Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần II - Chương 3 - Phần 2

3. Những rắc rối đầu tiên trong việc khẩn đất

Chủ tỉnh Rạch Giá báo cáo cho Thống đốc Nam kỳ ngày 17-3-1898:

– Trên nguyên tắc, mỗi làng phải có địa bộ và điền bộ. Nhưng ở Rạch Giá trước năm 1891 không nơi nào có địa bộ. Một số hương chức làng tự ý lập địa bộ, vẽ bản đồ chia ra từng sở đất, ghi tên chủ đất nhưng thường là ghi tên “ma”, ai đến xin khẩn thì bảo là hết đất, nếu muốn thì làng sẽ đứng làm trung gian mua lại giùm cho. Hương chức làng tự ý sửa chữa, sang tên các sở đất, hậu quả là địa bộ ở làng trên nguyên tắc là bản phụ, lại không giống với địa bộ (bản chánh) nạp ở tỉnh.

– Ai muốn sao lục địa bộ (có giá trị như bằng khoán đất) thì làng đòi ăn hối lộ rồi mới chịu sao.

– Chủ tỉnh nhắc lại nguyên tắc: mọi sửa đổi về ranh giới hoặc tên người chủ sở đất đều phải được phép của chủ tỉnh (theo nghị định 6-3-1891, chủ tỉnh là người quản thủ địa bộ).

– Để cứu vãn tình thế, chủ tỉnh Rạch Giá yêu cầu Thống đốc cho thành lập một ủy ban gồm một chủ tỉnh từ tỉnh khác đến làm chủ tịch, một viên kinh lý (họa đồ) cũng là cai tổng và hương chức sở tại để tu chỉnh, lập địa bộ mới cho tỉnh.

– Không làm được việc ấy thì dân ở tỉnh khác không xuống Rạch Giá đông đảo như trước nữa. Trong hiện tại, đa số người chiếm giữ đất để canh tác không có bằng khoán hợp pháp, còn những người tranh chấp thì chẳng có giấy tờ gì để chứng minh.

– Không lập được địa bộ thì dân làng chỉ làm công cho thiểu số người có thế lực hưởng huê lợi. (C/G).

Nhiều vụ tranh chấp xảy ra.

Dân khẩn hoang thoạt tiên tin rằng nhà nước cho phép họ làm ruộng trước rồi sẽ khai báo để hợp thức hóa về sau, với điều kiện khẩn không quá 10 mẫu (gọi là đất công nghiệp). Làm sao người dân hiểu rành cách thức làm đơn và dám ra tỉnh lỵ để hầu quan chủ tỉnh? Đường xa, lắm khi hơn 70 cây số ngàn, ra chợ lại không biết thưa bẩm với ai. Vài người hiểu luật lệ đã chịu khó chạy chọt, tìm cách giựt đất.

Ở làng Vĩnh Hưng, năm 1904, (E/6), một viên thông ngôn tòa án đang ăn lương lớn lại xin nghỉ việc để tranh cử chức cai tổng, chưa đắc cử là cho vợ đứng đơn xin khẩn chồng lên mấy sở đất mà người khác đã ruồng phá thành khoảnh từ trước. Vai trò của cai tổng khá quan trọng khi lập địa bộ cấp đất, vì là một ủy viên. Năm 1903 chủ tỉnh rất áy náy vì tình trạng chiếm đất, do thiểu số nhiều uy thế và rành luật lệ. Ở làng Lộc Ninh (E/2), nhiều sở đất có rừng tràm tốt hoặc có người đang canh tác lại bị kẻ lạ mặt làm đơn xin trưng khẩn. Chủ tỉnh ra lịnh cho cai tổng Thanh Bình cứ ghi tên những người thật sự đang canh tác và cho họ được ưu tiên vào bộ.

Theo thủ tục bấy giờ, hễ vô đơn xin tạm khẩn thì mặc nhiên được cấp cho một biên lai. Với tấm biên lai có chữ ký của chủ tỉnh, bọn gian hùng cứ đến địa phương mà tranh cản, tự nhận là sở hữu chủ, với diện tích rộng hơn. Ai năn nỉ thì họ bán tấm biên lai với giá cao, bảo đó là tờ bằng khoán chánh thức.

