Thế Giới Người Điên - Chương 01 - 02 - 03

HOÀI NIỆM KHOAI LANG

Gần đây, trước hiện tượng bùng nổ khoai lang nướng trên nhiều đường phố Sài Gòn, đã không ít những ý kiến bàn tán khác nhau. Phàm, cái gì lạ thì dễ gây chú ý, và ai cũng muốn tỏ rõ chính kiến của mình. Cuộc sống vốn có nhiều tầng nhận thức và mỗi tầng nhận thức ấy nó phụ thuộc nhiều thứ: Nguồn gốc xuất thân, học vấn, trình độ văn hóa, vị trí xã hội, cảm xúc nhân văn... cho nên, trước củ khoai lang nướng xuất hiện đột ngột trên vỉa hè của nhiều tuyến đường cũng trở thành... vấn đề nhận thức. Anh cảnh sát giao thông, nhà quản lý đô thị, chuyên gia vệ sinh thực phẩm... mỗi người có một cách nhìn và đánh giá khác nhau, thậm chí có người đặt thẳng vấn đề với chính quyền là nên sắp xếp thế này thế nọ. Nhưng cuối cùng củ khoai lang cũng chỉ là củ khoai lang.

{Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách}

Tôi không tham gia tranh cãi dù có rất nhiều phe hỏi ý kiến tôi để mong có thêm một sự đồng tình. Có gì đáng phải tranh cãi trước củ khoai lang trong khi cuộc sống còn quá nhiều nghịch lý.

Tôi im lặng. Im lặng ngay từ cái đêm đầu tiên tình cờ rong rủi trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, bất chợt nghe mùi khoai lang khét rồi giật mình nhìn hai bên đường, thấy người ta vây quanh mấy cái bếp nướng khoai lang. Già có, trẻ có, sang trọng có, bình dân có. Từ chỗ ngạc nhiên đến nghĩ suy và tìm hiểu, tôi đã ngộ ra được một điều: Sài Gòn có hơn hai triệu dân nhập cư, nghĩa là có hơn hai triệu nỗi niềm xa xứ. Và, những nỗi niềm ấy đang vây quanh những cái bếp nướng khoai lang. Tất nhiên là trong số đó có những người không có nỗi niềm gì cả.

*

Tôi sinh ra và lớn lên trên một cánh đồng có tên gọi là Đồng chó ngáp, một cánh đồng năn mênh mông nằm ở cuối nguồn con sông Phụng Hiệp. Ba tôi mất hồi năm tôi lên tám tuổi, và gót chân tôi ngấm bùn kể từ năm ấy. Tôi còn nhớ, hôm ấy cả nhà tôi kéo xuống ruộng để làm cỏ lúa. Trước khi ra đồng, mẹ tôi bắc một nồi khoai lang lên bếp, cái nồi làm bằng đất nung đen mun được đậy nắp bằng lá chuối, úp lên cái nắp xoong nhôm rồi giằn thêm hai cục gạch cho nó thật kín hơi. Thấy chúng tôi nhìn một cách thèm thuồng, mẹ tôi nói nhổ cỏ xong rồi mới được ăn. Điều kiện của mẹ tôi đặt ra lúc ấy thật hữu hiệu vô cùng. Vì để được ăn khoai mà mấy chị em tôi thi nhau làm cỏ. Khi xong việc vào nhà thì cái nồi khoai đã bốc lên mùi khét. Mọi người xót xa, tiếc rẻ vì thuở ấy nhà nghèo đến nổi mua được một ký khoai lang đâu phải là chuyện dễ dàng. Cứ tưởng khét là bỏ, ai ngờ khi ăn hết mấy củ khoai trên mặt rồi, ăn mót mấy củ khoai khét lại thấy ngon hơn, vừa bùi vừa thơm một cách lạ lùng.

Từ đó, mỗi khi mẹ tôi đi chợ về, thấy có khoai lang là tôi ăn cắp. Quơ vội mấy củ ném vào góc sàn giường. Tối tối mò ra một củ lận vào trong vạt áo, chạy một cái vèo qua cửa, đi một mạch đến cái bếp un trâu bên nhà thằng bạn rồi vùi vội củ khoai vào. Ngồi chờ đến khi mùi khét bay lên, bẻ một cây lức khều ra, gói vào mấy cọng rơm cho đỡ nóng rồi mang ra ngồi một mình trong bóng đêm trên bờ mẩu, vừa thổi vừa ăn một cách ngon lành.

