Người trong ảnh - Chương 12 - 13

Chương mười hai

TRONG VÒNG VÂY KẺ THÙ

“Ta đang nằm trong vòng vây của kẻ thù - Frankie tự nhủ. Hãy tỉnh táo!”.

Có tiếng gõ cửa và sau đó bà Bassington-ffrench bước vào.

Frankie khẽ quay đầu lại.

- Xin lỗi - Cô nói bằng giọng yếu ớt - Tôi đã làm phiền đến gia đình.

- Không sao.

Một lần nữa cô lại được nghe tiếng nói êm ái pha thêm giọng Mỹ ấy và cô nhớ lại quận công Marchington đã nói Bassington-ffrench ở Hampshire đã lấy một phụ nữ người Mỹ có của hồi môn rất lớn.

- Bác sĩ Arbuthnot nói cô sẽ bình phục sau đây một hoặc hai ngày nếu cô nằm yên.

Frankie đã định nói đó là “sai lầm” nhưng rồi thấy như vậy là ngu ngốc nên cô im lặng.

- Ông ta có vẻ là một bác sĩ tốt.

- Đúng thế - Bà Bassington-ffrench nói - Cũng may mà ông ấy đi qua ngay lúc ấy. Nhưng cô không nên nói nhiều. Tôi sẽ cho một bà hầu tới đây và mong cô nằm yên trên giường.

- Bà rất đáng mến, thưa bà.

Nằm lại một mình, Frankie cảm thấy ân hận.

Lần đầu tiên cô đánh lừa người chủ nhà, một phụ nữ xinh đẹp, tốt bụng, không biết dối trá. Bị ám ảnh một người anh em của Bassington-ffrench đã đẩy nạn nhân xuống vực, Frankie đã không chú ý đến những người khác không liên quan gì đến tấn thảm kịch.

“Mặc kệ! - Lúc này cô nghĩ - Ta sẽ đi tới cùng. Ta muốn bà ấy ít vồn vã với ta”. Cô đã qua một buổi chiều và một đêm dài vô tận nằm trên giường như nằm trong đêm tối. Bà Bassington-ffrench đã hai ba lần tới thăm nhưng lại đi ra ngay.

Hôm sau Frankie nói mình không muốn ở trong phòng một mình. Bà chủ nhà đã phải ngồi một lúc lâu bên cô. Họ nói chuyện về những bạn bè hai người cùng quen biết và đến cuối ngày thì Frankie cảm thấy mình có lỗi. Một thiện cảm nảy nở giữa cô và bà Bassington-ffrench.

Bà chủ nhà nói nhiều về chồng mình và đứa con trai là Tommy. Frankie thấy bà là một phụ nữ giản dị, gắn bó với gia đình nhưng có vẻ ít sung sướng khiến Frankie không hiểu tại sao.

Ngày thứ ba Frankie đứng lên và đi gặp ông chủ nhà.

Đây là một người đàn ông cao lớn, mặt đầy đặn, niềm nở nhưng có vẻ đãng trí. Hầu hết thời gian ông ta ngồi trong văn phòng. Frankie cảm thấy ông ta rất yêu vợ nhưng lại dành cho bà rất ít thời gian.

Đứa con trai của họ, Tommy, chín tuổi, là một cậu bé mạnh khỏe hay đùa nghịch. Người mẹ, Sylvia Bassington-ffrench, rất yêu quý con.

- Ở nhà bà thật tốt! - Frankie nói trong khi ngồi trên một chiếc ghế dài trong vườn.

- Cô cứ ở lại đây bao lâu tùy cô - Bà Sylvia nói - Tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Không nên vội vàng về Londres. Tôi rất hài lòng khi có cô ở bên. Cô rất xinh đẹp và vui vẻ! Sự có mặt của cô ở đây làm tôi thích thú. Tôi cho rằng chúng ta đã là bạn tốt của nhau rồi.

