10. Gửi vào dĩ vãng

Gửi vào dĩ vãng

Lâu lắm rồi tôi mới trở lại phố huyện sau bao nhiêu năm tung cánh nơi xứ người. Hai đứa dắt chiếc xe máy Jupiter màu xanh chạy vòng vòng quanh những con đường nhỏ đã được rải nhựa chứ không còn vương bụi đường mù mịt như cái ngày xa xưa ấy nữa. Nhỏ cười thật lém lỉnh khi tạt ngang qua quán chè Bà Ba ngon nức tiếng mà học trò phố huyện đứa nào cũng mài đũng quần ngày đêm chốn ấy.

“Ăn đi để mà nhớ về thời nhất quỷ nhì ma nhé”.

Thời gian năm năm trôi qua cũng đã khiến hai đứa trưởng thành hơn, biết nhường nhịn nhau hơn chứ không còn tranh giành từng miếng chè, chuối chiên hay yaourt nữa. Từng miếng chè đậu xanh tan dần nơi đầu lưỡi gợi lên một cảm giác trống vắng khôn nguôi trong lòng khiến tôi phải quay mặt nhìn dòng người đang thong thả bước đi trên phố.

“Phố huyện vẫn thế mày nhỉ. Cứ man mác buồn sao ấy. Tao chẳng thấy nơi này thay đổi là mấy so với cái thời mặc áo dài trắng chạy như bay đến trường kẻo lỡ giờ học”.

“Em đi phố huyện tiêu điều lắm

Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi”.

Nhỏ cười khúc khích khi đọc lại bài thơ Trường huyện của Nguyễn Bính mà thời đi học đứa nào trong lớp A6 cũng chép trong cuốn sổ tay.

“Đúng là cô giáo dạy văn có khác, nhớ dai ghê”.

Không nhớ sao được khi mà văn như mạch suối ngầm âm ỉ chảy trong máu những cô cậu chuyên văn ngày ấy. Nhưng trở lại nơi này, nhỏ không chỉ gợi lại trong tôi những kỉ niệm của thời áo trắng đầy mộng mơ mà đâu đó hình bóng của ai từ dĩ vãng đang gọi tên mình.

“Tao muốn đi dạo vườn thông ở sau trường. Không biết tụi mình có được phép vào không nhỉ?”.

“Ui, tưởng chuyện gì. Dễ ợt à. Cứ lên xin bác bảo vệ là học trò cũ về thăm trường. Hihi, bác ấy nghe xong cảm động quá ấy chứ”.

Hai đứa con gái bước lên đồi thông nhìn xuống phố huyện nằm lọt thỏm trong lòng chảo như một viên ngọc bích được bao bọc bởi rừng xanh xung quanh. Tôi ngồi xuống bãi cỏ xanh mướt mà hít cho căng lồng ngực làn không khí quá đỗi trong lành. Những cây thông già vẫn đứng đó hiên ngang như chàng trai trẻ thưở nào nhưng chắc bây giờ chúng không còn được nghe lén những lời tâm sự hay đọc thơ tình của dân chuyên văn sau giờ tan trường nữa. Có lẽ thời đại internet và di động này đã cướp đi khoảng không gian lãng mạn của lũ nhất quỷ nhì ma rồi.

“Học trò trường huyện ngày năm ấy
Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ
Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ”.

“Thôi đi Nhỏ, sao cứ chọc người ta hoài vậy”.

Tôi giả bộ ngó lơ qua chỗ khác để không phải nhìn thấy cái bản mặt hí hửng của nó.

“Chà, tại tự dưng tui muốn đọc thơ Nguyễn Bính đó mà, hihi”.

Tôi cau mặt nhìn nó để xua đi cái ý đồ đen tối gì đây nhưng tiếng chuông điện thoại chợt vang lên rồi chỉ một lúc sau Nhỏ mang bộ mặt buồn xo ra cho tôi chiêm ngưỡng.

“Mém ngồi đây đợi tui quay lại nha. Tui bận chút xíu thôi”.

“Ừ, Nhỏ cứ đi thong thả. Tui ngồi đây tận hưởng khí trời mà”.

