Thế Giới Người Điên - Chương 04 - 05 - 06

MÙA TRÁI MẮM

Bắt đầu từ tháng mười âm lịch, trái mắm rụng đầy các kinh rạch rồi theo nước ròng trôi ra sông Cửa Lớn, đổ ra cửa Ông Trang. Trên đường đi, chúng tự nảy mầm, ra rể và hút lấy phù sa. Khi ra biển, gặp sóng, chúng tạt vào bãi và những hạt phù sa bám rễ làm cho chúng nặng dần để tự xếp hàng đứng trên bãi biển. Cứ thế, mỗi một mùa trái mắm là một dãy rừng mắm hình thành vài trăm mét vươn ra biển Tây để nối dài mũi đất Cà Mau.

Trước khi lên đường khởi quay bộ phim tài liệu “Sông nước Cà Mau”, đạo diễn Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc hãng phim TFS – căn dặn chúng tôi: “Cố gắng quay cho được cái cảnh phóng lao cá dứa, làm phim về sông nước xứ mình mà thiếu cảnh đó là tao xếp loại C ráng chịu.”

Chúng tôi hiểu, lời đề nghị của anh không chỉ là một đòi hỏi về chất liệu nghệ thuật cho một bộ phim mà nó xuất phát từ một nỗi hoài nhớ trong ký ức xa xôi: Thời chiến tranh, anh là một nhà quay phim trẻ, từng bám theo những mùa trái mắm, những trận săn tàu trên dòng sông Cửa Lớn – Năm Căn.

Sông Cửa Lớn – theo một tài liệu của Calipso – là một trong một trăm dòng sông lớn nhất trên thế giới. Song, điều lạ lùng của con sông này là nó không có thượng nguồn và cũng không có hạ nguồn. Nghĩa là nó bắt nguồn từ biển đông – tức cửa Bồ Đề – và đổ về biển tây – tức cửa Ông Trang, cắt khu rừng ngập mặn Năm Căn ra làm hai mảnh. Một mảnh giáp với đất liền, một mảnh giáp với biển đông và biển tây như ốc đảo từ mũi Cà Mau đến Thủ Tam Giang.

Trong chiến tranh, cái ốc đảo này là vùng căn cứ, là cái bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, để từ đó, vũ khí được cung cấp cho chiến trường miền tây Nam bộ. Năm 1972, người Mỹ đã mở ra cái gọi là chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông. Nghĩa là bình quân mười lăm phút thì có một tàu chiến chạy qua dòng sông Cửa Lớn để nã đạn pháo lên hai bên bìa rừng và để phong tỏa dòng sông nhằm cắt đứt giao thông giữa các vùng dân cư với vùng căn cứ. Cái cảnh cất nước từng lon, đói ăn trái mắm bắt đầu từ đó. Trái mắm đã một thời thay cho lương thực. Nhưng để ăn được, người ta phải luộc đi luộc lại năm bảy lần cho trái mắm không còn vị đắng rồi chế biến thành nhiều thứ bánh, chè giống như bột đậu xanh.

Những bài hát, bài thơ về mùa trái mắm cũng từ đó ra đời.

Nhưng chuyện ấy rồi cũng mau quên. Mùa trái mắm giờ đây chỉ còn sâu đậm trong ký ức của người Cà Mau xa quê vì nó gắn liền với mùa săn cá dứa.

