Thế Giới Người Điên - Chương 09 - 10

LÊN SÀI GÒN, NHỚ BÁC TƯ SÂM

Năm ngoái, trước khi về hưu, nhà văn Ngọc Lương – Giám đốc cơ quan thường trú của Đài TNVN tại ĐBSCL – trong lúc trà dư tửu hậu đã tâm sự với tôi rằng, về Bắc lần này chắc không còn cơ hội trở vô Nam, cho nên trước khi từ giã miền tây, anh muốn được làm quen với nhà văn Trang Thế Hy, một người mà ông xem là thần tượng trong làng Văn học hiện đại của nước nhà. Và anh Lương nhờ tôi làm mai mối.

Tôi gọi điện thoại qua Bến Tre để hỏi ý kiến Bác Tư, ông nói thì cứ đến chơi tự nhiên, đâu cần phải quan trọng hóa như vậy. Thật ra không phải tôi quan trọng hóa khi dẫn một người ngưỡng mộ đến thăm một người được ngưỡng mộ. Nhưng vì thấy ông Lương quá mê truyện ngắn của ông già nên tôi thấy cần phải bắn trước những thông tin về mục đích khá đặc biệt của anh Lương.

Hơn nữa, tôi nhớ hồi Bác Tư còn ở Sài Gòn, hai bên vách nhà ông có treo hai tờ giấy A4 với mấy chữ viết tay: KHI CÓ TIẾNG GÕ CỬA, KHÁCH KHÔNG LÊN TIẾNG, ĐỂ CHU NHÀ TỰ XỬ LÝ. Ông giải thích rằng nếu tiếng gõ cửa đúng ám hiệu thì là khách ruột, còn không đúng thì thôi, khỏi mở cửa. Hoặc phía bên ngoài cửa nhà ông, thỉnh thoảng có treo mảnh giấy ghi đại khái: HẰNG! CẬU ĐI HÓC MÔN, NGÀY MAI VỀ. Và ông dặn chúng tôi rằng, nếu có ghé nhà ông mà thấy mấy chữ ấy thì cứ gõ cửa, nhưng hai tiếng đầu thì gõ liên tục, ba giây sau gõ tiếng thứ ba. Đó là ám hiệu. Một thứ ám hiệu của tình cảm, nếu gõ đúng điệu thì cánh cửa sẽ mở ra.

Vì vậy mà tôi ngại, nếu lỡ có mệnh hệ nào thì tội nghiệp cho anh Lương phải vượt đường xa, nên hỏi ý kiến trước cho chắc ăn.

Khi hai người gặp nhau, ngồi đối diện trên chiếc bàn gỗ đơn sơ dưới gốc dừa bên hiên nhà, Bác Tư nói rằng với ông, một truyện ngắn được năm ba người đọc thật sự là hạnh phúc rồi, cho nên ông rất cảm động trước những tình cảm của anh Lương. Một thứ tình cảm hiếm hoi cho người làm văn chương giữa thời buổi bây giờ. Suốt buổi trưa hôm ấy, dường như anh Lương không nói gì, anh chỉ xúc động đến rưng rưng và nhìn ngắm ông già như chiêm ngưỡng một nhà văn bằng xương bằng thịt mà bấy lâu nay anh chỉ biết mê ông qua từng truyện ngắn. Trên đường về, anh chỉ nói một câu: “Vậy là mình mãn nguyện rồi. Thấy thương ông già quá! Đúng là một nhân cách lớn!”.

Thật ra, chúng tôi ngày xưa cũng thế.

Một đêm nọ trên bờ biển Nha Trang, năm bảy thằng bạn đồng nghiệp đang vui say bên chai rượu. Bất chợt, thấy mấy cô gái ăn sương qua đường, nhà báo Sơn Tùng liền đọc vội mấy câu thơ:

... Bây giờ giữa đường đời,

Kỷ niệm ngày xưa xa mù khơi,

Gạp em chiều mưa lạnh

Hai đứa cùng sang trong bộ cánh.

