Thế Giới Người Điên - Chương 21 - Phần 2

3.

Nghe nói chị Huệ có một bức tranh bán cho bảo tàng Đồng Nai, tôi hỏi chị vẽ cái gì trong đó, chị rụt rè nói: “Tôi vẽ sự cô đơn”.

Bác sĩ Khanh nói mấy năm trước chị Huệ vẽ khá nhiều. Đúng là tranh của chị thường mô tả sự cô đơn. Những năm gần đây, bệnh tái phát trở lại, chị không vẽ nữa. Trong hồ sơ của chị còn lại bệnh án của chế độ cũ đã úa vàng với tiêu đề “Bệnh viện tâm trí Biên Hòa”, số 291/73, tức chị là bệnh nhân thứ 291 của năm 1973, cách nay đã ba mươi ba năm. Bệnh lịch có đoạn ghi: “Bệnh nhân Đinh Thị Huệ, nghề nghiệp thư ký, quê quán Khánh Hòa. Bệnh tái phát cách nay 3 năm, triệu chứng: Buồn cha có vợ nhỏ, bỏ mẹ không có tiền, bệnh nhân uống thuốc mê, cắt lưỡi, rạch bụng, nhảy lầu. Khi vào viện, bệnh nhân hay viết lên giấy mấy chữ: Trông cha về chắc hết bệnh”. Một bệnh án khác ghi tiếp: “Nhập viện ngày 29 tháng 6 năm 1976, do cán bộ thương binh phường đưa đến vì phá phách ngoài chợ”.

Y tá Nguyễn Thị Ngoan Hiền, người trực tiếp chăm sóc chị Huệ cho biết, những dòng ngắn gọn như thế nhưng ẩn chứa bao nhiêu uẩn khúc của cuộc đời. Những lúc tĩnh táo, chị Huệ theo phụ với Hiền chăm sóc những bệnh nhân khác, chị thường hay tâm sự rằng chị từng có một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Năm 1970, chị thi đậu tú tài, đi làm thư ký được một năm thì phát bệnh. Đến năm 1975, hết bệnh, chị về quê học cao đẳng sư phạm được một năm thì bệnh tái phát. Vậy là suốt ba chục năm qua, cô sinh viên sư phạm xưa đã trở thành một bà già điên loạn. Thỉnh thoảng chị hay mời các bác sĩ và điều dưỡng viên trong khoa đến để giảng bài và cho điểm từng người một. Tôi hỏi chị giảng những bài gì, chị nói giảng về cuộc đời ở ba thế giới khác nhau. Đó là địa ngục, trần gian và cõi thiên đàng, các bác sĩ ở đây chỉ mới thành tiên thôi chớ chưa thành Phật, muốn thành Phật để lên tới tầng trên cùng của thiên đàng phải thêm vài năm nữa.

Tôi hỏi chị có viết văn không, chị gật đầu rồi chạy về phòng mang lên cuốn tập học trò. Ở trang đầu, chị vẽ chân dung cô y tá Hiền rất đẹp và trang trọng. Tiếp theo là những tạp văn. Trong bài “Tình muộn”, chị viết: “Tôi ghé thăm anh một chiều vàng nhạt, khi ánh thái dương đã tắt sau đồi. Anh ra tiếp tôi với nụ cười rạng rỡ nở trên môi. Tóc anh đã hoa râm nhưng hồn anh vẫn trẻ. Anh bâng khuâng dí giày trên cát. Tôi đến với anh đã muộn màng vì anh đã có vợ rồi. Tôi yêu anh với tình yêu trong trắng của một thiếu nữ đã lớn khôn, hay hơn thế nữa là đã quá tuổi trung niên rồi. Tôi chẳng biết nói gì cùng anh, tôi cũng bâng khuâng dí giày trên cát, cát trắng của miền Biên Hòa xứ bưởi.

Thôi anh ạ, nếu chúng mình còn có duyên với nhau xin làm đôi bướm trắng bay giữa bầu trời xanh đầy ước mơ.

Thân tặng anh Nguyễn Văn Chiến – 1977.”

