Thế Giới Người Điên - Chương 13 - 14

NGƯỜI ĐÀN BÀ LÃNG MẠNG

Chị Thanh hẹn với tôi bảy giờ sáng chị sẽ đến nhà đón tôi đi Củ Chi để xem cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất bằng gáo dừa của chị. Đúng hẹn, chị chạy Honda đến và nói một cách thản nhiên: Mình lên ngã tư An Sương, gửi xe ở đó và đi xe buýt lên Củ Chi, xong phải đi xe ôm thêm sáu cây số nữa. Tôi thoáng chút ngạc nhiên vì đường đường là một bà chủ của hai Công ty mà không hề tỏ ra ngại ngùng khi đưa khách đi tham quan cơ sở sản xuất của mình bằng phương tiện... thô sơ và công cộng như thế.

Dứt lời, chị lao nhanh như chớp giữa dòng người chen chút trên những con đường vào giờ cao điểm. Thỉnh thoảng, chị dừng lại để gọi điện thoại hỏi tôi tới đâu. Tôi cứ bám theo bộ đồ đỏ của chị, nhưng chỉ cần dừng lại ở một ngã tư là chị lại mất hút, sau đó chị lại gọi điện hỏi tôi tới đâu.

Khi ngồi trên xe buýt, tôi cứ ái ngại vì sợ chị cười mình chạy xe dỡ thì chị lại giải thích: Anh đừng cười tôi chạy nhanh, nhịp sống thị trường nó buộc mình phải thế, riết rồi quen. Hơn nữa tôi là dân từng vượt Trường sơn mà!

Một người phụ nữ còn trẻ trung và khá xinh như chị mà nói là dân Trường sơn thì cũng khó tin. Nhưng chị kể: Cha mẹ chị là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn thời chống Mỹ. Năm 1969, cả ba chị em gái của chị đều được đưa vào chiến khu rồi vượt trường sơn ra Bắc. Năm ấy chị mới mười ba tuổi.

Sau hòa bình, chị được ra quân và đi học ngành cơ khí ở Liên Xô. Chị nói con người chị vốn ham học ham làm nhưng cuộc sống thời bao cấp cứ đưa chị vào những vòng lẩn quẩn, chẳng tìm thấy lối ra. Làm lính quân báo thấy không hợp, làm cơ khí lại càng không hợp. Chị đi học Đại học Nga văn để làm phiên dịch cho Ban quản lý dự án dầu khí Việt – Xô, lại thấy không hợp. Chị chuyển qua làm ở Công ty Naforimex và đăng ký vào học khoa Châu Á của Đại học Tổng hợp. Nhưng cuối cùng cũng chẳng tìm thấy công việc nào phù hợp với mình. Cuối cùng, đến năm 1996, chị đứng ra thành lập Công ty Trúc Phương, chuyên ngành dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu.

Sự lựa chọn lần này có lẽ phù hợp đối với chị. Chẳng bao lâu, Công ty Trúc Phương đã tạo được uy tín với khách hàng. Nhưng cuộc sống có tiền lại làm cho chị nảy sinh những nhu cầu khác: Chị thèm có một quê hương, có một nơi thanh vắng để đi về trong những ngày thứ bảy, ngày lễ hay ngày tết cổ truyền. Chị nói cha mẹ chị từ Hải Phòng di cư vào Nam từ thời còn trẻ, chị thì sinh trưởng ở Sài Gòn nên trong lòng lúc nào cũng khát khao một vùng quê yên tĩnh. Chị nhớ hồi mới vào chiến khu, được sống với bà con Củ Chi, được đi làm rẩy, đi chăn bò, được ngồi hóng mát dưới bóng tre, bóng dừa, được ngắm nhìn hoàng hôn xuống với những sợi khói lam chiều la đà trên mái lá mái tranh...

Nhịp sống Sài Gòn càng sôi động bao nhiêu thì chị càng khát khao có một làng quê như thế bấy nhiêu.

