Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 20 - Phần 2
Trước hết hãy nói về câu: một lòng giúp rập vua Lê không chút tơ hào ngôi báu. Nói được điều đó chỉ có Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm có công khuông phò, nhưng nửa đường mất sớm, chưa được thấy thành công. Triết vương Trịnh Tùng thì công không đủ chuộc tội[484]. Thành vương Trịnh Tráng thì mất phép tắc bề tôi, khó tránh lời của sử bút phê mấy điều: giết hại, hiếp bức, lừa dối vua. Việc gần đây hai vua Chính Trị, Hoằng Định[485] thăng hà, nguyên do bởi bàn tay độc của ai, khiến cho thiên hạ dù ở chốn núi sâu hang hẻm cũng đều căm giận. Theo chính lí mà xét thì tội ác còn quá hơn Ngũ Viên dùng roi đánh thây Bình Vương, thậm tệ hơn Đổng Trác hiếp bức Thiếu Đế. Thánh nhân nói vua không chính thì bề tôi không thể không bất trung, cha không hiền thì con không thể không bất hiếu. Cái đạo lý ấy bỏ mất đâu rồi? Từ các đời Hán, Đường, Tống (ở Trung Quốc) đến các đời inh, Lê, Lý, Trần ở nước ta chỉ nghe nói các tôn hiệu Thái thượng hoàng và Kim thượng hoàng, chưa từng nghe nói có tước hiệu Thái thượng vương và Kim thượng vương. Đổi với vua Lê, giết hiếp dối khinh như thế đã mười phần đáng tội bất trung hay chưa? Thế phải chăng là không tơ hào ngó dòm ngôi báu? Chẳng biết ai là kẻ “cương thường vứt đất, tội ác ngút trời?” Như nói rằng: người ta gốc ở tổ, vẻ vang phải mặc áo gấm về làng, thì người xưa nói rằng: nước vô đạo, kẻ thức giả lấy làm hổ thẹn. Lại nói rằng: nước nguy không vào, nước loạn không ở. Xưa ở nước Tề, Tu Vô vì ghét tặc thần Thôi Trữ mà coi khinh phú quý như chiếc giầy rách, treo mũ từ quan. Mai Phúc nhà Hán giận Vương Mãng gian ác tiếm đoạt mà tự quý danh tiết của mình, coi nó còn hơn châu ngọc, vượt biển lánh cõi xa, ẩn cư rày đây mai đó. Nay họ Trịnh ở Đàng Ngoài, đối với nghĩa quân thần là không chính, đối với nghĩa cha con là không nghiêm, quyền bính chuyển xuống dưới, tác oai tác phúc... kỉ cương rối loạn, giáo hóa không thực hành, hào kiệt bị nghi ngờ, thứ dân khổ vì lao dịch. Bốn phương nổi dậy như ong, giặc cướp nhan nhản. Vận nước rối vò, tình thế nguy ngập. Như thế, chẳng hay gốc ở tổ là yên hay nguy? Vinh chăng? Hay nhục chăng? Bọn ngu Quảng các người khác nào nộm rơm rối gỗ, chẳng biết nghĩa lý phải trái, như cá trong ao, như chim sa lưới, chẳng biết đến nguy cơ bại vong, khó tránh khỏi bị đời sau luận xét coi là cùng tội phạm với họ Trịnh... Mình đã bất chính thì sợ người khác biết tội lỗi của mình, do đó mà nghi ngờ kẻ anh hùng hào kiệt. Thế lực đã suy thì sợ người khác thừa thời cơ tiến đánh. Đại phàm dùng binh là việc rất hệ trọng, vậy mà giao phó quyền hành quá khinh suất, ngày trước làm mất nhà Tần là bởi Hồ Hợi, mà ngày nay làm mất họ Trịnh là do ở Trịnh Căn. Cái thế tất nhiên là như vậy.
