Nam triều công nghiệp diễn chí - Chương 26 - Phần 2

Bấy giờ thủ bạ Đông Triều thưa:

- Quân Bắc nói phao lên là có mười tám vạn vào xâm phạm cõi ta. Thần liệu xét thì quân Trung đô chỉ có từ mười vạn trở xuống chứ không nhiều hơn, huống chi khắp bốn trấn đều đang có quân làm phản. Nay Tây Định đem quân vào xâm lấn, ước chỉ khoảng từ bảy vạn đến chín vạn mà thôi. Hạng tinh binh ở lại giữ Trung đô bất quá chỉ còn hai vạn, có lấy thêm hương binh cũng chỉ được chừng một vạn nữa là cùng. Bọn họ làm sao dám bỏ nước trống không mà dốc quân vào đây? Còn như nói mười tám vạn thì e rằng đó chỉ là nói không thật đúng số. Thần có một kế gọi là phép “lấy rỗng, phá rỗng.”

Hiền vương nghe nói cả mừng, nói:

- Kế như thế nào, khanh mau trình rõ.

Thủ bạ Đông Triều nói:

- Số quân của ta đã có mười sáu vạn, xin chọn thêm mười vạn hương binh nữa, cộng là hai mươi sáu vạn, đủ sức chặn đánh quân Bắc, không có gì phải lo lắng.

Hiền vương nghe xong có ý nghi ngại nhưng chỉ lặng yên không nói. Thủ bạ Đông Triều biết ý bèn đi đến bên cạnh nói nhỏ với chúa rằng:

- Hai nước tranh chấp nhau tất có kẻ do thám đi lại. Nói là mười sáu vạn quân chỉ là lời nói hư trương của thầm mà thôi. Xin chúa thượng cứ dương ngôn là giao cho thần tuyển thêm mười vạn quân, thành tất cả là hai mươi sáu vạn, vương thượng đích thân thống lĩnh hai mươi vạn đi đánh, còn sáu vạn đóng giữ các cửa biển và bãi cát Trường Sa. Lại sai viết tờ lệnh truyền cho các viên cai cơ, cai đội, đội trưởng tuân theo mệnh lệnh đem quân đi tiễu trừ quân Bắc, cứ nói phao lên như thế để lừa quân địch. Quân Bắc nghe biết sẽ kinh hồn bạt vía, không đánh mà cũng tự tan rã. Ngu ý của thần như thế, cúi xin thánh thượng x đoán.

Hiền vương nghe xong cả mừng vỗ chiếu cười nói:

- Kế ấy rất diệu, phải cho thi hành ngay!

Thủ bạ Đông Triều vái tạ tuân lệnh. Hiền vương cho bãi chầu.

Ngày hôm sau ra ngự sớm ở gác Quyển Bồng, triều thần đều đến chầu đông đủ. Lạy mừng xong, vương bèn truyền lệnh cho thủ bạ Đông Triều sai ty tướng thần lại phái người đến các phủ huyện ở hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam chọn thêm mười vạn hùng binh để cho đủ số hai mươi sáu vạn và viết lệnh chỉ truyền cho các chức cai cơ, cai đội, đội trưởng đem quân đi chặn địch. Nếu ai lười biếng trái lệnh sẽ trừng trị theo phép nước. Rồi đến ti tướng thần lại bàn việc tuyển quân. Lại lấy năm trăm tờ giấy trắng sai người viết lệnh. Lại truyền cho các viên đội trưởng nội thủy cùng các chiến thuyền đến ngày mồng chín đến gác Quyển Bồng để nhận lệnh.

Đúng sáng ngày mồng chín, Hiền vương ngự ở gác Quyển Bồng, thủ bạ Đông Triều truyền cho các tướng nhận lệnh. Các tướng vái tạ nhận lệnh rồi ra khỏi triều, trở về bản doanh sửa sang quân nhu, khí giới, sẵn sàng xuất quân. Hiền vương lại truyền lệnh cho các tướng chỉnh điểm binh mã, thủy bộ ba quân chọn ngày hai mươi ba tháng ấy phát quân đi cự địch. Sai sáu vạn hùng binh đóng giữ các cửa biển cùng bãi cát Trường Sa. Các tướng tuân lệnh sửa sang khí giới voi ngựa, chiến thuyền, đạn dược đợi lệnh tiến quân.

