Những năm ảo mộng - Chương 1 phần 2

Ngày hôm sau, anh lại đi thêm ba mươi cây số nữa. Tránh qua những thành phố, anh chỉ chọn những con đường làng và băng qua đồi. Vào giữa trưa, anh mua một ít bánh mì trong làng và ăn một bữa đạm bạc rồi uống nước ở dòng suối bên cạnh. Phong cảnh đồng quê làm anh cảm thấy vui thích. Anh ngắm nó không chán. Những ngọn núi đầy thông xanh và những cụm gai hồng, những cánh đồng tươi mát, với những con sông rì rầm chảy về xuôi. Thỉnh thoảng nổi lên những đốm nhạt tạo bởi những trang trại quét vôi trắng giữa những cánh đồng nhỏ được chăm sóc kĩ. Kế bên đường, một đàn cừu đang thảnh thơi gặm cỏ.

Xế chiều, khi tới giữa một thung lũng, Duncan nhận thấy vài giọt mưa đầu tiên. Chỉ trong chốc lát, mưa rơi như trút nước, gió nổi lên làm anh lạnh thấu xương.

Vào lúc hoàng hôn, anh tới làng Linton. Con đường làng duy nhất vắng tanh, bưu điện và các cửa hàng đều đóng cửa, mọi cửa nhà đều cẩn thận khép kín. Duncan quyết định không đi thêm nữa và tìm một chỗ trú đêm. Anh dừng lại trước ngôi nhà của người bác sĩ trong làng. Đó là một ngôi nhà tiện nghi bằng đá xám và trên cửa rào có tấm bảng ghi: Bác sĩ Angus Murdoch, nội khoa tổng quát và giải phẫu.

Sát bên nhà, Duncan nhận ra một nhà để xe nhỏ. Run lên vì lạnh, anh bước vào đấy và đặt bọc đồ xuống đất, cố làm khô người.

Một lát sau, cửa bật mở và một thiếu nữ đầu đội khăn chạy vụt vào. Trong lúc vội, cô suýt đụng phải anh và dừng lại, ngạc nhiên ngắm anh.

- Xin lỗi! Tôi đã tự tiện ở lại trong…

- Chuồng gà nhà tôi (cô nghiêm trang gợi ý, nhìn thẳng vào mắt anh), tôi vừa cho chúng ăn xong.

Cũng với vẻ giản dị ấy, cô nói thêm:

- Anh ướt hết rồi. Mời anh vào trú trong căn bếp nhà tôi.

- Không dám, cám ơn cô.

Lòng tự ái không cho phép anh nhận lời, nhưng cô nài nỉ.

Anh đi theo cô vào trong khu vườn mà dù trời tối anh vẫn dễ dàng nhận thấy là nó được chăm sóc kĩ. Cô gái mở cửa sau và đẩy anh vào gian bếp. Một cô hầu đứng dậy khi họ bước vào.

- Anh hãy ngồi cạnh bếp lửa, - cô nói. - Khi nào quần áo anh khô, chúng tôi xin mời anh ăn tối. Sau đó, nếu anh muốn, anh có thể tiếp tục đi.

Duncan vừa nhìn cô, vừa làm theo lời cô dặn. Cô gái khoảng mười tám tuổi, dáng gọn gàng và trau chuốt, thân hình thon đẹp, nước da màu hồng kem ẩn chứa một sức khỏe hoàn hảo, tóc cô để giản dị. Nét nổi bật trên khuôn mặt cô là đôi mắt sâu thẳm nhìn người và sự vật với vẻ hoàn toàn trầm tĩnh và dịu hiền.

Trong trạng thái tinh thần căng thẳng của mình, sự trầm tĩnh ấy làm anh nổi đóa.

- Cô vẫn mời những tên lang thang đi qua trước cửa nhà cô ăn tối à? - Anh hỏi.

- Vâng, thật ra tôi cũng tưởng anh là thế cho đến khi anh vào nhà. Nhưng này, lang thang thì không bao giờ dám nói như anh đâu, ít ra là trước khi ăn.

- Tôi có bảo là tôi đói đâu.

- Nhưng anh đói, thật mà, đừng có chối.

Anh cố chống lại một cảm giác bối rối, ngượng nghịu. Gian bếp thật ấm cúng và mùi thơm của các món ăn làm anh cồn cào.