Nay Nam chúa nhân thời mở vận, xướng nghĩa cần vương dẹp trừ nghịch tặc tiếm ngụy, khôi phục cơ nghiệp nhà Lê, nêu danh mở cõi, vẻ vang áo gấm về làng. Ý nghĩa như thế mới thật là đúng vậy. Nay phúc đáp cho các ngươi hiểu rõ.”
[483] Hai bên Trịnh, Nguyễn còn gửi cho nhau hai thư đối đáp khác, ở đây tạm lược bớt.
[484] Bản sao chép: “vị thục hoàn”, chữ “hoàn” ở đây do chép nhầm chữ “quá”. Thục quá bằng chuộc lỗi.
[485] Tức là vua Lê Anh Tông và Lê Kính Tông.
Phú quận công Trịnh Căn xem xong bức thư giật mình hổ thẹn, bất đắc dĩ phải cho gọi các tướng văn võ đến cùng bàn xét. Ai nấy đều lắc đầu lè lưỡi, cho rằng bên quân Nam quả là có bậc văn tài thông kim bác cổ, bàn công xét tội, biện bác đúng sai đều có lí lẽ. Quận Phú bảo các quan văn võ lại đáp thư lần nữa để khỏi bẽ mặt với người Đàng Trong. Nhưng lúc ấy mọi người chỉ nhìn nhau không ai lên tiếng. Trịnh Căn vừa tức giận, vừa có ý hổ thẹn, bèn thôi không nhắc đến nữa. Thế là chấm dứt việc thư từ đối đáp qua lại. Quân đôi bên Đàng Trong, Đàng Ngoài đều theo kế sách đóng yên cố thủ.
Thượng tháng tám, Tây Định vương Trịnh Tạc triệu họp các mưu thần. Tây Định nói:
- Ở Đàng Trong quận Dũng coi Chiêu Vũ như tâm phúc, chuyên bày mưu hiến kế, bên ta nhiều phen thua hại, tổn tướng hao quân. Chẳng hay ai có cách gì dụ được Chiêu Vũ về hàng, theo ta đánh lại họ Nguyễn để dứt hẳn mối lo sau?
Thượng thư bộ Lễ là Dương quận công bẩm rằng:
- Chúa thượng bàn rất phải. Thần nghe Chiêu Vũ là người có đức độ, trung thành liêm khiết, bàn rộng thấy xa. Xin vương thượng chọn người khéo ăn nói, thông hiểu cổ kim đem theo lễ vật đãi hiền và mật thư do chính tay chúa thượng viết đi làm thuyết khách, tựa như Lưu Huyền Đức ba lần đến lều tranh của Gia Cát Lượng. Chiêu Vũ tất sẽ cảm động về hàng.
Tây Định vương nghe nói cả mừng, bèn sai cai đội Triều Hữu và quan văn là tiến sĩ Liêm Thanh đem theo thư và lễ vật gồm một phong ngọc châu, năm thoi vàng tốt, bí mật vào đồn Khu Độc trao cho Chiêu Vũ. Tây Định căn dặn rằng:
- Ta có chút lễ mọn đem đi tiếp đón bậc quốc sư. Đặc sai các ông chuyển lời đến quan đốc chiến Chiêu Vũ, nói rằng ta ngày đêm mong gặp gỡ tướng công để thỏa nguyện rồng mây mưa hạn. Mong quốc sư sớm đến kinh đô, một là để cùng khuông phù đế thất, vẹn toàn trung nghĩa, hai là để được yết kiếu bệ rồng, tỏ lòng thần tử. Tướng công chớ nên nghi ngại mà khiến cho châu ngọc phải đắm chìm biển khơi.
Bọn Liêm Thanh hai người vâng mệnh lên đường. Vào tới quân doanh Khu Độc, hai người tìm đến bảo lính canh:
- Chúng tôi có việc cơ mật, xin được vào trình với quan đốc chiến.
