Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam - Phần I - Chương 4 - Phần 2

3. Việc khẩn đất

Lần hồi, khi Gia Long bắt đầu cai trị thì việc khẩn hoang không còn quá dễ dãi như lúc mới bắt đầu Nam tiến. Nhà nước kiểm soát kỹ lưỡng việc khẩn đất, nhằm mục đích thâu thuế. Đời Tự Đức, trên nguyên tắc thì đất hoang (hoang nhàn) ai làm đơn xin khẩn trước là người đó được.

Hễ đất bỏ hoang, không đóng thuế là đem cho người khác trưng khẩn để nhà nước khỏi bị mất thuế.

Đất tạm bỏ hoang, trong trường hợp chủ đất chết, không con, thân nhân chưa hay biết thì giao tạm cho người khác, chờ có người đến nhìn nhận.

Không đóng thuế, đất có thể bị mất.

Muốn đóng thuế, phải đăng vào địa bộ.

Muốn đăng vào địa bộ thì phải làm đơn theo thủ tục.

Nhà nước luôn luôn thúc giục dân khẩn đất, ghi vào địa bộ và đóng thuế để khỏi bị tranh cản về sau, nhứt là trường hợp đất tốt ở nơi đông dân cư, gần đường giao thông tiện lợi.

Nhiều sự trừng phạt đích đáng dành cho kẻ ẩn giấu diện tích, canh tác lậu.

Năm Gia Long thứ 9, theo lệ thì khi gặp đất canh tác lậu thuế (đất không xin ghi vào bộ), kể tố giác được hưởng phần đất ấy, xin ghi vào bộ để làm chủ, tức là hưởng công lao khẩn hoang của kẻ đi trước. Nếu người tố giác không muốn khẩn thì đất vẫn còn là của chủ cũ, chủ cũ phải lập tức hợp thức hóa.

Nếu là vùng đất tốt, tên Giáp khai 5 mẫu nhưng trong thực tế cày cấy đến 8 mẫu, người tố giác có thể xin trưng khẩn 3 mẫu thặng dư.

Lệ năm Minh Mạng thứ 15, sửa đổi chút ít: kẻ nào canh tác trên phần đất ruộng hơn diện tích đã khai trong bộ thì bị phạt, tiền phạt đem thưởng cho kẻ tố giác (đất lậu ấy không bị tịch thâu).

Nếu khẩn một khoảnh đất riêng rẽ, hoàn toàn trốn thuế từ lâu thì đất bị tịch thu, giao cho kẻ nào chịu đến canh tác và chịu đóng thuế.

Lệ năm Tự Đức nguyên niên đặt ra: hễ đất mới khẩn mà chưa làm ruộng, chủ hoàn toàn trốn thuế thì giao cho người tố giác làm chủ, ghi vào bộ. Nếu đất trước đó có canh tác, có đóng thuế nhưng trải qua một thời kỳ bỏ hoang lâu hay mau, chủ trở lại canh tác mà không chịu đóng thuế thì chủ đất bị phạt 3 quan mỗi mẫu, đất không bị tịch thâu. Tóm lại, đời Tự Đức đất chỉ bị tịch thâu giao cho người khác khi là đất hoang, mới khai khẩn. Kẻ bị tố giác phải chịu đóng thuế năm trước và những hình phạt bằng roi cho kẻ khai gian diện tích.

Luật lệ khẩn đất ngày xưa định như sau:

– Đất đã ghi vào bộ, biết rõ ranh giới và diện tích mà bỏ hoang vô thừa nhận thì dân làng cứ làm đơn xin phục khẩn, quan Bố chánh có trọn quyền định đoạt. Đất mới bỏ hoang dưới 5 năm, được miễn một năm thuế điền, đất bỏ hoang quá lâu (cửu kinh hoang phế), miễn 3 năm.

– Chủ đất chết, không con thừa tự thì làng cho người khác tới lãnh, ghi tên vào bộ (diện tích đã biết rõ rồi).

