Thế Giới Người Điên - Chương 23 - Phần 3 (Hết)

8. CHỮ TÌNH CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ

Tôi không có điều kiện tiếp xúc với nhiều vị Tướng nên không hiểu phong cách chung của các vị Tướng ra sao, kể cả lúc cầm quân và lúc sống giữa đời thường. Qua phim ảnh của nhiều nước trên thế giới, các nhà đạo diễn đã làm cho các diễn viên khi đã là Tướng thì phải có một cái gì đó khác thường, từ trận mạc cho đến lúc nhảy đầm hay đi tắm biển với người yêu cũng rất là... Tướng. Và tôi đã mang ấn tượng ấy trước khi đến gặp ông Xoàn. Cuối cùng thì không phải vậy. Tôi chỉ có cảm giác mình đối diện với một ông già nhân hậu, một ông già đang sống bằng hồi ức và những trang hồi ức ấy đầy ắp tình người.

Tôi hỏi sau bữa cơm chiều hôm ấy thì sao, ông nói ông về nhà khách tỉnh ủy, để cô con gái ở lại thu xếp hành trang và để nói những điều mà mẹ con cô ta cần nói, chắc hẳn sẽ có nhiều điều tâm sự sau hai mươi lăm năm sống trong tình mẫu tử qua những thăng trầm.

Sáng hôm sau, hai cha con ông về quê thăm lại xóm làng. Tất cả bây giờ đã khác xưa, đình Tân Hưng mang đầy vết đạn, những thân dừa tả tơi vì miểng pháo, chỉ có dòng sông, con rạch còn giữ nguyên hình dáng cũ, có khác hơn đôi chút là do phù sa bồi lắng làm cho nó cạn đi. Thấp thoáng đâu đó hình bóng ông một thời lặn hụp, móc đất vò đạn bắn cu ly, nặn những chiếc tù và. Người đầu tiên ông tìm thăm là thầy giáo Thường, người đã mở đường chữ nghĩa cho ông, dạy ông những điều hay lẽ phải trên đường đê sau mỗi buổi tan trường. Nhưng tìm mãi không ai biết, cuối cùng mới hay ông giáo Thường đã bỏ xứ về Long Xuyên mười mấy năm qua. Người thứ hai ông tìm là ông chủ Tuấn, người đã cho chị Hai ông ứng trước mấy cắc bạc tiền công để ông có được củ khoai lang và chiếc bánh bò trong những ngày đi thi tiểu học, nhưng ông chủ Tuấn đã qua đời. Người thứ ba ông tìm là ông Thủ, con trai ông chủ Tuấn, người đã cho ông mượn bộ đồ vải để mặc đi thi, nếu không có bộ đồ vải ấy thì ông đã bỏ cuộc thi dù cái bằng tiểu học cũng chẳng giúp cho ông được việc gì. Cái ơn ấy tuy rằng không lớn lắm nhưng nó trở thành một thứ kỷ niệm ngọt ngào. Cuối cùng gặp dược ông Thủ, nhưng ông Thủ không nhận ra ông, phải nhắc một hồi lâu ông mới nhớ, còn chuyện cho mượn bộ đồ bà ba thì ông Thủ hoàn toàn không nhớ được một chút gì. Kể đến đây, bỗng dưng ông Xoàn trở nên buồn bả thở dài: “Lúc sắp về hưu tôi có về thăm anh ấy một lần nữa, ảnh mừng lắm và ảnh đã nhớ ra chuyện bộ đồ. Nhưng tội nghiệp, ảnh bây giờ nghèo quá! Tôi định lần sau về sẽ giúp ảnh một số tiền.”

