Thế Giới Người Điên - Chương 23 - Phần 2

4. SÁU THÁNG ĐƯỜNG RỪNG

Đến đêm thứ ba thì ông Xoàn không còn đi được nữa. Cái chân trái đã xưng vù, ông cố lê từng bước một để kịp theo đoàn, nhưng mỗi bước đi của ông phải bậm môi để không rơi nước mắt vì đau đớn. Cuối cùng đoàn quyết định để ông ở lại đi sau và cắt ra một tiểu đội của bạn để hộ vệ cho ông. Trong những ngày nằm lại giữa rừng trên đất bạn, tâm trạng ông Xoàn có những mâu thuẫn trái ngược nhau, lúc cơn đau hoành hành đến sốt lên thì ông lại nghĩ rằng có thể đây là cơ hội để quay về gặp vợ; khi giảm đau thì lại đấu tranh kiên quyết lên đường. Cuối cùng thì lý trí của ông đã thắng. Lúc đầu bộ đội bạn chạy lo cho ông được một chiếc xe bò. Đi được mấy ngày đường, đến vùng núi rừng trắc trở, họ lại tìm cho ông được một con voi. Đây là lần đầu tiên ông được nhìn thấy voi và biết cởi voi, nhưng lại là một con voi độc đáo. Theo lời anh quản voi cho ông biết thì con voi này đã có nhiều thành tích trong việc tải đạn cho quân đội Campuchia, đã từng được lãnh Huân chương chiến công. Tuy tuổi nó già, quân đội đã cho nó nghỉ hưu nhưng trông nó hãy còn nhanh nhẹn, đặc biệt là trí khôn, ông Xoàn không thể tưởng tượng được một loài vật nào lại khôn đến thế. Ông còn nhớ, ngày đầu tiên ông cùng với vị chủ tịch huyện ngồi trên lưng nó, khi đi qua đường có những cành cây to chắn ngang, áng chừng có thể gạt phắc ngang người, nhưng con voi đã dừng lại dùng vòi bẻ gảy những cành cây quăng sang một bên làm trống lối đi. Một lần khác, con voi đang đi thì bỗng nhiên dừng lại, anh quản voi vừa đánh vừa hò hét nhưng nó vẫn không chịu đi, cuối cùng, anh quản voi hiểu ý, anh hỏi những người ngồi trên lưng voi có đánh rớt cái gì không, mọi người xem đi xem lại và bảo rằng không có rơi cái gì cả. Anh quản voi lại thúc nó đi, nhưng nó vẫn không đi dù phải chịu bao nhiêu là roi vọt. Anh quản voi thấy vậy tỏ ra nghi ngờ nên đi ngược trở lại chừng năm chục mét để tìm kiếm, thì ra là ông chủ tịch huyện đánh rớt cái nồi đồng. Khi anh quản voi trao cái nồi đồng cho chủ và nhảy lên lưng voi và bảo đi một tiếng thì lập tức con voi thản nhiên đều bước. Một lần khác, khi qua dòng suối sâu nước đang chảy siết, ông Xoàn lại thêm một trận ngạc nhiên trước một loài vật có trí khôn kỳ diệu: Con voi đưa hai chân trước đứng thẳng xuống nước, còn hai chân sau thì quỳ xuống cho tấm lưng nó được thăng bằng để người ngồi trên lưng nó không bị ngã, cứ thế mà nó lê chân dần xuống suối sâu và bơi sang bờ bên kia. Và khi sang bờ bên kia thì hai chân trước quỳ xuống, hai chân sau đứng thẳng để bò lên, người ngồi trên lưng voi cứ thế mà yên tâm qua suối.

Đến chiều khi đoàn người dừng lại nấu cơm thì con voi lại đi lấy củi, nó dùng vòi quật ngã những cây khô chừng vài chục mét rồi cũng dùng vòi cuốn lại mang về, sau đó, nó dùng chân dẫm lên rồi lại dùng vòi bẻ ra từng khúc ngắn. Sau đó anh quản voi lại điều khiển nó đi lấy măng tre, nó dùng vòi thọc vào bụi tre rồi lấy ra từng khúc măng non một cách nhẹ nhàng.