Tôi hỏi Chiến là ai, chị rụt rè nói: “Hồi xưa ảnh ở khoa nam, rất đẹp trai, hát hay. Tôi yêu ảnh nhưng thấy ảnh có nhiều bạn gái quá nên thôi, không nói.” Y tá Hiền cho biết, ông Chiến là một bệnh nhân đã xuất viện lâu rồi, có lần vào thăm chị Huệ, hai người ôm nhau khóc sướt mướt.

Những tạp văn của chị Huệ thường gửi gấm tình cảm của mình với đức Phật, ca ngợi tình người. Một bác sĩ Trần Lâm Cao nào đó đã cưới một cô gái lầm lỡ về làm vợ, “Tôi yêu tâm hồn cao quý của anh, những người như anh trên đời này thật hiếm có, tôi nguyện kiếp sau sẽ gặp lại anh, hai ta sẽ là một, anh là bác sĩ hộ sinh, tôi là bác sĩ chuyên khoa mổ...” Hay một người thầy cũ mà chị hết lòng tôn kính, một ông anh họ, một người chị dâu, một mùa xuân tuyệt đẹp ở quê nhà. Trong bài “Một chuyến về thăm”, chị kể chuyện về quê gặp lại mẹ, gặp lại các em, các cháu trong trạng thái mừng mừng tủi tủi, nước mắt rung rưng, gặp lại quê hương “với bờ biển về đêm lấp lánh những ngọn đèn, gió thổi lồng lộng nghe hồn mình lâng lâng vui sướng”. Nhưng tất cả chỉ là hoang tưởng như chính tên gọi căn bệnh ngặt nghèo của chị. Khi tôi hỏi chị có nhớ nhà, nhớ quê không, chị nói: “Nhà ấy đâu phải là nhà tôi, nơi ấy có còn ai thương tôi nữa đâu mà nhớ”. Bác sĩ trưởng khoa Lê Văn Hiến nói rằng, suốt ba mươi năm qua, chị Huệ cũng như hàng trăm số phận của những bệnh nhân bị thân nhân ruồng bỏ, chỉ có những người thầy thuốc trong bệnh viện này là người thân của chị. Thỉnh thoảng, có ai đó chạnh lòng cho chị một ít tiền, chị đi mua bánh kẹo, trà đá mời tất cả các thầy thuốc trong khoa, ai từ chối là chị giận. Lúc tĩnh, chị theo các nhân viên điều dưỡng đi làm vệ sinh hoặc chăm sóc cho những bệnh nhân khác. Nói chung, chị Huệ là một người điên tử tế.

Y tá Hiền kể với chúng tôi một câu chuyện khá đau lòng rằng, cách đây mấy tháng, có một cô giáo rất đẹp ở Vũng Tàu được chồng đưa vào nhập viện. Nhưng khi xuất viện thì cha cô vào rước. Hiền hỏi chồng cô ấy đâu, ông lão nghèn nghẹn trả lời: “Nó bị chồng bỏ từ khi mới phát bệnh, hôm trước chồng nó đưa vào chẳng qua vì tình vì nghĩa mà thôi”. Ở đây có rất nhiều bộ hồ sơ gọi là “vô danh nữ”, không tên, không tuổi, không quê quán, không cha mẹ, người thân. Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh kể với chúng tôi rằng cách nay hai năm, từ khoa nữ chuyển qua khoa hoạt động liệu pháp của ông một nữ bệnh nhân với bọ hồ sơ như thế. Bệnh án chí có mấy dòng ngắn gọn: Bệnh nhân bị người nhà bỏ rơi trước cổng trong tình trạng bấn loạn, đi lang thang, miệng nói lảm nhảm, lúc khóc lúc cười, bảo vệ đưa vào nhập viện vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 7 năm 2002. Rồi như một sự bất ngờ, bác sĩ Khanh nói vui rằng đó là một ngày đẹp trời của tháng 10 năm 2004, tức sau hơn hai năm điên loạn, chị tĩnh hẳn ra với những tâm sự như nhận diện chính mình: “Tôi tên là Phạm Kim Thoa, sinh năm 1948, quê xã Xuân Thành, huyện Xuân Thủy, Nam Định... năm 1988, tôi theo người chú vô Vũng Tàu rồi lập gia đình với anh Tăng Tự Phi, chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc nhưng không có con. Thế rồi một đêm nọ, tôi nghe có tiếng gọi bên tai, tôi bỏ nhà ra đi như một người mộng du. Hôm sau chồng tôi tìm gặp và chở chở tôi đến bỏ trước cổng bệnh viện”. Tôi hỏi chị có nhớ nhà không, chị nói nhớ, nhất là nhớ chồng. “Nhưng có lẽ ảnh bỏ tôi rồi nên không thấy tới thăm”.

