Thế Giới Người Điên - Chương 18 - 19

CANH BẠC

Năm 1999, anh T.N, bạn đồng nghiệp của tôi ở miền tây chuyển công tác lên Sài Gòn. Anh ra khu vực Gò Mây – xã Bình Hưng Hòa – mua 180 mét vuông đất để cất nhà, đất nông nghiệp giá 230 ngàn đồng một mét vuông, thủ tục sang tay, có hàng xóm làm chứng và chính quyền xã xác nhận. Anh xây ngôi nhà kiên cố gần 100 mét vuông, cũng không phép tắc gì, chỉ đóng ba trăm ngàn cho xã gọi là tiền phạt xây dựng trái phép. Vậy là an cư lạc nghiệp. Ngày tân gia, bạn bè tới chúc mừng, nhưng do nhà không có địa chỉ nên anh phải hẹn điểm đón tại cây xăng Vĩnh Lộc rồi dẫn bạn vào theo những con đường mòn len lỏi dưới những lũy tre. Thời ấy có cụm từ chung cho dân nhập cư là: Nhà không số, đường không tên, điện tự kéo, nước tự bơm.

Thế rồi năm năm sau, một buổi sáng năm 2004, anh nhăn nhó báo tin: Nhà bị giải tỏa vì nằm trong dự án khu đô thị mới Vĩnh Lộc. Bạn bè lo ngại cho anh, đất không có giấy chủ quyền, nhà xây trái phép, hộ khẩu không có, rất dễ bị trắng tay. Nhưng rồi mấy tháng sau gặp lại anh, anh cười khoe mọi chuyện đã được dàn xếp, đất được tái định cư chín mươi tám phần trăm, nhà được bồi thường 95 triệu đồng, cao hơn giá gốc, trong thời gian giải tỏa, chờ tái định cư, anh được tạm cấp một căn hộ chung cư.

Hơn một năm sau, chúng tôi vào thăm anh, mọi chuyện thay đổi đến không ngờ, bạn bè nói vui rằng anh có số đỏ, mà thật ra trên đời này chưa thấy ai được may mắn như anh, từ chỗ mua đất chui, xây nhà chui giữa một vùng nông nghiệp hoang sơ giờ trở thành nhà mặt tiền trong khu đô thị mới, đường xá thênh thang, cơ sở hạ tầng cao cấp. Chẳng những không tốn thêm một xu nào mà hai lô đất của anh bây giờ trị giá gần cả tỷ đồng. Nhưng anh ngậm ngùi nói: “Thật ra mình chẳng phải may mắn gì. Việc quy hoạch đất đai hiện nay giống như một canh bạc. Ai biết thì thắng, ai thiếu hiểu biết thì thua, thậm chí thua thiệt cả một đời người.

Để hiểu rõ hơn thế nào là chuyện ăn thua trong canh bạc quy hoạch này, tôi giả dạng một người đi mua đất để lân la trong các quán cà phê.

Cô Hai Một kể rằng, gia đình cô có hai mẹ con, một con dâu, hai đứa cháu nội, cả đời cô sống nghề ruộng rẩy, chẳng biết quy hoạch là gì. Năm 2000, có mấy ông cán bộ đến nhà cho biết, đất của cô nằm trong quy hoạch khu đô thị mới, đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, quyền lợi của cô sẽ được bảo đảm tối đa, thậm chí cô có thể làm giàu. Sau khi tiến hành đo đạc, cán bộ báo cho cô biết, tổng diện tích đất của cô là 13.000 mét vuông, phần đất vườn được bồi hoàn 90.000 đồng một mét vuông, phần đất trồng lúa được bồi hoàn 50.000 đồng một mét vuông, tính chung, kể cả tài sản trên đất, cô sẽ được bồi hoàn 900 triệu đồng. Sau khi làm lộ xong, cô sẽ được cấp 196 mét vuông đất mặt tiền để tái định cư. Cô nghĩ, mười công đất ông bà để lại, từ đời cha cô cho đến đời cô, quần quật quanh năm cày sâu cuốc bẩm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chưa bao giờ cầm trên tay được một lượng vàng. Bây giờ, chín trăm triệu đồng, bằng hai trăm lượng vàng, lại được cái nền nhà mặt tiền gần hai trăm mét vuông giữa khu đô thị, có điện, có nước, chẳng thua dân chợ. Rõ ràng là một cuộc đổi đời. Cô ký biên bản thỏa thuận bồi hoàn rồi lên Ban quản lý dự án nhận chín trăm triệu đồng đem gửi ngân hàng, yên tâm chờ ngày nhận đất tái định cư.