Cây mắm bắt đầu ra trái từ tháng sáu âm lịch và kéo dài cho đến cuối năm. Hai tháng cuối cùng là mùa trái rụng. Đó cũng chính là mùa săn cá dứa, mùa vui nhộn nhất trên sông Cửa Lớn, đặc biệt là ở Thủ Tam Giang, đoạn sông lớn gần cửa Bồ Đề. Các cụ già ở đây kể rằng, vào khoảng tháng mười âm lịch, trái mắm rụng trôi bèo sông, cá dứa từ biển kéo từng đàn vào ăn trái mắm, chúng ăn rất hổn hào như cá tra nuôi. Trái mắm giàu đạm, vitamin, chất béo và một loại chất an thần nên khi ăm no, cá dứa bị say, nằm đưa bụng lờ đờ trên mặt nước. Người thợ săn một tay lạo máy chèo, một tay cầm cây lao, mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Khi cây lao bay vút khỏi tầm tay – người thợ tài nghệ có thể phóng chính xác từ tám đến mười hai mét – mũi lao ba ngạnh đâm vào bụng cá dứa, nhìn cần lao tre lắc lư trên mặt sông, người thợ săn cứ để con cá vẩy vùng đến khi đuối sức. Cá dứa mắc lao thường là cá to, mỗi con từ năm bảy ký. Người thợ giỏi có thể săn được năm bảy chục con trong một con nước lớn, tức từ lúc ban mai cho đến hết sương mù.

Mùa trái mắm là thế.

Và hơn thế nữa, mùa trái mắm còn là dấu ấn bồi đắp cho mũi Cà Mau mỗi năm dài thêm hàng trăm mét.

Nhiều người nói một cách hình tượng rằng, mắm là loài cây đi tiên phong lấn biển để mở mang bờ cõi.

Các nhà khoa học lâm sinh thì nói rằng, trong quy luật diễn thế của rừng ngập mặn, sự xuất hiện đầu tiên là cây mắm. Mắm có vai trò ổn định đất và khi đất được ổn định thì rừng đước hình thành. Nhưng từ thế hệ rừng mắm sang thế hệ rừng đước phải mất ba mươi năm. Đã có lần, người ta lập một dự án điều chế rừng ngập mặn khá quy mô để rút ngắm quy luật diễn thế tự nhiên ấy bằng cách chặt bỏ rừng mắm để trồng đước. Họ lý giải rằng sự tồn tại của rừng mắm trong ba mươi năm ấy không mang lại hiệu quả kinh tế. Song, không thấy ai đặt vấn đề ngược lại rằng nếu chặt bỏ rừng mắm thì lấy đâu ra trái mắm để lấn biển, để mở đất và để ổn định đất cho rừng đước hình thành, để tạo nên cái quy luật diễn thế tự nhiên đẹp như huyền thoại ấy?

Như đã nói trên, bắt đầu từ tháng mười âm lịch, trái mắm rụng đầy các kinh rạch rồi theo nước ròng trôi ra sông Cửa Lớn, đổ ra cửa Ông Trang. Trên đường đi, chúng tự nẩy mầm, ra rể và hút lấy phù sa. Khi ra biển, gặp sóng, chúng tạt vào bãi và những hạt phù sa bám rễ làm cho chúng nặng dần để tự xếp hàng đứng trên bãi biển. Cứ thế, mỗi một mùa trái mắm là một dãi rừng mắm hình thành vài trăm mét vươn ra biển tây để nối dài mũi đất Cà Mau. Đứng từ biển khơi nhìn vào, ta có thể thấy những lớp rừng từ thấp đến cao như những tầng ruộng bậc thang trên núi. Mỗi một tầng như thế là dấu ấn của một mùa trái mắm, là cuộc hành trình của một loài cây như đoàn quân đi mở cõi.

Đoàn phim chúng tôi trở lại Tam Giang, cửa Bồ Đề, cũng vào tháng mười âm lịch. Nơi đây ngày xưa vào những sáng tinh mơ, khi sương mù lãng đãng, dòng sông như ngày hội phóng lao. Rừng âm u, sương âm u, từng giề trái mắm trôi lều bều trên mặt sông, từng tốp, từng tốp thợ săn, tay lạo xuồng, tay cầm lao ẩn hiện trong màn sương tạo thành bức tranh lụa hoành tráng, mượt mà, lung inh, huyền ảo. Bây giờ, tất cả đã trở thành chuyện kể. Rừng không còn, sương sớm cũng không còn, tái mắm cũng không còn. Sông Cửa lớn ồn ào, tấp nập bởi ca-nô, vỏ tốc hành, vỏ compusic, máy xe, máy Honda, Robin, BS đủ thứ mã lực thay nhau, đua nhau tung trắng nước những dòng sông.