Kể đến đây, ông Xoàn bỗng dưng xúc động, ông dừng lại rất lâu rồi đổi sang giọng khác:

- Chúng tôi đi chưa đến điểm hẹn thì con voi ngã bệnh, nó không còn đi được nữa, nó nằm quỵ xuống, đầu nó gật gật, nước mắt trào ra hai bên khóe, anh quản voi nói với chúng tôi rằng chắc nó không qua khỏi, nó già lắm rồi, chúng ta đành vĩnh biệt nó thôi. Tôi thầm nói lời cảm ơn con voi đã giúp tôi những ngày đau chân không đi được rồi lặng đi trong giây phút ấy để vĩnh biệt một ân nhân, một người bạn đồng hành vừa thông minh vừa tốt bụng.

Ông Xoàn nhẩm tính, cuộc hành trình từ Campuchia qua Thái Lan, từ Thái Lan qua Lào, từ Lào qua Nghệ An và từ Nghệ An lên chiến khu Việt Bắc mất tròn sáu tháng, chủ yếu là lội bộ. Bây giờ, mỗi khi nằm đêm nhớ lại, có những chuyện dù đã hơn nửa thế kỷ qua nhưng vẫn còn ám ảnh ông, làm ông cảm thấy rợn người, ông không hiểu sao lúc ấy mình có đủ can đảm để vượt qua. Ông kể: Khi đến khu rừng già nơi biên giới Campuchi giáp với Thái Lan, đoàn dừng lại ở đó mười lăm ngày để học tiếng Thái và chờ liên lạc từ Thái Lan qua đón, bộ đội bạn đã dựng sẵn những ngôi nhà gỗ nhỏ trên những ngọn cây cổ thụ để lên ở đó phòng tránh thú rừng. Ban ngày thì rất bình yên, nhưng đêm đêm, từng đàn voi rừng kéo đến, chúng la hét hầm hự vang động cả khu rừng, rồi chúng dùng vòi quấn lấy thân cây giật qua giật lại làm cho căn chòi nhỏ bé trên ngọn cây lắc lư, nghiêng ngã. Suốt mười lăm đêm kinh hoàng như thế, cho đến khi nghe buồm của liên lạc từ Thái Lan qua rước, cả đoàn mới thở phào tin rằng mình thoát chết. Nhưng rồi qua đêm sau, khi thuyền buồm đang lênh đênh trên biển thì gió lớn thổi lên, sóng to ập tới, cả đoàn bị say sóng, kẻ nôn mửa, người ngất ngư vì hầu hết anh em chưa từng đi biển, chỉ riêng ông còn khá tỉnh táo nhưng phải ôm lấy cột buồm. Bất thần, cột buồm bị gãy, người lái thuyền sau giây phút hốt hoảng bèn ra lệnh cho ông Xoàn đến cầm lái thay anh để anh sửa lại cột buồm. Cuối cùng, sau một ngày một đêm vượt sóng, con thuyền cũng dần dần cập bến vào một ngôi làng nhỏ trên đất Thái Lan.

Khi sang đất Lào, sự tấn công của lũ vắt rừng cũng là một cảnh tượng vô cùng khủng khiếp. Ông nói, loài vắt nhỏ xíu chỉ bằng cây tăm, nhưng khi đánh được hơi người, chúng di chuyển trên lá cây nghe lào xào như cơn mưa nhỏ, chúng chực chờ sẵn, khi người đi qua là chúng lao thẳng xuống, bám khắp người và hút máu no nê.

5. MỐI TÌNH TUYỆT VỌNG VÀ NGƯỜI VỢ THỨ HAI

Sao đầy trời, sao sáng suốt đêm,

Sao đêm chung sáng chẳng chia miền.