Năm năm sau.

Giá vàng từ 4,5 triệu đồng một lượng lên mười triệu đồng một lượng, số tiền cô gửi ngân hàng bỗng dưng mất đi một nửa. Giá đất trong khu quy hoạch từ ba triệu đồng đến bảy triệu đồng một mét vuông. Cô nghe những người biết chuyện nhẩm tính, giá thành của một mét vuông đất thổ cư trong khu quy hoạch dao động từ sáu trăm ngàn đến một triệu đồng, bao gồm chi phí đền bù giải tỏa, san lắp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi. Với 13.000 mét vuông đất của cô, nếu trừ đi năm mươi phần trăm diện tích đất công cộng, còn lại 6500 mét vuông đất nền nhân cho con số khiêm tốn là ba triệu đồng trên mỗi mét vuông (tức là cái giá thấp nhất trong khu đô thị Vĩnh Lộc hiện nay mà Ban quản lý dự án đang mua lại của dân), trừ lại chi phí đầu tư thì ai sẽ thừa hưởng con số siêu lợi nhuận này?

“Thua me gỡ bài cào”. Anh Trịnh Minh Thế, con trai của cô Hai Một đâm đơn khiếu nại đòi quyền thừa kế phần đất của mẹ để được tái định cư. Sau một cuộc giằn co, Ban quản lý dự án dàn xếp bằng cách trả lại cho cô Hai 1500 mét vuông để cô chia cho con, đồng thời cô phải thối lại cho Ban quản lý dự án 135 triệu đồng, tính theo giá bồi hoàn đất vườn. Trên 1500 mét vuông ấy, anh Thế được tái định cư mười hai phần trăm, tức 180 mét vuông mà không được nhận bồi hoàn. Thôi thì của đổ hốt lại, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Biên bản thỏa thuận bồi hoàn mình đã ký, tiền bồi hoàn mình đã nhận, tất cả coi như ván đã đóng thuyền. Cô Hai Một buồn bã nói thế.

Người thứ hai thua đau đớn trong canh bạc này là ông Hai Tặc, một nông dân ba đời sống ở Gò Mây. Cũng như cô Hai Một, ông Hai Tặc có 7500 mét vuông đất trong quy hoạch, ông được bồi hoàn hơn 700 triệu đồng và 196 mét vuông đất tái định cư. Năm 2000, trước khi ký biên bản thỏa thuận bồi hoàn, có một người quen làm luật sư khuyên ông không nên ký, bởi hai lý do: Thứ nhất, đây là dự án kinh doanh của một doanh nghiệp chớ không phải là công trình phúc lợi xã hội, thứ hai, đây là biên bản thỏa thuận chớ không phải quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước, vì vậy cần cân nhắc kỹ để tiếp tục thỏa thuận về quyền lợi của đôi bên. Có thể giữa chủ đất và chủ doanh nghiệp đi đến một thỏa thuận hợp tác, chuyển đất thành vốn để cùng chủ đầu tư chia lợi nhuận.

Không thể hình dung nổi một canh bạc đầy phức tạp trong khi 700 triệu đồng trước mắt ông đang là phần thắng trong tay. Vốn là một nông dân hiền lành và tử tế, nghĩ 700 triệu đồng đây là công lao của mẹ cha để lại, ông Hai Tặc mang đi chia cho ba người em gái, hai đứa cháu con của người em đã chết, mỗi người được năm ba chục triệu đồng, còn lại là phần của sáu đứa con, trong đó, ông đầu tư cho đứa con trai lớn một chiếc xe khách để kinh doanh.