Chúng tôi xuống trạm xe buýt ở cầu vượt Củ Chi, chị Thanh gọi cho mỗi người một chiếc Honda ôm đi qua những đoạn đường đất đỏ ngoằn ngoèo, những đồng lúa, bờ tre. Dọc hai bên đường, người ta bày bán những trái bình bát chín. Mùi bình bát gợi nhớ trong tôi cái quê hương của một thời xa lắc. Thì ra chị Thanh đã chọn nơi đây làm quê hương: Con kinh Thầy Cai nước trong xanh biếc, những cánh đồng năn, những vườn dừa, bờ trúc, bờ tre, những ngôi nhà chữ đinh, những khoảnh sân gạch tàu đỏ rực...

Bên bờ kinh, lẩn trong vườn cây ăn trái, ngôi nhà ba gian của chị Thanh hiện ra một cách hài hòa, dung dị. Nhưng chị Thanh khẳng định một cách tự tin rằng, ở Việt nam, và cả trên thế giới, chắc chắn chưa có ngôi nhà thứ hai nào như vậy. Quả nhiên, khi bước vào nhà, tôi mới hiểu vì sao chị thanh dám tự tin như vậy. Chẳng phải sơn son phết vàng, cũng chẳng phải là châu báu hay kim cương mà nó được tạo bởi hơn một trăm cây dừa ghép lại. Cột dừa bào tròn như gỗ miền đông, xuyên dừa, sạnh dừa, kèo dừa, đòn tay dừa, gui dừa, vách ván dừa, cửa lá sách dừa, khuôn bông trang trí dừa, bức bình phong và tranh treo vách cũng bằng dừa, tủ, bàn ghế, giường ngủ bằng gỗ dán gáo dừa, và tất cả đồ gia dụng, đồ trang trí cũng bằng gỗ dừa và gáo dừa... Nhưng mọi thứ không phải làm để mà chơi, chị Thanh nói, gỗ dừa trên một trăm năm được xử lý hóa chất thì không có mối mọt nào phá được, độ bền không thua các loại gỗ quý miền đông, còn gáo dừa thì bản thân nó thuộc dạng sừng, có độ bền vĩnh cửu. Cho nên ngôi nhà này đến đời con đời cháu của chị cũng chẳng ăn thua gì.

Rồi chị thở dài than vắn nói rằng, mục đích của chị mua đất cất ngôi nhà này là để thỏa mãn khát vọng có một quê hương, làm nơi hưởng nhàn cho gia đình và thân tộc. Nhưng không ngờ chính ngôi nhà này đã đẩy cuộc đời chị sang một trang mới, tất tả hơn, nhọc nhằn hơn, nhưng cũng thú vị hơn.

Sau khi hoàn chỉnh ngôi nhà dừa thì cái ý tưởng thành lập một Công ty chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất từ cây dừa cũng bắt đầu manh nha trong chị. Thế là Công ty Dừa Việt ra đời. Bao nhiêu vốn liếng tích lũy được từ Công ty Trúc Phương, chị đầu tư hết vào Công ty Dừa Việt. Trên năm mươi mặt hàng gia dụng và quà lưu niệm ra đời từ thân dừa và gáo dừa vẫn không làm cho chị thỏa mãng. Chị nói càng làm càng thấy mê, cái vẻ đẹp tự nhiên của cái gáo dừa nó cứ thôi thúc chị phải làm một cái gì đó, một cái gì đó vượt xa những mặt hàng mỹ nghệ. Mỗi một gáo dừa, tùy theo điều kiện thổ nhưỡng của mỗi vùng đất, tùy theo tuổi tác nó có một vẻ đẹp riêng, thậm chí ở mỗi vị trí trên một gáo dừa cũng có những cấu trúc, những đường nét, những màu sắc khác nhau. Và khi chị thử ghép chúng lại thành một cái mặt bàn, một viên gạch lót nền nhà thì nó giống như một bức tranh trừu tượng. Chị tiếp tục nghiên cứu thì càng phát hiện thêm những điều lý thú: Gáo dừa thuộc dạng sừng hóa nên có độ bền vĩnh cửu, không cần dùng sơn và hóa chất, những mau dẫn có độ đàn hồi cao, có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống thấm và lưu giữ mùi hương rất lâu nên rất thích hợp để sản xuất những mặt hàng trang trí nội thất cao cấp như gạch lót nền, gạch ốp lát, bàn ghế giả cổ, tủ ly, tủ sách...