Frankie cảm thấy xấu hổ... Cô đã hành động một cách xấu xa. Cô muốn bỏ cuộc để trở về Londres. Bà chủ nhà nói tiếp:

- Cuộc sống ở Meroway có phần đơn điệu. Ngày mai người em của chồng tôi sẽ tới. Chú ấy sẽ làm cho cô hài lòng. Roger đối xử tốt đối với mọi người.

- Ông ấy cùng sống chung với gia đình chứ?

- Thỉnh thoảng thôi. Chú ấy không bao giờ ở lâu một chỗ. Chú ấy nhận mình là đứa vô dụng của gia đình; chú ấy không nhầm đâu. Tôi cho rằng suốt đời chú ấy chẳng làm được việc gì có ích cả. Người ta thường thấy những người như vậy, nhất là trong các dòng họ cũ. Thông thường đó là những người rất hấp dẫn. Roger cũng vậy... Tôi không biết xoay sở ra sao khi Tommy ốm nếu không có chú ấy.

- Cháu bị làm sao?

- Cháu đang đánh đu thì bị ngã. Cành cây treo cái đu đã bị sâu ăn ruỗng từ lâu mà không biết. Roger rất hốt hoảng vì chính chú ấy đưa cháu lên đấy... Chú ấy muốn đẩy cháu lên cao cho cháu vui thích. Thoạt tiên chúng tôi tưởng cháu bị gãy xương sống; nhưng may thay không có gì là nguy hiểm, sau đó cháu đã bình phục.

- Tommy ưa chạy nhảy - Frankie nói khi nghe thấy tiếng cười nói từ xa của cậu bé.

- Chúng tôi vui mừng khi thấy cháu mạnh khỏe sau nhiều tai nạn. Mùa đông năm ngoái chút nữa thì cháu chết đuối.

- Thế ư? - Frankie hỏi.

Cô không muốn trở về Londres nữa... Những vụ tai nạn... Roger Bassington-ffrench là chuyên gia về các vụ tai nạn ư?

- Nếu sự có mặt của tôi ở đây không làm phiền bà - Cô nói với người thiếu phụ - Thì tôi muốn kéo dài thời kì nghỉ ngơi bên bà và cháu... miễn là chồng bà không cảm thấy phiền phức.

Bà Bassington-ffrench nhăn mặt một cách khó hiểu.

- Henry ư? Anh ấy không quan tâm đến cái gì cả. Không cái gì làm anh ấy thích thú cả.

Frankie ngạc nhiên nhìn bà chủ.

Cô nghĩ: “Bà Bassington-ffrench bắt đầu tin ta, có thể bà cho ta biết đôi điều bí mật. Hình như có những chuyện lạ lùng trong ngôi nhà này”.

Ông Henry Bassington-ffrench gặp hai người phụ nữ trong giờ dùng trà. Frankie quan sát ông ta kỹ hơn. Ông Henry là một nhà quý tộc nông thôn điển hình, ưa thể thao và dạo chơi vùng thoáng đãng. Nhưng một người như vậy thì không thể thờ ơ với mọi việc, lúc thì cau mày như có chuyện gì khó chịu, lúc thì trả lời dấm dẳng những câu hỏi của người khác. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ngay bữa ăn tối hôm ấy, ông ta kể nhiều chuyện vui với mọi người. Hơi quá mức nữa là khác - Frankie nghĩ và sau đó ngạc nhiên khi nhìn thấy cặp mắt lo ngại của bà Sylvia.

Cô không nghĩ Henry Bassington-ffrench là kẻ giết người. Sự thực người em trai có mặt ở quận Marchbolt hôm ấy chứ không phải ông ta.

Tuy nghĩ như vậy nhưng cô vẫn chưa tin hẳn.

Hôm sau thì Roger Bassington-ffrench tới nơi vào buổi chiều.

Frankie chỉ gặp anh ta vào buổi dùng trà vì cô vẫn còn phải “nghỉ” trong phòng.

