Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần II - Chương 3 - Phần 3

6. Vài nét lớn về điền của Pháp

Cần nhớ là bấy giờ ở Nam kỳ, danh từ đồn điền không được xài tới vì gợi ý nghĩ không tốt, trùng hợp với những đồn điền thời đàng cựu mà Pháp chánh thức giải tán (dân đồn điền thường là dân “làm loạn” khi người Pháp mới đến). Gọi là điền, kèm theo tên của người chủ, thí dụ như điền ông La-bách (Labaste) hoặc tên tục như điền ông Kho (Gressier), hoặc khôi hài hơn: điền Tây Mập, điền Tây Tàu (tên này có tàu riêng để chở lúa) hoặc điền Tây Đầu Đỏ (tóc đỏ). Nếu là của công ty thì gọi là điền hãng. Người làm chủ đất thì gọi là điền chủ (gọi “địa chủ” nghe không thanh tao, theo lối nói lái của người miền Nam). Chủ ruộng là người canh tác trên đất mướn của người khác. Tá điền là người mướn đất làm ruộng (không gọi là dân cày, vì dân chúng bấy giờ cho là trâu mới cày, người đâu phải trâu mà cày).

Thoạt tiên, nhà nước định hễ người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp khai thác trên mười mẫu thì được hoàn toàn miễn thuế trong 5 năm liền; đến năm thứ 6 là bắt đầu đóng 1/5 số thuế, cứ như vậy đến năm thứ 10 là đóng trọn. Nghị định ngày 4-1-1894 sửa đổi lại không miễn thuế 5 năm đầu, ngay trong năm đầu đóng số 1/5 thuế, đến năm thứ 5 là đóng trọn. Nghị định 13-4-1909 cho phép những người Pháp có trên 80 tá điền và khai thác một diện tích ít nhứt là 400 mẫu được quyền lập riêng một làng mới, nếu chủ điền yêu cầu, dân trong điền được hưởng quy chế “dân điền Tây” (engagé).

Với nhiều ưu đãi vừa kể, thực dân Pháp tha hồ làm mưa làm gió. Trước khi có nghị định trên, từ năm 1906 ở Rạch Giá đã xảy ra một vụ lập làng mới lấy tên là Vĩnh Báu, trên địa phận của làng Vĩnh Viễn. Chủ điền là trạng sư Doutre (AG/CD) cho người quản lý (gọi nôm na là cặp-rằn) đem 70 dân đến lãnh thổ vừa được phép trưng khẩn để lập làng mới. Hương chức hội tề địa phương can thiệp vì chưa có lịnh chánh thức của quan trên. Người quản lý này (người Việt) cứ ra lịnh tiếp tục cất công sở mới và xúi dục tá điền cầm dao rượt chém hương chức làng sở tại!

Thực dân khuyến khích cho người ở xa cũng khẩn đất, trường hợp Nam tước Rothiacob (Baron de Rothiacob) cư ngụ ở Ba Lê làm đơn xin khẩn ở Vị Thủy (Rạch Giá) phần đất 1.357 mẫu, vào năm 1911 (E/4) vì nghe tin sắp đào kinh ở vùng này, nhưng chỉ được cấp 642 mẫu để rồi không nhận lãnh. Phần đất tốt này lại được dân địa phương canh tác mà không làm đơn trước vì họ tưởng là vô chủ. Hai người Pháp là Duval và Guéry (đã có đất ở Cần Thơ) lấn qua đó 80 mẫu, đến năm 1911, tên Labaste xin trưng khẩn (Labaste nổi tiếng là lãnh chúa với những phần đất ở Sóc Trăng).