Tiểu tốt vội phi báo lên chủ tướng. Đốc chiến Chiêu Vũ cho mời vào trong trướng. Bọn Triều Hữu, Liêm Thanh lạy chào kính chuyển lễ vật và mật thư. Chiêu Vũ nghe nói mật thư, nghĩ bụng ắt là chúa Trịnh sai người đến làm thuyết khách dụ mình về hàng. Nghĩ vậy, Chiêu Vũ bèn nói:
- Hai ông là ai đây?
Bọn Triều Hữu thưa:
- Chúng tôi là cai đội Triều Hữu và tiến sĩ Liêm Thanh ở Trung đô vâng mệnh vào xin yết kiến để kính chuyển bức thư của chúa thượng chúng tôi.
Đốc chiến Chiêu Vũ khẽ cười, mời hai ngươi cùng ngồi, quát tả hữu lui cả ra ngoài, rồi mở thư ra xem. Thư viết:
“Trịnh vương gửi bức thư đến dưới trướng của tuấn sĩ xứ Nam là Nguyễn công xem biết:
Từng nghe: Tiếng kêu vang đồi cao, hạ cánh đậu cây ngô đồng, ấy là chim phượng, bậc trên hết trong các loài lông vũ. Nay tướng công cao danh ở đương thời, nức tài khắp chốn, tinh thông sự lý, xét quyết trù hoạch cơ mưu, tướng công quả là chim phượng báo điềm lành đó vậy. Gần đây nghe nói tướng công không được thỏa chí buông câu, thắng cỗ xe không chốt, tất là xe phải đổ. Trịnh tôi đã nghe biết đại khái. Nghĩ ra thì trong chỗ không lời, cái lẽ hữu tâm đã có. Nếu được tướng công vui lòng rời Vị Thủy mà đến Kỳ Châu[486], rời Ngoạ Long mà đến Tân Dã[487] thì lễ nghênh tiếp của vương sư không thua kém Văn Vương, Lưu Bị. Đến lúc ấy dám mong tướng công đừng chối từ một chuyến về kinh, đặng thi triển học vấn bình sinh, bái yết long nhan để vẻ vang tôn tổ. Được như thế tức là vén mây mù để trông tỏ trời xanh, rẽ gai góc tìm về đường lớn. Há lại chẳng phải là lớn lao hay sao? Mong tướng công suy xét. Nay thư.”
[486] Nhắc sự tích Lã Vọng đến Kỳ Sơn giúp Chu Văn Vương.
[487] Nhắc sự tích Gia Cát Lượng ra Tân Dã giúp Lưu Bị.
Đốc chiến Chiêu Vũ xem xong bừng bừng nổi giận, nhưng cố nén, giả cách vui mừng mỉm cười bảo bọn Liêm Thanh:
- Chiêu Vũ tôi vẫn có ý nghĩ ấy từ lâu, nhưng chưa biết nên đi đường nào. Nay tiếp bức thư đây thật lòng tôi vui mừng khôn xiết. Sớm muộn thế nào tôi cũng phải lựa thời cơ để ra ngoài ấy. Muôn lạy hoàng đế, cho tôi gửi lời thưa với Trịnh vương: xin đến thượng tuần tháng sau cho quân đến đón ở bên đê sông, tôi sẽ xin đến quy hàng. Hai ông cần hết sức cẩn thận, chớ để việc tiết lộ ra ngoài.