Khi cô vừa ra bãi cỏ, nơi người ta đặt bàn nước, thì bà Sylvia cười và nói.

- Đây là người bệnh của chúng ta. Tiểu thư Frances Denvent; tôi xin giới thiệu đây là Roger, em chồng tôi.

Frankie thấy một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, rất đúng với sự mô tả của Bobby; cô đặc biệt chú ý đến cặp mắt sáng xanh của anh ta.

Hai người bắt tay nhau.

- Hình như cô muốn phá bức tường của lâu đài? - Người đàn ông hỏi.

- Tôi lái xe rất tồi và xe cũng không được tốt nữa. Tôi đã cho đi sửa.

- May mắn là có một ông bác sĩ lúc ấy đi ngang đường đã vội cấp cứu cho cô Frankie - Bà Sylvia nói.

- Ông ấy rất đáng mến.

Bé Tommy ở đâu chạy tới, vui mừng ôm lấy cổ người chú.

- Chú có mang đến cho cháu chiếc xe lửa không, chú Hornby? Chú đã hứa với cháu rồi!

- Nào, Tommy, thật là xấu, lúc nào cũng vòi vĩnh.

- Đã hứa thì phải làm. Chú đã mang chiếc xe lửa về cho cháu. Tommy... Anh Henry không dùng trà với chúng ta ư?

Bà Sylvia trả lời bằng giọng buồn phiền:

- Tôi không biết. Gần đây anh ấy không được khoẻ... Ô! Chú Roger, tôi rất vui mừng khi được tin chú tới đây.

Anh ta đặt tay lên vai người đàn bà trẻ.

- Không nên lo ngại một cách vô ích, chị Sylvia. Tất cả sẽ ổn thôi.

Sau bữa trà, Roger chơi với đứa cháu.

Frankie nhìn họ với những ý nghĩ lộn xộn trong đầu.

Người này hiền lành và đáng mến, không thể là một kẻ sát nhân được.

Cô tin chắc Roger Bassington-ffrench không phải là người đã đẩy ông Alexandre Pritchard từ vách núi xuống vực.

Nhưng là ai?

Cuối cùng thì cô cũng tin chắc rằng ông Pritchard là nạn nhân của một vụ giết người. Ai là tác giả của tội ác ấy và ai đã đầu độc Bobby?

Nghĩ đến đây cô nhớ lại cặp mắt lờ đờ của ông Henry. Ông này nghiện ma túy ư?

Chương mười ba

ALAN CARSTAIRS

Hôm sau Frankie được chính Roger giải đáp thắc mắc ấy.

Sau khi chơi quần vợt, hai người ngồi nghỉ và giải khát.

Họ nói với nhau về nhiều chuyện và Frankie cảm thấy thích thú khi nghe chuyện của một người đã đi nhiều nơi trên thế giới. Cô nghĩ con người “vô dụng” này của gia đình tương phản rõ ràng với người anh ruột.

Giữa họ có một sự yên lặng. Lần này Roger long trọng nêu lên một ý kiến phá tan bầu khó khăn ấy:

- Tiểu thư Frances, cô sẽ thấy tôi thật là kì cục. Tôi mới quen biết cô chưa đầy bốn mươi tám tiếng đồng hồ, nhưng tôi đã cảm thấy cô là người duy nhất để tôi xin một lời khuyên trong một sự việc quá phức tạp.

- Một lời khuyên nào?

- Vâng. Nhưng tôi rất khó nói.

Roger nghỉ một lúc. Đầu hơi cúi xuống, trán cau lại, đập chiếc vợt vào hai đầu gối, anh ta tỏ vẻ bối rối.

- Đây là anh tôi, tiểu thư Frances.

- Sao?

- Anh ấy nghiện ma túy. Tôi đã nhận ra điều đó.

- Ông căn cứ vào đâu mà nói như vậy?