Chúng tôi đi tìm anh Lẹt, một tay sát thủ cá dứa và thú rừng một thời vang bóng. Nhà của Lẹt ngày xưa khuất trong bạt ngàn cây mắm. Giờ nó chơ vơ giữa những vuông tôm. Trước mắt chúng tôi, con “người rừng” ngày xưa giờ mang đậm màu sắc thị trường: Đầu đinh, quần jean, áo thun sặc sở đang ngồi dưới vỏ compusic, máy honda 11, tay cầm điện thoại di động, miệng gào thét giá cả với chủ vựa tôm. Khi chúng tôi ngỏ lời nhờ anh đi phóng lao cá dứa để quay phim, Lẹt cười khinh khỉnh: “Các anh muốn phóng cự ly bao nhiêu, tám mét hay mười lăm mét cũng được, miễn tìm cho tôi một con cá dứa... chuyện đó xưa như trái đất rồi cha nội ơi!” Nói xong, lẹt giật dây cho máy nổ rồi vẫy tay chào, để lại làn nước tung tóe phía sau.

Suốt hai buổi chiều, chúng tôi thuê chiếc đò dọc dầm mưa bám theo những chiếc ghe câu từ Tam Giang ra cửa Bồ Đề mới mua được hai con cá dứa to chừng ba ký. Chiều hôm ấy, sau khi nhờ các anh ở ủy ban xã tìm kiếm được hai anh thợ săn, hai chiếc xuồng chèo và hai cây lao, chúng tôi nhét đầy mốp xốp vào bụng hai con cá dứa để chuẩn bị cho những khung hình. Cuối cùng cũng có một trường đoạn phóng lao cá dứa trên sông Cửa Lớn.

Phim đã phát sóng nhiều lần, chúng tôi đã lừa được số đông khán giả. Nhưng chắc chắn không thể lừa được những người đã từng sống qua những mùa trái mắm ở Năm Căn.

ĐI TÌM MÙA LEN TRÂU

Hồi ấy, trước nhà tôi là một cánh đồng năn ngút ngàn xanh đến tận chân trời. Từ sau mùa cấy đến đầu mùa gặt là khoảng thời gian con trâu được phép nghỉ ngơi. Chủ trâu từ tứ xứ đưa chúng đến để hưởng thụ cỏ non, để bù đắp công sức sau một mùa cày và để lấy sức cho mùa cộ lúa.

Năm 1997, hãng phim Giải phóng giao cho chúng tôi thực hiện bộ phim tài liệu về con trâu. Bấy giờ là mùa sa mưa, đồng ruộng bắt đầu loang loáng nước. Chúng tôi thực hiện những cảnh quay đầu tiên tại ấp Đồng Sậy, thuộc huyện Thới Bình – Cà Mau. Chiều hôm ấy, sau khi nghe chúng tôi trình bày những yêu cầu về một hiện trường, anh Khánh – trưởng ban nhân dân ấp – liền chèo xuồng đi rước mấy người chủ trâu trong xóm đến nhậu. Sáng hôm sau, một cánh đồng vào mùa diễn ra y như thật: Trâu cày, trâu bừa, trâu trục, trâu nhơi cỏ, tiếng ví thá vang đồng của người nông dân, tiếng nghé ngọ của những chú mục đồng... tất cả chỉ là diễn, diễn mà như thật, thật đến nổi diễn viên chuyên nghiệp chưa chắc đã diễn bằng.

Sau cảnh quay ấy, tất cả công cụ được chuyển lên xuồng để đưa vào kho, đàn trâu tự do ăn cỏ. Bất chợt, một chiếc máy cày chạy ra đồng, lao vào giữa đàn trâu. Những con trâu hoảng hồn bỏ chạy, có con ngơ ngác đứng nhìn chiếc máy cày. Chúng tôi thu được những khung hình vô cùng đắt giá mà không hề tính trước, cũng không có trong kịch bản. Đó là hình ảnh “đi chỗ khác chơi” của một kiếp trâu khi cơ giới nông nghiệp ra đời.