Trời còn có bữa sao quên mọc,

Anh chẳng đêm nào không nhớ em!

Suốt cuộc hành trình, trong hành trang của ông Xoàn luôn mang nặng nỗi nhớ thương dành cho người vợ trẻ. Nhiều lúc ông cứ nghĩ Nguyễn Bính đã nói về ông, nói thay ông tất cả nỗi niềm trong bốn câu thơ ấy dù ông đã đọc nó trong những ngày ông đang tuyệt vọng, chán chường.

Đã là chiến tranh thì mọi chuyện làm sao có thể diễn ra như người ta dự tính. Ngày ra đi, cả ông và lãnh đạo cấp trên đều nghĩ rằng cử ông đi học để mang kiến thức về phục vụ cho giải phóng quê nhà. Tháng 3 năm 1953, tốt nghiệp trường chính trị Mác-lê-nin phương Đông Trung Quốc trở về chiến khu Việt Bắc, lòng ông khắp khởi, nôn nao trở lại miền Nam. Suốt cả ngày đêm, ông cứ hình dung cái cảnh gặp lại người vợ trẻ, tay ẵm con thơ ra đón ông mà nước mắt tuôn trào vì vui sướng. Nhưng rồi trong lúc mọi người đang hối hả chuẩn bị hành trang thì lệnh của Xứ ủy Nam kỳ điện ra chỉ đạo: Mỗi đồng chí phải ở lại nghiên cứu sâu về một chuyên ngành để khi về Nam tập huấn lại cho cán bộ địa phương. Ông Xoàn thất vọng nhưng lại nghĩ đó là điều cần thiết cho cuộc kháng chiến ở miền Nam. Vậy là mỗi người được phân công theo một lĩnh vực khác nhau: Từ dân vận, địch vận, quân sự, điền địa, tư tưởng văn hóa... Ông Xoàn được phân công sang Bộ Công an để nghiên cứu về nghiệp vụ an ninh và nghiệp vụ bảo vệ các cơ quan đầu não. Ông cố nén nỗi nhớ nhà để lao vào công việc suốt ngày đêm. Đến năm 1954, lại một lần nữa đoàn cán bộ của ông chuẩn bị về Nam thì đất nước lại sang trang sử mới: Chiến thắng Điện Biên phủ, ký Hiệp định Gienève, đất nước tạm thời chia cắt. Biết mình không thể về Nam, ông Xoàn gửi điện về Tỉnh ủy Bạc Liêu yêu cầu tổ chức giải quyết cho mẹ và vợ con ông ra Bắc theo đường tập kết.

Những ngày sau đó, ông Xoàn vinh dự được Bộ Công an giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ từ bến phà Hòa Bình về thị xã Sơn Tây, và từ Sơn Tây, ông bí mật đưa Bác vào thủ đô Hà Nội. Lúc ấy ông vừa tròn ba mươi tuổi.

Trong những ngày sôi động của không khí tiếp quản thủ đô, trong cái niềm vui chung lớn lao của dân tộc, lòng ông cứ phập phồng hy vọng sẽ được gặp mẹ, gặp vợ, gặp con giữa lòng thủ đô Hà Nội, có lẽ sẽ không còn hạnh phúc nào hơn. Thế nhưng đến khi gặp các đồng chí trong Tỉnh ủy Bạc Liêu ra tập kết thì ông mới hay tin sét đánh: Vợ ông lấy chồng khác sau khi ông đi khoảng hai năm, lúc ấy đứa con gái của ông vừa tròn một tuổi. Sau giây phút mừng vui hội ngộ, mọi người đều dành cho ông những lời chia sẻ. Lúc ấy dường như nỗi thất vọng và đớn đau không kiềm chế được, ông cảm thấy như đất trời xụp đổ, ông đâm ra oán ghét tất cả những người con gái miền Nam. Ông nghĩ rằng một cô gái đẹp đẽ, nết na, dịu dàng, nhân hậu như vợ ông, một đôi mắt mỗi lần nhìn ông đều nói lên hai chữ chung tình thế mà đành phản bội thì trên đời này ông không còn tin ai nữa.