Bây giờ, sau sáu năm, ông đã nghiệm ra rằng không phải mình thua một canh bạc mà thua cả một cuộc đời. Đất tái định cư chưa có, cũng không biết nó nằm ở vị trí nào. Còn ngôi nhà ông đang ở thì coi như ông chỉ ở trọ trong nhà mình vì tiền bồi hoàn ông đã nhận của người ta, nó là của người ta, không biết người ta sẽ cho xe ủi đến lúc nào. Tiền đã hết, chiếc xe thì bữa có khách, bữa không, sáu đứa con đã lần lượt có vợ có chồng nhưng chẳng lẻ cứ tiếp tục ở trọ trong căn nhà ông đang ở trọ? Những câu hỏi cứ làm ông rai rứt. Sáng sáng, tôi thấy ông ra ngồi lặng lẽ trong quán cà phê ở đầu con đường mòn trước nhà, bên bụi tre gai, cái quán lá ấy cũng do ông cất trọ trên chính phần đất của mình. Ông cứ ngồi đó, chết lặng nghe mấy anh cò đất rau giá với khách mua. Ba triệu, bốn triệu, năm triệu, sáu triệu, bảy triệu đồng một mét vuông...

Con trai ông Hai Tặc – anh Liệt – pha cà phê, thỉnh thoảng xề xuống nói với tôi mà như trách ông già: “Nhiều người đất ít hơn tôi mà bây giờ được năm bảy cái nền, tại vì họ biết chuyện, lúc vận động họ cương, không chịu ký. Phải hồi đó ổng đừng ký thì bây giờ đâu đến nông nỗi này!”

Bạn tôi – anh T.N – trầm ngâm nói: “Có những người sau khi nhận một cục tiền rồi không biết phải làm gì, cứ lay quay ở trọ trên đất mình, ăn hết tiền rồi bán lúa non phần đất tái định cư cho cán bộ, nhân viên trong dự án với giá ba bốn trăm ngàn một mét vuông, dắt díu vợ con ra ngoại thành mua đất nông nghiệp ở tiếp... Than ôi! Biết đến thuở nào người nông dân mới tự quy hoạch được đời mình!”

ĐẤT LÊN, TÌNH NGƯỜI XUỐNG

Đọc bài “Đất lên, tình người xuống” trên SGTT số 34, tôi cứ nghĩ rằng có lẻ bài tác giả cũng “ám chỉ” tôi khi mà cuộc sống ngày thường với bao lo toan bon chen, cơm áo gạo tiền khiến chúng ta có lúc như quên mất đi tình nghĩa con người với con người. Đó là tình cảm gia đình, tình hàng xóm làng giềng và cả tình bạn... Khi có vấn đề tiền bạc xen vào, những tình cảm dường như thiêng liêng ấy lại chẳng còn giá trị là bao (!?). cảm ơn SGTT đã có những bài báo hay, lay động lòng người, khiến chúng ta phải bình tâm để quay về với những giá trị thiêng liêng, không tiền bạc gì mua được...

(Hà Quỳnh Như – Gò Vấp)

Hơn nửa thế kỷ trước, khi đặt chân đến vùng Bà Điểm, Hóc Môn này để khẩn hoang, trồng trầu trồng cau lập nghiệp, hẳn ông Hai Bình – cũng như nhiều cư dân khác – không thể hình dung ra rằng một ngày nào đó, mỗi mét vuông đất ở đây sẽ được tính bằng vàng chỉ, vàng cây. Từng thập niên trôi qua, Mười Tám Thôn Vường Trầu đã trở thành một địa danh lừng lẩy khắp Nam Kỳ lục tỉnh, là biểu tượng cho thiên-thời-địa-lợi-nhơn-hòa của Sài Gòn-Gia Định. Ông Hai Bình hiểu và lấy làm tự hào về điều đó, cho nên, khi tám người con của ông lần lượt trưởng thành, gã chồng hay cưới vợ, ông cất cho một căn nhà bên cạnh để ra riêng. Ước nguyện của ông là sẽ có một xóm nhà mà trong đó toàn là những người ruột thịt để cộng hưởng cái hòa khí của làng mạc, đất đai. Nhưng ước nguyện ấy đã không thành. Khi bến xe An Sương mở ra, cầu vượt An Sương mở ra, con đường xuyên Á mở ra, cả bốn bề là đô thị, đất đai lên cơn sốt, người ta ầm ầm sang bán. Ông A, ông B, ông C gần đó, cả đời ky cóp từng đồng từng cắc, nghèo xác nghèo xơ, giờ cắt bán vài cái nền nhà đã trở thành tỷ phú. Con cái ông Bình sầm xì rằng năm ngàn mét vuông đất của ông bây giờ giá chót cũng mười lăm tỷ, nếu chia đều ra thì mỗi người cũng ngót nghét hai trăm lượng vàng. Biết trước sẽ có chuyện chẳng lành, ông Bình họp các con lại bảo: “Xưa nay ba không có ý định chia đất, ba muốn các con sống chung và xem đất này là của chung, để con cháu tụi bây sau này lập gia đình cũng có đất cất nhà. Nhưng giờ ba thấy tình hình không ổn nên ba quyết định chia đều cho tám đứa bằng nhau, cứ phân ra thành tám lô rồi bốc thăm, đứa nào trúng lô nào thì lấy lô đó”. Nhưng quyết định của ông Hai Bình đã muộn.