Bấy giờ do thám của quân Bắc dò biết tình hình điều quân của chúa Nam bèn luôn đêm lén về Bố Chính bẩm với Tây Định vương:

- Chúa Nam phát hai mươi vạn quân chặn đánh quân ta. Còn sáu vạn hùng binh thì điều đến mai phục ở các cửa biển và bãi cát Trường Sa để sẵn sàng đánh úp khi thủy quân bên ta đổ lên bờ. Về các tướng tá chỉ huy thì như thế, như thế.

Tây Định nghe xong cả kinh, bèn truyền lệnh cho các tướng:

- Nay quân Nam đông hơn quân ta, các ngươi phải đề phòng cẩn thận, không được sơ suất, nếu không sẽ trúng mưu kế của địch.

Lại truyền cho nguyên súy thủy quân Phú quận công dẫn thủy quân đánh chiếm các nơi trọng yếu ở cửa biển gần bãi cát Trường Sa phải thăm dò cẩn thận, không vội đổ quân lên bờ để khỏi bị quân địch đánh úp. Thế là Phú quận công Trịnh Căn vâng lệnh chỉ đồn trú thủy quân ở sông Gianh, không dám khinh động tiến phát.

Người đương thời có thơ khen thủ bạ Đông Triều như sau:

Bắt quân muôn vạn dậy hùng uy,

Ruổi gấp về Nam ngựa chiến phi.

Đạo Tế đếm cờ quân thêm mạnh,

Ngu Công tăng bếp địch càng nghi.

Quân kia trông thấy liền kinh khiếp,

Nước tổ lo gì kẹt thế nguy.

Trời biết triều ta rồi gặp nạn,

Đã cho thủ bạ[541] phép thần kì.

Lại nói Hiền vương chọn ngày hai mươi ba tháng ấy làm lễ tế cờ đạo[542] trước khi xuất quân. Lệnh cho cai cơ Quyền Tín đem ba cơ quân thủy cùng đội chiến thuyền hữu binh đóng giữ ở cửa biển Tu Dung. Cai đội Tín Mỹ dẫn đội chiến thuyền hậu thủy đóng giữ ở cửa Nại Hải, cai đội Mỹ Tài dẫn cơ chiến thuyền hậu thủy đóng giữ ở cửa Từng Luật, tri huyện của năm huyện dẫn hương binh đến đóng giữ ở các cửa biển dọc bãi cát Trường Sa. Đến ngày hai mươi lăm, Hiền vương ngự giá thống lĩnh đại quân thủy bộ tiến phát.

[541] Thủ bạ: chỉ Trần Đình Ân.

[542] Cờ đạo (đạo kì): lá cờ lớn bên trên có chùm lông trĩ, vốn là cờ cắm bên xe vua, thường giao cho tướng cầm quân xa trận.

Chỉ thấy:

Xe cộ dồn dồn, cờ rồng phướn hổ uy nghiêm,

Tàn lọng ngời ngời, giáp sắt mũ vàng chói lọi.

Kiếm kích soi sao sáng, thuyền chiến ánh sơn xuyên,

Quân thủy bộ tựa mây dồn khói tụ, ngựa voi dàn chật núi đầy đồng.

Thế quân đầu uy tráng, hiệu lệnh thật nghiêm hùng,

Một trận ti hổ xua quân Bắc, muôn năm rồng phượng mạnh trời Nam.

Ngày hôm ấy thủy quân tiến đến đồi cát Hải Cố, bỗng có trận gió lớn từ phía tây nam nổi lên, cát bụi bốc mù mịt, sóng dâng ngút trời, chiến thuyền lướt gió tiến lên. Bấy giờ có chiếc thuyền đánh cá dạt vào gần đội thuyền tiên phong, quân sĩ bèn bắt giữ xét hỏi:

- Thuyền của ngươi từ đâu dám đường đột đến đâ

Người trên thuyền đáp:

- Tiểu nhân là người Nghệ An, vì nhà nghèo nên phải làm nghề đánh cá để sinh sống, không may gặp gió lớn đứt neo nên thuyền trôi dạt đến đây, thật lòng tiểu nhân không dám xúc phạm đến đi quân, cúi mong các vị tha lỗi cho.

Quân sĩ bẩm lên cho Hiền vương biết. Vương liền nói:

- Đấy là bọn giặc Trịnh đến nộp đầu!