- Có việc gì mà anh đi qua đây vậy? – Cô hỏi (ánh mắt thân thiện), - tôi có thể biết anh là ai và anh đi đâu không?

Anh cảm thấy lòng trào lên một cảm xúc quý mến cô, như thể cô là em gái mình và nói với cô:

- Tôi đi lên trường St. Andrews.

- Để học gì? (Mắt cô bỗng sáng lên).

Bị dồn tới chân tường, anh đành trả lời:

- Y khoa.

Cô vỗ tay:

- Ôi, tuyệt quá! Cha tôi sẽ rất vui sướng khi anh nói với ông điều ấy. Ông sắp về sau khi đi một vòng thăm bệnh.

- Ông khám bệnh ở làng này à? - Duncan hỏi.

- Ông là thầy thuốc duy nhất trong làng này đấy.

Họ nghe thấy tiếng bánh xe lạo xạo trên sỏi và tiếng đóng cửa xe. Một lát sau, bác sĩ Murdoch bước vào.

Đó là một ông cụ nhỏ bé, vẻ khó đăm đăm, da mặt đỏ ửng, dãi dầu sương gió, nhăn nheo vì tuổi già và công việc. Ông hẳn đã sáu mươi nhưng bộ ria của ông vẫn kiêu hãnh vểnh lên và đôi mắt xám vẫn còn trong sáng. Cái mũ đi săn đội tới tận tai, và người ông bọc trong cái áo choàng dài gần tới ủng.

- Jeanne, Jeanne! Bữa ăn tối xong chưa? Cha đói đến mức có thể ăn hết một con bò đấy.

Chợt nhận ra sự có mặt của Duncan, ông ngừng giọng, nhìn anh từ đầu đến chân. Vừa cởi áo choàng, ông vừa tiếp tục quan sát.

- Thế nào, thế nào! Chúng ta có cái gì đây? Lại một tên khốn khổ nữa rồi! Jeanne, con giết cha mất, với lòng tốt luôn rộng mở của con. Trời phù hộ cho tôi! Thế nào, chàng trai trẻ, anh có gì để nói?

- Không có gì cả!

Duncan đã đứng dậy trong khi ông nói, mặt anh dần dần đanh lại.

- Anh tưởng tôi có thể chấp nhận một câu trả lời như vậy trong chính ngôi nhà của tôi ư, một câu trả lời từ một tên nhóc con mà gió đã lùa vào gian bếp của tôi? - Ông gầm lên.

- Tôi có thể đi ra khỏi nhà cũng nhanh như lúc vào.

Duncan bước về phía cửa.

- Đứng lại! - Murdoch gầm lên. - Thằng nhỏ điên cứng đầu! Anh tưởng tôi có thể cho đứng ở ngoài đường một con người hoặc một con thú vào một buổi tối như thế này à? Tôi chỉ muốn nói đùa thôi. Trời đất quỷ thần ơi, anh thật nóng tính như quỷ ấy. (Đôi mắt xám của ông long lên) Vậy mà thực ra tôi lại thích tính ấy.

Duncan từ từ quay lại. Anh cảm thấy yếu sức hẳn và choáng váng. Anh lảo đảo, run lập cập. Ông Murdoch lao vội về phía anh và dẫn anh tới một chiếc ghế bành. Bây giờ giọng nói của ông trở nên êm dịu hơn:

- Nào nào! - Ông bảo anh, - không khỏe à? Anh sẽ bị sưng phổi nếu không thay áo ngay. Jeanne! Chạy đi lấy cái áo của ba lại đây, nhanh lên.

Sự thoải mái do quần áo khô ấm mang tới vượt quá sức mong đợi của anh. Sau khi thay quần áo, rửa mặt trong nước nóng, Duncan cảm thấy người khác hẳn, chỉ còn có cái đói hoành hành. Người thầy thuốc già quan sát kĩ vị khách của mình.

- Tôi cá là bữa ăn tối của tôi đã được nấu xong. Để phạt anh về cái tội hỗn hào, quỷ tha ma bắt tôi nếu tôi không bắt anh ăn chung với chúng tôi tại phòng ăn.