– Nếu muốn khẩn nới rộng thêm một sở đất đã vô bộ từ trước, chủ đất cứ làm đơn, quan trên sẽ chấp nhận sau khi khám xét (trường hợp tăng trưng).

– Nếu là sở đất to, ở vùng hoang nhàn chưa ai khai khẩn thì theo thủ tục khá phức tạp, giống như thủ tục xin lập một làng mới:

a) Làm đơn dâng lên quan Bố chánh để xin khẩn, kèm theo bản đồ sơ sài, ghi tứ cận ranh giới. Quan Bố chánh sẽ phú hồi cho quan huyện sở tại khám xét.

b) Quan huyện gọi hương chức làng và những người chủ đất giáp ranh đến, khám xét lại, mục đích chánh là đề phòng trường hợp lấn vào phần đất mà người khác đang khai khẩn nhưng chưa xin vô bộ kịp, rồi lập tờ phúc bẩm, chờ quan Bố chánh duyệt xem.

c) Quan huyện cho viên chức tới lập tờ án khám, xác nhận cấp đất.

Trên thực tế, thủ tục khẩn đất quá khó khăn. Ngày xưa đường giao thông bất lợi, dân ở vùng Sóc Trăng phải vượt đường xa, đến tận chợ Châu Đốc để dâng đơn lên quan Bố chánh, hơn trăm cây số. Lại còn bao nhiêu sở phí linh tinh: lo lót cho lính lệ, cho các viên chức và quan huyện đi làm phúc bẩm và án khám, lo lót cho hương chức làng. Người dân nghèo thiếu vốn liếng để giao thiệp và lo hối lộ thì chẳng bao giờ làm chủ đất được. Lương bổng của các quan rất ít oi; đứng về pháp lý và luân lý Khổng Mạnh, các quan lớn nhỏ được phép tha hồ nhận tiền hối lộ (gọi là lộc). Làm chuyện ích lợi cho dân, dân đền ơn thì cứ hưởng một cách thoải mái, lương tâm chẳng ray rứt!

4. Chủ điền, chủ nợ và tá điền

Dân trong làng phải ghi vào bộ để chịu thuế; dân có nghĩa là đàn ông, con trai. Tất cả dân, làm bất cứ nghề gì cũng phải ghi. Trên nguyên tắc thì vậy nhưng ở làng có rất nhiều người không ghi tên vào bộ đinh. Họ là dân lậu. Rốt cuộc, chỉ những người điền chủ mới ghi tên, chịu thuế. Luro giải thích: Hương chức làng đã qua mặt Triều đình và Triều đình làm ngơ vì nếu áp dụng luật lệ quá gắt gao, một số đông dân làng sẽ bỏ trốn vì đóng thuế không nổi, chi bằng cứ chấp nhận một số ít dân đóng thuế mà làng xóm tồn tại, việc ruộng nương được điều hòa.

Dân lậu là ai? Là tá điền, tức là những người không đủ thế lực, không đủ vốn khẩn đất, họ mướn lại đất của chủ điền.

Là tá điền, khi mướn đất họ phải làm tờ tá điền (gọi tắt là tờ tá) tức là tờ mướn đất để làm ruộng. Mỗi mùa, họ đong cho điền chủ một số lúa gọi nôm na là lúa ruộng (chữ nho gọi là “tá túc”), lúa mướn đất. Nên phân biệt với “tô túc”là số lúa mà chủ điền đóng cho nhà nước trong thuế bằng hiện vật, cộng với một số tiền mặt.

Thời phong kiến (luôn cả thời Pháp thuộc) giữa chủ điền và tá điền không có quy định nào rõ rệt do nhà nước đưa ra về số lúa ruộng (tá túc) mà tá điền phải đóng cho chủ điền, theo tỷ lệ hoặc giá biểu nào cả. Tá điền chỉ biết trông cậy vào lòng nhân đạo của chủ điền mà thôi. Luân lý Khổng Mạnh thường nhắc đến hai tiếng “tích đức”, là nhắm vào chủ điền trong việc đối xử với tá điền, giới tá điền dầu có lòng tốt thì cũng chẳng có ai dưới tay để mà ban bố.