Dung nhan em còn tươi

Anh mừng tưởng đâu đời em vui.

Nào hay đây là quán,

Em bẹo hình hài rao lên bán.

Giữa thời đông khách mua,

Chợ thịt còn sung được nhiều mùa.

Nghe nói anh cầm viết,

Nghệ thuật là gì em muốn biết.

Mùi tanh nói mùi thơm,

Cây bút cầm tay: Cần câu cơm

Đó em ơi! Nghệ thuật:

Nhắm mắt quay lưng chào sự thật...

Tôi hỏi thơ ai mà hay vậy, anh Sơn Tùng nói là thơ của ông Trang Thế Hy.

Bài thơ như đổ vào trong tôi thêm một nỗi khát khao được làm quen với Bác Tư. Nhưng lúc ấy có nhiều người tôi, nói ông già khó lắm.

Hồi ấy – cách nay hơn hai mươi lăm năm – chúng tôi chuyền tay nhau bản thảo truyện ngắn Nợ nước mắt của ông đến nát nhừ, cái bản thảo đánh máy trên giấy pelure tái sinh vào cái thời máy photocoppy chưa có. Tiếp theo, chúng tôi được đọc các truyện Thèm thơ, Anh Thơm râu rồng, Sách và chim, Con cá không biệt tâm... Mỗi truyện là một dấu ấn về sự đời để mỗi khi va chạm với đời thì có chỗ để mình suy gẫm. Nhưng rồi như một phép màu, chúng tôi được gặp ông bằng xương bằng thịt: Ông cùng với các nhà văn thành phố làm một chuyến đi chơi xuống rừng đước Năm Căn.

Thật ra cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy chúng tôi không được tiếp cận với ông nhiều lắm. Nhưng đó là cái cớ để sau này mỗi lần lên Sài Gòn chúng tôi tự tiện đến thăm ông.

Nói cho công bằng thì anh em chúng tôi đến với Bác Tư không chỉ là sự ngưỡng mộ một tài năng, cũng chẳng có cái diễm phúc được ông chỉ bảo một câu, một chữ nào trong viết lách. Ông đón nhận chúng tôi như một ông già thương yêu đám trẻ, có lúc lại như bạn để trà dư tửu hậu. Ông từng nói rằng khi ông làm bạn với ai, ông loại trừ hai tiêu chuẩn: Đó là tuổi tác và tài năng. Điều đó được chứng minh qua những lần ông khóa cửa để chơi với thằng em út của tôi từ sáng tới chiều bên chai rượu đế. Chính vì sự gần gũi ấy mà chúng tôi đã được học ở ông những bài học vô giá, học làm người và học làm nghề. Tất nhiên không phải là những bài rao giảng, mà bằng chính những câu chuyện ông kể, những chuyện ông gặp trong đời, ngoài những trang viết của ông.

Có lần ông kể với chúng tôi câu chuyện của một người có tài gài chim trao trảo. Rằng hồi ấy ở căn cứ miền Đông có một ông già có sáng kiến gài chim trao trảo rất độc chiêu: Ông làm một cái lờ bánh ú to hơn một ôm tay, chiều dài hơn hai thước, hai đầu bỏ trống, không gắn hom. Ông treo cái lờ trên ngọn cây gừa giữa rừng, trong đó cột vài ba nải chuối. Ngày đầu, vài chục con chim trao trảo tìm đến ăn trái gừa, cây gừa hết trái, chúng vào lờ ăn chuối chín, cứ ăn no rồi bay ra một cách an toàn, chúng báo hiệu cho cả dòng họ đến ăn. Ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư cũng thế, ông cứ tiếp tục treo thêm nhiều chuối chín. Khi ông quyết định gắn hom thì ngày hôm ấy hàng trăm con trao trảo mắt kẹt trong lờ. Cả dòng họ chúng không còn sót một con.

