy theo mùa, có thể đem lợi cho bọn người chuyên đổi tiền (1).”

(1) SL. 1.718, những phần giữa hai dấu ngoặc đơn là ý kiến của chúng tôi.

2) Báo cáo của Paulin Vial ngày 17-9-1867 giúp thấy sơ qua tình hình 3 tỉnh miền tây vừa bị Pháp chiếm từ 20-6 tức là non 3 tháng trước. Mục đích của viên Giám đốc Nội vụ này là tìm hiểu nguyện vọng, giải thích cho dân hiểu thiện chí của người Pháp. Mặt khác, thử nghiên cứu cách thức thâu thuế điền bằng tiền mặt, thay vì thâu bằng lúa như thời đàng cựu.

Theo Vial, “lúc trước ở 3 tỉnh miền Tây có từ 4 đến 5000 lính đàng cựu, nay chỉ cần tuyển chọn 900 người là đủ dùng vào việc trị an (bớt tốn công quỹ để nuôi lính). Nên tuyển chọn lính mã tà trong gia đình dân có bộ (khá giả), được bảo đảm hơn là lựa trong đám lưu dân. Vial xuống tàu ngày 31-8-1867 (từ Mỹ Tho) với 25 lính mã tà từ Gò Công gởi qua tăng cường cho Trà Vinh”, trước đó có 50 lính mã tà đã đến Trà Vinh rồi. Tới Bến Tre, Vial còn thấy “di tích của dinh phủ Hoằng Trị thời đàng cựu đã bị bắn sập từ 1862, quan tham biện làm việc trong căn nhà lá, tiếp tay với tham biện là hai quan huyện: một là cựu cai tổng ở Gò Vấp, một là tay phú hộ ở Gò Công. Tham biện Bến Tre lúc bấy giờ là Champeaux. Theo ý kiến Champeaux thì dân Bến Tre sẵn sàng đóng thuế bằng tiền. Champeaux thắc mắc về sự hiện diện của một số quan lại cựu trào đang cư ngụ dưỡng già tại Bến Tre, xem như là những phần tử có hại cho an ninh (chắc ám chỉ những người ở Ba Tri như ông Đồ Chiểu?). Tàu đến vàm rạch Cầu Ngang. Cách chỗ tàu đậu chừng 4000 thước, quân sĩ đang giao chiến với loạn quân, lát sau, Pháp tái chiếm Cầu Ngang. Đêm đến, Vial ngủ tại Cầu Ngang, được biết rằng tất cả dân làng đều theo bọn phiến loạn. Từ ngày 28-8, tại làng Tân Lập, dân “nổi loạn” giết một thơ ký và 3 lính mã tà. Một tốp Cao Miên chừng 200 người tới xin quy thuận và điềm chỉ bọn cầm đầu “phản loạn” gồm chừng 54 tên nhưng bọn này đã trốn mất. Đến Vĩnh Long, bấy giờ dân đang còn lo sợ, chợ Vĩnh Long có đường sá lót bằng gạch vụn. Chợ Sa Đéc rộng rãi và náo nhiệt. Viên tham biện Sa Đéc mách cho Vial biết: “huyện Phong Phú (Ô Môn, Cần Thơ) ở quá xa, cần lập tại đó một hạt tham biện. Phong Phú là vùng giàu có nhưng chưa kiểm soát được. Vial đi từ Sa Đéc qua Rạch Giá theo rạch Lấp Vò, ở chặng đầu, thấy dân đông, sung túc. Ra Hậu giang, đến Đông Xuyên (tức là Long Xuyên ngày nay), thấy cù lao trên sông có nhiều rẫy mía khá tốt”. Vial tiếp tục hành trình qua Rạch Giá theo kinh Núi Sập (Thoại Hà), kinh nhiều cỏ, tàu khó chạy vì chân vịt tàu thường bị vướng, muỗi quá nhiều, không thấy nhà cửa ở hai bờ kinh. Sáng ngày 9-9 đến Rạch Giá, khúc gần chợ, bề ngang rạch chừng 30 đến 40 thước, hai bên đầy nhà cửa và ghe xuồng. Nước chảy mạnh, tại vàm biển ngoài những ghe cỡ nhỏ còn có một chiếc goélette (Vial muốn nói loại tàu buồm Hải Nam?) trọng tải chừng 80 tonneaux của người Tàu ở Kampot đến đậu từ 3, 4 tháng rồi, chờ khi thuận gió sẽ rời bến.