Cũng trong chuyến về quê ấy, ông Xoàn mò mẫm qua tận Long Xuyên và tìm gặp ông giáo Thường. Hai thầy trò ôm nhau, rưng rưng nước mắt. Ông Thường tuổi già, mắt mờ, sức yếu nhưng vẫn còn nhận ra người học trò cũ, ông nói: “Không ngờ em còn nhớ và tìm đến thăm thầy”. Ông Xoàn thì nói theo cái lí lẽ giản dị của ông: “Làm sao em quên được thầy, bởi không có thầy đến tận nhà bảo mẹ em cho em đi học thì em không biết chữ, mà không biết chữ thì hồi ấy làm sao được cử đi học Trung Quốc, cuối cùng là không thể có ngày hôm nay.” Ông Thường xúc động nói: “Có được người học trò vừa thành đạt, vừa biết lễ nghĩa như em, thầy có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện lắm rồi!”

Niềm hạnh phúc nhất của ông Xoàn là sau chuyến về quê ấy được gặp lại những người thân, được đưa mẹ và con gái ông về chung sống ở Sài Gòn. Còn một điều nữa làm cho ông cảm thấy lương tâm mình thanh thản là Ủy ban Quân quản Cà Mau chấp nhận đề nghị của ông, chỉ ký quyết định cho chồng cô ấy đi học tập cải tạo trong thời hạn hai năm, đúng như lời ông hứa.

Khi ông đưa con gái của ông về sống ở Sài Gòn, có đôi lần người ấy lặn lội từ Cà Mau đến thăm con, ông biết rằng người ta nhớ con thật sự, nhưng chồng người ta ở nhà liệu có yên tâm? Biết đâu, xét về mặt chiến tranh, anh ta có thể mang mặc cảm mình là người chiến bại, còn ông là kẻ chiến thắng để rồi dẫn đến nghi ngờ rằng đứa con gái có thể là sợi dây níu kéo lại tình xưa nghĩa cũ giữa hai người. Rồi mâu thuẫn vợ chồng họ có thể xảy ra, oan cho cô ấy và khổ cho cả anh ta. Nghĩ thế, ông gọi cô ấy đến và nói nghiêm túc: “Tôi xin đặt thẳng với cô một điều kiện, từ nay về sau, nếu cô lên thăm con thì phải dẫn chú ấy cùng đi”. Rồi ông giải thích bằng những lí lẽ trên. Vậy là chuyến đi thăm con lần sau, họ đi cả hai người.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với ông thì có chuông điện thoại bàn, ông bước sang đàm thoại một cách thân mật rồi bảo: “Tụi con lên đây có chuyện một chút!”

Vài phút sau có một chàng trai và hai cô gái bước lên với vẻ e dè ngoài cửa kiếng. Ông Xoàn bước ra mở cửa mời họ vào ngồi và vui vẻ giới thiệu với chúng tôi:

- Đây là cháu Thanh Tâm, đây là cháu Thu Nga, đây là cháu Ngọc Hiếu, cả ba anh em tụi nó là con của cô ấy, chú nhận vào làm vệ sĩ từ khi mới thành lập công ty. Bây giờ đứa nào đứa nấy võ thuật ngon lành lắm nghe, thằng Tâm lập được nhiều thành tích bảo vệ khách hàng, vừa lên chức đội phó, còn con Hiếu mới cho mấy thằng lưu manh ở Biên Hòa một trận đòn nổi tiếng. Cả ba đứa đều lập gia đình ở Sài Gòn hết rồi, cuộc sống tạm ổn, tất nhiên là khá hơn nhiều so với ở dưới quê.

Tôi không muốn bình phẩm về cái nghĩa cử này của ông Xoàn, chợt nhớ rằng mỗi khi nhắc đến người ấy, ông hay than thở: “Cô ấy có tới mười hai đứa con, khổ quá.”

Giới thiệu xong, ông bảo chúng tôi ngồi đợi rồi ông dẫn ba người ra ngồi trên ghế ngoài hành lang xúm xít lại tâm sự nhỏ to những điều gì đó. Bất ngờ, tôi chụp được một bức ảnh giống hệt như tình cha con.