Đợi cho bọn Liêm Thanh ra về, cơn giận còn chưa nguôi, đốc chiến Chiêu Vũ bèn sai thuộc hạ là Tú Minh mật thư và vật làm tin về nộp cho vương đình Nam triều. Thay lời nhờ tâu với Hiền vương: “Chiêu Vũ thờ chúa Nguyễn ơn sâu như phụ tử, được chúa coi như kẻ tâm phúc, lời nói được nghe, kế sách được dung, để tâm trí ở việc khôi phục quy mô, chung sức hoàn thành sự nghiệp trung hưng, phù Lê - diệt Trịnh, cứu đuối dẹp gian để rạng tỏ thanh danh muôn đời. Chiêu Vũ tôi dẫu gan óc bết đất, thịt nát xương tan cũng chưa báo đáp được ơn đức của chúa thượng. Huống chi giết vua hiếp cha, tội ác ngút trời, thần người đều căm giận, ai cũng muốn nhai xương xé thịt mới hả giận. Thế mà nay họ Trịnh lại sai người xem mồi thơm vào để dụ dỗ Chiêu Vũ về hàng. Chiêu Vũ tôi đã tương kế tựu kế muốn để bắt Tây Định, chỉ lo chúa thượng chưa biết rõ nguyên do. Vậy thần xin sớm tâu trình, cúi mong thánh thượng cao minh xét quyết. Kính trông thánh thượng không chút nghi ngờ, sai quân đến ngay tiếp ứng. Chiêu Vũ tôi sẽ thừa cơ cử sự, bắt sống Trịnh vương dễ như trở bàn tay.”
Tú Minh vâng lệnh ruổi ngựa về ngự doanh của Hiền vương dinh ở Quảng Bình dâng mật thư và tín vật, theo đúng lời của đốc chiến Chiêu Vũ căn dặn mà tâu lên. Hiền vương nghe xong lặng yên suy nghĩ một lát rồi bảo Tú Minh:
- Ngươi hãy mau trở ra nói với Chiêu Vũ: tấm lòng của ta cũng tức là tấm lòng của Chiêu Vũ, chí hướng của ta cũng là chí hướng của Chiêu Vũ. Chúa tôi hợp sức, hà tất phải nghi ngờ. Bậc trung thần liệt nữ thời xưa xem ra cũng đến như Chiêu Vũ mà thôi. Huống chi Chiêu Vũ ngày nay, thực là viên ngọc châu ngời sang, ai mà chẳng muốn tìm mua? Ngươi mau quay ra bảo Chiêu Vũ cứ tương kế tựu kế mà làm, ta sẽ đem quân tiếp ra sau để tiếp ứng. Ta không hề nghi ngờ. Chiêu Vũ không phải lo nghĩ gì cả. Còn như vật làm tin của bọn họ đưa đến, cho phép Chiêu Vũ cứ giữ lấy mà dùng[488].
[488] Việc Trịnh Tạc đưa thư dụ hàng Chiêu Vũ là chuyện có thực. ĐNTLTB chỉ chép gọn vài dòng: “Trịnh Tạc bèn sai người mang một gói trân châu, năm khối vàng mã đề và mật thư đưa cho Dật để dụ hàng. Hữu Dật được thư cả giận trả lời rằng: “Tháng sau xin vương đem quân tiếp tôi ở trên song.” Sứ Trịnh đi rồi, Hữu Dật liền đem bức thư và đồ vật của Trịnh Tạc biếu để báo lên... Chúa Nguyễn Phúc Tần trả lời rằng: “Ta vẫn biết khanh trung thành, lễ vật của họ Trịnh, khanh cứ nhận lấy đừng hiềm nghi bận lòng.”
Tú Minh vái tạ vâng lệnh trở ra Nghệ An trình lại với đốc chiến Chiêu Vũ mọi lời truyền bảo của chúa. Chiêu Vũ cả mừng bèn sắp xếp mọi việc để đón đợi người của bên Trịnh.