Y tá Nguyễn Thị Ngọc Hương kể một câu chuyện buồn về bệnh nhân của mình – chị Phan Thị Bích, quê ở Hòn Đất, Kiên Giang – rằng khi Bích vừa phát bệnh thì chồng bỏ nhà đi, để lại cho chị đứa con trai ba tuổi. Sự phản bội của chồng đã làm cho bệnh tâm thần của Bích nặng thêm. Chiều chiều chị hay ẵm con ra tắm dưới sông, một hôm, trong lúc giỡn với con, chị đã trấn nước thằng bé mà không hề hay biết. Từ đó, trong mắt người thân và hàng xóm, Bích như người phạm tội giết con. Sau hơn một năm điều trị trong bệnh viện, Bích được xuất viện nhưng không ai đến đón, chị Hương phải đưa Bích về quê. Từ Biên Hòa về đến nhà Bích phải đi bảy chuyến xe đò và một chiếc đò ngang, mất cả ngày đường. Thế nhưng khi đến nơi thì gặp phải sự xua đuổi quyết liệt của hàng xóm, hàng chục người dưới đò không cho Bích qua sông, chị Hương phải nhờ công an can thiệp. Đến khi đưa được Bích qua sông thì lại bị người nhà từ chối, cho rằng chị là một người điên, không được trở lại gia đình. Một lần nữa, chị Hương phải nhờ công an can thiệp theo luật. Vậy rồi vài hôm sau, Bích lại xuất hiện trước cổng bệnh viện tâm thần trong cơn điên loạn. Không còn cách nào khác, Bích nhập viện lần này sẽ không có đường về.

Bác sĩ Khanh kết luận rằng, ông làm việc ở đây ba mươi năm nay nhưng chỉ thấy những người vợ âm thầm, nhẫn nhục đi nuôi chồng chớ chưa thấy người chồng nào đi nuôi vợ dù trong hàng trăm hồ sơ bệnh nhân nữ có ghi rõ tên và địa chỉ của chồng. Có chăng là những ông chồng chở vợ đến bỏ trước cổng bệnh viện vào lúc nửa đêm rồi biến mất. Nên chăng xem lại tích xưa về chuyện con cua cái hại con cua kình để giảm án cho người phụ nữ!

4.

Bác sĩ Khanh kể rằng, trong những dịp tết, bệnh viện tổ chức xe đưa những bệnh nhân bình ổn về đoàn tựu gia đình. Căn cứ vào địa chỉ trong hồ sơ và sự hướng dẫn của bệnh nhân mà xe đưa đến. Nhưng hỡi ơi! khi đến nơi thì gặp phải những ánh mắt từ chối lạnh lùng của người nhà, rằng đây không phải là người thân của tôi, hoặc nhà này đã sang cho chủ khác. Khi bệnh nhân gọi tên người thân thì họ cho rằng đó là do người điên ngộ nhận. Khi công an địa phương xác nhận và can thiệp thì bệnh nhân mới được bước vào nhà trong sử ghẻ lạnh của người thân.

Khi tâm trí bệnh nhân bình ổn thì người nhà phải nhận. Đó là quy định của pháp luật. Và khi bệnh nhân tái phát thì bệnh viện phải cho nhập viện. Đó cũng là quy định của pháp luật. Nhưng có một quy luật tất yếu đối với bệnh tâm thần là khi họ không tìm thấy sự chia sẻ tình cảm hoặc bị ngược đãi thì bệnh tái phát. Đó chính là lý do mà bệnh nhân sau một thời gian hồi gia rồi cũng phải quay lại, chọn bệnh viện làm nhà, chọn thầy thuốc làm người thân.