Vài người Pháp lanh lợi và thực tế đã khéo lợi dụng sự ưu đãi để giựt đất của dân hoặc giựt tiền trợ cấp của chánh phủ thuộc địa, điển hình là L. Bélugeaud, kinh lý hữu thệ (géomètre civil assermenté). Năm 1911, ông ta trưng khẩn 500 mẫu đất ở làng Hưng Điền (Mộc Hòa), xin trợ cấp cho 500 đồng để thí nghiệm cơ giới hóa nông nghiệp theo một kiểu máy do chính ông ta sáng chế và ráp tại chỗ. Đến nông trại, ông ta nhờ tham biện, nhờ hương chức làng giúp mướn cu-li, mướn trâu và cất chòi. Khi lãnh tiền, ông ta cho bọn cu-li cày bừa lại báo cáo láo từng đợt để hưởng thêm trợ cấp, sau rốt, ông ta bỏ căn chòi xơ xác nọ, bỏ mấy bộ phận sắt vụn đầy sét, giựt luôn tiền mướn trâu và mướn cu-li. Đến mùa, ông ta hưởng phần hoa lợi do bọn cu-li canh tác theo lối cổ truyền chừng 30 mẫu (1). Năm 1913, Bélugeaud đến Rạch Giá mở văn phòng lãnh đo đạc ruộng đất, bấy giờ muốn có bằng khoán thì phải có bản đồ do chuyên viên được chánh phủ thừa nhận lập ra. Dịp tốt để Bélugeaud đòi tiền thêm, cao hơn giá mà nhà nước quy định. Và sau khi đo xong, chủ đất phải lo hối lộ thêm 500 đồng thì mới có bản sao của bản đồ (E/4). Trước đó, năm 1909, ông ta tìm cách giao thiệp với các người giàu có ở Rạch Giá, nhận tiền rồi bảo là để vận động giùm với quan trên, ai muốn khẩn đất to thì cứ đưa nhiều tiền. Dân địa phương tin lời, vì ông ta là người Pháp. Năm 1913, thấy phần đất giữa làng Lộc Ninh và làng Vĩnh Bình đã có dân khai thác từ lâu nhưng chưa được cấp phát chính thức, ông ta làm đơn xin khẩn 1.000 mẫu, với dụng ý bắt buộc dân đang canh tác phải nạp địa tô cho ông ta (E/4).

(1) Xem Bulletin de la Chambre d’ Agriculture, số 138, năm 1912.

Một tay khác là Beauville-Eynaud, làm chức còm-mi (Commis des Services Civils) ở Rạch Giá đã quá chú trọng vào việc khẩn đất. Khi thấy nhà nước soạn kế hoạch đào kinh xáng giữa Rạch Ngan Dừa và Cạnh Đền, ông ta xin trưng khẩn 1.300 mẫu, khẩn xong, lại khai là mất mùa và không thèm đóng thuế!

Nhiều người Pháp nhờ bạn bè đứng tên giùm để khẩn thêm đất, hoặc có những viên chức Pháp không thích canh tác nhưng cứ khẩn để bán lại cho người Việt. Lại còn trường hợp tên Ernest Outrey (sau này là Thống đốc Nam kỳ) lợi dụng danh nghĩa là nghị viên (député) của Nam kỳ can thiệp với chủ tỉnh để cho bạn bè ông ta được khẩn đất, nói đúng hơn là chiếm phần đất mà dân quê đã khai phá từ buổi đầu.

7. Đời sống trong điền Tây

Điền của người Pháp là một tiểu quốc, người tá điền của điền Tây hưởng quy chế đặc biệt về thuế thân. Họ được chủ đất bảo lãnh, dùng “giấy đỏ” “(carte d’engagé, in trên giấy cứng màu đỏ), thuế thân đóng một đồng bạc thôi, trong khi dân ở thôn xóm làm lụng cho chủ điền Việt Nam phải đóng cỡ 5 đồng. Họ chỉ đóng thuế chánh, khỏi những thuế phụ trội, khỏi làm xâu, khỏi đóng tiền canh gác. Để đề phòng trường hợp họ trốn, loại giấy đỏ này phải được chủ đất hoặc người thay mặt ký tên xác nhận, cứ 3 tháng gia hạn một lần, ai ra khỏi điền mà không có giấy phép đặc biệt của chủ thì bị bắt, xem như chưa đóng giấy thuế thân.

Kẻ ở điền Tây phải làm giấy giao kèo “ở mướn cố công với chủ”, tùy theo điền mà giá cả khác nhau; mượn tiền, mượn lúa với số lời khá cao nhưng trong giao kèo thì ghi thấp. Người làm ruộng nhiều thì được vay nhiều, tùy theo sự tiến triển của mùa màng mà chủ đất lần hồi cho họ vay thêm.

Điền tây là nơi chứa chấp đủ thứ tội ác: cờ bạc, hút á phiện lậu, đặt rượu lậu thuế. Hương chức làng, lính mã tà, nhơn viên thương chánh khó bề đột nhập để tra xét nếu không được phép của người chủ điền Tây. Trong những điền lớn, chủ đất thường vắng mặt quanh năm, việc quản lý giao cho hai ba người Pháp gọi là “surveillant agricole” được phép mang súng, lắm khi họ là người Pháp dốt nát (lính sơn-đá nghỉ dài hạn hoặc đã giải ngũ). Lại còn những cặp-rằn bổn xứ chuyên nghề tuần tra với cây cù ngoéo, có thể đánh đập dân chẳng khác nào mấy ông hương quản, cai tổng. Điền Tây còn là nơi chứa chấp trộm cướp; bọn này hành nghề ở địa phương khác rồi trở về ẩn náu, làm ruộng cho có hình thức. Đôi khi, điền Tây lại vô tình thâu nhận những chánh trị phạm, những tay “phiến loạn” bị tập nã từ các tỉnh miền Tiền Giang.

