5. Gửi những người không quen tôi
Gửi những người không quen tôi
Tôi là Hà. Cún là tên bà nội đặt cho tôi 6 tháng trước khi tôi ra đời. Bà đã đi mà không kịp gặp mặt tôi. Và lúc đấy bà vẫn tưởng tôi sẽ là thằng cháu đích tôn của dòng họ. Thế nên gia đình nuôi dạy và rèn tôi không theo cách thông thường dành cho con gái. Vì nhà tôi còn một anh họ và một em họ cũng dùng tên ở nhà là Cún, nên mọi người gọi tôi là Cún Hà để phân biệt với anh và em tôi. Còn Hà Cún là một (hay những) cô gái khác.
Tôi 23 tuổi. Tôi chưa dám nhận mình trưởng thành, nhưng ở tuổi tôi người ta không còn được phép trẻ con và bồng bột để mắc sai lầm và chờ mong sự bao dung, tha thứ. Vài năm trước, tôi có thể cho phép mình ham vui, nhưng bây giờ thì không. Tôi phải giữ gìn, không phải chỉ cho bản thân mình, mà trước hết là cho bố mẹ ‐ những người đã tặng tôi cuộc sống, những người mà tôi biết, nếu tôi đau một thì người ấy sẽ đau mười.
Tôi đi làm sớm, từ năm đầu đại học. Đấy là lý do vì sao tôi có nhiều mối quan hệ, cho tới ngày hôm nay, và ở vị trí này. Tôi đi làm không phải vì hoàn cảnh bắt buộc, bởi bố mẹ tôi tuy cũng chỉ là công chức nhà nước, nhưng cũng vẫn chắt chiu dành dụm đủ để lo cho tôi ăn học đàng hoàng. Trong lúc bạn bè cùng trang cùng lứa chỉ cần học hành, vui chơi, shopping, du lịch... thì tôi đi làm. Nhưng tôi không thấy thế là khổ. Bởi tôi tìm thấy niềm vui khi được lao động, được thấy là mình có ích, và được cảm nhận đồng tiền tay mình làm ra có giá trị như thế nào.
Tôi kiếm được đồng tiền đầu tiên năm lớp 6: đi thi đấu Pencak Silat và được huy chương. Vậy là có tiền ‐ một món tiền nho nhỏ nhưng quý với tôi tới mức không muốn tiêu. Đấy là lần đầu tiên tôi biết ý thức về việc tự tay mình làm ra tiền. 16 tuổi tôi bắt đầu làm mẫu ảnh, chụp quảng cáo thời trang cho các nhãn hiệu và các tạp chí. Túc tắc túc tắc, có đồng ra đồng vào tiêu vặt, mua cái quần cái áo. 18 tuổi, vào đại học, tình cờ tôi được mời đi dẫn chương trình cho đài truyền hình. Thế là tôi thành MC, mỗi tuần lên hình vài ba buổi. Thế là có thu nhập ổn định, bố mẹ không phải chu cấp cho tôi nữa. Những năm tiếp theo ngồi trên giảng đường, qua những lần làm chương trình, tôi được người ta biết và mời làm presentator cho một đơn vị để đấu thầu một dự án truyền thông cho Bộ Y Tế. Đơn vị đấy thắng thầu, tôi được người ta tin tưởng, mời vào làm cùng trong dự án này. Công việc mới mẻ, nhưng làm tôi háo hức. Chưa có kinh nghiệm, tôi vừa làm, vừa học, vừa va chạm để tự rèn cách xử lý tình huống cho mình. Quãng thời gian này dạy cho tôi nhiều điều. Rồi tôi ra trường, chia tay với nghệ thuật để bắt đầu một công việc ổn định cho mình. Tôi may mắn gặp được những người anh, người chị tốt bụng, tạo điều kiện cho tôi hòa nhập với môi trường mới và phát huy khả năng của mình. Công việc làm tôi say mê. Nó còn giúp tôi nhận ra rằng sự chăm chỉ là xương sống của mọi thành công, chứ không phải sự may mắn. Và đến ngày hôm nay, tôi vẫn làm việc bằng 3 ‐ 4 người khác để kiếm gạch xây nên thành hình hài cuộc sống mà tôi vẫn mong muốn. Cái gì đến dễ thì đi cũng dễ. Nên tôi cứ đi chậm thôi, nhưng mỗi bước đi phải chắc chắn. Tôi không sốt ruột, không bứt rứt vì những thứ người khác có mà tôi chưa có. Tôi cũng không sĩ diện, nhận vào mình những thứ không phải do mình làm ra. Và tôi cũng đủ tự trọng để không nhận những thứ làm cho giá trị con người mình tỷ lệ nghịch với giá trị của thứ mà người ta tặng mình.
Tôi không hoàn hảo. Tôi đầy khuyết điểm. Có những cái người thân biết, có cái chỉ mình tôi biết. Tôi vẫn đang cố để sửa những cái không tốt ở mình, dù chẳng có gì là dễ. Tôi sợ nhìn người khác không vui, và sợ nhất là chính mình làm người khác buồn, nên tôi thường cố gắng để làm vừa lòng những người xung quanh mình. Nhưng chắc chắn có cố đến mấy cũng làm không xuể được. Đấy là thực tế, và tôi phải chấp nhận. Nó cũng như việc chấp nhận chuyện tất yếu có người ưa hay không ưa tôi. Tôi không toàn vẹn, nhưng tôi không muốn làm người xấu. Đừng biến tôi thành người không tốt. Tôi rất nhớ một câu trong Shrek: ʺĐừng vì người khác nghĩ bạn là quái vật, mà bạn lại cũng tin vào điều đó...ʺ. Tôi không thể can thiệp vào con mắt của người ta nhìn mình, hay cái tai của người ta nghe về mình. Những câu chuyện vu vơ, những câu nói vô tình là ảo, nhưng cái đau mà nó mang đến là thật. Rất thật. Chút một chút một thôi, nó không đánh gục tôi theo cách như nhúng tôi vào cả nồi nước sôi trên bếp, mà dồn dập và rát buốt như trăm giọt dầu sôi bắn li ti... Từng cái một ngấm dần... Ban đầu chỉ hơi rát rát, nhưng càng về sau càng buốt, càng nhức nhối.. Tôi không yếu đuối nhưng tôi không biết mình đủ cứng rắn để chịu đựng hay đối diện tới bao giờ.
Lời nói cứa vào lòng đau hơn dao cắt. Bạn đã bị bao giờ chưa? Tôi hy vọng là chưa. Dù bạn là ai, đã từng làm những điều đấy với tôi hay không, tôi cũng mong không bao giờ bạn phải trải qua cảm giác này.