Khi hay tin kinh xáng Xà No sắp đào nối liền qua Rạch Giá, nhiều ông hội đồng, cai tổng, thân hào đã vội làm đơn xin khẩn, căn cứ vào bản đồ con kinh mà họ biết trước. Luôn luôn họ dành phía mặt tiền, giáp với bờ kinh. Chủ tỉnh bác những đơn ấy không phải vì thương dân, chẳng qua là muốn dành cho bạn bè, hoặc cho kẻ nào dám dâng tiền bạc hối lộ.

Có người vội cho rằng Pháp bày ra việc cử Hội đồng quản hạt, địa hạt, cai tổng chỉ là để mua chuộc một số người Việt háo danh mà thôi. Thật ra, những chức vụ ấy đem lại nhiều ưu thế trong việc khẩn đất. Nhờ chức vụ mà giao thiệp dễ dàng nên họ biết kế hoạch đào kinh qua phần đất nào, khi cho trưng khẩn thì họ vô đơn trước. Lại còn trường hợp nếu cho ai trưng khẩn với diện tích lớn thì họ được hỏi ý kiến. Chủ tỉnh sẵn sàng cho họ quyền ưu tiên trưng khẩn để bù lại việc họ làm ngơ cho chủ tỉnh chi tiêu phí phạm ngân sách địa phương, hoặc tăng thuế, hoặc xuất công qũy tu bổ công sở... Họ vận động với quan trên, lo lót tiền bạc để xin phép sắm súng cho bằng được, nhằm mục đích uy hiếp tinh thần dân chúng khi cần chiếm đất (D/1). Khẩn đất cũng là cơ hội cho vài tên đầu cơ, mị dân, gây uy tín cá nhân để ứng cử chức nghị viên Nam kỳ. Vào năm 1912, ký giả thực dân hạng nặng là J. Adrien Marx đến quận Gò Quao để hướng dẫn kẻ bị mất đất làm đơn tố cáo điền chủ và quan chủ quận về tội ăn hối lộ, lấn hiếp dân: một người Miên đã khẩn được 108 mẫu từ năm 1907 – 1908, vô bộ ở làng rồi, thế mà điền chủ lại mướn tay em chừng 70 người đến đánh đập, tịch thâu nông cụ lúc họ đang canh tác (AG/CD). Lại còn bọn kinh lý (họa đồ) Pháp thừa cơ hội và cậy quyền thế để giựt đất một cách hợp pháp T/6). Năm 1913, ấp Thành Lợi (sau này trở thành làng Ninh Thạnh Lợi, phần đất cũ của làng Lộc Ninh) được thành lập do 3 người xin khẩn nhưng ba năm sau, một viên kinh lý người Pháp đến trưng khẩn bao trùm lên và bắt buộc 3 người nọ phải làm tờ mướn đất như là tá điền. Rốt cuộc theo sự phân xử của chủ tỉnh, 3 người này thất kiện, mỗi người chỉ còn giữ được 10 mẫu đất công nghiệp, còn bao nhiêu đất dư ra đã thành thuộc rồi thì phải giao cho viên kinh lý. Ở tỉnh lỵ Rạch Giá, có người chuyên sống bằng nghề trung gian để lo hối lộ. Năm 1916, người nọ xin khẩn 2.000 mẫu ở làng Vĩnh Bình, nhờ kẻ trung gian đút lót trước 200 đồng cho chủ tỉnh, xong việc sẽ đưa thêm tiền. Chủ tỉnh trình việc ấy lên Thống đốc Nam kỳ và bảo rằng phần đất ấy chắc chắn có người đang khai thác từ lâu. Chủ tỉnh tố cáo, vì số tiền lo hối lộ quá ít hay vì thanh liêm?

Để làm điền chủ lớn, nhiều người dùng nhiều chiến thuật khác nhau:

– Họ làm đơn với chủ tỉnh, lo lót, ra mặt công khai chiếm đất. Rồi khi tới địa phương, họ chịu bồi thường chút ít cho người đã khai khẩn từ trước; hoặc mua lại với giả rẻ lúc người dân cô thế đang tuyệt vọng thấy mình chẳng bao giờ đủ khôn lanh và đủ tiền bạc để kêu nài hoặc hối lộ.

