Thế Giới Người Điên - Chương 11 - 12

HAI MƯƠI NĂM GÁNH ỐC GIỮA SÀI GÒN

Tháng chín năm 1973, thành phố Hải Phòng tổ chức lễ mừng công phá sạch thủy lôi mà người Mỹ đã thả xuống khu vực cảng. Kỹ sư hàng hải, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Bạch – một người Nam tập kết – là một trong những người được tôn vinh công trạng ấy. Và cô giáo Trần Thị Mùi – một trong những người đẹp mang hoa đến tặng các chiến sĩ hải quân – đã không kịp đối phó khi Hai Bạch vừa nhận hoa, vừa ôm hôn cô ngay trên sân khấu. Không kịp đối phó, thậm chí không kịp từ chối lời mời đi nghỉ mát ở Đồ Sơn của Hai Bạch ngay trong ngày hôm ấy. Vậy là gần một năm sau, bé trai Nguyễn Thanh Hải chào đời.

Năm 1975, chị Mùi ẵm con lên tàu theo chồng về sài Gòn công tác. Khi cháu gái Nguyễn Thanh Hương tiếp tục chào đời, chị lại theo chồng chuyển về Cà Mau – nơi chôn nhau cắt rốn của anh – Lúc này, Hai Bạch làm cán bộ thanh tra Nhà nước. Cuộc sống tưởng sẽ bắt đầu ổn định ở quê chồng. Nhưng rồi, vì một chuyện bất bình trong công tác chuyên môn, Hai Bạch nổi trận lôi đình, chửi bới lung tung rồi bỏ việc, dắt díu vợ con trở lại Sài Gòn với lời nguyền: Hy sinh đời bố, củng cố đời con.

Cuộc sống mỗi ngày một khác, anh trở lại Sài Gòn thì mọi quan hệ đã đổi thay, không còn nơi nương tựa để tìm được việc làm. Hai vợ chồng, hai đứa con mọn cứ lang thang đi ăn nhờ ở đậu với bạn bè. Cũng may là anh còn chiếc Honda để chạy xe ôm kiếm sống.

Khi bé Hải vào lớp một, bé Hương đi mẫu giáo, cuộc sống cần phải được an cư, Hai Bạch bán chiếc Honda để mua lại một nửa căn nhà ổ chuột trong một con hẻm trên đường lê Hồng Phong. Vì là chỗ ở nên phải gọi là nhà, thật ra nó chỉ là một cái mái hiên mười một mét vuông để che mưa che nắng. Và khi đã có chỗ che mưa che nắng thì đã không còn chiếc xe làm phương tiện mưu sinh. Để cho hai đứa con được no bụng, có sách vỡ và quần áo lành lặn để đến trường thì cái bình thủy, cái quạt máy, cái chén kiểu, cái áo len, áo gió... những vật kỷ niệm của anh chị từ cái thuở ban đầu ấy lần lượt ra nằm ở chợ trời. Đến lúc trong nhà không còn hạt gạo và cũng không còn thứ gì để bán thì chị mới lạnh toát mồ hôi.

Sáng hôm ấy, cầm tờ giấy bạc năm mươi xu cuối cùng trên tay, chị cứ mân mê không biết phải làm gì. Bất thần, như một thứ phản ứng sinh tồn, chị chạy vội ra đầu hẻm mua một chục bánh ú rồi tiếp tục chạy thẳng ra công viên, nơi có nhiều người đang tập dưỡng sinh. Bán xong, chị quay lại đầu hẻm mua bánh rồi chạy ra bán tiếp. Cứ thế, ngày lại ngày, chị có đủ tiền để mua một chiếc đòn gánh và đôi gióng thúng, khởi đầu cho cái nghiệp đi bán ốc dạo suốt hai mươi năm.

Có lần tôi hỏi chị vì sao lại chọn cái nghề bán ốc mà không chọn nghề khác. Chị nói bản thân chị cũng không hiểu. Lúc túng cùng, chợt nhớ thời con gái hay cùng bạn bè ở Hải Phòng ngồi lề đường ăn ốc của mấy bà bán dạo. Thấy ở sài Gòn không ai bán món ấy, mình bán thử xem, với lại không có vốn thì biết làm gì khác.