Mấy năm sau đi học ngoài thị xã, mỗi sáng đến cổng trường thấy mấy bà già ngồi bán khoai lang luộc. Khoai bột trắng mỗi củ năm cắc bạc, khoai Dương Ngọc vỏ tím ruột trắng pha lớm đớm màu đỏ mỗi củ một đồng, khoai bí vỏ đỏ ruột vàng thì cắt làm đôi, một đồng nửa củ. Thấy thèm nhưng chẳng có tiền mua. Trong lớp tôi có mấy cô bạn gái con nhà nghèo, mỗi tối phải phụ gia đình ra lề đường ngồi bán khoai lang nướng. Những củ khoai bằng ngón chân cái được gọt sạch vỏ, đặt lên cái vỉ trên bếp than. Một đêm nọ lang thang ngoài phố, nghe cái mùi khoai lang ấy lòng không chịu nổi cơn thèm, đành bạo gan lấy năm cắc bạc ra mua. Nhưng ăn xong mới thấy tiếc tiền, hối hận vì nó chẳng thay thế được cái mùi thơm và vị ngọt của củ khoai lùi trong đống lửa un trâu. Lúc ấy, tôi cảm nhận được rằng, tuy cũng là củ khoai nhưng sở dĩ không ngon là vì nó thiếu đi nhiều thứ: Đó là mùi khen khét của vỏ khoai, mùi rạ, mùi rơm, mùi khói un trâu, mùi của đồng, của đất, của làng xóm quê hương, và cái vị ngon tuyệt vời của củ khoai vụn trộm.

Ba mươi năm xa quê làm kẻ thị thành, nếm đủ thứ mùi đời và cả mùi cao lương mỹ vị, tưởng sẽ không bao giờ còn nhớ củ khoai lang. Thế rồi bất chợt, một đêm giữa Sài Gòn bỗng nghe cái mùi khen khét ấy, tự nhiên tôi cảm thấy mình như lạc lõng chơi vơi, thậm chí như mơ mơ hồ hồ không hiểu mình đang là ai giữa cõi đời này.

Mấy ngày qua cứ mỗi buổi tối, dù đi đâu, trước khi về tôi cũng chạy một vòng qua đường Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn có nhiều người bán khoai lang nướng. Người mua cứ mỗi tối lại đông thêm, đông đến nổi phải xếp hàng chờ, có người chờ không được, gửi tiền trước với lời hẹn một lúc sau quay lại lấy. Chẳng có gì lạ lùng đến nổi để người ta phải gọi là Hội chứng khoai lang, cũng chẳng có gì để bàn tán xôn xao và tranh cải, bởi tôi cũng đã mua, đã ăn và đã hiểu rằng, Sài Gòn đang có hai triệu dân nhập cư, không chỉ thế, hàng triệu người khác đã định cư thì cũng là dân Việt nam đến từ mọi miền đất nước, có ai biết họ đang mua khoai lang hay mua cái sự hoài niệm của mình!

Sài Gòn, ngày 3 tháng 10 năm 2003.

MÙI RẠ, MÙI RƠM

Hôm nọ, người bạn nhà ở ngoại thành bỗng dưng gọi điện cho tôi, giọng đầy cảm hứng khoe rằng ở chợ Bình Hưng Hòa có bán cá lóc nướng trui, người ta xếp hàng mua không kịp. Hỏi bán như thế nào, anh ta nói cá lóc bằng bắp tay, ai mua con nào thì bẻ cổ con đó, nướng rồi mang về. Hỏi nướng bằng gì, anh ta nói nướng bằng bếp than. Hỏi cá đồng hay cá nuôi, anh ta nói chắc là cá nuôi, con nào cũng mập ú, cả hai ba xịa đều một lứa với nhau. Nghe nói cá lóc nuôi lại nướng bằng bếp than làm tôi mất hứng. Nhưng sự cảm hứng của người bạn chịu tốn tiền điện thoại di động để khoe sự kiện ấy với tôi cũng giống như một sự giãi bày, tìm sự chia sẻ về một hoài niệm xa xôi. Tôi nghĩ, ngay cả cái anh chàng có sáng kiến bán cá lóc nướng trui tại chợ kia chắc cũng là dân miệt vườn Nam bộ, đi tìm kế sinh nhai bằng cách khai thác ký ức của đồng hương.