Vàm Rạch Giá cạn, vì vậy đã cho cắm mấy hàng nọc dài ra biển để hướng dẫn cho tàu khỏi rướn lên bãi bùn. Quân sĩ và tham biện Rạch Giá ngụ trong đồn cũ thời cựu trào, tu bổ khéo léo, mỗi góc đồn chừng 80 mét (đồn này không đầy một năm sau là bị Nguyễn Trung Trực đốt rụi). Tư thất tham biện lợp lá, còn tốt. Dinh tham biện ở hữu ngạn Rạch Giá, trên giồng cao, nhiều cát, gần đấy có xóm nhà và vườn cây ăn trái. Thời cựu trào, người Tàu ở đây có quyền hạn nhiều (ít nhiều tự trị) phỏng định chừng 800 người, khó tin cậy, đề nghị tăng cường cho Rạch Giá vài người lính Pháp.

Mấy ông cai tổng ở Cà Mau (bấy giờ, Cà Mau thuộc về hạt tham biện Rạch Giá) đang gom mấy khẩu thần công thời cựu trào đem về đồn. Tại Cà Mau, có 20 lính mã tà nhưng xin thêm 120 lính nữa để tăng cường. Hạt Rạch Giá ruộng ít, dân ít, nếu bắt thêm 100 lính thì dân chịu không kham, không như ở Sa Đéc và Vĩnh Long nơi dân đông hơn. Người Cao Miên ở Rạch Giá đông gần bằng người Việt Nam, có nuôi bò nhưng không phải nuôi để ăn thịt. Vial muốn cho lính và viên chức Pháp ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá được ăn thịt bò đầy đủ.

Trở về Đông Xuyên (Long Xuyên) để xuống Ba Xuyên, từ vàm rạch Ba Xuyên đến chợ Sóc Trăng tốn 10 giờ vì nước cạn. Tàu chạy được một khoảng, khoảng còn lại phải đi ghe. Trên đường tới Sóc Trăng có nhà thờ Công giáo nhỏ, chợ Sóc Trăng nhiều gạo, gạo ngon và bán thật rẻ, nhiều ghe từ Vĩnh Long, Sa Đéc, Mỹ Tho, Chợ Lớn đến mua. Lính mã tà ở Sóc Trăng gồm một số ở Hóc Môn đổi tới nên khi gặp ông phủ Trần Tử Ca (cùng đi với Vial) thì họ quá mừng, họ nhớ nhà, tới đây 25 người, đã chết 3 người. Sáu năm về trước, người Miên Sóc Trăng đã nổi loạn chống cựu trào, từ đó về sau họ thù hằn người Việt. Ông phủ U là người Miên hợp tác với Pháp. Lúc ở Sóc Trăng, Vial được tin gởi về cho biết lính mã tà ở Cà Mau vừa bắt được bá hộ Chương, người cầm đầu “phản loạn” bấy giờ. Chuyến về, Vial được phủ Trực cho biết: có con rạch đi tắt từ Mỹ Tho đến Trà Vinh, đó là rạch Lách Cần Thay (nay là Chợ Lách). Vial cho biết: các tham biện mà ông ta gặp đều đồng ý là nên giải tán hẳn các đồn điền đàng cựu, đất ruộng thì giao trả lại cho làng cũ vì đa số dân đồn điền theo phe “làm loạn” trong thời gian qua. Ở tỉnh Sài Gòn (Gia Định), việc giải tán đồn điền đã thi hành có kết quả từ 1861 (2).

(2) SL. 5.047, những phần giữa hai dấu ngoặc đơn là ý kiến của chúng tôi.