Một đôi gánh, một bếp than, một nồi ốc luộc, vài chục trứng vịt lộn vùi trấu để luôn luôn giữ nóng. Một cô giáo vốn rụt rè, nhút nhát chưa từng biết va chạm với đời giờ phải lao vào cuộc mưu sinh giữa một thành phố lạ với những môi trường đầy phức tạp. Khách hàng của chị chủ yếu là những người lao động nghèo chuyên sống về đêm: Những anh xích lô, những anh bốc xếp, những chị bán chè, bán xôi, bán nước mía, bán vé số... kể cả những cô gái đứng đường và bọn ma túy, lưu manh. Có khi, cả một nhóm thanh niên xúm lại ăn rồi thản nhiên đứng dậy đi, không trả tiền mà cũng chẳng nói tiếng nào; hoặc nhiều lúc năm bảy cô gái điếm đang ăn thì bất ngờ bị công an truy quét, tất cả quăng đĩa bỏ chạy không kịp tính tiền, lúc ấy chị Mùi chỉ còn ngồi khóc. Đêm đêm, chị đi từ đầu hôm cho đến năm, sáu giờ sáng mới về. Nhiều khi bán ế, chị về trể, ở nhà không có tiền, bé Hương và bé Hải mang bụng đói đi học. Anh Hai Bạch ở nhà thắt thỏm đợi chị về rồi mua hai ổ bánh mì, hai vợ chồng lội bộ đến trường, đợi đến giờ chơi nhờ anh bảo vệ mang vào cho con. Những lúc ấy, hai vợ chồng chị ngồi núp ngoài hàng rào, nhìn hai đứa con ngồi ăn ngon lành trên ghế đá khuôn viên, chị đã rơi nước mắt.

Những đêm mưa dầm vắng khách, chị thất vọng quảy gánh lội về. Trong lúc đang buồn rầu vì lỗ vốn, không biết lấy gì để lo cho cuộc sống ngày mai thì bất chợt khi vào nhà thấy Hải và Hương đang ngồi múc nước tắm cho hai ông thần tài và thổ địa. Hải nói: “Trời mưa, nhìn qua nhà hàng xóm thấy người ta quây quần xem tivi, con nhớ mẹ giờ này đang dầm mưa ngoài phố. Nghe người ta nói khi trời mưa mình tắm cho ông địa thì trời mau tạnh, con rủ em ra làm và khấn vái cho mẹ bán đắt để mau về”. Đêm ấy, chị không sao ngủ được. Căn nhà vốn đã chật hẹp, mỗi khi trời mưa thì nước từ trên dột xuống, nước từ đường mương, ống cống tràn lên, ngập cả chân giường, mùi hôi bốc lên nồng nặc, muỗi bám đầy mùng, chuột cống bò lễnh nghễnh dưới chân. Cứ thế chị sống và chịu đựng, sống trong niềm mơ ước về tương lai của Hải và Hương.

Một hôm chị giật mình nhận ra một bờ vai chị đã chai sần, chiếc đòn gánh đã bóng mòn đoạn giữa. Nhưng chị cũng nghe hạnh phúc trào dâng vì Hải và Hương đã lớn khôn, có đủ hai yếu tố cần thiết nhất của con người: Sự thông minh và tốt bụng.

Năm 1993 – tức hai mươi năm sau cái ngày chị ôm hoa lên lễ đài tặng cho Hai Bạch ở Hải Phòng để bất ngờ nhận cái hôn đầu tiên làm đổi đời con gái – Hải vào Đại học Bách khoa. Năm 1995, Hương trúng tuyển vào Học viện Ngân hàng. Cái gánh ốc ấy lại nặng oằn trên vai chị thêm nhiều năm nữa cho đến khi Hương ra trường tìm được việc làm và Hải lấy bằng Thạc sĩ.