Ba tháng sau, lúa phủ xanh đồng, sắp sửa vào mùa nước nổi, chúng tôi về Hồng Dân, Bạc Liêu để quay cảnh mùa len trâu. Nhưng suốt ba ngày lang thang trên cánh đồng chó ngáp, chúng tôi chẳng tìm đâu ra một cánh đồng hoang, cánh đồng đầy trâu như thời thơ ấu của mình. Những vuông tôm chằng chịt như bàn cờ, những dòng kinh, những bờ đê thẳng tấp, những dãy nhà ngói đỏ giăng giăng. Những thằng Thành, thằng Lập, thằng Nam, những bác Hai, chị Vân, chị Cúc của một thời chăn trâu khét nắng bây giờ nói chuyện vàng cây vàng lá sau mỗi vụ tôm.

Hóa ra mình chính là người lạc hậu, cứ ngỡ về đây sẽ gặp lại mùa len trâu như gặp lại tuổi thơ mình. Hồi ấy, trước nhà tôi là một cánh đồng năn ngút ngàn xanh đến tận chân trời. Từ sau mùa cấy đến mùa gặt là khoảng thời gian con trâu được phép nghỉ ngơi. Chủ trâu từ tứ xứ đưa chúng đến để hưởng thụ cỏ non, để bù đắp công sức sau một mùa cày và để lấy sức cho mùa cộ lúa. Ở đây có những người chăn trâu chuyên nghiệp, mỗi người có thể lãnh chăn một trăm, hai trăm con trâu tùy theo sức của mình. Chẳng hiểu từ khi nào và lý do gì, người ta gọi đó là mùa len trâu. Khi trâu đã nhập thành bầy, những con trâu đực cổ bắt đầu nghinh chiến, chúng đấu nhau quyết liệt để giành ngôi vị cầm bầy, xem ra cũng giống hệt như những đại ca tranh quyền cai trị trong giới xã hội đen. Lúc bấy giờ, người chăn trâu chỉ cần quản con trâu cầm bầy là quản được tất cả. Và, bản thân chúng cũng tự biết bầy đàn của mình để không lẫn lộn với những bầy trâu khác. Khi gió bấc bắt đầu rao ngọn cũng là lúc trâu nhớ nhà nhớ chủ, chúng ngơ ngác, ngóng trông rồi tự động tách bầy để lặn lội về quê. Người chăn trâu cực nhất là lúc ấy, phải cột dây mũi chúng vào cọc để chờ ngày chủ đến đón. Trong mối quan hệ giữa chủ trâu và người chăn trâu cũng có những quy định bất thành văn. Ví dụ như trâu chết do dịch bệnh hay do bom đạn chiến tranh thì chỉ cần báo ngay cho chủ biết mà không phải bồi thường. Công giữ mỗi con trâu trong một mùa được tính bằng lúa, nếu trâu ốm sẽ bị trừ công và mùa sau họ giao cho người khác giữ. Có những chủ trâu tốt bụng, khi đến đón trâu về, họ tặng cho người chăn trâu áo quần và bánh mứt.

Hồi ấy tôi thèm có một đôi trâu nhưng chỉ là mơ ước. Người ta nói: Nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua đất. Đất với trâu là thước đo giá trị tài sản của nhà nông. Uy thế, địa vị của người nông dân trong làng xóm, trong cộng đồng phụ thuộc vào số lượng trâu và đất. Không có đất, không có trâu, tôi luôn luôn thấy mình thấp hèn, nhỏ bé trong quan hệ bạn bè.

Bây giờ, trở về quê cũ tìm trâu để quay phim, lại bị bạn bè xưa cười chê mình ngây ngô, rồ dại. Thằng bạn tôi nói: “Trâu hả, xưa rồi Diễm, ngay cả chiếc máy cày, mấy mươi năm trước nó là niềm mơ ước của nông dân xứ mình, bây giờ mày thấy đó, chỉ là đống sắt vụn”. Nó vừa nói vừa chỉ tay ra sau hè, chỗ mái hiên che chiếc máy cày đầy nhện giăng và bụi bám.