– Họ không bao giờ đứng tên khẩn đất trong đợt đầu, tránh mọi việc tranh chấp vụn vặt có vẻ vũ phu và bất lương. Họ đem tiền tới nơi (tiền này thường là tiền vay) để mua đất trong những năm ruộng thất mùa. Hoặc họ chuyên sống bằng nghề cho vay nặng lời, hoặc chứa cờ bạc để lần hồi bắt con nợ phải bán đất cho họ mà trừ nợ. Họ công khai đưa con nợ ra tòa, với giấy tờ hợp pháp về hình thức: người dân quê dốt chữ khi túng thiếu vì đau ốm, vì thua cờ bạc đã ký tên, điểm chỉ vào sau khi nghe đọc qua loa nội dung tờ giấy nợ chứa đựng nhiều cạm bẫy ngặt nghèo.

Kẻ quyền thế thường vận động với các quan lại cao cấp, chịu tốn kém về tiệc tùng để được khẩn không tiền (concession gratuite) theo quy chế mà nhà nước dành cho người hữu công: Tổng đốc Phương hưởng theo quy chế này 2.223 mẫu ở các làng Hỏa Lựu, Hòa Hưng, Vĩnh Hòa Hưng; Trần Chánh Chiến (sau này cổ húy cho phong trào Duy Tân ở Nam kỳ) khẩn hơn 1.000 mẫu; một nho sĩ họ Trần ở Rạch Giá cũng nhờ Tổng đốc Phương làm trung gian mà khẩn 1.000 mẫu đất tốt. Một đại điền chủ ở Trà Vinh khẩn trong địa phận Rạch Giá trên 1.400 mẫu.

4. Những nguồn lợi thiên nhiên

Trước khi trở thành ruộng, rừng tràm là nguồn lợi thiên nhiên đáng kể. Vào đời Gia Long, vùng Rạch Giá được chú ý nhờ sáp ong và cá tôm. Làng Vĩnh Hòa, làng Đông Yên ở hữu ngạn sông Cái Lớn thành hình từ lâu nhờ nguồn lợi sân chim (sử chép là Điểu đình), những khu rừng mà hằng năm loại chàng bè, lông ô (còn gọi già sói, marabout) tụ họp về làm ổ, sanh sôi nẩy nở hàng chục vạn con, thợ rừng đến sân (nơi chim tụ họp) bao vây và giết sống để nhổ lông bó lại đem bán cho tàu buôn Hải Nam. Thuở ấy người Việt cũng như người Tàu đều ao ước có cây quạt kết bằng lông chim, với đứa tiểu đồng đứng hầu quạt phe phẩy, tiêu biểu cho nếp sống phong lưu. Thuế điểu đình vẫn duy trì, nhà nước thực dân cho đấu thầu nhưng giá thầu ngày càng thấp, dân giết quá nhiều không chừa chim con. Gặp khi giông tố thất thường, chim kéo đến khu rừng khác, người thầu không được quyền truy nã theo để khai thác. Người trúng thầu thường là Huê kiều. Họ có hệ thống tiêu thụ ở nước ngoài: giá thầu là 21.000 quan (1879), 20.000 quan (1880). Việc thầu sân chim có lúc bị bãi bỏ hoặc ngăn cấm. Năm 1908 cho khai thác trở lại. Những năm chót, nhà nước hương chức làng thầu với giá tượng trưng. Năm 1912, một hội viên của Phòng Canh nông Nam kỳ (cũng là tay khai thác đất đai nổi tiếng ở Hậu giang) lên tiếng xin nhà nước cấm khai thác sân chim vì thuế thâu vào chẳng bao nhiêu mà gây tai hại lớn. Theo bài toán của ông ta, chim có đến hàng trăm ngàn con bị giết mỗi năm, mỗi ngày một con chim già sói (marabout) ăn đến 20 con chuột, mất chim thì hàng triệu chuột tha hồ sinh sôi nẩy nở. Đây chỉ là bài toán không tưởng mà thôi.

