Kí Ức Của 1 Người Lính Trinh Sát Sư 307 (Phần 3) - Chương 09 - 10 - 11 - 12

PRẾT - VI - HIA MÙA KHÔ 1979.

Đầu tháng 4/ 1979, sư đoàn 307 bước vào giai đoạn củng cố lực lượng và xây dựng thế phòng thủ chiến lược. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phối thuộc cùng f309 giải phóng và truy quét tàn quân địch ở Mundunkiri, trung đoàn 94 về lại đội hình sư đoàn 307, sư đoàn 309 bằng đường không và đường bộ đã lật cánh sang MT479 cùng với e726 của Đắc Lắk (hay Gia Lai?), thay thế khu vực này là sư đoàn 2 chủ lực quân khu 5, đơn vị có truyền thống “cho thuê” chi viện cho các mặt trận ngoài Quân khu 5, vừa nghi binh rút khỏi đội hình Quân đoàn 4, về nước bằng đường không lẫn đường bộ, sau đó vòng lại truy quét chiến trường Đông bắc, qua ngõ Quốc lộ 13 Tây Ninh – Stungtreng – Vonsai – Konhek (đơn vị của các bác Hungnt E1F2, Vutrieuduong E1F2) đồng thời với việc tăng cường lực lượng từ hậu phương sang như sư đoàn 315 (đơn vị của bác dongminhkh) được bố trí đến bờ sông Mê Kông, trung đoàn 20 CANDVT tăng cường cho tỉnh Preah Vihear, các đoàn chuyên gia được thành lập từ đoàn 5501 đến đoàn 5504. Đoàn 5504 phụ trách địa bàn tỉnh Preah Vihear, căn cứ đoàn bộ ở thị xã Kulen và Phnom Thbeng, chịu trách nhiệm từ Rovieng giáp với lực lượng của QK7 (tỉnh Congpong Thom) và đến núi Hồng của f302 QK7. Bản đồ tác chiến của mặt trận 579 ở Phòng Tham mưu f307, chằng chịt các kí hiệu di chuyển và bố trí quân, tình hình chiến trường lúc đó yêu cầu tính khẩn trương cao độ của toàn MT579.

Tiểu đoàn 210 (e20 CANDVT) được đưa vào thay thế cho d1 e95, trấn thủ chùa Preah Vihear, đội hình d1 e95 được chuyển về địa bàn Phum Kamtuot (c1 ở hướng đông, c2 do quân số còn ít tăng cường thêm c4 bố trí tại Phum Char, c3 bố trí ở ngầm Saem là giao lộ của đường 69 và 120, khối d bộ bố trí trong Phum Kamtuot). Có sự thay đổi lớn về nhân sự trong thời gian này, Thiếu tá Ma Thanh Toàn e trưởng e95 (sau này là Tư lệnh QK2) cùng một số cán bộ cấp trung đoàn, tiểu đoàn về nước đi học và chuyển vùng, đội ngũ cán bộ cấp b,c cũng về Hòa Cầm - Đà Nẵng học trường quân chính của Quân khu 5, đội ngũ này cuối năm 1979 đầu năm 1980 trở lại đơn vị, thay thế các vị trí do sự thuyên chuyển. Trung đoàn 95 thành lập thêm d10 để bảo vệ khu vực e bộ (d trưởng đầu tiên là Trịnh Minh Hổ sau này là Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Bình Định). Lực lượng trinh sát Sư đoàn lúc này mới thực sự tập trung, chốt ở phía bắc f bộ f307 tại giao lộ 120 và 69 (ngầm Saem), suốt cả hành trình chiến dịch bị chia năm xẻ bảy, anh em trong toàn đơn vị bây giờ mới tập trung, chăm lo củng cố xây dựng đơn vị, trong sư đoàn chỉ có C trinh sát là không có ai thuyên chuyển, vì quân số còn ít, cơ bản sử dụng cán bộ tại chỗ, anh em hầu hết là lính mới nhập ngũ các năm 1977, 1978. BCH đến tháng 9/ 1979 mới bổ sung hoàn chỉnh đủ bốn người, từ các đơn vị của d32 trinh sát QK đi học chuyển về.