Nói đoạn bèn hạ lệnh chém bêu đầu để làm điềm đại thắng, truyền cho quân sĩ hò reo lướt tới. Không bao lâu đoàn chiến thuyền đã đến phủ Toàn Thắng ở Cựu Doanh, vương truyền lệnh chia quân đóng trại, khí thế mười phần uy nghiêm. Vương truyền cho đông cung thế tử Phúc Mỹ hầu dẫn quân ở thủy doanh và ba thủy đội chiến thuyền đóng giữ ở cửa Yên Việt. Lại sai cai cơ Thái Sơn dẫn cơ ngũ dực, cai cơ Thuận Trung dẫn cơ nội bộ và các thuyền đường sông tiếp đến đóng giữ thành Trấn Ninh. Các tướng ai nấy phải tự lo liệu chỉnh đốn binh sĩ, khí giới đế đánh giặc.

Lại nói bên quân Bắc, Tây Định vương Trịnh Tạc từ khi đem quân đến đánh ở châu Bố Chính chưa đánh trận nào, chỉ sai quân đào những đường hầm ngoằn ngoèo, những đường hào rắn lượn sâu chừng năm, sáu thước, từ trong dinh quân Bắc áp sát đến mặt lũy Trấn Ninh để cho quân đánh thành đi lại khỏi bị tên đạn sát thương, làm kế cầm cự lâu dài. Đến trung tuần tháng mười, quân Bắc ở đường thượng đạo do tham đốc Văn Lộc chỉ huy thường sai quân lẻn vào do thám lũy Đồng Hới, qua lại ở núi Mật Cật để dòm ngó tình hình bên quân Nam. Bấy giờ tấn thủ Bố Chính Triều Tín ở trong doanh trông thấy quân Bắc vào ra như vậy bèn triệu tập các tướng trong doanh bàn rằng:

- Bọn nhãi nhép Văn Lộc dám sai quân nhòm ngó bên ta. Ta phải xuất quân bắt sống hắn chém đầu thị uy cho hả giận.

Lúc ấy phí tướng bản doanh là cai đội Vân Trường[543] nói:

- Mổ gà không cần đến đao trâu, xét bọn Văn Lộc chỉ là dúm quân nhỏ nhoi, đại tướng không phải ra tay đối địch. Vân Trường tôi xin lĩnh một độiđến đóng trên núi Mật Cật ém binh mai phục, chờ quân bọn Văn Lộc kéo đến thì chỉ cần một hồi trống là bắt được hắn. Chủ tướng không phải lo ngại nhiều. Nếu không giữ núi đó để bọn chúng chiếm được thì dồn lũy của ta ở sát gần chân núi sẽ bị chúng nhìn rõ như trong lòng bàn tay, thấy bên ta ít quân, tất chúng sẽ tăng quân để chiếm đồn lũy thì quân ta khó giữ nổi. Tiểu tướng xin gắng sức ngựa hèn, quyết liều chết để báo đáp. Xin chủ tướng chớ bận tâm.

[543] Vân Trường: tên hiệu của cai cơ Trương Văn Vân.

Cai đội Hoằng Phương nghe Vân Trường nói vậy liền can:

- Không được! Không được! Núi Mật Cật ở nơi trơ trọi, xung quanh là đất bằng không có cây cối để đặt quân mai phục. Ta nên dựa vào thế sát núi gần sông, ém quân không lộ tung tích khiến bọn chúng không nghe tiếng động, không thấy khói lửa, thế gọi là “nén giấu tận chín tầng đất mà tung lên tận chín tầng trời.” Như thế mói có thể bắt được bọn chúng. Nay Vân Trường định đem quân lên đóng trên núi Mật Cật, quân Bắc trông thấy biết đội quân ấy thế cô, chẳng khác gì đem dê nhử hổ vậy. Chỉ sợ kết ấy không thành thì trái lại làm mất uy phong của quân ta, mà làm tăng thêm chí khí quân Bắc. Nếu muốn dùng kế đặt phục binh, chi bằng chua quân đến mai phục ở khu rừng rậm sát mặt lũy. Hễ bọn chúng kéo đến thì quân ta đầu động đuôi ứng, đuôi động đầu ứng, tất sẽ thắng được. Việc gì phải đem thân đóng lọt vào giữa vòng vây?

