Thế Giới Người Điên - Chương 17

NỖI NIỀM SINH TỬ BÊN RÌA “CÔNG THỔ QUỐC GIA”

Tôi hẹn với chị Tưởng và anh Minh trong quán thịt rừng, quán rất yên tĩnh nằm trong khu vườn nhỏ bên bờ hồ Trị An. Mưa chiều lất phất. Chúng tôi ngồi trong căn chòi lá với chiếc bàn đá và ghế đá đơn sơ. Chủ quán giới thiệu thực đơn toàn đặc sản rừng: chồn, nhím, nai, cheo, heo rừng, đặc biệt là rượu bao tử nhím. Chị Tưởng nói chỗ chúng tôi đang ngồi, cách đây ba mươi năm là rừng già, thú rừng chạy loạn xạ, cây rừng to đến hai ba tay ôm.

Anh Minh rót rượu, chúng tôi chạm ly, chị Tưởng cũng uống ngon lành. Chị nói khoảng mười năm trước, lúc mới bị chồng bỏ, chị nhậu dữ lắm, một mình uống cả lít không say.

- Tôi tuổi Sửu nên cực như trâu là phải. Ngày xưa trên mảnh đất này, tôi là con trâu cái, anh Minh là con trâu đực. Cả làng ai mà chẳng biết, cứ sáng ra là tôi với anh Minh đặt chiếc ách lên bụng, quàng sợi dây thừng lên vai như hai con trâu khom lưng kéo, mẹ tôi cầm cày đi sau. Nhớ lại hồi ấy, cực khổ, đói rách vậy mà vui. Sáng ra đồng kéo cày, chiều về họp tổ bình công, tối chơi văn nghệ. Tôi rất mê bài Khúc hát người đi khai hoang: Ta đốt lửa cho rừng khuya ấm mãi... hò ơ... ta về đây phá rừng hoang, gió mơn man câu hò từ lán mới, vui rộn tiếng cười tươi trẻ trên nương...

Tôi hỏi sao chị với anh Minh không thành vợ chồng, chị nói: “Tôi cũng chẳng hiểu sao, cả hai chúng tôi không hề nghĩ tới điều đó. Thậm chí anh Minh hẹn với bồ trong rừng, ảnh bảo tôi theo giữ ma, tôi cũng theo ngồi canh cho hai người tâm sự. Mà dường như tôi không có cái thời con gái để yêu đương. Anh Minh hồi ấy cứ gọi tôi bằng thằng cu dù lúc đó tôi đã mười tám tuổi. Có lẽ tại vì người tôi đen đúa, to cao như con trai, suốt ngày mặc bộ đồ may bằng bao cát Mỹ lòng thòng lượm thượm chẳng giống ai nên anh Minh ảnh chê.

Tôi hiểu chị Tưởng nói vậy không phải ngầm ý trách anh Minh. Ở đời, đâu phải hể cứ đồng cam cộng khổ là đi đến chuyện vợ chồng. Anh Minh bây giờ vẫn gọi chị Tưởng là mày tao, thậm chí có khi to tiếng như anh cả trong nhà. Hai người chẳng phải đồng hương, chị Tưởng quê Quảng Trị, anh Minh ở Quy Nhơn, năm 1972, chiến tranh tàn khốc, họ theo dòng người chạy loạn vô Sài Gòn, sống lây lất trên các hè phố cho đến ngày hòa bình rồi cùng với hàng trăm hộ dân trên mọi miền đất nước kéo nhau về đây phá rừng, khẩn hoang theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới.

Chị Tưởng kể, hồi ấy nơi đây là rừng nguyên sinh, nổi tiếng là rừng thiêng nước độc. Để trồng được cây lúa, củ khoai, cây bắp trên mảnh đất này, con người phải trả một cái giá vô cùng cay đắng. Trước hết là cái ăn cái mặc, thời ấy, những người an cư ở thành phố còn phải xếp hàng mua từng ký gạo, mét vải, bọc xà bông... huống chi những con người tứ cố vô thân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Năm đầu tiên đến đây, sau khi dựng chòi lập nghiệp, họ phải mua chịu từng ký khoai mì của dân địa phương các vùng lân cận để ăn thay cơm, gạo phân phối lúc ấy, dù là gạo ẩm nhưng cũng chỉ dành để nấu cháo cho người già và trẻ con. Củ mì, dù được chế thành nhiều món như luộc, nướng, hấp, chiên nhưng vẫn là mì, ăn hoài không biết chán, mà dẫu có chán cũng phải ăn, thậm chí đến vỏ khoai mì cũng phải tận dụng làm dưa chua để ăn dù biết trong đó có nhiều độc tố. Cái ăn là vậy, còn cái mặc cũng chẳng giống người: Quần áo được may bằng bao cát Mỹ. Đêm lạnh thì lấy bao bố kết lại làm mền.