Về pháp lý, tờ tá (tờ mướn đất) là văn kiện do chủ điền và tá điền tự ý ký kết. Nếu tá điền vi phạm điều giao kết thì chủ điền tố cáo, nhờ quan làng xử. Năm nào tá điền trả không nổi thì chủ điền giữ giấy ấy lại, xem như là giấy nợ hợp pháp.

Một số hương chức và thân hào tuy không đứng bộ, không làm chủ sở đất nào trong làng nhưng lại có ưu thế đối với đất gọi là công điền, do làng làm chủ (nhưng hương chức làng không được tự ý bán, trong bất cứ trường hợp hoặc vì lý do nào). Họ đứng ra mướn đất công điền với giá rẻ rồi cho dân mướn lại với giá cao hơn, họ đóng vai trung gian mà ăn lời. Trên lý thuyết thì sự thành lập công điền nhằm mục đích giúp cho công quỹ của làng thâu thêm lúa và tiền để dùng vào công ích, đồng thời giúp một số tá điền có đất làm ruộng. Nhưng người tá điền chẳng được hưởng ân huệ gì cả.

Người chủ điền thời xưa được quyền hưởng “lộc” do tá điền đền ơn cho, vì chủ điền đã giúp tá điền có đất mà cày, có nơi cất nhà, có chỗ vay mượn lúc đau ốm. Khi vay, con nợ phải mang ơn; chủ điền là ông vua nho nhỏ trong đất đai của họ, tá điền đóng vai thần dân của tiểu giang sơn. Chủ điền bắt buộc tá điền làm “công nhựt”, tức là làm thí công, mỗi năm vài ba ngày, (tùy theo lòng nhân đức của mỗi chủ điền) lúc có đám giỗ, lúc chủ điền gả con, ăn mừng tuổi thọ ngũ tuần, lục tuần. Đặc biệt là trước ngày Tết, tá điền phải đến làm cỏ vườn, bửa củi, xay lúa, chèo ghe. Ngoài số lúa ruộng ghi trong giấy mướn đất, tá điền còn góp một số hiện vật gọi là “công lễ”, thì dụ như vài lít rượu nếp thứ ngon, một thúng nếp trắng, một cặp vịt vào dịp đám giỗ trong gia đình chủ điền hoặc ngày Tết, theo kiểu chư hầu cống sứ cho thiên tử. Đáp lại, nhiều chủ điền tỏ ra rộng lượng, bố thí và tích đức cho con cháu mình bằng cách đốt bỏ giấy nợ của tá điền, loại giấy nợ không thanh toán nổi từ mấy năm trước vì mất mùa hoặc đau yếu.

Thân phận đàn ông làm tá điền gẫm lại còn khỏe hơn đàn bà. Đàn bà trong gia đình nghèo lo lắng cực nhọc, trong ngoài: gặt lúa, cấy lúa, bửa củi, nuôi heo gà, xay lúa giã gạo, lại còn nuôi con. Con trẻ lớn lên đôi khi trở thành một thứ động sản mà cha mẹ đem cầm cố cho người khác để chăn trâu, khi nào dứt nợ hoặc đủ tiền chuộc thì mới được về nhà.

Về mức sống cụ thể của chủ điền, chúng tôi không sưu tầm được tài liệu để so sánh, hoặc trường hợp tiêu biểu. Trong tài liệu của Luro, có sao lục lại tờ chia gia tài của một chủ điền ở Tân Thành phủ, Vĩnh Phước thôn, tỉnh An Giang tức là địa phận Sa Đéc đất ruộng phì nhiêu. Ông điền chủ này kê khai tài sản để chia cho con cái:

– 3 sở đất cộng là 75 mẫu.

– 2 đôi xuyến vàng.

– 7 đôi bông vàng.

– 10 đôi xuyến bằng vàng (tử kim).

– 4 bộ ngũ sự (chưn đèn, lư hương...).

