Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần II - Chương 4 - Phần 2

3. Vài nét về tình hình năm 1902 trở về sau

Thiên Địa Hội được tổ chức lan tràn khắp Bạc Liêu khiến người Pháp báo động. Một số đông người Việt và Huê kiều gia nhập, ăn thề với nhau nhưng rốt cuộc dường như Hội chỉ còn hoạt động trong phạm vi cứu tế, vài người lại lợi dụng hệ thống bí mật của Hội để buôn bán á phiện lậu thuế.

Tuy nhiên, còn nhiều cán bộ trung kiên của Thiên Địa Hội biết kiên nhẫn chờ thời để phối hợp hành động với toàn Nam kỳ vào năm 1913. ở Cà Mau vào khoảng năm 1910, ông hội đồng Trần Đắc Danh và ông Lâm Mẫn Huệ hoạt động mạnh, bị tù. Thực dân cứ xét bắt, phạt tiền kẻ vô tội mặc dầu chẳng tìm được bằng cớ nào chứng tỏ người Huê kiều ở Bạc Liêu theo đuổi mục đích chính trị chống Pháp. Thực dân cũng cố gắng kiểm soát hàng ngũ lính mã tà và hương chức làng. Những người Việt quá hăng hái thì lén trốn lên vùng Thất Sơn, gia nhập những nhóm Thiên Địa Hội mang tánh chất Việt Nam hơn, nhằm mục đích đánh đổ thực dân.

Phong trào tranh đấu đáng kể của đồng bào Bạc Liêu – Cà Mau là việc chống làm xâu. Con đường từ chợ Bạc Liêu nối xuống Cà Mau đã thành hình nhưng nhiều nơi cần phải đắp cao lên, khó khăn nhứt là trải đá. Nhà nước không giao cho nhà thầu vì quá tốn kém. Thay vào đó, bắt dân đốt đất ruộng cho chín rồi đập nát đem trải mặt đường, xài tạm thay cho đá.

Thực dân bấy lâu chỉ chú ý tu bổ con lộ ăn từ Bạc Liêu qua phía Sóc Trăng; theo hệ thống giao thông thời ấy thì công văn, thư từ đưa từ Bạc Liêu đến Sóc Trăng, để rồi từ Sóc Trăng ra Đại Ngãi (Vàm Tấn, bờ Hậu Giang) đến đây mới dùng tàu thủy đưa về Sài Gòn.

Làm xong con lộ Bạc Liêu – Cà Mau là kiểm soát thêm dân, thâu thêm thuế, lúa gạo đưa về tỉnh lỵ nhanh hơn. Và ở hai bên bờ lộ, đất hoang sẽ có người tới khẩn, nhà nước tha hồ bán đấu giá.

Lộ xe làm từng khúc, ngang tổng nào thì dân tổng ấy làm xâu, kinh đào cũng vậy. Thoạt tiên khi có lịnh thì một số đông người đi làm lấy lệ để rồi phản đối ra mặt.

Nhà nước bắt buộc mỗi người đắp lộ 14 mét bề dài, bề cao 5 tấc và mỗi người đốt đất 7 thước khối, hầm chín.

Ở làng Vĩnh Mỹ, hương chức làng bắt mỗi người dân xâu đắp đến 28 thước lộ và cung cấp 7 thước khối đất.

Làng Hòa Bình và làng Vĩnh Mỹ trở thành trung tâm tranh đấu.

Ngày 15-4-1902, dân làng Vĩnh Mỹ làm đơn trình bày là họ chỉ đồng ý làm trọn 2 ngày công sưu theo luật định mà thôi. Còn việc đốt hầm để trải đường thì “chúng tôi không biết làm chi mà đốt đủ đặng trả cho nhà nước, nay chúng tôi đành ở tù” (E12/1); 58 người ký tên dưới lá đơn.

Hương chức làng đánh trống ở công sở gọi dân tập họp đi làm xâu, 32 người đến và ra mặt chống đối. Hương chức làng hăm he. Họ đưa yêu sách: sẵn sàng làm xâu cho nhà nước 5 ngày, nhưng việc đốt đất thì không.

Ngày 15, tại làng Hòa Bình thì không ai chịu đi cả. Viên phó tổng đánh trống thì 39 người tới công sở bảo rằng họ cương quyết không chịu làm xâu. Một số khác không thèm tựu lại công sở, hỏi thì họ trả lời rằng sợ bị trả thù, vì bọn chống đối hăm he đốt nhà rồi giết những ai đi làm. Viên phó tổng yêu cầu chủ tỉnh phạt bọn chống đối mỗi đứa 8 ngày tù và 10 đồng tiền vạ.