Vân Trường nghe xong xẵng giọng nói to:

- Vân Trường này là con cháu nhà tướng, vốn hiểu biết các phép Lục thao, Tam lược, cách dàn trận bày quân trong binh pháp, trên thông thiên văn, dưới biết địa lí. Nếu đại quân của Tây Định kéo đến, Vân Trường này sợ gì? Huống chi Văn Lộc chỉ là đứa sất phu nhãi nhép ít mưu trí, Vân Trường này phải bắt sống hắn bằng được để tỏ mặt anh hùng hào kiệt. Há như bọn ngươi giữ thói đàn bà sợ chết tham sống, thì đến bao giờ mới dương danh được với hậu thế?

Trấn thủ Triều Tín nghe hai tướng cãi nhau bèn hòa giải:

- Đánh giặc là việc lớn của quốc gia, cần phải suy xét kĩ, anh em không nên tranh chấp nhau làm mất hòa khí. Đó không phải là đạo của kẻ nhân thần.

Rồi Triều Tín lệnh cho cai đội Vân Trường đem quân đến đóng ở núi Mật Cật. Vân Trường được lệnh liền đem quân đi ngay, chia đóng giữ các nơi hiểm yếu, sai người chặt cây đốn gỗ, dựng thành rào lũy trên đỉnh núi. Ban ngày giương cờ gióng trống, ban đêm đốt khói lửa để thêm thanh thế chế ngự quân giặc. Mấy ngày sau cai đội Hoằng Phương nói với trấn thủ Triều Tín

- Vân Trường là kẻ vô học, không hiểu binh pháp, chẳng biết địa hình, chỉ cậy sức mạnh chứ không có mưu kế, sớm muộn tất sẽ bị quân Bắc vây khón làm lỡ việc nước. Hoằng Phương tôi xin dẫn một đội quân ra khỏi lũy mai phục để sẵn sàng cứu ứng.

Trấn thủ Triều Tín cho là phải liền nghe theo. Hoằng Phương dẫn quân bản bộ lén ra mai phục ngoài lũy.

Tướng bên quân Bắc là Văn Lộc dò biết Vân Trường đem quân đóng trên núi Mật Cật để làm thế dụ địch, cả giận nói:

- Vân Trường là kẻ điên khùng không biết binh pháp, chẳng hiểu trận đồ, đem quân đến đóng ở chỗ núi cô. Ta phải bắt bằng được hắn.

Nói đoạn lệnh cho thự vệ Mẫn Trung, cai đội Vân Dương dẫn hai trăm quân ngay canh hai đêm ấy người ngậm tăm, cờ cuốn cán theo đường khuất lén đến núi Mật Cật chia quân bao vây khắp bốn phía, rồi bất ngờ thốc lên đỉnh núi đốt lửa đánh gấp vào, quyết bắt sống cho được Vân Trường đem về nộp, nếu sơ suất để Vân Trường trốn thoát thì sẽ trừng trị theo quân pháp. Đích thân Văn Lộc sẽ đem đại quân đi tiếp ứng.

Bọn Mẫn Trung nhận kế thi hành.

Canh hai đêm ấy, hai trăm quân Bắc do Mẫn Trung, Vân Dương chỉ huy, nhân lúc trời tối bí mật đến núi Mật Cật theo mưu kế định trước vây chặt núi, trong ngoài kín mít như bưng. Mẫn Trung truyền lệnh cho các quân khi tiến đến đầu núi thì nhất tề đốt đuốc, hò reo xông lên cướp trại. Bấy giờ tướng bên Nam là cai đội Vân Trường đang ở trong trại thấy xung quanh chân núi lửa cháy rừng rực, tiếng hò hét vang trời. Vân Trường cả sợ biết là bị quân Bắc bao vây, vội xua quân ra giao chiến. Thế là trong lúc bất ngờ, quân lính của Vân Trường hoảng hốt xô nhau vứt khí giới bỏ chạy, không sao ngăn nổi, cả đội quân chạy vợi mất quá nửa. Vân Trường ra sức chống cự, chém đầu được hơn mười tên quân Bắc. Khi Vân Trường đã mệt mỏi rã rời, lại nghe khắp nơi quân Bắc đều hô to: “Phải bắt sống Vân Trường đem về báo công lĩnh thưởng.” Vân Trường xiết đỗi kinh sợ, ngửa mặt lên trời than rằng:

- Thần thờ chúa Nguyễn, muốn tròn đạo bề tôi để rạng mặt anh hùng, nêu công danh muôn thuở. Không ngờ mệnh trời như thế, Vân Trường này có sống cũng còn ích gì?