Ngồi vào bàn giữa bác sĩ Murdoch và con gái ông, đầu tiên Duncan cảm thấy vụng về và ngượng ngập. Nhưng khi những món ăn được đem lên, anh quên tất cả và ăn như chưa từng được ăn bao giờ. Đầu tiên là món súp kiểu Tô Cách Lan, kế đó là giò hầm nhừ mọng nước, rồi khoai tây đút lò và món củ cải trồng trong vườn. Về món tráng miệng thì có bánh dâu kèm với kem đặc đến nỗi dính cả vào muỗng.

Người thầy thuốc già vẫn quan sát vị khách và một nỗi thương cảm kì lạ làm mờ mắt ông. Ông liếc nhìn con gái đầy hàm ý.

- Cậu dùng thêm kem nữa chứ? Trời hại tôi nếu tôi nhớ được tên cậu.

- Cháu tên là Stirling, - Duncan nói nhỏ, - Duncan Stirling.

- Duncan Stirling, - Murdoch lặp lại. - À ra thế, một cái tên đẹp, đặc Tô Cách Lan. Cám ơn trời, mặc dù cậu là một chàng trai cứng đầu và điên rồ nữa. Nào, không có gì tốt hơn một bữa ăn tối ngon lành, chắc dạ.

Vào cuối bữa ăn, Duncan thở một hơi dài khoan khoái, nhưng rất nhanh, anh bẽn lẽn nhìn chủ nhà.

- Cháu nghĩ là cháu đã đói khủng khiếp.

Murdoch tặc lưỡi.

- Cậu thật ra đã theo đúng toa thuốc của tôi “Ăn khi bị cảm lạnh và nhịn ăn khi đau bụng”.

Jeanne phá ra cười khi nghe cha mình nói.

- Tha lỗi cho con, - cô nói, vẻ ân hận, - tại vì khi nói đến toa thuốc con mới nhớ, anh Stirling đi lên trường St. Andrews để học y đấy.

- Sao? (Một lần nữa bác sĩ Murdoch nhìn chăm chăm vào vị khách của mình). Ra thế đấy! - Ông nói.

Duncan cố gắng thản nhiên trước ánh mặt của ông.

- Vâng! Cháu cố thử xem. Với cánh tay có tật của cháu và cả những thứ còn lại…

- Cậu đã ghi danh chưa?

- Thưa đã, xong hết rồi ạ.

- Và, ờ… cậu đã đóng học phí chưa?

Duncan mỉm cười:

- Bác sĩ Murdoch, bác làm cháu ngạc nhiên. Bác tưởng rằng người ta có thể để cháu học miễn phí trong một trường đại học Tô Cách Lan ư?

- Không, tất nhiên là không! - Nụ cười của Murdoch giấu những suy nghĩ của ông, nhưng trong lòng ông lại nghĩ “Nhờ trời, trông thằng nhóc còm nhom, đói ăn và kiêu hãnh này, có một cái gì đó nhắc lại thuở xưa đẹp đẽ của thằng nhóc Angus Murdoch.” - Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lên St. Andrews, - ông nói. Tôi vẫn mua thuốc và sách ở đấy (ông chỉ vào những kệ sách dày đặc trên tường) khi nào chúng tôi lên đó, Jeanne và tôi, chúng tôi sẽ ghé chỗ anh. Anh ở số mấy?

Duncan ngập ngừng:

- Cháu… cháu chưa quyết định. Cháu còn phải nhờ ông khoa trưởng chỉ cho một phòng trọ.

- Bác sĩ Inglis ấy à? - Murdoch tiếp tục nói. - Tôi thân ông ấy lắm. Vậy, dù anh ở đâu, chúng tôi cũng chắc chắn tìm ra anh.

Duncan nhận ra ông thầy thuốc tinh ranh cơ hồ đã biết rõ ruột gan anh, nhưng, trái với điều anh trông chờ, ông thình lình bỏ lửng câu chuyện.

- À, còn về sách, - ông nói, - nếu anh có chút gì gọi là tri thức, hẳn anh sẽ thích nếu tôi cho anh xem mấy thứ này mà tôi rất hãnh diện.

Trong lúc Jeanne ra khỏi phòng vì bận việc dọn dẹp, bác sĩ Murdoch lại gần các kệ sách và làm cho Duncan mê mẩn với chúng suốt một giờ đồng hồ. Ông nói với anh về những quyển sách quý của mình và chỉ cho anh xem những ấn bản hiếm.