Khi mới nghe, chúng tôi chỉ cười chơi như một chuyện gài chim. Nhưng đi qua những biến cố trong đời, những lúc vấp ngã mới thấm đòn về câu chuyện ấy.

Năm 1993 tôi lên Sài Gòn, đó là lần sau cùng tôi nhậu với Bác Tư Sâm trong căn hộ trên lầu hai, số 190 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lần này tôi được nghe một câu chuyện khác rằng, ông có quen thân với một nghệ sĩ đàn cổ tên là Tư Chơi một thời vang bóng ở Sài Gòn. Một hôm, ông với ông Tư Chơi ngồi nhậu, lúc bấy giờ ông Tư Chơi đã giải nghệ vì tuổi già. Tình cờ, một anh thanh niên lạ mang đến tặng ông Tư Chơi một chai rượu và một cây đàn kìm với lòng ngưỡng mộ. Anh ta muốn được nghe lại tiếng đàn của ông Tư Chơi nhưng ông từ chối, trả lại khách chai rượu với cây đàn. Người khách thất vọng ra về. Ông Tư Chơi giải thích, thà để cho người thanh niên kia thất vọng, chớ cho anh ta nghe tiếng đàn của mình bây giờ, anh sẽ thất vọng hơn. Ở đời, dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải biết đi chỗ khác chơi đúng lúc.

Bác Tư Sâm chỉ kể với tôi câu chuyện ấy, thay cho lời giải thích vì sao ông về Bến Tre, sống với mãnh vườn, ao cá.

Cách nay hai năm, chúng tôi hẹn nhau về Bến Tre thăm Bác. Hôm ấy anh Lê Văn Thảo dẫn theo một ê-kip làm phim tài liệu. Đã biết trước rằng ông không bao giờ chấp nhận làm phim chân dung về ông. Nhưng anh Thảo cố tình nói dối rằng đoàn phim đang về Bến Tre để làm một bộ phim gì đó, nhân tiện ghé chơi và cũng có ý định quay Bác Tư vài cảnh để dành làm kỷ niệm. Nghe vậy, ông rất vui vẻ cho đạo diễn Lê Trí dàn dựng những cảnh sinh hoạt bình thường như tưới cây, làm cỏ, đọc sách. Ông nói rằng ông cũng cần vài phút hình để lại cho thằng cháu nội, khoảng bốn phút thoáng qua thôi. Thế nhưng trong lúc say rượu, anh em sơ ý xầm xì với nhau làm lộ ý đồ. Đoàn phim phải rút lui sau khi bị ông phản ứng.

Tiệc rượu hôm ấy dường như cũng mất vui bởi ai cũng thấy mình có lỗi với ông già.

Biết rằng chuyện hợp tan vốn là quy luật. Nhưng khi anh em chúng tôi trở thành cư dân Sài Gòn mà vắng bóng Bác Tư Sâm thì cảm thấy một sự trống trải đến vô cùng. Trống trải mà không thấy lạnh, không thấy mất. Phải chăng, chính vì cái sự “phải biết đi chỗ khác chơi đúng lúc” mà cái phần tâm linh của Bác vẫn còn ở lại với đất Sài Gòn – rất đẹp.

NGẬM NGÙI PHIÊN CHỢ TRĂM NĂM

Quê bà ở Bà Điểm, Hóc Môn, xứ sở của Mười Tám Thôn Vườn Trầu nổi tiếng với những cô gái tóc dài, da trắng, đằm thắm nết na. Hồi nhỏ, sáng nào bà cũng theo mẹ lên xe ngựa ra chợ Cầu Muối để bỏ mối trầu cau. Đến năm mười chín tuổi, bà phải lòng ông Nguyễn Văn Ba, con trai bà chủ vựa hành, hẹ, rau thơm rồi về chợ Cầu Muối làm dâu, bắt đầu cho một phiên chợ gần trọn một đời người.

Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào phản ánh một cách đầy đủ về sự hình thành và phát triển của chợ Cầu Muối và chợ Cầu Ông Lãnh dù nó vốn nổi tiếng và tồn tại song song hơn một thế kỷ qua.

Theo Sài Gòn năm xưa của cụ Vương Hồng Sển thì chợ Cầu Muối có từ triều Nguyễn. Hồi ấy, người ta đào một con kinh rẽ vào từ rạch Bến Nghé – tức đường Nguyễn Thái Học bây giờ – và bắc một chiếc cầu dưới bờ kinh để vận chuyển muối. Kho muối là những dãy nhà lá nằm dọc hai bên bờ kinh. Muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu được vận chuyển về đây để xuất qua Campuchia. Đến khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn thì những kho muối trở thành hoang phế. Dân tứ xứ chạy giặc về đây cư trú rồi dần dần họp chợ, gọi là chợ Cầu Muối.

Theo nhà văn Sơn Nam thì chợ Cầu Ông Lãnh và chợ Cầu Muối cùng ra đời vào một thời điểm như nhau, khoảng cách chỉ vài trăm mét bởi một dòng kinh. Cả hai chợ đều là “trên bến dưới thuyền” nhưng con kênh đào sau này lấp lại nên chợ Cầu Muối trở nên xa với bến sông.

Vì sao gọi là chợ Cầu Ông Lãnh? Một bài báo của Phong Vũ Trần Văn Hai (tức Khuông Việt) đoạt giải nhất về cuộc thi lịch sử trên báo Tri Tân xuất bản tháng 6/1942 đã kể lại rằng: Năm 1874, triều đình Huế ký hiệp ước cắt đứt Nam kỳ giao cho Pháp, theo hiệp ước này thì chính quyền Pháp được đặt lãnh sự quán ở Hà Nội và ngược lại, nhà Nguyễn được đặt lãnh sự quán ở sài Gòn, trụ sở đóng tại góc đường Đề Thám - Trần Hưng Đạo ngày nay, vị lãnh sự ấy là ông Nguyễn Thành ý (hiện còn tên đường ở phường ĐaKao, quận I). Công việc chủ yếu của lãnh sự quán lúc bấy giờ là làm thị thực cho người miền Trung vào Sài Gòn mua bán nên ông Nguyễn Thành Ý thường đi chiếc xe song mã qua lại khu vực chợ dưới bến Chương Dương, chỗ chiếc cầu neo đậu xuồng ghe của giới thương hồ. Từ đó mới có tên gọi là chợ Cầu Ông Lãnh.

Năm 1875, chính quyền Pháp ở Sài Gòn chính thức cho phép thành lập chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh. Nếu tính từ mốc thời gian ấy thì đến nay đã tròn một 125 năm, còn khoảng thời gian trước đó bao nhiêu năm nữa thì vẫn chưa có lời giải đáp.

Trải qua hơn một trăm năm, lịch sử đầy biến cố nhưng chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh vẫn tồn tại và phát triển không ngừng với vai trò đầu mối tiêu thụ, giao lưu nông sản từ miền Trung đến miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, cung cấp cho ba mươi sáu chợ lớn nhỏ ở sài Gòn. Nó gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp và văn minh miệt vườn của khu vực miền Nam.

Người ta gọi chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh là một phiên chợ trăm năm vì nó hoạt động hai mươi bốn giờ, không có phút giây ngừng nghỉ, không có phiên sáng phiên chiều như nhiều chợ khác. Vì thế, suốt hơn trăm năm qua, chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh là sự tiếp nối từ đời này sang đời khác với những buồn vui, thăng trầm của bao thế hệ truyền lại cho nhau một cuộc mưu sinh.