Tôi trở lại thăm chị lần này, tất cả đã khác xưa. Con hẻm lầy lội, vô danh ngày nào nay đã mang tên đường Hồ Thị Kỷ, đã tráng bê tông cao ráo. Căn nhà ổ chuột của chị đã trở thành nhà đúc ba tầng dù vẫn trên cái nền mười một mét vuông. Hai Bạch ngồi salon uống trà, vừa canh cái tủ yaourt trước cửa. Đã bảy mươi hai tuổi rồi mà trông anh vẫn còn tráng kiện, vẫn yêu đời, vẫn nụ cười sang sảng. Chị Mùi mặc bộ veston từ trên lầu đi xuống. Ngoài sân có mấy bà mặc áo dài đứng đợi. Sau mấy phút mừng vui thăm hỏi, chị Mùi bảo tôi ở nhà chơi với anh, chị phải đi đám cưới. Cũng như bao nhiêu lần trước, hễ gặp tôi là Hai Bạch khoe con như người giàu khoe của. Anh cho biết, hiện nay có một công ty đang thuê Hương làm giám đốc với mức lương khá hậu nhưng Hương còn đang đắn đo chưa muốn rời chỗ cũ vì cái tình, cái nghĩa với người ta. Còn Hải thì bù đầu với bao công việc: vừa phụ trách khoa địa lý môi trường ở Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, vừa giảng dạy, vừa quản lý phòng thí nghiệm của trường, vừa hướng dẫn sinh viên nghiên cứu đề tài khoa học, vừa làm giáo viên thỉnh giảng của nhiều trường Đại học ở khu vực Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Và mới đây, Hải đã trúng tuyển đi nghiên cứu sinh, làm luận án Tiến sĩ với đề tài khoa học: Khảo sát sự ô nhiễm và lan tràn ô nhiễm các kim loại nặng tại lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai.

Hai Bạch nói, hồi Hải còn nhỏ, mỗi sáng anh bắt Hải phải chạy bộ gần bảy cây số từ Ngã Bảy đến hồ bơi Yết Kiêu, bơi xong rồi chạy về. Anh kể cho Hải nghe rất nhiều chuyện, nhưng tất cả mọi chuyện nhằm mục đích cho Hải nhận thức rằng, tất cả những vinh quang đều không nằm trên nhung gấm. Sau này, khi đi giảng bài ở các Trung tâm Đại học tại chức, có một vị cán bộ nọ thi rớt môn của Hải. Ông ta tìm gặp Hải và đặt thẳng vấn đề: Em giúp anh, anh sẽ đền ơn em một cái nền nhà, có sổ đỏ và có luôn giấy phép xây dựng. Hải lạnh lùng từ chối khéo: Anh thông cảm, kỳ thi vừa rồi em đi công tác ở Tây nguyên nên không tham gia chấm thi.

Thế nhưng khi tôi hỏi Hải về cái chuyện đổi đất lấy điểm ấy thì hải lại ngập ngừng nói: Cháu nghĩ ở môi trường nào cũng có sự phức tạp của nó. Nhưng riêng về chuyện ấy thì... không có đâu chú ạ. Chính cái sự không nói ra ấy đã làm cho tôi thấy Hải lớn lao hơn.

Mỗi khi nhắc đến Hải, chị Mùi thường tâm sự: Chị không uổng công hai mươi năm gánh ốc để nuôi Hải trưởng thành. Với chị, sự thành đạt của con về cấp bằng học vị không làm cho chị sung sướng, hãnh diện bằng sự hoàn thiện về nhân cách.

Thì ra, ngoài vai trò người mẹ hai mươi năm gánh ốc để nuôi con, trong suy nghĩ của chị Mùi vẫn còn là một cô giáo.

ĐỨA CON NUÔI

Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác, nó nặng đến nổi một người không thể mang nổi mà phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Anh giúp tôi, tôi giúp cho người khác, người khác lại giúp cho người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng. Sao cho cái chết của mỗi con người không đẩy chúng ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống.

( DUMBATZÉ)

CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT

Chuyện kể rằng, cậu bé Nguyễn Hữu An là con trai út trong một gia đình có năm anh em ở khu Bào Trũng – ngoại ô thành phố Vũng Tàu. Cha mẹ An – ông Nguyễn Hữu Thiền và bà Hoàng thị Bích Vân – vì gia cảnh quá nghèo nên không thể cùng một lúc nuôi năm đứa con ăn học, cho nên khi An vừa học xong lớp sáu thì cha em gửi em lên chùa Tường Vân – huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng – để An vừa làm công quả, vừa tiếp tục học hành. Tuy mới mười hai tuổi nhưng An đã sớm ý thức được thân phận và hoàn cảnh của mình. Chẳng những em không buồn mà ngược lại, em càng cảm thấy thương cha thương mẹ. Cứ mỗi hừng đông, cha em thức dậy hì hục bên đám rau muống sau nhà, cắt, tỉa, bón phân, chở từng bó rau ra chợ. Và cũng cứ mỗi hừng đông thì mẹ em đã khoát đôi gánh lên vai, cất tiếng rao như lời ru dọc dài trong xóm: “Ai ăn bánh bò, bánh ích trần hôn...?”

