Hẹn Đẹp Như Mơ - Phỏng vấn tác giả

Phỏng vấn Phỉ Ngã Tư Tồn - tác giả tiểu thuyết “Hẹn đẹp như mơ”:

“ĐỘC GIẢ NÓI TÔI CÒN ÁC HƠN MẸ KẾ”

Là một cô gái cung Ma Kết, thích ăn bim bim, uống nước cam, mê con trai mắt hí, thích ăn hoa quả, đi du lịch, ít ai có thể nghĩ rằng Phỉ Ngã Tư Tồn lại là tác giả của nhiều tác phẩm với kết thúc buồn, sâu lắng, để lại nhiều day dứt đến như thế.

Không ít độc giả tò mò không hiểu điều gì đã chi phối khuynh hướng sáng tác của nhà văn trẻ này. Quảng Văn đã có cuộc trò chuyện với Phỉ Ngã Tư Tồn để tháo gỡ những thắc mắc trong lòng bạn đọc.

1. Các nhân vật trong truyện của chị đa phần đều rơi vào bi kịch. Điều gì đã chi phối khuynh hướng sáng tác của chị? (Độc giả Four - leaf Clover)

PNTT: Lạc quan. Chính bởi vì tôi rất lạc quan với cuộc sống nên tôi mới viết bị kịch. Tôi cảm thấy mọi bi kịch xảy ra trong tiểu thuyết là được rồi, trong hiện thực cuộc sống nên an lành và bình lặng.

2. Khuynh hướng sáng tác này có liên quan gì với cái nhìn về tình yêu và cuộc sống của chị không? Mỗi lần viết tiểu thuyết bi kịch tâm tình của chị có bị ảnh hưởng hay không? Nếu có, chị sẽ làm thế nào để lấy lại cân bằng? (Độc giả Jinni)

PNTT: Không có đâu, thực ra tôi rất lạc quan về tình yêu và cuộc sống, chính bởi vì bản thân mình lạc quan nên tôi mới mang toàn bộ tâm trạng bi quan vào trong tiểu thuyết! Mỗi lần viết tiểu thuyết bi kịch tôi đều cảm thấy rằng, so với cácnhân vật trong đó thì tôi sống rất hạnh phúc. Ha ha.

3. Nhiều độc giả gọi chị là "mẹ kế" của nhân vật vì chị thường đẩy nhân vật của mình vào bi kịch? Chị nghĩ thế nào về nickname này? (Độc giả Hà Phương)

PNTT: Đúng thế, ý của độc giả là "Sao chị còn ác hơn cả mẹ kế thế... dù sao thì đó cũng là tác phẩm chị viết cơ mà”. Có điều bây giờ tôi quen với nick name này rồi, cảm thấy cũng thích lắm!

4. Nhiều độc giả cho rằng chị và một số tác giả khác như Tân Di Ổ đã bi kịch hóa cuộc đời, dìm số phận nhân vật của mình vào nỗi đau thương. Vậy nên, đọc quá nhiều những câu chuyện như thế sẽ khiến độc giả bi quan, mất niềm tin vào cuộc sống. Một số khác thì cho rằng, truyện buồn cho độc giả những giây phút lắng đọng rồi hướng người ta đến sự lạc quan yêu đời, bởi thấu hiểu càng nhiều mất mát, người ta càng trân trọng những gì mình đang có. Vậy theo chị, ảnh hưởng của các tác phẩm của chị sẽ nghiêng về ý kiến nào? (Độc giả Tiểu Châu)

PNTT: Tôi thấy giống ý kiến thứ hai hơn, bởi vì trong tiểu thuyết có nhiều số mệnh bi thảm như thế nên chúng ta mới nhận ra rằng, nên quý trọng cuộc sống của mình, quý trọng tất cả mọi thứ mà mình có.

5. Giả sử tác giả là Giai Kỳ, và Mạnh Hòa Bình cùng Nguyễn Chính Đông đều sống, đều yêu Giai Kỳ hơn cả mạng sống của mình thì tác giả chọn Mạnh Hòa Bình hay Nguyễn Chính Đông? Vì sao? (Độc giả Yukomaro)

PNTT: Đây là một mệnh đề giả sử, nếu Nguyễn Chính Đông không phải sớm muộn cũng chết thì Giai Kỳ sẽ không bắt đầu với cậu ấy. Nếu không có bắt đầu vậy thì cũng không thể có về sau, vì thế đây là một mệnh đề giả sử mãi mãi không có câu trả lời.

6. Trong bảy cuốn tiểu thuyết được dựng thành phim của chị là "Đình không tĩnh lặng xuân sắp muộn”, "Không kịp nói yêu em", "Thiên sơn mộ tuyết", "Hẹn đẹp như mơ", “Gấm rách”, “Đông cung”, “Mê vụ vi thành”, xin hỏi chị hài lòng nhất với bộ phim nào? (Độc giả Jini)

PNTT: Trong năm bộ phim truyền hình trên tôi đều có chỗ hài lòng và có chỗ không hài lòng. Ví dụ, trong “Hẹn đẹp như mơ" tôi rất hài lòng với một số chi tiết nhưng cũng không vừa ý với một số chi tiết bị thay đổi. Còn trong "Không kịp nói yêu em” tôi lại rất vừa lòng với một số chi tiết được cải biên, cảm thấy những chi tiết đó không thể diễn đạt bằng những con chữ trong tiểu thuyết được, tuy nhiên một số hoạt cảnh thay đổi ở tình tiết khác lại thấy không cần thiết. Có điều trên thế giới này chẳng có điều gì thập toàn thập mỹ cả, bất cứ tác phẩm nào cũng có sạn, không thể hoàn thiện hết được. Giống như năm cuốn tiểu thuyết này, sau khi viết xong và nhìn lại, có chỗ tôi cảm thấy vô cùng hài lòng, cũng có chỗ khiến tôi cảm thấy không thể nào hài lòng được, vì thế không có khái niệm vừa lòng nhất. Cảm ơn.

7. Bi kịch là bày ra trước mắt bạn những điều tốt đẹp, rồi xé nát từng chút một, bạn nhìn nó sụp đổ, bị hủy diệt, mất dần hình thể, nhưng không có cách nào vãn hồi". Tôi cảm thấy câu này rất phù hợp để miêu tả các tác phẩm của Phỉ Ngã Tư Tồn. Liệu đó có phải là tôn chỉ viết tiểu thuyết của Tư Tồn không? Phỉ Ngã Tư Tồn được coi là Bi tình tiểu thiên hậu trong tứ tiểu thiên hậu của tiểu thuyết ngôn tình, chịcó quan điểm như thế nào về cái tên này?

PNTT: Không phải, thực ra tôi có viết tiểu thuyết đại đoàn viên, ví dụ như "Cảnh niên tri kỷ thời”. Thực ra, tôi cảm thấy mình không thể coi là bi tình, càng không thể gọi là thiên hậu. Đây chỉ là nickname mọi người yêu quý tặng cho tôi thôi. Tôi hy vọng mình là một người viết văn, những cuốn sách mình viết ra sẽ được mọi người đón nhận, đây là mong muốn lớn nhất của tôi. Quảng Văn (thực hiện)

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách

Sienna - Nhocmuavn

(Duyệt – Đăng)