Cuối cùng, ông đặt tay lên vai Duncan:

- Anh sẽ nghỉ đêm tại đây, - ông nói với anh, - Jeanne đã dọn phòng cho anh và Hamish sẽ chở anh lên St. Andrews vào sáng mai (Ông ngắt ngang những lời cám ơn ngượng nghịu của Duncan). Tôi xin anh, đừng nói gì về chuyện đó nữa. Anh đến tôi còn mừng là đằng khác. Bây giờ chúc anh ngủ ngon. Khuya rồi, vả lại tôi dám cá với anh, thứ gì cũng được, là đêm nay tôi cũng sẽ lại bị mời đi khám bệnh ngoài nữa. Người ta đang chờ đón một thằng cu ở nhà Davison, nơi cửa sông Strath. Tôi đã đỡ cho năm đứa trẻ nhà đó rồi và tôi không muốn để vuột thằng thứ sáu.

Khi ông thầy thuốc già đi khỏi, Duncan đứng yên một mình trong giây lát, cổ nghẹn lại vì cảm động, rồi anh đi tìm Jeanne trong bếp, ở đấy cô đã dọn dẹp xong. Cô nhìn anh và mỉm cười.

- Quần áo của anh đã khô rồi đó, tôi sẽ ủi nó cẩn thận cho vào sáng mai.

- Cảm ơn. Cô thật… cô thật dễ thương, cô Murdoch à.

- Ô… ô… ô…, - cô pha trò giả giọng quê của địa phương, - đừng gọi em là cô Murdoch, em chỉ là Jeanne, ngắn gọn thôi. À, em chợt nhớ, đây là một cành hoa trắng, nó từ túi áo anh rơi ra. Em giữ nó vì nghĩ nó là bùa hộ mạng cho anh.

- Vâng, đúng vậy, - anh nồng nhiệt trả lời, - bằng mọi giá tôi không muốn mất nó.

- Nó là một kỉ vật? - Cô gợi ý.

- Nó đã được trao cho tôi từ tay một cô gái dịu hiền và tốt nhất trên đời.

- Thế cô ấy có… yêu anh lắm không?

Anh bật cười, thoát khỏi sự dè dặt cố hữu.

- Khi nào tôi thành công, nổi danh và có những thân chủ danh tiếng nhất ở Edimbourg, có lẽ cô ta sẽ yêu tôi! Trong khi chờ đợi, chỉ cần tôi…

Anh chợt ngừng.

- Em rất mừng về điều ấy, - cô nói nhỏ, - rất mừng cho anh. Em biết một ngày nào đó, chị ấy sẽ hãnh diện vì anh.

Mưa ngưng lại trong đêm và bão đã lắng xuống. Đến hừng sáng, Hamish, anh tài xế của bác sĩ Murdoch chở Duncan rời Linton. Cũng giống như đa số dân quê miền núi, Hamish rất nghi ngại những người không quen. Câu chuyện của họ chỉ vỏn vẹn một tiếng lầm bầm có nghĩa là “hình như cậu lên đại học” trong suốt quãng đường dài tám mươi phút mà họ cùng đi.

Nhưng Duncan lại thích sự im lặng này. Lòng tốt của những người mới quen đêm qua đã làm anh cảm động. Tuy nhiên, khi đi đến ngoại ô thành phố cổ nằm trên bờ biển và nhìn thấy những tòa lâu đài của Viện Đại học in hình hoa văn trên trời trong sáng, anh không thể nén nổi cái rùng mình cảm khoái.

Đầu tiên, lòng tràn ngập ngưỡng mộ, anh đi lang thang vòng quanh viện đại học. Anh chỉ gặp rất ít sinh viên, năm học vào tuần tới mới bắt đầu. Trong sự vắng lặng hiện tại, những tòa nhà cổ với những tháp tối, bao quanh với những thảm cỏ cắt xén kĩ tạo nên một cảm giác về sự hùng vĩ và yên tĩnh vô bờ.

Đồng hồ trường đại học đĩnh đạc điểm chín tiếng lôi Duncan ra khỏi sự mê mẩn và quay về với thực tại. Anh cài khuy áo vét, đầu ngẩng cao đi về phía nhà khoa trưởng. Căn nhà đồ sộ đến mức làm anh chùn bước, nhưng cuối cùng anh cũng quả quyết rung chuông gọi cửa. Một lát sau, anh được đưa vào một phòng khách trang hoàng bằng nhiều đồ đạc đắt tiền, sàn nhà trải thảm đỏ dày cộm.