Bà Lê Thị Hoa, bảy mươi sáu tuổi, chuyên kinh doanh hành, hẹ, rau thơm gần sáu chục năm nay, sau một ngày buôn bán ở chợ mới Tam Bình, bà trở về chợ Cầu Muối, ngồi buồn hiu trước gian hàng cũ. Bà cho biết, nhà bà ở bên quận Tư nhưng ít khi bà về bên ấy dù ở đây chật hẹp có mấy mét vuông. Khi được hỏi về tâm trạng của bà khi dời chợ, bà nói một cách rất thật lòng: “Thành phố chủ trương dời mười chợ đầu mối ra ngoại thành là chuyện đương nhiên rồi. Nhưng ở đây cả đời, bây giờ ra đi cũng buồn lắm!”

Khi tôi hỏi duyên cớ nào để bà trở thành tiểu thương ở chợ Cầu Muối, đôi mắt bà bỗng sáng lên như xua tan nỗi buồn hiện tại. Bà kể, quê bà ở Bà Điểm, Hóc Môn, xứ sở của Mười Tám Thôn Vườn Trầu nổi tiếng với những cô gái tóc dài, da trắng, đằm thắm nết na. Hồi nhỏ, sáng nào bà cũng theo mẹ lên xe ngựa ra chợ Cầu Muối để bỏ mối trầu cau. Đến năm mười chín tuổi, bà phải lòng ông Nguyễn Văn Ba, con trai bà chủ vựa hành, hẹ, rau thơm rồi về chợ Cầu Muối làm dâu, bắt đầu cho một phiên chợ gần trọn một đời người. Và bây giờ, khi đã về già, bà lại giao quyền làm chủ vựa lại cho con dâu. Cái vòng đời ở đây là như thế.

Một buổi chiều mưa lắc rắc, trong quán cà phê vỉa hè trên đường Nguyễn Thái Học, tình cờ tôi được trò chuyện với ông Sáu Măng, một người có thâm niên trên bốn mươi năm hành nghề bốc vác. Quê ông ở Cái Bè, Tiền Giang. Ông theo cha lên đây từ năm tám tuổi. Hồi ấy cha ông làm cạp-rằng vệ sinh cho Tây ở chợ Cầu Ông Lãnh. Thuở ấy ông vừa đi học, vừa kiếm sống bằng cách đi nhặt củ hành của tỏi rơi rớt trong chợ Cầu Muối về rửa sạch và tách ra ngồi bán lẻ. Cho đến khi đủ sức lao động, ông xin vào làm bốc vác cho đến bây giờ.

Cuộc đời ông là một phiên chợ hơn năm mươi năm. Bây giờ sắp nghỉ hưu rồi giật mình nhìn lại mới thấy nó dài, mới thấy có ngày có đêm chớ mấy chục năm qua gần như ông không thấy. Ông nói thông thường thì người ta ngủ vào buổi tối và thức dậy vào buổi sáng, còn dân bốc vác ở chợ Cầu Muối là thức hay ngủ tùy theo những chuyến hàng.

Hỏi chuyện xưa ở chợ Cầu Muối, ông sáu Măng kể rành mạch như kể chuyện nhà mình. Hồi ông trở thành dân Cầu Muối thì cái chợ này còn đất bùn lầy lội. Tiểu thương phải cặm cây, lót ván làm sạp, mái lợp bằng lá dừa nước. Tuy chợ nhóm suốt đêm nhưng thắp sáng chủ yếu bằng đèn dầu, ngoại trừ một số sạp lớn thì có đèn măng-xông. Bắt đầu từ sáu giờ chiều là xe ngựa, xe bò từ các nơi chở hàng về tấp nập, vây kín các ngỏ đường. Phía bên chợ Cầu Ông Lãnh thì xuồng ghe vấy kín một khúc sông. Hàng về dù trên bờ hay dưới sông cũng đều được phân chia thành bến: Bến Mỹ Tho, bến Long Xuyên, bến Sóc Trăng, bến Phan Thiết, bến Nha Trang, bến Huế... và hầu hết các bến bãi đều do dân giang hồ quản lý, điều hành để thu tiền bốc vác. Ai mạnh thì được, ai yếu thì thua. Đó là quy luật không chỉ của giới giang hồ. Những cuộc tranh giành bến bãi bằng gậy gốc, đau kiếm xảy ra liên tiếp. Cụm từ Dân Cầu Muối nổi tiếng khắp sài Gòn lục tỉnh cũng bắt đầu từ đó.