Chị Nguyễn Thị Phượng, người con gái thứ tư phản đối: “Phần tôi hai ngàn mét vuông, tôi đã canh tác bốn chục năm nay, chồng tôi đứng tên khai thuế từ năm 1975 đến giờ, tôi không chia cho ai hết”. Thấy chị con đông, anh em trong nhà thống nhất chia cho chị tám trăm mét vuông, nhưng chị kiên quyết không chịu. Thất vọng, buồn tủi và bất lực, ông Bình sinh bệnh và chết. Những cuộc tranh chấp tiếp tục diễn ra. Chị Phượng phân lô bán nền, anh em ngăn cản. Đất tranh chấp không ai dám mua. Chị cất nhà trọ. Anh em cầm búa ra đập tường. Hai bên ấu đả lẫn nhau. Những cuộc hòa giải của chính quyền xã không thành. Đất vẫn là đất nhưng lạnh lùng, tê buốt và luôn ẩn chứa mầm móng của chiến tranh. Mạnh ai nấy làm hàng rào, bít cả lối đi. Tôi chạy xe vào nhà chị Phượng phải leo vòng lên hàng ba của nhà người khác. Dường như có ai đó hiểu rằng tôi đi xác minh để bênh chị Phượng. Một người phụ nữ tranh thủ đến nói nhỏ với tôi, giọng lạnh lùng và nghiêm khắc: “Cậu làm báo thì phải khách quan, phải hiểu rõ nguồn gốc của đất này trước khi viết báo”. Chị nhìn thẳng vào tôi rồi lặng lẽ bỏ đi.

Khác với cách tính toán của ông Hai Bình, bà Trần Thị Hớn cũng có tám người con nhưng tất cả được bà nuôi cho học hành đỗ đạt thành một gia đình trí thức có tiếng trong vùng. Bà có 1500 mét vuông đất hương quả. Năm 1999, bà làm tờ tương phân cho tám người con, mỗi người từ 120 đến 150 mét vuông, riêng bà giữ lại 480 mét vuông để dưỡng già. Theo quan niệm chia tài sản của người xưa, giàu Út ăn, khó Út chịu, hơn nữa bà sống với con trai Út nên trước khi qua đời, bà lên xã lập giất ủy quyền phần đất của bà cho người con trai Út để anh này lo thờ cúng tổ tiên. Thế nhưng, hai năm sau khi bà Hớn qua đời, bảy anh chị của Út làm đơn kiện lên xã đòi chia thừa kế phần đất dưỡng già của mẹ, mỗi người 59 mét vuông. Trong cuộc họp hòa giải tại xã, họ cho rằng mặc dù Út ở với mẹ nhưng nuôi mẹ thì tất cả cùng nuôi, có người lật sổ tay đọc vanh vách những ngày tháng và các khoảng chi phí họ đi nuôi mẹ trong bệnh viện Trưng Vương. Anh cán bộ tư pháp xã nói rằng: “Hòa giải cho bà con nông dân thì dễ, còn hòa giải cho những người ăn học cao hơn mình rất khó, cuối cùng chúng tôi phải chuyển hồ sơ lên Tòa án huyện, xử sơ thẩm không xong, huyện chuyển hồ sơ lên cấp phúc thẩm, chưa biết kết quả ra sao, nhưng dù có ra sao đi nữa thì mình cũng không ngờ nỗi những điều như vậy có thể xảy ra ở những người mệnh danh là kỷ sư, nhà giáo”.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Quốc Hưng theo tờ đơn ông tố cáo người con trai út của ông, anh Nguyễn Quốc Khang. Ở xứ Bà Điểm này, ông Hưng từng nổi tiếng là một người giàu có, nhiều ruộng nhiều vườn. Theo ông trình bày, ông có bốn người con, hai thửa đất ở xa lộ Đại Hàn và Trung Chánh ông chia cho ba người con lớn. Khang là con trai Út nên ông ở với Khang trên phần đất hương quả 2500 mét vuông cùng với ngôi nhà ngói ba gian thờ cúng ông bà. Thế nhưng vợ chồng Khang bất hiếu, ngược đãi ông, thậm chí đánh đuổi ông ra khỏi nhà để giành đất. Tức giận, ông cắt cho Khang chín trăm mét vuông ra ở riêng nhưng Khang vẫn không chịu, đòi giành trọn phần đất của ông.