Thế nhưng, để sản xuất thành hàng hóa cung cấp cho thị trường thì yếu tố đầu tiên là phải nghiên cứu một quy trình công nghệ. Lúc này chị mới thấy giá trị của những năm đi học nghề cơ khí ở Liên Xô. Hơn hai năm qua, chị âm thầm nghiên cứu và mỗi tháng phải đầu tư hàng chục triệu đồng để trả lương công nhân, mua sắm vật tư, thiết bị, cải tạo máy móc, sản xuất thử nghiệm. Bây giờ thì chị đã hoàn tất quy trình công nghệ và đã nộp hồ sơ đăng ký sở hữu công nghệ độc quyền.

Chị Thanh cho biết, một số sản phẩm ban đầu đã bán hết nhưng chị phải dừng lại để đào tạo dội ngủ công nhân. Theo chị, mỗi công nhân của chị dù là thợ thủ công hay thợ máy đều phải là những nghệ nhân thực thụ bởi mỗi sản phẩm làm ra đều có dáng dấp của một tác phẩm nghệ thuật. Thậm chí ngay từ công đoạn đầu tiên và đơn giản nhất, tức là khi chọn gáo dừa, phải biết cảm nhận mỗi mảnh gáo là chất liệu nghệ thuật chớ không đơn thuần là nguyên liệu thô.

Chị vừa nói vừa dẫn tôi đến xem cái mặt bàn tròn có đường kính 1,5 mét đang dựng trên vách được kết lại bởi hàng trăm mảnh gáo dừa đủ cỡ. Nhưng khi chị giới thiệu đây là mặt trống đồng thì tôi mới giật mình nhìn kỹ và nhận ra. Đúng như chị đã nói ban đầu: Mỗi một mảnh gáo dừa có những đường nét, màu sắc riêng, và khi ghép chúng lại, nó sẽ cho ta một bức tranh trừu tượng.

Cuối năm 2004, chị Thanh tổ chức triển lãm bảy mươi bức tranh gáo dừa tại 92 Lê Thánh Tôn. Tôi hỏi: “Làm cách nào để tạo nên những bức tranh lạ như thế này, một thứ chất liệu chưa từng có trong lịch sử hội họa?” Chị Thanh cho biết, chị mang ý tưởng của mình đi mời một số họa sĩ lên phác thảo rồi giao cho các em sinh viên trường Mỹ thuật công nghiệp Đồng Nai phối hợp với nhóm thợ thủ công của Dừa Việt thực hiện.

Thật khó mà diễn tả được cảm xúc khi xem bảy mươi bức tranh được kết nối từ những mảnh gáo dừa. Cổng làng, điểm tựa, hoa nữ, nắng hạ, chăn trâu, mùa vàng, trò đùa con trẻ, điều còn lại sau chiến tranh, vòng xoáy cuộc đời... những chiếc gáo dừa lăn lóc bên hè phố, bờ mương qua ý tưởng của chị đã trở thành những đường nét, những hình khối tạo thành những dòng sông, bến nước, mái nhà, phố chợ, làng quê, niềm hạnh phúc, nỗi lo toan, những trăn trở, suy tư của thân phận con người. Một thứ ngôn ngữ lạ lùng đến mức chưa ai có thể gọi đúng tên đây là tác phẩm nghệ thuật hay là hàng mỹ nghệ. Nhưng với chị Thanh, có lẽ khái niệm thế nào cũng không quan trọng, điều quan trọng với chị là ý tưởng tôn vinh chiếc gáo dừa, tôn vinh cây dừa Việt Nam của chị đã được thực hiện.