Những ngày tháng ấy, ông chỉ còn biết lao hết mình vào công việc để tìm sự lãng quên. Những lúc đơn độc một mình, ông nghiền đi ngẫm lại, ông tự an ủi mình, tự tha thứ cho vợ ông bằng những lí lẽ của chiến tranh. Một người phụ nữ trẻ đẹp như cô ấy làm sao chịu nổi cảnh chinh phụ đợi chinh phu không hẹn ngày trở lại. Thôi thì đành vậy, cứ cho đó là số phận không may mắn của mỗi con người vốn sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến loạn ly này.

Ngày 1 tháng 5 năm 1955, Chính phủ làm lễ ra mắt Quốc dân tại quảng trường Ba Đình, một lần nữa, ông Xoàn vinh dự được Bộ Công an giao nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ tại lễ đài lịch sử này.

Cuối năm ấy, từ trưởng phòng bảo vệ cơ quan của Bộ Công an, ông Xoàn được điều sang làm trưởng phòng bảo vệ chuyên gia, một đơn vị có trên năm trăm chiến sĩ chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ các chuyên gia nước ngoài sang giúp ta khai thác tài nguyên và xây dựng các công trình kinh tế, quân sự ở miền Bắc. Lúc bấy giờ, ông Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha công an, người thủ trưởng trực tiếp của ông Xoàn thường hay tỏ ra quan tâm và chia sẻ với ông. Một hôm ông Giản nói với ông Xoàn: Chuyện vợ con của mày hơi đâu mà buồn mà khổ hoài như thế, có khổ đến mấy cũng không tìm lại được, phải nghĩ đến chuyện xây dựng lại hạnh phúc cho mình. Mấy ngày sau, ông Giản lại nói: Tao có hai đứa con gái và một đứa em gái vừa đi học sư phạm bên Trung Quốc về, để tao giới thiệu cho mày làm quen, hễ mày đồng ý đứa nào thì tao gả đứa đó.

Thật ra, lúc này ông Xoàn không quan tâm đến chuyện ấy, hơn nữa ông gọi ông Giản bằng anh, lẽ nào lại gọi anh bằng bố nên ông nghĩ ông Giản thương mình mà nói thế thôi. Nhưng rồi, theo ông Xoàn, có lẽ đó cũng là duyên số, chính sự dịu dàng đôn hậu của cô Hồng Thu – con gái ông Giản - đã làm lành lại vết thương lòng trong ông qua những lần gặp gỡ, cô hiểu và chia sẻ nổi đau mất mác của ông, chia sẻ sự cắt chia giữa hai miền đất nước. Là một giáo viên dạy sử, cô tỏ ra am hiểu và yêu quý miền Nam. Chính điều đó đã làm cho cô trở thành chỗ dựa tình cảm của ông Xoàn. Tết nguyên đán năm 1956, hai người chính thức làm lễ cưới, và họ sống hạnh phúc với nhau cho đến bây giờ.

6. TRỞ THÀNH CẬN VỆ CỦA BÁC HỒ

Năm 1958, ông Xoàn được bổ nhiệm làm cục phó cục Cảnh vệ. Đến năm 1960, ông được Bộ Công an phân công ông làm cận vệ cho Bác Hồ kiêm trưởng phòng bảo vệ phủ Chủ tịch thay cho ông Phan Lê Ninh đi học nước ngoài.