Câu chuyện tưởng vậy mà không phải vậy. Ngồi đối diện với tôi là một ông già lẩm cẩm trên tám mươi tuổi và anh con trai hiền lành bốn mươi sáu tuổi. Khang nói: “Tôi là con trai út, nhận nuôi cha trên đất hương quả là chuyện bình thường. Nhưng từ khi đất đai lên giá, ổng cứ phân lô bán nền liên tục để lấy tiền cung phụng cho bà bán vé số ở xóm trên. Ông nói rằng ổng có con với bà ấy. Thử hỏi anh, ổng tám mươi hai tuổi rồi mà có con trai năm tuổi, liệu có tin được không?”. Ông già quát: “Tổ cha mày, không phải con tao sao nó thương tao, thỉnh thoảng nó tới ngủ với tao?” Khang thở dài: “Tôi ngăn cản không cho ổng bán đất, ổng đuổi tôi ra khỏi nhà, tôi cất nhà bên cạnh, ổng rào lại không cho tôi qua để ở một mình cho dễ bề quan hệ với bà kia”. Ai đúng ai sai trong câu chuyện giữa hai người chưa phân giải. Nhưng nhìn những tấm mê bồ, những cây tre và những sợi kẽm gai ngăn cách tình cha con, ai cũng thấy não lòng.

Chị Cúc Hương, cán bộ tư pháp xã Bà Điểm nói rằng, ông bà xưa chia đất cho con cháu không phải đo đạc phân lô, có khi chỉ nói đại khái miếng A, miếng B nào đó, hoặc lấy cái bờ, con mương làm ranh giới. Nhưng rồi khi giá đất vọt lên một mét vuông năm bảy triệu đồng thì một vài tấc ranh cũng làm cho gia đình tan nát. Có những ranh đất chỉ đôi ba tấc thôi mà cán bộ tư pháp xã hòa giải suốt năm sáu năm vẫn không thành, anh em ruột thịt lại kéo nhau lên Tòa án huyện. Về pháp lý, cái ranh giới đất thì đã khó xác lập, còn cái tình thì đến đời con cháu họ cũng chưa chắc gì xóa được sự cách ngăn. Đất Hóc Môn là đất vốn có truyền thống dòng tộc lâu đời. Bởi vậy xưa nay ngày giỗ ở đây luôn được coi là quan trọng, là ngày tề tựu họ hàng thân tộc, cháu con, chòm xóm. Nhưng bây giờ, sau những vụ tranh chấp đất đai, có nhiều gia đình đến ngày giỗ ông bà thì mạnh ai nấy cúng, ngôi nhà thờ trở nên vắng vẻ, lạnh lùng.

Anh Thanh Hà, cán bộ thi hành án huyện Hóc Môn nói với tôi: “Nếu có dịp, anh đến ngồi dự các phiên Tòa dân sự về những vụ tranh chấp đất đai trong họ hàng thân tộc, anh sẽ thấy rằng, đất càng lên giá bao nhiêu thì tình người càng xuống giá bấy nhiêu”.