Tháng 9/ 1979 sau đợt bổ sung quân số tháng 7/ 1979 bao gồm anh em các tỉnh QK5 (đa số là Khánh Hòa) toàn Sư đoàn bước vào đợt truy quét đầu tiên sau chiến dịch. Được e20 CANDVT hỗ trợ phía sau của địa bàn, mỗi e có một d thực hiện nhiệm vụ này. Vốn gắn bó với e95 ngay từ chiến dịch, tôi được điều về trung đoàn “anh cả” này cùng hơn mười anh em khác. Khó khăn lớn nhất lúc đó của anh em ta là quân trang, hầu như không ai còn bộ quần áo nào lành lặn, nhiều anh em bộ binh phải dùng cả dây kẽm mìn KP2, khâu những đường chỉ đã bị bung, giày vải đã hư toàn bộ, nhìn anh em CANDVT được trang bị giày bata thấp cổ ai cũng thích. Nhìn đoàn chiến sĩ ra đi trong trang bị như vậy, cả Tư lệnh Phạm Bân và Chính ủy Lê Lung không khỏi chạnh lòng, chính Tư lệnh cũng vào kiểm tra công tác chuẩn bị của d1 e95 với đôi giày đã không còn nguyên vẹn.

Cánh quân thứ hai của đợt truy quét là d7 e29 thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Cầu Cháy (giáp với địa bàn của đoàn 5504) về hướng Anlongveng, để có thể hỗ trợ cánh quân của d1e95 từ phía sau, nếu có tình huống không thuận lợi. Để bảo đảm cho bộ đội cơ động nhanh và hiệu quả, vì địa hình truy quét khá khó khăn, phải vượt qua nhiều suối lớn, ta chỉ dùng hỏa lực cá nhân là chính, hạn chế dùng hỏa lực mang vác nặng, đội hình truy quét hướng e29 được hỗ trợ pháo binh của e572 QK5 tại Kulen, và e95, e94 vẫn giới hạn trong tầm pháo chi viện của sư đoàn.

Cánh thứ ba là d4 e94 do mới về lại đội hình sư đoàn, nên nhiệm vụ truy quét có phần hạn chế hơn, đảm bảo địa hình khu vực núi Cụt về đến Choamkhsan cùng với e576 pháo binh của f.

Sau lễ Quốc Khánh 2 – 9 đội hình truy quét của các hướng trong toàn sư đoàn 307 lên đường, giữa những cơn mưa lớn, triền miên của vùng cực bắc Campuchia.

Một nhiệm vụ mới bắt đầu, với muôn vàn khó khăn vất vả ở phía trước.

HÀNH TRÌNH KAMTUOT – NÔNG TRƯỜNG ANLONGVENG. (2)

Ca làm việc của thông tin đã hết, phải chờ đến sáng mới liên lạc ở nhà được. Anh Bửu e95 bàn với tôi về tình huống này, và cuối cùng quyết định bám theo địch, không bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu xem chúng làm gì. Xác định trên bản đồ, chúng tôi đặt tình huống là nếu chúng đi thẳng, thì đội hình chúng không cắt ngang qua d1, cách đội hình d1 đang phục gần 2 km, còn nếu chúng vào Phum thì sẽ đụng phải quân ta.

Bí mật bám theo chúng trong đêm, luôn xác định và theo dõi trên bản đồ xem chúng có chuyển hướng vào đội hình d1 không, ban ngày đi đã khó, ban đêm càng khó hơn, chúng tôi buộc phải bám theo và cách chúng không quá 50 m, có những đoạn do địa hình chỉ còn vài chục mét. Căn cứ vào đội hình địch, chúng tôi phán đoán khoảng hơn một trăm tên nhưng không rõ chúng làm gì, chúng bám theo con đường mòn mà chúng đã đi nhẵn nên chúng đi nhanh hơn ta. Suốt một đêm theo dõi và lúc này chúng tôi thở phào nhẹ nhõm là không đi đúng vào đội hình d1.

Đến giờ mở máy liên lạc buổi sáng, thì chúng dừng lại nghỉ bên một bãi tráng cách d1 chừng 4 km (cả đêm chỉ đi gần 10 km), lúc này chúng tôi mới biết là chúng đang vận chuyển nhưng không hiểu là hàng hóa hay vũ khí. Chúng tôi báo cáo tình hình về d1 và nhận được lệnh phải bám theo địch và liên tục báo cáo về hướng di chuyển của chúng.

Chúng tôi vừa bám theo địch vừa cố gắng bắt liên lạc với d1, đang trên đường hành quân tiếp cận với đội hình địch. Sau giờ giải lao, địch lại lên đường và theo hướng về Choamkhsan.

Hai giờ sau, xác định được hướng hành quân của d1, chúng tôi bắt liên lạc được với đội hình d1, nghiên cứu và cân nhắc tình hình, tương quan lực lượng cũng như vũ khí, lường trước những tình huống xấu có thể xảy ra, nhất là tình huống đây chỉ là lực lượng đi đầu, còn một lực lượng lớn phía sau. Phương án tác chiến được thông qua:

1. Đội hình địch khoảng gần một trăm tên, trang bị bằng AK và vài khẩu AT, không thấy trang bị vũ khí khác.