Tôi hỏi, trong quá trình đi bảo vệ Bác Hồ, có sự cố nào xảy ra mà người cận vệ phải đối phó hay không, ông nói có một sự cố rất là hi hữu, lần ấy Bác đi thăm đoàn văn công Nam bộ ở Cầu Giấy, Từ Liêm. Lúc ra xe thì bất thần có một thanh niên nhào ra xô anh cảnh vệ sang một bên và ôm chầm lấy Bác, cảnh vệ bắt ngay và khám người anh ta không thấy có vũ khí, định giải anh ta đi thì Bác ngăn lại và hỏi thăm, anh ta thật thà trả lời: “Thưa Bác, cháu tên là Suối, cán bộ vệ quốc đoàn tỉnh Bạc Liêu, hiện công tác ở trường Nguyễn Ái Quốc. Cháu nghe tin Bác đến, chờ mãi mà không cách nào đến gần được nên đành phải làm liều, mong Bác tha lỗi”. Kể đến đây ông Xoàn bỗng đổi sang giọng khác:

- Đêm đó chúng tôi biết là Bác không ngủ được, hình ảnh và cử chỉ của anh cán bộ ấy làm cho Bác cứ trằn trọc với miền Nam.

Trong những trang hồi ký của ông Xoàn về những ngày sống với Bác Hồ, có những đoạn ông viết:

Là một vị lãnh tụ, không dễ có ai quan tâm đến từng vùng đất, con người một cách cụ thể và sâu sắc như Bác. Những chuyến đi công tác về địa phương của Bác cứ được tiến hành liên tục. Bác đi đâu, đến đâu đều chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo chương trình làm việc nhưng không hề báo trước. Người giải thích đơn giản: “Bác muốn đi để thấy cảnh người thật việc thật chứ đâu muốn đi để thấy cảnh được đón tiếp”. Đi đến đâu, làm việc xong là Bác về ngay, chẳng bao giờ Bác nhận tiệc tùng chiêu đãi. Bác nói đi công tác thì cốt lo cho xong việc, không nên làm phiền các địa phương. Chúng tôi thường hộ tống Bác đi với bảy người bằng hai ô tô. Có khi sáng sớm từ Hà Nội ra đi, làm việc ở Phúc Yên xong, thấy còn sớm, Bác bảo cho xe qua Vĩnh Phú, tranh thủ làm việc cho hết buổi sáng. Trưa, Bác thường bảo chúng tôi kiếm một ngọn đồi vắng, một ngôi chùa xa nào đó để nghỉ ngơi, chiều tiếp tục hành trình. Bác không ăn cơm tại nhà khách các tỉnh với lý do: Đất nước mình còn nghèo, dân còn khổ, chỉ bảy người đến mà để người ta phải giết bò, mổ lợn là phí phạm lắm.

Hồi tưởng lại những bữa cơm trưa của Người trên đường đi công tác, tôi vẫn còn thấy xúc động: Chỉ có cơm nắm cắt khoanh, cá khô đạm bạc, chúng tôi bày ra và Bác cháu cùng ăn như một gia đình, không hề có sự phân biệt. Ăn cơm xong, Bác thường chọn một gốc cây to, trải ni lông, cuộn áo bông lên rễ cây nằm ngủ một giấc ngon lành chừng ba mươi phút rồi lại dậy đi tiếp. Rừng thông Phúc Yên, những ngọn đồi ở Ba Vì là những nơi Bác thường nghỉ ngơi trên đường đi công tác. Vì quá lo cho Bác nên có lần anh Vũ Kỳ chuẩn bị sẵn giường xếp, chăn chiên và gối bông, ăn cơm xong anh bày ra mời Bác nghỉ. Bác khen: “Chú Kỳ chu đáo thật. Buổi trưa mà được thế này thì còn gì bằng. Nhưng chỉ mỗi một bộ thôi à?” Anh Kỳ đáp: “Dạ thưa Bác, xe chật nên chúng cháu chỉ mang theo được một bộ, mời Bác nghỉ lưng cho khỏe”. Bác cười: “Tốt, nhưng ai chu đáo, biết lo xa thì người đó được hưởng. Thôi, chú Kỳ lên đó nghỉ đi, Bác nằm ni lông cũng quen rồi”. Bác nói vậy và trải ni lông ra nằm, năn nỉ thế nào Bác cũng không nghe. “Chừng nào lo được cho tất cả mọi người từ Nam ra Bắc thì Bác có chỗ của mình trong đó”. Bác nói vậy và kiên quyết bắt anh Kỳ phải lên giường xếp. Cuối cùng, không còn cách nào khác, anh Vũ Kỳ phải lên nằm. Trưa hôm ấy, anh em chúng tôi cứ trằn trọc, cứ im lặng nhìn nhau mà tuôn trào nước mắt.