Ông Hội đồng quản hạt (thuộc đơn vị Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu) là Hồ Bảo Toàn trình bày với Thống đốc Nam kỳ:

– Theo luật định, mỗi người dân chỉ phải làm 2 ngày công sưu nhỏ (phần địa hạt) mà thôi. Nhiều người đã chuộc công sưu, chịu đóng 2 ngày là 5 cắc cọng vào tiền thuế thân rồi. Nay bắt họ đi làm xâu thì nhà nước phải trả lại 5 cắc ấy cho họ.

– Việc đắp lộ và hầm đất vượt quá khả năng của người dân vì tốn nhiều công để đào đất, đốt đất, đập đất cho nhỏ, chở đến lộ rồi trải ra với mớ tro đã hầm (tro than củi). Tóm lại, chủ tỉnh Bạc Liêu đã “quá sốt sắng”.

Hội đồng quản hạt can thiệp chỉ vì dân 2 làng nói trên gồm 150 người đứng đơn kêu nài gởi thẳng đến Thống đốc Nam kỳ, một việc làm táo bạo lúc bấy giờ vì họ dám trực tiếp chống viên chủ tỉnh Pháp là Chabrier. Dân đưa ra lý lẽ:

– Làm xâu chỉ có 2 ngày theo luật mà nay nhà nước lại bắt hầm đất đắp lộ, làm 2 tháng chưa chắc rồi. Hơn nữa, muốn đốt cho xong 7 thước khối đất, dân phải xuất tiền túi ra mà mua củi.

– Năm ngoái (1901), nhà nước đã bắt làm xâu mỗi người 2 tháng (mà theo luật định thì chỉ có 2 ngày) để đào kinh Bạc Liêu – Cà Mau mà chẳng thấy nhà nước trả thêm đồng bạc nào.

– Làng Hòa Bình là nơi thiếu củi để hầm đất, hầm xong phải chở 10 cây số ngàn mới tới lộ xe.

– Cai tổng và hương chức làng đòi hối lộ, ai lo lót 15 đồng thì khỏi làm xâu, người nghèo phải đi làm vì không tiền lo.

Ngày 18-4-1902, dân trong 3 làng kéo nhau đến trước cửa tòa Bố. Họ bị viên phó tổng và bọn lính mã tà đàn áp, đánh đuổi.

Dân làng gởi liên tiếp 3 lá đơn đến Thống đốc Nam kỳ để tố cáo: “Vả chăng quan Chánh bố là quan trong địa hạt mà hiệp với tổng mà khắc khổ dân tình lắm” (E/12/1), dưới đơn có 83 người ký. Rốt cuộc, chủ tỉnh là Chabrier bị Thống đốc rầy rà vì việc làm xâu đã vượt mức luật định và xa thực tế, từ rày về sau “phải tránh những việc tương tự”.

Việc đắp đường cứ tiếp tục. Chủ tỉnh nhượng bộ, hạ mức 7 thước khối đất hầm còn 2 thước khối và khoe khoang rằng mỗi ngày đã huy động từ 10.000 đến 12.000 dân xâu đắp lộ; theo ông ta thì việc làm xâu quá luật định cũng đã từng xảy ra ở tỉnh Sóc Trăng. Và ở Bạc Liêu chỉ có hai làng là phàn nàn mà thôi.

Chưa xong việc đắp lộ, nhà nước lại thúc đẩy việc đào kinh Bạc Liêu – Cà Mau: dân làm xâu được nhà nước phát cho rượu đế, vì là “thức uống hợp vệ sinh”.

Việc làm xâu đã từng là tai nạn lớn cho dân ở Cà Mau từ khi người Pháp mới đến: năm 1877, phủ Hòa bắt dân 3 tổng ở Cà Mau (Long Thủy, Quảng Long, Quảng Xuyên) đào kinh Bạch Ngưu nối qua phía nam Rạch Giá, đánh đập dân; năm 1881, tự ý cho dân mướn thủy lợi trong kinh này nhân dịp bắt dân xâu lần thứ nhì (1).

(1) Rạch Giá, AG/AD,1881, 1882).

Năm 1895, mùa màng thất bát quá mức tưởng tượng: Bạc Liêu và Sóc Trăng chỉ còn 1/10 hoa màu, mưa quá nhiều rồi gặp đại hạn. Vì mức thâu hoạch chỉ còn 1/10 nên Hội đồng quản hạt đề nghị với Thống đốc Nam kỳ miễn thuế điền ở Bạc Liêu năm 1896 cho 46.000 mẫu ruộng, huê lợi sút kém chỉ còn đủ nuôi sống dân trong tỉnh là 46.498 người. Trong số này, có 11.484 dân bộ được bớt thuế thân để tiếp tục làm xâu đào kinh Bạc Liêu – Cà Mau. Năm ấy đào được 46 cây số (con kinh dự định đào dài 72 cây số). Cuối năm 1895, cai tổng Thạnh Hưng báo động, làm đơn xin miễn thuế với Thống đốc Nam kỳ: “Bây giờ dân không biết đi đâu hết vì nội tổng tôi không có lúa, nó đi kiếm ăn đỡ đói” (E/12/4).