Khi ba người anh trai của An bước vào đại học thì từng thửa đất sau nhà cũng lần lượt ra đi. Đôi gánh của mẹ em cũng mỏi mòn theo năm tháng.

Sáu năm miệt mài đèn sách, sáu năm lầm lũi quét lá đa, tưới kiểng, đánh chuông, tụng kinh, gõ mõ, An về quê làm hồ sơ thi đại học thì cũng là lúc mẹ em quằn quại trong cơn bệnh ngặt nghèo: Ung thư trực tràng và ung thư gan ở giai đoạn cuối. Năm anh em cùng với cha thay nhau đi tìm kiếm bà con, họ hàng để vay tiền, đưa mẹ vào Sài Gòn nhập viện. Nhưng không còn kịp nữa, ba tháng sau, người mẹ đã qua đời.

CÂU CHUYỆN THỨ HAI

Câu chuyện sẽ kết thúc với những dòng ngắn gọn trên đây nếu như những tháng ngày vừa nuôi mẹ, vừa ôn thi trong bệnh viện Ung bứu, Nguyễn Hữu An không có thêm người mẹ thứ hai, đó là: Má Phẳng!

Chị Phẳng sinh ra và lớn lên ở một vùng ven Buôn Ma Thuột. Cuộc đời chị là cả một cuộc đời buồn: Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, chị đã mất cha. Có lẽ vì mẹ chị đã “thề ở vậy nuôi con” nên khi lớn lên, chị cũng “thề ở vậy nuôi mẹ” mà không chịu lấy chồng. Đến khi giật mình nhìn lại thì tuổi đã quá năm mươi, sự cô đơn, nghèo khó đã đeo đẳng chị hết cả cuộc đời. Hai mẹ con, một căn chòi xiêu vẹo, một sào ruộng với mùa lúa mùa khoai. Ruộng không đủ sống, chị phải lên rừng lấy củi, lên rẫy làm thuê để nuôi mẹ già nay đau mai ốm. Vậy mà, “nhà sập bìm leo”: Trong lúc mẹ chị nằm liệt giường vì đau khớp thì chị nghe trong ngực mình có một khối u và từng cơn đau nhói. Ra tỉnh siêu âm, người ta nghi ngờ chị bị ung thư vú, chị vội vã vào Sài Gòn xét nghiệm thì kết quả không sai.

Bệnh viện ung bứu bảo chị phải nhập viện để mổ lấy khối u. Điều đó thật quá sức so với cảnh tình của chị. Tiền đâu để mổ? Rồi ai nuôi mẹ già đang nằm liệt giường trong mấy tháng trời? May thay, có một người hàng xóm tốt bụng đã tình nguyện chăm nuôi mẹ chị, còn chi phí nhập viện, chị bán sào ruộng được mấy chỉ vàng.

Năm 1992, phương pháp điều trị ung thư vẫn còn là vấn đề nan giải, cho nên sau khi mổ xong, chị Phẳng cứ bình thản về quê mà không lường được những hậu quả sau này. Suốt ba năm dài, chị cứ miệt mài làm thuê nuôi mẹ mà không hay rằng bệnh đang tái phát, đã di căn qua phổi, qua xương. Rồi một đêm trong căn chòi tối tăm, xiêu vẹo ấy, mẹ chị đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của chị – vòng tay của một người con đang lâm bệnh ung thư!