Nhỏ đi rồi bỏ lại mình tôi trơ chọi giữa bốn bề thông reo và cơn gió vô tình tạt ngang qua mặt. Cái cảm giác cô đơn giữa mênh mông đất trời như thế này lâu lắm rồi tôi mới lại có dịp trải qua. Tiếng gió thủ thỉ trong tán cây như đang tò mò muốn biết tại sao lại có cô gái lạ ngồi một mình thế kia. Chẳng biết có phải khi mở rộng lòng mình ra, tôi có thể hiểu tiếng thiên nhiên hay chính tôi muốn chúng hiểu mình đang cần một người tâm sự. Bóng dáng một cậu bé trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng đi phía dưới đồi làm trái tim tôi chợt thổn thức. Kỉ niệm ngày nào ngủ yên giờ chợt thức giấc trong kí ức đã được niêm phong cẩn thận của thời áo trắng. Dòng đời cuốn tôi đi theo dòng chảy tấp nập và vô tình của nó để rồi tôi đã lãng quên mối tình đầu từ thưở nào. Tôi mê văn và có thể ngồi ngẩn ngơ nhìn hàng thông xanh cả buổi chiều chỉ để nghe Nhỏ ngâm nga những câu thơ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Còn anh là dân chuyên toán, “khô như que củi, tâm hồn trơ như đá”. Tôi từng nói anh như thế chỉ để trả thù anh hay chọc ghẹo “dân văn mít ướt, nhìn con muỗi bị đập chết cũng làm thơ khóc than ỉ ôi được” mỗi khi chạy ngang qua chỗ anh ở trọ vì nơi ở của chúng tôi chỉ cách một con đường mang tên Hàn Mặc Tử. Tôi mê văn bao nhiêu thì lại khổ sở với toán bấy nhiêu. Những công thức rắc rối hỗn độn, những công trình khó hiểu ngoằn nghèo như giun làm cho tôi muốn nổ não. Nhỏ đem bài qua hỏi mấy anh chuyên toán còn tôi vì sĩ diện và vì ghét anh nên nhất quyết copy bài Nhỏ chứ không chịu qua bên đó trình diện. Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, tôi không thấy anh ở trọ đó nữa. Tôi buồn xo nhưng không dám hỏi Nhỏ vì sợ nó cười. Tôi thôi đọc Tây TiếnTiếng hát con tàu hay những bài thơ học trò trong sáng, chuyển sang thể loại tình cảm buồn man mác. Tôi cũng chẳng còn điều khiển nổi thứ cảm xúc lạ lẫm đang trào dâng trong lòng mình. Có lẽ tôi đọc quá nhiều thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh nên đâm ra bị nhiễm rồi. Nhiều khi ngồi học bài mà tâm hồn tôi như đang treo ngược cành cây liễu rủ hoa bên ngoài cửa sổ và để rồi đôi mắt tôi thẫn thờ hướng về phía ô cửa sổ nơi người đó ngồi. Đôi mắt tôi sáng lên như đèn pha trong đêm khi nhìn thấy bóng dáng thân thuộc đó xuất hiện phía con đường trước mặt. Tôi lật đật ngó vào cuốn sách khi thấy người ta ngước nhìn vào nhà mình, rồi sau đó run rẩy gấp sách lại để nhìn lén người ta.

“Thôi đi Mém, ta đã bắt được quả tang ngươi nhìn trộm trai”.

Tôi không ngờ hành động lén lút vừa rồi của mình lại bị Nhỏ bắt được. Thế là tôi đành phải năn nỉ nó không đi tiết lộ cho cái đám chuyên toán bên kia đường biết được trái tim tôi đang đập loạn xạ vì một tên gầy cao dong dỏng, khuôn mặt có chút nét tương đồng với tài tử Hàn Quốc và tâm hồn khô đét như que củi thông. Thế là hết những lần cãi nhau chí chóe. Tôi không còn “hồn nhiên” được nữa khi băng qua con đường ngay trước nhà anh để đến trường. Tôi bước đi vội vã khi nhìn thấy anh và đám bạn cũng vừa ôm cặp sách bước ra cửa. Nhưng sau đó tôi rút kinh nghiệm, đợi anh đi học trước, tôi với Nhỏ mới đi theo sau một khoảng cách an toàn đủ để chúng tôi không phải đi chung và tôi có thể dõi theo bóng dáng ấy.

“Tao bị điên rồi Nhỏ ơi, giờ làm sao đây ta?”.

Cái mặt tôi nhăn quéo khi muốn xin ý kiến của chuyên gia tâm lí tình cảm tuổi cập kê. Mặc dù Nhỏ chưa có mối tình nào vắt vai nhưng mớ lí thuyết tình trường mà Nhỏ đọc trong tiểu thuyết Quỳnh Dao chắc cũng dùng được cho hoàn cảnh “cọc đi tìm trâu” của tôi.

“Tao nghĩ cách tốt nhất là tiến lên, tiếp cận địch nhưng giả bộ ngó lơ địch để địch phải tấn công lại ta”.

Giọng nói nghe sao mà hùng hồn thế không biết. Cứ hệt như là đang diễn kịch cho buổi văn nghệ của trường.

“Lỡ người ta không thích tao thì xấu hổ lắm, chắc không có chỗ nào nẻ mà chui xuống đâu”.

“Mệt mày quá đi à. Phải biết người biết ta thì mới trăm trận trăm thắng được”.