- Rất rõ: cái nhìn, thái độ, tâm trạng... Cô có nhìn thấy cặp mắt của anh ấy không? Đồng tử thu nhỏ lại như mũi kim.

- Tôi biết. Theo ông thì ông ta đã dùng gì?

- Moóc-phin, hoặc một thứ gì đó chế biến từ thuốc phiện.

- Cái đó đã xảy ra từ bao giờ

- Khoảng sáu tháng nay. Tôi thấy anh ấy kêu mất ngủ; tôi cho rằng anh ấy nghiện từ đó.

- Ông ta lấy đâu ra moóc-phin?

- Có thể là qua con đường bưu điện. Cô có thấy anh ấy thường bồn chồn, nhất là giờ dùng trà không?

- Đúng thế.

- Đó là những lúc đang chờ thuốc. Khi người đưa thư ra về anh ấy vào văn phòng của mình và khóa trái cửa lại cho đến bữa ăn tối.

Frankie gật đầu.

- Nhưng moóc-phin được gửi từ đâu đến?

- Tôi không biết. Không một bác sĩ nào nghiêm túc lại làm ăn như vậy. Có thể từ những hang ổ nào đó ở Londres bán với giá cắt cổ.

Frankie suy nghĩ. Ngay từ đầu, qua sự điều tra cá nhân, cô đã thấy có những dấu vết của bọn buôn lậu ma túy. Và người mà cô cùng Bobby phải tìm kiếm chắc chắn là người của bọn này. Cô cho rằng Roger Bassington-ffrench là vô tội.

Tuy nhiên còn vấn đề tấm ảnh bị mất. Một mặt anh ta có những chứng cứ phạm tội, nhưng mặt khác anh ta là người rất hấp dẫn.

Xóa bỏ những ý nghĩ ấy, Frankie đưa mắt nhìn người đứng trước mặt.

- Tại sao ông lại xin tôi một lời khuyên?

- Vì tôi không biết mình phải xử sự với Sylvia như thế nào.

- Giả thiết rằng bà ta không biết gì ư?

- Đúng thế, chị dâu tôi không hề biết. Tôi có nên cho chị ấy biết chuyện này không?

- Phải thật tế nhị.

- Chắc chắn là như vậy rồi. Do đó tôi mới yêu cầu cô giúp đỡ. Chị Sylvia có cảm tình với cô. Chị ấy là người khó tính nhưng cô đã làm cho chị ấy hài lòng, chị ấy nói với tôi như vậy. Bây giờ tôi phải làm gì, tiểu thư Frances? Nếu tôi nói thì đây là điều lo lắng nhất trong đời Sylvia.

- Phải, nhưng bà ta có ảnh hưởng lớn với chồng.

- Tôi nghi ngờ điều đó. Khi một người đã nghiện ma túy thì chẳng có cái gì có thể giữ anh ta được... Nếu anh Henry đi cai nghiện thì lại khác... ở gần đây có một trại cai nghiện.

- Liệu ông ta có chịu đến đó không?

- Có thể. Nhưng có lẽ dễ dàng hơn cả làm cho chị Sylvia không nghi ngờ gì... làm cho anh ấy phải giấu giếm vợ trong khi đi cai nghiện. Nếu việc này thành công (nói đơn giản là nếu anh ấy không bị “suy nhược thần kinh” nữa) thì chị ấy không bao giờ biết chuyện này. Trại cai nghiện ở làng bên, cách đây năm kilômét. Bác sĩ Nicholson, người Canada, là chủ trại. Một người có khả năng, tôi nghe nói như vậy. May mắn là anh Henry và ông ta là bạn thân. Nhưng... Chị Sylvia đây rồi.

Bà Bassington-Trench đến bên họ.

- Hai người chơi được nhiều không? - Bà ta hỏi.

- Ba xéc - Frankie trả lời - Và tôi bị thua bốn quả.