Gần nửa năm sau cuộc triển lãm lạ lùng ấy, một hôm ngồi trong quán cà-phê Sỏi đá ở 6B Ngô Thời Nhiệm, bất chợt tôi nhận ra chiếc bàn trước mặt mình được làm bằng những mảnh gáo dừa, và trên vách tường cũng chính là những bức tranh của chị. Tôi gọi điện hỏi thăm, chị nói chị vừa nhận được hai giải thưởng của Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố. Song, đó chỉ là giải thưởng, mơ ước của chị là tổ chức một cuộc triển lãm lớn ở châu Âu để cho cây dừa Việt Nam “nói một tiếng gì đó” với nước ngoài. Nhưng...

Qua điện thoại, chị không nói nhiều nhưng tôi cảm nhận được đằng sau chữ “nhưng” ấy là những tiếng thở dài với những chuyện không vui xoay quanh chuyện cơm áo gạo tiền, vốn liếng đầu tư.

Tôi hiểu, để có những sản phẩm ấy, chị đã bỏ ra tiền tỷ nhưng mục tiêu kinh doanh của chị vẫn mập mờ sau những ý tưởng đầy lãng mạn.

Biết nói thế nào được, bởi chị vốn là người phụ nữ lạ lùng.

CHỊ PHƯỢNG

Đi, ngắm nhìn, cảm nhận và ghi nhận: Những đồng lúa, những bờ tre, những chiếc cầu, phiên chợ nổi, cánh đồng muối, chùm bông điên điển, một buổi bình minh, một ánh nắng chiều, một đàn trâu, một cánh diều... Tất cả đã trở thành quê hương, quê hương đã làm dịu đi nỗi đau của người mẹ mất con. Và, quê hương đã làm nên tác phẩm.

Với chiếc máy ảnh trên tay, chị đã đi, đi và đi mãi. Có khi người ta thấy chị ngồi trên chiếc đò chèo bồng bềnh trên những vùng sông nước, có khi chị lang thang giữa cánh đồng lúa chín, đeo bám theo những đứa trẻ thơ, những cánh diều và những đàn trâu, có lúc lại ngồi lặng lẽ dưới bóng dừa như để chờ đợi ai đó đi qua chiếc cầu tre... Và có lần từ miền tây, chị đã làm cả một cuộc hành trình xuyên Việt.

Chị đi như để quên những nỗi đau quá lớn trong đời. Và cũng chính từ trong nỗi đau ấy, chị đi với niềm say mê cuộc sống. Chị nói, chiến tranh đã xô đẩy con người ta vào những ngã rẽ không lường, chỉ có điều là mình có chịu đựng, có đối phó với hoàn cảnh được hay không.

Năm 1967 chị lấy chồng. Người ta gọi đó là một đôi trai tài gái sắc. Chồng chị – anh Lý Wầy – phóng viên nhiếp ảnh chiến trường. Còn chị – Trịnh Thị Linh Phượng – diễn viên đoàn văn công giải phóng tỉnh Hậu Giang. Với tuổi mười chín trẻ trung xinh đẹp, lại đa tài: Ca nhạc, ca cổ, diễn kịch, múa, hát cải lương, môn nào chị cũng làm cho các chàng trai ngây ngất. Nhưng rồi chị đã lọt vào ông kính của anh phóng viên nhiếp ảnh chiến trường sau một đêm trình diễn văn nghệ mường xuân ở một miền quê giải phóng có cái tên gọi thân thương là Bến Ruộng-Long Mỹ-Hậu Giang.