Mật, sáp ong, cá tôm là nguồn lợi lớn và lâu dài hơn. Khi mới chiếm vùng Hậu giang, đặc biệt là vùng Rạch Giá, những huê lợi này đều do nhà nước giao lại với giá thầu tượng trưng cho các ông cai tổng, xem như là hình thức mua chuộc rất có hiệu quả. Các ông cai tổng cứ chia ra từng sở nhỏ, giao cho bọn tay sai thân tín thầu lại với giá cao. Kế đến là giai đoạn giao cho hương chức làng thầu với giá phỏng định. Năm 1895, hương chức làng thâu lợi quá nhiều đến mức dám hiến lại cho ngân sách tỉnh phân nửa số lời mà họ thu được (2.785 đồng)(E/2).

Sáp là nguồn lợi làm cho xứ Rạch Giá nổi danh (người Miên gọi là vùng Kramuôn-Sor tức là xứ sáp trắng) vì thời xưa ổ ong bám vào cây tràm, lâu ngày rụng xuống rồi trôi trên sông, không người vớt. Thời Tự Đức (và có lẽ trước hơn), quan lại địa phương chia rừng tràm ra từng “ngan” tức là từng lô nhỏ, lấy những con rạch thiên nhiên làm ranh giới. Nay hãy còn dùng làm địa danh. Ngan Trâu, Ngan Dừa, Ngan Rít, Ngan Vọp. Nghề ăn ong gọi là “ăn ngan”, lô rừng đem đấu thầu gọi là sở phong ngạn (phong là ong, ngạn là bờ ranh). Phong ngạn tập trung ở những làng nhiều rừng tràm, năm 1905, làng Vĩnh Lộc có tới 19 sở, làng Sóc Sơn 13 sở. Làng Đông Thái có 4 sở to chạy theo địa phận làng, dài cỡ ba mươi cây số ngàn.

Chủ tỉnh Rạch Giá thảo ra điều kiện sách nhằm dành ưu tiên cho người khẩn đất làm ruộng. Điều 2 ghi rõ: “Rừng thì lần lần có người khai phá làm ruộng vì việc canh nông có lợi hơn, nên sự đấu giá này (đấu giá phong ngạn) không buộc 3 năm, buộc một năm mà thôi. Nhưng mà chủ ngan phải thưa cho nhà nước biết trước ngày 15 tháng 1 kế đó”.

Nghề khai thác phong ngạn lần hồi trở nên khó khăn vì gặp sự tranh chấp của người làm đơn khẩn ruộng. Thoạt tiên, chủ đất xem khu rừng tràm là của mình, tha hồ đốn cây để lấy huê lợi đầu tiên. Hoặc dân làng cứ đốn cây, phá rừng. Báo cáo của làng Mỹ Lâm ngày 12-12-1911 cho biết: “Năm nay bị thất mùa màng, dân nghèo nàn quá, không có phương thế chi mà làm ăn. Chúng nó cứ việc hạ tràm tươi mà cưa làm củi bán đổi gạo ăn” (Hồ sơ Miel et Cire). Diện tích rừng để khai thác ong mật bị thu hẹp vì thỉnh thoảng rừng cháy, ong bỏ ổ đi nơi khác.

Nhưng lý do chánh khiến cho nghề phong ngạn suy đồi là trận bão lụt năm Thìn (1904) khiến đa số rừng tràm bị ngã sập, rễ tràm vì ăn bám trên vùng đất sình lầy nên chịu đựng không nổi. Tràm ngã xuống, sau này khi cày cấy hễ gặp là đào lên đem về chụm bếp, gọi là tràm lụt (bão lụt). Đối với ngân sách làng và ngân sách tỉnh, đây là sự hao hụt đáng kể. Để bù vào số thuế phong ngạn, chủ tỉnh Rạch Giá giải quyết bằng cách bắt buộc dân phải chịu thêm một thứ thuế phụ trội, cộng thêm với thuế thân mà dân phải đóng. Ở làng Mỹ Lâm, trước kia ngân sách dồi dào nhờ thuế phong ngạn, nhưng vì dân bộ quá ít nên khi chia ra thì mỗi đầu người phải gánh đến bốn đồng (T/3).

Sáp là sản phẩm quý, theo lệ xưa và mãi đến khi người Pháp đến, đó là món dùng để lo hối lộ thông dụng nhứt (gọi khôi hài là “đút sáp”).

Thủy lợi, theo nghĩa là huê lợi cá tôm ở sông rạch được chú ý từ thời xưa. Người Pháp lúc ban đầu cũng dùng chánh sách mua chuộc cai tổng và hương chức làng bằng cách cho họ mua lại (tức là thầu) với giả phỏng định.