- Còn tôi, tôi rất lười chơi quần vợt. Chúng ta cần mời vợ chồng nhà Nicholson đến đây vào một ngày nào đó. Bà Moira rất thích môn thể thao này. Làm sao? Có chuyện gì vậy?

Bà ngạc nhiên khi thấy Roger và Frankie đưa mắt nhìn nhau.

- Không... có điều là tôi vừa nói chuyện về họ với tiểu thư Frances.

- Nên gọi là cô Frankie như tôi. Thật kì lạ khi nhắc đến tên một người nào đó thì người ấy lại có mặt ngay lập tức.

- Đó là những người Canada, đúng không? - Frankie hỏi.

- Chồng là người Canada, còn vợ hình như là người Anh thì phải, tôi không rõ lắm. Bà ta rất xinh có cặp mắt thật tuyệt. Tôi cho rằng bà Moira không hạnh phúc lắm. Cuộc sống ở đấy không mấy vui vẻ

- Ông chồng điều hành, một trại điều dưỡng đúng không?

- Phải, ông ấy chữa cho những người mắc chứng thần kinh vì nghiện ma tuý. Người ta nói ông ấy đã thành công một cách kì diệu... Nhưng tôi không có thiện cảm với ông ta lắm.

Sau này khi cùng ngồi trong phòng khách, bà Sylvia chỉ cho Frankie một tấm ảnh trên chiếc đàn dương cầm, ảnh của một phụ nữ trẻ.

- Đây là bà Moira, vợ ông Nicholson. Bà ta rất xinh đẹp, đúng không? Một trong những người bạn của gia đình tôi đã kinh ngạc vì sắc đẹp ấy. Ông muốn được giới thiệu với bà ta. Rồi cô sẽ thấy... Tôi mời vợ chồng ông bà Nicholson tới đây dùng bữa vào chiều mai, và cô sẽ nhận xét về người chồng xem sao... Tôi đã nói rằng mình không có thiện cảm với ông bác sĩ, nhưng dù sao ông ấy cũng rất điển trai.

“Cần phải sắp xếp lại trật tự các ý nghĩ” - Frankie tự nhủ trong khi chải đầu trước khi xuống dưới nhà.

Trong giọng nói của bà Sylvia có một cái gì đó làm Frankie ngạc nhiên và không thể nhìn thẳng vào mắt bà ta, nhưng bà Bassington-ffrench đã quay đi cắm lại mấy nhánh hoa trong bình.

Roger Bassington-ffrench có phải là kẻ giết người không?

Kẻ lạ mặt đã đầu độc Bobby chắc hẳn dễ dàng có moóc-phin, và chính Roger có điều kiện ấy. Nếu anh trai anh ta nhận được cái đó qua đường bưu điện thì anh ta không gặp khó khăn gì khi đánh cắp một gói nhỏ.

Frankie lấy một mảnh giấy ra và viết:

- Điều tra xem Roger có mặt ở đâu vào ngày mười sáu, ngày Bobby bị đầu độc.

- Đưa cho anh ta xem tờ báo có ảnh người bị nạn để thăm dò phản ứng của anh ta. Anh ta có thú nhận là mình có mặt ở quận Marchbolt vào ngày xảy ra vụ tai nạn ấy không?

Cô thấy điểm thứ nhất là dễ thực hiện nhưng điểm thứ hai quả là khó khăn.

Cô vò nhàu tờ giấy và đốt nó đi.

Frankie tấn công Roger ngay trong bữa ăn:

- Hình như chúng ta đã gặp nhau... chưa lâu lắm. Có phải trong đám cưới của tiểu thư Shane, ở Claridge... vào ngày mười sáu tháng trước không?

- Ngày mười sáu thì cô không gặp Roger ở đấy được. Hôm ấy Roger đang ở đây. Tôi nhớ rõ vì hôm ấy là ngày hội của thiếu nhi, tôi sẽ không biết xoay sở ra sao nếu không có chú ấy.

Bà ta nhìn người em chồng bằng cặp mắt biết ơn. Roger trả lời bằng một nụ cười.