Cuộc đời tưởng sẽ tươi đẹp, sẽ hạnh phúc vô cùng khi đất nước thanh bình, anh chị đã sinh được ba đứa con trai. Họ được cấp một căn nhà khá rộng, cả hai vợ chồng cùng làm việc ở Ty Văn hóa thông tin. Chị vừa làm thủ thư trong thư viện, vừa đi học bổ túc văn hóa, anh tiếp tục theo nghề nhiếp ảnh. Cuộc sống bình dị mà hạnh phúc tuyệt vời, càng tuyệt vời hơn khi ba đứa con trai càng khôi ngô tuấn tú. Nhưng rồi chỉ hơn hai năm sau hòa bình, một tai họa như trời giáng xuống gia đình chị: Cả ba đứa con trai lần lượt ngã bệnh, các cháu bỏ ăn, bỏ uống, nằm liệt giường, rồi bị mù mắt, điếc tai, người héo gầy teo tóp. Một chứng bệnh lạ lùng mà khi chị đưa đi khám thì hầu hết từ bác sĩ chuyên khoa đến lương y nổi tiếng trong nước đều lắc đầu, không định được tên, không tìm ra thuốc chữa. Gần sáu năm trời, với mức sống khắc khổ của thời bao cấp, vợ chồng chị phải nuôi ba đứa con quằn quại trên giường bệnh. Nước mắt chị đã đổ dài theo năm tháng, trên từng bước đường chạy chữa cho con. Từ các bệnh viện chuyên khoa trong nước đến các thầy thuốc gia truyền ở những vùng hẻo lánh xa xôi. Nhưng tất cả đều vô vọng. Năm 1978, đứa con trai lớn qua đời, năm 1979, đứa thứ hai cũng ra đi. Năm 1980, chị ẵm đứa con thứ ba lên tàu ra Hà Nội với hy vọng cuối cùng. Sau ba tháng chờ xét nghiệm, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã gặp chị để chia buồn: “Bệnh này không chữa được vì chất độc màu da cam đã hủy diệt tế bào trong cơ thể cháu bé, đây là nạn nhân chiến tranh, chú xin chia sẻ nỗi đau với cháu”. Chị vừa ngã quỵ, vừa gào thét lên trong cơn tuyệt vọng.

Ngày 20 tháng 3 năm 1982, đứa con cuối cùng của chị đã qua đời.

Không ai có thể thấu hiểu nỗi đau của người mẹ trong lúc này bằng chính chị, và ngay cả bây giờ, sau một phần tư thế kỷ mang nặng nỗi đau ấy, chị cũng không thể nào diễn tả bằng lời. Chị chỉ biết rằng lúc ấy chị không còn sức sống, không còn thiết sống. Chị nằm vật vã mấy tháng trời không cháo, không cơm. Bạn bè, người thân thay phiên nhau chăm lo, canh chừng sự sống cho chị. Nhưng sẽ không ai ngăn nổi cái chết của chị nếu không có anh Lý Wầy: “Nếu chết mà gặp được con thì anh với em cùng chết. Nhưng đó là điều không thể có, cho nên phải sống!”

Phải sống! Chị đồng ý với anh. Nhưng sống để làm gì khi một người mẹ đã mất đi ba đứa con trai? Trống vắng, hụt hẫng đến vô cùng khủng khiếp! Chị nghe lời anh mà sống, sống mà như điên dại, lúc tĩnh lúc mê như ác mộng chập chờn. Ba mươi ba tuổi đời, cái tuổi mà người ta có thể làm lại từ đầu nếu phải lỡ bước sa chân với nhiều đau thương mất mác. Nhưng mất con thì không thể nào tìm lại, và chị đã biết, di chứng của chất độc màu da cam như tử thần đang rình sẵn... Đó là một nỗi đau phía trước mà cả anh và chị đều không dám nghĩ tới, không dám nói ra...

Anh Wầy không dám rời xa chị dù chỉ một ngày.

Anh bắt đầu dạy chị chụp hình như một liệu pháp tâm lý.

Với nghề nhiếp ảnh, xưa nay mẹ con chị chỉ biết làm người mẫu cho anh. Bây giờ, anh làm người mẫu cho chị thực tập từ những thao tác cơ bản về nét, về tốc độ, khẩu độ cho đến ánh sáng, bố cục và các thủ pháp tạo hình. Với chiếc xe cà tàng, hàng ngày anh chở chị đi chụp từ những vùng ngoại ô lân cận dần dần đến các tỉnh xa xôi. Tối về, anh dạy chị tráng phim, phóng ảnh. Cuộc sống nghèo khổ nhưng anh đã dành hết tiền lương và các khoảng thu nhập để mua phim, mua giấy, mua hóa chất cho chị làm ảnh, mua xăng và chi phí cho chị thực hiện những chuyến đi.