2. C2 hỗn hợp + khẩu DKZ nhanh chóng cơ động về phía con suối trước đội hình khoảng hơn một kilômét, đưa đội hình vượt suối, phục kích phía bên kia bờ, vì địch sẽ dừng lại để vượt suối, lưu ý khả năng có một lực lượng địch đón nhận hàng phía bên kia suối.

3. Lực lượng còn lại c1, c3 và hỏa lực 12.7 sẽ bám theo địch hai bên sườn và chờ thời cơ nổ súng.

4. Một bộ phận trinh sát và bộ binh nằm lại vị trí theo dõi phía sau địch.

Chẳng hiểu vì lí do gì mà địch dừng lại lâu thế, chắc hơn một giờ đồng hồ, cả bộ phận d1 đều nóng ruột, thủ trưởng Nam nhắc nhở bộ phận trinh sát phía sau cảnh giác, vì có thể chúng chờ đội hình lớn phía sau (nhưng tình huống này cuối cùng không xảy ra).

Khi đội hình địch bắt đầu xuất phát, bộ phận tiền trạm phía trước của c2 hỗn hợp báo về là đã vượt suối xong, không thấy lực lượng nào của địch ở vị trí bên kia suối, ta triển khai đội hình bám theo địch, và có lệnh là bất cứ cánh quân nào bị lộ là nổ súng. Đội hình chúng đi rất co cụm và luôn nói chuyện không ngớt.

Khi đến bờ suối, chúng dừng lại và chuẩn bị vượt suối, nhưng khó khăn là vị trí vượt của chúng cách vị trí c2 phục gần 500 m, nên c2 buộc phải di chuyển theo vị trí đội hình chúng. Nơi chúng vượt là nơi lòng suối hẹp hơn các đoạn khác chỉ chừng vài chục mét, nước chảy rất xiết, chúng đổ một cây dầu đỏ đường kính hơn 1 m, vắt ngang qua suối và chúng dùng rìu đẽo gọt mặt trên của cây, bề mặt tiếp xúc với bàn chân khoảng 50 – 60 cm, có làm dây rừng để vịn tay khi qua suối, sau trận đánh kiểm tra cây dầu đỏ này thì chúng đã đốn chừng vài tháng, vết dầu chảy ra đã cứng lại từng mảng, chúng tỏ chúng đã dùng con đường này vận chuyển nhiều chuyến vào sâu trong nội địa.

Phương án tác chiến lúc ban đầu là chờ lúc chúng đã qua suối khoảng một phần ba lực lượng, thì c2 nổ súng, đồng thời phía hai bên sườn c1,c3 cũng đồng loạt nổ súng theo. Khi quan sát thấy địch co cụm, chủ quan dễ bị tiêu diệt, Thủ trưởng Nam đổi ý định lúc ban đầu: dùng lực lượng c1 và c3 đánh thốc từ phía sau dồn chúng ra bờ suối, c2 chỉ dùng lực lượng nhỏ rải dọc theo bờ suối dùng cách bắn tỉa tiêu diệt, vì khi rớt xuống suối nước đang chảy xiết như thế, khả năng còn sống rất thấp dù biết bơi giỏi, lực lượng còn lại của c2 không động tĩnh để giữ bí mật, chuẩn bị tình huống đoán đánh lực lượng nhận hàng của địch, khi nghe nổ súng chi viện cho bộ phận chuyển hàng.

D trưởng d1 Thủ trưởng Vệ sử dụng khẩu B40 của một chiến sĩ c3 bắn đầu tiên, phát lệnh nổ súng (cự li tiếp cận địch của c3 gần hơn c1), sau đó đồng loạt các loại hỏa lực B bắn vào đội hình để uy hiếp địch và sát thương hiệu quả hơn, sau đó là các loại trung liên và tiểu liên cá nhân. Lực lượng địch bị bất ngờ chỉ bắn về phía ta một trái AT duy nhất và những loạt đạn AK kéo dài chỉ được vài phút (sau này nghe anh em c2 phía bên kia suối kể lại, thì ngay loạt đạn đầu tiên địch đã bị tiêu diệt nhiều, lực lượng nằm lại bờ suối bắn lại ta khoảng vài chục tên, nhưng phản ứng cũng không kịp vì bị c2 bắn tỉa, cùng với một số hoảng quá nhảy xuống suối bị nước cuốn đi).