Rừng tràm phát triển ở nơi đất thấp, vào mùa mưa thì nước ngập tràn. Rừng ở Rạch Giá và luôn cả rừng tràm ở Hà Tiên, Châu Đốc, Cà Mau có thể so sánh với vùng Biển Hồ ở Cao Miên về phương diện sinh hoạt của cá tôm. Nước mưa dâng lên, cá lên rừng mà sanh đẻ, di chuyển. Rừng rậm với con lăng quăng do trứng muỗi nở ra là thức ăn lý tưởng của cá. Khi mùa nắng vừa bắt đầu, gió chướng thổi thì cá biết là nước sắp cạn, từng bầy tìm cách ra sông, xuống rạch để khỏi chết khô. Bởi vậy, rạch ở rừng tràm là nơi tập trung cá; loại cá đồng đắt giá như cá lóc, cá trê chở đem bán nơi xa được, không chết dọc đường.

Dân địa phương từ lâu đã biết các đào đìa. ở vùng cỏ hoang hoặc giữa rừng tràm, cá rút xuống đìa mà sống. Và khi đã quen thói, hằng năm cá lên rừng vào mùa mưa, trở về rạch, về đìa khi mùa nắng bắt đầu. Nhiều đìa cá của dân làng đào sẵn trong rừng hoang lại trở thành đìa của điền chủ vì phần đất ấy đã bị trưng khẩn. Đìa đào ở trong rừng thì nhiều cá nhưng khó đem cá về, lắm khi phải gánh cá hàng năm bảy cây số, nếu đìa ít cá thì bỏ luôn chẳng ai thèm tát (đìa ở xa trong rừng gọi là đìa U Minh theo nghĩa là ở nơi u u minh minh, tối tăm như địa ngục, mặc dầu không nằm trong vùng U Minh).

Nhà nước bày lệ đấu thầu để thâu thuế nhiều hơn, mỗi lần đấu cho phép khai thác trong ba năm. Điều kiện sách ghi rõ là sự “ích lợi của nông nghiệp phải trọng hơn các điều khác”. Nhưng trong thực tế, việc đấu thủy lợi làm giàu cho một số trung gian. Họ chia ra từng phần nhỏ rồi cho mướn lại với giá cao gấp đôi hoặc gấp ba. Để bắt hết cá, kỹ thuật hữu hiệu nhất là xây rọ với đăng sậy, tùy theo hình thể con rạch mà lựa chọn kiểu rọ thích hợp. Nhiều cuộc tranh chấp xảy ra, người đấu thủy lợi nếu có thế lực thì cứ phá đập giữ nước (của kẻ khác đang làm ruộng) để cá trên ruộng chạy xuống rạch, gây nạn lúa háp vì ruộng bị cạn quá sớm. Hoặc người khai thác thủy lợi làm cản trở lưu thông, ngăn cản không cho câu cá khiến người địa phương ăn uống khổ cực, thiếu cá làm mắm dự trữ để làm mùa. Nhiều làng đã xin quan trên bỏ việc cho thầu thủy lợi để dân làng tự do bắt cá mà ăn. Nhưng khoản dự thâu ngân sách về thủy lợi hằng năm không thể bỏ được, quan trên thường giải quyết bằng cách bắt buộc mỗi đầu dân đóng thêm năm cắc hoặc một đồng để bù trừ lại.

Chủ đất có thế lực thường ngang nhiên đắp đập ở ngọn rạch, không cho cá xuống khiến người xây rọ chịu thất thâu.

Dân Châu Đốc xuống Rạch Giá dạy nghề xây rọ. Dân Gò Công tới vàm biển sông Cái Lớn phổ biến việc đóng đáy (trước năm 1912).

5. Việc thành lập làng mới

Người nhiều vốn để mộ dân đi khẩn hoang mà dám bảo đảm sẽ đóng đầy đủ thuế thì được nhà nước chấp thuận cho lập làng mới. Đây là nguyên tắc từ thời vua chúa nhà Nguyễn mà thực dân cho áp dụng trở lại để thâu thêm thuế điền và thuế thân. Năm 1894, việc thành lập làng Vĩnh Hưng cho thấy sự xuất hiện của bọn cường hào mới(AG/CD). Vùng đất này ở phía nam tỉnh Rạch Giá, giáp ranh Sóc Trăng. Hai người giành nhau lập làng, cả hai đều là bá hộ nổi danh thời bấy giờ, tuy là người Việt nhưng gốc Huê kiều.

