Thế Giới Người Điên - Chương 23 - Phần 1

CHỮ TÌNH CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ

1. KÝ ỨC TUỔI THƠ

Tình cờ một người bạn đồng nghiệp – cháu gọi ông Phan Văn Xoàn bằng ông chú – cho tôi xem bản thảo tập hồi ký của ông, mặc dù còn ở dạng tư liệu thô nhưng tập hồi ký đã lôi cuốn tôi từ trang đầu đến trang cuối với những tình tiết hấp dẫn về một cuộc đời. Đọc xong, tôi liền gọi điện thoại cho ông, tôi nói rõ là tôi xin gặp ông khoảng hai ngày để nghe ông kể cụ thể, đầy đủ chi tiết mà trong tập hồi ký ông đã lướt qua. Từ đầu máy bên kia, ông Xoàn cười sảng khoái và vui vẻ cho tôi ngày hẹn, ông nói, nếu cần thì ghi thành đề cương rối fax cho ông để ông chuẩn bị trước, bởi già rồi, chuyện cũ có khi phải lật lại hồ sơ trong trí nhớ rất lâu, sợ mất thời gian cho cả đôi bên.

Đúng ngày hẹn, chúng tôi gặp nhau trong phòng làm việc của ông, gọi là phòng Tổng Giám đốc nhưng trông khá giản dị trong một Tòa nhà bình thường trên con đường Võ Văn Tần, không khoa trương bề thế như nhiều công ty tư nhân khác. Bản thân ông cũng thế, ông mặc bộ đồ bốn túi màu nâu đã cũ. Chỉ có điều làm tôi ngạc nhiên là một ông già tám mươi tuổi mà trông ông còn rất mạnh khỏe từ thể chất đến tinh thần, phong thái vẫn còn hiên ngang của một vì tướng và giọng nói, nụ cười vẫn rất ung dung, đầy nhân hậu của một ông già Nam bộ.

Cầm tờ fax của tôi trên tay, ông bắt đầu kể:

Tôi sinh ngày 19 tháng 2 năm 1924 tại Cà Mau, quê tôi là một con kinh nhỏ không tên tẻ ra từ dòng sông Rạch Rập, gần ngôi đình Tân Hưng, cách thị xã Cà Mau chừng năm cây số. Ba tôi qua đời từ năm tôi lên sáu tuổi, nhà tôi nghèo lại không có ruộng đất, vì vậy mà cả ba người chị tôi lớn lên đều đi ở đợ để nuôi sống gia đình. Một hình ảnh quen thuộc qua nhiều năm tháng đã trở thành dấu ấn trong tôi là hễ sáng sớm, khi mẹ tôi lấy khúc cây chống cánh cửa cái lên là ba người chị tôi xếp hàng ra đi đến nhà chủ, khi trời chạng vạng tối mới lần lượt trở về. Vậy mà vẫn không đủ sống, ngày nào cũng có người tới nhà đòi nợ, họ mắng, họ chửi đủ thứ những lời đanh đá, chanh chua. Mẹ tôi cứ năn nỉ, cứ khất dần. Ban đêm, mẹ tôi hay nằm ôm tôi vào lòng, vừa khóc thút thít, vừa lần gở những con chí trên đầu tôi. Đến mùa cấy, mẹ tôi đi cấy mướn để trừ tiền công ứng trước cho chủ nợ. Cứ hừng sáng ra đi, đến khi mặt trời lặn, cúm núm kêu vang đồng bà mới lầm lủi trở về, và lần nào bà cũng mang về mấy vắt cơm gói trong chiếc lá môn cho mấy chị em tôi ăn, bà nói đó là bà xin phần cơm thừa của chủ.

Căn nhà của tôi hồi ấy gọi là nhà nhưng thật ra nó chỉ là căn chòi lá rách nát, vách phên tơi tả, mèo chó gà vịt tự do ra vào, nhìn lên nóc thì ánh sáng trời lốm đốm. Những đêm mưa thì cả nhà thức dậy, xúm nhau ngồi co cụm lại một góc, hoặc lấy lá chầm che lên nóc mùng mà ngủ.

Có hôm ở nhà một mình buồn quá, tôi lội lang thang đến nhà ông chủ Tuấn, nơi chị Hai tôi ở đợ. Chị ôm tôi vào lòng, hôn hít, vuốt ve, bắt chí cho tôi một lúc rồi bỗng dưng chị bảo: “Thôi em về đi, và từ rày về sau đừng đến đây chơi nữa!”. Tôi hỏi lý do, chị nói: “Chị sợ người ta nghĩ em đến đây xin xỏ, hoặc nghi ngờ chị ăn cắp đồ đạc lòn đút cho em rồi người ta sẽ khi dễ nhà mình”. Tôi nghe lời chị ra về, lúc ngoái lại tôi thấy chị nhìn theo mà rơi hai hàng nước mắt.