Mùa lúa chín thì chung quanh điền Tây việc canh phòng bố trí nghiêm nhặt như một cơ sở quân sự. Bọn cặp-rằn đánh mỏ canh tuần, ghe xuồng di chuyển gần điền phải bị tra xét phiền phức. Mục đích là đề phòng bọn tá điền “lưu” lúa ra ngoài bán trước lấy tiền xài riêng, rồi khi chủ điền tới đong, tá điền nói gạt rằng ruộng thất mùa. Người trong điền muốn chở lúa đem bán nơi khác hoặc cho bà con thì phải xin giấy chứng nhận là đã đóng đủ địa tô rồi.

Nơi trạm kiểm soát, bọn cặp-rằn treo lá cờ to làm hiệu, tùy sở thích của chủ điền mà cờ này màu đỏ hay màu trắng (bởi vậy dân địa phương căn cứ vào màu cờ mà gọi là điền Tây Cờ đỏ, điền Tây Cờ trắng...).

Về mặt trị dân, vài tên chủ điền Tây hoặc cặp-rằn tỏ ra đầy đủ bản lĩnh, thí dụ như họ dám hòa mình với dân Việt: ăn mắm, uống rượu đế, ăn thịt chó, cỡi trâu kình (trâu đua). Có tay còn gian hùng hơn, rước thày về để làm lễ tống ôn, tống gió, ăn lễ hạ điền, tụng kinh cầu cho quốc thái dân an với dụng ý cầm giữ dân và phát triển mê tín, óc xôi thịt. Hoặc là ông Tây chủ điền già nua lại mặc áo dài xanh, đội khăn đóng “cúc cung bái” khi cúng đình thần, với chức vụ là đại hương cả.

Bọn chủ điền Pháp là thế lực khá mạnh, thường đưa ra nhiều yêu sách với chánh phủ thuộc địa như đòi tham gia Hội đồng địa hạt để bàn bạc hằng năm về giá biểu thuế khóa trong tỉnh. Trong một bài báo (1), J. Delpit đòi được miễn thuế “bách thân phụ trội” đánh vào thuế điền vì thuế này do chủ tỉnh đặt ra, tham khảo với Hội đồng địa hạt An Nam chớ chủ điền Pháp không được hỏi ý kiến. J. Delpit bảo rằng thuế ấy chỉ dành cho người Việt đóng mà thôi. Nhà nước thực dân nhận định rằng nếu đưa người Pháp vào Hội đồng địa hạt thì quá đáng: đa số điền chủ Pháp không cư ngụ tại địa phương thì làm sao họ đại diện cho dân trong hạt được? Vả lại, đa số điền chủ Pháp đều là công chức hoặc chức sắc của công giáo.

(1) Bulletin de la Chambre d’ Agriculture, số 138, năm 1912.

Delphit khoe khoang rằng chủ điền Pháp đã góp công lớn vào việc xây dựng thuộc địa Nam kỳ: Trong vòng 40 năm, họ đã khai khẩn đến 247.417 mẫu (do 300 người chủ đất), cao hơn diện tích mà suốt 15 thế kỷ qua người Miên và người Việt đã khai khẩn (215.578 mẫu, năm 1868), chưa kể đến 85.000 mẫu đất trồng cao su. Bên cạnh người Pháp, dân Việt đã khai khẩn từ 215.578 mẫu năm 1868 đến mức 1.291.358 mẫu vào khoảng năm 1912.

Vào năm 1912, cũng theo con số mà J. Delpit trưng dẫn, Rạch Giá là tỉnh mà người Pháp có nhiều ruộng đất nhứt: 12.304 mẫu đã canh tác cộng với 26.121 mẫu đang trên đà khai phá, sắp có huê lợi.

Đứng nhì là Sóc Trăng với 11.246 mẫu đã canh tác của người Pháp và 4.308 mẫu khác đang trên đà khai khẩn thêm. Hạng ba là Cần Thơ với 8.127 mẫu đã khai thác cộng thêm với 21.931 mẫu đang trên đà khai thác của người Pháp. Tỉnh Rạch Giá cũng đứng đầu về số người Pháp làm điền chủ: 23 người, (trong số này có 11 vị chức sắc công giáo).

Sống trong điền của Tây hay điền của người Việt sướng hơn? Câu hỏi này là cái vòng lẩn quẩn: nếu gặp năm thất mùa thì đâu cũng là cực khổ. Chủ đất nào cũng đưa giá biểu địa tô tùy hứng, gom góp ít nhứt là 80 phần trăm tổng số lúa thâu hoạch vì ở đâu cũng cho vay nặng lời, công khai hoặc trá hình.