Đất ruộng nói chung thì tập trung về phía Đông giáp qua Sóc Trăng, nơi đã có người làm chủ từ lâu. Dân mới đến lập nghiệp chỉ còn vùng đất gần biển hoặc đất quá thấp phía mũi Cà Mau. Năm 1902, vài người khẩn đất lại phá sản, trả lại cho nhà nước vì đất không huê lợi, không sao đóng thuế được. Người nọ khẩn 160 mẫu ở Tân Hưng, thiếu thuế rồi bị bỏ tù, hương chức làng dán yết thị, rao bán đất ấy để bù tiền thuế nhưng chẳng ai thèm mua.

Làng Tân Thuận phía Cà Mau khai với quan trên (E/5): “Đất đồng không có, làm đất ráng (tức là sình lầy có ráng mọc) theo mé sông, nước mặn tràn vô làm hư lúa, nước không tràn khi nào mưa muộn”. ở Tân Duyệt, trừ số đất cao ráo có người khẩn từ xưa thì “dân nó làm ruộng đất rẫy là đất dừa nước, chà là và ráng ở gần biển”, đa số đất ở gần biển vùng mũi Cà Mau đều là “nê địa ủng tắt”. Theo giá trị thường, một mẫu đất tốt ở Mỹ Tho, Gò Công trị giá từ 200 đồng đến 300 đồng trong khi đất gọi là tốt ở vùng Cà Mau trị giá không hơn 100 đồng.

Nhờ quy chế mỗi người được khẩn 10 mẫu (gọi là đất công nghiệp) nên dân tứ xứ luôn cả những người đã thất bại ở Rạch Giá trong đợt khai thác đầu tiên đều rủ nhau đến Cà Mau. Nói chung thì đất hoang ở tỉnh Bạc Liêu quá thấp, có chân nước mặn, ba bốn năm đầu khó thâu huê lợi.

Mức trưởng thành của Bạc Liêu – Cà Mau khi chuyển mình góp phần lớn vào vựa lúa miền Nam, có thể đánh dấu vào khoảng 1914, khi nhà nước cho nghiên cứu đào kinh Quan Lộ, nối liền Phụng Hiệp xuống Cà Mau (gọi Quan Lộ vì kinh này khởi đầu từ rạch Quan Lộ). Nhờ đó mà trong tương lai gần, lúa gạo vùng Bạc Liêu, Cà Mau được chở về Sài Gòn theo đường thủy, ngang qua Rạch Giá, Cần Thơ rồi Trà Ôn, Vĩnh Long (Mân Thít)...

Năm 1927, người Pháp chỉ làm chủ ở Bạc Liêu chừng 30.000 mẫu. Bạc Liêu tiến sau các tỉnh khác, nhưng theo tốc độ nhanh.

Năm 1893, bán ra 316.000 tạ gạo.

Năm 1921, bán ra 2.733.330 tạ. (2)

(2) Catalogue officiel des produits de la Cochinchine présentés à la Foire de Hanoi, 1922.

Năm 1927, diện tích canh tác lúa gạo của Bạc Liêu đứng hạng nhì ở Nam kỳ, chỉ sau Rạch Giá. Nhưng Bạc Liêu còn thêm nguồn lợi than đước, ruộng muối, nhứt là rừng tràm và hải sản. Đến năm 1927, đất ruộng đã chiếm 34 phần trăm diện tích của toàn tỉnh Bạc Liêu và chiếm 49 phần trăm diện tích của toàn tỉnh Rạch Giá.

Trong thực tế, với trình độ kỹ thuật và cơ cấu xã hội kinh tế thời ấy, khó mà khai thác nhiều hơn.

Ở Bạc Liêu vào năm 1927, nhiều làng rộng 20.000 mẫu tây, to hơn một tỉnh bực trung ở Nam kỳ. Đứng đầu là làng Khánh An rộng đến 140.000 mẫu tây. Tuy nhiên, ta không nên có ảo tưởng là dễ tạo nên ruộng lúa phì nhiêu: đây là rừng tràm nê địa, dân khẩn hoang đến ở tuy gan lì nhưng rốt cuộc phải ra đi vì chỉ thâu được huê lợi duy nhất là đốn củi lậu thuế, bán từng xuồng nhỏ mà đổi gạo ăn ngày qua ngày. Một vài giồng đất cao thì đã có chủ từ thời Gia Long tẩu quốc rồi.