Nhỏ quyết định làm tổng tham mưu cho chiến dịch “iếp cận mối tình đầu” của tôi. Từ lúc đó, hầu như nó nói gì tôi cũng nghe răm rắp. Hôm thì tôi phải giả vờ chạy qua lấy vở toán của nó nhờ mấy anh bên đó giải giùm vì đó là cơ hội trời cho tôi có thể gặp mặt anh một cách danh chính ngôn thuận. Lớp có bài thủ công nào là tôi với nó lại vác cái mặt hồn nhiên như cô tiên qua mấy anh nhờ vả, từ vẽ mô hình kĩ thuật cho đến gấp giấy cho các buổi diễn văn nghệ của dân chuyên văn. Từ lúc đó tôi mới biết dân chuyên toán không hề khô khốc như chuyên văn chúng tôi vẫn lầm tưởng. Nhất là khi tôi phát hiện ra có một cây đàn ghita được treo ngay ngắn phía bên phải ô cửa sổ. Thế là anh trở thành thầy dạy đàn bất đắc dĩ cho tôi mà không biết rằng anh đang bị rơi vào một mưu mô vô cùng “thâm độc” của hai con nhóc chuyên văn nhỏ tuổi hơn mình. Còn đâu những lần chửi nhau chí chóe, còn đâu những lần gặp nhau trên đường mà phải vội vã lướt ngang nhau, giờ đây ngày nào tôi cũng có lí do để gặp thầy dạy nhạc. Có những chiều cuối tuần, anh cùng tôi dạo bước trên đồi thông để nghe tiếng gió thầm thì cùng những cây thông lắm chuyện cứ lao xao, lao xao cá nhau khi nào hai đứa nhóc kia nắm tay nhau. Anh đàn cho tôi nghe những bản nhạc mà sau này mỗi khi ngồi lặng lẽ trong một quán cà phê ở Sài Thành ngắm dòng người hối hả lướt qua nhau là chúng lại khiến tôi nhớ đến anh. Tôi quên sao được con đường đến trường với hai hàng thông xanh mướt trải dài và rồi đến mùa thu hình như lá vàng rơi nhiều hơn để xua tan sự ngượng ngùng vô hình giữa hai người đang lặng lẽ sánh bước bên nhau. Thu qua, đông tới, xuân về. Tôi sợ thời gian trôi quá nhanh trong tiếng ve kêu gọi hè về trên những bông hoa phượng đỏ thắm sân trường. Năm sau tôi sẽ lên lớp mới còn anh sẽ dừng chân ở một giảng đường đại học nơi xa xôi nào đó. Chẳng một ai nói lời yêu, chẳng một ai nói lời chia tay. Tôi ngắm ô cửa sổ căn nhà đối diện phía bên kia đường mà thấy trống vắng vô cùng. Tôi lao đầu vào phân tích những áng văn bất hủ, còn anh, anh đang ở đâu đó để theo đuổi niềm đam mê của mình. Chúng tôi mất nhau cũng từ dạo ấy.

“Trời, mày ngồi thiền hả?”.

Nhỏ quay lại từ lúc nào khiến tôi giật cả mình.

“Đâu có đâu, tự dưng tao nhớ lại chiến dịch cọc đi tìm trâu do mày đạo diễn ngày nào thôi”.

Tôi làm một hớp nước rau má Nhỏ mang đến để Nhỏ không nhìn thấy có vài giọt nước đang long lanh trong mắt mình.

“Hihi mỗi lần nhớ lại cái thời ấy là tao lại thấy ngồ ngộ. Rồi sau đó mày với anh có còn gặp lại nhau nữa không?”.

“Có một lần vô tình gặp lại, anh chỉ nói “đến với nhau thì không thể nhưng anh sẽ không bao giờ quên được em”. Tao chỉ cười để rồi quay đi mới dám cho nước mắt tuôn rơi. Cuối cùng, tao cũng khóc được mày ạ. Nước mắt trong lòng tuôn ra thì tao mới quên đươc. Hehe, hết nước mắt cho tình đầu rồi nên giờ nó chỉ còn là dĩ vãng nhạt nhòa thôi”.

“Ừ, biết trân trọng yêu thương để trái tim mình rung động trước cuộc sống. Có những thứ mình cần chôn sâu vào dĩ vãng để mở lòng ra với tương lai”.

Hai đứa tôi lặng lẽ ngồi bên nhau không nói thêm lời nào nhưng một cảm xúc kì lạ trào dâng trong lòng khiến tôi hiểu rằng trong cuộc sống này tôi không thể thiếu được một người bạn như Nhỏ. Tiếng gió thì thào trong rừng thông như tiếng đàn ghita ngày nào vang lên thanh âm giai điệu Romance De Amour.

Ở đâu đó dĩ vãng gọi ta về dù ta đã cố chôn vùi nó thật sâu…