Nhiều năm sống bên Bác, những kỷ niệm về Người tôi không thể nào kể hết. Sự vĩ đại của Bác Hồ không phải là những gì xa xôi được thần thánh hóa. Bác vĩ đại chính vì sự giản dị, chan hòa trong cách sống, trong quan hệ với mọi người. Tôi còn nhớ năm 1960, anh Nguyễn Văn Hiếu và nhà thơ Thanh Hải được đi trong đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm Bác. Anh Hiếu tặng Bác một chiếc lọ hoa bằng vỏ đạn và nói: “Nhân dân miền Nam luôn luôn hướng về Bác”. Cùng tiếp đoàn hôm ấy còn có anh Phạm Văn Đồng và anh Xuân Thủy, anh Thủy hỏi Bác: “Bác có quà gì tặng miền Nam không ạ?” Bác im lặng một lúc rồi đưa tay chỉ về phía trái tim: “Quà tặng miền Nam Bác chỉ có cái này”. Anh Hiếu và anh Thanh Hải xúc động đến không kìm được nước mắt.

Hồi ấy, hàng năm đến ngày 19 tháng 5, tại phủ Chủ tịch, các cơ quan, đoàn thể, học sinh, sinh viên kéo đến mừng sinh nhật Bác như một ngày hội lớn. Bác không ngăn cấm, nhưng cũng không muốn điều ấy trở thành thông lệ, gây tốn kém và lãng phí thời gian nên những năm về sau, hễ gần đến ngày sinh nhật của mình thì Người lại xếp lịch đi công tác xa. Điều ấy tuy Bác không nói ra nhưng tôi với anh Vũ Kỳ hiểu được. Đến ngày 19 tháng 5 năm 1965, cũng trong một chuyến đi công tác xa như thế, anh Vũ Kỳ bàn với tôi là bí mật tổ chức cho lực lượng Công an vũ trang đến mừng sinh nhật Bác. Vừa sáng tinh mơ, thấy Công an vũ trang bồng súng xếp hàng đón Bác. Bác vừa tỏ ra ngạc nhiên vừa hỏi: “Ai bày ra vậy? Để làm gì?” Anh Vũ Kỳ thú thực, Bác nói nghiêm khắc: “Bác đã tránh Hà Nội, lên đây lại gặp chuyện này thật phiền phức”. Bác ra lệnh giải tán ngay, sau đó gọi anh em chúng tôi lại và ôn tồn nói: “Vì miền Nam, chúng ta gắn sức mỗi người làm việc bằng hai. Các chú đừng có hình thức, đừng bắt Bác phải trở thành một biệt lệ.”

7. GẶP LẠI NGƯỜI XƯA

Trong cuộc đời làm cảnh vệ của ông Xoàn, ngoài cái hạnh phúc lớn lao được làm cận vệ cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ, ông còn được đi hàng chục nước trên thế giới, đi công tác, đi học tập và đi huấn luyện công tác cảnh vệ cho một vài nước bạn. Từ tháng 5 năm 1968 đến tháng 1 năm 1973, ông Xoàn dược phân công làm trưởng đoàn cảnh vệ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris – một cuộc Hội nghị dài nhất trong lịch sử Hội nghị đàm phán quốc tế: Bốn năm tám tháng – Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1968, Đoàn đại biểu miền Bắc họp với Đoàn đại biểu Mỹ, chấm dứt cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của Mỹ; từ tháng một năm 1969 tiến hành cuộc họp bốn bên mà theo ông Xoàn là họp theo công thức, nghĩa là cứ họp chung giữa bốn Đoàn mấy hôm rồi lại họp riêng giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, đến tháng một năm 1973 mới kết thúc bằng Hiệp định Paris.