Ở xứ tôi có thầy giáo Thường, ở rễ cho gia đình ông Hương quản Diệu. Là một người giàu có và sang trọng thuộc bậc trung lưu nhưng thầy Thường luôn tỏ ra gần gũi và chia sẻ với người nghèo, không phân biệt đối xử. Một hôm thầy ghé nhà nói với mẹ tôi: “Thằng Xoàn đã lên tám tuổi rồi, chị phải cho nó đi học, có khó khăn gì thì em lo giúp, chớ để nó dốt nát rồi mai mốt lớn lên cũng phải đi ở đợ như mấy chị nó thôi”. Mẹ tôi mừng muốn rơi nước mắt, bà đội ơn thầy Thường, bà nói rằng đây là cơ hội ngàn vàng và cũng chính là lời trăng trối của ba tôi, trước khi lìa đời, ba tôi dặn mẹ tôi rằng không để cho tôi đi ở đợ mà phải cho tôi đi học để biết chữ, để khỏi bị người ta ăn hiếp. Từ đó tôi luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của thầy Thường, ông tỏ ra rất quý trọng những đứa học trò nghèo hiếu học. Cứ mỗi buổi tan trường, tôi với thầy cùng về chung con đường chừng hơn cây số. Đó là khoảng thời gian mà thầy truyền bá cho tôi những điều bổ ích, thầy giải thích về những chuyện mê tín dị đoan, những điều thuộc về nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, rằng vì sao phải tiên học lễ, hậu học văn, vì sao trên đời này lại có kẻ áp bức và người bị áp bức, v.v...

Vào ngày rằm và ngày ba mươi hàng tháng, mẹ tôi đi chùa thắp nhang niệm Phật và thỉnh kinh về bảo tôi đọc cho bà nghe vì bà không biết chữ. Từ đó mà tôi thuộc rất nhiều kinh và biết trân trọng những điều Phật dạy, những điều cần phải tránh và những điều cần phải làm để lấy đức cho bản thân và người thân.

Năm mười ba tuổi tôi ra Cà Mau thi tiểu học. Trước ngày hôm ấy, tôi thấy cả nhà tỏ ra lo lắng khác thường. Chị Hai tôi đến nhà ông chủ Tuấn ứng trước mấy cắc bạc tiền công, mẹ tôi đi mượn chiếc xuồng chèo, nhưng mọi người vẫn còn lo vì tôi chưa có quần áo vải để mặc đi thi. Hồi ấy cả nhà tôi mặc đồ bố tời do chị Hai tôi dệt. Mẹ tôi ngồi chóng tay lên càm mà rơi nước mắt, cuối cùng, chị Hai tôi lại đánh liều đi mượn bộ bà ba đen bằng vải của anh Thủ, con trai ông chủ Tuấn cũng là bạn học với tôi.

Sáng sớm hôm sau chị chèo xuồng đưa tôi ra Cà Mau, vừa bước lên chợ, chị móc túi lấy đồng xu ra mua cho tôi hai củ khoai lang luộc, tôi để nguyên vỏ mà ăn ngấu nghiến một cách ngon lành trong cơn đói. Chị Hai tôi nhìn tôi đăm đắm trong vẻ xót thương.

2. GIẤC MƠ KÉP HÁT

Theo hồi ký của ông Xoàn thì ở Cà Mau hồi ấy chưa có trường Trung học, cho nên sau khi học xong bậc tiểu học, ai muốn học tiếp phải lên Sài Gòn hoặc Cần Thơ, điều kiện ấy tất nhiên là chỉ dành cho con nhà giàu và một số ít con nhà nghèo học giỏi được người Pháp cấp học bổng. Ông Xoàn tuy lấy được bằng tiểu học nhưng bị rớt môn tiếng Pháp nên không được xếp loại ưu. Còn ông Thủ, người cho ông Xoàn mượn bộ đồ bà ba đen để đi thi hôm ấy thì lại thi rớt. Cũng trong tập hồi ký, ông Xoàn ghi lại một chi tiết khá cảm động rằng, mấy hôm sau ngày thi, chị Hai ông lại mượn chiếc xuồng chèo chở ông ra Cà Mau xem kết quả. Cả hai chị em hồi hộp từng phút lắng nghe thầy Giám thị đọc thông báo những người trúng tuyển, khi nghe có tên Phan Văn Xoàn, chị Hai ông mừng quá nhưng không biết làm gì, bèn dẫn ông ra ngoài mua hai cái bánh bò để thưởng cho ông. Có lẽ, hai cái bánh bò và hai củ khoai lang mà chị Hai ông đã mua cho ông bằng những đồng xu ứng trước tiền công ở đợ đã làm ám ảnh ông suốt một cuộc đời.