- Trước đây tôi chưa hề gặp cô. Nếu đã gặp cô thì tôi không bao giờ quên được.

Frankie tự nhủ: vấn đề thứ nhất đã xong. Roger Bassington-ffrench không có mặt ở Wales vào cái ngày Bobby bị đầu độc.

Giải quyết vấn đề thứ hai, cô nói chuyện về những vùng nông thôn hẻo lánh, nơi có một sự kiện nhỏ cũng đủ gây náo loạn.

- Tháng trước có một người rơi từ vách đá xuống dưới vực - Frankie nói thêm - Tôi đã dự phiên tòa nhưng đến nay mọi người vẫn còn bàn tán.

- Có phải phiên tòa mở ở Marchbolt không? - Bà Sylvia hỏi.

- Đúng thế. Lâu đài của chúng tôi chỉ cách đấy có mười kilômét - Frankie giải thích.

- Roger, người của chú đấy! - Bà Sylvia kêu lên.

- Vâng. Đúng lúc ấy thì tôi đang đi trên đường bên vách núi - Roger nói - Và tôi đã ngồi bên xác người cho đến khi cảnh sát tới nơi.

- Nhưng tôi nghe nói con trai của một ông mục sư làm việc này kia mà?

- Vì một lí do nào đó anh ta phải về nhà ngay và tôi đã thế chân anh ta.

- Đúng thế, anh ấy nói có một người đang đi dạo làm việc này thay cho anh. Thế ra là ông đấy ư?

- Có thể là cô đã thấy tôi ở Marchbolt, đúng không? - Roger gợi ý.

- Không. Hai ngày sau đó tôi mới từ Londres về đấy. Ông có dự phiên tòa không?

- Tôi không dự. Ngay sáng hôm sau ngày xảy ra tấn thảm kịch ấy tôi trở về Londres rồi.

- Cô biết không, chú Roger định mua một ngôi nhà ở Wales đấy! - Bà Sylvia nói.

- Một ý nghĩ kì cục! - Ông Henry lúc này mới lên tiếng.

- Không đâu! - Roger vui vẻ cãi lại.

- Nào, Roger, chú biết rõ nếu có nhà ở Wales thì chú sẽ tha hồ đi đây, đi đó.

- Không, chị Sylvia, vào một ngày nào đó tôi sẽ ở cố định một nơi.

- Đáng lẽ chú phải kiếm nhà ở gần đây hơn là ở Wales.

Roger cười rồi quay sang hỏi Frankie:

- Tòa án kết luận ra sao? Là tai nạn hay là tự sát hoặc giết người?

- Phiên tòa diễn ra rất đơn giản. Thân nhân của người chết đã đến nhận diện. Hình như ông ấy đang đi du lịch thì phải. Đáng tiếc là ông ấy còn trẻ và có bộ mặt dễ coi. Bà có thấy ảnh của ông ấy trên báo không?

- Tôi cũng không nhớ nữa.

- Khoan. Tôi có ảnh của ông ấy đăng trên báo địa phương.

Frankie vội lên phòng mình lấy tờ báo đưa cho bà Sylvia. Roger nhìn tấm ảnh qua vai người chị dâu.

- Ảnh in rất rõ - Bà Sylvia xác nhận - Trông rất giống ông Alan Carstairs, đúng không, chú Roger? Tôi nhớ là mình đã hỏi chú như vậy.

- Khá giống - Roger công nhận - Nhưng xin nói với chị là không hoàn toàn giống nhau đâu.

- Đúng, không thể kết luận vấn đề qua ảnh đăng trên báo được - Bà Sylvia nói.

Frankie tán thành ý kiến của bà, và mọi người nói sang chuyện khác.

Trở về phòng mình cô hài lòng nhận thấy chủ nhà không nghi ngờ gì mình, Roger quả là có tới Marchbolt để mua nhà... Nhưng Alan Carstairs là ai?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3