– 10 xâu chuỗi hổ (hổ phách).

– 50 đính bạc, mỗi đính 10 lượng, tức là 500 lượng bạc.

– 1000 đồng bạc “điểu ngân” (bạc con ó Mễ Tây Cơ).

– 15000 quan tiền kẽm.

Và một số nợ mà người khác chưa trả cho ông.

Ông điền chủ nói trên làm tờ chia gia tài vào năm Minh Mạng thứ 20 (1839), để lại một nhà ngói ba căn, chẳng hiểu ngoài nghề làm điền chủ, cho tá điền vay, ông còn buôn bán gì khác chăng?

Về giá đất, có vài tài liệu như sau, lẽ dĩ nhiên giá thay đổi tùy theo địa phương, tùy loại đất hoặc vị trí gần xa đường giao thông, chợ phố.

– Đất tốt (thảo điền) ở Định Tường: 10 mẫu, 9 sào, 8 thước trị giá 1682 quan, bán đứt, năm Thiệu Trị thứ 7.

– Đất hơi xấu (sơn điền) ở Phú Mỹ thôn (vùng Thị Nghè), Gia Định: 5 mẫu, 6 cao, 7 thước, cố vô thời hạn (mại lai thục) với giá 650 quan, khi có tiền cứ chuộc lại đúng số tiền trên không ăn lời, năm Tự Đức thứ 5.

– Đất ở Long Thành (Biên Hòa) loại sơn điền: 2 mẫu, 3 sào cầm với giá 190 quan, hẹn 3 năm thì chuộc lại, trả vốn và lời theo luật định (3 phân), năm Tự Đức thứ 5.

Về lúa ruộng (nay gọi là địa tô, xưa gọi là tá túc) ở làng Nhơn Ngãi, tổng Dương Hòa Trung, tỉnh Vĩnh Long: 10 mẫu đất cho tá điền mướn với giá là 50 phương lúa, hẹn tháng 2 âm lịch năm sau, khi làm mùa xong phải đong cho chủ điền. Thuế điền thì do chủ điền đóng, năm Tự Đức thứ 4.

Về lúa ruộng ở làng Vĩnh Điền, phủ Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc: mướn sơn điền 10 mẫu trong 10, mỗi năm 500 quan tiền mặt hoặc thay vào đó, đong lúa hột (túc tử) 500 giạ. Tá điền phải đong lúa hoặc trả tiền vào tháng hai âm lịch, sau khi làm mùa. Chủ điền chịu đóng thuế điền cho nhà nước, nếu trong thời gian trên tá điền không canh tác hết, còn đất bỏ hoang phế thì khi giao trả đất cho chủ điền, phải làm cỏ cho sạch, năm Qúi Dậu (1873) khi người Pháp vừa xâm chiếm nước ta.

Về việc mướn trâu của chủ điền để cày và kéo lúa, ở làng Mỹ Trà (Cao Lãnh): mướn một con trâu đực 6 tuổi, một con trâu cái 5 tuổi, mỗi năm trả 80 giạ, vào năm Bính Ngọ (đời Thiệu Trị, 1846). Nếu trâu đau thì cho chủ biết kịp thời, phòng khi trâu chết có chứng cớ.

Bán trâu ở làng Tân Sơn (Vĩnh Long): một con đực 5 tuổi, một con cái 4 tuổi và một con nghé chưa đủ 1 tuổi với giá 400 quan, năm Giáp Tuất (1874) khi người Pháp đã qua xứ ta.

Tài liệu nói trên chỉ là giấy tờ, trên thực tế chắc có khác. Lại còn vài tài liệu về giấy nợ, nhưng chỉ ghi là ăn 3 phân lời theo luật định (trong thực tế, theo Luro, việc cho vay lúa ăn làm mùa tính lời 50 phần trăm trong vòng năm ba tháng). Lại còn vài chủ điền bắt ép tá điền phải vay mặc dầu tá điền đã đủ ăn, nếu không vay nợ thì chủ điền không cho mướn đất ruộng.

