6. Giỗ Ông
Giỗ Ông
Cám ơn tai nạn phim trường, hôm nay mình được một ngày nghỉ. Lại đúng ngày giỗ Ông Nội. Mới tí thôi mà đã đau mất ngủ, thế mới hiểu ngày trước Ông chịu đựng thế nào. Thương và nhớ Ông nhiều. Từ hồi Ông đi, cháu không làm sinh tố na cho ai nữa. Cháu nhớ lắm khay cơm bé tí nấu riêng cho Ông, Ông ăn cả nhà không tính bằng bát, mà ngồi đếm từng thìa.. Hồi cháu bé thì Ông nấu cơm cháu ăn, vì bố mẹ đi làm vất vả ngược xuôi, buổi trưa không về được với cháu. Cháu còn nhớ 100 bữa vẫn như một, vì Ông biết cháu dễ ăn, cái gì cũng ăn được nhưng thực sự chỉ thích có mấy món đấy thôi. Lúc Ông ốm rồi, cháu bảo nhớ canh khoai sườn Ông nấu thế, chẳng ai nấu như Ông cả. Ông bảo ừ rồi
Ông khỏe Ông lại nấu cho ăn. Cháu nghe vừa vui mà lại buồn. Vì cháu hiểu ngày đó có đến được nữa đâu.. Cháu nhớ như in lời bác sỹ khuyên nhà mình: ʺSống ít nhưng thoải mái, còn hơn kéo dài mà phải chịu đựng..ʺ. Câu nói đấy ám ảnh cháu lắm, nên bây giờ cháu chỉ muốn sống đến 60 tuổi thôi, mà cũng chẳng biết có tới được lúc đó không. Cơ thể cháu, cháu hiểu.
Ông đã chiến đấu thật kiên cường. Bác sỹ bảo nỗ lực lắm thì nhà mình có thể giữ Ông được thêm 6 tháng, vì nó đã chạy lung tung quá mất rồi. Mà nhất là đau ở chỗ đó là cái đau dữ nhất, kinh khủng nhất, nó hành hạ con người tới mức mơ được giải thoát bằng cách ngủ luôn không dậy nữa. Nhưng Ông đã trụ được tới 3 năm. Bác sỹ nói ở tuổi Ông thì đó là điều phi thường. Bác sỹ cũng bảo, những người bị thế này tính tình đều thay đổi, hay cáu gắt, quát tháo om sòm vì trong người đau đớn quá chịu không nổi, dẫn tới ức chế thần kinh. Nhưng chưa một lần nào Ông to tiếng với bất kỳ ai trong suốt hơn 1000 ngày ông chiến đấu với nó. Đã có lúc Ông hơi hơi có sức lại, nhà mình mừng hơn bắt được vàng, song lại hụt hẫng khi thấy nó chẳng kéo dài. Cũng có lúc tưởng Ông bỏ con cháu đi hẳn, nhưng rồi Ông lại về, kể lại giấc mơ vừa trông thấy cây cầu sáng bắc sang bờ bên kia, Ông nhìn thấy người quen năm xưa vẫy Ông qua đấy, nhưng có tiếng gọi bên này nó kéo Ông lại. Ông không phải người mê tín, và lại càng chưa bao giờ tin chuyện thần thánh.. Khỏi nói cũng hiểu con cháu vỡ òa trong sung sướng, như người tưởng chết đuối vừa được kéo lên bờ.
Tưởng mất Ông rồi đau đớn lắm..
Nhưng cái gì phải đến rồi cũng đến, sau một loạt những dấu hiệu báo trước để gia đình kịp chuẩn bị tinh thần. Những giờ phút cuối của Ông nhà mình không ai vắng mặt, trừ em Giang đi học bên kia không kịp đặt vé về. Em Giang đã buồn vì chuyện này lắm. Ông Nội đã chứng kiến sự ra đời của cháu. Còn cháu phải tận mắt nhìn Ông đi xa. Không nhà tang lễ, không Văn Điển, vì Ông sợ nhà lạnh. Từ đó tới lúc đưa Ông về với đất quê mình Ông nằm ở nhà, xung quanh Ông là con là cháu, thay phiên nhau túc trực thắp hương với nến và rắc trà cho Ông.
Ông đi rồi, thanh thản, nhẹ nhàng..
Ông mất, cháu bị tai nạn biến dạng mặt mày. Người ta bảo nhà có tang thường hay vận hạn. Và cháu là người được chọn để gánh hạn cho nhà vì ở nhà Ông yêu cháu nhất. Đến giỗ Ông cháu lại bị đau. Nhưng cái đau này chỉ là hạt cát trong biển, so với cái đau không còn Ông nữa.
Cuộc sống là thế, cái gì rồi cũng sẽ tàn, ai cũng sẽ ra đi. Cháu sợ lắm. Cháu không sợ đi, nhưng cháu sợ việc chứng kiến người thân của mình ra đi. Từng người, từng người một.. Cái ý nghĩ đấy làm cháu không thở nổi nữa.. Cháu nhớ trong phim Green Miles có điều này thấm thía lắm, Tom Hanks được tặng một món quà quý là sự trường sinh, nhưng tới cuối đời ông mới nhận ra đấy không phải phần thưởng mà nó chính là một sự trừng phạt.. Cuộc sống sẽ chỉ có giá trị khi mình được ở bên những người yêu thương..