Một nhóm địch bảy tên (có hai nữ) thấy ta tấn công mạnh quá, co lại gần một ụ mối, khi c1 tiếp cận bờ suối thì chúng nổi lên khóc và ôm chặt vào nhau.

Kiểm tra hàng của địch thì nhiều nhất là mìn KP2 và đạn B40, khổ sở cho anh em ta lại phải vận chuyển ra đường 69 cả mấy tấn vũ khí, để chờ bộ phận phía sau lên giải quyết chiến lợi phẩm, cùng với tù binh địch. Đội hình d1 phải dừng cuộc truy quét lại vì công việc này phải mất vài ngày vì còn phải thông đường về gấn đến Phum Char.

Bộ phận trinh sát tiếp tục lên đường hướng về phía tây để vào khu vực nông trường Anlongveng, chuẩn bị địa hình cho d1 truy quét.

ĐƯỜNG VÀO ANLONGVENG

Từ vị trí d1 dừng chân đến khu vực Anlongveng không còn xa lắm, chỉ hơn một ngày đường, nhưng do địa hình quá phức tạp, nên phải mất hai ngày mới tiếp cận với khu vực Anlongveng. Mưa như trút nước suốt cả ngày lẫn đêm, quân trang thiếu thốn, không ai còn đủ hai bộ quần áo cho lành lặn, do lực lượng quá mỏng trên dưới hai mươi người nên không dám đốt lửa nấu cơm cũng như hong khô quần áo, giày, bít tất. Ban đêm ngủ mặc bộ quần áo khô, phơi bộ quần áo ướt, sáng hôm sau lại mặc quần áo ướt vào, cất bộ khô, ai bị hiện tượng nấm chân ban đêm ngứa không tài nào ngủ được, chưa kể đến anh em bị hắc lào gặp thời tiết và quần áo ẩm ướt ban đêm nằm trên võng đều dạo khúc đầu hòa tấu bài “tiếng đàn Ta lư”…

Anlongveng là một khu vực bằng phẳng, chiều dài khoảng vài chục cây số, từ bìa rừng trong nội địa đến chân dãy Dangrek cũng vài cây số có hơn, khi bộ phận trinh sát tiếp cận cách Phum chính trên dưới 5 km thì gặp một bãi mía ngút ngàn cao quá đầu người, leo lên cây bằng lăng cao để quan sát thấy cả một khu vườn với các loại cây ăn trái, có cả rừng dừa mấy trăm cây trĩu quả. Không vào Phum chính vì lí do lực lượng ít, lỡ gặp địch khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, nên suốt ba ngày liền thay phiên nhau quan sát, ban đêm bò vào Phum nắm tình hình có địch hay không. (Lúc này phải dùng máy thông tin 71 (2 W) mới liên lạc được với SCH e95 và Sư đoàn).

Do tình hình thay đổi so với dự kiến trước đây, bộ phận truy quét được tăng cường thêm lương thực, cũng như trang bị thêm cối 82 để có thể tác chiến dài ngày (lúc đầu là mười ngày cả đi lẫn về). Ngày thứ chín đội hình d1 bắt liên lạc với trinh sát và tiến vào Phum chính. Là một Phum gần biên giới nhưng có thể là một Phum quan trọng nên nhà cửa ở đây đông đúc, không có dấu hiệu của sự hoang tàn, chiều dài của Phum dài hơn 2 km (nghe dân nói đây là một nông trường lớn của Pốt).

Sau khi d1 bố trí đội hình phòng thủ trong Phum hoàn chỉnh, bộ phận trinh sát được nghỉ hai ngày để lấy lại sức sau mấy ngày “cô đơn, độc mã giữa rừng gươm,” anh em ở chung với khối d bộ d1 nên cũng thoải mái đôi chút, tất cả mọi thứ đều do d1 đảm nhiệm từ tuần tra cho đến gác đêm (cái sướng nhất của đời lính).

Kiểm tra dấu vết trong Phum thì vẫn có sự hoạt động của địch, nhiều dấu vết vẫn còn mới, có khả năng địch vẫn lui tới khu vực này. Đài kĩ thuật của f luôn thông báo là có sự di chuyển của địch trong khu vực, và qua trận đánh trước ta bắt tù binh nên cũng khai thác được đôi chút về tình hình của địch.

Đội hình d1 được chia thành hai mũi truy quét do trinh sát e95 đảm nhận, mỗi mũi là C tăng cường, còn một C bảo vệ Phum. Bộ phận trinh sát f không tham gia truy quét cùng với d1 mà có nhiệm vụ tuần tra sát biên giới, nắm tình hình và báo cáo về SCH f.