Vò cái mũ trên gối, anh ngồi xuống và đợi bác sĩ Inglis.

- Thế nào? - ông vừa nói vừa bước vào.

Giọng nói không khuyến khích anh chút nào. Ông là một người nhỏ bé, ngăn nắp. Toàn bộ người ông, từ bộ râu cằm, cặp gọng kính bằng vàng đến mái tóc muối tiêu chải ngôi cẩn thận, tất cả đã nói lên uy quyền, sự đường bệ dành cho chức vụ y sĩ trưởng bệnh viện Victoria, phó giám đốc viện Wallace, tuy mới thành lập nhưng có một vị trí quan trọng. Mặc dù dáng ông có vẻ tự mãn nhưng trong mắt ông lại ánh lên nét mệt mỏi và sự dịu dàng.

Đứng trước ông, Duncan vội nói tên mình và mục đích buổi đến thăm.

- Thế à! (Ông khoa trưởng ngồi sau bàn giấy bằng gỗ và ra hiệu cho Duncan ngồi). Nói chung tôi không bao giờ tiếp sinh viên vào giờ này, nhưng mới chiều hôm qua, tôi nhận được thư của đại tá Scott liên quan đến anh.

Tim của Duncan bắt đầu đập mạnh. Trước khi anh kịp lên tiếng, ông khoa trưởng đã nói tiếp:

- Mặc dù những ước vọng của anh đã khơi dậy lòng cảm mến nơi tôi, nhưng tôi có bổn phận phải báo trước cho anh là…

- Nhưng thưa bác sĩ, - Duncan định ngắt lời.

Bác sị Inglis oai vệ đưa một ngón tay lên.

- Hàng năm, cả một đội quân của những chàng trai trẻ đầy tham vọng đã tràn ngập trường này. Và hàng năm, anh bạn thân mến ạ, chúng tôi đã là chứng nhân của cả một cuộc tàn sát trong cuộc thi tuyển Lockhart, chỉ những tài năng xuất chúng mới dẫn tới thành công thôi. Anh hãy nghĩ lại đi, bảy trăm thí sinh trong khi chỉ có ba học bổng.

- Tôi đã nghĩ kĩ rồi, thưa bác sĩ. - Duncan nói.

Ông khoa trưởng giơ tay lên.

- Vậy thì, giả sử anh có đủ những phương tiện vật chất để hoàn tất chương trình và đạt danh hiệu bác sĩ, liệu anh có nghĩ đến sự giới hạn về thể xác của mình? (Ông liếc nhìn thông cảm về phía cánh tay bị tật của Duncan) Liệu anh có không bị xếp vào một xó tối tăm trong cái ngành khổng lồ của chúng ta không, tỉ như Viện Y tế cộng đồng, nơi mà công việc chỉ đóng khung trong một văn phòng bụi bặm? (Ông ngừng một lát) Anh bạn thân mến ạ, hãy tha lỗi cho tôi nếu tôi nói quá thẳng. Hãy nghĩ kĩ đi! Hãy suy xét những điều tôi vừa nói. Đừng đâm đầu vào tường. Nếu vì lí do nào đó anh không thể quay về địa phương thì, vì nể đại tá Scott, tôi sẽ tìm cho anh một việc nhỏ ở đây trong một khoa nào đó của Viện. Có thể hơn thế nữa, tôi sẽ xếp anh vào giúp việc cho chính nhà tôi, bà Inglis vừa mới bảo tôi về tình hình người giúp việc trong nhà - vẻ bối rối tăng lên trong mắt ông – Có lẽ chúng tôi sẽ xếp chỗ cho một thanh niên có thiện chí làm việc đó. (Ông kết luận bằng một cử chỉ và nụ cười thân thiện). Thế nào? - Ông hỏi.

Duncan đứng bật dậy:

- Thưa bác sĩ, nhờ bác sĩ chỉ cho tôi chỗ ghi danh dự thi.

Người ta có thể nói tốt cho ông khoa trưởng là ông đã khéo che giấu nỗi thất vọng của mình.

- Trong tòa nhà chính, nơi dành cho văn phòng hành chính quản trị.

- Cám ơn bác sĩ!