Cái bằng tiểu học tuy chẳng làm được việc gì, chỉ đem về cất trong căn nhà đổ nát. Nhưng phải thừa nhận rằng so với trình độ dân trí của một đất nước tối tăm trong những đêm dài nô lệ thì nó có giá trị lớn lao trong nhận thức của con người. Với cái tuổi mười ba, suốt ngày chỉ lặn hụp dưới đồng sâu bắt ốc, mò cua, câu cá, hái rau nuôi mẹ nhưng chữ nghĩa đã nung nấu trong ông một ước mơ mà chính ông cũng không hiểu là những ước mơ gì, chỉ biết rằng mình phải làm một cái gì đó để cho mẹ mình hết nghèo hết khổ, để cho chị mình thôi ở đợ. Rồi thời gian trôi qua, có một mơ ước hình thành, Phan Văn Xoàn mơ trở thành kép hát, hát để được rày đây mai đó, hát để được đứng trên sân khấu trước sự ngưỡng mộ của mọi người, hát để có tiền nuôi mẹ và chuộc ba người chị ra khỏi kiếp tôi đoài. Có nhiều đêm ông ngồi ngoài sân nhà ông hương quản Diệu để nghe lén những bài ca phát ra từ trong máy đĩa:... Ơi vì thương mà phải bỏ ngai vàng, vì thương mà thành chim hóa đá, thương thì phải khổ, nhưng càng khổ lại càng thương... ơ!...” hoặc: “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng, vào ra luống trông tin nhàn, đêm năm canh mơ màng, vào ra luống trông tin nhàn, ngày mỏi mòn hóa đá vọng phu, vọng phu vọng luống trông tin chàng, em luống trông tin chàng, ôi gan vàng qoặn đau ý a!...”

Cứ thế, ông vừa nghe lóm vừa lẩm bẩm ca theo cho đến thuộc lòng, ông ca suốt ngày, ở đâu cũng ca, từ nấu cơm trong bếp đến câu cá ngoài đồng. Nhưng ca một mình hoài cũng chán, ông tìm đến những người biết đờn biết ca trong xã và các vùng lân cận để tập hợp lại thành một nhóm đờn ca tài tử, tất cả được sáu người gồm Tư Ngự đờn cò, Năm Bính và Tám Rồ đờn kìm, Tư Sa và Út Quang đờn guita. Trong nhóm ai cũng biết ca nhưng ông Xoàn là giọng ca chính. Ban ngày họ lao vào cuộc mưu sinh trên đồng ruộng, ban đêm họp lại đờn ca. Những bài ca: Mỗi độ thu về, Văng vẳng tiếng chuông chùa, Dạ cổ hoài lang… trước đây hiếm hoi người ta mới được nghe qua đĩa hát của những nhà giàu, nay được ông Xoàn phục vụ mỗi đêm. Tiếng lành đồn xa, dần dần nhóm của ông được các đám cưới trong vùng mời đến để giúp vui. Chẳng bao lâu, giọng ca của ông trở thành nổi tiếng, làm rung động không biết bao nhiêu trái tim của những cô gái trong làng. Nhưng chính điều đó lại càng làm cho ông đau khổ, những cô gái tìm đến ông, ông đều lẩn trốn chỉ vì ông không có bộ quần áo nào cho ra hồn để mặc ngoài manh khố dệt bằng bố tời.

Năm 1938, Mặt trận Bình dân công khai diễn thuyết ở Tân Hưng và nhiều vùng nông thôn khác ở Cà Mau, ông Xoàn cảm thấy đây chính là con đường đổi đời thực sự cho gia đình mình chớ không phải là ánh đèn sân khấu. Thế là, ông quên mất giấc mơ trở thành kép hát để gia nhập vào phong trào thanh niên phản đế. Trong một đoạn hồi ký, ông viết: Năm 1940, tôi được giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí khác chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Tôi bỏ việc nhà và khẩn trương đi tập hợp quần chúng để chuẩn bị làm một cuộc bạo động ở xã, vạch kế hoạch bắt bọn hội tề và xáp chiến với lính khố xanh từ thị xã Cà Mau vào đàn áp. Không biết công việc có thành công hay không nhưng ai cũng nghĩ rằng mình làm việc này vì chân lý, là dũng cảm, là thay trời đổi đất, chấm dứt lầm than cơ cực cho người nghèo. Tất cả chúng tôi đều không có súng ống gì cả, chỉ bí mật rèn kiếm, dao gâm và phi tiêu để tự vệ và chiến đấu.