Tôi nhớ năm ngoái về quê, cậu Ba tôi làm cá lóc nướng trui đem ra nhậu, nhưng chính ông lại cằn nhằn rằng không có rơm, nướng bằng lá dừa ăn không đã, rồi ông lại nói, cá lóc nướng trui mà ăn trong nhà cũng không đã bằng ăn ở bờ đìa. Ông nói với tôi mà như những lời tự sự của một lão nông tri điền đang nuối tiếc những gì đã mất của đất đai, rằng kể từ khi hạt lúa rớt giá, con tôm lên ngôi, đồng đất đã mất đi cái mùi rạ mùi rơm nướng cá, mùi khói un trâu, mùi khói đốt đồng với ánh lửa lập lòe khi trời chạng vạng.

Cứ nghĩ, cá lóc nướng trui với mùi rạ mùi rơm thì có gì đâu mà mỗi khi nhắc đến người ta lại thấy nao nao, bồi hồi và ngọt ngào trong ký ức. Lại nhớ có lần nhà văn Sơn Nam nói với chúng tôi: “Hồi nhỏ cha mẹ cho ăn món gì thì khi lớn lên, món ấy trở thành ngon nhất trên đời.”

Tôi lớn lên, khi biết ăn thì món ăn đầu tiên là cá lóc nướng trui. Cá lóc có sẵn trên đồng, rạ rơm có sẵn trên đồng. Phải chăng đó là món ăn dễ làm ra nhất trong thời kỳ hoang dã. Tôi nhớ hồi ấy, khi tôi lên mười tuổi thì đã được xóm làng khen ngợi là một tay sát cá. Xóm tôi có bác Năm Phước là người nổi tiếng có nhiều đất và có kinh nghiệm làm đìa. Ông có hơn chục khẩu đìa mà đìa nào hàng năm cũng trúng cá. Cứ mỗi lần tát đìa là ông cho tôi hay trước: “Ngày mai tao tát cái đìa trên hậu đất”. Chỉ một câu như thế, chẳng có giao ước gì nhưng tôi hiểu mình phải làm gì và được gì. Sáng sớm tôi xách cái thùng thiếc - loại thùng dầu lửa con sò – băng đồng lên hậu đất của ông. Công việc đầu tiên của tôi là tiếp ông dọn cỏ. Khi đìa sắp cạn thì nhảy xuống lựa bắt vài chục con cá lóc bằng cườm tay bỏ vô giỏ mang lên, rồi đi chặt cây lức, vạt nhọn hai đầu, một đầu lụi vào con cá, một đầu cặm xuống đất, quơ gốc rạ khô chất lên đốt. Lúc ấy, cơm và muối ớt đã được dọn sẵn trên bờ đìa. Năm mười phút sau cá chín, tôi khều tro ra ngoài, còn lại những con cá xếp hàng, dựng đứng, vảy cháy đen thui. Bác Năm Phước cắt mấy lá môn nước thật to mang đến, tôi dùng nắm rạ phủi lên mình con cá cho sạch lớp vảy cháy đen rồi nhổ cây lức, nhẹ tay đưa từng con cá lên chiếc lá môn. Bác Năm dùng chiếc đũa rọc một đường thẳng từ đầu xuống đuôi để banh con cá ra làm hai, khói từ thịt cá bốc lên, mùi thịt thơm nồng lẫn với mùi da khen khét. Trong đó chừng như có mùi rạ, mùi đất thơm thơm. Bác Năm hái vội mấy đọt rau muống cằn cỗi quanh bờ đìa, mấy lá bông súng non cuối mùa còn sót lại dưới lung trâu. Ông ra lệnh tắt máy bơm, mọi người mình mẩy bê bết đất bùn, ngồi xúm lại trên bờ đìa ăn bữa cơm thanh đạm.

Ăn cơm xong, mọi người xuống đìa bắt cá. Hàng tấn cá rọng trong thùng, chất lên cộ cho trâu kéo về. Phần tôi, bác Năm Phước lấy vợt xúc nào cá lóc, cá rô, cá trê đổ vô thùng dầu lửa con sò, khi nào tôi nói xách không nổi thì ông ngưng lại, rồi tặng thêm một con cá lóc thật to, gọi là ca cháo, tức để dành nấu cháo ăn.