Duncan sửa soạn ra khỏi phòng.

Mặc dù kiểu cách nhưng ông khoa trưởng cũng tử tế:

- Đây là danh sách các phòng trọ dành cho sinh viên của tỉnh.

Ông nói thêm với một nét dí dỏm lóe lên trong ánh mắt:

- Và nhờ trời phù hộ anh.

Duncan nhận danh sách và cảm ơn.

Ra khỏi nhà, anh giận điên lên được. Anh đi thẳng lại phòng ghi danh và ngay sau đó đi thuê phòng trọ.

Khởi đầu việc thuê phòng không kết quả lắm. Tất cả những phòng anh tới xem đều có vẻ quá sang và đắt. Cuối cùng anh tìm ra trong một khu phố cổ gần cảng, trong một con đường nhỏ gồm nhiều ngư dân cư ngụ, giữa những thùng nhựa đường và lưới đánh cá, tràn ngập mùi cá muối và nước biển, một căn nhà cạnh thang gác ngoài, có tấm biển đề “phòng cho thuê”.

Bà Gaft, chủ nhà, ra mở cửa, nhìn chăm chú vào anh với vẻ nghiêm khắc u sầu, tay không ngừng chùi vào cái túi bà dùng làm tạp dề. Duncan nhận rõ đó là một bà cụ nhỏ nhắn, tóc rối, vẻ mặt quá u buồn đến mức gần như khôi hài.

- Vâng, - bà nói, - tôi còn phòng cho thuê. Nó không đẹp lắm và ở tận trên gác nóc, nhưng tôi chỉ đòi một bảng mỗi tuần.

Anh theo bà vào nhà. Đúng như bà nói, căn phòng nhỏ xíu nhưng sạch sẽ và thoáng đãng, có thề nhìn thấy biển, nhìn thấy những căn nhà lân cận trong thị xã, kể cả các tòa tháp của trường Đại học. Anh đặt tiền thuê nhà.

Ngày thứ năm, định mệnh đến quá sớm. Khi Duncan ngồi vào bàn trong đại giảng đường trường Đại học Y, sự căng thẳng vì chờ đợi, nỗi lo âu không chịu nổi làm tay anh rịn ướt mồ hôi.

Anh ngắm nhìn những dãy dài bàn học bằng gỗ nhạt màu, giống như cái bàn anh đang ngồi, mỗi bàn đều có một thí sinh như anh. Hàng trăm thanh niên, tất cả đã chuẩn bị sẵn cho cuộc chiến đấu, cho cuộc đọ sức không nương tay. Trong số này, liệu anh có gì may mắn hơn họ?

Cố gắng nhìn thẳng vào chiếc ghế cao nơi có hai giám khảo ngồi, anh thấy những bác sĩ thực tập và các sinh viên năm cuối, mặc áo choàng dài, xúm xít quanh họ. Anh nhận ra Euen Overton trong số các sinh viên ấy.

Khi vào đại giảng đường, Duncan đã nhận ra ngay Euen, nhưng hắn chỉ hạ cố phất nhẹ tay về phía anh với vẻ như muốn nói “đừng trông vào sự quen biết cũ của chúng ta”. Tuy rằng Euen có thể thật dễ dàng có quyền mỉm cười và nói nhỏ với anh “chúc may mắn Stirling, ráng đậu nhé”.

Người ta đã bắt đầu phát đề, Duncan vội cầm bút. Anh cố cảm tưởng là cả một thế kỉ đã trôi qua cho tới khi anh nhận được tờ đề thi của mình. Đó là một đề toán.

Đương nhiên là khó nhưng không vượt qua tầm hiểu biết của anh. Anh quên hết thế giới xung quanh, quên tiếng bút cạo giấy, tiếng giấy loạt soạt và anh bắt đầu trả lời các câu hỏi.

Đúng mười một giờ người ta thu bài và phát đề môn thi thứ hai: đề văn Hy Lạp. Duncan đã hết bị căng thẳng trong cơn gắng sức. Tới mười ba giờ, người ta báo tin nghỉ ăn trưa. Duncan đứng dậy, choáng váng và đi theo những người khác. Số đông tụ lại thành từng nhóm nhỏ, trao đổi những câu pha trò và bàn luận về cuộc thi.