Tôi nghe mừng cho bà con, một sự đổi đời mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng tiếc cho bộ phim của mình, nếu không có cảnh mùa len trâu thì không thể gọi là phim.

May thay, một hôm tình cờ ghé vào một tiệm ảnh ở Cà Mau, thấy nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam Sơn phóng một cuốn phim toàn là trâu. Trời ạ, đúng là trâu len! Tôi hỏi ông chụp cái này ở đâu vậy. Sơn nói: “Cũng tình cờ thôi, hôm nọ về Cái Tàu mua đất, tình cờ gặp một cánh đồng hoang...” Rồi Sơn nhìn tôi trân trân: “Ông làm gì mà thấy trâu mừng hơn thấy vàng vậy?”. Tôi nói: “Thì vàng đây chớ còn gì nữa”.

Không cần phải báo với hãng phim, tôi thuê chiếc caméra M9000 rồi nhờ anh phóng viên của đài truyền hình đi ngay xuống vàm Cái Tàu bằng đò dọc. Thì ra, ở phía sau dòng sông Trẹm còn có một mùa len trâu “thu nhỏ”: Một cánh đồng năn chật hẹp, một đàn trâu năm bảy chục con, một thằng bé đầu tóc bù xù, vàng hoe bơi xuồng lùa trâu trong nắng chiều lấp lánh. Tôi chợt nhớ đến Hoàng Anh Việt, một nhà thơ đã gát bút về với ruộng đồng:

Có thể rồi tôi đi làm ruộng

Cây phảng trên vai, cơm nguội, mắm đồng

Nuôi con lớn khôn ba tôi chỉ cần có thế

Không vẩn đục cuộc đời, không gợn chút bon chen

Có thể rồi tôi đi giữ trâu len

Giữa mênh mông đồng cỏ năn, tôi với chiếc xuồng con làm bạn

Mái tóc bù tung vàng hoe cùng nắng

Nghe lỏm bỏm bước trâu về, lắng đọng những buồn vui.

Đó là bài thơ Việt viết cách nay gần hai mươi năm, trước khi anh bỏ cơ quan Hội văn nghệ để về quê. Một bài thơ đẹp, một ước mơ đẹp. Nhưng Việt bây giờ không phải làm ruộng, không phải giữ trâu len. Nghe nói anh đang nuôi tôm sú ở Tân Thành, giàu lắm.

NHỚ ĐỒNG

Nhiều khi tôi tự vấn: Tại sao mình không thể thiếu món cá trê kho khô hoặc kho gừng trong mỗi bữa ăn, nhất là món cá trê kho sền sệt trong ui đất. Dù là bạn bè mời đi ăn tiệc sang trọng ở nhà hàng, tôi cũng chỉ ăn qua loa rồi lại quay về với cái mẻ cá trê kho.

Cứ mỗi lần đọc báo thấy bóng dáng của con cá đồng, và cứ mỗi năm vào mùa gió chướng thì tôi lại nhớ đồng da diết. Trong nỗi nhớ miên man ấy có một cái điểm dừng, cái dấu ấn sâu đậm nhất là đi bắt cá đồng vào buổi chiều ba mươi tết, cách nay gần bốn chục năm.

Tôi lớn lên bên cánh đồng Chó Ngáp, cái tên ấy không biết có tự bao giờ. Ba tôi giải thích rằng từ rất xa xưa, khi vùng đất này mới khẩn hoang, có một gã thợ săn dẫn con chó đi qua đây, một cánh đồng năn mênh mông đến nổi nhìn bốn phía chỉ thấy đường chân trời, con chó đi qua phải ngáp vắn ngáp dài nên gã thợ săn ấy đặt tên là đồng Chó Ngáp.