– Phan Hộ Biết (tục danh là bá hộ Bì) ở Bạc Liêu xin lập làng mới. Dân do ông ta quy tụ sẽ lần hồi đóng thuế cho nhà nước. Ông ta đã xuất tiền túi ra xây cất xong một nhà việc (công sở làng) trị giá 200 đồng.

– Bành Trấn thì đưa kế hoạch đào kinh do chính ông xuất vốn, mướn nhân công. Lại cam kết rằng sau khi được chấp thuận lập làng thì sẽ có 150 dân công do ông quy tụ, đóng thuế ngay (thuế này do chính ông xuất ra cho dân mượn trước). Và tuy đất chưa thâu hoạch huê lợi, ông sẵn sàng chịu thuế điền 1.500 mẫu, đóng ngay cho nhà nước. Nếu nhà nước chịu cho đứng tên làm chủ 1.000 mẫu đất thì ông ta hứa bảo đảm đóng thuế cho 300 người trong những năm tới. Theo lời trong đơn, vùng này còn nhiều voi và trộm cướp, lập làng thì đất trở thành tốt, thú rừng và bọn bất lương không còn lai vãng. Kế hoạch của Bành Trấn được Thống đốc Nam kỳ chấp thuận vì Bành Trấn vào đơn trước hơn Phan Hộ Biết. Nhưng lý do vẫn là vì Bành Trấn chịu đóng thuế ngay, làng Vĩnh Hưng trở thành một tiểu quốc của Bành Trấn, ông ta bèn bắt buộc bọn tá điền trả lại tiền thuế thân đã ứng trước, rồi cho vay nặng lời. Rốt cuộc tất cả dân trong làng trở thành tá điền, chẳng ai làm chủ mảnh đất lớn nhỏ nào cả. Đến năm 1911 (E/8), nhà nước mới can thiệp vì lập làng như vậy là thất nhân tâm, có lợi cho cá nhân đứng lập làng nhưng hại cho nhà nước.

Bởi vậy, khi cho lập làng Ninh Quới vào năm 1913, viên phó tham biện đặc trách quận Long Mỹ đã tổng kết kinh nghiệm và nhận định về việc bầu cự các hương chức hội tề:

– Trong ban hội tề, chức vụ xã trưởng là quan trọng hơn hết, viên chức này giữ mộc ký (triện) của làng. Xã trưởng lựa người thân tín, cho làm chức hương cả, rồi đến chức hương thân, hương hào. Những chức vụ còn lại thì do xã trưởng nêu điều kiện, ai muốn làm thì cứ thương thuyết, lo hối lộ cho ông ta. Đây là tình trạng lập làng mà không có bầu cử về hình thức.

– Nếu bày ra hình thức bầu cử, chỉ một thiểu số điền chủ được ứng cử và có quyền bầu mà thôi. Dân làng không được tham khảo ý kiến. Và dân chỉ muốn cuộc bầu cử diễn ra thật nhanh, ai làm cũng được, để họ biết ai là người nhận tiền thuế mà họ phải đóng.

– Khi lập làng mới, công việc đầu tiên của hương chức là bắt buộc dân phải ký giấy nợ, trả lại cho họ những sở phí lập làng (tiền mua bộ sổ, tiền mua tặng phẩm để hối lộ cho quan trên). Dân không dám cãi lịnh vì họ được khai khẩn vài mảnh đất nhỏ.

Bởi vậy, theo ý kiến của Marcel Roché (phó tham biện đặc trách quận Long Mỹ) thì nên lưu ý việc sắp đặt hương chức hội tề ở làng mới lập: nếu xã trưởng và hương cả thuộc một phe với nhau thì nhà nước nên cho người thuộc về phe khác (lẽ dĩ nhiên hai phe này đều tham nhũng) làm những chức vụ còn lại trong ban hội tề, để khi hai phe nói xấu, tố cáo nhau thì nhà nước có lợi là biết được sự thật. Nếu chỉ một phe cường hào nắm trọn một ban hội tề thì dân càng khổ. Cũng theo ý kiến viên phó tham biện này, những người đứng ra sáng lập làng thường đem lá đơn được chấp thuận ấy về địa phương mà dằn mặt dân, rồi bắt đầu lên “ngai vàng mà thống trị như vua chúa”.

