2. Khi người lớn đọc truyện cổ tích

Khi người lớn đọc truyện cổ tích

Khi người ta lớn…

Người ta cáu với những câu hỏi ngu ngơ của trẻ con về hoàng tử, công chúa hay vị vua của đất nước xa xôi.

Người ta bị cuốn vào những vòng xoáy cơm ‐áo gạo ‐tiền như vô số người lớn khác. Để lại trẻ con một mình bên chấn song cửa sổ nhà chung cư cao chót vót hay những lớp học mẫu giáo với bạn bè là những đứa trẻ tự lập từ bé.

Người ta chẳng xếp truyện cổ Grim, Andersen ở những kệ sách thấp hay ở ngay dãy sách đầu tiên mà thay vào đó là những câu truyện tình cảm, những cuốn sách best‐seller. Vô hình chung, trẻ con phải len lỏi giữa những người cao lớn hơn chúng để tìm thấy những cuốn sách dành cho mình. Dù sao thì người bán sách cũng chỉ là người lớn thôi mà.

Nhưng chính những người lớn ấy cũng ngại bỏ tiền ra mua cuốn sách của thời niên thiếu bởi bìa sách thô cứng, giá sách chẳng dành cho trẻ con chút nào. Người lớn có những cuốn sách mỏng hơn, bìa mềm và nhẹ hơn, nội dung cũng hấp dẫn theo cái vẻ hào nhoáng của thời hiện đại.

Nhưng buồn hơn là nhiều trẻ con cũng tập tọe làm người lớn.

Để rồi người lớn kêu gọi người lớn, truyền tay nhau những cuốn truyện cổ tích. Để học sống lại như trẻ con khi bị rơi vào cái bẫy của thời hiện đại. Để những rắc rối, căng thẳng tan biến.

Để hiểu rằng, mình cũng có thể trở thành công chúa chỉ bằng một câu chào: “Xin chào công chúa.”

Để mỉm cười khi một đứa trẻ hỏi: “Công chúa đội vương miện như thế nào hả cô?”, rồi nhiệt tình dẫn cô bé con ấy tới cửa hàng trang sức, váy cưới để chỉ cho cô bé ấy thấy.

Rồi tin rằng, một ngày kia, mình cũng được hoàng tử đánh thức. Cổ tích còn dạy ta cả cách chờ đợi.

Nhưng nhiều hơn là trí tưởng tượng vượt mọi biên giới mà ta sẽ truyền lại cho những đứa con, đứa cháu khi xã hội xô bồ mải chạy theo bằng cấp đã quên mất cách dạy cho trẻ con mơ về thế giới cổ tích.

Nhưng trước hết, người lớn cần phải tin vào cổ tích.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3