Đói rách là vậy nhưng đó chưa phải là nỗi khổ tận cùng. Chị Nguyệt – người chị lớn của chị Tưởng – trong lúc phá rừng, chị giơ cao cây rựa chặt vào nhánh kè, nhánh kè có hai hàng gai bén như răng cưa từ trên cao rớt xuống cứa ngang đầu chị, tét một đường dài, máu tuôn xối xả, để lại vết thẹo suốt đời. Anh Hoàng Minh bị vắt chui vào đường tiết niệu, mấy tháng sau phải cắt bỏ dương vật vì hoại tử, nhưng vẫn không khỏi, một thời gian sau anh nghe ngứa ngáy và đau đớn trong nội tạng, bụng to dần lên. Nằm bệnh viện Đồng Nai không chữa được, họ chuyển anh ra viện Ung bứu. Khi giải phẫu mới hay rằng lũ vắt đã sinh sản đầy trong hai quả thận của anh. Hoàng Minh qua đời chưa được bao lâu thì người anh trai của anh – anh Hoàng Ngọc – lại chết vì sốt rét. Ông Nguyễn Văn Liêm trong khi đang làm rẫy thì bị cây đè. Từ chỗ nhà ông, người ta đặt ông lên võng khiêng đi gần mười cây số mới ra đường cái, tới trạm y tế xã. Từ trạm y tế xã, đợi đến chiều mới có một chuyến xe đò, nhưng chiếc xe chạy bằng than đá bò lê trên con đường đất đỏ gồ ghề, đến Trảng Bom thì ông Liêm tắt thở.

Chị Tưởng nói, nỗi ám ảnh lớn nhất, kinh hoàng nhất của người dân khai hoang ở đây là sốt rét. Cũng như trường hợp của ông Liêm, mỗi lần có bệnh nhân lên cơn sốt thì người thân hoặc láng giềng khiêng đi bằng võng gần mười cây số ra trạm y tế xã, có khi khiêng đi nửa đường thì phải khiêng về vì bệnh nhân đã chết. Chưa có con số thống kê chính xác về người chết vì sốt rét nhưng dấu ấn của thảm họa này đã hình thành cả một nghĩa trang, có những gia đình có đến hai, ba người nằm xuống vì sốt rét rừng. Và ngay cả những người đang sống, sốt rét kinh niên đã làm cho họ không thể lập gia đình như chị Nguyễn Thị Tâm, nhà có năm chị em nhưng người em trai chết vì sốt rét, còn lại bốn chị em gái gần năm mươi tuổi nhưng vẫn sống cô đơn vì sốt rét đã đeo bám họ đến suốt cuộc đời.

Chồng chị Tưởng – anh Nguyễn Quang Hưng cũng chết vì sốt rét, bỏ lại hai đứa con gái. Nhưng bi thảm hơn, vài tháng sau một trận hỏa hoạn đã thiêu trụi căn nhà của chị. Chồng chết, nhà cháy, tay trắng, chị Tưởng gạt nước mắt ẳm hai đứa con đi tá túc bên nhà của người chị ruột giữa một biến cố xảy ra làm xôn xao vùng kinh tế mới: Tỉnh Đồng Nai ra quyết định tạm giao 480ha đất của dân kinh tế mới cho Ban quản lý công trình thủy điện Trị An làm kho bãi tập kết vật tư thiết bị, nhà xưởng, lán trại để phục vụ cho công trình.

Thế là, vừa an cư lạc nghiệp mấy năm lại phải di dân. Mỗi hộ được cấp lại 1500 mét vuông để tái định cư, còn đất sản xuất nông nghiệp coi như mất trắng. Nhưng, hầu như ai cũng xem đó là nghĩa vụ của mình trước một công trình vĩ đại của quốc gia. Trị An thời bấy giờ như một tiếng gọi thiêng liêng, như mệnh lệnh, cả nước hướng về Trị An, đến văn nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng cũng đi lưu diễn khắp nơi để bán vé thu tiền đóng góp cho Trị An... Vì thế mà những người dân dù phải mất đất, dù phải lên rừng đào vàng, lấy nhựa chai hay phải đi làm thuê, bán vé số để kiếm sống qua ngày, trong lòng họ vẫn còn chút an ủi là mình đã đóng góp một phần cho dòng điện Trị An.