9. HƠN NỬA THẾ KỶ VÀ CỦ KHOAI LANG

Năm 1980, ông Xoàn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh vệ, năm 1989, ông được phong hàm Thiếu Tướng, giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an, năm 1992 ông được nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi tám, nghĩa là ông tiếp tục cống hiến thêm tám năm so với chế độ chính sách hiện hành. Cuộc đời ông sẽ lặng lẽ trôi đi ở tuổi xế chiều như bao nhiêu vị Tướng về hưu khác nếu không có sự ra đời của Công ty Long Hải – một công ty bảo vệ tư nhân đầu tiên của Viết Nam ra đời dưới sự sáng lập của một người đang ở tuổi thất thập cổ lai hy mà nó tồn tại và phát triển trong sự ngưỡng mộ của mọi người. Bây giờ, lực lượng vệ sĩ của ông cũng tương đương với lực lượng cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày trước và ông vẫn đường đường là vị Tư lệnh, có khác chăng là phương thức hoạt động, mục tiêu của nghiệp vụ và chức danh Tổng Giám đốc của ông.

Hỏi về ý tưởng nào cho sự ra đời của Công ty Long Hải, ông nói rất bình thường: Ông về hưu trong lúc đất nước đang thời kỳ mở cửa, tất cả các thành phần kinh tế đều có nhu cầu ổn định an ninh trật tự trong sản xuất kinh doanh trong khi ngành Công an không thể đáp ứng mọi nhu cầu ấy. Sự ra đời của Long Hải là mô hình lạ với đất nước ta nên được dư luận quan tâm nhưng thật ra nó là một dịch vụ rất bình thường đối với nhiều nước trên thế giới mà ông đã có dịp tìm hiểu trong những chuyến đi công tác nước ngoài.

Để hoàn tất các thủ tục pháp lý, ông phải thế chấp ngôi nhà vay 200 triệu đồng gửi vào ngân hàng để đăng ký vốn pháp định và trang trải các chi phí ban đầu như đào tạo vệ sĩ, trả lương và thuê trụ sở làm việc, mua sắm thiết bị văn phòng. Khởi sự cuộc đời doanh nghiệp của ông là như thế.

Ông còn nhớ ngày 7 tháng 12 năm 1995, ngày đầu tiên ông đến trụ sở với tư cách là Giám đốc. Sáng hôm ấy sau khi đánh quần vợt về, ông tắm rửa rồi thay bộ đồ Cảnh vệ, đeo lại quân hàm Thiếu Tướng và tự pha ly café đen, uống xong, ông ra ngoài mua bốn củ khoai lang, gói lại để trong cặp rồi gọi chiếc xích lô đến trụ sở Công ty. Ông có cảm giác như trong trạng thái tâm lý ông có cái gì đó khác thường. Ông nhớ lúc chạy lo thủ tục thành lập Công ty, có một đồng chí cán bộ đã khuyên ông rằng không nên thành lập Công ty bảo vệ tư nhân, cả cuộc đời mình hy sinh theo Đảng, đi bảo vệ lãnh tụ, bây giờ chẳng lẽ vì đồng tiền lại đi bảo vệ cho bọn giàu có. Lời khuyên ấy tuy xuất phát từ tấm chân tình nhưng cách nhìn nhận như vậy làm ông giận lắm. Ông không giải thích, cũng không tranh cải, ông chỉ đáp lại bằng một nụ cười thân thiện. Ông nghĩ, cuộc sống vốn nhiều tầng nhận thức, lời khuyên vừa rồi chứng tỏ người bạn của ông chỉ mới nhận thức đến tầng thứ nhất mà thôi.