Ngày 25 tháng 4 năm 1975, ông Xoàn được lệnh vào Nam, lòng ông nôn nao được trở lại quê nhà sau hai mươi lăm năm xa cách, được gặp lại mẹ già, các chị và đứa con gái yêu quý của ông, đứa con mà ngày ông ra đi nó chỉ mới tượng hình trong bụng mẹ, bây giờ không biết nó đang sống ra sao trên một nửa đất nước đầy chiến tranh và cạm bẩy? Còn người ấy nữa? Ông đã từng không còn nhớ đến, nhưng giờ sao vẫn cứ phập phồng dù biết rằng bến với thuyền đã vĩnh viễn cách ngăn. Trên những chặng đường về Nam, đi đến đâu cũng gặp cảnh hoang tàn đổ nát, những vết tích của chiến tranh hủy diệt sao mà khủng khiếp đến rợn người, không biết nơi quê mẹ bây giờ có như thế này chăng?

Ngày 1 tháng 5 ông vào đến Biên Hòa, ngày hôm sau vào Sài Gòn trong khí thế của đoàn quân chiến thắng. Nhưng rồi công việc của người sĩ quan cảnh vệ đối với một thành phố vừa giải phóng lại ràng buộc trách nhiệm của ông. Đến cuối tháng năm, ông được lệnh đi miền tây để tổ chức lực lượng cảnh vệ cho các vị lãnh tụ vào công tác. Đến Cần Thơ, gặp lại những đồng chí cũ, ông vừa làm việc vừa bày tỏ nỗi nhớ nhà, không ngờ hôm ấy, Tỉnh ủy Cần Thơ gọi điện về Tỉnh ủy Cà Mau nhờ đưa chị Hai ông lên gặp ông. Hai chị em gặp nhau, lúc lại cười, khi lại khóc, giờ đây ông mới có đủ thông tin về chuyện gia đình: Mẹ ông vẫn còn khỏe mạnh, người chị thứ ba qua đời, cuộc sống của mọi người vẫn còn nghèo khổ. Ngày các chị ông lấy chồng, bên nhà trai phải ra tiền chuộc về từ nhà chủ nợ. Nghe đến đó mà ông không cầm được dòng nước mắt. Còn người ấy, sau khi ông đi chưa được hai năm thì đã sang bến đổi thuyền, mặc dù gia đình cô ấy cản ngăn quyết liệt, thậm chí chị Hai cô ấy phải ra tay hành hung vì phẫn nộ. Chồng cô ấy là một cán bộ phụ trách thanh niên trong xã, sau đồng khởi, ông ấy chiêu hồi và giữ một trọng trách tại Ty chiêu hồi tỉnh An Xuyên. Đứa con gái ông rất đẹp và dễ thương, nó được vợ chồng cô ấy nuôi dạy đàng hoàng, học xong trung học, nó ra làm việc tại Ty canh nông tỉnh An Xuyên, hiện giờ vẫn ở chung với vợ chồng cô ấy ngang nhà thương lớn.

Ông Xoàn sắp xếp công việc rồi theo chị về Cà Mau, gặp mẹ, gặp con, cả nhà đoàn tựu tại nhà khách Tỉnh ủy. Người đầu tiên ôm ông gào lên khóc là mẹ ông, rồi đến con gái ông, nó thét lên một tiếng Ba, một tiếng thét như tiếng của hai mươi lăm năm dồn nén lại. Cả văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau hôm ấy ai cũng khóc.

Trọng trách của người sĩ quan cảnh vệ trong những ngày đầu giải phóng chỉ cho phép ông Xoàn đoàn tựu với gia đình khi chưa kịp lau khô dòng nước mắt mừng vui của cuộc hội ngộ sau hai mươi lăm năm.