Duncan đứng trên đầu cầu thang và trông thấy Overton có vẻ ngần ngừ rồi quyết định tiến về phía anh.

- Stirling này, cậu hẳn cảm thấy lạc lõng ở đây hả?

Duncan gật đầu, mắt nhìn thẳng vào kẻ đang nói chuyện với mình.

- Cậu đã cho đáp số bài toán lượng giác thứ hai ra sao?

Duncan giải. Nụ cười của Overton trở nên trịch thượng.

- Biết ngay, tớ biết là cậu sẽ bị nhầm lẫn ở chỗ đó. Bây giờ tớ phải đến chỗ bác sĩ Inglis ăn trưa. Tớ phải đi gấp đây.

Sau một cái hất đầu chào, hắn ta biến mất.

Tràn ngập một nỗi tuyệt vọng thầm kín, Duncan thì thầm:

- Lạy trời! Làm sao cho có một ngày nào đấy mọi người sẽ biết con xứng đáng…

Đồng hồ điểm hai giờ, chuông báo môn thi La tinh. Kế đến thi Anh văn rồi nghỉ ba mươi phút.

Một lần nữa, Duncan quên ăn, rút quyển sách giáo khoa ra. Môn thi cuối là môn Sử, anh yếu nhất về môn này.

Thẫn thờ, anh mở sách ra một cách tình cờ và rơi đúng vào chương nói về cuộc cách mạng năm 1789 ở Pháp và đặc biệt một đoạn dành cho Robespierre.

Bắt buộc bộ óc mệt mỏi của mình làm việc, anh chăm chú đọc cho đến khi chuông rung gọi thí sinh vào phòng thi.

Câu hỏi chính in trên đề thi là “Viết một bài bàn luận về nhà chính trị Robespierre”. Duncan thở phào như một tiếng nấc và bắt đầu viết như điên.

Và rồi, tất cả đã xong. Bên ngoài trời tối và lạnh, đèn đường sáng như những vì sao mà Duncan vẫn thích. Anh cảm thấy kiệt sức như thể vừa trải qua một trận đấu vô ích dài suốt hàng giờ đồng hồ. Anh leo lên những bậc thang dẫn đến căn phòng chuồng chim của mình, cởi quần áo trong nháy mắt và ngay khi đặt lưng xuống giường là rơi ngay vào giấc ngủ say như chết.

Sáng hôm sau, anh dậy muộn, đầu óc như mụ đi. Suốt ngày anh lang thang trong thị xã cổ, ngắm nhìn những con tàu chở cá, những con hải âu bay lượn trên mặt nước. Anh không thể nghĩ đến cuộc thi và bảng kết quả niêm yết vào ngày mai nữa.

Ngày kế, một linh cảm chẳng lành xâm chiếm lòng anh ngay từ khi thức dậy. Anh không thể quyết định dứt khoát là đi hay không đi đến trường đại học. Băn khoăn, khổ sở, đầu tiên anh nán lại trong sân ngắm bức tượng to lớn bằng đồng hun kỉ niệm bác sĩ John Hunter, người thầy thuốc lừng danh khắp thế giới và là đứa con thần đồng của trường Đại học St. Andrews.

Càng nhìn ông già cau có, Duncan càng cảm thấy tràn ngập thất vọng. Thình lình anh nghe một giọng nói vang lên bên cạnh. Một trong những người cai trường hỏi anh làm gì với vẻ nghi ngại. Duncan giật mình.

- Tôi chờ kết quả cuộc thi lấy học bổng.

- Ôi dào! Người ta đã dán từ ba tiếng đồng hồ rồi, - ông lão xẵng giọng.

Duncan rùng mình. Về sau, anh không sao hiểu được làm thế nào mình đã tới được tòa nhà niêm yết kết quả, nhưng quả là anh đã đến đấy nhanh hết sức.

Mãi một lúc sau, anh mới có thể ngẩng nhìn tờ giấy đánh máy ghim trên cửa. Anh cảm thấy mình như một kẻ bị kết án tử hình biết là không được ân xá và không còn dám nhìn người gác nữa. Và rồi như một gắng sức đầy tuyệt vọng anh đã nhìn lên tờ danh sách.