Tuy nhiên, theo ông sáu Măng thì trong giới giang hồ ở chợ Cầu Muối hồi ấy cũng rất nhiều người tốt. Những tên tuổi như Kim Anh, Xuân Cầu Muối, Minh Cầu Muối là những tay anh chị vang bóng một thời ấy tuy hung hăng với đối phương trong việc tranh giành bến bãi nhưng rất thương người lao động nghèo. Bản thân ông Sáu Măng cũng từng được họ cưu mang, đùm bọc trong những lúc khó khăn.

Dù nhìn ở góc độ nào đi nữa thì sự tồn tại của các chợ đầu mối nông sản thực thẩm giữa lòng thành phố vẫn là điều nghịch lý. Và cái nghịch lý ấy sẽ đi theo tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển của bất kỳ một thành phố văn minh nào. Vấn đề vệ sinh môi trường, vấn đề trật tự giao thông và hàng loạt các vấn đề xã hội khác càng ngày sẽ trở thành nan giải. Cho nên việc di dời các chợ đầu mối nông sản thực phẩm ra ngoại thành đang là một vấn đề bức xúc. Tuy nhiên, đã gọi là chợ thì việc di dời tiểu thương từ chợ này sang chợ khác hoàn Toàn không đơn giản như ta chuyển một hòn đá vô tri từ điểm A sang một điểm B bởi hàng loạt vấn đề xã hội đã ăn sâu bám rể trong đời sống con người. Càng không đơn giản đối với hai chợ Cầu Muối và Cầu Ông Lãnh vốn đã mang đậm màu sắc lịch sử trên một trăm năm.

Ông Tư Bốn, sáu mươi tuổi tuổi, kinh doanh nghề rau củ quả đang mang một nỗi lo bế tắt: “Cũng như hàng trăm tiểu thương ở đây, nếu tính đời con của tôi nữa thì coi như ba đời gắn bó với cái chợ Cầu Muối này rồi. Nhưng bây giờ tôi phải ở lại đây nhìn bà con ra đi mà muốn rơi nước mắt, còn mua bán tại chỗ thì cứ phập phòng lo sợ không biết sẽ bị dẹp lúc nào!” Tôi hỏi lý do thì được ông giải thích: “Năm 1995, nhà nước điều chỉnh quy hoạch lộ giới thì trên tuyến đường này có bốn mươi hộ bị xem là lấn chiếm lòng lề đường nên không được cấp giấy phép kinh doanh. Thế nhưng, hàng năm chúng tôi vẫn được bán môn bài và làm nghĩa vụ thuế đầu đủ. Vậy mà bây giờ khi dời chợ, chúng tôi không được đăng ký mặt bằng ở chợ mới vì lý do không có giấy phép kinh doanh?!”

Chị Nguyệt, một tiểu thương chuyên bán cà chua còn cho chúng tôi biết thêm, ngoài những đối tượng như ông Tư Bốn, ở đây còn có trên bốn trăm hộ mua bán nhỏ, không đăng ký kinh doanh nhưng mỗi ngày vẫn đóng hoa chi mười ngàn đồng, bây giờ không biết phải về đâu, đăng ký sang chợ mới thì không được giải quyết, mà ở lại thì không biết sẽ bị giải tỏa lúc nào.

Đó mới chỉ là những nghịch cảnh trong giới tiểu thương, còn các thành phần lao động khác, theo ông sáu Măng thì... hàng hà sa số phận!