Cứ mỗi lần bác Năm Phước tát đìa thì tôi lại đến làm công và mang về một thùng cá như vậy. Năm tháng đi qua, thời niên thiếu đi qua, tôi không nhớ mình đã nhận của ông bao nhiêu thùng cá, cùng ăn với gia đình ông bao nhiêu bữa cơm đạm bạc với cá lóc nướng trui chấm muối ớt trên những bờ đìa giữa cánh đồng Phong Thạnh.

Hơn ba mươi năm sau, cậu bé khét nắng hôi bùn ngày xưa được mời đi tham dự chương trình Ẩm thực khẩn hoang miền Nam tại làng du lịch Bình Quới, tôi xếp hàng trong hàng chục người chen nhau để chờ nhận một khúc cá lóc nướng trui, dường như ai cũng lo đến lượt mình sẽ hết. Có được cá rồi, tôi lấy thêm dĩa rau và chén nước mắm me mang đến ngồi ăn cạnh một đống rơm bên bờ sông, dưới một gốc dừa. Dẫu biết rằng đây là khu du lịch giữa Sài Gòn, tất cả chỉ là phục chế, ngay cả tôi cũng đang diễn lại cái tôi cũ của mình, nhưng chẳng hiểu sao không thể không làm như thế được.

Lúc ấy, tôi thật sự cảm thấy thương cái anh chàng nào đó đã bày ra cái chuyện bán cá lóc nướng trui giữa chợ Bình Hưng Hòa.

CÁ RÔ LỘI NGƯỢC

Quê vợ tôi ở kinh Trảng Cò, một con rạch nhỏ nằm ở ven rừng U Minh hạ. Hai mươi năm trước, khi chúng tôi mới quen, mỗi lần muốn về thăm, tôi phải đi xe đò từ Bạc Liêu xuống Cà Mau, rồi từ Cà Mau ngồi tàu đò hơn ba tiếng đồng hồ mới tới Rạch Ráng. Từ rạch Ráng, lội bộ hơn bốn cây số mới tới Trảng Cò. Nhưng những lần về thăm như vậy, ít khi tôi đi vòng theo xóm mà hễ tàu đò vừa ghé chợ Rạch Ráng là tôi cứ nhắm hướng rồi băng đồng. Ngay cả mùa mưa, dù phải lội mấy chục công đất cày nhưng tôi vẫn lội để rút ngắn thời gian.

Mùa sa mưa, mỗi sáng tôi thường ra ngồi trên sàn nước, giáp với mé ruộng phía sau nhà để câu cá rô con, cá mới đẻ chừng một hai tháng tuổi mà dân quê thường gọi là cá rô thóc. Chặt một cành trúc nhỏ hoặc một nhánh tre gai, cột sợi dây câu bằng cọng chỉ may quần áo se lại làm đôi. Lưỡi câu cũng uốn bằng cây kim may quần áo, loại kim may tay thật nhỏ, không cần ngạnh. Mồi câu là một con mắm sống, xé ra từng miếng nhỏ li ti. Vừa thả mồi xuống là một bầy cá rô con bu lại. Chỉ cần gặt nhẹ là dính một con cá. Cứ thế, chúng tôi vừa câu vừa tâm sự. Đến lúc cảm thấy cá dư một bữa ăn thì cho vào cái rổ dầy, dùng miếng vỏ dừa khô chà qua chà lại mấy vòng cho cá rô sạch dẩy rồi ngắt hầu rửa sạch. Bắc cái tô sành lên bếp, cho vào mấy muỗng nước mắm ngon, một tí đường, một tí mỡ, một tí bột ngọt, một tí tiêu. Khi nước mắm sôi ùn lên thì đổ cá rô vào, đợi cho sắc lại và dọn cơm ra ăn liền khi cái tô cá còn sôi ụt ụt.

Tình cảm chúng tôi lớn dần theo những sinh hoạt chân quê như thế.

Mùa lúa trổ đòng đòng, mỗi lần về Trảng Cò thì tôi mua theo vài tay lưới. Chiều xuống bơi xuồng ra ruộng, vét một đường rong trong kẽ lúa, kéo tay lưới xuống đó. Sáng ra cá rô lôi liệt cả cặp đài, tay lưới cuốn tròn, không còn chỗ nào để gở, thậm chí thấy cá nhiều hơn lưới.