Bác sĩ Phan Văn Tiếng nói rằng, trong bệnh viện này có 1650 bệnh nhân là 1650 số phận khác nhau, họ nhập viện hay ra viện như thế nào, người điên không có quyền lựa chọn. Ví dụ như bà Lưu Thị Tám, nhập viện từ năm 1999 do người con trai đưa đến, bảy năm nay không thấy anh ta trở lại thăm, khi bệnh viện liên hệ với chính quyền địa phương để xác minh thì hóa ra địa chỉ anh ta khai trong hồ sơ là một địa chỉ ma. Thế là, người mẹ ấy dù muốn hay không muốn rồi cũng sẽ chọn bệnh viện làm nhà. Chúng tôi gặp bà Huỳnh Thị Hương, gần tám mươi tuổi, bà cho biết, bà đã sống hơn nửa cuộc đời trong cơn mê điên loạn và đã ở trong bệnh viện này gần bốn chục năm. Ngày xưa, bà đã từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng rồi bỗng dưng phát điên, bị chồng đuổi ra khỏi nhà, bà lang thang trong khu chợ Bàn Cờ - Sài Gòn thì cảnh sát đưa bà vô bệnh viện. Có một lần tĩnh táo, bà tìm về nhà của một người em nhờ nhắn tin hai đứa con đến cho bà gặp mặt. Đứa con gái thì tỏ ra xúc động khi biết mình còn mẹ, nhưng thằng con trai thì từ chối một cách phũ phàng. Bà ngậm ngùi quay vào bệnh viện. Những ngày tháng sau đó, những lúc bình phục, trong nỗi khát khao làm mẹ, bà nhận một bệnh nhân nữ rất trẻ làm con nuôi. Không ngờ, hai người lại gắn bó với nhau như tình mẫu tử. Cô gái ấy sau khi xuất viện đã xin phép gia đình rước bà về chăm sóc. Nhưng chẳng bao lâu, cô ta xuất cảnh, bà lại trở vào bệnh viện. Từ đó đến nay, chuyện con ruột con nuôi cứ làm xao động lòng bà.

Bệnh nhân Phạm Văn Hoài, tóc trắng màu mây nhưng không biết mình bao nhiêu tuổi. Ông kể rằng ông nhập viện từ năm 1968, cách nay gần bốn chục năm, lúc ấy ông còn tuổi thiếu niên, mắc bệnh động kinh. Sau khi mẹ mất, cha lấy vợ khác, không hiểu ông đã làm gì mà bị cha đánh và đuổi ra đường. Ông vừa đi vừa khóc, cảnh sát Sài Gòn bắt ông bỏ lên xe và đưa vô bệnh viện. Ông sống ở đây như gần trọn một cuộc đời. Ông nói nhờ bệnh viện cho học nghề cắt tóc nên hàng ngày ông có việc làm, có bạn, rất vui.