Về Sài Gòn ổn định công việc xong, một tháng sau ông trở lại Cà Mau và chủ động tìm đến nhà người ấy với hy vọng xin được mang theo đứa con gái của ông và sẽ đưa mẹ ông lên Sài Gòn để phụng dưỡng. Hai mươi lăm năm xa với bao nhớ thương, oán giận và cả sự lãng quên, giờ đối diện nhau vẫn cảm thấy bồi hồi. Cô ấy bây giờ đã bốn mươi ba tuổi, mười hai đứa con nhưng vẫn còn phảng phất cái nét quyến rủ của những ngày đã từng làm cho ông ngây ngất. Cô ngồi đó, chồng cô cũng ngồi đó, cả hai cúi đầu lặng lẽ, mỗi người chìm trong một mặc cảm riêng, ông Xoàn đọc được tất cả nhưng ông không tỏ ra mình là người chiến thắng, ông trầm tĩnh nói: Chiến tranh đã làm tan nát biết bao nhiêu gia đình, chỉ trong phạm vi những người đi tập kết thôi cũng biết bao nhiêu là bi kịch, có những người vợ chung thủy đợi chờ suốt hai mươi ba năm, vượt qua cả tù đày và cạm bẩy ở miền Nam thì ở ngoài kia người chồng lại xây tổ ấm với người khác, và ngược lại,... tôi nghĩ những chuyện ngang trái này khó có thể trách nhau. Riêng tôi cũng xin báo cho cô chú biết rằng tôi đã cưới vợ hai năm sau khi hay tin cô Xinh lấy chồng, bây giờ tôi được bốn đứa con. Nay tôi tìm đến đây trước là để thăm và cảm ơn cô chú, cảm ơn vì trong hai mươi lăm năm qua cô chú đã nuôi dưỡng con gái tôi nên người. Phải nói rằng nó được học hành, được ngoan ngoãn trong môi trường xã hội miền Nam như thế này thì tôi không biết lấy gì để đền đáp công ơn dạy dỗ của cô chú. Còn điều thứ hai, tôi xin phép cô chú cho cha con tôi được đoàn tựu để bù đắp sự thiếu thốn tình cha con ruột thịt suốt hai mươi mấy năm qua, ở đây tôi nói thật lòng chớ tôi không ép, nếu cô chú thuận tình thì tôi mãi mãi mang ơn.

Người chồng cô ấy nói: Thú thật với anh rằng mấy chục năm qua tôi vẫn coi nó như con ruột. Nay anh trở về, anh muốn đem cháu đi thì tôi cũng không có quyền từ chối. Và tôi nghĩ rằng mẹ nó cũng thế thôi. Cô ấy nói: Tôi cũng biết chuyện này sẽ xảy ra nên tôi đã nói với Thu Hoa rồi, nếu con muốn thì cứ theo ba con về Sài Gòn. Điều sau cùng, ông Xoàn nói: Vậy thì tôi xin hứa sau này sẽ đền đáp công lao của cô chú. Còn bây giờ, giữa chúng ta, những người có mối quan hệ ràng buộc trong quan hệ qua con gái tôi, mà tôi là người thọ ơn cô chú, tôi xin nói thật điều này: Đối với chú, một cán bộ đã chiêu hồi mà lại cộng tác với giặc tại Trung tâm Chiêu hồi thì Cách mạng xem tội ấy rất nặng, sẽ đi học tập cải tạo từ sáu năm trở lên. Nhưng với riêng tôi chú là người ơn, hơn nữa cô chú có tới mười hai đứa con, nếu chú đi cải tạo trong thời gian dài như vậy thì cô ở nhà làm sao sống nổi. Tôi sẽ cố gắng hết lòng, đem hết uy tín của mình ra xin với Ủy ban Quân quản giảm cho chú còn lại hai năm.

Anh mắt của hai vợ chồng cô ấy bỗng rạng rỡ lên. Họ nhìn nhau rồi lại nhìn ông. Họ thay nhau gắp thức ăn bỏ vào chén ông trong bữa cơm chiều thân mật.