Ông Sáu Măng cho biết, chỉ tính riêng Hợp tác xã bốc xếp Cầu Ông Lãnh thôi thì hiện đang có 396 người đang thất nghiệp. Mấy ngày qua, ông cùng với Ban quản lý Hợp tác xã chạy đôn chạy đáo sang ba chợ đầu mối mới là Tam Bình (Thủ Đức), Bình Điền (Bình Chánh) và Tân Xuân (Hóc Môn) gặp các Ban quản lý chợ để tìm việc cho anh em. Nhưng ở đâu người ta cũng trả lời rằng công việc bốc xếp không đủ giải quyết cho người địa phương thì lấy đâu ra chỗ để giải quyết cho người quận khác. Ông nói lúc từ giã ra về, tìm không được việc cho anh em đã buồn, khi nhìn thấy bà con tiểu thương ở chợ Cầu Muối và cầu Ông Lãnh về bên ấy mà buồn muốn khóc. Dù gì cũng đã gắn bó với nhau mấy chục năm qua.

Ngoài 396 công nhân bốc xếp là xã viên chính thức của Hợp tác xã Cầu Ông Lãnh, ông Sáu Măng cho biết ở đây còn có trên năm trăm người chuyên đẩy xe cho bạn hàng và gần 2.000 lao động chuyên làm các dịch vụ khác như rửa rau, lặc rau, gọt củ, dọn hàng, đóng gói... đang bị mất việc không biết sẽ sống ra sao.

Có lẽ đó là những yếu tố không được đưa vào bàn nghị sự của các nhà làm quy hoạch chợ.

Buổi sáng ngày 23 tháng 10, tức ba ngày sau khi kết thúc vai trò lịch sử 150 năm của hai khu chợ đầu mối nổi tiếng này, chúng tôi bước vào nhà lồng chợ rau quả Cầu Ông Lãnh. Khu nhà vừa đang trở thành hoang vắng. Trong cái sự hoang vắng sau một phiên chợ trăm năm ấy, tôi cảm nhận có cái gì đó khác thường, một sự ngậm ngùi khó tả. Ngồi trong quán cà phê nhỏ nhoi của ai đó mới bày ra, anh Nguyễn Minh Trung rầu rỉ nói: “Hồi năm 1950, cha tôi đã đến đây làm nghề bốc vác. Ông qua đời từ năm 1980. Lúc ấy tôi mới hai mươi tuổi nhưng phải bỏ học để tiếp tục nghề cha nuôi sống gia đình. Bây giờ đến lượt hai thằng con trai và một thằng rể cũng nối nghiệp tôi. Vậy mà đùng một cái, tất cả đều thất nghiệp. Mà một người thất nghiệp thì ảnh hưởng đến năm bảy miệng ăn”. Anh Trần Quang Dũng đưa mắt nhìn xuống bến sông, giọng như nghẹn lại: “Gia đình tôi cũng ba đời làm nghề bốc vác ở cái chợ này. Tôi có hai đứa con trai, một đứa đang học lớp 12, một đứa vừa thi đậu vào trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ, tôi làm ngày làm đêm để cho con ăn học với hy vọng đời nó sẽ khác hơn. Học phí của thằng con lớn một năm ba triệu đồng, tôi mới đóng được 1,3 triệu. Bây giờ mất việc, hai đứa nó chắc sẽ không còn cửa nào để ăn học tiếp”.

Một lúc sau, từng tốp người kéo đến, kẽ ngồi người đứng vây kín chiếc bàn. Tôi cố làm ra vẻ lạnh lùng rồi tìm cách rút lui bởi không biết phải nói gì, làm gì trước bao nhiêu số phận.

Đứng trên cầu Ông Lãnh, nhìn xuống bến Chương Dương, tôi có thể hình dung ra tương lai của một đại lộ Đông – Tây với bờ kè thênh thang đầy cây xanh bóng mát. Và con rạch Bến Nghé rồi sẽ là một dòng sông lấp lánh màu xanh soi bóng nền trời đầy mây trắng. Nhưng tương lai của mấy đứa con anh Dũng, anh Trung thì tôi không thể nào hình dung ra được.