Xóm tôi ở có tên gọi là Thất Giồng Bớm. Nguồn gốc của địa danh này thì tôi không cần ai giải thích, bởi cách nhà tôi không xa là cái Tòa Thánh Cao Đài Hậu Giang đã bị Pháp đánh bom sụp đổ, còn lại mấy bức tường, và trên một bức tường cao có một cây gừa cổ thụ. Nó là dấu ấn của quê hương, bởi những ai đi xa khi trở về thì hình ảnh đầu tiên lọt vô tầm mắt chính là bóng dáng của cây gừa. Còn hai chữ Giồng Bớm thì là một giồng đất bên cạnh Tòa Thánh mọc toàn là cây bướm gai. Gọi trại thành Giồng Bớm, hay nói đúng hơn là dân quê thường hay bỏ bớt một vài phụ âm cho dễ gọi.

Tôi sống trên cánh đồng này từ năm ba tuổi cho đến hết chiến tranh, cho nên mọi cái bắt đầu cho nhận thức của con người từ trực quan đến tư duy cũng là cánh đồng này. Một cánh đồng của chiến tranh và nghèo khó.

Chiến tranh là tử-biệt-sinh-ly, ở đâu cũng thế. Nhưng sự nghèo khó thì mỗi nơi mỗi khác, bởi cuộc mưu sinh nó gắn liền với sông nước, đất đai, cỏ cây và sản vật của mỗi vùng. Sống với thiên nhiên, có cái gì ăn cái nấy nên lớn lên đi xa, mỗi con người mang theo một quê hương với những hình ảnh khác nhau.

Vậy thì xứ tôi, cái đồng Chó Ngáp ấy, sự giàu có nhất của thiên nhiên là con cá trê vàng.

Khác với miệt vườn, đồng Chó Ngáp là xứ đồng khô cỏ cháy cho nên gần Tết năm nào lũ trẻ chúng tôi cũng đổ xô đi tìm lá chuối lá dừa để gói bánh mà chẳng đủ đâu. Tuy vậy, nhà nào cũng gói cho bằng được năm bảy chục bánh ích để cúng ông bà, phần bột ướp đường mía còn lại đem đúc trong cái dĩa nhôm rồi phơi khô, gọi là bánh tổ. An hết bánh ích, lấy bánh tổ ra cắt từng miếng mỏng, bỏ vô chảo mỡ chiên cho mềm ra, hơi phồng lên một chút, ăn cũng ngon lành qua ba ngày tết.

Thiếu bánh, thiếu mứt là vậy nhưng cá thì không bao giờ thiếu. Tôi nhớ năm ấy hình như tôi khoảng năm sáu tuổi. Chiều ba mươi Tết, ba tôi dẫn tôi ra ruộng bắt cá trê vàng về rọng để Tết ăn. Ông xách theo một cái thùng thiếc, loại thùng dầu lửa con sò mà hồi ấy, hầu như nhà nào cũng có. Cánh đồng lúc ấy lúa mùa đang chín tới, có chỗ khô, chỗ còn xem xép nước. Đứng trên bờ mẫu, ba tôi chắp hai tay sau lưng, nhìn mênh mông như chiêm nghiệm một điều gì. Tôi biết ở những chỗ đất trũng, lúa sập, chỗ nào cũng đầy cá mắc cạn vì chúng không kịp xuống đìa. Nhưng ba tôi thì có nhiều kinh nghiệm, ông biết được dưới những cái trũng ấy, chỗ nào cá lóc, chỗ nào cá trê, chỗ nào cá rô và cá sặc.

Nhìn một lúc, ông vẫy tôi lội xuống cái bàu cạn giữa ruộng của chú Bảy Nhiều. Quả nhiên là ông đoán đúng. Đi gần tới đã nghe tiếng cá trê ục ục. Một cái bàu cạn bằng ba cái nền nhà, nước còn xem xép chừng một tấc. Nghe tiếng động, cá trê chui vào ém trong gốc lúa sập. Ba tôi chỉ làm một động tác rất đơn giản: Úp nhẹ hai bàn tay lên gốc lúa rồi từ từ moi ra một con cá trê vàng, con nào con nấy lớn hơn bắp tay, mập ú và vàng như nghệ.

Mặt trời sắp lặn, nhìn thùng cá sắp đầy, ba tôi nói thôi, bắt một hồi nữa làm sao xách nổi.