Trong nỗi buồn đau cô quạnh, căn bệnh lại hoành hành. Chị nghe hơi thở nặng từng cơn, đôi chân đau buốt. Không còn cách nào khác, chị bán vội mãnh đất thổ cư với căn chòi mục nát, lên mộ mẹ thắp một nén nhang rồi từ biệt xóm làng, từ biệt nơi chôn nhau cắt rốn, nặng nề từng bước lên xe đò vào Sài Gòn nhập viện. Đến đây, sau kết quả xét nghiệm chị mới hay rằng giữa chị với cái chết đang sắp sửa cận kề. Mạng sống được giữ lại bằng mấy liều hóa chất, nhưng đồng tiền không đủ cho chị đi đến toa thuốc sau cùng. Đành chịu! Chị ngồi thẩn thờ bên gói hành lý nhỏ nhoi với hai hàng nước mắt. Giờ biết phải về đâu? Về quê thì xem như không có đường về. Mà ở lại làm gì khi không còn tiền chữa bệnh? “Thôi thì má cứ ở lại đây. Giường nào trống thì cứ nghỉ, một bữa cháo, hai bữa cơm thì có bếp ăn từ thiện, chết thì cũng có tổ chức từ thiện chôn cất hẳn hoi”. Chị Thu Nga, hộ lý của khoa khuyên chị như thế. Chị không hiểu vì sao chị Nga lại tốt với mình như một người thân. Một má Phẳng, hai má Phẳng. Tới tháng lương, chị Nga nhỏ to với các y bác sĩ trích lại cho má Phẳng một ít tiền. Rồi tới kỳ hoàn máu, ai cũng có những người thân tiếp máu người thân. Thấy chị Phẳng tủi thân ngồi khóc, chị Nga lại tự nguyện hiến máu của mình.

CÂU CHUYỆN THỨ BA

Ông Thiền ở nhà chạy tiền chạy gạo, An cùng với bốn anh trai túc trực trong bệnh viện nuôi mẹ trong cảnh nghèo khó tột cùng mà căn bệnh của bà Bích Vân thì không còn đường cứu chữa. Lúc bấy giờ, bệnh viện quá tải, người bệnh người nuôi chen chút nhau, không đủ chỗ nằm, chị Phẳng phải nằm chui dưới gầm giường của bà Bích Vân. Trong những ngày sức khỏe tạm thời ổn định, chị Phẳng đã sẽ chia, chăm sóc bà Vân, làm thay những công việc mà con trai không làm được. Hai người đã trở thành bạn thân với nhau tự lúc nào không biết. Bà Vân chừng như hiểu được nỗi khát khao của chị Phẳng về cái hạnh phúc của một người mẹ sắp lìa đời trong sự ấm áp tình thương của năm đứa con trai hiếu thảo. Bà hay nói với An: “Khi mẹ chết rồi, con hãy lo cho má Phẳng như mẹ ruột của con”. Rồi bà nói với chị Phẳng: “Nếu tôi đi trước, chị đi sau, chị hãy coi thằng An như con của chị.”

Chẳng hiểu sao, lúc ấy chị Phẳng trở nên khỏe mạnh lạ thường, chị đóng vai trò chỉ huy năm anh em của An trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bà Vân. Kể cả khi bà Vân qua đời, chị cũng ra tận Vũng Tàu lo mai táng.

CÂU CHUYỆN THỨ TƯ

Mẹ An mất vào tháng bảy năm 2002. Năm ấy An thi rớt đại học.

Sau tết, em trở vô Sài Gòn để tiếp tục ôn thi. Ghé vào bệnh viện ung bứu, An thấy má Phẳng nằm liệt dưới gầm giường, người xanh xao, đôi chân không còn cử động. Không một chút đắn đo, An ở lại dưới gầm giường với má. Tại đây, An vừa ôn bài, vừa chăm lo cho má Phẳng. Sau bốn giờ sáng, em thức dậy xuống bếp từ thiện nấu cháo với các sư cô chùa Bảo Vân. Xong, em trở lên làm vệ sinh cho má – những công việc mà trước đây, với mẹ em, má Phẳng đã làm thay. Bây giờ, bao nhiêu hiểu biết, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy trong những tháng ngày nuôi dưỡng mẹ mình, em đã dành cho má Phẳng – từ cơm cháo, thuốc thang, tắm giặt. Trong đó, có cả sự khát khao làm mẹ mà má Phẳng đã từng nói bằng ánh mắt với mẹ em.

Cứ thế, rồi đến một ngày, câu chuyện ấy được kể lại trên một tờ báo. Chị Phẳng đã vượt qua cơn đau bởi những tấm lòng hảo tâm bằng những liều hóa trị. Có một anh kiến trúc sư tên Nguyễn Văn Trung đã vào bệnh viện tìm An để giúp em ôn thi. Trung nói, mẹ anh cũng chết vì ung thư lúc anh mới lên mười hai tuổi, giờ anh muốn làm một điều gì đó để chia sẻ với An. Hàng đêm, dưới ánh đèn công cộng, trên chiếc ghế đá trong khuôn viên bệnh viện, bên con đường Nơ Trang Long xe cộ ồn ào, có hai mái đầu chụm vào nhau trên trang sách. Mùa thi ấy, An đã vào đại học.