Lại nói Tây Định vương Trịnh Tạc từ khi sai bọn Triều Hữu, Liêm Thanh đem lễ vật và mật thư vào dụ dỗ đốc chiến Chiêu Vũ. Chiêu Vũ đã hẹn đến thượng tuần tháng sau dẫn quân về hàng. Tây Định vui mừng khôn xiết nói: “Phen này quân Đàng Trong hẳn sẽ như chim gẫy cánh, chẳng có gì đáng phải lo ngại nữa.” Tây Định vì thế háo hức mong chờ. Ngày giờ thấm thoắt chẳng mấy chổc đã cuối tháng, vẫn chưa thấy có tin tức gì. Một hôm bỗng thấy người xứ Sơn Tây tên là Vi Xuyên về kinh đô tâu báo rằng:
- Cha con kí lục Hồ âm mưu chiêu dụ binh dân, danh tướng bốn phương làm nội ứng, thường vẫn có thư từ qua lại thông mưu với các tướng của Nam triều, ước hẹn ngày tháng để quân Nam đem quân vượt ra phía bắc sông Lam. Bấy giờ chúa thượng sẽ phái quân vào chặn địch bỏ ngỏ kinh đô, bọn kí lục Hồ sẽ dấy quân nổi loạn để khiến cho quân triều đình trước mặt sau lưng đều gặp địch. Sau khi thành công, bọn họ sẽ cùng chia đất xưng vương như thời loạn Mười hai sứ quân ngày trước.
Tây Định vương Trịnh Tạc nghe xong cả giận, sai tham đốc quận Hào đem quân đi vây bắt toàn gia cha con kí lục Hồ giao cho ty đình úy xét hỏi. Kí lục Hồ không chịu nổi cực hình phải khai nhận hết sự việc. Bọn đình úy lại hỏi kí lục Hồ kết bè đảng tất cả bao nhiêu người? Kí lục Hồ mím miệng không đáp. Con kí lục Hồ là Tú Phượng nhảy phắt dậy nghiêm giọng nói rằng:
- Các ông bất tất phải tra khảo, để tôi nói rõ cho các ông biết: dân chúng đều đồng tình coi bè lũ của chúa Trịnh như lang sói làm hại sinh dân, giết mẹ bức cha, hãm hại kẻ bề tồi trung thực, trời người đều căm tức, quỷ thần đều muốn tru diệt đi, bốn phương trăm họ ai nấy mong ăn gan xé xác, há phải chỉ riêng bọn ta đâu? Bọn ta chỉ muốn phanh thây nghịch Trịnh thành trăm mảnh để nguôi tức giận, ấy là ý muốn tự trong lòng bọn ta, có cần gì phải âm mưu kết bè kết đảng? Việc ấy vốn chỉ do cha con bọn ta đây mà thôi, không can dự gì đến người khác. Chẳng may mưu cơ tiết lộ, âu cũng là lòng trời chưa muốn diệt họ Trịnh vậy.
Tú Phượng nói xong, nhảy chồm tới định cướp thanh kiếm của một tên đình úy để giết quận Hào. Vệ sĩ của quận Hào vội bắt giữ, trói riêng cha con kí lục Hồ mỗi người một nơi rồi vào bẩm với chúa Tây Định. Trịnh Tạc cả giận hạ lệnh đem cha con kí lục Hồ chém ngay tại chỗ rồi đem bêu đầu ở chợ để thị uy với dân chúng. Sau đó Trịnh Tạc lại xuống lệnh bắt giết cả ba họ nhà kí lục Hồ, già trẻ lớn bé đều không tha sót một ai. Thương thay cho hơn ba chục con người phải chịu chết làm ma không đầu thây vất đầy đường ngõ, mùi tanh hôi nồng nặc không ai chịu nổi. Ấy là sự việc vào ngày bảy tháng năm. Dân chúng ở kinh đô và bốn trấn đều nhao nhao bàn tán, ai nấy rơi nước mắt thương xót cho tình cảnh của cha con kí lục Hồ. Người đương thời có thơ than rằng:
Mây sầu oan khí thấu không trung,
Uổng khiến anh hùng huyết lệ hồng.
Giang bắc ngô đồng vèo lá rụng,
Sơn Tây vầng nguyệt lửng cao không.
Kì tài chửa kịp thân đà thác.
Tráng chí vẫn còn mệnh đã xong!
Ảnh hình chăng có danh không mất,
Trời trăng soi tỏ sáng vô cùng.