Anh không muốn cho chị – và cả anh nữa – phải quẩn quanh trong căn nhà hiu quạnh. Anh chở chị đi khắp các tỉnh miền tây. Đi, ngắm nhìn, cảm nhận và ghi nhận: Những đồng lúa, những bờ tre, những chiếc cầu, phiên chợ nổi, cánh đồng muối, chùm bông điên điển, một buổi bình minh, một ánh nắng chiều, một đàn trâu, một cánh diều... Tất cả đã trở thành quê hương, quê hương đã làm dịu đi nỗi đau của người mẹ mất con. Và, quê hương đã làm nên tác phẩm. Những tác phẩm Quê hương, Chăm học, Hồi ức, Mùa nước nổi, Chợ về, Bán dạo, Phù sa, Vị mặn cuộc đời, Bến sông, Tạm biệt mùa xuân... của chị lần lượt ra đời, lần lượt có mặt trong các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế đã mang lại cho chị nhiều giải thưởng.

Chồng chị, người đã động viên chị phải sống và tạo cho chị một sự sống khác, nhưng, có lẽ anh đã linh cảm được rằng tử thần đang rình rập sự sống của mình bởi di chứng chất độc màu da cam nên anh lo sợ chị phải sống cô đơn. Một hôm, anh gợi ý với chị nên thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh nữ Đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra một đội ngũ bạn bè đồng nghiệp, đồng giới, đồng hội đồng thuyền. Chị đồng tình, anh thay chị chạy lo thủ tục hành chánh, soạn thảo điều lệ, quy chế, thư ngỏ rồi chở chị đi khắp các tỉnh trong khu vực để vận động chị em. Năm 1996, Câu lạc bộ chính thức ra đời, tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên với hàng trăm tác phẩm của gần năm mươi tay máy nữ. Mái nhà chung của chị vừa mới xây xong thì anh Lý Wầy cũng vĩnh viễn ra đi...

Trước giờ nhắm mắt, anh vẫn ra lệnh cho chị phải sống, sống để tiếp tục xây dựng mái nhà chung cho chị em cầm máy ở miền tây thân yêu. Và, có một công việc anh đang làm dỡ dang mà ngoài chị ra, không ai làm thay được: Hơn mười ngàn tấm phim tư liệu chiến trường của anh và của đồng đội anh đã hy sinh, anh đã giữ gìn, chống ẩm trong những thùng đạn và mang theo suốt cuộc chiến tranh. Đó là nhân chứng của lịch sử, là tài sản vô giá của quê hương đất nước, là xương máu của đồng chí đồng bào. Ước nguyện của anh là phóng tất cả thành ảnh mẫu, hệ thống lại, chú thích lại và bàn giao lại cho viện bảo tàng.

Gần mười năm qua, chị Phượng đã sống với hai công việc mà anh Lý Wầy giao lại. Công việc thứ hai chị đã làm xong. Còn công việc thứ nhất chị vẫn đang làm và sẽ làm mãi mãi, bởi chị hiểu ra rằng, đó chính là sự sống. Cũng trong ngần ấy mười năm, Câu lạc bộ nhiếp ảnh nữ Đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức gần hai mươi cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật trong khu vực, tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Thiết nghĩ, cũng bằng thừa nếu phải kể ra rằng các chị đã có bao nhiêu tác phẩm, bao nhiêu giải thưởng. Bởi với chị Phượng, ngay từ khi cầm máy cho đến bây giờ – khi chị đã đứng vào hàng ngũ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam – chị chưa bao giờ nghĩ rằng chiếc máy ảnh là phương tiện để chị thi thố tài năng mà nó chỉ giúp chị vơi đi nỗi đau cũng như Dostoepski từng nói: Cái đẹp cứu cánh sự sống.