Mùa lúa chín, tôi vác dá ra đồng, chọn những khu đất trũng, đào một cái hầm trên bờ mẩu, lấy đất bùn vuốt láng trên miệng hầm. Xong cứ bỏ đó vô nhà, ngồi hút vài điếu thuốc rồi xách giỏ ra thăm. Cá rô nhảy đầy hầm đến một mình không xách nổi.

Cá rô mùa lúa chín thì không còn gì phải nói. Do nó ăn những bông lúa mới vừa ngậm sữa nên mỡ đầy bụng, thịt vừa béo, vừa thơm, vừa ngon một cách lạ lùng. Ngoài món kho tộ truyền thống, cá rô mùa lúa chín còn đặc biệt ngon hơn với món nướng trui và nấu canh chua cơm mẻ với bông so đũa, bỏ vô một nắm rau tần.

Hình ảnh con cá rô phóng lên khỏi mặt nước chừng năm ba tấc để đớp cho kỳ được hạt lúa vừa ngậm sữa đã trở thành quen thuộc với người dân xứ U Minh. Nhưng có một thời nó trở thành chuyện trà dư tửu hậu trong làng báo Cà Mau. Số là, lúc ấy anh Sáu Kiên làm Tổng biên tập báo ảnh Đất Mũi. Một hôm, khi triển khai kế hoạch làm báo tết, anh giao cho tổ phóng viên ảnh phải chụp cho được hình ảnh con cá rô đang phóng lên đớp bông lúa chín. Sau đó dân trong làng ảnh Cà Mau biến cái ý tưởng của anh Sáu Kiên thành mẩu chuyện hài. Nhưng rồi mọi người cũng bất ngờ khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn đã làm được điều kỳ diệu đó. Anh vác cái ông kính tele 500 xuống U Minh rình rập suốt cả tuần, tốn gần chục cuốn phim để thực hiện một cách trọn vẹn ý đồ của Tổng biên tập.

Ở Cà Mau, trong những lúc trà dư tửu hậu, hễ nhắc đến cá rô thì mỗi người một chuyện, thi nhau mà kể, người sống nhiều thì kể nhiều, hàng ngàn chuyện về sự trù phú của cá rô.

Có lần chú Sáu Dân về làm việc. Khi ngồi nghe một vị lãnh đạo tỉnh báo cáo về các mô hình kinh tế, trong đó có mô hình nuôi cá chép, cá mè, cá trắm cỏ... Chú Sáu gạt ngang: Ở xứ này phải nói rằng món ăn hàng đầu là cá rô kho xông đất, tại sao các anh không tính đến chuyện phát triển con cá rô. Các loại cá công nghiệp hãy để cho xứ khác người ta làm.

Sau chuyện ấy, nhiều người giật mình nhớ ra chuyện khác. Hồi chú Sáu Dân còn làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông đã chủ trương cho người xuống Cà Mau mua hàng chục tấn trái đước về trồng ở Cần Giờ. Gần hai mươi năm sau, khi ông đang làm Thủ tướng, lúc ấy rừng đước Cần Giờ đã thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng thì rừng đước Cà Mau cũng đến hồi cạn kiệt. Trong một chuyến về Cà Mau, ông nói: Mấy anh có cần mua trái đước về trồng lại rừng thì lên Cần Giờ tôi bán lại cho.

Chiều nay, bỗng dưng anh Nguyễn Bé – Tổng biên tập báo Cà Mau – gọi điện cho tôi, giọng anh vừa có hơi men rượu, vừa có chút nghẹn ngào. Anh hỏi tôi còn nhớ câu chuyện chú Sáu Dân nhã ý bán trái đước giống của Cần Giờ cho Cà Mau trồng lại rừng ngập mặn Năm Căn không, tôi nói sao lại không, nhưng mà nhắc lại để làm gì. Nguyễn Bé không trả lời tôi mà nói vắn tắt rằng, Cà Mau vừa xuất ngân sách ra mấy chục triệu đồng để lên tỉnh Đồng Nai mua hai tấn cá rô giống về thả xuống các lâm trường ở rừng U Minh hạ.

- Chỉ nói cho mày nghe vậy thôi, cúp máy nghen!

Trong câu nói sau cùng, tôi biết bạn tôi đang khóc. Một người yêu quê hương xứ sở, yêu ruộng đồng đến cuồng say, đến cực đoan như vậy thì không thể nào chịu đựng nổi khi thấy con cá rô lội ngược từ xứ Đồng Nai về để làm giống cho xứ U Minh.