Một tuyến đường nhựa từ Bùi Chu băng rừng lên Trị An, khu kinh tế mới Cây Gáo, một vùng rừng thiêng nước độc được nâng lên thành thị xã Vĩnh An. Nhưng dân khai hoang, những người đã đổ mồ hôi và xương máu để tạo nên mặt đất này bị đẩy lên hậu đất, gần giáp bìa rừng vì chính quyền địa phương cho rằng họ là dân tứ xứ, không rõ nguồn gốc, cần phải đẩy vô trong để bảo đảm an toàn cho các chuyên gia Liên Xô và tài sản xã hội chủ nghĩa. Khi người dân hiểu ra rằng đó là lý do để cán bộ địa phương chiếm đất mặt tiền thì những xung đột cũng bắt đầu.

Bà Ngô Thị Cón từ Quảng Trị dẫn tám người con vào đây khai phá, có ba người con trai đã chết vì sốt rét rừng. Khi con đường nhựa cắt qua thửa đất của bà, bà dựng lại căn nhà mặt tiền trên phần đất còn lại, chính quyền cho công an đến giải tỏa, bà cùng con gái, con dâu cầm rựa ra tử thủ. Nhưng tất cả đã bị bắt giam vì tội chống thi hành công vụ. Trường hợp chị Tưởng cũng tương tự như vậy, sau thời gian tá túc bên nhà người chị ruột, chị xin một lô đất của người bạn để cất tạm một căn chòi. Khi con đường bê tông chuyển thành đường nhựa, lập tức chị bị chính quyền ra quyết định giải tỏa. Khi lực lượng công an đến, một tay chị ẳm con, một tay cầm rựa, chị nói: “Tôi coi như không còn gì để mất, các anh bước tới là tôi chém”.

May thay, chị đã giữ được cái nền nhà mà không phải đi tù.

*

Chị Tưởng lục từ trong tủ ra một đống hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến cuộc hành trình mười lăm năm đi kiện. Tất cả có thể vài ba ký lô, riêng hóa đơn phát chuyển nhanh của bưu điện mà chị giữ lại sau mỗi lần gửi đơn thư cũng lên đến hai chồng dầy cộm, ước chừng cũng hơn một ký. Chị nói: “Đi kiện đến nỗi bị chồng bỏ mà cũng chưa xong, chừng nào tôi còn sống là còn đi đòi lại sự công bằng. Bà Cón ở đằng chợ cũng vậy, đời mẹ đi kiện đến gối mõi chân mòn rồi đến đời con”.

Năm 1987, chị Tưởng tái giá với anh Thoa, công nhân lái xe cơ giới, sinh thêm hai đứa con trai. Cuộc hôn nhân thứ hai sẽ êm đềm hạnh phúc nếu như có những bất công, oan trái sau này.

Khi cả nước reo mừng cùng Trị An, trẻ con khắp nơi vỗ tay hô “Có điện! Có điện!”, người dân khai hoang ở Vĩnh An vừa tự hào vì sự đóng góp của mình, vừa hy vọng được trở lại với mảnh vườn thửa ruộng, với nương rẫy mà mình đã đổ bao nhiêu nước mắt, mồ hôi và xương máu, sẽ được nhận những lời cảm ơn nồng nàn của những người mượn đất để xây dựng công trình. Nhưng không, họ không được thừa nhận là chủ đất. Tất cả đơn thư khiếu nại đòi lại đất đều được trả lời ngắn gọn rằng đất bây giờ là công thổ quốc gia, không ai có cơ sở pháp lý để đòi lại. Đất đô thị sẽ được quy hoạch làm đô thị, đất nông nghiệp sẽ giao cho kiểm lâm quản lý để phủ lại rừng.

Thị xã Vĩnh An sau đó đổi thành thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu. Nhưng dù là thị xã hay thị trấn thì bộ mặt đô thị cũng đã hình thành, đất đai không còn lạnh lùng như cái thời rừng thiêng nước độc. Gọi là công thổ quốc gia, những người khẩn hoang bị cho rằng không có cơ sở pháp lý để đòi lại đất, cứ ngày này qua tháng nọ họ ngậm đắng nuốt cay nhìn người ta dùng quyền thế để phân phát cho nhau trên mảnh đất của mình. Từ ủy ban huyện, công an, huyện đội, ủy ban thị trấn, nhà máy thủy điện, xí nghiệp thủy lợi, công ty xây dựng, lâm trường, hạt kiểm lâm... tất cả các cơ quan đóng trên địa bàn này đều có quyền ký giấy cấp đất cho cán bộ công nhân viên và người thân của họ. Tự do phân phát, tự do lấn chiếm, tự do sang bán để trục lợi.