Ngẫm nghĩ một lúc rồi ông mở cặp lấy củ khoai lang ra ăn, suốt ngày hôm nay, ngày đầu tiên ngồi làm Giám đốc, ông sẽ ăn khoai lang trừ cơm với nhiều lí lẽ, trước hết là để tưởng nhớ đến cái ngày cách đây năm mươi bốn năm, ngày ông đi thi tiểu học, chị Hai ông mua cho ông củ khoai lang bằng những đồng xu ứng trước tiền công ở đợ, ông để nguyên vỏ ăn mà cảm thấy như của ngon vật lạ trên đời. Cái lẽ thứ hai, ông nhớ có một nhà văn Nga đã nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn trả lại anh bằng đại bác”. Ông thấy nhiều Giám đốc Công ty tư nhân chỉ biết chạy theo đồng tiền, bất chấp lẽ phải rồi trở thành tội ác, ỷ mình chủ cả rồi khinh miệt công nhân, tập tành lối sống thượng lưu dù họ cũng là kẻ xuất thân từ tầng lớp cơ hàn. Ông sợ, biết đâu một ngày nào đó đồng tiền lại trở thành khẩu súng lục để mình bắn vào quá khứ nên ông mặc cảnh phục là để nhắc nhở cái quá khứ đáng trân trọng của mình.

Nghĩ thì nghĩ vậy là để phòng thân, để lo xa, còn thực tại ông vẫn đang là kẻ trắng tay, mọi thứ tạo ra hôm nay chỉ bằng tiền vay bạc hỏi. Bốn mươi bốn vệ sĩ đào tạo xong giờ vẫn ở không ăn lương chờ việc. Gần sáu tháng trôi qua mà chẳng thấy một khách hàng nào tìm tới dù ông đã tốn khá nhiều tiền quảng cao, có lẽ thị trường lao động chưa cần tới dịch vụ bảo vệ tư nhân chăng?

Gần nửa năm sau, có một cuộc Hội chợ triển lãm quốc tế khá lớn tổ chức ở đường Hoàng Văn Thụ, ông đến xin lãnh làm dịch vụ bảo vệ và đăng ký một gian hàng giới thiệu Công ty Long Hải. Đúng ngày Hội chợ khai mạc, ông thuê hai chiếc xe mui trần chở bốn mươi bốn vệ sĩ dưới sự điều khiển của một võ sư. Tất cả vệ sĩ đều mặc đồng phục, đeo cầu vai, đội kết có phù hiệu riêng của Long Hải, nai nịch gọn gàng, bên hông mang gậy bấm có bao da trông thật lạ lùng và oai vệ. Khi vừa cắt băng khai mạc xong, ông cho xe dừng ngay trước cổng, anh võ sư ra lệnh:

- Tất cả xuống xe!

- Tất cả xếp thành hai hàng dọc, nhìn trước, thẳng!

- Chỉnh đốn trang phục!

- Vào vị trí!

Mọi người tuân lệnh một cách răm rắp.

Hàng trăm, hàng ngàn khách hàng trong và ngoài nước đến tham dự Hội chợ tỏ ra hết sức ngạc nhiên, họ không hiểu đây là đội quân gì mà lạ lùng, mà oai phong đến thế? Suốt mười ngày Hội chợ, người ta thấy những vệ sĩ ấy làm việc ở các chốt bảo vệ, họ vừa lịch sự, vừa nghiêm túc, rồi đến xem gian hàng của Công ty Long Hải, được xem cataloge, được đọc các tài liệu nói về nhu cầu và dịch vụ bảo vệ, được nghe thuyết minh... Trong khi Hội chợ chưa kết thúc thì Công ty Fujisu – một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Nhật Bản tại khu công nghiệp Biên Hòa đã tìm đến Long Hải ký hợp đồng thuê năm mươi vệ sĩ.

Một thờ cơ đã đến với ông Xoàn.

10. CHỮ TÂM

Đến nay, Công ty Long Hải đã có trong tay một đội quân gần ba ngàn vệ sĩ với bảy chi nhánh hoạt động từ bắc chí nam – một đội quân tương đương với lực lượng cảnh vệ thời ông Xoàn làm tư lệnh - hợp đồng bảo vệ dài hạng cho một trăm năm mươi Công ty lớn của nước ngoài. Ông Xoàn thuê một người Canada làm Giám đốc tiếp thị và một cựu đại úy cảnh sát Pháp làm cố vấn nghiệp vụ bảo vệ.