Hơn một năm dài, sau giờ tan học, ai nấy đều trở về nhà trọ hoặc nhà mình. Chỉ có An lầm lủi trở về dưới gầm giường trong bệnh viện. An những bữa cơm từ thiện, uống nước từ thiện, mọi sinh hoạt, học hành gắn trong một thế giới của bệnh tật, của đau đớn, rên la và chết chóc. Rồi bệnh viện quá tải đến mức gầm giường cũng không đủ chỗ cho bệnh nhân, buộc An phải đưa má Phẳng ra nhà trọ.

Tôi tìm gặp lại An, bây giờ em đã là sinh viên năm thứ ba. An trắng trẻo, đẹp trai và lúc nào cũng nở một nụ cười nhân hậu. “Năm ngoái – An nói – khi phân chuyên ngành, em chọn ngành văn hóa. Nhưng ngành văn hóa chỉ có một lớp buổi sáng, mà buổi sáng thì em phải đưa má vào bệnh viện nên không học được. Cuối cùng em chọn ngành du lịch để học buổi chiều”.

An đi rồi, chị Phẳng nằm bẹp một mình trong căn phòng trọ, nước mắt rưng rưng. Chị nói: “Nó đi rồi tôi mới dám khóc, sợ nó thấy nó rầy. Khổ vậy mà lúc nào cũng thấy nó cười. Tan học về tới nhà là nó la lên: “Con về nè má ơi”. Rồi nhào vô xoa bóp chân, rồi hỏi han đủ thứ. Hôm nào kẹt xe về trể là nó lo, nó lo vì nó sợ tôi lo. Đêm nào nó cũng thức học bài cho đến một hai giờ khuya, vậy mà nó vẫn dậy sớm, đỡ tôi ngồi dậy, lấy nước, lấy bàn chải, nặng kem, nấu nước nóng cho tôi lau mình rồi lui cui làm đồ ăn sáng. Dạo này mỗi tuần tôi chỉ đi bệnh viện một lần nên nó mới đi học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn, vi tính...”

Tôi đâm ra thắc mắc: Với mức thu nhập tối đa mỗi tháng chín trăm ngàn đồng ở một nhà hàng tiệc cưới, nơi An làm việc ca đêm thì làm sao có thể nuôi nổi một người mẹ ốm đau, rồi tiền trọ, tiền học phí, tiền ăn... An lấy gì để học thêm tiếng Anh, tiếng Hàn và vi tính? Trong khi bốn người anh của An đã tốt nghiệp đại học mà đồng lương vẫn còn bấp bênh, lại phải nuôi cha đang bệnh ở quê nhà. Chị Phẳng nói: “Hình như mọi thứ đều do bên chùa Bảo Vân họ giúp.”

Sư cô Như Giác, quản trị chùa Bảo Vân ở Bình Thạnh kể: “Tôi biết An trong một dịp tình cờ khi lên chùa Tường Vân ở Đơn Dương, thấy một cậu bé vừa chăm học lại vừa siêng năng làm công quả. Lúc ấy em nói em vừa muốn đi tu lại vừa có khát vọng học hành. Tôi khuyên em phải cố gắng học đến nơi đến chốn rồi sau này theo đạo hay theo đời cũng đều tốt cả. Vậy rồi mấy năm sau, cũng tình cờ thấy em tham gia nấu cháo từ thiện trong bệnh viện ung bứu, hỏi ra mới biết em vừa ôn thi vừa nuôi má Phẳng. Từ đó chúng tôi đưa em vào trong chương trình từ thiện của nhà chùa, có một gia đình Phật tử nhận giúp đỡ em. Trong câu chuyện của em và má Phẳng, người đời cho rằng đó là cái tâm, là sự tốt bụng và lòng nhân ái. Còn theo triết lý nhà Phật thì đó là một nhân duyên, biết đâu họ đã là mẹ con với nhau từ kiếp trước”.

Tin vào triết lý ấy hay không tin, điều đó tùy tôi và tùy bạn. Nhưng trước mắt tôi, chị Phẳng, chị Thu Nga, Hữu An và sư cô Như Giác là những con người có thật đang hiện hữu giữa cuộc sống này.