Chị Tưởng dẫn tôi đi một vòng quanh thị trấn, bên cạnh nghĩa trang của những người bị sốt rét rừng là trang trại mười bốn mẫu của ông Đỗ Hữu Tài, phó giám đốc sở giáo dục tỉnh Đồng Nai; phía bên kia là 3,5 mẫu vườn của ông Nguyễn Hoàng Huynh, bí thư huyện ủy; còn bên này, giáp với hồ Trị An là khu nhà hàng, khách sạn 1,5 mẫu của ông Huỳnh Văn Hoàng, giám đốc công an tỉnh Đồng Nai. Tôi hỏi chị Tưởng về phần đất của chị, chị nói chị có gần 1,5 mẫu, trong đó hơn 3.000 mét vuông đất thổ cư, phần đất thổ cư trước đây là khu nhà tập thể của công nhân xí nghiệp xây dựng thủy lợi bốn, sau khi công trình thủy điện hoàn thành, chị làm đơn xin lại đất thì mới hay người ta đã cấp cho hai cán bộ của xí nghiệp. Phần đất rẫy của chị hơn một mẫu, trước đây tạm làm kho bãi của công trình, sau đó chính quyền địa phương cấp cho công an thị xã làm kinh tế phụ, bây giờ trở thành đất thổ cư của các gia đình cán bộ công an.

Chúng tôi trở ra con đường chính của thị trấn rồi rẽ sang bên trái. Chỉ tay về một ngôi biệt thự to đùng giữa vườn cây ăn trái mệnh mông, chị Tưởng cho biết đây là nhà của ông Nguyễn Ngọc Chiến, nguyên chủ tịch ủy ban thị trấn, vừa mới bị bắt giam vì tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng trong quản lý đất đai. Khác với nhiều cán bộ khác bao chiếm đất nông nghiệp của dân để làm trang trại, ông Chiến thâu tóm hơn 16 ngàn mét vuông đất mặt tiền nội ô thị trấn, toàn những vị trí đẹp nhất.

Gần mười năm làm chủ tịch thị trấn, ông Chiến được xem như là vua đất đai ở Vĩnh An. Được sự đỡ đầu của ông Nguyễn Hoàng Huynh, chủ tịch huyện, ông Chiến lập quy hoạch các khu dân cư hàng chục ngàn mét vuông để phân lô bán nền. Với tư cách là chủ tịch ủy ban kiêm chủ tịch hội đồng xét duyệt cấp đất đai, ông Chiến đã trọn quyền ban phát cho mình, cho vợ, cho con, cho em út và những người thân để sang bán làm giàu. Chỉ cần có chữ ký của ông Chiến chuyển lên huyện là ông Huynh cấp sổ đỏ, bất kể đất ấy có nguồn gốc từ đâu. Người dân Vĩnh An dường như ai cũng biết một câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại là có thật: Trong một tiệc nhậu, ông Chiến cụng ly nói với một cán bộ ngồi đối diện: “Mày vô hết một trăm phần trăm, tao cho mày hai cái nền nhà”.

Chị Tưởng nói những năm ấy chỉ cần được lòng ông Chiến là có đất, ngay như ông Nguyễn Ngọc Cung, em ruột ông Chiến cũng được cấp gần mười ngàn mét vuông, ông Ngô Ngọc Nghinh, trưởng khu phố tám cũng được gần hai mươi ngàn mét vuông, có sổ đỏ hẳn hoi, ông Nghinh cắt ra hơn hai ngàn mét vuông phân thành bảy lô bán cho bảy hộ khác, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

Người dân khai hoang kéo nhau đi kiện, nhưng tất cả chỉ là chuyện nước đổ lá môn. Chỉ có chị Tưởng là kiên trì. Chị đi làm mướn làm thuê, làm cả ngày lẩn đêm để ký cóp từng đồng làm lộ phí đi kiện. Tiền ít thì đi Đồng Nai, khá một chút thì đi Sài Gòn, khá một chút nữa thì nhảy lên tàu đi Hà Nội. Anh Thoa chồng chị khuyên lơn, ngăn cản không được, cuối cùng, không thể chịu đựng nổi người vợ suốt tháng quanh năm chỉ lo kiện cáo, anh bỏ nhà đi.