Sau mười năm khởi nghiệp – khởi nghiệp ở tuổi bảy mốt – ông đã trở thành nhà tỷ phú, nhưng người ta vẫn thường thấy ông đi làm bằng xe Honda ôm. Có người bảo ông trùm, giàu mà không biết hưởng thụ. Ông chỉ cười đôn hậu: “Mình sống khắc khổ quen rồi!”

Mười năm – kể từ ngày ăn bốn củ khoai lang – ông đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng. Mười năm, nộp thuế trên sáu mươi tỷ đồng, một con số không lớn so với nhiều doanh nghiệp. Nhưng một con số nói được nhiều điều về một ông già tám mươi tuổi đang lãnh lương hưu, một con số quá lớn so với bốn củ khoai lang của mười năm trước.

Song, dường như ông Xoàn không quan tâm với những điều ấy, cái hạnh phúc lớn nhất của ông là Long Hải đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ trật tự xã hội. Ở tuổi tám mươi nhưng ông vẫn còn nhiều mơ ước, mơ ước một trung tâm huấn luyện nghiệp vụ, mơ ước thành lập một lực lượng giải cứu con tin, và nếu Nhà nước cho phép, ông sẽ mở thêm nghiệp vụ thám tử tư nhân. Theo ông, đây là một nghề rất cần thiết cho một xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Ông kể, có một nữ giám đốc của một Công ty lớn đến nhờ ông theo dõi cậu con trai của bà với lý do là nó xài tiền như nước, nó kê ra đủ thứ học phí nhưng kết quả học tập thì chẳng ra gì, bà thì suốt ngày bận rộn kinh doanh nên không quản lý được. Sau một hồi suy nghĩ, ông Xoàn trả lời: Công ty của tôi không được phép làm thám tử, nhưng trong trường hợp của bà thì tôi có thể giúp đỡ bằng cách ký một hợp đồng bảo vệ cho cậu con trai của bà, tôi sẽ cho người bí mật theo dõi để cung cấp cho bà những thông tin cần thiết. Vậy là một tuần sau, người mẹ ấy có đủ những thông tin về đứa con của mình với từng ngày từng giờ cụ thể ở những tụ điểm ăn chơi. Cậu con trai ấy bây giờ đã trở thành người tốt.

Sẽ có rất nhiều chuyện li kì trong quá trình hoạt động của những vệ sĩ Long Hải, tôi có ý định tìm đến những nơi từng xảy ra sự cố mà các vệ sĩ phải đối phó, đặc biệt là những nữ vệ sĩ đã trừng phạt những kẻ côn đồ. Nhưng tôi thất vọng vì sự từ chối của anh Phan Hồng Nam, phó tổng giám đốc, là con trai của ông Xoàn. Nam nói:

- Anh khai thác những chuyện ấy sẽ rất có lợi cho Long Hải, nhưng thật lòng thì tôi không muốn vì làm như thế sẽ có nhiều bạn đọc hiểu lầm rằng anh mượn thiên ký sự này để quảng bá thương hiệu cho Long Hải, như vậy sẽ làm giảm đi ý nghĩa nhân văn trong bài viết của anh.

Suốt buổi trò chuyện, Nam không hề nói về Công ty Long Hải mà chỉ anh say sưa tâm sự về người cha. Nam kể, khi vào Sài gòn sống trong khu tập thể của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, anh rất ngạc nhiên vì sao tất cả mọi người xung quanh đều tỏ ra quý mến và kính trọng cha mình, họ khuyên Nam nên học theo tấm gương của của cha. Thời gian trôi qua, khi đến tuổi trưởng thành Nam mới có khái niệm thế nào là nhân cách, lúc ấy anh đã tự lý giải vì sao cha anh được tất cả mọi người ngưỡng mộ.