Trường hợp một làng khác ở quận Long Mỹ (E/4), có viên chức cho 17 người Miên đến khẩn đất. Họ lo bắt cá, đốn củi, sau bão lụt năm Thìn, cây rừng ngã xuống mới bắt đầu làm ruộng. Khi đất dọn xong thì mới hay rằng viên chức nói trên đã làm đơn xin khẩn chồng lên phần đất ấy từ trước, có biên lai. Cũng may là vụ này được giải quyết êm đẹp, dành ưu tiên cho người Miên vì họ chịu cực khai phá từ trước.

Trường hợp làng quá rộng như làng Đông Thái dài 30 cây số, dân đến cư ngụ lần hồi, khi đủ số thì những ấp ở xa trở thành làng mới, tách ra lập thêm ba làng là Đông Hưng, Đông Hòa và Đông Thạnh từ năm 1914.

Lắm khi vì muốn kiểm soát an ninh ở mấy ấp hẻo lánh, nhà nước chấp thuận cho tạm lập một làng mới. trong giai đoạn sơ khởi, lúc quan kinh lý chưa đến phân ranh thì hương chức không được thâu thuế, chỉ được xử kiện những vụ nhỏ và sắp đặt dân canh phòng mà thôi: làng Thạnh Lợi tách ra khỏi làng Thạnh Hưng tháng 11 năm 1912 (E/8).

Ở những làng quá đông người Miên, hương chức hội tề có thể ký tên bằng chữ Miên và điều kiện để làm hương chức không cần là phải biết chữ quốc ngữ. Quan trọng nhứt là chức xã trưởng, chỉ dành cho người hằng sản để có thể bồi thường cho nhà nước trong trường hợp làm sổ sách sai lạc hoặc gian lận thuế, lấy tiền công nho để cho vay nợ riêng, hoặc cờ bạc thua. Người biện làng (thơ ký, nhơn viên riêng của xã trưởng) lãnh trách nhiệm viết lách, thảo đơn từ, phúc bẩm (báo cáo).

Việc lựa chọn vài người háo danh và khờ khạo để làm hương chức lắm khi là dụng ý của những tay có thế lực để dễ dàng thao túng. Tệ đoan lớn ở mấy làng xa quận lỵ là nạn cờ bạc, chứa chấp bọn trộm cướp do hương chức làng chủ mưu và chia phần. Nhiều ông điền chủ không thèm vào ban hội tề, khi cần thế lực thì dựa vào quan trên hoặc đứng ngoài, sắp xếp tay em của họ vào làm hội tề là đủ rồi.

Trong những làng mà đất đai đều do người Pháp làm chủ, về mặt hình thức thì người Việt Nam vẫn cai trị lẫn nhau nhưng hương chức chỉ là tay sai. Khôi hài nhứt là những báo cáo của làng gởi lên cấp trên: nếu là trên lãnh thổ của điền Tây thì phải có chữ ký của chủ điền hoặc của người quản lý thì mới có giá trị. Người “chủ điền Tây” có quyền thị thực chữ ký hoặc xác nhận sự kiện trong công văn của làng. Trong điền của Pháp, việc cử hương chức hội tề (chỉ định thì đúng hơn) không theo tiêu chuẩn là có hằng sản vì tìm đâu ra một người có hằng sản! Năm 1911, vào tháng 9, hương chức làng báo cáo khi chủ quận ra lịnh cử một người thay thế cho vị hương chủ vừa chết (E/7): “Ông A. Isidore mới lập làng, dân làng là người nghèo nàn và các nơi tới mướn đất làm ruộng cấy, lúa tốt thì nó ở, lúa xấu thì nó trốn đi, dân không có vườn đất tại làng. Xin đình lại tháng Décembre nhằm mùa lúa trổ, làng xét lại lúa ai tốt là người khá trong làng và lựa người xứng đáng làng mới dám cử”.