Bị chồng bỏ, mang thêm hai đứa con, nỗi oan mất đất vốn đè nặng tâm can giờ chồng thêm gánh nặng gia đình. Sáng ra, nhổ vội củ mì sau nhà cắt ra bốn khúc hấp chín phát cho bốn đứa con đi học, rồi chạy ra đồng rẫy hái bắp thuê, được năm bảy ngàn đồng, buổi chiều chạy lên khu vực hồ Mã Đà dọn cỏ hồ cá, cũng kiếm thêm được năm bảy ngàn. Tối về đạp xe chở nước đá bỏ mối cho các hàng quán trong thị trấn. Rồi một đêm nằm ngủ, chị phát hiện mùi thúi bốc lên từ bàn chân ê ẩm của mình. Đó là hậu quả của công việc dọn cỏ, chị phải dùng rựa để chém những cây mắt mèo dầy đặc mọc lên từ dưới đáy hồ, sau đó dùng chân đạp dùi chúng xuống bùn, bàn chân ngâm nước đã mềm phải giẫm lên cây những đầu cây nhọn hoắc. Làm lụng suốt ngày chị không chú ý, đến khi cảm giác được mùi thúi thì mới biết hai bàn chân mình đã lở loét, tưa tải thịt da. Không có tiền mua thuốc, chị nấu một thau nước muối mang ra ngồi ngâm trong đêm tối. Xót xa và đau đớn. Nỗi khổ nhọc cộng thêm nỗi đau đời đã đẩy chị vào những cơn say khướt mướt. Nhiều đêm sau khi bỏ mối xong nước đá, chị mua một lít rượu trong bọc ni lông, bột tay lái xe, một tay cầm bọc rượu, cắn một góc cho rượu chảy ra rồi uống khang một mình, uống cho quên đi chuyện nhân tình thế thái, uống cho say không còn biết trời đất là gì. Rồi chị loạng choạng đạp xe về trong bóng đêm. Về đến nhà, gặp con chị đánh con, gặp đồ chị đập đồ. Cứ thế cho đến một đêm nọ, cũng trong một cơn say quằn quại về nhà, bất chợt chị thấy bốn đứa con chị ôm nhau ngồi thu mình trong một góc giường, đứa lớn đưa lưng ra ngoài như chở che cho đứa nhỏ, mặt mài chúng vừa sợ hãi, ánh mắt như van xin. Lúc ấy, tình mẹ trong chị bỗng dưng thức dậy lấn át cơn say, chị nhàu đến ôm con, vừa khóc vừa xin con tha thứ. Từ đó, chị không còn uống rượu nữa.

Nói về anh Minh. Ngay từ năm đầu tiên giao đất cho nhà nước, là người có chút ít chữ nghĩa, anh lên làm việc trên lâm trường Hiếu Liêm. Mười năm sau trở về, thấy cảnh chị Tưởng đi kiện trong sức yếu thế cô mà quan chức địa phương thì càng ngày càng lộng hành xâu xé đất đai. Anh Minh bàn với chị Tưởng, nếu tiếp tục đi khiếu nại đòi lại đất thì chẳng bao giờ có kết quả. Tốt nhất là đi tố cáo những hành vi phạm pháp của các quan chức, phải đẩy họ ra khỏi phạm vi quyền lực thì mới có cơ may đòi lại sự công bằng.

Chị Tưởng tự trang bị cho mình máy ảnh, máy ghi âm để đi điều tra giống như thám tử. Những tin tức thu được chị mang về cho anh Minh viết đơn tố cáo. Không ít lần chị bị ăn đòn vì rình mò sau hè nhà người ta để đặt máy ghi âm. Nhưng việc làm của họ không phải không mang lại kết quả: Báo chí vào cuộc, thanh tra vào cuộc, sáu cán bộ huyện gồm bí thư, chủ tịch, chánh thanh tra, trưởng phòng địa chính, trưởng phòng tài chính, trưởng phòng kinh tế đã bị cách chức, ông Chiến, chủ tịch thị trấn và ông Sơn, cán bộ địa chính thị trấn vừa bị bắt giam.

Chị Tưởng vừa sắp lại hồ sơ, vừa nói: “Hôm công an bắt ông Chiến tôi không hay, nếu hay được tôi sẽ mang máy đến chụp hình. Chiếm đất cho nhiều rồi cuối cùng vô ở trong mấy mét vuông. Lòng tham đã làm cho con người ta ngu muội đến thế là cùng”. Tôi hỏi dự định sắp tới chị làm gì? Chị nói: “Tôi sẽ kiện ra Tòa để đòi lại đất. Anh Minh đã nói đúng, đây không phải là chuyện khiếu nại, kêu oan mà là cuộc đối đầu giữa cái thiện và cái ác. Chỉ có đánh đổ cái ác thì mới mong tìm lại sự công bằng”.