Có một chuyện mà ông Xoàn không hề tiết lộ với tôi, và nếu không gặp Nam thì tôi cũng không thể nào biết được: Bà Hồng Thu, mẹ của Nam mắc chứng bệnh ngặt nghèo hơn ba chục năm qua, lúc thì bà bị trầm cảm, sống im lặng và xa lánh mọi người, khi thì hưng phấn, cười nói huyên thuyên hoặc phản ứng quyết liệt với mọi người xung quanh một cách vô lý. Hơn ba mươi năm qua, ông Xoàn âm thầm chịu đựng và chia sẻ với bà. Lúc bà bị trầm cảm thì ông cố tìm mọi cách để xốc lên cho bà có những niềm vui, khi bà quá hưng phấn thì ông cũng tìm mọi cách để bà kiềm chế bớt. Sự gắn bó xẻ chia ấy đối với ông Xoàn như đã là một thói quen, ông không hề tỏ ra nản lòng mà ngược lại, ông sống hồn nhiên với vợ mà mọi người chung quanh không thể nào lý giải. Nhưng chính ông Xoàn đã từng tâm sự với Nam rằng, sau khi Nam chào đời cũng là lúc ông đi bảo vệ hội nghị Paris gần năm năm, khoảng thời gian ấy Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, mẹ Nam ở quê nhà phải dắt díu đàn con đi sơ tán, vừa dạy học, vừa nuôi con trong sự nghèo đói và hiểm họa chiến tranh, bà đã chịu đựng và vượt qua tất cả để sống thủy chung, làm tròn trách nhiệm của người vợ, người mẹ và một cô giáo mẫu mực. Sự nghiệp của ông Xoàn luôn luôn có bóng dáng của bà trong đó, cho nên ông luôn nghĩ rằng sự bù đắp của ông so với sự hy sinh của bà vẫn chưa xứng đáng.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Về công việc, Nam nói, mỗi lớp huấn luyện vệ sĩ, ông Xoàn đều sắp xếp một khoảng thời gian để giảng những bài học về đạo đức. Nhưng không phải là sự rao giảng về đạo đức một cách khô cứng, chung chung, ông chỉ nói về những điều đơn giản nhất, gần gũi nhất nhưng lại đầy thuyết phục, ví dụ ông nói điều kiện cần và đủ cho mỗi con người là sự thông minh và tốt bụng, nếu trao sự thông minh cho một người không tốt bụng thì sự thông minh ấy dễ trở thành cái ác... Gần hai ngàn vệ sĩ của ông hầu hết là bảo vệ cho doanh nghiệp nước ngoài, ông luôn nhắc nhở họ về tinh thần dân tộc, ngoài trách nhiệm, phải biết làm cho người ngoại quốc nể phục tư cách và lòng tự trọng của người công dân Việt Nam...

Có lần, chị Thu Hoa – người con riêng của ông Xoàn – nói với tôi rằng:

- Chiến tranh đã gieo cho gia đình tôi không ít những bi kịch, nhưng chính cha tôi là người xóa đi những bi kịch ấy. Mẹ tôi với ông có một quá khứ đẹp, dù không thể nối lại tình xưa nhưng trước cuộc sống khắc khổ của mẹ tôi, ông sẻ chia bằng cách đem ba đứa em một mẹ khác cha của tôi lên làm ở Công ty Long Hải, ông đùm bọc chúng nó như con ruột. Với con cái, ông vừa thể hiện tính nghiêm khắc của một người cha, vừa gần gũi và dân chủ như một người bạn. Hồi mới giải phóng, trước khi đưa tôi lên Sài Gòn, ông nói: Cha khao khát được đem con về sống với cha, nhưng đi hay không là quyền của con. Hai mươi lăm năm cha con mới biết nhau, khoảng cách của thời gian, không gian và bối cảnh lịch sử cũng có khi chính là khoảng cách trong suy nghĩ, trong cách sống của cha con mình. Vậy con tạm thời đi với cha một tháng, sau đó cha cho con quyền lựa chọn. Nhưng chỉ đi có mấy ngày, tôi đã cảm nhận ở ông có tất cả những đức tính của một người cha mà tôi từng mơ ước. Ông từng lấy câu Kiều của Nguyễn Du để dạy chúng tôi rằng:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

-- Hết --

Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Chim Cụt - Sellvi - Tiểu Bảo Bình
(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)