Than xong định rút gươm tự vẫn. Quân sĩ tâm phúc giằng lấy gươm, can rằng:

- Tướng quân được hưởng lộc hậu của nhà chúa thì nên gắng sức báo đền ơn nước. Nay sự đã như thế, âu cũng là thường tình của binh gia. Tướng quân nên mau tìm đường thoát mà về để mưu tính kế khác, cớ sao chịu chết uổng ở đây?

Vân Trường cho là phải, bèn cởi áo bào gấm, nón trận, thay mặc quần áo đội nón như lính thường rồi chạy ẩn vào trong lèn đá. Quân Bắc tranh nhau sục sạo tìm bắt nhưng không thấy Vân Trường. Lại nói đêm ấy tướng bên Nam là cai đội Hoằng Phương đem quân mai phục trong khu rừng rậm trước lũy, thấy ở đầu núi Mật Cật lửa cháy sáng bừng, lại nghe tiếng reo hò mới biết là quân Bắc đã đánh tan quân của Vân Trường ở trên núi. Hoằng Phương vội dẫn quân đến cứu ứng. Vừa đến chân núi thì gặp quân Bắc. Hoằng Phương đốc thúc quân sĩ xông vào đánh lớn. Quân Bắc thấy viện binh của quân Nam bất ngờ ập đến, không biết nhiều ít ra sao, ai nấy vội rẽ gai lướt cỏ chạy xuống núi tìm đường chạy trốn. Thấy Vân Trường mặc quần áo lính thường đang ngồi bên tảng đá, quân Bắc tưởng đó cũng chỉ là tên tiểu tốt bên quân Nam, bèn xẻo lấy đầu mũi rồi bỏ chạy. Khi xua quân đuổi theo, từ xa Hoằng Phương đã trông thấy Vân Trường bị quân Bắc xẻo mũi. Nhưng thình lình đại quân của Văn Lộc tiến đến tiếp ứng, Hoằng Phương thấy quân Bắc quá đông bèn thu quân, cứu Vân Trường đưa về lũy.

Trấn thủ Triều Tín cả giận trách mắng Vân Trường:

- Trước quân thì ngươi khua môi múa mép, mắng nhiếc các quan. Nay làm hao tổn quân sĩ, chuốc nhục vào thân như thế, còn có gì đáng nói nữa.

Vân Trường cúi đầu than rằng:

- Tướng để quân thua, thật không còn gì dám nói. Tôi chỉ một chết không oán thán.

Trấn thủ Triều Tín nói:

- Cái đầu của ngươi, ta hãy tạm gửi trên cổ đó! Để đợi bẩm lên thánh thượng biết rồi sẽ hay.

Rồi Triều Tín sai người về triều bẩm việc Vân Trường để thua quân như thế. Hiền vương nghe xong nói với triều thần:

- Tội của Vân Trường, phép quân không thể dung tha. Nhưng Vân Trường là người đầu tiên ở xứ Nghệ An đã ứng nghĩa theo làm bề tôi ở bên ta,hinh chiến trong hơn năm, sáu năm, từng lập nhiều chiến công. Con người Vân Trường khá có dũng lược, như bàn việc tranh giữ núi Mật Cật thì rất có lí, nhân đó mới cậy sức mạnh mà không có mưu trí, định làm cho rạng vẻ anh hùng nên mới đến nỗi như thế. Xét công trước để chuộc tội sau, kể cũng đáng tha thứ.

Vương bèn xuống lệnh tha tội cho Vân Trường, vẫn cho giữ chức cai đội như cũ, hàng năm cấp một trăm quan tiền để nuôi dưỡng đến trọn đời, cho phép trở về Phúc Tuy dưỡng bệnh. Các tướng biết chuyện đều không ngớt lời ca tụng đức độ của Hiền vương, bảo nhau:

- Thánh thượng xét công của kẻ thần hạ như thế thật đúng là bậc quân vương nhân từ.

Người đương thời có thơ vịnh như sau:

Ngời ngời thánh đức rạng trời Nam,

Giáo hóa muôn phương ức vạn năm.

Nhân tựa Thuấn Nghiêu tràn khắp chốn,

Đức như Thang Vỹ gội thấm dầm.

Suy công chuộc lỗi ơn ban xuống,

Xét cũ biết nay bậc khác phàm.

Bao thủa minh quân đều một đạo,

Sân triều văn võ chúc muôn năm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3