Một lực lượng gần hai mươi người, trang bị máy 71 (2 W), lương khô mười ngày, trang bị y tế thuốc men đầy đủ, chúng tôi lại lên đường theo yêu cầu của nhiệm vụ, cách xa d1 hàng chục kilômét, bám theo sườn núi phát hiện dấu vết của địch.

HÀNH TRÌNH TRUY QUÉT. (1)

(Từ địa bàn giáp Siemreap đến thượng nguồn suối hai mùa Stoeng Sreng).

Từ Anlongveng cắt về hướng Tây bắc một ngày đường, chúng tôi đến địa phận giáp với tỉnh Siemreap của QK7. Theo nhiệm vụ được giao, chúng tôi bắt liên lạc với bộ phận trinh sát của mặt trận 479, nhưng chờ cả ngày trong phạm vi hơn 2 km2 mà không gặp anh em 479, đành phải quay ngược về hướng đông, bám theo dọc biên giới, men theo rìa các bình độ thấp dưới chân dãy Dangrek (sau này được biết là trinh sát ta gặp địch, thương vong nhiều nên không thực hiện được kế hoạch). Dù cuối mùa mưa nhưng khu vực này quả là nhiều suối, nước từ đất Thái chảy về như thác, nên cũng rất khó khăn để vượt qua các con suối, chỉ có một chiến sĩ quê ở Cam Đức, Cam Ranh - Khánh Hòa không biết bơi, chúng tôi phải đi ngược lên bình độ cao hơn cả mấy giờ liền tìm vị trí thuận lợi để vượt (sau này khi đơn vị trinh sát nhận tân binh phải yêu cầu biết bơi).

Giữa ngày thứ tư của cuộc tuần biên, chúng tôi gặp một kho của địch với nhiều căn nhà tranh, mỗi căn dài gần chục mét nhưng không có vách. Lui lại vài trăm mét, chiếm các vị trí có lợi, bố trí lực lượng chiến đấu và tổ chức bám địch. Suốt cả buổi chiều, năm anh em bám sát mục tiêu nhưng không phát hiện địch, ban đêm tranh thủ trời mưa to ta tiếp cận dãy kho này.

Đây là trạm trung chuyển vũ khí của chúng, hàng trong kho này toàn đựng trong thùng gỗ các loại, một số chúng tôi xác định được như thùng đạn B40, ống thiếc đạn DKZ. Báo cáo về SCH f thì nhận được chỉ thị tiếp tục quan sát xung quanh và chờ lực lượng d1 tới (thông tin được liên lạc 24/ 24).

Khoảng xế chiều ngày thứ sáu, chúng tôi bất ngờ phát hiện hai con voi to trên lưng chở đầy hàng, thấy những thùng gỗ có con số 800 màu trắng, sau đó là một toán Pốt hơn chục tên, quần áo đen có vẻ nhếch nhác, nhiều tên không thấy mang súng, số còn lại chỉ mang AK báng xếp đi vào khu vực kho.

Đến nơi, chúng cho voi dừng lại… dỡ hàng xuống… khiêng, vác đem chất vào kho. Gần tối, có lẽ cũng biết là ta mới đánh chúng cách mấy ngày, nên cũng cảnh giác phần nào, có tám tên mang súng đi vòng quanh kho kiểm tra, có hai thằng chỉ cách anh Hoàng (quê Tư Nghĩa – Quảng Ngãi chỉ hơn chục mét). Không thấy gì, chúng về kho và có mấy thằng mắc võng ở đầu nhà kho. Ban đêm chỉ nghe chúng nói chuyện rôm rả và cười chứ không đốt lửa.

Qua liên lạc, đội hình d1 chỉ có lực lượng c2 là gần chúng tôi nhất, nên vào lúc đó c2 cách chúng tôi hơn 10 km, như vậy phải mất gần một ngày nữa thì c2 mới tiếp cận được mục tiêu.

Lệnh của SCH e95 như sau:

Nếu sáng mai trên đường đi, c2 gặp địch nổ súng không thể đến nơi được. Bộ phận trinh sát được phép tấn công địch nếu thấy thuận lợi, không chờ lực lượng bộ binh. Lưu ý trong trận đánh bằng mọi giá giải quyết tốt chính sách thương binh liệt sĩ, tù binh, hàng binh. Nếu vì điều kiện không thể nổ súng được, cũng cố gắng bám địch, chờ hướng giải quyết của cấp trên. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của Thủ trưởng d1 trong tác chiến. (Câu cuối này hơi bị thừa) Hết.