Đêm ấy trước khi lên đường, tôi bí mật lội sông và lẽn qua vườn chuối để vào nhà thăm mẹ vì tôi nghĩ rằng đây là cuộc chiến đấu một mất một còn, biết đâu mình không còn gặp mẹ. Vừa bước vào nhà, mẹ tôi đã ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở. Tôi chỉ kịp giải thích đôi điều rồi vội vã ra đi, mẹ tôi vừa níu áo tôi lại vừa nói: Mẹ không cho con đi đâu cả, bọn lính đang rình rập dữ lắm, nếu lỡ tụi nó bắt con thì mẹ biết làm sao? Tôi biết tình thế này không thể khuyên can được nên giật mạnh vạt áo mà mẹ tôi đang nắm chặt rồi chạy thẳng ra vườn. Đi một đoạn, tôi dừng lại và núp bên bụi chuối nhìn vào nhà, mẹ tôi vừa khóc thúc thít vừa thắp nhang lên bàn thờ ba tôi. Tôi kiên quyết ra đi mà ngậm ngùi rơi nước mắt.

Tháng 6 năm 1940, cũng tại vườn chuối sau nhà ấy, trong một đêm tối trời, ông Phan Văn Xoàn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương.

3. MỐI TÌNH ĐẦU VÀ CUỘC CHIA TAY LỊCH SỬ

Trong tập hồi ký cũng như qua những câu chuyện kể của ông Xoàn, ít khi ông kể đến công trạng của ông, hay nói đúng hơn là ông không hề kể về một thành tích cá nhân nào, chỉ thấy bóng dáng ông lúc nào cũng hòa quyện cùng đồng chí, đồng bào từ cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đến Cách mạng tháng Tám, đặc biệt là Mặt trận Tân Hưng lịch sử ở Cà Mau. Tôi hỏi vì sao không thấy chú kể về những chiến công của mình trong khi chú là một trong những người lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cùng thời với ông Võ Văn Kiệt và ông Trần Văn Sớm?

- Nói là lãnh đạo cùng thời thì không chính xác. Năm 1948, tôi từ bí thư huyện ủy Cà Mau được bầu vào ban chấp hành tỉnh ủy Bạc Liêu để sang làm chính trị viên tỉnh đội thì lúc đó anh Trần Văn Sớm đã là bí thư Tỉnh ủy, anh Châu Văn Đặng và anh Võ Văn Kiệt đã là ủy viên Thường vụ. Tôi nghĩ trong chiến tranh, mỗi người đều chấp nhận hy sinh, mình còn sống được là điều may mắn. Mọi công trạng rồi cũng qua đi, kể lể làm gì. Chỉ có những dấu ấn của sự gian truân, dấu ấn của những buồn vui trong tình đời là còn ở lại, cái đó nó giúp cho tâm hồn ta lớn lên, nó luôn nhắc nhở ta hàng ngày trong đối nhân xử thế. Chớ cứ ôm khư khư những thành tích cách mạng trong đầu như thứ tài sản cá nhân thì mình dễ trở thành con người ích kỷ, cái đó Đảng ta gọi là bệnh công thần, dễ hư lắm cháu ạ!

Thì ra là vậy. Ở cái tuổi tám mươi mà ông Xoàn vẫn còn say sưa kể về chuyện tình yêu của thời trai trẻ, kể về mối tình đầu và cuộc chia tay lịch sử của ông với bà Trần Thị Xinh mà ông cho là một cô gái đẹp nhất ở Cà Mau thời ấy. Năm 1948, ông vừa tròn hai mươi bốn tuổi, lúc ấy đang làm bí thư huyện ủy Cà Mau. Một hôm, ông đi thăm ông Trần Hợi, một cán bộ lão thành Cách mạng vừa vượt ngục từ Côn Đảo trở về đang trong cơn bạo bệnh. Ông Trần Hợi nói như lời trăn trối sau cùng của một người sắp ra đi, rằng ông muốn gửi đứa con gái út của ông cho huyện ủy dưỡng nuôi, đào tạo thành người của Đảng. Cô Xinh lúc ấy mới mười sáu tuổi. Ông Xoàn nhận lời nhưng chưa dắt cô Xinh đi ngay mà phải về họp ban thường vụ huyện ủy để báo cáo. Mấy ngày sau, ông cho người đến rước và gửi cô vào học trường Lý Tự Trọng – một trường văn hóa của khu tây Nam bộ trong rừng U Minh, gần căn cứ của huyện úy. Lúc đầu, hai người cứ xem nhau như tình anh em ruột thịt, nhưng rồi cái gì đến phải đến... Trong tập hồi ký của ông Xoàn có đoạn viết: “Phải nói rằng em gái của tôi là một cô gái xinh đẹp nhất tỉnh, em có mái tóc màu đen óng gợn như một làn suối chảy uốn quanh, có nước da trắng mịn, có đôi môi đỏ và gương mặt diệu hiền. Vẻ đẹp ấy cứ lớn dần trong tôi theo năm tháng.”