8. Cuộc tranh đấu của giới đại điền chủ

Từng lớp đại điền chủ bổn xứ thành hình nhờ khẩn đất nhiều và đất tốt, nhứt là phần đất có nước ngọt từ Hậu Giang dẫn qua nhờ kinh đào. Đặc biệt ở phía sông Cái Bé, một mẫu đất trị giá bằng năm, bảy hoặc mười mẫu ở phía Cái Lớn, nơi nước mặn. Kinh đào biến nhiều vùng thành ra phì nhiêu, dễ sinh sống, nước ngọt mãn năm. Điền chủ vay nợ để khẩn đất. Trong vài năm đầu, nếu gặp gió thuận mưa hòa thì lấy vốn được. Hễ thấy đất tốt, tá điền ít chịu dời chỗ. Đất tốt dầu thất mùa vẫn thu hoạch tương đương hoặc cao hơn nơi đất xấu vào những năm trung bình.

Trận bão lụt năm Thìn (1904) gây thiệt hại nặng nề cho mùa màng ở Rạch Giá (bấy lâu, ta chỉ biết rằng thiệt hại to lớn là ở Mỹ Tho, Gò Công mà thôi). Chủ điền lo ngại vì không kiếm ra tiền để đóng thuế điền. Mặt khác, số vốn khá to mà họ đưa cho tá điền vay lại bị mất luôn. Một số tá điền ngang nhiên bỏ đất, dời qua vùng khác, trong trường hợp chánh đáng mà điền chủ không có lý lẽ để truy tố được.

Tại Rạch Giá, năm Thìn (1904) xảy ra hai trận bão lớn: 1-5 và 3-11. Năm sau (1905) lại thêm lụt rồi nắng hạn bất ngờ (1).

(1) Về mục này, chúng tôi tham khảo hộp tài liệu Rạch Giá E/3.

Trong điền của Gilbert Trần Chánh Chiếu, mức tổn thất được kê khai như sau với nhà nước:

– Đất ruộng ở làng Thạnh Hòa (Tràm Chẹt nhỏ) 1.000 mẫu bị ngập suốt hai tháng liên tiếp, rồi trận giông ngày 2-11-1904 làm sập nhà cất cho tá điền ở, lẫm lúa bị tốc nóc. Đất khẩn ở phía Hòa Hưng gồm 200 mẫu, hư trọn. Trong hiện tại, cần cấp dưỡng cho 200 tá điền sống lây lất.

– Từ bốn năm trước, lúa trong lẫm gom từ 20 tới 25.000 giạ lúa, năm 1904 chỉ còn thâu được từ 1.000 đến 1.500 giạ. Sự lỗ lã ước lượng là 15.000 đồng. Xin nhà nước cho vay trợ cấp, để tiếp tục khai thác.

Đơn kêu nài gởi lên. Chủ tỉnh cho cai tổng tới điều tra, thấy phần đất ở Thạnh Hòa của Trần Chánh Chiếu trước kia có 125 gia đình tá điền thì nay 42 gia đình đã đào tẩu, còn lại 83 gia đình. Nhà cất cho tá điền ở gồm 93 cái, cộng là 232 căn đã bị sập hết 72 cái, tức là 177 căn. Năm 1904, đất này canh tác 645 mẫu.

Riêng về phần đất ở Hòa Hưng gồm 14 người tá điền, còn lại 3, trốn hết 11. Nên nhớ là ở Rạch Giá chỉ làm ruộng mỗi năm một mùa, người cai quản ruộng đất của ông Chiếu trình bày trong đơn: “Thiệt tội nghiệp, trong dân tá điền ai ai cũng đều nghèo khổ, đói khát, rách rưới, ở ruộng thì nhờ ruộng, một năm làm ruộng có một lần, trông đợi có bấy nhiêu song chẳng đặng, bây giờ phải đợi qua năm khác, lâu không biết bao xa mà nói cho cùng”. Và hiện tại, dân chỉ biết hy vọng cấy lúa ván ăn đỡ, kiếm chút ít mạ hồi mùa rồi còn sót lại, chặt bớt rễ mạ mà cấy tạm khi nước giựt xuống.

Một linh mục ở họ đạo Trà Lồng gởi thơ lên chủ tỉnh xin miễn thuế, cho biết: vì đường giao thông khó khăn nên trong điền lúa hạ giá quá thấp dân không bán được, trong khi những sản phẩm cần thiết thì mua với giá gần gấp đôi ngày thường.