Người có đất thì ít khi nào chịu bán đứng vì còn bận bịu về tình cảm, về thể diện với xóm làng. Hơn nữa, còn chữ hiếu. Ông bà để đất lại, con cháu phải gìn giữ cho bằng được, nhiều khi mồ mả ông bà còn nằm trong ấy. Bởi vậy, túng tiền thì đem đất mà cầm hoặc cố; cầm thì phải chịu lời, trong khi cố thì không chịu tiền lời. Lắm khi vì cần tiền nhiều và nhắm sức mình khó trả, chủ đất đem cố trong thời hạn 10 hoặc 20 năm (lệ quy định quá 30 năm, con nợ không được quyền chuộc lại). Trong suốt thời gian đất bị cầm hoặc cố, thường là người chủ nợ hưởng lợi, đem đất ấy cho người khác canh tác mà thâu lúa ruộng.

Việc cầm cố thường xảy ra, nhứt là đối với người có đứng bộ vài sở đất. Họ không dám vay nợ quá nhiều, vì vay nhiều thì chẳng cách nào trả nổi. Vay bạc (không có đất cầm hoặc cố) thường chịu lời hơn 50 phần trăm mỗi năm; dầu cho tiết kiệm và mùa màng thâu hoạch ở mức trung bình, huê lợi ruộng nương chỉ đem lời độ 20 phần trăm mà thôi.

5. Cách đo lường thời đàng cựu

Đời Tự Đức, đơn vị để đo là một thước, còn gọi là thước quan, lấy tiêu chuẩn là 22 đồng tiền đời Gia Long sắp liền nhau; phỏng định tương đối chính xác là 526 ly (tức là hơn 5 tấc 2, tính theo mét).

Một thước quan chia ra 10 tấc, 1 tấc 10 phân.

Để đo diện tích ruộng đất, lệ xưa định một mẫu là diện tích của một hình vuông mỗi góc 150 thước quan ; tính ra mẫu tây (hectare) là 62 ares, 2521. Theo cố đạo Tabert thì một mẫu thời đàng cựu to hơn, là 73 ares, 0890.

Một mẫu chia ra 10 sào.

Một sào chia ra 15 thước, còn gọi là cao.

Người thời xưa quan niệm đơn giản rằng mẫu là sở đất hình vuông; sào là sở đất hình chữ nhật với bề ngang là 15 thước, bề dài là 150 thước.

Người Pháp ra nghị định ngày 3-10-1865 để thống nhứt việc đo đạc, họ quy định đại khái 2 mẫu ta ngày xưa là một mẫu tây (hectare). Như vậy có sự sai biệt, thật ra, hai mẫu ta là 125 ares tức là to hơn một mẫu tây.

Một mẫu tây chia ra 100 sào tây (100 ares).

Về đong lường, trên nguyên tắc thì dùng hộc để đong lúa, dùng vuông để đong gạo.

Một hộc chia ra 26 thăng, một thăng là 10 hiệp, một hiệp là 10 thược. Một hộc tính ra 71 lít, 905, đem cân nặng cỡ một tạ.

Một vuông chia ra 13 thăng (phân nửa của hộc) tính ra nhằm 35 lít, 953.

Một hộc lúa khi xay ra thì được một vuông gạo, tính đổ đồng.

Trong thực tế, khi mua bán đổi chác, người dân thường đong lúa gạo bằng vuông, gọi nôm na là “giạ”.

Người Pháp quy định một vuông là 40 lít, lúc ban đầu còn thâu thuế điền bằng lúa và một số tiền mặt theo lệ đằng cựu. Một vuông nâng lên là 40 lít thay vì non 36 lít như thời xưa, có lợi cho nhà nước thực dân hơn, dễ tính toán, với con số tròn trịa là 40 lít. (1)

(1) Từ mục này trở về trước (phần thứ Nhứt), hễ nói đến mẫu, tức là mẫu ta chớ không phải mẫu tây.

Từ phần thứ Hai, nói đến mẫu, tức là mẫu tây (hectare).