Những người như ông Hoài, bà Hương đều được các bác sĩ, y tá, nhân viên điều dưỡng gọi bằng ba bằng má một cách ngọt ngào, thân thiện. Có lẽ nhờ vậy mà họ bớt cô đơn. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng ở khoa nào cũng có vài ba chục mảnh đời cô độc, bị bỏ rơi như thế. Họ lặng lẽ sống và lặng lẽ chết, có một mảnh đất phía sau bệnh viện dành riêng cho họ.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hùng Hiệp, người quản lý nhà xác của bệnh viện suốt hai chục năm qua. Công việc của anh là trực chờ khi tử thần cướp lấy sinh mạng của bệnh nhân thì anh sẽ làm công việc tiếp theo là tiễn họ vào lòng đất. Hỏi trong hai chục năm qua, anh đã giúp cho bao nhiêu bệnh nhân có mồ yên mã đẹp, anh nói hàng trăm, làm sao nhớ nổi. Hiệp nghiệm ra một điều khác lạ trong công việc của mình rằng, nó đơn điệu và buồn hơn nhân viên mai táng ở các công ty. Các công ty mai táng gửi vào lòng đất đủ mọi thành phần, vô cùng phong phú, từ quan chức đến thường dân, từ học giả đến một tên lưu manh, trộm cướp, lại có tang lễ rình rang, có những dòng người đưa tiễn. Còn anh, chỉ lặng lẽ một mình anh với người chết, mà người chết chỉ một thành phần duy nhất: Người điên. Cứ sau 24 giờ ngồi canh xác chết, không ai đến nhận thì Hiệp đưa vào hòm, rồi lặng lẽ đào huyệt, nhờ một bệnh nhân gần nhất tiếp khiêng một đầu hòm đưa vào lòng đất. Anh nói nhiều khi buồn lắm, tiễn một kiếp người mà không có lấy một nén nhan. Cái chết của người điên là như thế. Rồi Hiệp lật sổ tử đọc cho tôi ghi vài con số, những con số ngẫu nhiên trong cuốn sổ nhàu nát, ngã màu: Năm 1983 chết một trăm lẻ một người nhưng chỉ có sáu người được thân nhân nhận xác; năm 1984 chết một trăm năm mươi người nhưng chỉ có mười ba người được thân nhân nhận xác. Tôi bảo Hiệp thôi đừng đọc nữa, tôi không muốn nghe những con số đầy ta thán chuyện nhân tình. Hiệp nói nghĩa trang gần bốn hécta nhưng đã chật hết rồi, bây giờ phải chèn kẻ để mà chôn.

Song, nghĩ đi rồi nghĩ lại, dù là sống bị người thân ruồng rẫy, chết trong lặng lẽ cô đơn, nhưng ít ra cũng có một nơi để họ sống ra người, được chăm sóc đến giờ phút cuối cùng và chết cũng được yên mồ yên mã. Nếu không có những người thầy thuốc tử tế trong bệnh viện này thì hàng ngàn thân phận ấy biết mục rã nơi đâu.

Bác sĩ Nguyễn Gia Khanh nói rằng, ông đã sống với người điên gần trọn ba mươi năm. Ngẫm ra thấy mình hạnh phúc nhiều hơn họ. Nhiều khi nhìn họ mà trộm nghĩ rằng, cái ranh giới giữa vinh quang và tủi nhục trong cuộc đời nó rất mong manh. Biết đâu những người như Tuấn, như Hoàng, như chị Huệ... nếu họ không điên, giờ đây họ là những con người thành đạt, làm được nhiều việc hơn mình. Càng nghĩ càng thấy thương họ. Bác sĩ Tiếng kể rằng, có một bệnh nhân nữ có tình ý với anh tự lúc nào không biết, một hôm anh đang khám bệnh thì bất ngờ cô ấy cầm hai nắm phân vuốt lên người anh, cô giận giữ nói: “Em yêu bác sĩ mà bác sĩ lại yêu cô khác”. Lúc ấy, anh chỉ biết cười. Y tá Ngọc Hương kể, có lần một bệnh nhân nữ lên cơn cắn chị gần đứt lìa ngón tay áp phải, và một lần khác, chị đang tắm cho một bệnh nhân nam thì bất ngờ anh ta thổi vào mặt chị, sụp xương má trái phải ra bệnh viện Chợ Rẩy điều trị cả tuần. Ở đây, hầu như mỗi bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên đều bị bệnh nhân hành hung ít nhất đôi ba lần. Nhưng khi hỏi chuyện ấy, họ đều kể lại như một chuyện vui, một kỷ niệm đẹp trong nghề. Bác sĩ Tiếng nói rằng, chẳng có gì phải tôn vinh, chẳng có gì phải thổi phồng như một tấm lòng cao cả. Thật ra, không ai lựa chọn bệnh viện tâm thần làm nơi lập nghiệp. Nhưng sống với bệnh nhân riết rồi thấy quen dần và thấy yêu thương họ, một tình cảm cần chia sẻ giữa con người với con người. Và, tình cảm ấy đã trưởng thành theo năm tháng, nó đã dẫn đường cho những thế hệ tiếp theo để tất cả cùng đi trên con đường tử tế.