Đến tháng 3 năm 1950, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu kéo dài suốt ba mươi ngày trong rừng đước Năm Căn. Cô Xinh từ rừng tràm U Minh chèo xuồng đến thăm ông và ở lại đó chăm sóc cho ông suốt thời gian ấy. Lúc này hai người mới thực sự hiểu ra rằng họ đã yêu nhau. Nhưng nghịch cảnh cũng lại sắp diễn ra: Cuối Đại hội, ông Xoàn được thông báo của xứ ủy Nam kỳ chuẩn bị lên đường đi học bên Trung Quốc. Kể về giai đoạn này, ông Xoàn viết: “Tháng 6 năm 1950, cơ quan và hai gia đình đồng ý cho chúng tôi tiến hành lễ cưới. Chúng tôi sống với nhau được hơn ba tháng thì tôi nhận kệnh lên đường. Lúc bấy giờ, Xinh đã mang thai. Thật khó mà tả nổi cái tâm trạng lúc chia tay của một cặp vợ chồng đang tràn trề hạnh phúc, chúng tôi không muốn rời nhau nửa bước, không muốn vắng mặt nhau một giờ. Thế mà tôi phải ngậm ngùi ra đi vì trách nhiệm Đảng giao. Xinh đòi theo tôi để lúc nào cũng có vợ có chồng, cùng chia vui sẻ khổ, nhưng điều kiện nào cho phép...”

Rạng sáng ngày 23 tháng 9 năm 1950, người cận vệ của ông Xoàn chèo chiếc xuồng tam bản chở hai vợ chồng ông để làm một cuộc chia ly của đôi vợ chồng trẻ mà họ không thể hay rằng đó là lần chia ly vĩnh viễn. Họ khởi hành từ đầm Thị Tường qua sông Ông Đốc, đến sông Trèm Trẹm qua kinh xáng Chắc Băng rồi qua Rạch Giá, mất cả hai ngày đêm, chiều hôm sau mới vượt sông Hà Tiên đến đồi Đá Dựng. Theo ông Xoàn kể lại thì đi đến đâu cũng nghe hai bên bờ sông người ta hát bài: Mùa Thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến, rền khắp trời, lời hoan hô... nhưng hai vợ chồng ông thì lặng chìm trong nỗi niềm ly biệt. Ông nói rằng ông không thể nào tả nổi cái buổi chiều hôm ấy, buổi chiều bên bờ sông Hà Tiên, dưới chân đồi Đá Dựng giáp biên giới Campuchia, vợ ông không nói với ông được một lời nào, cứ nắm chặt bàn tay mà tuôn hai dòng nước mắt, đến nổi anh Giỏi, người cận vệ cũng khóc theo. Cứ như thế cho đến khi mặt trời lặn mất, vầng trăng mười sáu nhô lên, lúc ấy, ông mới chợt nhớ, giờ này trên đất bạn, nơi điểm hẹn có năm người đồng chí đang chờ.

Người lên ngựa, kẻ chia bào,

Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!

Ông Xoàn nói rằng, mãi đến sau này, khi đọc Truyện Kiều, tình cờ gặp mấy câu thơ ấy, lòng ông bỗng rụng rời nhớ lại cuộc chia ly.

Sang Campuchia, đoàn cán bộ của ông được quân đội bạn dẫn đường và bảo vệ, họ đi theo phương châm đêm đi ngày nghĩ để tránh rủi ro. Nhưng chẳng may, ngay trong đêm đầu tiên, đến đoạn đường bắt buộc phải chạy nhanh để tránh sự truy kích của địch thì ông Xoàn sụp phải lỗ chân trâu làm chân trái của ông bị bong gân và chệch khớp, nhưng ông vẫn phải cố chạy, vừa chạy vừa lê lất để kịp theo đoàn cho đến sáng.