Khi tôi biết thế nào là Tết thì đó là cái Tết đầu tiên, ngày nào cũng ăn cá trê vàng nướng dầm với nước mắm gừng.

Mẹ tôi nói rằng ba tôi là một người sát cá, đặc biệt là cá trê. Hồi luận 10/ 59 của Ngô Đình Diệm, ông ở tù với đầy đủ vật chứng của một cán bộ nằm vùng, và để khỏi bị đưa lên máy chém, mẹ tôi phải chạy vay ba trăm giạ lúa để lo hối lộ cho cảnh sát Bạc Liêu. Vậy mà khi ra tù, ba tôi chỉ giăng hai mùa câu thì trả xong nợ. Theo mẹ tôi giải thích rằng vì cá trê vàng hồi ấy có giá nhất trong các loại cá đồng. Đó là lý do vì sao ba tôi có kinh nghiệm bắt cá trê vàng hơn các loài cá khác.

Có lần tôi thắc mắc rằng, giữa mênh mông đồng nước, khi miếng mồi thả xuống thì có nhiều loài cá đến ăn, con nào đến trước thì ăn trước, làm sao mà ba giăng câu chỉ dính toàn cá trê vàng. Ba tôi giải thích rằng: Cá lóc, cá rô thích ăn mồi chạy như cào cào, nhái, cua đồng nên chúng hay đi tìm mồi cặp mé bờ và trên mặt nước. Con cá trê vàng hay vùi mỏ dưới bùn hoặc quanh gốc lúa để tìm các loại côn trùng. Vì vậy, để miếng mồi câu chỉ dành riêng cho cá trê, trước hết phải vét một vùng như cái lòng chảo, vuốt thật láng, đặt miếng mồi ngay giữa. Vài phút sau bùn lắng xuống, che lấp miếng mồi, các loài cá khác không nhìn thấy được, nhưng đó lại là chỗ tìm mồi lý tưởng của cá trê.

Thế rồi, một sáng tháng 5 năm 1967, sau một trận biệt kích của giặc, mẹ tôi bảo mấy chị em tôi ở nhà vo gạo nấu cơm để bà đi thăm hàng xóm coi có ai gặp mệnh hệ gì không. Bất ngờ tôi thấy mẹ tôi ngồi gục đầu trên bờ đám mạ giữa cánh đồng. Chúng tôi chạy ùa ra. Mẹ tôi đang khoát nước tắm cho ba tôi lần cuối cùng trên bờ mẩu. Ông mặc chiếc áo bà ba đen, hai mươi vết đạn cạc-bin vừa xuyên qua ngực áo.

Những năm tiếp theo, tôi lao vào cuộc mưu sinh trên cánh đồng với cái nghề cắm câu cá trê vàng do ba tôi để lại. Những chiều, khi xuống cần câu sau cùng, tôi hay trở về nhẩn nha trên cái bờ mẩu ấy. Tôi lại ngồi trầm ngâm giữa đồng lúa mênh mông nhưng không chỉ để chiêm nghiệm ra chỗ nào là nơi ẩn náo của cá trê, bởi cánh đồng giờ đây đã ghi thêm dấu ấn của một kiếp người.

Hơn ba mươi năm xa quê, cứ mỗi lần đi chợ mua cá trê vàng, mỗi lần lựa cá ngon, cá béo để mua, tôi cứ ngỡ như mình đang mua lại những con cá của chính tôi. Bởi ngày xưa, sau mỗi buổi sáng thăm câu, tôi đều lựa những con cá béo, cá ngon để bán, chừa cá dạt, cá chết lại ăn. Âu đó cũng là quy luật của cuộc mưu sinh, một quy luật bảo toàn sự sống.

Bây giờ thì tôi đã nghiệm ra, cái mẻ cá trê vàng kho sền sệt trước mặt tôi trong mỗi bữa ăn, đó chính là sự tích tụ của cả một cánh đồng. Một cánh đồng với mồi hôi nước mắt và cả máu của ba tôi, một cánh đồng của trọn tuổi thơ tôi với bao mùa mưa nắng.

Sài gòn, tháng 11 năm 2003.