Tên đầu tiên trên cái danh sách định mệnh ấy không phải là anh, anh biết quá mà, một nỗi đau bất chợt ùa đến. Tên thứ hai cũng không phải, anh cũng dư biết. Nhưng tên thứ ba, tim anh gần như ngừng đập, cái tên thứ ba kia, đúng là tên anh rồi: “Duncan Stirling, trú quán Levenford”.

Anh đã đậu! Không thể nhầm vào đâu được! Nó kìa! Đánh máy với mực đỏ, sự thật đó. Điều kì diệu đã xảy ra. Anh đã được học bổng.

Ra khỏi trường Đại học, anh gần như ngộp thở vì xúc động. Anh nồng nhiệt nghĩ đến Margaret Scott. Phải chi cô ấy ở đây! Anh phải viết thư ngay cho cô. Hẳn cô sẽ vui mừng xiết bao về sự thành công của anh. Khi tới trước bức tượng của John Hunter, anh dừng lại và dang rộng cánh tay lành, nói lớn:

- Ông John Hunter ạ, bây giờ tôi sẽ nhập cuộc! Tôi sẽ nối gót ông trên chiếc bệ ấy.

Ngay khi về đến nhà trọ, Duncan nhảy xổ vào bếp. Cơn sững sờ đã được thay thế bởi một cảm giác lâng lâng. Anh cần có người để báo tin mừng nếu không anh sẽ điên lên mất. Anh ôm chầm bà Galt và nhảy luân vũ với bà vòng quanh căn phòng.

- Đỗ rồi bác Galt ạ, cháu đã đỗ rồi, cháu đã được học bổng.

Bà cố gỡ ra.

- Trời ơi, cậu có điên không?

- Bác không hiểu ư?

Anh nâng bổng bà lên.

- Cháu đỗ rồi. Cháu sẽ có đủ tiền trả tiền học trong năm năm, cháu sẽ trở thành bác sĩ.

- Buông tôi ra, đồ quỷ, - bà ta la lên, - nếu không thì ngay lập tức chính tôi và cậu, chúng ta phải gọi bác sĩ.

Bà lấy lại hơi.

- À quên nữa, người ta vừa gởi cho cậu một gói quà to tướng, ngay trước khi cậu về.

- Một gói quà ư?

Nhanh như chớp, anh leo lên những bậc thang về phòng và vội vã mở sợi dây buộc gói quà. Anh lôi ra cơ man nào là thức ăn, đồ ngọt và cả một chồng cao sách về cơ thể học ngoại khoa, sinh học… Buộc chung với chồng sách là thư của bác sĩ Murdoch ở Linton được viết đúng vào ngày hôm nay.

“Giáo sư quý mến!

Chúng tôi đã không ngừng nghĩ đến ngài và đã được biết tin mừng qua điện tín trước cả ngài. Chỉ có trời mới biết tại sao các giám khảo lại điên khùng mà cấp học bổng cho kẻ dốt như anh. Nhưng cuối cùng, dù trong những trường Đại học quản lí thật tốt đi nữa thì những sai lầm cũng vẫn xảy ra hằng ngày. Nếu anh không lợi dụng sự sai lầm lần này thì anh sẽ không xứng đáng với chàng trai mà tôi đã tưởng. Trong khi chờ đợi, nếu anh muốn tin vào một người già, thì hãy nghe tôi, đừng có mà nhét vào đầu tất cả những điều xuẩn ngốc, mà, nhân danh tiến bộ, người ta sắp dạy cho anh trong tất cả các trường Đại học Y. Hãy giữ cho đầu óc sáng suốt, hãy nhớ những nguyên tắc cơ bản và nhất là phải cố gắng luôn luôn sử dụng óc thực tế Tô Cách Lan của anh, quỷ ạ!

Trong khi chờ đợi để chia vui với anh, chúng tôi mạn phép gửi đến anh qua Hamish, một vài thứ lặt vặt. Anh cũng sẽ tìm thấy một vài quyển sách học của tôi. Tôi chẳng bao giờ đọc chúng. Và chúng không đáng giá một xu. Con trai à! Đừng có nhồi vào đầu quá nhiều và hãy đến thăm chúng tôi thường xuyên, cái hạt giống Tô Cách Lan xấu ạ! Và cầu trời phù hộ anh.

Murdoch”

Những dòng chữ mờ đi trước mắt anh, anh ngồi xuống giường và lần thứ hai trong ngày, một niềm hạnh phúc tràn ngập trong anh.

*